Tìm hiểu và chia sẻ
đời sống Tin Mừng

Linh Mục Augustine, SJ. phụ trách

Prepared for internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan


Ngày 11 tháng 06 năm 2000
Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống

Ðọc Tin Mừng Ga 16,12-15

Gợi ý để sống và chia sẻ Tin Mừng

Biệt ân thăng tiến người giáo dân

 Trong Tông Thư Tiến Tới Thiên Niên Kỷ Thứ Ba, Ðức Gioan Phaolô nhận thấy trước khi tiến vào Thế Kỷ 21, Giáo Hội đã tiếp nhận biệt ân mà Chúa Thánh Linh dành cho việc thăng tiến người giáo dân, đúng là ơn đặc biệt vì nhờ đó họ góp phần vào công cuộc hiệp nhất mọi Kitô hữu và đối thoại với các tôn giáo và nền văn hoá hiện đại (số 46).

 Có thể nêu một số trường hợp điển hình về hiệp nhất các Kitô hữu và về đối thoại với các tôn giáo chăng?

 Trước đây, chúng ta đã có dịp nêu trường hợp một chị giáo dân đóng vai con thoi giữa Ðức Cố Thượng Phụ Anathenagoras I của Chính Thống Giáo và Ðức Cố Giáo Hoàng Phaolô VI của Giáo Hội Công Giáo. Người ta thấy Chúa Thánh Linh vẫn khơi dậy một đức ái thắm thiết giữa hai vị lãnh đạo tôn giáo này bất chấp sự chia rẽ giữa hai Giáo Hội còn đó chưa được hàn gắn. Nhưng điều đặc biệt là người giáo dân được tham dự vào mối tương quan thân ái ấy giữa hai vị, hướng tới tình hiệp nhất đại kết.

 Chúng ta cũng nên ghi nhận nơi đây thành quả rõ nét về yêu thương được thấy nơi cuộc họp ba ngày 25 - 27.6.1997 của các vị đại diện 1,600 người Do Thái thuộc phong trào Hiệp Nhất Thế Giới mà ai cũng biết dưới sự lãnh đạo của chị giáo dân Chiara Lưu Bích. Ngay việc hiệp nhất giữa những khuynh hướng Do Thái Giáo bao gồm chính thống, canh cải, bảo thủ, theo hướng tục hoá, đã là chuyện khó. Nhưng đề tài tình yêu Thiên Chúa và tha nhân trong linh đạo Do Thái giáo và phong trào Tổ Aám đã là đề tài trúng tủ, đến nỗi một dự viên Do Thái đã thú thật "Bước vào hội nghị mà thấy những khác biệt giữa Do Thái chúng tôi, tôi đã sợ và đã có phê phán tiêu cực. Nhưng rồi tôi nhận ra sự kiện mỗi người chúng tôi có mặt ở hội nghị đã là một hành vi yêu thương. Ðó chính là điều hiện thực nhất tôi nhận ra ở giữa chúng tôi, những người tới dự."

 Chị giáo dân Lưu Bích nói về kinh nghiệm của mình trong gặp gỡ với Chúa cho hơn 10,000 người Nhật ở Tôkyô nghe. Người đứng ra tổ chức cuộc nói chuyện là người đã từng tham dự Công Ðồng Vaticanô II với tư cách là dự thính viên ngoài Công Giáo. Ðó là ông Ninh Kỳ Oanh (Nikkyo Niwano), vị sáng lập Phong Trào Phật Tử Vì Thế Giới Hiệp Nhất với 6 triệu thành viên. Các thành viên này đã từng có tương quan tốt với anh chị em giáo dân thuộc Phong Trào Focolare ở nhiều quốc gia nên muốn chính chị Lưu Bích đến nói cho họ nghe về gốc gác của Focolare. Do đó mà chị được tự do mô tả kinh nghiệm thân mật của chị với Thiên Chúa nhiều năm trước khi khởi xướng Phong Trào. Oâng Ninh Kỳ Oanh rất đắc ý về kinh nghiệm thiêng liêng của chị Lưu Bích đến nỗi ông nói: "Vậy theo thánh ý Thiên Chúa và lòng từ bi của Ðức Phật là chúng ta phải lao tác cho thế giới được hiệp nhất."

 Bốn năm sau (1985) nhân dịp mừng thượng thọ của ông Ninh Kỳ Oanh, ông còn mời chị Lưu Bích tới Tôkyô. Lần này bài nói chuyện của chị nhắm tới hàng ngàn người Nhật đại diện giới tôn giáo, văn hoá và chính trị của Nhật Bản. Chiều hôm đó, chị Lưu Bích và những người bạn Công giáo tháp tùng chị, đã hết sức xúc động khi nghe ông Ninh Kỳ Oanh mời gọi đám đông giới trẻ Phật Tử đang nghe ông, hãy trở lại đạo Công Giáo nếu đó là điều lương tâm họ gợi ý, bởi lẽ ông rất quí chuộng và yêu mến Ðức Giáo Hoàng và đạo Công Giáo!

 Hai năm sau, một nhân vật khác nữa của Phật Giáo Nhật Bản là Ðức Minh Ðăng (Etai Yamada) sau được bầu làm chủ tịch Hiệp Hội Phật Tử Nhật Bản gồm tới 60 giáo phái. Vị này đã được Ðức Gioan Phaolô II mời tham dự ngày Cầu Nguyện Cho Hoà Bình tại A-si-di năm 1986. Sau khi quan sát các bạn trẻ Focolare sinh hoạt, Ðức Minh Ðăng nói: "Tôi rất cảm động trước sự dấn thân của giới trẻ Focolare. Tôi nghĩ các tu sĩ Phật Giáo Nhật Bản chúng tôi cũng phải sống như vậy."

 Lễ Hiện Xuống mới.

 Tất cả những điều vừa kể là một dấu chỉ của một lễ Hiện Xuống mới. Như xưa tại Giêrusalem trong ngày Lễ Ngũ Tuần, các môn đệ Ðức Giêsu không còn là nạn nhân của sự sợ hãi nữa. Họ đã bước ra khỏi căn phòng đóng kín trên lầu để xuất hiện làm chứng về Chúa Giêsu Phục Sinh. Và hôm đó đã có thêm khoảng 3.000 người theo đạo (Cv 2,41). Nay cũng vậy, đã đến lúc các Kitô hữu thể hiện lời Ðức Giêsu dạy họ: "Chính anh em là muối cho đời. Nhưng muối mà nhạt đi thì lấy gì muối cho nó mặn lại? Nó đã thành vô dụng, thì chỉ còn việc quăng ra ngoài cho người ta chà đạp. Chính anh em là ánh sáng cho trần gian. Một thành xây trên núi không tài nào che giấu được? Cũng vậy, ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Ðấng ngự trên trời" (Mt 5,13-16).

 Không những phải làm chứng, Giáo Hội tự bản chất còn phải truyền giáo. Dịp lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống 1995, giáo phận Rôma do Ðức Thánh Cha đứng đầu, đã nêu gương cho các giáo phận trên thế giới, bằng cách huy động toàn Giáo Hội trong lãnh thổ vào sứ mạng truyền giáo chung, với 12,000 nhà truyền giáo là giáo dân, 2,000 nhà truyền giáo là nữ tu, chưa kể 781 linh mục triều và các phó tế vĩnh viễn. Dịp này Ðức Thánh Cha đã đặt linh mục vào tâm điểm dưới sức thúc đẩy của Chúa Thánh Thần khi nói "Mỗi linh mục mang trong trái tim mình những giáo dân đã và đang được giao cho mình chăn dắt", Ðức Thánh Cha còn nói tiếp: "Chính giáo dân sẽ giúp cho linh mục hiểu rõ ơn gọi của mình hơn, giúp cho các linh mục sống ơn gọi của mình đầy đủ hơn. Bởi vì linh mục học hỏi được rất nhiều ở trẻ em, ở người trưởng thành và thanh niên, ở các người già, các bà mẹ gia đình, các công nhân, các người làm nghệ thuật hay văn hoá cũng như các người quê mùa chất phác". Lời của Ðức Gioan Phaolô II vừa trích gợi ý về hướng theo đó nên hiểu Lời Chúa Giêsu nói trong bài Tin Mừng hôm nay rằng "Khi nào Thần Khí Sự Thật đến, Người sẽ dẫn anh em đến sự thật toàn vẹn." (c.13)

 Sau khi nhìn nhận nỗi buồn do sự ra đi của Ðức Giêsu gây nên (Ga 16,5-7), Người bắt đầu an ủi các môn đệ bằng việc loan báo Ðấng Bảo Trợ sẽ đến với các ông. Ðấng ấy sẽ đứng ra bảo vệ chính nghĩa của Người, vạch trần tội lỗi của thế gian và cho thấy rõ Satan thủ lãnh của thế gian đã bị xét xử (cc. 8-11). Ðấng ấy sẽ hướng dẫn các môn đệ tới sự thật toàn vẹn (cc.12-15).

 Cựu Ước đã loan báo "Thần Khí tốt lành của Chúa dẫn con đi trên miền đất phẳng phiu" (Tv 142,10). "Lạy Chúa, nẻo đường Ngài, xin dạy cho con biết, lối đi của Ngài, xin chỉ bảo con - Xin dẫn con đi theo đường chân lý của Ngài và bảo ban dạy dỗ (Tv 24,4-5).

 Dĩ nhiên ý niệm "Thần Khí", "đường nẻo" hoặc "chân lý của Ngài" mà tác giả Gioan sử dụng vượt ngoài nội dung của những từ tương đương trong Cựu Ước. Nhưng quan trọng hơn chính là sự hướng dẫn của Ðấng Bảo Trợ không chỉ bảo gồm việc hiểu sâu hơn về những điều Ðức Giêsu đã dạy. Sự hướng dẫn của Chúa Thánh Linh thực ra phải được hiểu về lối sống ăn khít với lời dạy dỗ và cuộc đời trần thế của Ðức Giêsu. Như vậy khi Ðức Giêsu nói với các môn đệ "Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em trên nẻo đường của sự thật toàn vẹn" (c.13) có nghĩa là Người sẽ hướng dẫn các môn đệ hoàn toàn theo lời dạy dỗ và gương lành của Ðức Giêsu, tuyệt đối không theo sự ô nhiễm của thế gian, xác thịt và tinh thần tăm tối. Do đó Ðức Giêsu nhắc đi nhắc lại rằng Chúa Thánh Thần là Ðấng Bảo Trợ "sẽ lấy những gì của Thầy mà loan báo cho anh em" (cc.14-15)

 Cách tốt nhất để đón nhận ơn cứu độ

 Vậy việc làm thích hợp nhất người Kitô hữu có thể bắt đầu thực hiện dịp lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống này là đặt mình để Chúa Thánh Thần dẫn dắt nhằm áp dụng lời Tin Mừng của Chúa Giêsu vào cuộc sống. Ðó sẽ là cách tốt nhất để đón nhận ơn cứu độ do Chúa Giêsu mang lại.
 
 

Một số câu hỏi gợi ý

1. Bạn nghĩ gì về lời bình luận của Ðức Minh Ðăng (Etai Yamada) khi nói "Tôi rất cảm động trước sự dấn thân của giới trẻ (Công Giáo) Focolare. Tôi nghĩ các tu sĩ Phật Giáo Nhật Bản chúng tôi cũng phải sống như vậy." Lời đó có gợi ý gì về cách giáo dục con em gia đình Công Giáo của chúng ta chăng? Nhưng có phải các bạn trẻ Công Giáo Focolare nói trên cũng chỉ thực hiện lời Chúa Giêsu dạy là "Chính anh em là muối cho đời? là ánh sáng v.v?"?

 2. Bạn nghĩ lời Tin Mừng nào của Chúa Giêsu mà bạn lấy làm tâm đắc? Bạn sẽ cầu cùng Chúa Thánh Thần như thế nào để Ngài giúp bạn áp dụng lời đó vào cuộc sống?
 
 


Back to Vietnamese Missionaries in Taiwan Home Page