Tìm hiểu và chia sẻ
đời sống Tin Mừng

Linh Mục Augustine, SJ. phụ trách

Prepared for internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan


Ngày 9 tháng 04 năm 2000
Chúa Nhật 5 Mùa Chay Năm B

Ðọc Tin Mừng Ga 12,20-33

Gợi ý để sống và chia sẻ Tin Mừng

Hạt giống gieo vào lòng đất
cần phải chết đi để sinh bông hạt

 Tháng tư vừa qua (April 4, 1996) tại Roma, một cuộc họp qui tụ trên 1,500 nữ tu từ 48 quốc gia. Họ đại diện 57,000 chị em thuộc 400 dòng tu. Hai mươi lăm năm trước đó Ðức Phaolô VI đã chấp thuận cho nữ tu tham gia Phong trào Hiệp Nhất Thế Giới với tư cách là nữ tu. Ðó là điều mà Ðức Gioan Phaolô II tiếp tục khuyến khích khi nói: "Nền linh đạo chung hiệp mà công trình của Ðức Maria cổ võ và nuôi dưỡng, làm nên một chiều kích thiết yếu của đời sống Kitô giáo. Vậy cha khuyến khích các nữ tu hãy tiến tới trong nền linh đạo này, đồng thời sống nền linh đạo đó trong các cộng đoàn của các con cũng như trong các môi trường nơi các con đang làm việc."

 Ðề tài cuộc họp là "Ôm ấp những chân trời mới của thiên niên kỷ thứ ba." Mục tiêu đầu tiên và quan trọng hơn hết là giải quyết nạn nghèo mà phần lớn nhân loại đang phải chịu. Riêng về tôn giáo, người Kitô cần phải nhắm tới việc tái thống nhất các Kitô hữu lại; cần phải thiết lập tương quan tốt đối với các tín hữu các tôn giáo bạn; và cần phải quan tâm tới hàng triệu người nam và nữ của các nền văn hoá khác nhau hiện không nhìn nhận một tôn giáo nào.

 Hãy nghe nữ tu B.M. chia sẻ về mối tương quan tốt được thiết lập với anh chị em Phật tử nhờ linh đạo chung hiệp mà Ðức Gioan Phaolô II đề cao. Chị B.M. là một trong số trên 40 nữ tu Tổng Quyền tham dự cuộc họp nói trên. Dòng chị hiện đang hoạt động ở một nước Ðông Á mà dân chúng hầu hết là Phật tử.

 "Từ nhỏ tôi đã được học để sống hài hòa với người lân cận là Phật tử, nhưng trong thực tế chúng tôi từng nuôi dưỡng nhiều thành kiến đối với họ. Sự kiện đã xảy ra là khi cha chúng tôi trở lại đạo Công giáo, người mất hết những gì mình sở hữu, khiến chúng tôi là con cái phải lãnh hết hậu quả. Tới nay cha tôi không còn nói tiếng gì đối với bà con thân quyến.

 "Tôi vẫn còn nhớ ngày mà cha tôi đã phải khóc vì bị xử đối như vậy. Thế là từ đó tôi tiếp tục nuôi dưỡng một lòng phẫn uất đối với các Phật tử. Tôi luôn cảm thấy khó tiếp cận họ mặc dầu ơn gọi đòi tôi phải yêu thương và phục vụ mọi người. Lý do vì ở nơi con người tôi vẫn âm ỉ những cảm nhận tiêu cực đối với anh chị em Phật tử.

 "Từ 20 năm qua tôi được biết nền linh đạo hiệp nhất và đã từng cố công đưa ra thực thi trong cộng đoàn của tôi. Nhưng phong trào còn hướng các thành viên tới cuộc đối thoại trong cuộc sống và trong yêu thương đối với các tín hữu các tôn giáo lớn. Ðó là điều đã làm cho trái tim tôi và nhiều chị em được mở ra trước chiều kích yêu thương mới đối với anh chị em Phật giáo.

 Muốn sống Lời di chúc của Chúa cần phải từ bỏ mình

 "Nếu tôi thực sự muốn sống Lời di chúc của Chúa Giêsu, tôi phải bắt đầu ngay với người bên cạnh tôi, tức phải khởi sự ngay với người hàng xóm láng giềng. Tôi đã hiểu rằng tôi không thể tránh né bất cứ người Phật tử nào. Ngược lại, tôi còn phải đón tiếp họ với một lòng yêu thương tràn đầy thái độ tôn trọng đồng thời còn phải chứng tỏ điều đó bằng hành động cụ thể. Tôi đã bắt đầu thăm viếng một số ni cô nơi tu viện của họ. Và trong cuộc đối thoại, tôi đã cố gắng làm cho họ cảm nhận được tất cả lòng yêu mến của tôi đối với họ. Chúng tôi đã đạt được một cuộc đối thoại phong phú và sâu đậm về thiêng liêng để với thời gian cuộc đối thoại ấy chắc phải trở nên mạnh mẽ hơn.

 "Tôi nhận ra rằng tôi chỉ trở nên Kitô hữu đích thực khi trái tim tôi yêu thương mọi người và nhờ thực thi tình yêu đó, tôi có khả năng đối thoại được với mọi người. Tôi đã được bầu làm Tổng Quyền Hội Dòng tôi: đó là trách nhiệm lớn nhưng tôi cảm thấy có tiếng Chúa Giêsu gọi tôi phải mang lại cho chị em Dòng tôi tất cả tình yêu và sự khôn ngoan tôi đã nhận được từ nền linh đạo của hiệp nhất. Ðó quả sẽ là một thách đố, nhưng tôi sẽ làm tất cả những gì tốt nhất tôi có thể làm.

 "Ngày nay hầu hết thân hữu của chị em chúng tôi là các nhà sư và ni cô Phật giáo và các tín đồ Phật giáo thuộc mọi giai cấp xã hội, đặc biệt thuộc giai cấp nghèo. Nhiều Phật tử thân hữu của chúng tôi mang bệnh nhân tới bệnh viện nơi chúng tôi ở, vì họ không dễ dàng được tiếp nhận nơi bệnh viện nên hai nữ tu chúng tôi được dành ra để lo cho dân làng. Khi họ ngã bệnh, chúng tôi sẽ đưa họ đi thăm những bác sĩ thân với nhà Dòng để họ được chăm sóc tốt hơn. Nếu họ cần một thời gian để bình phục, chúng tôi sẽ lo thăm nuôi họ. Ðáp lại, họ thường tỏ lòng biết ơn bằng cách biếu nhà Dòng rau xanh, hoặc ngũ cốc. Ðó quả là điều đáng kể khi trở nên một diễn tả tình yêu qua lại giữa chúng tôi và dân làng."

 Lời chia sẻ của nữ tu Tổng Quyền Dòng Nữ tử thánh Phanxicô Xaviê vừa trích, phần nào minh họa điều Ðức Giêsu nói trong bài Tin Mừng hôm nay là "Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất không chết đi, nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác." (Ga 12,24). Quả thật trong cụ thể, Người đã cứu chị em Nữ tu thánh Phanxicô Xaviê khỏi tình trạng băng giá đối với anh chị em Phật tử láng giềng.

 Bài Tin Mừng hôm nay nằm trong đoạn chót của 12 chương đầu của Tin Mừng Gioan (11,55-12,50) cho thấy Ðức Giêsu không những chiến thắng sự chết, tức Người cho ông Ladarô đã chết 4 ngày được sống lại, nhưng quan trọng hơn nữa là: chính qua sự chết Ðức Giêsu ban sự sống. Chương 12 mô tả một loạt những dữ kiện gồm cuộc xức dầu gợi ý về cuộc liệm xác Ðức Giêsu (cc.1-11), dân chúng lũ lượt tuốn đến (c.12) và một số người Hy lạp tìm đến với Ðức Giêsu qua trung gian hai môn đệ Philip và Anrê (cc.20-23). Trước đó, còn có lời loan báo "Kìa thiên hạ theo ông ấy hết" (c.19).

 Tất cả những điều kể trên đều được gom lại trong thời điểm mà Ðức Giêsu gọi là Giờ của Người (c.23), tức là giờ trong đó Thiên Chúa sẽ tỏ hiện hết mức nơi Con của Người. Nhưng thời điểm ấy sẽ kéo theo chết chóc: tức hạt lúa phải được vùi xuống đất mới sinh được bông hạt (c.24). Ðức Giêsu sẽ được chôn cất (như được loan báo tại Bêtania khi Người được xức dầu thơm), sự chết đó của Người sẽ mang lại nhiều bông hạt. Người ta sẽ thấy dân chúng tuốn đến với Người: Ban đầu là dân Do thái ở những câu 9,12,17,18, 34, rồi đến dân ngoại làm nên hoa trái đầu mùa (cc.20-22). Ðó cũng là điều được nói lên ở câu 32: "Phần tôi một khi được giương cao lên khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi." Khởi đầu của việc Ðức Giêsu được giương cao là khi Người chịu đóng đinh trên thập giá.

 Nhưng Ðức Giêsu còn nói: "Ai phục vụ Thày thì hãy theo Thày; và Thày ở đâu kẻ phục vụ Thày cũng sẽ ở đó. Ai phục vụ Thày, Cha của Thày sẽ quí trọng người ấy" (c.26). Câu này rõ ràng áp dụng cho các môn đệ xưa cũng như nay của Ðức Giêsu. Xưa các tông đồ đều phải hy sinh nhiều, kể cả hy sinh tính mạng mình là chịu chết vì Ðức Giêsu. Nay các môn đệ của Người cũng không có con đường khác. Họ phải theo sát gót bước Thầy Chí Thánh và phải khởi đi từ sự hy sinh quên mình hằng ngày để phục vụ tha nhân.

 Lời chia sẻ ở trên là một tấm gương về thiết lập tương quan tốt đối với tín hữu các tôn giáo bạn, chính là mục tiêu đáng kể của Năm Toàn Xá 2000. Mục tiêu ấy chỉ đạt được qua hy sinh, từ bỏ như hạt lúa vùi xuống đất sẽ trổ sinh nhiều bông hạt.
 
 

Một số câu hỏi gợi ý

1. Bạn hiểu thế nào về lời chia sẻ của chị Tổng Quyền của Dòng Nữ Tử Thánh Phanxicô Xaviê "Tôi chỉ trở nên Kitô hữu đích thực khi trái tim tôi yêu thương mọi người và nhờ thực thi tình yêu đó, tôi có khả năng đối thoại được với mọi người"? Ðiều đó có khó thực hiện lắm không?

 2. Ðức Giêsu nói: "Ai yêu quí mạng sống mình thì sẽ mất, còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời" (c.25). Bạn hiểu lời đó như thế nào áp dụng với lời chia sẻ của chị Tổng Quyền Dòng Nữ Tử Thánh Phanxicô Xaviê: Ðiều gì mất và điều gì được giữ lại cho sự sống đời đời? Nhưng sự sống đời đời ấy có cần phải khởi đi từ sự sống tại thế chăng?
 
 


Back to Vietnamese Missionaries in Taiwan Home Page