Tìm hiểu và chia sẻ
đời sống Tin Mừng

Linh Mục Augustine, SJ. phụ trách

Prepared for internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan


Ngày 17 tháng 10 năm 1999
Chúa Nhật 29 Quanh Năm A

Ðọc Tin Mừng Mt 22,15-22

Gợi ý để sống và chia sẻ Tin Mừng

MỘT VẤN ÐỀ NHỨC NHỐI

Ðế quốc Rô-ma bắt đầu đô hộ đất Pa-lét-tin từ năm 63 trước Công nguyên. Xét về mặt pháp lý, có ba hạng người trong xã hội: những người có quyền công dân Rô-ma, những người tự do nhưng không có quyền công dân Rô-ma và các nô lệ. Ðức Giêsu thuộc loại thứ hai, một thứ thường dân. Các thường dân thì phải nộp thuế thân, thuế này đồng đều cho mọi người, chỉ trừ người già và trẻ em là được miễn.

Người Do thái vẫn băn khoăn về thứ thuế này. Họ có những thái độ khác nhau. Các người thuộc phái Sa-đốc hay Hê-rô-đê thì chấp nhận việc nộp thuế cho Hoàng đế Rô-ma (Xê-da). Họ cần bảo vệ chỗ đứng của họ nhờ được chính quyền Rô-ma che chở. Còn các người Pha-ri-sêu thì miễn cưỡng chấp nhận. Họ coi ách đô hộ của người Rô-ma là một hình phạt của Thiên Chúa, cần phải tu thân tích đức để được tha thứ. Cuối cùng là thái độ của nhóm người không chấp nhận sự hiện diện của quân Rô-ma trên quê hương đất nước. Họ chủ trương dùng vũ lực để đánh đuổi thực dân Rô-ma, họ coi việc nộp thuế thân cho Rô-ma là điều ô nhục, xúc phạm đến Thiên Chúa. Thuế thân là dấu hiệu cho thấy sự lụy phục của dân Thiên Chúa đối với đế quốc ngoại giáo. Vậy nộp thuế thân là không chấp nhận để cho Thiên Chúa thống trị hoàn toàn trên Ít-ra-en, là dân thánh của Người.

Người Do thái lấy Luật Mô-sê làm nguyên lý hướng dẫn đời họ, cả trong từng chi tiết. Chính vì thế có lần người ta đã hỏi Ðức Giêsu những câu như: "Có được phép chữa bệnh trong ngày hưu lễ không?" (Mt 12,10), hay " Có được phép rẫy vợ không?" (Mt 19,3). Ở đây chúng ta bắt gặp câu hỏi: "Có được phép nộp thuế cho Xê-da không?". Nộp thuế cho Hoàng đế Rô-ma thì có đi ngược với Luật của Mô-sê không? Ðây là một câu hỏi nghiêm túc, nhưng là một câu hỏi gây nguy hiểm cho người trả lời. Các người Pha-ri-sêu thừa biết chuyện đó, và họ cố dùng câu hỏi này để đưa Ðức Giêsu vào bẫy. Ðức Giêsu bị đặt trước một chọn lựa dứt khoát. Nếu Ngài trả lời "được phép", Ngài sẽ bị nhiều người Do thái có ác cảm, vì thấy Ngài ngả về phe quân Rô-ma mà quên đi quyền tối thượng của Thiên Chúa. Nhưng nếu Ngài trả lời "không được phép", Ngài sẽ trở thành một người kích động quần chúng nổi dậy chống đế quốc Rô-ma, nhà cầm quyền hẳn sẽ không bỏ qua một trọng tội như thế.

CÁCH GIẢI QUYẾT CỦA ÐỨC GIÊSU

Ðứng trước một câu hỏi như vậy, Ðức Giêsu đã giải quyết như thế nào?

Trước hết, Ngài tố giác sự giả hình của họ. Họ làm bộ khen Ngài bằng những lời đẹp đẽ nhất dành cho một vị kinh sư Do thái giáo: "Thưa Thầy, chúng tôi biết Thầy là người chân thật, Thầy dạy đường lối của Thiên Chúa một cách chân thật. Thầy cũng chẳng vị nể ai, vì Thầy không đánh giá người ta theo bề ngoài." Lời khen khéo léo này đòi buộc Ðức Giêsu phải trả lời thẳng vào câu hỏi mà họ sắp đặt ra. Tuy là một lời khen không thực lòng, nhưng ta vẫn thấy trong đó phản ánh khuôn mặt thật của Ðức Giêsu. Ngài là con người không chùn bước trước quyền uy, nhưng dám đưa ra những phán đoán khách quan và vô tư, dám đứng về phía người nghèo, người bị bỏ rơi để bênh vực quyền lợi của họ.

Sau đó, Ngài đòi họ cho Ngài xem đồng tiền dùng để nộp thuế cho Xê-da, vì Ngài không mang đồng tiền đó. Ðó là một đồng tiền bằng bạc, nặng 3,8 gam. Ðồng tiền này đã được lưu hành trong thế giới Rô-ma từ năm 268 trước Công nguyên, mãi đến năm 200 sau Công nguyên vẫn còn được dùng. Trên mặt đồng tiền có hình bán thân của Hoàng đế Ti-bê-ri-ô, và dòng chữ bằng tiếng La tinh "Ti-bê-ri-ô Xê-da, con của Âu-gút-tô thần linh, Âu-gút-tô". Ðức Giêsu cầm đồng tiền trên tay, Ngài đặt câu hỏi: "Hình và dòng chữ này là của ai?" Khi biết là của Xê-da, Ngài đã nói: "Những gì của Xê-da, hãy trả lại cho Xê-da, và những gì của Thiên Chúa, hãy trả lại cho Thiên Chúa."

Phải nhìn nhận rằng câu nói bất hủ trên đây của Ðức Giêsu không phải là dễ hiểu lắm. Trong bao thế kỷ, người ta đã tranh luận về câu này.

Một số tác giả ngày nay cho rằng trong câu nói trên đây của Ðức Giêsu, điều mà Ngài quan tâm không phải là chuyện nộp thuế cho Xê-da hay không, nhưng là một vấn đề quan trọng hơn nhiều: đó là thuộc về Thiên Chúa.

"Ðồng tiền thuộc về Xê-da, nhưng anh em thuộc về Thiên Chúa… Ðồng tiền mang hình ảnh của Xê-da, nên chúng ta phải trả cho Xê-da. Còn chúng ta là người mang hình ảnh Thiên Chúa, chúng ta phải dâng trả chính bản thân mình cho Thiên Chúa" (G. Bornkamm).

Ðức Giêsu không nói một cách rõ ràng là phải nộp thuế cho Xê-da để bày tỏ sự phục tùng. Nếu ta được phép nộp thuế vì nghĩa vụ, thì đừng quên rằng mình thuộc về Thiên Chúa. Ngài mới là Ðấng có quyền tối thượng, và là Ðấng ta phải yêu mến trên hết mọi sự (Mt 22,37). Tóm lại, tiền bạc của con người có thể thuộc về Hoàng đế, nhưng chính bản thân con người thì lại thuộc về Thiên Chúa. Như thế Ðức Giêsu đã nâng vấn đề lên một bình diện khác. Không phải chỉ là chuyện nộp thuế cho Xê-da, nhưng là chuyện Thiên Chúa có quyền tối cao trên mọi người và mọi quyền hành trần thế.

"Những gì của Thiên Chúa, hãy trả lại cho Thiên Chúa." Ðây là một lời nhắn nhủ bất ngờ khiến chúng ta phải tự kiểm điểm. Chúng ta được mời gọi thoả mãn những đòi hỏi của Thiên Chúa và tôn trọng những quyền lợi của Ngài; chúng ta phải làm những điều đó một cách nghiêm túc khi đáp ứng những bổn phận trần thế.

NHỮNG GÌ CỦA XÊ-DA, HÃY TRẢ LẠI CHO XÊ-DA

Một cách kín đáo, Ðức Giêsu coi việc nộp thuế cho Xê-da là được phép, nhưng Ngài đã tránh được cái bẫy của người Pha-ri-sêu. Vì đồng tiền dùng để nộp thuế là đồng tiền Ro-ma, thuộc về Xê-da, nên nộp thuế chẳng qua là trả lại cho Xê-da điều đã thuộc về ông ta rồi.

Dù sao Ðức Giêsu cũng đã mặc nhiên nhìn nhận vai trò của chính quyền trong việc cai trị đất nước. Lãnh vực trần thế là một lãnh vực riêng cần được tôn trọng. Tuy nhiên, vì chỉ Thiên Chúa mới có quyền tối thượng, nên quyền của Xê-da cũng phải lệ thuộc vào quyền của Thiên Chúa. Xê-da không có quyền đòi hỏi thần dân của mình những điều ngược với ý định của Thiên Chúa.

Ngoài bổn phận tôn giáo, người tín hữu cần làm tròn bổn phận công dân. Tín hữu vừa là công dân của trời cao (P 3,20), vừa là công dân của quê hương đất nước. Chúng ta cần đóng góp tích cực để xây dựng trần thế sao cho mọi người được hưởng tự do và hạnh phúc.

Một số câu hỏi gợi ý

1. Công đồng Va-ti-ca-nô II mời gọi chúng ta hãy có lòng yêu mến quê hương và cộng tác vào việc xây dựng đất nước (LG 75). Bạn có thể đáp lại lời mời gọi này ra sao trong hoàn cảnh cụ thể của bạn?

2. Theo ý bạn, đâu là "những điều thuộc về Thiên Chúa" mà cá nhân và xã hội nào cũng phải tôn trọng?


Back to Vietnamese Missionaries in Taiwan Home Page