Tìm hiểu và chia sẻ
đời sống Tin Mừng

Linh Mục Augustine, SJ. phụ trách

Prepared for internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan


Ngày 20 tháng 08 năm 2000
Chúa Nhật 20 Quanh Năm B

Ðọc Tin Mừng Ga 6,51-58

Gợi ý để sống và chia sẻ Tin Mừng

Chúa ở lại nơi một tín hữu
suốt 36 năm không ăn uống

 "Có thực mới vực được đạo." Câu nói đó chắc chắn không áp dụng với người giáo dân tên là Têrêsa Niu Man, là người đã trải qua 36 năm trời không ăn uống gì mà vẫn sống và giữ đạo sốt sắng. Têrêsa sinh ngày 8 tháng 4, 1898, trong một gia đình Công Giáo ngoan đạo miền Bắc Baveria của nước Ðức. Người dân trong làng Cổ Môn Trường gồm gần 1,000 người, hầu hết sống bằng nghề nông. Gia đình của Têrêsa rất nghèo như phần đông các gia đình trong làng. Học xong tiểu học, Têrêsa 14 tuổi và em là Maria 13 tuổi, đi làm thuê cho những điền chủ ở các làng lân cận để có tiền giúp đỡ cha mẹ. Công việc nặng nhọc nhưng Têrêsa không ngại vì bản tính vốn ưa thích việc đồng ruộng và chăm sóc súc vật. Giống như mấy em gái của nàng, Têrêsa cũng có những chàng trai để ý ngắm nghía, nhưng nàng đã có mơ ước riêng. Từ nhỏ nàng đã mơ ước là một nữ tu truyền giáo ở Phi Châu và đã nhiều lần liên lạc với các tu sĩ truyền giáo Dòng Biển Ðức. Nhưng Thiên Chúa đã an bài một hướng truyền giáo khác cho Têrêsa.

 Ngày 13 tháng 11, 1925, Têrêsa bị đau ruột dư dữ dội, cơn sốt cao khủng khiếp. Bác sĩ chăm sóc cho nàng đề nghị một cuộc giải phẫu tức khắc tại một bệnh viện gần đó. Mẹ nàng khóc hết nước mắt. Cha sở Ngô Biên (Nobert) có mặt. Têrêsa xin cha Biên đặt thánh tích của thánh nữ Têrêsa Hài Ðồng Giêsu lên chỗ đau và chính nàng cầu xin: "Lạy thánh nữ Têrêsa Hài Ðồng Giêsu, chỉ có Ngài mới có thể chữa con lành bệnh, Ngài đã chữa lành con nhiều lần rồi. Con không xin Ngài vì con nhưng vì mẹ con."

 Ðáp lại thánh Têrêsa Hài Ðồng Giêsu đã cho nàng lập tức khỏi bệnh. Cùng với mẹ nàng đến nhà thờ tạ ơn Chúa trước sự ngỡ ngàng của mọi người có mặt. Nhưng trước đó thánh nhân đã nói cho Têrêsa Niu Man biết rằng: Sự tuân phục và vui tươi chấp nhận đau khổ của con làm ta rất hài lòng. Ðể mọi người nhận thức đây là một biến cố phi thường, con sẽ không cần phải trải qua cuộc giải phẫu và hãy mau mau tạ ơn Chúa. Con sẽ phải chịu đau khổ nhiều hơn nữa, nhưng đừng sợ điều gì, cả những đau khổ trong nội tâm. Chỉ có cách này con mới cứu được các linh hồn. Con phải từ bỏ mình nhiều hơn, nhưng hãy luôn sống trong sạch, đơn sơ như hiện nay.

 Chúa ở lại
và cho dự phần vào cuộc thương khó của Ngài

 Quả thật, không đầy bốn tháng sau, Têrêsa cảm thấy mệt mỏi phải nằm giường cả hơn tháng trời cho tới lễ Phục Sinh. Ðêm thứ năm ngày 4 tháng 3 khi nằm nghỉ trên giường, nàng chợt thấy trong một thị kiến, Chúa Giêsu đang quì cầu nguyện ở vườn cây dầu và thấy các môn đệ đang ngủ. Nàng cảm thấy dấy lên nơi tâm hồn niềm thương cảm vô biên đối với Ðấng Cứu Chuộc. Cùng lúc Chúa Giêsu nhìn chằm chặp vào nàng. Nàng cảm thấy đau đớn tột độ ở gần nơi trái tim đến nỗi có thể chết được. Khi tỉnh lại, Têrêsa thấy ở cạnh sườn bên trái của nàng một vết thương, máu rỉ ra cho đến ngày hôm sau. Nàng băng vết thương lại để mọi người không thấy và nói với em gái ở chung phòng với nàng là nàng bị phỏng.

 Một tuần lễ sau cũng vào giờ đó Têrêsa lại thấy Chúa Giêsu trong vườn cây dầu, và sau đó cảnh Ngài bị đánh bằng roi. Tuần lễ sau nữa, nàng chứng kiến cảnh Chúa đội mão gai. Mỗi lần như thế, vết thương cạnh sườn nàng chảy máu chan hoà đến ngày hôm sau. Ngày thứ sáu 26 tháng 3, Têrêsa thấy Chúa vác thánh giá và té ngã dưới sức nặng. Khi tỉnh lại nàng thấy một vết thương hiện lên nơi bàn tay trái của nàng, không cách chi che giấu được. Khi mẹ nàng hỏi tại sao bị thương như thế, Têrêsa trả lời rằng vết thương ấy đã xuất hiện cách tự nhiên. Trong đêm thứ năm tuần thánh, tức ngày 1 tháng 4, lần đầu tiên Têrêsa được mục kích trọn đường thánh giá từ vườn cây dầu tới đỉnh núi Sọ và cái chết của Chúa trên thập giá.

 Sau đó những vết thương khác xuất hiện thêm trên tay mặt và hai chân của nàng. Cha sở Ngô Biên được mời đến. Cha vội đến nói với một linh mục khác và cha đã ghi như sau trong nhật ký của cha: " Têrêsa nằm đó như một vị tử đạo, cặp mắt nàng đầy máu và hai giọt máu chảy xuống má nàng. Gương mặt nàng nhợt nhạt như một người chết. Ðến 3 giờ chiều, giờ chết của Ðấng Cứu Chuộc, nàng phải chịu những cơn đau khủng khiếp đến chết đi được. Sau đó, nàng trở nên yên lặng hoàn toàn. Cha sở bị đánh động mạnh trước biến cố. Các dấu thánh ấy đồng thời khiến cha mẹ và cả gia đình của Têrêsa sầu khổ tột độ.

 Ngày 4 tháng 4 là Chúa Nhật Phục Sinh, Têrêsa được thấy Ðấng Cứu Chuộc Phục Sinh. Nàng cảm thấy khoẻ khoắn trong người để có thể ra khỏi giường.

 Ban đầu gia đình Têrêsa nghi ngờ về những dấu lạ này nên cố gắng chữa trị cho Têrêsa. Nhưng càng chạy chữa, xức thuốc và băng bó, những vết thương ấy càng lở loét và gây thêm đau nhức. Têrêsa lấy làm lạ về hiện tượng đó nên thỉnh ý thánh nữ Têrêsa Hài Ðồng Giêsu và được Ngài cho biết là không nên chữa trị những vết thương đó. Chúng không làm độc và chỉ mở ra mỗi thứ sáu.

 Tháng 11 cùng năm đó, giữa hai ngày 18 và 19, tức thứ năm và thứ sáu, trong khi Têrêsa nhận được thị kiến về Chúa Giêsu chịu đội mão gai, người ta thấy xuất hiện 3 vết máu trên chiếc khăn màu trắng nàng đội trên đầu. Khi cất khăn đi người ta thấy đầu nàng ướt sũng máu và rất đau đớn. Tuần kế tiếp có 8 vết máu trên đầu nàng. Những vết ấy sẽ ở mãi trên đầu nàng.

 Từ lễ Giáng Sinh 1926, Têrêsa kinh nghiệm một sự thay đổi đột ngột là ngưng hẳn việc ăn uống. Hằng ngày sau khi rước lễ nàng chỉ dùng vài giọt nước để giúp nàng nuốt trôi Mình Thánh Chúa. Nhưng cha sở Ngô Biên chứng thực rằng sau tháng 9, 1927, nàng không cần những giọt nước này nữa.

 Từ đó trở đi, trong 36 năm liền, Têrêsa sống mà không cần ăn uống gì cả. Mình Thánh Chúa là thức ăn duy nhất của nàng. Cha Ngô Biên, người đã cho Têrêsa rước lễ mỗi ngày cho đến khi nàng chết, đã ghi trong nhật ký của ngài rằng Têrêsa thường nói với mọi người là nàng sống nhờ vào Ðấng Cứu Chuộc. Và cha còn thêm rằng nơi Têrêsa thực đã ứng nghiệm lời tuyên bố của Chúa Giêsu khi nói: "Thịt Ta thật là của ăn. Máu Ta thật là của uống."

 Chính bạn
có thể dự phần vào cuộc thương khó của Chúa

 Câu chuyện vừa kể minh họa lời Chúa Giêsu nói trong Tin Mừng hôm nay là "Ai ăn thịt và uống máu tôi thì ở lại trong tôi và tôi ở lại trong người ấy" (c.56). Câu chuyện cho thấy Chúa ở lại một cách lạ lùng: (1) Chúa ở lại và tỏ lộ quyền năng của Người nơi một giáo dân chỉ cần chịu lễ mà thôi? không cần ăn uống gì khác trong suốt thời gian 36 năm, mà vẫn mạnh khỏe! (2) Chúa còn ở lại và cho người ấy dự phần vào cuộc thương khó của Chúa cả nơi thân xác lẫn nơi nội tâm người đó. (3) Mục tiêu nhắm tới là: "Con đừng sợ đau khổ, kể cả đau khổ nội tâm. Chỉ có cách đó, con mới cứu được các linh hồn. Con phải từ bỏ mình nhiều hơn, phải luôn sống trong sạch và đơn sơ như hiện nay" - mục tiêu ấy được tiết lộ qua trung gian thánh nữ Têrêsa Hài Ðồng Giêsu trong một thị kiến.

 Nhân vật trong câu chuyện có thực, vì ta biết rõ lý lịch. Sự kiện mà người đó chịu lễ và không ăn uống gì khác suốt 36 năm, cũng như sự kiện về năm dấu thánh nơi thân xác người đó với những đau đớn người đó phải chịu các ngày thứ sáu, những hiện tượng đó đã được kiểm chứng đầy đủ do các bác sĩ có thẩm quyền của Toà Thánh và của giáo phận Ratisbon của Ðức Quốc. Ðồng thời, vụ án phong chân phước cho bà Têrêsa Niu Man đang được xúc tiến.

 Chẳng ai buộc người Kitô phải tin vào ơn mạc khải riêng bao giờ. Nhưng mọi Kitô hữu đều phải bén nhạy đối với những việc Chúa làm nơi thọ tạo.
 
 

Một số câu hỏi gợi ý

1. Khi bạn rước lễ, Chúa không tỏ quyền năng của Người ra bằng cách cho bạn bỏ qua bữa ăn hằng ngày mà vẫn sống; hoặc cho bạn có 5 dấu thánh trên thân xác bạn, nhưng bạn hãy nghĩ xem Chúa vẫn có thể cho bạn được dự phần vào cuộc thương khó của Chúa bằng cách: vất vả để làm việc nuôi sống gia đình? Aâm thầm phục vụ không cần được ca ngợi? Không biện minh cho lòng ham muốn trở nên giầu có bằng câu nói "có thực mới vực được đạo"? Nhẫn nại đối với những đứa con em khó dạy? Chống trả chước cám dỗ? V.v?

2. Chính bạn có thể nhắm mục tiêu mà Têrêsa Niu Man nhắm là: nhẫn nại chịu đựng những đau khổ Chúa để cho xảy ra nhằm cứu rỗi các linh hồn? Phải từ bỏ mình nhiều hơn? Phải luôn sống trong sạch? Phải trở nên như trẻ thơ để vào Nước Chúa?
 
 


Back to Vietnamese Missionaries in Taiwan Home Page