Tìm hiểu và chia sẻ
đời sống Tin Mừng

Linh Mục Augustine, SJ. phụ trách

Prepared for internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan


 

Ngày 3 tháng 02 năm 2002

Chúa Nhật Thường Niên 4 Năm A

 

Ðọc Tin Mừng Mt 5,1-12a

1 Thấy đám đông, Ðức Giêsu lên núi. Người ngồi xuống, các môn đệ đến gần bên. 2 Người mở miệng dạy họ rằng:

3 "Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ. 4 Phúc thay ai hiền lành, vì họ sẽ được Ðất Hứa làm gia nghiệp. 5 Phúc thay ai sầu khổ, vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an. 6 Phúc thay ai khát khao nên người công chính, vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thỏa lòng. 7 Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương. 8 Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa. 9 Phúc thay ai xây dựng hòa bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa. 10 Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính, vì Nước Trời là của họ. 11 Phúc cho anh em khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa. 12 Anh em hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao.

 

Gợi ý để sống và chia sẻ Tin Mừng

Ðức Giêsu không chỉ dạy ta về các mối phúc.

Chính Ngài nêu gương sống hạnh phúc.

Bài Tin Mừng hôm nay là khởi đầu của Bài Giảng Trên Núi. Qua đó tác giả Matthêu cho thấy Ðức Giêsu quả thật là vị tân lãnh đạo của dân mới của Thiên Chúa. Như xưa ông Môsê từ núi Sinai mang mười giới răn của Thiên Chúa công bố cho dân Ít-ra-en như thế nào, thì nay Ðức Giêsu cũng công bố luật mới của Thiên Chúa như được kiện toàn nơi bản thân Người như vậy. Dân mới của Thiên Chúa bao gồm tất cả những người được Ðức Giêsu mời gọi trở nên môn đệ của Người. Lời mời gọi ấy không loại trừ một ai như thấy rõ qua mệnh lệnh cuối cùng của Ðức Giêsu trước khi về trời, là: "Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em." (Mt 28,18-20).

Ngay với bài giảng đầu tiên này đối tượng đã là quảng đại quần chúng, tuy gần gụi nhất bên cạnh Ðức Giêsu là các môn đệ (c.1), trong đó có bốn người đầu tiên là các ông Anrê, Simon Phêrô, Giacôbê và Gioan, được Ðức Giêsu gọi trong khi hành nghề đánh cá nơi biển hồ Galilê (Mt 4,18-22). Vậy Ðức Giêsu không đòi hỏi người nghe phải là những người có trình độ nào về học thức tuy ơn đức tin đối với Giavê Thiên Chúa phải được hiểu ngầm. Ơn ấy nay phải được nới rộng để qui về Ðức Kitô bởi lẽ Chúa Cha đã trao phó mọi sự nơi Ðức Giêsu. Và không ai biết rõ người Con, trừ Chúa Cha; cũng như không ai biết rõ Chúa Cha trừ người Con và kẻ mà người Con muốn mạc khải cho. (x.Mt 11,27).

Ðức Giêsu cho biết hoàn cảnh thực sự

của loài người dưới cái nhìn của Thiên Chúa

Vậy dựa vào thẩm quyền từ trời cao, Ðức Giêsu đến cho biết hoàn cảnh thực sự của loài người dưới cái nhìn của Thiên Chúa. Thiên Chúa là Tình Yêu (1Ga 4,16). Ngài không đứng trung lập nhưng nghiêng hẳn về những kẻ bé nhỏ; Ngài không loại bỏ người giầu, nhưng buộc người giầu phải được hoán cải để tham dự vào Tình Yêu Thiên Chúa là đặt mình phục vụ người nghèo. Chính Ðức Giêsu nêu gương phục vụ suốt đời mà cử chỉ quì xuống rửa chân cho các môn đệ (Ga 13,1-17) chỉ nói lên được phần nào mà thôi.

+ Thực ra, chính cuộc đời hy sinh và tự hạ cho tới cái chết nhục nhã của Ðức Giêsu biểu lộ tình yêu Thiên Chúa, làm nên Nước của Thiên Chúa. Ai đón nhận cái nghèo đó của Ðức Giêsu thực sự là đón nhận chính Tình Yêu từ trời cao nên sở hữu được Nước Thiên Chúa.(c.3).

+ Ai chấp nhận gương hiền hậu và khiêm nhường của Ðức Giêsu (x.Mt 11,28-29) sẽ được đất hứa làm gia nghiệp (c.4).

+ Ai chấp nhận nỗi sầu khổ của Ðức Giêsu tại vườn Ghết-sê-ma-ni (x.Mt 26,36-46) là nỗi sầu khổ cứu mình khỏi tội, người đó sẽ được chính Thiên Chúa ủi an (c.5)

+ Ai ước ao giữ trọn đức công chính theo gương Ðức Giêsu (x.Mt 3,15), người đó sẽ được Thiên Chúa cho thoả lòng (c.6).

+ Ai biết noi gương Ðức Giêsu, Ðấng đã xin với Thiên Chúa Cha tha cho những kẻ đóng đinh mình trên thập tưï, người đó đã được Thiên Chúa xót thương vì được Ngài cho nên giống Con của Ngài (c.7).

+ Mối phúc được nhìn thấy Thiên Chúa phải là mối phúc do chính Ðức Giêsu thông ban theo lời Người tuyên bố rằng: "Không ai biết rõ Chúa Cha, trừ người Con và kẻ mà người Con muốn mạc khải cho (c.8; x.Mt 11,27).

+ Mối phúc làm con Thiên Chúa (c.9) nhất thiết cũng phải do chính Ðức Giêsu là "con yêu dấu của Thiên Chúa" (Mt 3,17); chính nhờ tham dự vào sự sống, sự chết và sự sống lại của Ðức Giêsu, ta xây dựng bình an đích thực và dự phần vào tư cách làm Con Thiên Chúa của Ðức Giêsu.

+ Mối phúc cuối cùng (cc.10-12) chỉ là việc ta kết hiệp mật thiết với chính Ðấng thiết lập nên Nước Thiên Chúa nơi bản thân Ngài là Ðức Giêsu Kitô: "Nào Ðức Kitô chẳng phải chịu đau khổ rồi mới được vinh quang ư?" (Lc 24,25).

Vậy bài giảng về các mối phúc thật ra cũng chỉ qui về một mối phúc chính là tình yêu Thiên Chúa hiện thân nơi Ðức Giêsu làng Nadarét. Tình yêu ấy khi xuất hiện trong bối cảnh văn hoá xã hội Do thái đã chọn đứng về phiá người nghèo.

Ðức Giêsu đứng về phía người nghèo

Luca cho thấy Ðức Giêsu nhắm thẳng đám người nghèo đó khi nói với họ: Phúc cho anh em là những kẻ khó nghèo, vì Nước Thiên Chúa là của anh em. Phúc cho anh em, những người đang đói khát, vì anh em sẽ được no lòng. Phúc cho anh em, những người đang phải than khóc, vì anh em sẽ được vui cười. Phúc cho anh em, những người đang bị ghét bỏ, hất hủi, sỉ nhục…(x.Lc 6,20-22).

Liền sau đó, Luca đưa ra những lời báo dữ đối với những người giầu có, no phỉ, những kẻ đang vui sướng cười cợt, đang được thiên hạ tán dương (x.Lc 6,24-26).

Nhưng Ðức Giêsu đã không dừng lại ở lối nói suông. Người minh chứng bằng hành động cụ thể về nội dung Nước Thiên Chúa dành cho người nghèo, bằng cách bày tỏ lòng ưu ái đặc biệt hai thành phần thời đó đang bị gạt ra bên lề xã hội, đó là những người bệnh tật và những người không có quyền công dân.

Các sách Tin Mừng nêu hai loại người bệnh, đó là kẻ tàn tật và kẻ bị quỉ ám. Tàn tật gồm những chứng bệnh có thể quan sát được như mù, què và những thứ bệnh da liễu, nhất là phong hủi. Ðó là những người hết còn lao động được, nên xã hội kể là thành phần "ăn hại" vì sống dựa vào người khác.

Còn "bị quỉ ám" chủ yếu là những người mắc bệnh tâm thần, động kinh, dễ té xỉu và được kể là bị quỉ vật. Người câm và điếc cũng được kể là bị quỉ ám. Người phụ nữ còng lưng thì được kể là bị "quỉ còng" ám (x.Lc 13,10-15). Chẩn bệnh kiểu đó khiến ta nực cười nhưng nó cho thấy não trạng của người thời ấy kể bệnh nhân nằm dưới quyền lực của ma quỉ nên thường xuyên bị coi là ô uế nên không được tham gia việc thờ phượng nơi Ðền Thờ.

Khi chữa bệnh Ðức Giêsu phục hồi lại phẩm giá của bệnh nhân, cho họ được tham gia Nước Thiên Chúa. Họ không còn bị gạt ra bên lề nữa, nhưng ở ngay tâm điểm của Tình Yêu Thiên Chúa.

Ngoài hạng người bệnh tật, nhiều thành phần khác cũng bị gạt sang một bên, thời Ðức Giêsu.

- Thứ nhất là đàn bà, con treû: Hoàn cảnh phụ nữ tại Áp-ga-nit-tăng ngày nay chỉ là hình ảnh nối dài của phụ nữ vùng Trung Ðông xưa. Họ phải nhốt mình trong nhà. Khi ra đường, họ phải lấy khăn che mặt và không được mở miệng nói với đàn ông. Vợ lệ thuộc chồng tới mức có thể bị chồng sa thải vì bất cứ lý do nhỏ bé nào, chẳng hạn như nấu cơm khê.

Sự kiện Ðức Giêsu cho một số phụ nữ tháp tùng Người trên đường đi rao giảng Tin Mừng cùng với nhóm Mười Hai, quả là điều mới mẻ về Nước Thiên Chúa. Cũng là điều gây ấn tượng không nhỏ khi Ðức Giêsu đòi các môn đệ phải hoán cải để trở nên như trẻ nhỏ thì mới được vào Nước Thiên Chúa (Mt 18,9).

- Thứ hai là những người làm nghề bất lương: Hạng người này bao gồm không những người thu thuế như Lêvi (Mc 2,14), mà cả những người chép mướn, những người thợ dệt (hai loại này bị ngờ là "bất hảo" vì tiếp cận với phụ nữ), người đổi tiền, cầm đồ, đánh cờ, chăn súc vật (mang tiếng cho súc vật ăn lấn sang đất kẻ khác).

Vậy để hưởng các mối phúc thật như Ðức Giêsu dạy ta hôm nay, ta cần nhìn thẳng bản thân Ngài như chính Ngài thể hiện các mối phúc đó. Không có điều gì Ngài dạy ta mà Ngài lại không làm gương cho ta. Không có giá trị nào về Nước Thiên Chúa được Ngài nêu lên, mà chính Ngài không trả giá bằng việc hy sinh chính mạng sống mình: "Không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình." (Ga 15,13).

 

Một số câu hỏi gợi ý

1. Bạn đọc Mt 5,1-12 và Lc 6,20-26 về các mối phúc thật thì nhận thấy những khác biệt nào? Tại sao?

2. Ðức Giêsu không dạy ta về bất cứ mối phúc nào mà chính Ngài lại không nêu gương cho ta. Bạn thấy tấm gương nào của Chúa Giêsu về các mối phúc giúp bạn hơn cả?

3. Khi Ðức Giêsu nói "Phúc cho anh em là những người nghèo…(Lc 6,20), Người có ý nói về: Bệnh nhân? Người tàn tật? Kẻ bị quỉ ám? Ðàn bà và trẻ con? Người thu thuế? Người chép mướn? Người thợ dệt? Người đổi tiền? v.v… tại sao?

 


Back to Home Page