Tìm hiểu và chia sẻ
đời sống Tin Mừng

Linh Mục Augustine, SJ. phụ trách

Prepared for internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan


Ngày 24 tháng 11 năm 1999
Kính trọng thể
Các Thánh Tử Ðạo Việt Nam

Ðọc Tin Mừng Mt 10,17-22

Gợi ý để sống và chia sẻ Tin Mừng

Làm chứng cho Ðức Tin

Ðoạn Tin Mừng trên đây rất phù hợp với hoàn cảnh của các thánh tử đạo Việt Nam. Các ngài đều đã trải qua kinh nghiệm bị bắt, bị nộp, bị hạch hỏi trước quan quyền và vua chúa, bị tra tấn, đánh đòn, bị ghét bỏ và cuối cùng là bị giết. Tất cả những đau đớn đó, các ngài đều chịu vì Ðức Giêsu Kitô (c.18), vì Danh của Ngài (c.22).

Thử thách quan trọng nhất mà các ngài phải trải qua, đó là bước hay không bước qua thánh giá. Bước qua là được tiếp tục sống ở đời này, được trả lại tất cả những gì đã mất, được tặng thêm bao phú quí vinh hoa. Không bước qua là chấp nhận tù đày, mất tất cả và mất chính mạng sống. Chỉ cần một quyết định là mọi chuyện sẽ thay đổi. Chỉ cần một bước chân…

Ðã có người bước qua, và đã có nhiều người không bước qua, không quá khoá. Ðã có người được khiêng qua thánh giá, nhưng đã co chân lên như thánh Antôn Nguyễn Ðích. Ðã có người bước qua thánh giá, nhưng sau lại hối hận: đó là trường hợp của ba vị thánh Âu tinh Phan Viết Huy, Nicôla Bùi Ðức Thể, và Ða minh Ðinh Ðạt. Vua quan đã bày ra trước mặt các ông mười nén vàng, một tượng Chịu Nạn và một thanh gươm rồi nói: "Cho bay tự ý chọn, bước qua tượng thì được vàng, bằng không thì gươm sẽ chặt đôi người bay ra, xác sẽ bị bỏ trôi ngoài biển." Ðúng đây là một chọn lựa nghiêm chỉnh, chọn lựa này đụng đến tương lai và sinh mạng của tôi. Chọn lựa này bày tỏ thái độ của tôi đối với Ðức Giêsu. Tôi chọn Ngài hay tôi chọn tôi. Thánh Anrê Kim Thông nói với quan tỉnh: "Thánh giá tôi kính thờ, tôi giẫm lên sao được." Thánh Tê ô phanô Ven nói: "Tôi đã suốt đời thuyết giảng về đạo thập giá, nay tôi lại đạp lên thập giá thế nào được? Tôi thiết nghĩ sự sống đời này đâu quí hoá đến độ tôi phải bỏ đạo mà mua!"

Nhiều vị tử đạo đã được mời giả vờ bước qua thánh giá, để quan có cớ mà tha, còn đức tin bên trong thì quan không đụng đến. Ðây là một cám dỗ khá tinh vi và hấp dẫn, có vẻ như được cả hai, đời này và đời sau. Nhưng liệu tôi có thể bên ngoài chà đạp một Ðấng mà bên trong tôi tôn thờ không? Ðứng trước thánh giá là đứng trước một chọn lựa dứt khoát, không có giải pháp dung hoà hay lập lờ. Không ai có thể làm tôi hai chủ, điều này vẫn đúng cho những chọn lựa mỗi ngày của các Kitô hữu qua mọi thời đại.

Không bước qua thánh giá là làm chứng về niềm tin vào Ðức Kitô. Dù chỉ là hai cây gỗ xếp chéo nhau, nhưng đó vẫn là một biểu tượng cho Thày chí thánh, Ðấng đã chịu chết trên thánh giá. Các vị tử đạo đã không bước qua thánh giá, vì họ tin Ðức Giêsu là Con Thiên Chúa. Nhưng các ngài không phải chỉ là những chứng nhân đức tin, mà còn là chứng nhân đức mến. Ðức Giêsu không phải chỉ là Ðấng các ngài tin, mà còn là Ðấng các ngài yêu bằng một tình yêu lớn nhất: "Không có tình thương nào lớn hơn tình thương của người hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình" (Ga 15,13). Cuối cùng các vị tử đạo còn là những chứng nhân cho một niềm hy vọng mãnh liệt vào sự sống đời sau. Cái chết khủng khiếp đang chờ họ, nhưng họ như nhìn thấy thế giới ở đằng sau cái chết tạm thời. Họ thấy thiên đàng, thấy sự sống vĩnh cửu và hạnh phúc trường tồn. Chính vì thế cái chết tử đạo không bao giờ mang nét bi đát của sự tuyệt vọng. Trái lại, nó ẩn chứa một sự bình an, vui tươi của người được hạnh phúc gặp Ðấng mình mới tin mà chưa giáp mặt. Trước khi đưa đầu cho lý hình, thánh Micae Hồ Ðình Hy, một vị quan to của triều đình, đã thong thả rửa chân tay, rồi ngồi xếp bằng trên chiếu, bình tĩnh hút hết một điếu thuốc. Sau đó ông đứng lên thật bình thản sửa soạn lại đầu tóc, y phục cho chỉnh tề, rồi sốt sắng quỳ xuống cầu nguyện… Chính cách chết của các vị tử đạo nói với chúng ta nhiều điều. Nó vén mở cho chúng ta thấy đời sống thiêng liêng sâu xa của các ngài, đời sống tin - cậy - mến ở mức độ trổi vượt.

Có những thời điểm quan trọng trong đời vị tử đạo: lúc quyết định không bước qua thánh giá, lúc nghe bản án tử của mình hay lúc gươm kề cổ. Trong những lúc ấy chúng ta thường thấy các ngài can đảm, vững vàng, kiên quyết. Nhưng chúng ta có khi không thấy hết được những cuộc chiến nội tâm, những giằng co đau đớn diễn ra trước đó trong ngục thất. Chính Ðức Giêsu cũng đã nếm trải kinh nghiệm này trong Vườn Dầu, khi Ngài đứng trước cái chết gần kề. Thời gian từ khi bị bắt đến khi bị tra hỏi, và bắt bước qua thánh giá, là thời gian lòng tin - cậy - mến chín mùi và trưởng thành. Những đau đớn do tra tấn, những lời mời mọc khéo léo, những đêm tối của đức tin, những khao khát muốn kéo dài cuộc sống: tất cả đều góp phần thanh luyện con người vị tử đạo. Ðời sống cầu nguyện trong ngục thất, việc xưng tội rước lễ, lời cầu nguyện và sự nâng đỡ tinh thần của những người bên ngoài, đã giúp cho các vị chứng nhân dần dần dứt khoát trong lựa chọn của mình. Họ trở nên bình tâm, chẳng còn muốn điều gì ngoài Chúa, chẳng còn sợ những gì đe doạ mình. Ơn Chúa thấm vào con người vị tử đạo đến độ họ được mang một sức mạnh kỳ diệu từ trên. Nhờ ơn Chúa, một tạo vật nhỏ bé, yếu đuối, đã làm được điều phi thường này, đó là đặt Chúa lên trên mạng sống của mình, yêu Chúa trên hết mọi sự.

Làm chứng cho tình yêu

Khi nói đến các thánh tử đạo, chúng ta thường nghĩ đến những người chết vì tuyên xưng niềm tin vào Ðức Kitô Giêsu. Ðó là trường hợp của 117 vị thánh tử đạo tại Việt Nam. Nhưng Hội thánh Công Giáo cũng coi thánh Gioan Tẩy Giả và thánh nữ Gôretti là các vị tử đạo, dù hai vị này chết vì dám nói lên một sự thật hay vì muốn bảo vệ nhân đức trinh khiết. Như thế khái niệm về tử đạo cần được hiểu rộng rãi hơn nữa. Vị tử đạo là người chết vì Ðạo, chết vì muốn sống theo con Ðường Tin Mừng của Chúa Giêsu, sống cho chân lý Phúc Âm. Trường hợp của cha Mác-xi-mi-li-a-nô Kôn-bê là một thí dụ mới mẻ. Khi phong chân phước cho cha Kôn-bê vào năm 1971, Ðức Phaolô VI không coi ngài là vị tử đạo, chỉ coi ngài là một người chịu đau khổ vì đức tin thôi (confessor). Nhưng khi phong thánh cho ngài vào năm 1982, Ðức Gioan Phaolô II đã coi ngài là vị tử đạo (martyr). Chúng ta ai cũng biết cha Kôn-bê đã bị quân Ðức bắt giam trong trại tập trung, và ở đây ngài đã tự nguyện chết thay cho một người tù khác có gia đình. Trong bài giảng lễ phong thánh cho cha Kôn-bê, Ðức Thánh Cha đã nói như sau: "Cái chết được ngài hồn nhiên đón nhận vì yêu người đồng loại, cái chết ấy lại không làm trọn những lời của Ðức Kitô sao? Cái chết ấy lại không làm cho cha Kôn-bê đặc biệt giống Ðức Kitô sao, Ðức Kitô là mẫu mực của mọi vị tử đạo, là Ðấng hiến mạng sống mình cho anh em?"

Các vị tử đạo là những chứng nhân dám chết cho niềm tin, cho tình yêu, cho chân lý của Tin Mừng. Có thể chúng ta không được ơn tử đạo, nhưng chắc chắn chúng ta phải trở nên chứng nhân cho Chúa (Lc 24,48). Làm chứng cho Chúa, nếu không phải đổ máu thì cũng phải chấp nhận mất mát, thiệt thòi, bị coi rẻ. Làm chứng đòi trả giá. Giá càng cao thì lời chứng càng đáng tin. Mỗi thời đại nhạy cảm với một lối làm chứng. Lối làm chứng của cha Kôn-bê, của mẹ Têrêsa ở Calcutta, của cộng đoàn Taizé bên Pháp, rất hấp dẫn con người hôm nay. Cần tìm được những lối sống Tin Mừng phù hợp khiến người ta dễ tin có Chúa, có linh hồn, có đời sau. Giữa một thế giới chạy theo tiện nghi vật chất và không cần đến Thiên Chúa, phải chăng người Kitô hữu được mời gọi sống một đời sống đơn sơ, chia sẻ và phục vụ trong vui tươi? Khi con người hôm nay như bị cuốn vào cơn lốc hưởng thụ, khoái lạc, quyền lực, phải chăng người Kitô hữu được mời gọi làm chứng bằng thái độ thanh thoát, trong sáng và vô cầu?

Làm chứng cho Chúa bao giờ cũng là lội ngược dòng với thế gian. Nếu không gắn bó với Chúa, chúng ta không có can đảm làm chứng cho Ngài. Các thánh tử đạo tổ tiên chúng ta đã làm chứng trong thời bị bách hại. Là con cháu các ngài, chúng ta được mời gọi làm chứng trong thời đất nước chuyển mình theo kịp thế giới. Thời nào, người Kitô hữu cũng được đặt trước thánh giá, dấu hiệu của một tình yêu hiến thân, một sự từ bỏ tận căn, một sự khiêm hạ đến cùng. Chúng ta có bước qua thánh giá không?

Một số câu hỏi gợi ý

1. Nếu các Kitô hữu sống đúng theo Lời Chúa dạy, thì xã hội sẽ trở nên tốt hơn nhiều. Bạn thấy đất nước Việt Nam chờ đợi gì nơi người Kitô hữu Việt Nam? Chúng ta có thể đóng góp gì để xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn?

2. Theo ý bạn, sống yêu thương, tha thứ, phục vụ, có phải là cách làm chứng hiệu quả cho Ðức Kitô trên quê hương Việt Nam không?


Back to Vietnamese Missionaries in Taiwan Home Page