Tìm hiểu và chia sẻ
đời sống Tin Mừng

Linh Mục Augustine, SJ. phụ trách

Prepared for internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan


Ngày 23 tháng 07 năm 2000
Chúa Nhật 16 Quanh Năm B

Ðọc Tin Mừng Mc 6,30-34

Gợi ý để sống và chia sẻ Tin Mừng

Ðức Cha Thể phái người lên vùng Cao Nguyên
loan Tin Mừng.

 Cuộc đời của Thánh Giám Mục tử đạo Cuénot Thể (1802-1861) với 31 năm phục vụ Giáo Hội Việt Nam và 26 năm trong chức vụ giám mục, gắn liền với công cuộc khuếch trương truyền giáo không những giữa người Việt Nam nhưng cả với những dân tộc ít người tại vùng Cao Nguyên Kontum. Khi bị bắt Ðức Cha Thể đã bị điều tra xét hỏi:

 - Tại sao ông sang nước tôi?
+ Thưa, để giảng đạo Thiên Chúa.
- Ông ở đây bao lâu rồi?
+ Ba mươi bốn năm.
- Ông đã ở đâu?
+ Thưa trước hết ở Bình Ðịnh rồi Phú Yên, Bình Thuận và lại trở về Bình Ðịnh.

 Có một điều không được đề cập tới trong cuộc tra vấn là công cuộc truyền giáo cho các dân tộc ít người tại vùng Cao Nguyên Kontum. Về công trình này, cha Ðỗ Ðình Bộ (P. Dourisboure) là người trong cuộc có bình luận về Ðức Cha Thể như sau: Ðức Cha có bẩm tính cương quyết và kiên trì, và một khi ngài đã nghiền ngẫm dự tính gì đó thì những trở ngại, thay vì làm ngài nản lòng, lại càng kích thích sự hăng say của ngài. Ðã bốn năm lần, ngài thấy dự tính rao giảng Phúc Aâm cho các dân tộc Thượng bị chặn đứng và trở nên không thể thực hiện được, nhưng chưa bao giờ vì vậy mà ngài có ý bỏ cuộc. Con đường bị đóng ư? Ngài cho mở đường khác. Con đường mới này xem ra không thể lưu hành được, ngài lại tìm tòi hướng khác cho đến khi thành tựu mới thôi." (Dân Làng Hồ, Sàigòn 1972, trang 5).

 Vậy năm 1842 Ðức Cha Thể phái hai vị thừa sai (là hai linh mục thừa sai Paris Miche và Duclos) cho cuộc mạo hiểm đầu tiên. Hai vị đã bị thương gia người kinh bắt và áp giải về Huế. Các ngài đã bị lên án tử hình nhưng được giải thoát do chiếc tàu Pháo Héroine đến can thiệp kịp thời.

 Vài ba cuộc mưu toan vượt biên khác qua lối Quảng Ngãi và Quảng Nam cũng bị thất bại.

 Gương Thầy Sáu Do và các vị Thừa Sai

 Ðến năm 1848, Ðức Cha Thể lại thử một cuộc vượt biên khác, lần này qua biên giới tỉnh Bình Ðịnh nơi ngài đang trú ẩn giữa cơn cấm đạo gắt gao, và với một chủng sinh người Việt mà ngài mới truyền chức phó tế. Ðó là thầy sáu Do. Khởi sự thầy Do đóng vai giúp việc rồi nấu bếp cho một thương gia người kinh. Thầy học tiếng dân tộc và phong tục của họ. Thầy cũng khám phá ra đường đưa các vị thừa sai vượt ngoài sự dòm ngó của những thương gia người kinh. Sau sáu tháng phiêu bạt trở về, thầy Do được Ðức Cha tín nhiệm cho lên đường như một nhà buôn có môn bài. Thầy sẽ có thể đi sâu vào những buôn làng bên kia An Sơn trước kia là Tây Sơn nơi 3 anh em cùng một gia đình đã nổi dậy chống chúa Nguyễn. Thầy và bốn chủng sinh phụ tá, làm nên đoàn thương gia giả hiệu, an toàn đến được với bộ lạc Hà Drông. Không ngờ nơi đoàn thương gia tới trọ lại là nơi có âm mưu cướp của và bắt người bán làm nô lệ cho dân Lào. May mà thầy sáu Do và anh em kịp thời chạy trốn, bỏ lại hành lý và đồ đạc cho bọn cướp.

 Ðức Cha Thể khâm phục lòng can đảm của thầy sáu Do và anh em, và chỉ thị cho cha Cung (tức là linh mục thừa sai Paris Combes) cùng với thầy sáu Do lên đường. Vì di chuyển ban đêm, đoàn không kịp thời trông thấy để lẩn tránh một đàn voi đang chận đường họ. Một con trong đàn dẫm gãy sườn một thanh niên trong đoàn. Thôi thì mạnh ai nấy chạy. Riêng cha Cung bị một con voi rượt theo, cha liền ném chiếc nón đang đội lại phía sau. Voi ngừng đuổi, chà đạp chiếc nón và để cha chạy thoát thân.

 Lần này Ðức Cha Thể tỏ ra lạnh nhạt với phái đoàn đã sớm bỏ cuộc. Ðức Cha nói: "Vì thời tiết xấu còn kéo dài, tôi cho các vị 15 ngày để nghỉ ngơi. Sau thời gian này các vị sẽ lại lên đường. Và lần này cũng đừng có vô phúc mà quay về như vậy nữa." Ðể bảo đảm hơn cho thành quả của chuyến viễn du mới, Ðức Cha ra lệnh cho cha Phạm Tân (Fontaine) sửa soạn để tháp tùng cha Cung.

 Cứ như vậy Ðức Cha Thể phái các thừa sai đi loan Tin Mừng cho các dân tộc ít người ở vùng Cao Nguyên. Ban đầu phải đi ban đêm để các vị thừa sai ngoại quốc không bị phát hiện. Sau vì muốn tránh thú dữ nên phải đi ban ngày, thì các vị ấy phải được sơn phết cho đỡ trắng trẻo, phải đội nón và ăn vận như người bình dân.

 Nơi dừng chân đầu tiên là làng của một tên cướp khét tiếng cả vùng, gọi là làng của Ba Ham (cha của Ham). Cũng may gã Ba Ham lần đầu tiên đối diện với bộ mặt dị dạng và râu ria rậm rạp của hai vị thừa sai người Pháp, tự nhiên hắn cảm thấy phần nào kính nể. Dẫu vậy hắn cũng giữ hai cha lại trong nhà gần một tháng mới chịu để cho hai cha ra đi.

 Sau làng Ba Ham đến làng Bơ Lu dễ thương hơn nhiều. Rồi đến Kon Phar cách Bơ Lu hai ngày đường. Và còn nhiều làng khác nữa mà các thừa sai phải kinh qua trước khi các vị ấy được ơn làm phép rửa cho ba người dân tộc đầu tiên vào năm 1853, tức 11 năm sau khi Ðức Cha Thể phái hai vị thừa sai đầu tiên lên vùng cao nguyên.

 Gương sống động của chính Ðức Giêsu và các môn đệ.

 Cuộc phái thừa sai lên vùng cao nguyên Việt Nam cũng là để tiếp nối cuộc sai phái các môn đệ do chính Ðức Giêsu. Tin Mừng Máccô lần lượt cho thấy Ðức Giêsu gọi các môn đệ đầu tiên (1,16-20), thiết lập Nhóm Mười Hai để các ông ở với Người và để chính Người sai các ông đi rao giảng (3,14). Một khi các môn đệ được sai đi từng hai người để rao giảng và kêu gọi người ta ăn năn sám hối (6,7-12), các ông trở về báo cáo cho biết mọi điều các ông đã làm và đã dậy (6,30).

 Nhưng điều quan trọng là thực chất của Nước Thiên Chúa mà các môn đệ cần nhắm tới. Các ông trừ được nhiều quỉ, xức dầu cho nhiều người đau ốm và chữa họ khỏi bệnh (6,13), nhưng Ðức Giêsu khẳng định rằng: "Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: Lạy Chúa! Lạy Chúa! là được vào Nước Trời cả đâu! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Ðấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi. Trong ngày ấy, nhiều người sẽ thưa với Thầy: Lạy Chúa, lạy Chúa, nào chúng tôi đã chẳng nhân danh Chúa mà nói tiên tri, nhân danh Chúa mà trừ quỷ, nhân danh Chúa mà làm nhiều phép lạ đó sao? Và bấy giờ Thầy sẽ tuyên bố với họ: Ta không hề biết các ngươi." (Mt 7,21-23).

 Bài Tin Mừng hôm nay (6,30-34) cùng với phần còn lại của đoạn văn (6,35-52) minh họa cách cụ thể ý muốn của Thiên Chúa là ý muốn mà Ðức Giêsu triệt để vâng theo, cũng là ý muốn mà Ðức Giêsu sốt sắng huấn luyện các môn đệ, để các ông vâng theo. Sau đây là một loạt những biến cố cho thấy rõ điều đó.

 + Thiên Chúa an bài để sự việc xảy ra là các môn đệ đi sứ vụ về báo cáo với Ðức Giêsu ngay vào lúc Ðức Giêsu đang bị dân chúng tràn ngập đến nỗi các môn đệ chẳng còn thì giờ ăn uống (c.3).

 + Ðức Giêsu ra lệnh cho các môn đệ lánh riêng ra đến nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút (c.31)

 + Thiên Chúa cũng an bài để nhiều người hiểu ý nên từ khắp các thành họ cùng nhau theo đường bộ chạy đến nơi trước các ngài (c.33)

 + Ra khỏi thuyền, Ðức Giêsu thấy một đám người rất đông thì chạnh lòng thương vì họ như bầy chiên không người chăn dắt (c.34). Tức là Ðức Giêsu đọc được ý của Thiên Chúa Cha muốn Ðức Giêsu tỏ ra Người chính là vị Mục Tử tốt lành từng được Cựu Ước loan báo (Tv 76,21; Ed 34,23; 37,24). Vậy Ðức Giêsu đã bỏ dự định cũ, Người không tìm đến nơi hẻo lánh nữa nhưng ở lại với dân chúng để dạy họ nhiều điều (c.34).

 + Sự việc lại xảy ra là: vì giờ đã muộn nên các môn đệ đề nghị Ðức Giêsu giải tán dân chúng về để họ vào các thôn xóm mà mua của ăn (c.38). Nhưng Ðức Giêsu đã không theo ý các môn đệ vì Người đọc được ý Thiên Chúa muốn Người phải trở nên như Môsê từng cung cấp lương thực là Manna cho dân nơi sa mạc (Xh 16,1-36). Do đó Ðức Giêsu đã làm phép lạ hoá bánh ra nhiều cho dân ăn no (cc.37-44).

 + Ðiều được hiểu ngầm sau phép lạ hoá bánh ra nhiều là một tình trạng lệch lạc nào đó xảy ra giữa dân chúng và các môn đệ cho nên Ðức Giêsu phải bắt các môn đệ xuống thuyền qua bờ bên kia trong khi chính Người giải tán dân chúng (c.45).

 + Trong Tin Mừng Gioan, Ðức Giêsu biết họ sắp bắt mình đem đi mà tôn làm vua, nên Người lánh mặt, đi lên núi một mình" (Ga 6,15). Còn trong Tin Mừng Máccô, Ðức Giêsu lên núi cầu nguyện (Mc 6,46). Ðức Giêsu như Môsê xưa ở trên núi chuyển cầu cho dân (Xh 33,11-17). Chính ở thế kết hợp với Thiên Chúa, Ðức Giêsu thấy rõ hoàn cảnh các môn đệ đang bị thử thách trên biển hồ Galilê. Người đã đi trên mặt nước để đến mang lại bình an cho các ông.

 + Vậy tác nhân quan trọng nhất trong công cuộc huấn luyện các môn đệ là chính bản thân Ðức Giêsu như tấm gương sống động về tinh thần khắng khít với Thiên Chúa trong cầu nguyện cũng như trong mọi hành động.
 
 

Một số câu hỏi gợi ý

1. Bạn tâm đắc được gì về: bẩm tính cương quyết và kiên trì của Ðức Cha Cuénot Thể trong việc phái người đi loan báo Tin Mừng cho dân tộc ít người tại vùng Cao Nguyên Việt Nam? Thầy sáu Do, con người can đảm và biến báo? Biết bao hy sinh mà các vị thừa sai phải trải qua để rửa tội cho 3 người dân tộc đầu tiên năm 1853?

 2. Bài Tin Mừng hôm nay cho thấy chính Ðức Giêsu cũng đã từng từ bỏ ý riêng mình đi để làm theo ý Thiên Chúa Cha như thế nào?
 
 


Back to Vietnamese Missionaries in Taiwan Home Page