Tìm hiểu và chia sẻ
đời sống Tin Mừng

Linh Mục Augustine, SJ. phụ trách

Prepared for internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan


Ngày 14 tháng 05 năm 2000
Chúa Nhật 4 Phục Sinh Năm B
Cầu cho ơn thiên triệu linh mục tu sĩ

Ðọc Tin Mừng Ga 10,11-18

Gợi ý để sống và chia sẻ Tin Mừng

Hình ảnh người chăn chiên vùng Trung Ðông

 Hình ảnh người chăn chiên của làng ấp vùng Trung Ðông thật là quen thuộc và dễ thương thời Ðức Giêsu. Cứ sáng sáng anh dẫn đàn chiên đi ăn cỏ, và chiều chiều lại dẫn chúng về uống nước nơi suối nước cũng là nơi anh giao chiên lại cho chủ.

 Chủ chiên thực ra có thể là một tiểu nông tự mình chăm sóc đàn vật (Xh 34,15), hoặc giao chúng cho những người con trai (St 37,2) hoặc con gái (St 37,2) hay cho con rể (St 30,29.31.36.38.40; Xh 3,1).

 Trường hợp đàn chiên đông đảo hoặc vì hoàn cảnh bó buộc, người ta sẽ phải thuê người chăn chiên (1Sb 27,29-31). Người này sẽ được trả công bằng tiền (Dcr 11,12), hoặc bằng một phần của sản phẩm do đàn vật mang lại (St 30,28-43; 1Cr 9,7).

 Bổn phận người chăn chiên là tìm cho đàn vật được giao đồng cỏ để chúng tới gặm cỏ và suối nước để chúng tới uống (Tv 22,2-3). Ðiều quan trọng là phải bảo vệ đàn chiên khỏi thú dữ và khỏi kẻ trộm (1Sm 17,34-37; Ga 10,12). Do đó người chăn chiên phải mang sẵn cây trượng (Tv 22,4; Mi 7,14), cái chùy và cái ná (1Sm 17,41-50).

 Thử hỏi trước hình ảnh hiện thực đó về người chăn chiên, Ðức Giêsu muốn nói gì khi tự xưng là Mục Tử nhân lành? Vì lý do gì Ðức Giêsu tỏ ra gay gắt với người chăn chiên thuê như kẻ chẳng thiết gì đến tính mạng của đàn vật trước sự xông đánh của thú dữ (c.13)?

 Quả thật, bài Tin Mừng hôm nay không chỉ là chuyện nhắc lại hình ảnh của người chủ có tới 100 con chiên, thế mà chỉ có một con đi lạc, người ấy cũng sẵn sàng bỏ chín mươi chín con trên núi, để đi tìm chiên lạc đó (Mt 18, 12-13). Ta cũng không thấy ở đây hình ảnh một chủ chăn đã tìm thấy chiên lạc rồi nên mừng rỡ vác nó lên vai và mời hàng xóm láng giềng tới chung vui với mình như Luca kể lại (15,4-6). Ta thấy ở đây một Ðức Giêsu quyết liệt bảo vệ đàn chiên bằng chính mạng sống mình (cc.15.16 và 17).

 Bài Tin Mừng hôm nay là một phần thuộc chương 10 của Tin Mừng Gioan, chủ yếu nói về vị Mục Tử nhân lành. Tại sao chương sách này được đặt liền sau trình thuật người mù từ khi mới sinh được Ðức Giêsu chữa lành? Xem ra không có gì liên lạc giữa câu chót của Gioan chương 9 và câu đầu của Gioan chương 10. Ðề tài vị Mục Tử nhân lành xem ra xuất hiện một cách đột ngột sau trình thuật về người mù được chữa lành, đến nỗi một số học giả muốn đặt nó vào một nơi khác của Tin Mừng Gioan. Nhưng nếu câu đầu của chương 10 không có liên lạc gì với người mù được chữa lành ở chương 9, thì câu 21 của chương 10 lại cho thấy mối liên lạc nổi bật với phản ứng của người Do thái khi nói: "Người bị quỉ ám đâu có nói được như vậy! Quỉ có thể mở mắt cho người mù được sao?"

 Ðiều quan trọng hơn mối giây liên lạc vừa nói là sự đối chọi giữa Vị Mục Tử nhân lành và giới lãnh đạo Do thái giáo mù quáng và vô trách nhiệm đối với người mù được Ðức Giêsu chữa lành. Họ không những tỏ ra mê muội không nhìn nhận Ðức Giêsu là hiện thân của ánh sáng mà còn cố chấp trục xuất người được Ðức Giêsu ban cho sự sáng, là người mù được Người chữa lành. Do đó mới có lời nhận xét rằng: "Ðức Giêsu kể cho họ nghe dụ ngôn đó, nhưng họ không hiểu những điều Người nói với họ." (Ga 10,6)

 Vị Mục Tử được Cựu Ước loan báo

 Ðiều thiết yếu cho việc phát hiện ý của tác giả là nhận ra ông có ý viết về Ðức Giêsu theo sách ngôn sứ Eâdêkiên chương 34. Trong chương sách này, ngôn sứ Eâdêkiên được linh ứng quở trách giới cầm quyền thời ông một cách thậm tệ. Họ đã trở nên những kẻ vô trách nhiệm, không những không lo chăm sóc dân mà còn trở nên những kẻ cướp bóc dân. Vậy Giavê Thiên Chúa sẽ cách chức họ. Chính Người sẽ đứng ra chăm lo cho dân Người. Cuối cùng Người sẽ cắt cử một Vị Mục Tử theo gương vua Ðavít xưa. Tất cả những điều tiên báo trong sách Eâdêkiên đều trở nên hiện thực nơi Ðức Giêsu.

 Ðức Giêsu vừa là vị Thiên Chúa Mục Tử, vừa là vị cứu tinh Mêsia, vừa là Con Vua Ðavít. Vậy bài Tin Mừng hôm nay cho thấy một Ðức Giêsu dứt khoát đứng ra bảo vệ đoàn chiên. Người sẵn sàng hy sinh cho chúng. Hình ảnh ngược hẳn lại với hình ảnh mà Gioan chương 9 cho thấy về giới lãnh đạo Do thái giáo. Những người này đã tỏ ra thô bạo một cách mù quáng đối với kẻ thấp cổ bé miệng là người ăn xin nơi vệ đường, được Ðức Giêsu chữa cho khỏi mù.

 Gioan chương 10 năng nhắc tới chiên được dễ dàng nhận ra là đoàn chiên được Ðức Giêsu dẫn tới đồng cỏ xanh tươi (c.9). Ðó là những chiên được Ðức Giêsu biết tên từng con một. Chúng nhận ra tiếng của Người (cc.3-4.14). Người đứng ra bảo vệ chiên khỏi bị trộm cướp quấy phá (cc.1.8.10). Người có ý quy tụ tất cả các chiên nghe tiếng Người gọi để thành một đoàn chiên dưới sự dẫn dắt của một chủ chiên. Tất cả những điều vừa nói đều cho thấy Ðức Giêsu quả là VỊ MỤC TỬ NHÂN LÀNH (cc.11.14), vị mục tử được CHA yêu mến vì sẽ hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên. Hành vi hy sinh mạng sống vì đoàn chiên, là điểm trung tâm được nhắc đi nhắc lại trong Gioan chương 10: trước hết ở câu 11 khi danh xưng Mục Tử nhân lành được giới thiệu; kế đến ở câu 15 và 17, cả hai lần đều cho thấy việc Ðức Giêsu hy sinh mạng sống cho đoàn chiên liên quan tới tương quan sâu thẳm giữa Chúa Cha và Ðức Giêsu: "Tôi biết chiên của tôi và chiên của tôi biết tôi như Chúa Cha biết tôi và tôi biết Chúa Cha, và tôi hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên? Sở dĩ Chúa Cha yêu mến tôi là vì tôi hy sinh mạng sống mình để rồi lấy lại." Câu 18 còn nhắc lại hai lần nữa việc Ðức Giêsu tự ý hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên.

 Cái mới nơi vị mục tử Giêsu
là hy sinh mạng sống cho đoàn chiên

 Vậy mặc dầu hình ảnh chủ chiên trong tương quan với đoàn chiên là hình ảnh không xa lạ với Kinh Thánh Cựu Ước, nhất là trong Eâdêkien chương 34, hình ảnh ấy trở nên hoàn toàn mới nơi Ðức Giêsu là Ðấng tự ý hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên. Người là Mục Tử nhân lành chủ yếu vì lý do đó.

 Trong những ngày sau tết Con Trâu Ðinh Sửu, câu truyện sôi động trên báo chí thành phố Sài Gòn là: "Bà mẹ gần 70 tuổi bán từng cọng rau để nuôi 4 người con điên!" Ðó là bà Nguyễn thị Tiền ở số nhà 1709.9A Hoàng văn Thụ, phường 9, Phú Nhuận. Bốn người con của bà đều mắc bệnh tâm thần: anh Dương 46 tuổi, chị Thanh 44 tuổi, anh Sơn 37 tuổi, và anh Dũng 34 tuổi. Hơn 30 năm về trước khi bà vừa sinh đứa con sau cùng là Dũng, thì chồng bà đã bỏ cả mẹ con bà mà đi, để mặc người vợ chưa đầy 40 tuổi ấy một mình nuôi năm đứa con. Người con gái lớn nhất là người duy nhất bình thường đã lấy chồng tuy cũng sống trong cảnh túng thiếu. Bà Tiền làm đủ mọi thứ việc: ở đợ, giặt đồ mướn, buôn gánh bán bưng? cốt chỉ để cho các con ăn học. Kết quả là năm 1975, chị Thanh đã đỗ bằng tú tài và đã là sinh viên trường đại học Văn Khoa. Nào ngờ, khoảng sáu bảy năm sau thì "tự nhiên sao chúng nó điên hết!" như bà kể lại với nét kinh hoàng còn hiện trên nét mặt của người mẹ đã gần 70 tuổi mà còn phải đi bán từng cọng rau để nuôi bốn người con điên!

 Thực ra đã có lần bà Tiền đã mua mấy gói thuốc chuột, định bụng nấu nồi cháo cho mẹ con ăn lần chót. Nhưng sau nghĩ lại, bà Tiền đã vứt mấy gói thuốc ấy đi, để can đảm lao mình vào cuộc đời tần tảo nuôi con mò mẫm theo một đường hầm không tia sáng ở phía trước. Nay nhờ phóng viên Hoàng Chức Nguyên ánh sáng bỗng bật lên khiến nhiều người xúm lại giúp đỡ bà. Tính đến ngày 21.2.1997 bạn đọc báo Tuổi Trẻ đã giúp bà Tiền trên 90 triệu đồng.

 Bài Tin Mừng hôm nay tựa như một thiên phóng sự làm bật sáng lên sự hy sinh cao cả của Ðức Giêsu, vị Mục Tử nhân lành không hề sợ hy sinh cho đoàn chiên khi nói "Mạng sống của tôi, không ai lấy đi được, nhưng chính tôi tự ý hy sinh mạng sống tôi" cho đoàn chiên (Ga 10,18). Do đó đoàn chiên của vị Mục Tử Giêsu mỗi ngày một đông, nay đã lên tới con số 1,445,800,000 Kitô hữu, gồm Công Giáo, Chính Thống Giáo và Tin Lành (theo thống kê của QIUD 1995).
 
 

Một số câu hỏi gợi ý

1. Bạn hãy so sánh sự hy sinh của bà Tiền cho bốn người con điên và sự hy sinh của Ðức Giêsu cho gia đình nhân loại mà bài Tin Mừng hôm nay gợi ý cho thấy.

 2. Bạn nghĩ sự hy sinh của Ðức Giêsu đụng chạm tới sự sống của bạn như thế nào? Làm thế nào để bài Tin Mừng hôm nay như một thiên phóng sự làm bật sáng lên ý nghĩa của tình yêu liên đới giữa bạn là người Kitô hữu và mọi người trong gia đình nhân loại?
 
 


Back to Vietnamese Missionaries in Taiwan Home Page