Tìm hiểu và chia sẻ
đời sống Tin Mừng

Linh Mục Augustine, SJ. phụ trách

Prepared for internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan


Ngày 18 tháng 06 năm 2000
Lễ Chúa Ba Ngôi Năm B

Ðọc Tin Mừng Mt 28,16-20

Gợi ý để sống và chia sẻ Tin Mừng

Ðặt mình trước Ba Ngôi Thiên Chúa để được hoán cải.

 Tất cả chúng ta hãy còn nhớ, biến cố lớn nhất đang được khơi động trong Giáo Hội là đón mừng sinh nhật 2000 năm Chúa Giêsu sinh ra để cứu độ trần gian. Như Ðức Gioan Phaolô II khẳng định trong Tông Thư Tiến Tới Thiên Niên Kỷ Thứ Ba "Cơ cấu chủ đề của ba năm này tập trung vào Ðức Kitô, Con Thiên Chúa làm người, chỉ có thể mang tính thần học Ba Ngôi" (số 39):

 Năm thứ nhất, 1997 dành cho suy tư về Ðức Kytô, Ngôi Lời của Chúa Cha, làm người do hoạt động của Chúa Thánh Thần (số 40).

 Năm 1998, năm thứ hai của giai đoạn chuẩn bị, đặc biệt dành cho Chúa Thánh Thần? Ðấng đồng bản tính với Chúa Cha và Chúa Con, trong mầu nhiệm tuyệt đối của Thiên Chúa vừa là một vừa là ba, là Ngôi vị tình yêu, tặng phẩm vĩnh hằng, nguồn mạch vĩnh cửu của mọi ân huệ Chúa ban trong trật tự sáng tạo, nguyên lý trực tiếp và theo một nghĩa nào đó, là chủ thể của sự thông truyền mà Thiên Chúa tự mình thực hiện trong trật tự của ân sủng (số 44).

Năm 1999, năm thứ ba và là năm cuối cùng, được dùng để mở rộng các chân trời cho các tính hữu theo tầm nhìn của chính Ðức Kitô: hướng đến Cha trên trời? bởi Ngài Ðức Kitô đã được phái đến và trở về cùng Ngài. (x. Ga 16,28 - số 49)

 Trong Năm Toàn Xá 2000, chúng cũng đã có cơ hội nghe qua hoặc tham dự qua những Ðài Truyền Thanh Truyền Hình, Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô Ðệ Nhị là vị Giáo Hoàng đầu tiên đã đích thân chủ sự Nghi Lễ Mở Cửa Thánh tại cả Bốn Ðền Thờ Cả ở Roma: ÐTC đã mở Cửa Thánh tại Ðền Thờ Thánh Phêrô trước Thánh lễ Nửa Ðêm Giáng Sinh 24 tháng 12 năm 1999, Ðền Thờ Thánh Gioan Lateranô vào chiều Ngày Lễ Giáng Sinh 25 tháng 12 năm 1999, và Ðền Thờ Ðức Bà Cả vào ngày mùng 1 tháng Giêng năm 2000. Vào lúc 11 giờ trưa ngày 18 tháng Giêng 2000, ngày bắt đầu tuần lễ Cầu Nguyện cho Sự Hiệp Nhất Kitô, ÐTC Gioan Phaolô II đã chủ sự nghi lễ Ðại Kết, mở Cửa Thánh tại Ðền Thờ Thánh Phaolô Ngoại Thành. Tất cả những Giáo Hội Kitô, hay những Cộng Ðoàn Giáo Hội Kitô, không Công Giáo, đều đã được mời gởi đại diện tham dự nghi thức nầy. Hãng Tin Công Giáo Thụy Sĩ (Apic), hôm thứ Hai, mùng 10 tháng Giêng 2000, đã loan báo trước rằng Hầu Như Tất Cả các Giáo Hội Kitô, hay cộng đồng giáo hội Kitô, đều gởi đại diện tới tham dự.

 Ðã 2000 năm nay, Tại sao Ðức Kitô được phái đến với loài người và Người đến để làm gì? Ðức Gioan Phaolô trả lời như sau:

 "Ở đây chúng ta đụng chạm đến điểm chính yếu làm cho Kitô giáo khác hẳn với các tôn giáo khác, trong đó có diễn tả ngay từ đầu việc con người tìm kiếm Thiên Chúa. Nơi Kitô giáo điểm khởi đầu đó là sự nhập thể của Ngôi Lời. Ở đây, không chỉ có việc con người tìm kiếm Thiên Chúa, nhưng chính Thiên Chúa đích thân đến nói với con người về chính Ngài và chỉ cho con người con đường cho phép con người đi tới Ngài? Do đó, Ngôi Lời Nhập Thể là việc thực hiện khát vọng có nơi tất cả các tôn giáo của nhân loại: sự thực hiện này là công việc của Thiên Chúa và nó vượt lên trên mọi mong đợi của con người. Ðây là một mầu nhiệm ân sủng" (số 6)

 Mục tiêu hàng đầu của Năm Thánh 2000, theo Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, là củng cố đức tin và chứng tá của các Kitô hữu. Do đó cần phải tạo ra nơi tất cả các tín hữu niềm ước ao nên thánh thực sự, lòng ước muốn mạnh mẽ hoán cải và đổi mới bản thân, trong một bầu khí cầu nguyện chăm chỉ hơn và liên đới trong việc tiếp đón người khác, đặc biệt những người nghèo khó nhất (số 42). Hãy nghe một giáo dân là Mai Trúc (Maria Treu, người Phi Luật Tân) chia sẻ kinh nghiệm hoán cải của chị như sau

 Gương người giáo dân hoán cải

 "Tôi may mắn có được tất cả những điều tôi ước ao để được hạnh phúc: gia đình hoà thuận yêu thương, nhiều bạn, nhiều sinh hoạt, nhiều cơ hội đi đó đây, tham gia đủ môn thể dục thể thao, tham dự những buổi hoà tấu, dạ hội, và còn tích cực hoạt động giữa những nhóm sinh viên. Với tôi, Thiên Chúa có đó nhưng chỉ khi nào cần tôi mới chạy đến với Ngài, bình thường tôi quên Ngài để lo chuyện riêng tôi.

 Thế rồi, một hôm tôi được một bạn thân rủ đi dự cuộc họp của phong trào hiệp nhất thế giới của giáo dân. Chính ở đó tôi khám phá ra Thiên Chúa là Tình Yêu. Ngài thương tôi trong tình trạng hiện có của tôi. Chính tôi có thể yêu thương đồng loại bằng tình thương của Ngài. Thế là cuộc mạo hiểm mới bắt đầu để sống Tin Mừng, khởi sự với những người trong gia đình tôi.

 Lần đầu tiên tôi gặp ông nội tôi khi tôi 18 tuổi. Lý do vì ông nội tôi đã bỏ rơi bà tôi trong cảnh tay xách nách mang, gồm tất cả 5 người con mà bố tôi là con lớn nhất. Gia đình tôi chẳng bao giờ nhắc đến nội, tôi hiểu đó là để tránh gợi lại nỗi đau xót cho gia đình.

 Nhưng càng sống Tin Mừng, tôi càng cảm thấy phải tỏ lòng yêu thương nội. Tôi thực bị sốc khi tới thăm nhà nội mà chỉ thấy nội có nơi tủ chè một đĩa, một xiên và một muỗng. Tức là nội một mình như bị chôn vùi trong nhà dưỡng lão! Tôi thực không hiểu được tại sao gia đình tôi công giáo mà lại xử đối với nội như vậy. Nhưng tôi không dám nghĩ thêm để khỏi phê phán một ai. Tôi tiếp tục một mình thăm nội, một mình ra sức an ủi nội trong cảnh cô đơn, bóc trái cam như nội thích, cắt miếng thịt cho vừa miệng, thỉnh thoảng mua cho nội chai rượu nho, dắt nội dọc theo hành lang và mang đồ về nhà giặt cho nội.

 Từ từ cố gắng về phía tôi trở nên hồn nhiên và trở thành ngôn ngữ của tình cảm của tôi đối với nội. Hai ông cháu hiểu nhau và chia sẻ cho nhau từ thâm sâu. Ít lâu sau tôi cảm thấy tình cảm ấy lan rộng ra trong gia đình tôi.

 Khi nội chết, tôi không có ở nhà nhưng nội không ra đi đơn độc vì các con của nội đều tới thăm viếng và đặc biệt một người nhiều năm đã muốn bỏ nội luôn thì đã ở lại với nội tới phút cuối cùng.

 Riêng tôi còn có những biến cố khác nữa đẩy tôi vào sâu hơn trong cuộc mạo hiểm cho Tin Mừng. Hôm đó, tôi đang ngồi học thì thình lình xảy đến một cơn động đất dữ dội. Tất cả vùng đất tôi đang ở đều rơi vào cảnh hoang tàn. Cả một loạt phố phường, đồi núi bị sập, trong đó ngôi nhà tôi đang ở cùng chung một số phận. Tôi thoát chết nhưng người em gái sinh đôi của tôi số phận ra sao?

 Ngày hôm sau cơn động đất, tôi đã uổng công đi tìm em tôi dọc theo hành lang nhà thương nơi những người bị thương nằm la liệt.

 Em tôi không có ở đó nhưng đang nằm ở giữa những người đã chết. Hai chị em từng sống gắn bó với nhau từ ngày còn trong dạ mẹ. Nay em tôi không còn nữa, sao tôi có thể đứng vững được! Tôi chỉ còn có thể cậy dựa vào Chúa và tình yêu của Ngài mà thôi. Vậy tôi đã xin Chúa đừng để trái tim tôi đập một cách uổng công vô ích, không đáp lại tình yêu Ngài. Do đó tôi đã đến ở Li-băng từ chín năm nay, để làm chứng cho tình yêu Thiên Chúa giữa một thế giới còn đầy hằn thù. Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một Ngài (Ga 3,16). Chỉ có nơi tình yêu bền vững đó, tôi tìm được ơn bình an để làm chứng cho Chúa."

 Hoán cải để trở thành môn đệ Ðức Giêsu Phục Sinh

 Lời chia sẻ trên giúp làm sáng tỏ mục tiêu hàng đầu của Năm Thánh 2000, theo Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II, là củng cố đức tin và chứng tá của các Kitô hữu. Ta đọc được nơi chị giáo dân Mai Trúc ước muốn mạnh mẽ để hoán cải và đổi mới bản thân. Theo hướng nào? Theo cũng con đường tình yêu mà Ðức Giêsu đã đi với chọn lựa ưu tiên dành cho người nghèo, khởi sự từ ông nội bị bỏ rơi đến nạn nhân của chiến tranh tại Li-băng.

 Bài Tin Mừng hôm nay chủ yếu cũng nói về ơn hoán cải đó với kiểu nói tế nhị là "Hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ của Ðức Giêsu" (Mt 28,19)

 Ðức Giêsu Phục Sinh hiện ra trên một ngọn núi ở Galilê, đó là màn hiện ra quan trọng đối với toàn bộ kế hoạch của Tin Mừng Mátthêu. Núi (xem Mt 5,1; 17,1) và Galilê (xem Mt 4,12-16) từng là địa điểm nổi bật của ơn Mạc Khải. Mục đích của cuộc hiện ra chót này không chỉ để nhắc lại mọi điều Ðức Giêsu đã dạy, nhưng để truyền thông những điều đó cho muôn dân trên thế giới. Ðến lượt muôn dân cũng phải dấn thân vào cuộc biến đổi đón nhận ơn hoán cải để trở thành môn đệ (c.19) của Ðức Giêsu Phục Sinh.

 Chưa hết, cuộc dấn thân này còn phải được đẩy tới cùng và muôn dân phải được đưa vào sự sống của Ba Ngôi Thiên Chúa, là Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần (c.19). Nhờ vậy chính họ cũng sẽ được bảo đảm sống sự sống của chính Ðức Giêsu Phục Sinh như Ðấng Thiên Chúa ở cùng chúng ta (xem Mt 28,20 và 1,23).
 
 

Một số câu hỏi gợi ý

1. Qua lời chia sẻ của chị giáo dân Mai Trúc người Phi Luật Tân, bạn nghĩ gì về cuộc mạo hiểm để sống Tin Mừng của chị ? Về ơn hoán cải lây lan ra giữa các thành phần của gia đình chị ? Về chọn lựa của chị là đi đến với dân Li-băng để bày tỏ tình yêu Thiên Chúa?

 2. Bạn nghĩ gì về mục tiêu hàng đầu của năm thánh 2000, theo Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II, là củng cố đức tin và chứng tá của các Kitô hữu ? Là tạo nên nơi tất cả các tín hữu niềm ước ao nên thánh thực sự, lòng ước muốn mạnh mẽ hoán cải và đổi mới bản thân ? Là chăm chỉ cầu nguyện và liên đới trong việc đón tiếp người khác, đặc biệt những người nghèo khó nhất?

 3. Bạn nghĩ mục tiêu nói trên như Ðức Thánh Cha đề nghị, có liên quan gì với bài Tin Mừng hôm nay chăng ? Bài Tin Mừng cho thấy Ðức Giêsu Phục Sinh phái các môn đệ lên đường sứ vụ, để làm cho muôn dân trở thành môn đệ của Người. Bạn nghĩ làm thế nào để trở thành môn đệ Ðức Giêsu?
 
 


Back to Vietnamese Missionaries in Taiwan Home Page