Tìm hiểu và chia sẻ
đời sống Tin Mừng

Linh Mục Augustine, SJ. phụ trách

Prepared for internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan


Ngày 10 tháng 12 năm 2000
Chúa Nhật 2 Mùa Vọng Năm C

Ðọc Tin Mừng Lc 3,1-6

Gợi ý để sống và chia sẻ Tin Mừng

Hãy Dọn Sẵn Con Ðường Cho Ðức Chúa (Lc 3,4)

 Mỗi năm vào ngày 31 tháng 1, cả thế giới mừng ngày Quốc Tế Phong Cùi. Người có công thiết lập nên ngày đáng ghi nhớ này là ông Ðỗ Hồng Phong (Raoul Follereau 1903-1977).

Họ Ðỗ còn khởi xướng nhiều chiến dịch khác nữa, luôn để góp phần xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn. Năm 1942, ông kêu gọi: "Hiến một giờ tiền công cho người nghèo". Năm 1946, ông đề nghị ai nấy tham gia xây dựng "Nền trật tự bác ái" theo khả năng sẵn có của mỗi người, khởi đi từ cách mỗi người suy nghĩ và hành động nhằm xây dựng nền văn minh tình thương.

 Ðặc biệt ngày Thứ Sáu Tuần Thánh 1947, họ Ðỗ phát động một chiến dịch gọi là "Tổng đình công và bãi thị chống lại ích kỷ". Chiến dịch này bắt đầu đúng ba giờ chiều hôm đó, lúc mà mọi Kitô hữu khắp nơi trên thế giới tưởng niệm cái chết hoàn toàn tự nguyện của Ðức Giêsu, Ðấng đã hy sinh tính mạng để đưa đồng loại bước ra khỏi ích kỷ.

 Ngay thời còn nhỏ, cậu Ðỗ Hồng Phong đã ham văn chương thi phú. Là con của một kỹ nghệ gia giàu có ở Pháp, cậu được chỉ định chuyên học kỹ thuật để kế nghiệp người bố chết sớm. Sau cậu tìm cách theo học văn chương và đỗ tiến sĩ triết tại đại học Paris ở tuổi 24. Thơ văn mà Ðỗ Hồng Phong sáng tác được biết đến trên văn đàn Bình Minh của kịch trường Pháp. Bài "những con búp bê" chẳng hạn, được đọc cả ngàn lần. Hơn nữa, họ Ðỗ còn nổi tiếng về tài hùng biện bẩm sinh. Ông được mời đi diễn thuyết nhiều nơi trên thế giới nói tiếng Pháp, theo chương trình Liên Minh Văn Hoá Pháp tổ chức.

 Ông Ðỗ Hồng Phong là tiếng nói thay cho lớp người nghèo bị xã hội gạt sang bên lề. Ngay với bài "Những con búp bê", họ Ðỗ đã sớm lên tiếng bênh vực người nghèo. Những công trình lớn nhất của ông là tạo được tình liên đới dành cho bệnh nhân phong cùi khắp nơi trên thế giới. Người gây khởi hứng cho ông trong công trình này chính là các nữ tu Công Giáo tại Bắc Phi Châu. Bằng mọi giá các nữ tu này đã cứu các bệnh nhân phong cùi khỏi bị đẩy ra bên lề xã hội. Năm 1942, ông Ðỗ Hồng Phong đã quảng đại đáp lại lời yêu cầu của các nữ tu này, để phát động chương trình diễn thuyết ở nhiều nơi. Ở đâu họ Ðỗ cũng vạch cho cử tọa thấy tình trạng bi đát của người bệnh phong. Ông đã làm chấn động nhiều cử tọa, khơi dậy cả một phong trào cho tình liên đới dành cho người phong.

 Thế là nhiều nơi trên thế giới vang lên tiếng kêu cứu của người phong cùi. Chính ông Ðỗ Hồng Phong đã vượt qua 2 triệu cây số đường trường, xuyên qua 55 quốc gia, thu về cho người phong cùi số tiền cứu trợ là 3 tỷ đồng quan Pháp. Nhưng quan trọng hơn gấp bội chính là tình thương mà ông khơi dậy nơi lòng người để thính giả nghe ông tích cực, giúp bệnh nhân phong cùi bước ra khỏi tình trạng bị cô lập.

 Ði thăm người phong cùi ở đâu trên thế giới, ông cũng mang lại cho họ mối tình ấm áp theo gương Chúa Giêsu xưa. Việc ông bắt tay hoặc ôm hôn họ là điều hết sức tự nhiên.

 Chuyến viếng thăm đầu tiên ông Ðỗ Hồng Phong thực hiện tại đảo Hawai vào năm 1948 đáng kể, vì đó là nơi cha Phêrô Ða Miêng (1840-1889), vị tông đồ người phong, đã từng sinh sống và phục vụ họ; Ngài đã được Ðức Gioan Phaolô II phong chân phước.

 Năm 1964, ông Ðỗ Hồng Phong thành lập Liên Hiệp chống bệnh phong. Trong thập niên 60, hai ông bà Ðỗ Hồng Phong đã đến đã đến viếng thăm các trại phong Việt Nam, như Quy Hoà, Bến Sắn và Kon Tum.

 Cuộc chiến chống bệnh phong còn được họ Ðỗ nới rộng để bao gồm mọi căn bệnh khiến cho con người xa cách nhau và loại trừ nhau, như nghèo đói, ích kỷ và chiến tranh. Ông đặt người ta trước chọn lựa giữa "bom nguyên tử hoặc yêu thương". Năm 1954, ông kêu gọi hai nguyên thủ quốc gia là Mỹ và Nga, khi ấy là hai ông Eisenhower và Malenkov: Mỗi quốc gia hãy tặng số tiền trị giá một chiếc máy bay ném bom mà thôi cũng đủ để săn sóc mọi người phong trên toàn thế giới! Năm 1964, ông yêu cầu Liên Hiệp Quốc thiết lập cơ chế khuyến khích mỗi quốc gia dành tiền chi phí một ngày cho khí giới vào công cuộc chống nạn nghèo đói và bệnh tật. Ông đã nhận được ba triệu chữ ký của người trẻ từ 14 đến 20 tuổi, thuộc 125 quốc gia. Kết quả là năm 1969, Liên Hiệp Quốc đã chấp nhận việc thiết lập nên "Ngày chiến đấu cho hoà bình".

 Sửa Lối Cho Thẳng (Lc 3,4)

 Họ Ðỗ qua đời năm 1977, nhưng những tổ chức ông thiết lập vẫn còn góp phần xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn. Liên Hiệp Chống Bệnh Phong do ông thiết lập vẫn làm việc đắc lực. Hội Thân Hữu Ðỗ Hồng Phong được thiết lập từ hơn 30 năm nay, hiện còn hoạt động tại 56 quốc gia, trong đó có 26 nước Phi Châu, 4 nước Châu Mỹ La Tinh, 7 nước Á Châu, 1 nước Châu Ðại Dương và 4 nước Aâu Châu; trong số các nước Á Châu có Miến Ðiện, Trung Hoa, Indonêsia, Ấn Ðộ, Băng-la-đét, Pakistan và Phi Luật Tân. Số bệnh nhân phong được Hội này chữa lành và giúp tái gia nhập xã hội gồm trên 700 ngàn người. Ngoài ra, Hội còn phát động chiến dịch canh tân đời sống, loại bỏ những nguyên nhân làm cho con người bị băng hoại, như tệ nạn chiến tranh, thù hằn, bất công, khai thác và bóc lột những thành phần yếu kém trong xã hội. Lý tưởng mà Hội nhắm tới là góp phần xây dựng một nền văn minh tình thương, trong đó mọi người được kính trọng và yêu thương.

 Nhưng nguồn khởi hứng đầu tiên thúc đẩy ông Ðỗ Hồng Phong trở nên tiếng nói cho bệnh nhân phong cùi, chính là các chị nữ tu Công Giáo tại Bắc Phi Châu. Các chị không những nói thay cho họ, các chị còn dâng hiến đời mình để phục vụ họ. Và trước các chị nữ tu này còn có vị tông đồ người phong là cha Phêrô Ða Miêng, vị linh mục 23 tuổi đã tự nguyện đến thưa với Ðức Giám Mục của mình rằng: "Này con đây, con sẵn sàng để được chôn sống với anh em bệnh phong"; và quả thực, 17 năm sau, cha Ða Miêng đã qua đời do bệnh phong cùi mà Ngài đã tự nguyện nhiễm lấy cho mình vì tình yêu mà ngài dành cho anh chị em mắc bệnh phong.

 Ðể Người Ði (Lc 3,4)

 Ðó là những con người nối tiếp nhau phần nào thể hiện điều tông đồ Phaolô nói về chính Ðức Kitô, Ðấng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế? Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Người (Pl 2,7-9).

 Ðiều khiến loài người phải thán phục là Thiên Chúa đã an bài để sai sứ giả đến trước loan báo về việc xuất hiện Ðấng Cứu Thế là Ðức Giêsu Kitô. Sứ giả ấy chính là Gioan Tẩy Giả mà cuộc đời và sự nghiệp được chỉ định gắn liền với cuộc đời và sự nghiệp của chính Ðức Giêsu, Ðấng Cứu Ðộ trần gian.

 Sách Tin Mừng Luca cho thấy ngay từ khi còn trong lòng mẹ, Gioan đã nhảy mừng để loan báo về cuộc viếng thăm của Ðức Maria, người em họ mà được chị là bà Isave, nhận là "Thân Mẫu Chúa tôi đến viếng thăm tôi" (Lc 1,43).

 Ba tháng sau, khi Gioan Tẩy Giả chào đời, người bố đang câm bỗng nói được để tiên báo "Hài nhi hỡi, con sẽ mang tước hiệu là ngôn sứ của Ðấng Tối Cao: con sẽ đi trước Chúa, mở lối cho Người, bảo cho dân Chúa biết: Người sẽ cứu độ là tha cho họ hết mọi tội khiên" (Lc 1,77).

 Ba mươi năm sau, chính Gioan Tẩy Giả xuất hiện nơi hoang địa vùng ven sông Giođan. Ông tự xưng là tiếng hô trong hoang địa: "Hãy dọn sẵn con đường cho Ðức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi" (Lc 3,4).

 Ngày nay, Giáo Hội rất coi trọng cuộc đối thoại bằng hành động qua đó các Kitô hữu cùng với tha nhân cộng tác nhằm phát triển và giải phóng con người toàn diện (x. Dialogue and Proclamation, Hội Ðồng Toà Thánh về Ðối Thoại Liên Tôn và Bộ Phúc Âm Hoá các Dân Tộc, 1991, số 42). Ðó quả là cách đối thoại và công bố Tin Mừng có tính khả tín đối với người thời nay. Ông Ðỗ Hồng Phong, các chị nữ tu phục vụ người phong cùi tại Hawai, tại Quy Hoà, và Bến Sắn; cha Phêrô Ða Miêng tự nguyện trở nên người phong cùi và chết cho họ, mỗi người mỗi cách đều góp phần thể hiện lời ông Gioan Tẩy Giả hô to trong hoang địa: "Hãy dọn sẵn con đường cho Ðức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi" (Lc 3,4).
 
 

Một số câu hỏi gợi ý

1. Bạn tâm đắc gì về hoạt động của ông Ðỗ Hồng Phong nhằm góp phần giải phóng con người toàn diện? Hãy so sánh hoạt động của ông với cách phục vụ người bệnh của các chị nữ tu tại Bến Sắn, Quy Hoà, nhất là với cha Phêrô Ða Miêng.

 2. Riêng bạn nghĩ bạn có thể áp dụng lời này của ông Gioan Tẩy Giả được chăng: "Hãy dọn sẵn con đường cho Ðức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi (Lc 3,4)?
 
 


Back to Vietnamese Missionaries in Taiwan Home Page