Tìm hiểu và chia sẻ
đời sống Tin Mừng

Linh Mục Augustine, SJ. phụ trách

Prepared for internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan


Ngày 4 tháng 06 năm 2000
Lễ Chúa Giêsu Lên Trời Năm B
Chúa Nhật 7 Phục Sinh Năm B

Ðọc Tin Mừng Mc 16,15-20

Gợi ý để sống và chia sẻ Tin Mừng

Một mệnh lệnh, một lời hứa

 Khi còn sống ở đời, có lần Ðức Giêsu đã nói: "Nhưng trước hết Tin Mừng phải được rao giảng cho mọi dân tộc" (Mc 13,10). Sau khi Ðức Giêsu phục sinh, mệnh lệnh này trở nên rõ nét. Cả ba sách nhất lãm đều nói về việc rao giảng Tin Mừng cho muôn dân (Mc 16,15; Mt 28,19; Lc 24,47-48). Ðó là mối bận tâm lớn của Chúa Phục Sinh. Trong Tin Mừng Gioan, Chúa Giêsu cũng nói "như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em" (Ga 20,21). Cánh đồng lúa mà các môn đệ được sai đến đã mở ra. Cả thế giới là cánh đồng lúa ấy. Không một ai có thể bị tước mất quyền nghe giảng Tin Mừng.

 Tin Mừng ấy có thể tóm như sau: chúng ta được Thiên Chúa yêu thương bất chấp những tội lỗi của ta; tất cả chúng ta đều là anh chị em của nhau trên trái đất đẹp đẽ này; cuộc sống ở trần gian là có ý nghĩa cao quý; cái chết chỉ là con đường dẫn đến sự sống vĩnh cửu.

 Cùng với mệnh lệnh lên đường, Chúa Giêsu hứa ban những ơn đặc biệt cho các tín hữu, nghĩa là cho những ai có lòng tin. Tín hữu là người có khả năng đem đến cho con người ơn giải phóng, giải phóng khỏi bệnh tật, khỏi ách thống trị của ma quỷ. Họ có thể hoà giải với người khác, vì họ biết nhiều thứ tiếng mới. Trong sách Công Vụ, ta thấy các tông đồ đã trừ quỷ (8,7; 16,16-18), đặt tay trên bệnh nhân để chữa lành (9,17), nói được những thứ tiếng mới (2,4; 10,46), cầm rắn trong tay mà không bị hại (28,3-6)?

 Chúng ta tự hỏi phải chăng lời hứa của Chúa Phục Sinh không áp dụng cho thời đại chúng ta. Chúng ta sẽ lấy dấu gì để con người hôm nay có thể tin vào điều chúng ta rao giảng? Mỗi thời đại lại rung động trước những dấu lạ khác nhau và đòi hỏi chúng ta phải đáp ứng. Nói cho cùng thì tình yêu vẫn là dấu lạ lớn nhất cho mọi thời đại. Một tình yêu hiệp thông chia sẻ giữa các Kitô hữu (Koinônia). Tình yêu vẫn là điều mà thế giới hôm nay đói khát, dù nó có tất cả những sự khác. Con người hôm nay vẫn yêu mến những khuôn mặt của Gioan 23, của Luther King, của Têrêsa Calcutta, và của biết bao khuôn mặt vô danh khác.

 Chúa lên trời - Chúa còn ở lại

 Chúa Giêsu "được rước lên trời": đó là một lối nói của Kinh Thánh nhằm diễn tả việc Chúa Phục Sinh từ giã trần gian để về cùng Thiên Chúa Cha. Ngài từ Cha mà ra và nay lại trở về với Cha. "Không ai đã lên trời, ngoại trừ Con Người, Ðấng đã từ trời xuống" (Ga 3,13).

 Ngay sau khi được phục sinh, nhân tính của Chúa Giêsu đã được tôn vinh rồi, hay nói cách khác, đã được vào trong vinh quang. Tuy vậy vinh quang này vẫn còn bị che khuất: Chúa Phục Sinh hiện ra cho các môn đệ dưới dáng dấp một người bình thường. Lần hiện ra cuối cùng của Chúa Giêsu đánh dấu một bước chuyển mới. Từ nay nhân tính của Ngài được đưa hẳn vào trong vinh quang Cha, được đặt ngồi bên hữu Cha. Việc Chúa hiện ra cho Phaolô (1Cr 15,8) phải được coi là biến cố hết sức hi hữu (xem Giáo Lý Công Giáo số 659).

 Mừng lễ Chúa Thăng Thiên là mừng ngày Ðức Giêsu được tôn vinh. Có một con người mang tên Giêsu nay được hưởng vinh quang và danh dự của Thiên Chúa, nay đang ở trong chỗ sâu thẳm nhất của thế giới thần linh, với thân xác đã được thần hóa của mình. Lễ Thăng Thiên thực hiện giấc mơ lớn nhất của con người. Tất cả chúng ta đều hy vọng được hưởng vinh quang của Thiên Chúa, bên Chúa Giêsu, người Anh Trưởng.

 Lễ Chúa Thăng Thiên không phải là một cuộc chia ly, tiễn đưa Chúa Giêsu đi vào một phương trời xa lạ và cắt đứt tương quan với Ngài. Chúa về trời là để có thể ở lại với mọi người, mọi thời, mọi nơi. Ðiều duy nhất mất đi là chúng ta không còn có thể thấy, đụng chạm, nghe Ngài bằng giác quan tự nhiên. Nhưng chúng ta vẫn có thể gặp gỡ Ngài bằng giác quan siêu nhiên của lòng tin. Nếu trong Tin Mừng Matthêu, Chúa Giêsu khẳng định: "Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế" (Mt 28,20), thì trong Máccô, ta thấy các tông đồ có cảm nghiệm rằng "Chúa đang làm việc với họ và xác nhận lời họ giảng bằng những dấu lạ kèm theo" (Mc 16,20). Như thế sự vắng mặt hữu hình của Chúa Giêsu không cản trở việc Ngài tiếp tục hiện diện và hoạt động bên họ. Kitô giáo sống còn chính là nhờ Chúa Giêsu đang sống và hoạt động nhờ Chúa Thánh Thần của Ngài. Chúa Giêsu không bị đưa về trời theo kiểu Hênóc hay Eâlia. Ðược tôn vinh trên trời không phải là làm một cuộc đi xa, nhưng là đến gần. Phục sinh và lên trời là để làm sứ vụ giữa lòng thế giới. Ngài là Thượng Tế cầu bầu cho ta trên trời (Dt 7,25), và không ngừng thu hút, nâng dậy cả nhân loại: "Một khi Tôi được nâng lên khỏi đất, Tôi sẽ lôi kéo mọi người đến cùng tôi" (Ga 12,32).

 Nói về "trời" cho con người hôm nay

 Thiên đàng hay "trời" là kết điểm của đời Kitô hữu. Trời là nơi ta thấy Thiên Chúa diện đối diện, nơi được an nghỉ, nơi không còn nước mắt khổ đau, nơi có hạnh phúc viên mãn và vững bền, nơi người ta "sống như thiên thần", không còn có những nhu cầu vật chất, xác thịt. Nói về trời là điều khó. Trần gian này với bao niềm vui vẫy gọi khiến người ta lãnh đạm với trời. Chưa nếm được trời nên còn mê mải đất.

 Có người cho rằng tập trung vào đời sau là hạ giá đời này. Ðời sau là chuyện hão huyền, là thuốc phiện. Không cần có đời sau để đối diện với cái khó khăn, phi lý của cuộc sống. Con người phải can đảm dấn thân vào cuộc chiến ở đời, mà không cần tôn giáo xoa dịu hay an ủi. Các lãnh vực chính trị, xã hội, kinh tế, kỹ thuật vẫn cứ tiến triển theo luật riêng của chúng, trời chẳng giúp gì! Niềm hy vọng vào đời sau sẽ làm người ta sao nhãng bổn phận đời này, mất khả năng đấu tranh trước bất công và dễ rơi vào thái độ cam chịu. Những người theo phái hiện sinh thì ca ngợi tự do sáng tạo của con người. "Mỗi người phải phát minh ra con đường của mình" (J.P Sartre), không nên lệ thuộc vào một hướng đi nào đó do trời cao ấn định.

 Có thể lối trình bày của chúng ta về trời đã khiến người ta từ khước, bởi lẽ thật ra đó chỉ là biếm họa. Lắm khi chúng ta có cái nhìn duy vật về trời, mô tả trời bằng những phạm trù vật chất và nơi chốn, khiến xảy ra sự xung đột giữa trời với hình ảnh vũ trụ do khoa học đem lại. Các phi hành gia đầu tiên vào vũ trụ cho biết họ chẳng thấy trời, cũng chẳng thấy Thiên Chúa!

 Chúng ta cần thanh lọc lối trình bày về trời.

 - Cần điều độ trong cách trình bày. Chắc chắn là có trời, nhưng mạc khải lại hết sức thận trọng khi nói về đời sống trên trời. Trời là một ý niệm về tình trạng hơn là nơi chốn.

 - Cần nối kết đất với trời. Trời đã bắt đầu rồi từ khi chúng ta bước vào vũ trụ của Ðức Giêsu Kitô, qua đức tin và các bí tích. Nói cho cùng, Kitô hữu chỉ có một cuộc đời. Chẳng có cuộc đời nào khác ngoài cuộc đời hiện tại và sẽ gắn liền với ta mãi mãi. Trời không khiến ta né tránh bổn phận trần gian, ngược lại cho ta sức mạnh để chu toàn (Hiến Chế Mục Vụ 43,1).

 - Tránh một quan niệm về trời quá tĩnh. Ta thường nói trời là nơi chiêm ngưỡng Thiên Chúa, nên người thời nay nghĩ thiên đàng giống như một buổi trình diễn không có kết thúc và họ chỉ là những khán giả thụ động.

 - Tránh một quan niệm về trời nặng tính cá nhân hay quá thiêng liêng. Trời không phải là nơi đến của một người chỉ biết chăm lo cho ơn cứu độ của mình một cách ích kỷ. Trời cũng không phải chỉ là phần thưởng cho con người, là sự "bù lỗ" cho những khốn khổ ở đời, là cớ khiến ta né tránh việc xây dựng trái đất hay phá đổ bất công.

 Tân Ước cho chúng ta những lối nói về trời. Trời được ví như bữa tiệc (Mt 8,11; Lc 13,29) hay tiệc cưới (Mt 22,2). Như thế bầu khí của trời là bầu khí vui tươi, phấn khởi, bầu khí xã hội, bầu khí của tương quan liên vị, nơi chúng ta gặp gỡ Thiên Chúa và anh em ở mức độ viên mãn nhất. Trời là một ngỡ ngàng, vì tương quan luôn luôn đổi mới. Chúng ta càng tiến sâu hơn vào sự hiểu biết và yêu mến Thiên Chúa.

 Ước gì chúng ta tìm được cách nói về trời cho con người hôm nay, và sống sao để họ thấy trời đó có thực.
 
 

Một số câu hỏi gợi ý

1. Khi lần hạt Năm Sự Mùng, chúng ta xin được ơn "yêu mến những sự trên trời". Bạn hiểu thế nào về những sự trên trời? Yêu những sự trên trời có khó không?

 2. Theo ý bạn, người Kitô hữu phải sống thế nào để người vô tín có thể tin rằng có trời, có thiên đàng, có đời sau?
 
 


Back to Vietnamese Missionaries in Taiwan Home Page