Tìm hiểu và chia sẻ
đời sống Tin Mừng

Linh Mục Augustine, SJ. phụ trách

Prepared for internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan


Ngày 27 tháng 06 năm 1999
Chúa Nhật 13 Quanh Năm A

Ðọc Tin Mừng Mt 10,37-42

Gợi ý để sống và chia sẻ Tin Mừng

Ðức Kitô trên hết

Thiên Chúa có quyền thử thách con người, để con người thấy rõ mình hơn và có dịp bày tỏ thái độ của mình trước Thiên Chúa. Trong Cựu Ước, Thiên Chúa đã thử Abraham khi đòi ông sát tế đứa con một yêu dấu là Ixaác (St 22,1-2). Thử thách này thật là kinh khủng. Nó là một thách đố lớn đối với lý trí và con tim của Abraham. Chắc ông đã không thể nào hiểu nổi tại sao Thiên Chúa đòi lại điều mà chính Ngài đã tặng ban cho ông như một món quà kỳ diệu trong lúc tuổi già, tại sao Thiên Chúa lại đang tâm thổi tắt đi niềm hy vọng mà chính Ngài đã khơi lên và nuôi dưỡng bấy lâu, tại sao Thiên Chúa lại không giữ lời hứa. Ai có thể hiểu được nỗi đau trong tim của Abraham. Khi ông biết chính mình sẽ là người tế sát con, đứa con duy nhất mà ông yêu quý, đứa con đã trở thành lẽ sống của ông? Abraham đã không lùi bước trước đòi hỏi của Thiên Chúa. Chắc ông đã trải qua những giây phút giằng co và xâu xé nội tâm, nhưng cuối cùng ông đã dám tin dù không hiểu, dám yêu Thiên Chúa hơn yêu Ixaác là lẽ sống và niềm hy vọng của đời ông. Thiên Chúa cũng chỉ cần có thế! Ngài đòi là để có thể cho ta nhiều hơn. Ngài thử thách là để ta có dịp bày tỏ và làm cho tình yêu nơi ta được lớn lên hơn mãi.

Chỉ duy Thiên Chúa mới có quyền đòi hỏi con người yêu mến Ngài trên hết mọi sự, trên hết mọi thọ tạo, bởi lẽ Ngài là Ðấng sáng tạo nên chúng. Ngài là Giá Trị cao nhất, vượt trên mọi giá trị khác.

Trong bài Tin Mừng hôm nay, ta thấy Ðức Giêsu cũng đưa ra những đòi hỏi quyết liệt không kém. Ngài đòi chúng ta phải yêu Ngài hơn yêu cha mẹ, con cái (c.37), thậm chí, hơn cả mạng sống của bản thân (c.39). Nếu Ðức Giêsu không phải là hiện thân của chính Thiên Chúa, thì Ngài chẳng có quyền đòi hỏi những hy sinh lớn lao đến thế nơi con người. Chương 10 của Tin Mừng Matthêu cho thấy vị trí trổi vượt của Thầy Giêsu. Các môn đệ phải chấp nhận bị điệu ra trước mặt vua chúa quan quyền vì Thầy (c.18), bị mọi thù ghét vì Danh Thầy (c.22). Họ phải tuyên xưng Thầy trước mặt thiên hạ, và chính việc nhận hay chối Ðức Giêsu sẽ định đoạt số phận chung cục đời họ (cc.32-33).

Như thế Kitô hữu đích thực là người tin Ðức Giêsu Kitô là Con Thiên Chúa làm người, gắn bó với Ngài như với chính Thiên Chúa Cha, và đặt Ngài lên trên mọi thụ tạo. Phêrô đã từng thưa với Thầy: "Phần chúng con, chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy…" (Mt 19,27). Quả thật, các môn đệ đầu tiên đã chấp nhận bỏ gia đình, cha mẹ (Mt 4,22), nghề nghiệp ổn định để đi theo Ðấng không có chỗ gối đầu. Họ đã chấp nhận chịu bách hại và tự nguyện hy sinh mạng sống để làm chứng cho Ðức Giêsu và Tin Mừng cứu độ của Ngài. Tất cả bắt nguồn từ một tình yêu mãnh liệt với Ðức Giêsu, Ðấng đã sống, đã chết và đã được phục sinh, cho mọi người và cho bản thân họ.

Theo gương các môn đệ tiên khởi, xuyên qua gần 20 thế kỷ, đã có biết bao Kitô hữu dám sống đến cùng tình yêu của mình đối với Ðức Giêsu, Ðấng họ tin dù chưa gặp mặt. Truyền giáo không chỉ là thông truyền đức tin, nhưng còn là thông truyền tình yêu, là làm cho Ðức Giêsu được mọi người yêu mến. Tình yêu đối với Ðức Giêsu là cốt lõi của Kitô giáo. Khi yêu Ðức Giêsu, ta được gặp gỡ Thiên Chúa Cha ở mức độ thâm sâu nhất, và được dẫn tới gặp gỡ tha nhân ở mức độ tinh ròng nhất.

Yêu hơn

Tất cả vấn đề nằm ở chữ "HƠN". Ðức Giêsu đòi chúng ta yêu Ngài hơn cả những đấng đã sinh thành dưỡng dục nên ta. Ðối với các dân tộc Á Châu, chữ hiếu là một giá trị lớn. Ðức Giêsu không đi ngược lại giới răn thảo kính cha mẹ (Mt 15,4-6), và chính Ngài đã luôn sống giới răn này (Lc 2,51). Nhưng giả như có sự xung đột giữa tình yêu đối với cha mẹ và tình yêu đối với Ðức Giêsu, thì Ngài đòi chúng ta phải đặt Ngài lên trên cha mẹ, không được vì cha mẹ mà trở nên thiếu sẵn sàng trước lời mời của Ngài. Ðã có người ngần ngại trước tiếng gọi của Ðức Giêsu. Anh muốn hoãn một thời gian để lo tống táng cha già, hay đúng hơn để phụng dưỡng cha cho đến khi cha qua đời. Ðức Giêsu đòi anh theo Ngài ngay để loan báo Nước Thiên Chúa (Lc 9, 59-60). Thánh Phanxicô Assidi là một thí dụ hùng hồn về thái độ siêu thoát đối với gia đình, để sống theo những thúc bách của Chúa. Thánh nhân đã dám cởi bỏ quần áo trả lại cho cha, dám đi ăn xin trong chính thành phố cha mình đang sống.

Mỗi người chúng ta đều có cội nguồn. Cội nguồn là ông bà cha mẹ, nhưng cội nguồn cũng là dòng truyền thống dân tộc từ bao đời. Hơn nữa, chúng vẫn được tiếp tục hình thành trong môi trường văn hoá, xã hội của thời đại ngay nay. Cần cởi mở để đón nhận những giá trị quý báu của quá khứ và hiện tại, nhưng cũng cần thanh lọc những gì không phù hợp với giáo lý của Ðức Giêsu Kitô. Phải làm sao để tinh thần của Ngài trở thành chuẩn mực giúp chúng ta nhận ra những giá trị đích thực cần giữ gìn và phát huy, trong một thế giới vang thau lẫn lộn.

Ðức Giêsu còn đòi chúng ta yêu Ngài hơn cả những đứa con mà chúng ta đã mang nặng đẻ đau, đã trao hiến một phần máu thịt. Con người hôm nay không ngừng sáng tạo và phát minh, không ngừng cho chào đời những sản phẩm mới mẻ, vật chất cũng như tinh thần. Có những thứ sản phẩm lại trở nên ông chủ của người đã sáng tạo nên chúng, đẩy đưa con người vào tình cảnh nô lệ cho chính những phát minh của mình. Con người dốc sức làm việc vì phải chạy theo những tiện nghi ngày càng cao, và không có khả năng dừng lại. Một xã hội chỉ biết tiêu thụ và hưởng thụ thì thường không còn chỗ cho Ðức Giêsu.

Cuối cùng, Ðức Giêsu mời gọi chúng ta vác thập giá của mình mà theo Ngài. Vác thập giá là hành vi người tử tội phải làm trên con đường đi tới nơi hành hình. Kitô hữu là người theo chân Ðức Giêsu, và là Ðức Giêsu vác thập giá. Chúng ta không phải là những người mắc bệnh thích đau khổ, nhưng chúng ta muốn chịu chung một thân phận với Thầy Giêsu, vì "trò không hơn thầy, tớ không hơn chủ" (Mt 10,24). Thập giá tự nó là một tai họa đáng tránh, nhưng nếu được ta đón lấy vì Ðức Giêsu thì, thập giá sẽ thành biểu tượng của tình yêu lớn lao nhất.

Thập giá đưa đến cái chết nhục nhã và bi đát, nhưng chính cái chết vì tình yêu lại là cửa mở dẫn vào sự sống viên mãn. Sự Phục Sinh của Ðức Giêsu là nền tảng cho niềm tin trên của các Kitô hữu. Có biết bao vị tử đạo đã tin vào lời sau đây: "Ai giữ lấy mạng sống mình thì sẽ mất, còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm thấy được" (c.39). Mạng sống là điều quá đỗi quý giá, thế nhưng Ðức Kitô còn quý giá hơn. Người Kitô hữu đón nhận thập giá và cái chết với thái độ bình an và lạc quan, vì họ yêu Ðức Giêsu hơn và họ tin những gì đang chờ đợi họ.

Bị mất mạng vì Ðức Giêsu là điều khó xảy ra trong thời buổi này. Nhưng chấp nhận mất đi cái tôi ích kỷ và khép kín của mình, đó lại là điều vẫn diễn ra mỗi ngày trong đời người theo Ðức Giêsu. Mất mát bao giờ cũng gây đau đớn, nhất là khi tôi mất một điều đã trở thành xương thịt của tôi. Nhưng chỉ khi dám đánh mất cái tôi nhỏ mọn, tôi mới trở thành tôi, trong sự triển nở trọn vẹn nhất. Như thế tôi chỉ tìm thấy được chính mình, khi dám quên mình, bỏ mình, mất mình, hiến mình. Ngày nay, có nhiều người lo xây dựng cái tôi bằng cách thu tích của cải, tiền bạc, quyền lực, thậm chí qua con đường bất chính. Cuối cùng, họ lại thấy mình đáng mất cái tôi đích thực và rơi vào tình cảnh nô lệ, cô đơn, buồn chán, trắng tay.

Chúng ta cần có kinh nghiệm về những lời sau trong Kinh Hòa Bình: "Vì chính khi hiến thân, là khi được nhận lãnh; chính lúc quên mình, là lúc gặp lại bản thân." Ước gì chúng ta dám sống hết mình cho Ðức Giêsu và cho anh chị em Ngài, chấp nhận cái mất trước mắt, nhưng cảm thấy cái được lớn hơn bội phần ngay ở đời này. Ước gì chúng ta dám yêu Ðức Giêsu bằng một tình yêu "xứng với" Ngài (cc. 37a.37b.38), bởi lẽ chính Ngài đã dám tự hạ mình làm người, và hiến mạng sống cho ta dù chúng ta bất xứng.

Một số câu hỏi gợi ý

1. Yêu Ðức Giêsu hơn một lợi lộc, danh giá, hay hơn một người nào đó mà bạn rất say mê: có khi nào bạn làm được một hành động như thế trong đời không? Nếu có, xin chia sẻ.

2. Sống với nhau, làm việc chung với nhau, đòi hỏi từ bỏ mình. Bạn có kinh nghiệm gì về những khó khăn thường gặp phải khi sống với nhau trong gia đình, trong cộng đoàn, hay trong nhóm làm việc tông đồ.


Back to Vietnamese Missionaries in Taiwan Home Page