Tìm hiểu và chia sẻ
đời sống Tin Mừng

Linh Mục Augustine, SJ. phụ trách

Prepared for internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan


Ngày 6 tháng 06 năm 1999
Chúa Nhật 10 Quanh Năm A
Kính Mình và Máu Thánh Chúa Kitô

Ðọc Tin Mừng Ga 6,51-58

Gợi ý để sống và chia sẻ Tin Mừng

Hoàn cảnh gây cấn đòi phải chọn lựa

Một mục sư kể câu chuyện như sau: Hai người lính vào một giáo đường để trốn các cuộc truy lùng. Ðứng trước cộng đoàn tín hữu đang sốt sắng cầu nguyện, họ lên tiếng đe dọa: Ai không bỏ đạo sẽ bị bắn tại chỗ; ai bỏ đạo thì đứng sang bên phải. Có một số người đã chọn đứng sang bên phải và được thả về nhà ngay. Những người còn lại chuẩn bị tâm hồn để chết vì niềm tin mà họ đang ấp ủ.

Trong bầu khí hoàn toàn tin tưởng, hai người lính kia hạ súng xuống và ôn tồn nói: "Chúng tôi cũng là Kitô hữu. Sở dĩ chúng tôi hành xử như vừa rồi vì chúng tôi muốn biết ai là người thực sự sẵn sàng chết cho đức tin của mình. Chỉ những người đó mới đáng tin cậy."

Bài Tin Mừng hôm nay cũng đặt người Kitô hữu trước niềm tin của mình. Niềm tin ấy có mạnh lắm không? Nó có quyết liệt tới mức sẵn sàng chết vì điều mình tin chăng? Sách Tin Mừng của Gioan quả thật đưa độc giả tới màn khá gay cấn. Sau bài Tin Mừng hôm nay tác giả cho biết nhiều môn đệ của Ðức Giêsu không ngần ngại nói trắng ra điều họ nghĩ là "Lời này chướng tai quá! Ai mà nghe nổi?" (c.60). Kết quả là nhiều môn đệ rút lui, không còn đi với Ðức Giêsu nữa (c.68). Ðó là lúc chính Ðức Giêsu đòi Nhóm Mười Hai phải xác định rõ lập trường về niềm tin của mình: "Cả anh em nữa, anh em cũng muốn bỏ đi sao?" Và ta biết cả nhóm nòng cốt ấy cũng chia đôi: một bên là Phêrô tuyên xưng: "Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời" (c.68). Bên kia là Giuđa Iscariot, không những bỏ Thầy mà còn phản Thầy (c.64).

Toàn bộ chương 6 của Tin Mừng Gioan đặt các môn đệ trước thái độ quyết liệt loại đó. Các ông đã lần lượt được thấy Ðức Giêsu hóa bánh ra nhiều (6, 1-15); đi trên mặt nước và khiến thuyền cập bến không cần chèo chống (6, 16-24); cuối cùng giảng tại hội đường Caphacnaum, trong đó Ðức Giêsu tự xưng là Bánh Trường Sinh (6.26-59).

Bài Tin Mừng hôm nay rút ra từ diễn từ Caphacnaum này. Ðó là một bài giảng dựa trên lời dạy của Ðức Giêsu. Giảng viên quảng diễn lời dạy đó một cách rộng rãi với ơn linh hứng do Thánh Linh của Ðức Giêsu; theo ý nghĩa ấy toàn bộ diễn từ phải được kể là phát xuất do chính Ðức Giêsu. Toàn bộ diễn từ Caphacnaum tập chú vào Lời Kinh Thánh dạy rằng Người đã cho họ ăn bánh bởi trời (c.31), cho nên cũng nhằm chứng minh điều Ðức Giêsu tuyên bố về chính mình.

"Các ông nghiên cứu Kinh Thánh vì nghĩ rằng trong đó các ông sẽ tìm được sự sống đời đời. Mà chính Kinh Thánh làm chứng về tôi" (5,39); ở đây Ðức Giêsu muốn nói rằng người ta không tìm được sự sống đời đời trong chữ viết của Kinh Thánh nhưng chỉ tìm được sự sống nhờ tin vào Ðấng đến, thể hiện tất cả những điều Kinh Thánh nói về Người.

"Nếu các ông tin ông Môsê, thì hẳn các ông cũng tin tôi, bởi lẽ ông ấy đã viết về tôi. Nhưng nếu các ông không tin điều ông ấy viết, thì làm sao tin được lời tôi nói? (6,46-47).

Câu Kinh Thánh "Người đã cho họ ăn bánh bởi trời" (c.31) có thể chỉ là câu tổng hợp mà giảng viên nhớ đại khái từ Xh 16,4; Neh 9,15; Tv 78,24 và Tv 105,40.

Tóm tắt bài giảng Caphacnaum

Có thể tóm tắt bài giảng Caphacnaum bằng một câu nói Người đã ban cho họ bánh bởi trời để họ ăn. Câu ấy được tuần tự khai triển như sau:

a) Người đã ban (cc26-34). Ðiều được nhấn mạnh ở đây là việc ban tặng. Không như Môsê ban tặng (c32) thứ manna làm lương thực cho loại sự sống hay chết, Ðức Giêsu sẽ ban như Chúa Cha ban tặng từ nguồn suối của sự sống vĩnh viễn (c32). Như vậy, Ðức Giêsu thực sự là Ðấng ban bánh nuôi sống. Người là Môsê mới trổi vượt trên Môsê trong Cựu Ước.

b) Bánh từ trời (cc35-47). Ðiều được nhấn mạnh ở đây là xuất xứ của Ðấng là bánh nuôi sống. Ðức Giêsu không chỉ ban tặng điều gì đó nhưng chính Người là món quà được trao ban; món quà ấy từ trời được ban cho loài người (cc35.38.41.42). Ở phần này của bài giảng, động từ được nhấn mạnh nơi người nhận là tin (believe). Ðức Giêsu là bánh từ trời xuống; cần phải tin thì mới lãnh nhận được bánh ấy (cc35.36.40.47). Ý nói ở đây là thứ lương thực bồi bổ đức tin nơi người lãnh nhận. Ðức Giêsu quả thật là bánh từ trời được ban tặng cho loài người. Chính Người nuôi dưỡng các tín hữu như xưa trong Cựu Ước, sự khôn ngoan đã từng nuôi dưỡng những ai chấp nhận giao ước Giavê Thiên Chúa ban (Prov 9,1-5). Ðó là thứ lương thực nuôi dưỡng con người bằng sự khôn ngoan.

c) Bánh ấy được ban ra để ta ăn (cc48-59). Bài Tin Mừng hôm nay nằm trong phần cuối này của bài giảng Caphacnaum. Ta thấy nhiều từ được sử dụng chỉ về việc ăn uống, như thịt (Flesh), máu (Blood). Ăn (Eat), uống (Drink). Hãy coi từ ăn được lặp đi lặp lại ở những câu 49.50.51.52.53.54.58 song song với từ thịt và máu để ăn và để uống. Ý nghĩa của bài giảng ở đây có đổi thay. Ở phần trên Ðức Giêsu nói tới việc Người mạc khải sự khôn ngoan cho những ai tin thì được hấp thụ thứ lương thực ấy. Bây giờ tin không được nhắc tới nữa. Ðiều được nói lên là ăn và uống. Rõ ràng giảng viên có ý nói về việc nuôi dưỡng bằng bí tích (sacramental nourishment). Giảng viên nói tới thứ của ăn và của uống mà các tín hữu vẫn dùng nơi bàn tiệc Thánh Thể, là chính thịt và máu của Con Người (c.53). Danh xưng Con Người được sử dụng để tránh khỏi phải nói về thịt và máu của Ðức Giêsu theo nghĩa thể lý vì đây là thịt và máu của Ðấng là Con Người từ trời ban xuống cho loài người: "Ðây là bánh trời xuống, không phải như bánh tổ tiên các ông đã ăn, và họ đã chết. Ai ăn bánh này sẽ được sống muôn đời" (c.58).

Như vậy bài giảng được thống nhất lại ở tư tưởng Người đã cho họ ăn bánh bởi trời trong câu 31 và câu 58.

Vậy bài giảng Caphacnaum là cuộc trình bày cho thấy nhiều diện khác nhau của Ðấng là bánh ban sự sống. Ðức Giêsu trước hết là Ðấng ban tặng với tư cách là Môsê mới. Kế đến Người được giới thiệu cho thấy chính Người là hiện thân của bánh ban sự khôn ngoan và ơn mạc khải; ai tin vào Người sẽ được Người nuôi dưỡng bằng khôn ngoan và mạc khải. Cuối cùng Ðức Giêsu chính là lễ Tạ Ơn như nguồn suối của sự sống vĩnh cửu được ban tặng cho tất cả những ai ăn thịt và uống máu Ðấng là Con Người vinh hiển từ trời xuống. Tất cả những điều sách Tin Mừng thứ bốn muốn nói về Thánh Thể đã được trình bày ở chương 6 này rồi, nên không được lặp lại ở bữa tiệc ly nữa. Hai yếu tố thiết yếu của Thánh Thể được trình bày khá rõ ở chương 6 này: đó là Lời Mạc Khải (cc 35-47) và bánh như dấu chỉ bí tích của sự sống được ban cho những ai ăn và uống máu Con Người (cc 48-59).

Thánh Thể và Thập Giá

Thánh Thể lần đầu tiên được loan báo đã khiến cho các môn đệ chia rẽ; một số người đã vấp phạm. Họ nói: "Lời này chói tai quá, ai mà nghe được?" (Ga 6,60). Thập Giá khi được loan báo cũng gây nên phản ứng tương tự đến nỗi Phêrô đã bị Chúa quở trách nặng lời: "Satan, lui lại đàng sau Thầy! Anh cản lối Thầy, vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người" (Mt 16,23). Thánh Thể và Thập Giá đều tiếp tục gây vấp phạm: "Cả anh em nữa, anh em cũng muốn bỏ đi hay sao?" (Ga 6,67). Câu hỏi này của Chúa còn vang dội qua các thời đại mời gọi người ta không ngừng khám phá ra Ðấng duy nhất có lời ban sự sống đời đời (c.68). Ðón nhận quà tặng Thánh Thể trong niềm tin là đón nhận chính Ðấng ban cho ta sự sống bất tận.

Một số câu hỏi gợi ý

1. Nếu trong Thánh Lễ Chúa Nhật mới rồi mà bạn tham dự có xuất hiện hai người lính cầm võ khí trong tay lên tiếng nói với cộng đoàn dự lễ: "Ai không bỏ đạo sẽ bị bắn tại chỗ; ai bỏ đạo đứng sang bên phải", bạn nghĩ bao nhiêu người dự lễ đứng sang bên phải? Chính bạn chọn lựa như thế nào? Hay bạn có ý kiến riêng nói với hai người lính trong câu chuyện?

2. So sánh Thánh Thể và Thập Giá Chúa Giêsu, bạn thấy có điều gì phải nói về xì căng đan mà Ngài từng gây nên cho các môn đệ? Làm thế nào để không bị chói tai (Ga 6,60)?


Back to Vietnamese Missionaries in Taiwan Home Page