Tìm hiểu và chia sẻ
đời sống Tin Mừng

Linh Mục Augustine, SJ. phụ trách

Prepared for internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan


Ngày 7 tháng 11 năm 1999
Chúa Nhật 32 Quanh Năm A

Ðọc Tin Mừng Mt 25,1-13

Gợi ý để sống và chia sẻ Tin Mừng

Khát vọng một thế giới hiệp nhất

Ðỗ thế Anh và Mai lệ Thu (Joel and Marie) sẽ thành hôn trong 12 ngày. Cả hai là thành viên của Phong trào Tổ Ấm. Phong trào hiện đứng ra tổ chức (4-4-1993) một cuộc liên hoan giới trẻ qui tụ được gần 5,000 người trẻ từ 21 quốc gia hầu hết từ Châu Á, như Nhật Bản, Miến Ðiện, Singapo, Malaixia, Thái Lan, HongKong, Ðài Loan, Macao, tuy đông nhất từ Phi Luật Tân là nơi cuộc liên hoan được tổ chức. Họ thuộc nhiều tôn giáo, nhiều nền văn hóa và chế độ chính trị khác nhau, nhưng cùng chung niềm khát vọng xây dựng một thế giới hiệp nhất. Khát vọng ấy được diễn tả qua những bài hát, những kịch câm, những điệu vũ, những cuộc chia sẻ kinh nghiệm sống. Ðã có những bạn ra về nhìn nhận thành công của cuộc liên hoan này. Chẳng hạn, bạn Cao như Ri (Kaori) từ Nhật Bản nói: "Tôi không phải là Kitô hữu nhưng là một Phật tử… Tôi nhận ra điều có thể thực hiện được là xây dựng một thế giới hiệp nhất. Ðây là lần đầu tiên tôi có kinh nghiệm về hiệp nhất và cảm nhận được tình hiệp nhất đó tràn ngập bất cứ đâu trong cuộc đại hội tôi được tiếp cận. Ðó là khởi đầu của đời sống hiệp nhất của tôi bởi vì tôi muốn sống lối sống hiệp nhất như tôi được thấy." Vậy hai cô cậu Ðỗ thế Anh và Mai lệ Thu đã chia sẻ được gì về tình yêu và hiệp nhất để góp phần cho thành công của cuộc liên hoan? Hai cô cậu đứng chia sẻ kinh nghiệm sống của mình trên sân khấu có căng hai khẩu hiệu cho thấy điều thách đố là ÐI NGƯỠC DÒNG và XÂY DỰNG NỀN VĂN HÓA CHO KHÔNG.

Trong tương quan với nhau
Thiên Chúa phải là trên hết

Ðỗ thế Anh: Chúng tôi khi tương quan với nhau phải nhìn nhận Thiên Chúa là trên hết. Tương quan với Chúa quan trọng hơn tương quan giữa chúng tôi với nhau. Ðó là điều hai chúng tôi đều nhất trí với nhau. Quả thật khi chúng tôi yêu nhau, tình yêu ấy chỉ đích thực khi chúng tôi đặt lòng yêu mến Thiên Chúa lên hàng đầu. Chẳng vậy, chúng tôi sẽ nghèo nàn, chẳng có gì là thực chất để cho nhau hay cho bất cứ ai khác. Vậy nên, chúng tôi cần phải cố thể hiện ý Chúa trước khi thể hiện ý riêng mình. Ðiều được bao hàm là phải sống trong sạch và phải giữ khoảng cách.

Mai lệ Thu: Trong sạch có nghĩa là yêu nhau không vì mình nhưng vì người mình yêu. Tôi có thể thực hiện điều đó nếu tôi để Ðức Giêsu sống trong tôi. Người cho tôi khả năng thực sự là mình cách hoàn toàn và trọn vẹn. Nhờ vậy tránh tình trạng rỗng tuếch nơi tôi khiến tôi phải dựa vào anh ấy về mặt tình cảm, như người hai chân không vững phải dựa vào nạng để đứng. Anh ấy và tôi nhận Ðức Maria làm người mẫu về trong sạch. Chúng tôi cố gắng sống với nhau như những người bạn đích thực cho tới khi thành hôn, thay vì đối xử với nhau như đã là vợ chồng rồi. Chúng tôi nhất trí với nhau về những điều nên làm cũng như những điều không nên làm. Chúng tôi cũng cố trung thành với điều đã quyết tâm bằng cách tránh những nơi hoặc những hoàn cảnh gây nên những chước cám dỗ cho chúng tôi.

Ðỗ thế Anh: Ðã có thời bản thân tôi cảm thấy bị lôi cuốn mạnh về giới tính đối với Mai lệ Thu. Thật là thời điểm căng thẳng. Ðó là lúc tôi thực không rõ điều tôi cảm nhận đúng hay sai. Nếu hai chúng tôi thực sự yêu nhau thì nên nói cho nhau biết sự thật. Vậy tôi đã chia sẻ với Mai lệ Thu những cảm nhận của tôi. Mai lắng nghe tôi nói với một tình cảm quảng đại đến nỗi tôi cảm thấy mình không bị xét xử nhưng được thông cảm. Vì có tình hiệp nhất như vậy giữa chúng tôi, nên rõ ràng đó chỉ là một thời điểm qua đi. Sau đó, tôi cảm thấy được bình tĩnh, tự do và bình an nội tâm.

Mai lệ Thu: Ðể cho tình yêu và tình hiệp nhất ấy lớn lên giữa hai người chúng tôi, chúng tôi cố gặp nhau ít là mỗi tuần một lần bằng cách tổ chức đi chơi ngoài trời hoặc tổ chức một bữa ăn, một buổi cầu nguyện hay một buổi làm việc chung với nhau. Cũng có những lần với những sinh hoạt như vậy, chúng tôi mời cả người của gia đình chúng tôi hoặc bạn bè đến nữa, vì chúng tôi cảm thấy đó là cách hướng tình yêu của chúng tôi về với những người lân cận. Thường xảy ra về cuối tuần, chúng tôi cần gặp nhiều người khác nữa. Những chuyện của giới trẻ Tổ Ấm hoặc của gia đình chúng tôi, có khi đến bất ngờ khiến chúng tôi mất cơ hội gặp nhau. Nhưng chúng tôi vui vẻ lo những chuyện đó như là chút quà tặng mà chúng tôi dành riêng cho những người khác.

Ðỗ thế Anh: Câu Phúc Âm đánh động tôi rất nhiều là "Không ai có tình yêu lớn hơn tình yêu của người hiến mạng mình vì bạn hữu." Câu ấy đòi tôi phải cho đi tất cả, gồm cả sức lực, trí khôn và tình yêu, kể cả mạng sống tôi nữa. Tôi cảm thấy mệt nhọc sau một ngày làm việc vất vả, nhưng nhiều khi tôi phải lái xe đưa Mai lệ Thu về nhà của Mai ở Yên Ðổ (Antipolo) vì sợ nguy hiểm cho Mai phải đi về nhà một mình ban đêm. Tôi hiểu khi tôi yêu Mai với tất cả tâm hồn thì có nghĩa là tôi phải quan tâm tới những điều Mai ưa thích. Hôm ấy tôi tháp tùng Mai đi vòng vòng để mua thứ quần và áo gió theo sở thích. Thật là mất giờ để Mai chọn được điều mình ưa thích đến nỗi tôi gần như phải bực mình vì khi ấy đã muộn mà tôi lại có hẹn gặp người khác nữa. Khi ấy tôi cảm thấy tôi cần phải bày tỏ tình yêu đối với Mai bằng cach kiên nhẫn gợi ý về màu sắc và kiểu may để Mai chọn. Tôi thực đã khám phá ra nhiều cơ hội như vậy để bày tỏ tình yêu đích thực.

Mai lệ Thu: Chỉ còn 12 ngày nữa chúng tôi sẽ thành hôn. Chúng tôi thực muốn tình yêu của chúng tôi đối với Chúa là cơ sở để mái ấm của gia đình chúng tôi được bén rễ.

Ðức Giêsu ban Thần Khí
giúp ta luôn tỉnh thức đón Người đến

Lời chia sẻ của Ðỗ thế Anh và Mai lệ Thu vừa trích cho thấy hai người trẻ đã có tâm hồn cao thượng đáng thán phục nhưng lời chia sẻ của họ có nói lên được điều gì mà bài Tin Mừng hôm nay muốn nói chăng?

Bài Tin Mừng hôm nay rút ra từ bài giảng chót, tức thứ năm quen gọi là bài giảng cánh chung của Ðức Giêsu theo sách Phúc Âm Matthêu. Ðề tài là Nước Thiên Chúa đang đến. Ðiều được nhấn mạnh là: Phải tỉnh thức vì thực sự không ai biết ngày nào giờ nào Nước ấy sẽ đến.

Trước hết Ðức Giêsu nói đến những biến cố phải đến trước tận thế, như những cơn đau đớn khởi đầu (Mt 24,4-14), cơn gian nan khốn khó tại Giêrusalem (24,15-25). Kế đến là những dụ ngôn khuyến khích người nghe phải có thái độ tỉnh thức, cuối cùng là hình ảnh về ngày chung thẩm (25,31-46) là phần chót của bài giảng cánh chung.

Riêng dụ ngôn mười trinh nữ tượng trưng toàn bộ các Kitô hữu, giáo dân nam nữ cũng như giáo sĩ. Ai cũng có thể là tín hữu khôn ngoan hay khờ dại. Khôn là người biết chuẩn bị những điều cần thiết để nghênh đón Chúa đến. Khờ, ngược lại, là kẻ chẳng quan tâm chuẩn bị. Ðức Giêsu sử dụng phong tục lễ cưới vùng Trung Ðông để mang lại cho dụ ngôn mười trinh nữ giá trị sân khấu. Ðiều gay cấn theo phong tục là cuộc thương lượng giữa hai gia đình. Chỉ khi nào cuộc thương lượng kết thúc, chàng rể mới đi đón cô dâu về. Các phù dâu khờ cứ tưởng chàng rể sẽ không đến ban đêm, còn các cô khôn ý thức rõ chàng rể có thể đến bất cứ lúc nào (cc.2-4). Chàng rể trong thực tế đã chậm trễ (c.5) nhưng cuối cùng xuất hiện vào thời điểm bất ngờ nhất (c.6). Các cô khờ trở tay không kịp nên đã không mua được dầu để thắp đuốc hầu rước dâu về nhà chồng (cc.7-10). Cái cảnh họ bị từ khước không được vào tham dự tiệc cưới (cc.11-12) chỉ là logic của việc họ đã không chuẩn bị cho cuộc hành trình đưa họ vào dự tiệc cưới đó. Vậy bài học là phải tỉnh thức (c.13).

Lời chia sẻ của Ðỗ thế Anh và Mai lệ Thu dĩ nhiên không được cơ cấu hóa một cách khít khao như bài Tin Mừng để nói lên lời khuyên là phải tỉnh thức. Nhưng nội dung của lời chia sẻ cho thấy hai người trẻ này rất ý thức về Nước Thiên Chúa đang đến và họ luôn chuẩn bị để Chúa đến với họ trong giây phút họ hiện đang sống.

Ðỗ thế Anh nói ở đầu cuộc chia sẻ là "Chúng tôi khi tương quan với nhau phải nhìn nhận Thiên Chúa là trên hết." Câu nói ấy cho thấy hai người trẻ này đặt bản thân và tương quan giữa nhau trong vòng tay ưu ái của Thiên Chúa. Họ ý thức chính Chúa đã đưa họ vào đời ngang qua cha mẹ là cộng sự viên của Người. Chính Chúa cũng đang đưa họ về cùng đích ngang qua mối tình mà Người khơi dậy nơi họ cho phép họ yêu thương nhau tới mức có thể hy sinh mạng sống mình vì tình yêu đó. Cho nên điều hoàn toàn logic là họ phải đặt lòng yêu mến Thiên Chúa lên hàng đầu. Và họ phải cố thể hiện ý Chúa trước khi thể hiện ý riêng mình. Như vậy chứng tỏ họ đang đặt mình hoàn toàn ở trong Nước Thiên Chúa thay vì ở ngoài Nước ấy. Nước Thiên Chúa là cảnh vực nơi mà Thiên Chúa hiện làm chủ. Cũng tựa như nước Việt Nam bao gồm mọi lãnh vực dưới đất, trên không và ở lòng biển, nơi mà nước Việt Nam nắm chủ quyền.

Ðiều bảo đảm tình trạng họ ở trong Nước Thiên Chúa là họ "để Ðức Giêsu sống" trong họ, như lời Mai lệ Thu nói. Ðức Giêsu một khi chỗi dậy khỏi sự chết, Người không còn bị lệ thuộc vào những điều kiện ràng buộc của thân xác nữa. Thiên tính Người như từng ẩn dấu mình đi trong cuộc sống trần thế, nay biểu lộ ra cách mãnh liệt qua Thần Khí Người ban cho tất cả những ai nghe Lời Người dạy dỗ. Chính Thần Khí luôn luôn sống động và luôn tỉnh thức giúp Ðỗ thế Anh và Mai lệ Thu đón nhận Nước Thiên Chúa đến trong cuộc sống hàng ngày.

Một số câu hỏi gợi ý

1. Ðọc lời chia sẻ của Ðỗ thế Anh và Mai lệ Thu, bạn có thể tâm đắc về câu: "Khi chúng tôi yêu nhau, tình yêu ấy chỉ đích thực khi chúng tôi đặt lòng yêu mến Thiên Chúa lên hàng đầu. Chẳng vậy chúng tôi chẳng có gì là thực chất để cho nhau"? "Cần thể hiện ý Chúa trước khi thể hiện ý riêng mình"? "Ðức Giêsu cho tôi khả năng thực sự là mình… nhờ vậy mà tránh được tình trạng rỗng tuếch nơi tôi khiến tôi phải dựa vào anh ấy…như người hai chân không vững phải dựa vào nạng để đứng"? "Chúng tôi thực muốn tình yêu của chúng tôi đối với Chúa là cơ sở để mái ấm của gia đình chúng tôi được bén rễ"? Bạn có ý kiến khác?

2. Ai cũng có thể là tín hữu khôn hoặc khờ. Vậy theo bài Tin Mừng hôm nay, ai là người khôn và ai là người khờ?


Back to Vietnamese Missionaries in Taiwan Home Page