Tìm hiểu và chia sẻ
đời sống Tin Mừng

Linh Mục Augustine, SJ. phụ trách

Prepared for internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan


 

Ngày 06 tháng 01 năm 2002

Chúa Nhật Lễ Chúa Hiển Linh Năm A

 

Ðọc Tin Mừng Mt 2,1-12

1 Khi Ðức Giêsu ra đời tại Bêlem, miền Giuđê, thời vua Hêrôđê trị vì, có mấy nhà chiêm tinh từ phương Ðông đến Giêrusalem, 2 và hỏi: "Ðức Vua dân Dothái mới sinh, hiện ở đâu? Chúng tôi đã thấy vì sao của Người xuất hiện bên phương Ðông, nên chúng tôi đến bái lạy Người." 3 Nghe tin ấy, vua Hêrôđê bối rối, và cả thành Giêrusalem cũng xôn xao. 4 Nhà vua liền triệu tập tất cả các thượng tế, các kinh sư trong dân lại, và hỏi cho biết Ðấng Kitô phải sinh ra ở đâu. 5 Họ trả lời: "Tại Bêlem, miền Giuđê, vì trong sách ngôn sứ, có chép rằng: 6 Phần ngươi, hỡi Bê-lem, miền đất Giu-đa, ngươi đâu phải là thành nhỏ nhất của Giu-đa, vì ngươi là nơi vị lãnh tụ chăn dắt Ít-ra-en dân Ta sẽ ra đời".

7 Bấy giờ vua Hêrôđê bí mật vời các nhà chiêm tinh đến, hỏi cặn kẽ về ngày giờ ngôi sao đã xuất hiện. 8 Rồi vua phái các vị ấy đi Bêlem và dặn rằng: "Xin quý ngài đi dò hỏi tường tận về Hài Nhi, và khi đã tìm thấy, xin báo lại cho tôi, để tôi cũng đến bái lạy Người." 9 Nghe nhà vua nói thế, họ ra đi. Bấy giờ ngôi sao họ đã thấy ở phương Ðông, lại dẫn đường cho họ đến tận nơi Hài Nhi ở, mới dừng lại. 10 Trông thấy ngôi sao, họ mừng rỡ vô cùng. 11 Họ vào nhà, thấy Hài Nhi với thân mẫu là bà Maria, liền sấp mình bái lạy Người, rồi mở bảo tráp, lấy vàng, nhũ hương và mộc dược mà dâng tiến. 12 Sau đó, họ được báo mộng là đừng trở lại gặp vua Hêrôđê nữa, nên đã đi lối khác mà về xứ mình.

 

Gợi ý để sống và chia sẻ Tin Mừng

Một khi được giương cao lên...

Ðức Giêsu, vua dân Do thái được những người ngoại đạo từ xa tìm đến bái lạy trong khi chính vua Hêrôđê lại tìm cách thủ tiêu. Ông và cả thành Giêrusalem sôi động do tin về ông vua của người Do thái mới sinh ra. Những nhà thông thái của thủ đô tra cứu Kinh Thánh và biết rõ nơi ông vua này chào đời, nhưng họ chẳng hề nhúc nhích tìm đến, dầu chỉ để thỏa mãn tính tò mò. Ðó là tóm tắt bản bi kịch ở tâm điểm của Tin Mừng Matthêu: Ðức Giêsu bị người đồng hương từ khước và tầy chay. Họ từ chối đón nhận Nước Thiên Chúa như Ðức Giêsu giới thiệu , chủ yếu vì Nước đó được mở rộng cho cả dân ngoại gia nhập.

Quả thật, Nước Thiên Chúa mà Ðức Giêsu đến thiết lập vượt hẳn tầm nhìn và hy vọng của dân Do thái. Họ vẫn nghĩ rằng người ngoại đạo nếu muốn gia nhập Nước Thiên Chúa cũng được nhưng phải giữ đạo như người Do thái và phải thờ phượng Chúa tại Giêrusalem, chứ không thờ phượng Chúa ở nơi nào khác.

Sự kiện Ðức Giêsu sinh ra tại Bêlem (c.1) đã được lịch sử minh chứng. Riêng bài Tin Mừng hôm nay cho phép ta định vị cuộc sinh ra ấy xảy ra trước khi vua Hêrôđê Cả băng hà năm 4 trước công nguyên (lẽ ra Ðức Giêsu sinh ra vào năm 1 công nguyên mới đúng, nhưng đã xảy ra một sự tính lầm tới ít là bốn năm.)

Tin Mừng Matthêu nêu câu hỏi quan trọng: "Vua của người Do Thái mới sinh ra ở đâu?"  Cũng câu hỏi ấy được đặt lại trước toà án tổng trấn Philatô (Ga 18,33-37) nơi Ðức Giêsu khẳng định Nước tôi không thuộc về thế gian này (c.36). Ðó là điều các thượng tế từ khước cách quyết liệt khi đáp: "Chúng tôi không có vua nào cả, ngoài Xêdarê" (Ga 19,15). Nhưng Philatô còn quyết liệt hơn khi cho treo trên thập giá Ðức Giêsu, tấm bảng viết bằng tiếng Hipri, La tinh và Hy lạp, để ai qua lại cũng đọc được nội dung là Giêsu Nadarét, Vua dân Do Thái (cc.19-20).

Nhưng bảng INRI của Philatô chẳng phải là lời tuyên tín. Ðó là lời buộc tội cho thấy lý do tại sao Ðức Giêsu chịu đóng đinh trên thập tự.

Trong cả thành Giêrusalem duy một mình Hêrôđê quan tâm về con trẻ mới sinh tại Bêlem, nhưng sự quan tâm ấy lại là lý do cho cuộc chạy tị nạn Ai cập của Thánh Gia Thất Ðức Giêsu, Mẹ Maria và thánh Giuse (Mt 2,13-15). Ðó cũng là lý do của cuộc tàn sát kinh hoàng tất cả các trẻ em từ hai tuổi trở xuống, tại Bêlem và vùng phụ cận.

Trong bối cảnh đó của Tin Mừng, ta thấy xuất hiện những con người bí nhiệm từ phương Ðông (Mt 2,1). Họ là ai? Ðó là những nhà đạo sĩ từ Ba Tư hoặc một nước nào khác bên phương Ðông. Tin Mừng Matthêu không xác định ho là những ông vua, cũng không nêu số người của phái đoàn.

Ðiều quan trọng là họ chẳng phải là người Do Thái mà lại biết được nguồn tin mật mà triều đình vua Hêrôđê không biết. Tin ấy tất cả giới lãnh đạo và trí thức của toàn dân họp lại để nghiên cứu mới có thể trả lời được cho nhà vua (cc.3-6). Hậu quả là cuộc tị nạn của thánh gia và cuộc tàn sát dã man các thánh anh hài tại Bêlem như đã nói trên. Tất cả chỉ vì nhà vua sợ mất ngai vàng.

Nhờ được chỉ dẫn đích xác hướng tới Bêlem, những con người bí nhiệm kia lại lên đường.  Và lạ lùng cách những người ấy được dẫn tới Bêlem cũng bí nhiệm, bởi lẽ ngôi sao họ thấy ở phương Ðông lại xuất hiện. Ðiều được ám chỉ là sự hiện hữu của ánh sao dẫn đưa họ. Ánh sao ấy đã tắt lịm đi khi họ đi tìm chỉ dẫn nơi những nhà thông thái và quyền thế tại Giêrusalem. Giả như họ không dừng lại ở Giêrusalem, ánh sao đã dẫn đưa họ tới đích lâu rồi. Nhưng chỉ dẫn của Kinh Thánh tự nó vẫn có giá trị. Nó nối kết biến cố ông vua chào đời tại Bêlem với toàn bộ lịch sử cứu độ được viên mãn nơi Ðức Giêsu.

Lễ vật dâng tiến Hài Nhi là những sản phẩm quý từ Arabia. Các đạo sĩ phủ phục trước Hài Nhi Giêsu với những lễ vật đó, cho thấy ứng nghiệm lời loan báo (Tv 72) về vị vương quân cứu tinh trong tương lai, chính là Ðức Giêsu. Ngôn sứ Isaia cũng đã loan báo rằng các dân nước sẽ mang lễ vật từ Arabia là vàng, nhũ hương, đến làm vang lên những lời chúc tụng Giavê. (x.Is 60,6).

Khỏi mặt đất

Vậy bài Tin Mừng Matthêu không những cho thấy Ðức Giêsu là ông vua Mêsia, thuộc dòng tộc Ðavít (c.2) mà còn cho thấy dân ngoại tuốn đến bái lạy Người. Ðiều đó khác với Tin Mừng Luca (chương 2) nơi chỉ thấy có người Do thái là các mục đồng của Bêlem tới kính chào Hài Nhi mới sinh ra. Sự xuất hiện của các đạo sĩ phương Ðông (Mt 2,1) loan báo về điều sẽ xảy ra khi Ðức Giêsu còn sinh thời, nhưng nhất là sau đó nơi Giáo Hội sơ khai và sau này. Người Do thái sẽ dửng dưng hoặc thù địch với Ðức Giêsu, trong khi dân ngoại đông đảo sẽ đón nhận Tin Mừng Người công bố về Nước Thiên Chúa.

Khi còn sinh thời, Ðức Giêsu đã có những người Hy lạp không phải gốc Do thái tìm đến với Người (Ga 12,20). Ðó là cơ hội để Người tiên báo "một khi được giương cao lên khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi" (Ga 12,32). Ðức Giêsu có ý ám chỉ về nỗi chết của Người trên thập giá (x.Ga 12,33). Nỗi chết ấy là dấu chỉ của tình yêu cao cả vì "không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình" (Ga 15,13). Ðó là tình yêu có sức mạnh vô song để lôi kéo mọi người về cùng đích nhờ Ðức Giêsu Kitô: "Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời" (Ga 3,16).

Tin vào Ðức Giêsu là đặt mình để cho tình yêu cao cả của Ngài dẫn đưa. Như xưa các nhà đạo sĩ đã để cho ánh sao từ trời cao dẫn đường, thì nay muôn dân cũng cần để cho tình yêu xả kỷ của Ðức Giêsu cuốn hút vào Nước của Thiên Chúa. Chính Ngài lãnh đạo họ bằng con đường thập giá đưa tới vinh quang. Ðó là điều đã được loan báo tại Bêlem với cuộc chạy tị nạn sang Ai cập, nhất là được nói rõ hơn nữa khi những người Hy lạp không phải gốc Do thái ngỏ ý muốn được gặp Ðức Giêsu. Ðó là lúc Ngài tuyên bố: "Ðã đến giờ Con Người được tôn vinh! Thật, Thầy bảo thật anh em, nếu hạt lúa gieo và lòng đất không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu nó chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác" (Ga 12,23-24).

Tôi sẽ kéo mọi người lên với Tôi (Ga 12,33)

Chính từ nỗi chết tự nguyện của Ðức Giêsu trên thập giá, nên mới có Phục Sinh và có lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống với khoảng ba ngàn người chịu phép rửa nhờ đón nhận Lời Tin Mừng được công bố do tông đồ Phêrô.

Sau hai mươi thế kỷ, lễ Hiện Xuống 1998 được tổ chức tại Roma cuối tháng 5/1998 do vị kế nhiệm thứ 263 của thánh Phêrô. Lần này riêng người Công giáo đã có cả tỷ người tin vào Ðức Kitô. Lễ Hiện Xuống 1998 được tổ chức do ý muốn của Ðức Gioan Phaolô II để quy tụ những phong trào và những cộng đoàn của Giáo hội khắp nơi trên thế giới. Con số của các tập thể vừa nói có mặt là 56 với 280,000 thành viên đại biểu. Mỗi tập thể là một bó đuốc rực sáng của đặc sủng qua đó Chúa Thánh Linh đang cuốn hút hàng triệu người muôn nước dấn thân đáp lại tình yêu của Ðấng hy sinh mạng sống mình vì bạn hữu. Sau đây là một số Phong Trào đã có mặt trong lễ Hiện Xuống 1998:

Phong Trào Tân Tòng (Neocatechumenal Way) được Giáo Hội nhìn nhận năm 1990, hoạt động tại 150 quốc gia với 15,000 cộng đoàn trong 800 giáo phận tại 5,000 giáo xứ, góp phần mở 35 chủng viện để đào tạo các thừa sai truyền giáo.

Phong Trào Hội Học Kitô giáo Cursillo với 4 triệu thành viên trên thế giới.
            Phong Trào Con Tàu Ðức Tin và Ánh Sáng (L'Arche) gồm 105 cộng đoàn tại 25 quốc gia, là cơ sở tình thương bảo vệ phẩm giá của những người tàn tật và bệnh tâm thần. Tại Ấn Ðộ và Trung Ðông người Kitô hữu chung sống với anh em Hồi giáo và Ấn giáo.

Phong Trào Tổ Ấm Focolare gồm 2 triệu thành viên ở những cấp độ khác nhau và nhiều triệu cảm tình viên, chủ trương trở nên tình yêu để chiếu toả tình yêu.

Một số câu hỏi gợi ý

1. Bạn nghĩ gì về sự kiện dân ngoại tìm đến bái lạy Ðức Giêsu sinh tại Bêlem, trong khi dân Do thái đồng hương của Ngài lại tỏ thái độ dửng dưng hoặc thù địch? Sự kiện ấy còn kéo dài chăng? Nó có là cản trở cho đức tin của bạn đối với Ðức Giêsu chăng?

2. Nhưng hãy coi ngôi sao đã dẫn đường cho các đạo sĩ tới tận nơi Ðức Giêsu sinh ra. Chính bạn nghiệm thấy bạn được Chúa Thánh Linh dẫn đường như thế nào để nhận ra Ðức Giêsu là Ðấng cứu bạn khỏi cảnh diệt vong?

3. Bạn nghĩ gì về lời Ðức Giêsu tuyên bố: "Khi nào được giương cao lên khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi" Ga 12,33)?

 


Back to Home Page