Tìm hiểu và chia sẻ
đời sống Tin Mừng

Linh Mục Augustine, SJ. phụ trách

Prepared for internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan


Ngày 12 tháng 03 năm 2000
Chúa Nhật 1 Mùa Chay Năm B

Ðọc Tin Mừng Mc 1,12-15

Gợi ý để sống và chia sẻ Tin Mừng

Thầy Giảng Phanxicô

Ngày 20 tháng 11,1837, thày giảng Phanxicô Nguyễn Cần (1803-1837) bị điệu ra pháp trường Cửa Ô Cầu Giấy, Hà Nội. Năm viên quan cưỡi voi đi trước, mười cai đội dẫn ngựa theo sau, kế đến là 300 lính mặc binh phục đỏ, tay cầm kiếm. Một người lính giương cao bản án để mọi người thấy: "Can phạm theo đạo Gia Tô, không chịu bước qua thập giá, án xử giảo."

Khi bản án được vua Minh Mạng châu phê ra tới Hà Nội, quan tổng trấn khuyên Thầy Cần nhắm mắt bước đại qua thập gía để được tha. Thầy nói: "Mắt thì nhắm được, chứ lòng và trí khôn không thể nhắm được, nên tôi chẳng làm." Quan còn cho xếp chéo hai khúc gỗ và nói: "Ðây không phải là ảnh Chúa, gỗ này cũng chưa được làm phép, cứ bước qua thì sẽ thoát chết." Thầy không bước qua vì biết đó là dấu hiệu chối đạo.

Phanxicô Nguyễn Cần sinh năm 1803 tại xã Sơn Miêng, huyện Phú Xuyên, phủ Trường Tín, tỉnh Hà Ðông. Từ niên thiếu, cậu Cần đã ước ao dâng mình trong nhà Chúa, nhưng mẹ cậu từ chối vì không muốn xa con. Cậu phải nói với mẹ: "Nếu mẹ không bằng lòng cho con ở với cha xứ nhà, con sẽ trốn đi, ở với cha xứ khác." Thế là mẹ cậu buộc lòng cho phép cậu đến ở với cha Nghi, chánh xứ Sơn Miêng.

Ðời sống ơn gọi của cầu Cần luôn rõ nét qua gương sáng và lời nói có sức thuyết phục. Cậu được nhận vào chủng viện, trở nên thầy giảng và được phái đi giúp Ðức Cha Havard Du, rồi cha Retord Liêu.

Ngày 19 tháng 4,1836, cha Liêu nhờ thầy Cần đi mời cha Tuấn xứ kẻ Chuông tới giảng để chuẩn bị mừng lễ Phục Sinh. Thầy đến xứ Kẻ Vạc nơi cha Tuấn đang ở, thì bị bắt.

Trước công đường

Trước công đường, quan khuyên thầy đừng tin vào các đạo trưởng và hãy đạp lên ảnh đạo để được tha về nuôi mẹ già. Thầy trả lời: "Thưa quan, tôi chưa thấy các đạo trưởng lừa dối ai bao giờ; còn mẹ già tôi không lo, tôi xa nhà đã lâu chẳng giúp gì cho bà." Nghe vậy, quan liền phê bình đạo với những lời khiếm nhã. Thầy Cần bình tĩnh giải thích lại, rồi trình bày cho quan nghe nội dung mười điều răn Thiên Chúa và sáu điều luật Hội Thánh. Thầy kết thúc bằng một lời nguyện tự phát rất cảm động. Mọi người có mặt đều cảm phục. Quan tuyên bố kết thúc phiên toà và cho giải thầy Cần về trại giam. Nhưng quan nói nhỏ với những người đứng bên: "Anh này nói cũng có lý. Những giới răn và kinh nghiệm của anh ta chứa đựng nhiều điều tốt lành, có lẽ còn dễ hiểu hơn "thập điều" của nhà vua nữa."

Khi bị giam thầy Cần viết cho cha Liêu: "Con bị tra tấn ba lần, hai lần đầu, mỗi lần 60 roi, lần sau 50 roi. Nhà giam chật hẹp hôi hám, lại có hơn chục anh đầu trộm đuôi cướp, ăn nói lỗ mãng ban ngày say sưa, ban đêm cờ bạc, lúc nào cũng ồn ào làm con khó cầu nguyện quá!"

Nơi nhà tù

Nhưng ngay nơi nhà tù chật hẹp hôi hám ấy, thầy Cần vẫn kiên trì là thầy giảng, luôn lợi dụng mọi cơ hội để rao giảng cho những ai sẵn sàng nghe. Thầy viết cho cha Liêu:

"Con xin báo để cha an tâm. Ở đâu con cũng được mọi người thương mến, dù quan hay dân và các bạn tù đều kính trọng gọi con bằng thầy, có người còn tặng con danh hiệu khác nữa. Hầu hết họ cảm thương con bị đau khổ, hoặc khen con vững chí. Con hay bàn luận với họ và biết nhiều điều mê tín của họ, nhưng chưa biết khuyên bảo họ sao bây giờ. Có một ông chánh tổng cũng bị giam ở đây, hứa với con khi ra tù sẽ theo đạo và sống theo những điều con giảng… Thưa cha, con thấy người đời sẵn sàng chịu nhiều khổ sở để được giầu sang hoặc danh vọng chóng qua, lẽ nào con không nhẫn nại, chịu những sự khó mau qua này, để được vinh quang đời đời."

Tại pháp trường

Tại pháp trường, khi dây thừng đã cuốn vòng quanh cổ, thầy Cần vẫn bình tĩnh cảm ơn mọi người, nói với họ về cái chết theo đức tin Công giáo, về hạnh phúc đời sau và hứa sẽ nhớ đến họ khi về bên Chúa. Viên quan cố thuyết phục tội nhân lần chót: "Anh có thể cứu mạng mình. Anh không trộm cướp, cũng không làm loạn, bản án của anh còn có thể rút lại được, chỉ cần anh bước một bước qua thập tự." Nhưng thầy Cần trả lời: "Tôi trung không thờ hai chủ, xin quan cứ án mà thi hành." Quan ra lệnh, tức khắc quân lính kéo mạnh hai đầu dây. Người môn đệ Chúa Kitô gục đầu tắt thở, cửa họng vừa thốt lên những lời chính Thầy chí thánh đã dạy các môn đệ về lòng thành tín đối với Thiên Chúa.

Thầy Cần quả thật đã rao giảng Tin Mừng của Ðức Giêsu không những bằng lời nói nhưng bằng cả tính mạng.

Ðức Giêsu và Tin Mừng

Câu đầu tiên của Tin Mừng thánh Máccô không chỉ là nhan đề của sách. Nó giới thiệu nhân vật trung tâm của Tin Mừng là Ðức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa (Mc 1,1). Nơi nhân vật Con Thiên Chúa này, ta được cung cấp chìa khoá để hiểu toàn bộ 16 chương sách của Máccô. Nhưng người duy nhất trong Tin Mừng của Máccô tuyên xưng Ðức Giêsu Con Thiên Chúa là viên sĩ quan La Mã đã thi hành án tử cho Người (15,39). Ðộc giả của Máccô được chuẩn bị để duyệt lại niềm tin của mình về Ðức Giêsu làng Nadarét. Bởi lẽ không một ai đã từng sống với Người, nghe Người giảng và chứng kiến các phép lạ Người làm, mà tự nhiên đã tin vào Người là Con Thiên Chúa. Cho nên câu đầu tiên của Tin Mừng Máccô cho thấy đầu mối của mục đích mà tác giả nhắm tới là để biết Ðức Giêsu Con Thiên Chúa, tức là tin vào Người là vị Cứu Tinh chịu đau khổ, chịu chết trên thập giá nhưng đã chỗi dậy khỏi sự chết. Ðộc giả được mời bước theo Người để đạt được sự sống nhờ dõi bước theo Người trên con đường Người đã đi, đó là con đường phục vụ cho đến chết.

Con đường ấy bao gồm cả những chước cám dỗ mà Người chịu dưới quyền lực của Thần Khí (Mc 1,12). Người đã chịu Satan cám dỗ và thử thách nơi hoang địa bốn mươi ngày như dân Ít-ra-en xưa, nhưng Người được các thiên thần của Thiên Chúa gìn giữ.

Trong Tin Mừng của Máccô, ông Gioan Tẩy Giả có chức năng duy nhất là vạch cho người ta thấy Ðức Giêsu chính là vị Cứu Tinh dân chúng đang chờ mong. Ngay về việc ông Gioan Tẩy Giả bị nộp (c.14) cũng báo trước việc Ðức Giêsu bắt đầu rao giảng Tin Mừng đưa Người tới hoàn cảnh bị nộp và bị giết chết.

Khi Ðức Giêsu lên tiếng nói "Thời kỳ đã mãn và triều đại Thiên Chúa đã đến gần" (c.15). Người có ý cho thấy vương quyền đầy uy lực của Thiên Chúa đã khởi sự nơi bản thân Người. Chính Người là hiện thân của Tin Mừng. Ðiều đó hẳn phải làm nức lòng người Do Thái đương thời. Nhưng gắn liền với Tin Mừng đó là lời kêu gọi không kém tầm quan trọng, đó là: "Anh em hãy sám hối và đặt trọn niềm tin của anh em vào Tin Mừng tôi mang đến cho anh em!" Với những lời khai trương tóm tắt sứ vụ của Ðức Giêsu, tác giả Máccô có ý bao gồm sứ điệp Tin Mừng mà Ðức Giêsu đến rao giảng đó là: Thiên Chúa sẵn sàng ban sức mạnh của Người cho những ai biết mở rộng bản thân mình để Ðức Giêsu hành động và đón nhận Tin Mừng về con đường phục vụ trong yêu thương chính Người mang tới.

Bằng chứng về quyền lực vô song của Thiên Chúa được thấy rõ nơi Ðức Giêsu khi Người ngỏ lời với hai anh em thuyền chài là Simon cùng với người anh Anrê, kế đến với hai anh em con ông bà Dêbêđê, là Giacôbê và Gioan. Tất cả những người ấy đều lập tức bỏ chài lưới và người thân mà bước theo Người (xem Mc 1,16-20). Quyền lực của Thiên Chúa sẽ còn tiếp tục biểu lộ ra trong suốt cuộc đời của những người môn đệ vừa nói. Họ và tất cả nhóm 12 đều chấp nhận chết cái chết tử đạo để được gắn bó với Thầy mình như lịch sử của Giáo Hội sau này cho thấy.

Thầy Cần đã bước theo cùng một con đường ơn gọi đó. Cậu Cần đã dứt khoát xin với mẹ cho cậu được vào nhà Chúa. Cậu đã trở nên thầy giảng và đã trung kiên với ơn gọi đó tới cùng. Tại pháp trường, khi thầy Cần bị xử giảo với dây thừng đã vòng quanh cổ rồi mà thầy còn tiếp tục giảng! Thực ra cái chết tử đạo của thầy là một bài giảng hùng hồn nhất vẫn còn tiếp tục vang lên trong Giáo Hội.

Một số câu hỏi gợi ý

1. Bạn thán phục như thế nào về thầy Phanxicô Nguyễn Cần: Cậu Cần đã dứt khoát xin với mẹ để được vào nhà Chúa? Quan nói với người bên cạnh "Những giới răn và kinh nghiệm của anh ta chứa đựng nhiều điều tốt lành, có lẽ còn dễ hiểu hơn "thập điều" của nhà vua"? "Ở đâu con cũng được mọi người thương mến, dù quan hay dân hay các bạn tù"? "Có một ông chánh tổng cũng bị giam ở đây, hứa với con khi ra tù sẽ theo đạo và sống theo những điều con giảng"? Tại pháp trường khi dây thừng đã cuốn vòng quanh cổ, thầy Cần vẫn bình tĩnh cảm ơn mọi người, nói với họ về cái chết theo đức tin Công giáo, về hạnh phúc đời sau và hứa sẽ nhớ đến họ khi về ở bên Chúa?

2. Bạn có thể nói tóm tắt về cuộc đời của Ðức Giêsu Con Thiên Chúa, Ðấng đến rao giảng về Nước Thiên Chúa chăng? Người biểu lộ quyền lực như thế nào khi mời gọi người ta bước theo Người? Bạn nghĩ ngày nay còn có ai bước theo Ðức Giêsu nữa chăng? Họ phải trả giá như thế nào để bước theo Người?


Back to Vietnamese Missionaries in Taiwan Home Page