Tìm hiểu và chia sẻ
đời sống Tin Mừng

Linh Mục Augustine, SJ. phụ trách

Prepared for internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan


Ngày 11 tháng 07 năm 1999
Chúa Nhật 15 Quanh Năm A

Ðọc Tin Mừng Mt 13,1-23 (hay 13,1-9)

Gợi ý để sống và chia sẻ Tin Mừng

Hình ảnh dễ thương của Cha Bộ giữa những người dân tộc thiểu số

Tại vùng Cao Nguyên Việt Nam nay là tỉnh Kontum, cha Ðỗ Ðình Bộ (Dourisboure thuộc hội Thừa Sai Ba Lê) gặp một cơ hội rất may để thực hiện một việc có ý nghĩa tiền-Phúc-Âm hầu chuẩn bị dân làng Phổ Năng (Pơ Năng) đón nhận Tin Mừng Kitô. Ðể tin vào Thiên Chúa là Cha toàn năng, dân làng dân tộc ít người này cần phải từ bỏ nhiều điều mê tín dị đoan liên quan tới việc dựng nhà, đắp bếp nấu ăn và kín nước về uống. Những điều mê tín dị đoan ấy gắn liền với căn nhà họ từng ở, cái bếp họ từng sử dụng và nơi họ từng đến kín nước. Với người dân tộc Bana đâu đâu cũng có các vị thần linh cai quản. Người ta cần năng dâng cúng lễ vật cho các vị ấy mới mong hưởng được bình an. Nếu muốn bỏ hẳn một tập tục mê tín dị đoan nào thì thuận tiện nhất là vào lúc dọn sang ở nhà mới hoặc làng mới. Theo người Bana, chỉ ai đứng ra chủ trương bãi bỏ tập tục dâng cúng các thần mới bị các thần trừng phạt.

Trong việc dựng làng mới, điều đòi hỏi nhiều mê tín dị đoan nhất là khi dựng cột nhà, đắp bếp nấu, và múc nước uống lần đầu tiên nơi mạch nước mới. Cha Bộ tự nguyện đứng ra làm tròn ba việc đó cho từng gia đình. Vị thừa sai bỏ qua mọi nghi thức cổ truyền, và sẵn sàng hứng chịu mọi hậu quả nếu có. Dân làng đồng ý.

Vậy tại vị trí của mỗi ngôi nhà, cha Bộ sẽ bổ xuống nền đất để làm nhà một nhát cuốc, rồi người trong nhà cứ lỗ đó mà đào cho xong. Theo đúng nghi thức vị Linh Mục còn sờ tay vào cây cột chính mà người ta dựng lên đúng vào cái lỗ đã đào. Cứ như vậy, cha Bộ vận chuyển từ nhà này sang nhà khác cho tới khi mọi nhà được dựng lên.

Về việc thiết lập bếp nấu, công việc đơn giản hơn. Người ta lấy bốn khúc cây dài một thước, bốn góc được buộc chặt bằng giây mây. Người ta đặt khuôn đó ở giữa nhà và đổ đầy đất vào khuôn đó, thế là đã có một cái bếp để thổi cơm, khói muốn bay đi đâu tùy ý, không cần ống khói để dẫn đường!

Riêng về nước uống, người ta dẫn cha Bộ đến nơi kín nước uống. Các phụ nữ trong làng đều đi theo. Ðến nơi lần lượt từng người trao cho cha Bộ một ống tre để ngài đổ đầy nước vào ống tre đó và trao lại cho họ.

Cha Bộ chỉ phải thực hiện những việc đơn giản nói trên nhưng đã được dân làng thiết một bữa tiệc lớn vì đã giải thoát họ khỏi một mớ những tập tục tốn kém lẽ ra cứ còn phải lặp đi lặp lại để làm vui lòng các thần linh liên hệ. Hơn nữa, họ còn vui lòng để vị thừa sai mang linh vật bự ở cổng làng cũ ném xuống sông Dak Bla. Vài ngày sau đó, dân làng còn đồng ý để cha Bộ đến đốn ngã gốc cây đầu tiên ở cánh rừng họ định phát quang để làm rẫy trong vụ mùa sắp tới. Dịp này họ cũng được giải thoát khỏi loại mê tín dị đoan liên quan tới việc trồng tỉa.

Ðiều cha Bộ nhắm là việc gieo trồng hạt giống đức tin. Hạt giống ấy sẽ không nảy nở và mang lại hoa trái nơi đầu óc những con người đầy ắp những mê tín dị đoan. Do đó mới có nhu cầu giải tỏa những thứ đó khỏi não trạng dân làng Phổ Năng để chuẩn bị họ đón nhận Nước Thiên Chúa. Nước Thiên Chúa chỉ về quyền làm chủ của Thiên Chúa trên mọi thọ tạo. Giải tỏa mê tín dị đoan chưa đủ, đón nhận Nước Thiên Chúa mới là điều thiết yếu.

Bài Tin Mừng hôm nay là khởi đầu của bài giảng của Ðức Giêsu về Nước Thiên Chúa theo Tin Mừng của thánh Matthêu. Bài giảng này gồm một loạt những dụ ngôn so sánh Nước ấy với cuộc sống thường ngày hoặc với thiên nhiên. Mục tiêu không nhằm sự chính xác cho bằng kích thích người nghe phải suy nghĩ để nắm bắt được phần nào ý của tác giả.

Tin Mừng Matthêu đặt ta vào bối cảnh bờ hồ Galilê nơi Ðức Giêsu đang ngồi trên thuyền hướng về đám đông dân chúng trên đất mà giảng cho họ. Họ chính là đối tượng của lời mời gọi gia nhập Nước Thiên Chúa.

Dụ ngôn hạt giống được gieo vãi

Dụ ngôn hạt giống được gieo vãi (Mt 13, 1-9) đối chọi một bên là ba loại hạt giống bị mất mát, bên kia là một loại duy nhất sinh sôi nảy nở (cc.4-9). Ba loại hạt đầu tiên bị thất thoát vì rơi trên đất xấu, tức nơi lối đi (c.4) nơi nhiều sỏi đá (c.5) và nơi bụi gai (c.7). Riêng loại hạt rơi trên đất tốt (c.8) mang lại mùa thâu hoạch rất đáng kể. Các loại đất xấu lần lượt gây thất vọng làm nổi bật kết quả dồi dào của thửa đất phì nhiêu. Ðiều được hiểu ngầm là công cuộc rao giảng về Nước Thiên Chúa do Ðức Giêsu không được đại đa số thính giả đón nhận. Dụ ngôn này có ý khuyến khích những người đón nhận hãy tiếp tục mang lại hoa trái bằng các việc lành vì chính họ được ví như thửa đất tốt hứa hẹn kết quả to lớn.

Tại sao Chúa Giêsu dạy bằng dụ ngôn

Tại sao Ðức Giêsu giảng dạy bằng dụ ngôn? (Mt 13,10-17). Chính các môn đệ muốn biết tại sao Thầy các ông không dùng ngôn ngữ đơn sơ rõ ràng mà lại dạy dân chúng bằng dụ ngôn (c.10). Ðáp lại, Ðức Giêsu khẳng định rằng các môn đệ đều được ban ơn để hiểu về Nước Thiên Chúa, còn những người khác thì không (cc.11-12). Người bó buộc phải dùng ngôn từ bí ẩn của dụ ngôn (c.13) vì người ta nghe Người giảng dạy rõ ràng về Nước Thiên Chúa thì chẳng thấy được gì nên chẳng buồn nghe. Tình trạng chung của thính giả nghe mà không hiểu được kể như thể hiện điều ngôn sứ Isaia đã nói (6,9-10). Tâm trạng thiêng liêng của các môn đệ chính là thửa đất phì nhiêu khiến họ có khả năng thấy và hiểu được điều Ðức Giêsu dạy về Nước Thiên Chúa. Tâm trạng ấy những người khác không có khiến họ không thể làm cho hạt giống nảy sinh hoa trái.

Chính Ðức Giêsu cắt nghĩa

Chính Ðức Giêsu cắt nghĩa dụ ngôn hạt giống được gieo vãi (Mt 13, 18-23). Bình thường thính giả dụ ngôn này sẽ đi đến kết luận để kể: hạt giống là lời của Ðức Giêsu dạy về Nước Thiên Chúa; đất tốt là tâm trạng sẵn sàng đón nhận lời Ðức Giêsu dạy; đất xấu là tâm trạng chưa sẵn sàng đón nhận lời dạy đó; hạt giống sinh nhiều bông hạt là các môn đệ; hạt bị thất thoát là những kẻ không tin. Nhưng lời Ðức Giêsu giải nghĩa đi xa hơn và tập chú vào những lý do tại sao có những hạt giống sinh nhiều bông hạt, còn những hạt giống khác bị thất thoát. Theo lời giải nghĩa này, đất xấu do không hiểu lời giảng dạy (c.19), do sự hời hợt (c.21), và do nội tâm bị phân tán (c.22). Những cản trở đối với niềm tin là "kẻ dữ" (c.19), gian nan thử thách hoặc cuộc bách hại (c.21), lo lắng sự đời và lòng ao ước của cải (c.22). Ðiều nổi bật là câu chót của toàn bộ dụ ngôn hạt giống được gieo vãi: "Còn kẻ được gieo trên đất tốt, đó là kẻ nghe Lời và hiểu, thì tất nhiên sinh hoa kết quả và làm ra, kẻ được gấp trăm, kẻ được sáu chục, kẻ được ba chục" (c.23).

Mọi người đều được mời gọi gia nhập Nước Thiên Chúa nhưng Nước đó trước tiên được công bố cho con cái Israel. Bài Tin Mừng hôm nay là dụ ngôn đầu tiên về Nước Thiên Chúa theo tác giả Matthêu. Nó cho thấy tầm quan trọng của việc đón nhận Lời Ðức Giêsu dạy như điều kiện để gia nhập Nước Thiên Chúa:

Chúa mời người nghèo gia nhập Nước Chúa

Sau con cái Israel, mọi dân tộc đều được mời gọi gia nhập Nước Thiên Chúa. Nước đó dành cho người nghèo và người bé nhỏ. Nói khác đi, dành cho những ai đón nhận với lòng khiêm nhường. Chúa Giêsu được sai đến "loan Tin Mừng cho người nghèo" (Lc 4,18). Người tuyên bố họ là những người phước hạnh vì "Nước Trời là của họ" (Mt 5,3). Do đó, Cha đã thương mạc khải cho người bé nhỏ chân lý Cha giấu người khôn ngoan và tài khéo. Từ máng cỏ đến thập giá, Chúa chia phần cuộc sống với dân nghèo; Ngài biết đói khát, thiếu thốn. Hơn nữa, Ngài đồng hoá mình với đủ loại người nghèo và coi thái độ tích cực yêu người nghèo là điều kiện nhập Nước Trời.

Chúa mời các tội nhân vào đồng bàn Nước Trời: "Thầy không đến gọi người công chính, nhưng những tội nhân" (Mc 2,17). Ngài mời họ trở về; không trở về họ không thể nhập Nước Trời. Nhưng ngôn hành Ngài chứng tỏ Cha vô cùng từ bi với họ, và chứng tỏ "trên trời vui mừng vô hạn trước một tội nhân sám hối" (Lc 15,7). Cuộc dâng hiến chính đời Ngài để chuộc mọi tội lỗi là lý do cao vời của tình yêu Ngài (Mt 26,28) - GLGHCG, số 544-545.

Vậy tại vùng Cao Nguyên Việt Nam, cha Bộ đã nhắm đúng đối tượng mà Ðức Giêsu đã nhắm khi mời gọi người ta gia nhập Nước Thiên Chúa. Ðó là dân làng Phổ Năng của dân tộc thiểu số. Khi giải thoát họ khỏi nhiều mê tín dị đoan, cha đã hy sinh sẵn sàng hứng chịu mọi hậu quả. Cha đã đến với từng gia đình làng Phổ Năng và đã khởi công dựng từng cột nhà, thiết lập từng cái bếp, trao cho người ta từng cái ống tre chứa nước từ mạch nước mới. Cha Bộ đúng là hình ảnh dễ thương của chính Ðức Giêsu bên cạnh người nghèo.

Một số câu hỏi gợi ý

1. Trong môi trường hiện bạn đang sống, bạn nghĩ đối với hạt giống Lời Chúa, đất xấu xem ra là: Tiền của? Tiện nghi? Danh vọng? Ích kỷ? Khoái lạc? Áp lực xã hội? Bạn bè? Bạn có ý kiến khác?

2. Bạn tâm đắc được gì về lời giải nghĩa của Chúa Giêsu liên quan tới đất xấu: do không hiểu lời giảng dạy (c.19)? do sự hời hợt (c.21)? do nội tâm bị phân tán (c.22)? Bạn có ý kiến khác?

3. Bạn cảm nghiệm gì về hình ảnh cha Bộ hy sinh đến giúp đỡ từng gia đình tại làng Phổ Năng? Bạn có biết được hình ảnh nào tương tự sống động giữa người tín hữu Việt Nam trong cố gắng phục vụ những người bé nhỏ trong xã hội ta hiện đang sống?


Back to Vietnamese Missionaries in Taiwan Home Page