Tìm hiểu và chia sẻ
đời sống Tin Mừng

Linh Mục Augustine, SJ. phụ trách

Prepared for internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan


Ngày 24 tháng 10 năm 1999
Chúa Nhật Lễ Truyền Giáo

Ðọc Tin Mừng Mt 22,15-22

Gợi ý để sống và chia sẻ Tin Mừng

Khốn cho tôi nếu không rao giảng Tin Mừng

Bài Tin Mừng hôm nay là một lệnh lên đường. Lệnh đó được truyền trước tiên cho mười một môn đệ thân cận của Ðức Giêsu. Chẳng bao lâu một môn đệ nữa được thêm cho đủ số mười hai: đó là ông Mát-thi-a thay thế Giu-đa Ít-ca-ri-ót (Cv1,26). Nhưng cuộc bầu ông Mat-thi-a vào nhóm Mười Hai còn được nối tiếp bằng cuộc trở lại của Sao-lô, con người bắt bớ các Kitô hữu, sau trở nên vị Tông đồ Dân Ngoại (Cv 13,47). Ông là biểu tượng của lòng nhiệt thành truyền giáo lây lan với câu nói bất hủ: "Khốn cho tôi nếu không rao giảng Tin Mừng!" (1C 9,16). Chính qua các cuộc hành trình truyền giáo, tông đồ Phao-lô đã thiết lập các giáo đoàn vùng Tiểu Á và Trung Ðông. Những địa danh Cô-rin-tô, Thê-xa-lô-ni-ca, Phi-líp-phê, Ê-phê-xô trong cuộc hành trình thứ hai của ngài đã trở nên thời danh với những lá thư ngài viết gửi các giáo đoàn. Thư ngài viết gửi giáo đoàn Ga-lát chẳng hạn, cho thấy thế nào là người môn đệ của Ðức Giêsu theo bề sâu. Người đó được đưa vào sự sống của chính Ðức Kitô để có thể nói rằng "Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Ðức Kitô sống trong tôi" (Gal 2,20). Tức một cách nào đó, Ðức Kitô trở nên chủ thể mọi sinh hoạt của người Kitô hữu. Cho nên tự bản chất, người Kitô hữu không thể không làm chứng về sự hiện diện và hành động của Ðức Kitô. Người đó tự nhiên thao thức muốn đem Tin Mừng của Ðức Kitô loan báo và chia sẻ cho tha nhân.

Hình ảnh sống động về truyền giáo

Nhưng thử hỏi cảm thức về bổn phận truyền giáo nơi các Kitô hữu ngày xưa, ngày nay người trở lại đạo còn nghiệm được chăng? Hãy coi hình ảnh sống động của những Kitô hữu sốt sắng truyền giáo nơi dân tộc ít người. Một số họ đã được giới thiệu hai năm trước đây cũng dịp Chúa Nhật cầu nguyện cho công cuộcTin Mừng hóa thế giới.

Anh BN năm nay 27 tuổi. Anh đã học đạo năm 1993. Kể từ đó anh góp phần đắc lực vào việc truyền giáo giữa đồng bào anh. Mùa mưa bắt đầu là lúc thích hợp nhất để anh ra ruộng, ra rẫy, nơi anh vừa lao tác với đồng bào, vừa truyền đạo cho họ. Anh nói như một nhà thần bí rằng: "Chúa đoan chắc Chúa ở với con và con được ở với Chúa. Con thấy Chúa nói với con. Có những thôn làng muốn biết Chúa. Thế là con thấy rõ Chúa đến nhà kêu con đi. Qua con, Chúa nói với người ta. Người ta nhìn miệng con. Người ta nghe con nói. Ðiều lạ lùng là người ta tin Chúa! Vợ con sắp sinh cũng bảo con: "Thôi anh cứ đi đi! Ðã có Chúa lo cho em ở nhà!" Lần ấy con đi truyền giáo về gần đến làng thì được tin vợ con đã sinh một bé gái. Con quỳ xuống tạ ơn Chúa. Bé gái sinh ra là gia đình con có cơ may được thêm một người đàn ông lo việc ruộng rẫy trong tương lai." Anh BN có ý nói về phong tục mẫu hệ của đồng bào anh. Bé gái lớn lên mà lấy chồng thì chồng đến ở nhà bố mẹ vợ thay vì vợ đến ở nhà bố mẹ chồng. Gia đình anh hy vọng sẽ có con rể lo việc ruộng rẫy và anh sẽ có thêm cơ hội lo việc truyền giáo.

Anh CÐ hôm ấy đi truyền giáo theo hướng sông Ðồng Nai. Nửa đên anh đang đi thì xe đạp của anh bị trục trặc. Khi ấy có tiếng cọp gào. Anh phải chui vào hốc đá khiến cọp đói ngồi rình anh suốt đêm! Anh thưa với Chúa: "Chúa ơi! Con đi truyền giáo nên Xa-tan nó chặn đường con!" Ban sáng khi mặt trời mọc, con thấy mất an toàn nên lỉnh vào rừng sâu. Anh CÐ khi ấy thưa với Chúa: "Chúa ơi, Xa-tan nó đi rồi, thế là con lại lên đường đến điểm truyền giáo như con đã hẹn với người ta."

Anh X tìm đến với đồng bào anh nơi rừng thẳm vào giữa mùa đói. Họ thiếu thốn cả của ăn lẫn áo mặc. Anh thương họ quá đến nỗi anh đã để lại cho họ tất cả quần áo anh mang theo. Anh về nhà, chỉ còn duy nhất chiếc áo gió và quần xà lỏn trên người!

Hội nhập văn hóa

Anh BX khác hẳn những anh em nói trên về giáo dục và về địa bàn hoạt động. Chính anh đã có công dịch ra tiếng M'nông tất cả các kinh đọc, các bài hát hiện đang được dùng. Anh cũng dịch ra tiếng M'nông cuốn giáo lý căn bản và sách Tin Mừng theo thánh Matthêu. Còn sách Tin Mừng theo thánh Máccô hiện anh dịch xong được 10 chương. Vậy phần đóng góp đặc sắc của anh trong việc truyền giáo cho dân tộc anh là hội nhập văn hóa.

Theo nghĩa tổng quát, văn hóa chỉ tất cả những gì con người dùng để trau dồi và phát triển các năng khiếu đa diện của tâm hồn và thể xác; cố gắng chế ngự cả trái đất bằng trí thức và lao động; làm cho đời sống xã hội, đời sống gia đình cũng như đời sống chính trị trở nên nhân đạo hơn, nhờ tiến bộ trong các tập tục và định chế,… diễn tả, truyền thông và bảo tồn trong các công trình của mình, những kinh nghiệm tinh thần và hoài bão lớn của các thời đại, để giúp cho nhiều người và toàn thể nhân loại tiến bộ hơn (Giáo Hội trong thế giới ngày nay, số 53). Anh BX đang làm công việc truyền thông này về tôn giáo cho dân tộc anh. Thử hỏi một người dân tộc như anh BX mở mắt chào đời nơi rừng sâu, làm sao đạt được trình độ để làm việc văn hóa như hiện anh đang làm? Quan trọng hơn nữa là ý nghĩa truyền giáo của công việc anh đang làm, ý nghĩa ấy lóe lên trong đầu óc anh từ bao giờ? Có dấu nào cho thấy anh đã chọn công cuộc truyền giáo một cách tự do do ân sủng của Thiên Chúa? Hãy nghe anh BX tự thuật, có khi ta sẽ phần nào thỏa mãn được những thắc mắc nói trên.

Ðẹp thay bước chân người đi loan Tin Mừng

"Tôi sinh ra năm 1940 khi dân tộc tôi còn trong tình trạng du canh du cư chưa được đặt dưới quyền một Nhà Nước nào. Tới năm 1946, chi tộc trưởng của chúng tôi mới được đặt làm trưởng làng thuộc xã Ðắc Tích gồm 16 buôn trong quận Dak Sông, tỉnh Darlac. Riêng tôi lên 8 tuổi mới cắp sách đi học tại trường ngã ba biên giới, và lên 11 tuổi thì được gởi đi học trường tiểu học Nguyễn Du tại Ban Mê Thuột; lên 16 tuổi được nhận vào trường trung học trước khi gọi là Collège Sabatier. Trong hai năm ở đây tôi tự động đi học giáo lý Công Giáo mỗi tuần hai lần vào buổi tối. Ngày đáng ghi nhớ là 12 tháng 5, 1958, khi tôi được Chúa mời gọi đi gặp vị linh mục thừa sai Mai Hộ (Elie Maillot). Ngài nhận tôi vào học lớp giáo lý tại nhà thờ Bu Prăng cùng với hai anh em người Sê Ðăng, Kontum. Nhờ đó ngày 12 tháng 5, 1960, tôi được nhận vào nội trú trường đào tạo giảng viên giáo lý mang tên Chân Phước Cuénot, là nơi tôi được học tiếng Bana, tiếng Pháp cũng như học Kinh Thánh Tân Ước và Cựu Ước. Ngày 14 tháng 11, 1960, tôi được chịu phép Rửa Tội, Thêm Sức và bí tích Thánh Thể. Ngày 27 tháng 12, 1960, tôi đã thi đậu bằng tốt nghiệp khóa giáo lý căn bản sơ cấp để trở nên giáo phu, tức Thày giảng đạo.

Thế là tôi bắt đầu dấn thân truyền giáo dưới sự hướng dẫn của linh mục thừa sai Mai-Ðình -Sử (Jean Moriceau), vừa đi truyền giáo vừa học thêm.

Thời gian 1960-1964: 6 thôn được nghe tôi trình bày giáo lý và hai gia đình chịu phép Rửa tội.

Thời gian 1965-1975, tôi cùng với 4 giáo phu khác góp phần giúp cho trên ba ngàn người học đạo trong số đó có trên 1,500 người đã chịu phép Rửa tội và Thêm sức qua ba đợt do Ðức Cha Mai.

Kể từ đầu năm 1976 tình hình tôn giáo ra khác. Chính tôi phải đi cải tạo 6 tháng tại Ðác Nông. Trong suốt mấy năm kế tiếp, tệ nạn xã hội xảy ra trong họ đạo, như ăn trộm ăn cắp, rượu chè, phạt vạ nhau, có một vụ chồng giết vợ, một vụ anh giết em. Trong bối cảnh không mấy sáng sủa ấy, tôi đã cầu nguyện nhiều xin Chúa soi sáng cho tôi biết phải làm gì để phục vụ Người. Tôi được an ủi nhiều nhờ gặp được Ðức Cha Phêrô Mai dịp đi họp Mặt Trận tỉnh ngày 30 tháng 12, 1980.

Thời gian 1986-1990, tôi đã hoạt động trở lại dậy giáo lý cho gần 300 gia đình tại Quảng Tín; chừng 100 gia đình tại Quảng Tân; chừng 50 gia đình tại Ðạc Rung; 18 gia đình tại Bù Do; 49 gia đình tại Quảng Rực; 300 gia đình tại Ðác Nhau. Tôi hy vọng có nhiều thời giờ hơn để giúp những gia đình tân tòng nói trên sau khi dịch xong Tin Mừng theo thánh Mác-cô ra tiếng M'nông"

Anh BX thực sự đã được Chúa an bài để trở nên môn đệ của Chúa Giêsu, cộng sự viên đắc lực của những vị kế nghiệp các thánh tông đồ. Cho nên anh cũng được vinh dự tích cực tham gia việc thi hành lệnh lên đường để làm cho muôn dân trở nên môn đệ của Ðức Giêsu.

Một số câu hỏi gợi ý

1. Bạn nghĩ gì về tinh thần truyền giáo của anh em dân tộc như BN? X và BX? Riêng về hoạt động truyền giáo của anh BX có những gì đáng kể đối với bạn?

2. Theo bạn có gì khác nhau giữa truyền giáo và Phúc Aâm hóa? Chính đời sống của gia đình bạn, của giáo xứ bạn, của công việc làm ăn bạn đang thực hiện, có cần được Phúc Âm hóa chăng? Bằng cách nào?


Back to Vietnamese Missionaries in Taiwan Home Page