Tìm hiểu và chia sẻ
đời sống Tin Mừng

Linh Mục Augustine, SJ. phụ trách

Prepared for internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan


Ngày 6 tháng 08 năm 2000
Chúa Nhật 18 Quanh Năm B

Ðọc Tin Mừng Ga 6,24-35

Gợi ý để sống và chia sẻ Tin Mừng

Làm thế nào tìm gặp được Ðức Giêsu

 Bài Tin Mừng hôm nay là phần đầu của diễn từ Caphácnaum trong Gioan chương 6 mà toàn bộ cho thấy làm thế nào tìm gặp được Ðức Giêsu. Vấn đề chẳng đơn giản khi dân chúng được đặt đối diện với ơn mạc khải theo bề sâu về Ðức Giêsu.

 Với phép lạ hoá bánh ra nhiều (Ga 6,1-15) Ðức Giêsu tỏ ra Người là mục tử thời Mêsia, vị mục tử chăn dắt đoàn chiên Người trong đồng cỏ xanh tươi như Thánh Vịnh 23,1-2 gợi ý (xem c.18). Dân chúng được ăn no nê thì nói "Hẳn ông này là vị ngôn sứ, Ðấng phải đến thế gian!" Nhưng Ðức Giêsu biết họ sắp đến bắt mình đem đi mà tôn làm vua, nên Người lánh mặt, đi lên núi một mình (cc.14-15). Họ đã thất bại trên đường tìm Ðức Giêsu bởi họ muốn điều khiển Người theo ý họ. Lẽ ra họ phải đặt mình theo ý Người.

 Với phép lạ Ðức Giêsu đi trên mặt nước mà đến với Nhóm Mười Hai (6,16-21) ta có kết quả khác hẳn. Nhóm Mười Hai là những người đã từng bỏ mọi sự để theo Ðức Giêsu (xem Mc 1,16-20). Nhóm đã được Ðức Giêsu thiết lập để họ ở lại với Người và để Người sai họ đi rao giảng Tin Mừng (xem Mc 3,14). Cho nên tự bản chất Nhóm phải gắn liền với Ðức Giêsu. Chính Người đi bước trước để đến với các ông khi các ông gặp biển động vì gió thổi mạnh. Người không những mang lại bình an mà còn làm phép lạ để thuyền lập tức tới bờ nơi các ông định đến (Ga 6,21), là Caphácnaum.

 Caphácnaum chính là bối cảnh của diễn từ dài, trong đó Ðức Giêsu tự mạc khải Người là ai, mà bài Tin Mừng hôm nay kể lại như lời tựa mà thôi (6,24-35).

 Diền từ ngay từ ban đầu trở nên sinh động do dân chúng từng muốn bắt Ðức Giêsu mà tôn Người làm vua (6,7-15), thì nay họ lại vượt biển hồ Galilê đến gặp lại Người (c.25).

 Nhưng dân chúng chỉ là hậu trường để Ðức Giêsu cho thấy Người là ai vượt trên tất cả những gì họ có thể nghĩ về Người.

 Lời đầu tiên mà Ðức Giêsu ngỏ cùng dân chúng khi họ gặp lại Người là các ông tìm tôi không phải vì các ông đã thấy dấu lạ, nhưng vì các ông đã được ăn bánh no nê (c.26). Nói trắng ra, cuộc tìm kiếm của họ mang tính duy vật và qui về mình thay vì qui về Chúa. Họ cần phải ra khỏi mình, phải hướng về Thiên Chúa và phải làm những việc Thiên Chúa muốn để có "lương thực trường tồn mang lại phúc trường sinh" (c.27).

 Khi Ðức Giêsu tuyên bố với dân chúng rằng "Việc Thiên Chúa muốn cho các ông làm, là tin vào Ðấng Người sai đến", thì phản ứng của dân chúng là "Vậy chính ông, ông làm được dấu lạ nào cho chúng tôi thấy mà tin ông? Oâng sẽ làm gì đây? Tổ tiên chúng tôi đã ăn Manna trong sa mạc như có lời chép: "Người đã cho họ ăn bánh bởi trời" (c.31). Ðó là lúc Ðức Giêsu khẳng định rằng: "Chính là Cha tôi cho các ông ăn bánh bởi trời, bánh đích thực, vì bánh Thiên Chúa ban là bánh từ trời xuống, bánh đem lại sự sống cho thế gian."

 Tới đây phản ứng của dân chúng là: "Thưa Ngài, xin cho chúng tôi được ăn mãi thứ bánh ấy." Và Ðức Giêsu đã đáp lại: "Chính tôi là bánh trường sinh. Ai đến với tôi không hề phải đói; ai tin vào tôi chẳng khát bao giờ." (cc.34-35)

 Vậy bài Tin Mừng hôm nay thể hiện chức năng lời tựa cho diễn từ Caphácnaum bằng cách đặt dân chúng gặp lại Ðức Giêsu để chính Người gieo vào lòng họ niềm khao khát được ăn mãi thứ bánh từ trời xuống là bánh đem lại sự sống cho thế gian.

 Nhưng một số thắc mắc cần được giải đáp để làm sáng tỏ vấn đề tìm gặp Ðức Giêsu.

 Giải đáp thắc mắc

 Trước hết, tại sao Ðức Giêsu nói với đám đông rằng "Không phải vì các ông đã thấy dấu lạ, nhưng vì các ông đã được ăn bánh no nê" trong khi độc giả đã được cho biết rằng "có đông đảo dân chúng đi theo Người bởi họ từng được chứng kiến những dấu lạ Người đã làm" (c.2)?

 Xem ra có mâu thuẫn liên quan tới việc thống nhất ngôn ngữ cho toàn bản văn. Nhưng xét về thần học sẽ không có gì khó khăn, nếu hiểu ý tác giả về ý nghĩa của những dấu lạ. Dân chúng ở các câu 14-15 cũng như ở câu 26 đều được cuốn hút do phương diện lạ lùng bề ngoài của các dấu lạ mà thôi. Họ không hề quan tâm tìm hiểu xem những điều lạ lùng ấy như bánh hoá ra nhiều, người mù được thấy, kẻ què đi được, người chết sống lại, v.v? nói về nguồn gốc và quyền năng của Ðức Giêsu. Ðó chính là đề tài của diễn từ Caphácnaum. Ðức Giêsu có ý cắt nghĩa phép lạ hoá bánh ra nhiều là dấu chỉ về quyền năng Người nắm trong tay để ban phát bánh là lời giảng dạy của Người cho dân chúng. Người nắm giữ quyền năng đó chính vì Người là Ðấng đến từ Trời cao.

 Ý nghĩa của bánh là lời giảng dạy được chính Ðức Giêsu cắt nghĩa cho các môn đệ trong Mt 16,11-12 "Tại sao anh em không hiểu rằng Thầy chẳng có ý nói về bánh khi Thầy nói: Anh em phải coi chừng men Pharisêu và Xa-đốc?" Bấy giờ các ông mới hiểu là Người không bảo phải coi chừng men bánh, mà phải coi chừng giáo lý Pharisêu và Xa-đốc.

 + Vấn đề được đặt ra là phải tin vào ơn mạc khải như Ðức Giêsu cho thấy về Người. Người đã cho dân chúng thấy bằng cách đưa họ vượt trên cấp độ vật chất để nhận lấy lời dạy dỗ của Người. Họ phải nhận lấy bằng cách tin. Nhưng tin ở đây phải đi đôi với việc làm và việc làm phải đi đôi với niềm tin. Ðúng ra, người tín hữu tin chính là khi người đó đặt mình để Thiên Chúa tác động nhờ Ðức Giêsu.

 + Nhưng mục đích mà người tín hữu nhắm sẽ là chân trời nào? Mục đích ấy được Ðức Giêsu nêu rõ liền sau bài Tin Mừng hôm nay, trong bài diễn từ Caphácnaum: Tất cả những người Chúa Cha ban cho tôi đều sẽ đến với tôi và ai đến với tôi, tôi sẽ không loại ra ngoài, vì tôi từ trời mà xuống, không phải làm theo ý tôi nhưng để làm theo ý Ðấng đã sai tôi. Mà ý Ðấng đã sai tôi là tất cả những kẻ Người đã ban cho tôi, tôi sẽ không để mất một ai, nhưng sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết. Thật vậy ý của cha tôi là tất cả những ai thấy người Con và tin vào người Con thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết (Ga 6,37-40)

 Gương Bác Sĩ Ðỗ Linh

 Ðể kết luận ở đây, ta có thể nêu trường hợp một người Tin Lành thấy phép lạ Chúa làm nơi một người giáo dân chịu lễ, thì đã vượt trên điều lạ lùng ông thấy để tin vào Chúa Giêsu, đến nỗi ông đã bỏ đạo Tin Lành để gia nhập Hội Thánh Công Giáo. Người Tin Lành ấy là bác sĩ Dulit, chủ bút một nhật báo nổi tiếng ở thành phố Munich của Ðức Quốc. Trước đó ông được nghe một tín hữu Công Giáo tên là Têrêsa Niuman khi chịu lễ không cần nuốt, vì Mình Thánh đặt trên lưỡi bà liền tan biến ngay tức khắc. Vậy ông đã tìm đến để quan sát bà Têrêsa dự lễ và chịu lễ vì tưởng bà là người gian trá. Oâng miêu tả cuộc rước lễ của bà Têrêsa như sau:

 Khi cha Nabe xuất hiện với Mình Thánh nơi bàn thờ, Têrêsa liền rơi vào một cơn xuất thần và biểu lộ một niềm khát khao được gặp Ðấng Cứu Chuộc đến nỗi như không cưỡng lại được. Gương mặt cô ta ngời sáng, hai tay giang thẳng về phía trước và toàn thân cô ta như được thêm năng lực. Vị linh mục ra hiệu bảo tôi đến quỳ bên cạnh cô ta để tôi có thể thấy rõ miệng cô ấy. Lúc đó vị linh mục đặt Mình Thánh trên đầu lưỡi của Têrêsa và lùi lại. Ðột nhiên Mình Thánh biến mất, miệng cô ấy vẫn mở ra như trước và không có dấu hiệu nào cho thấy là Têrêsa đã nuốt Mình Thánh. Tôi có thể thêm là tôi nhìn rất kỹ và đèn trong nhà thờ lúc đó sáng choang."

 Ðiều quan trọng là bác sĩ Ðỗ Linh (Dulit) đã vượt trên điều lạ lùng ông thấy để tin vào Chúa Giêsu hiện diện trong bí tích Thánh Thể.
 
 

Một số câu hỏi gợi ý

1. Bạn nghĩ gì về việc bác sĩ Ðỗ Linh vượt trên điều lạ lùng ông thấy để tin vào Chúa Giêsu hiện diện trong bí tích Thánh Thể? Trong việc đi tìm dấu lạ, ông khác người Do Thái ở điểm nào như chính Ðức Giêsu tuyên bố trong câu 26?

 2. Khi Ðức Giêsu tự xưng là Bánh từ trời xuống, bánh đem lại sự sống cho thế gian (c33), bạn hiểu bánh đó là gì? Chính bạn khi chia sẻ Lời Chúa có được ăn thứ bánh đó không?
 
 


Back to Vietnamese Missionaries in Taiwan Home Page