Tìm hiểu và chia sẻ
đời sống Tin Mừng

Linh Mục Augustine, SJ. phụ trách

Prepared for internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan


Ngày 30 tháng 05 năm 1999
Chúa Nhật IX Quanh Năm A
Kính Chúa Ba Ngôi

Ðọc Tin Mừng Ga 3,16-18

Gợi ý để sống và chia sẻ Tin Mừng

Tìm Trẻ Ðường Phố Như Tìm Những Ðứa Con

Tại thành phố Paris của nước Pháp, mỗi đêm người ta thấy một người ngồi xe lăn đi tìm những đứa trẻ đường phố như tìm những đứa con của mình ngay ở những nơi ăn chơi nổi tiếng.

Ông Ðỗ An Vệ (Joel Weiss) năm nay 62 tuổi nói: "Tôi không phải là thám tử, cũng không phải là một vị thánh." Nhưng điều khiến mọi người phải lấy làm lạ là ông đã trải qua 40 năm tìm đủ cách để cứu rất nhiều thanh thiếu niên thoát ra khỏi cạm bẫy của mại dâm, ma tuý và SIDA (AIDS).

Họ Ðỗ kể về cuộc đời ông như sau. Tháng 2, 1942 quân Ðức Quốc Xã chiếm Paris xuất hiện tại trường Sanh Tân (Chaptal) gần nhà ga Sanh La Da (Saint Lazare). Chúng tìm bắt cậu bé 9 tuổi người Do Thái để uy hiếp cha cậu. Vị hiệu trưởng yêu cầu bọn lính chờ ở văn phòng trong khi một thầy giáo đến lớp bảo bé Ðỗ An trốn đi. "Nếu thầy giáo không cứu tôi, tôi không sống đến ngày hôm nay. Ðó là món nợ mà tôi phải trả."

Ðỗ An đã tham gia kháng chiến chống Phát Xít lúc 12 tuổi. Cậu làm liên lạc viên và nhận điện đài. Khi thủ đô Paris được giải phóng, cậu tiếp tục việc học. Tới tuổi 24 cậu làm việc cho tòa án thiếu niên và trở nên người rất rành khu vực "đèn đỏ" của Paris, nơi hoạt động của những băng đảng khét tiếng. Phương pháp giáo dục của ông Ðỗ An ngồi xe lăn rất đặc biệt. Ông nói: "Tôi muốn lũ trẻ chứng kiến tận mắt cuộc đời tội phạm kết thúc như thế nào. Tôi đưa chúng đến khu Bạch Tiên (Batignolles) để gặp những tay anh chị từng ở tù 20-30 năm. Những người này giờ đây về già sống lây lất và là nạn nhân của tật nghiện rượu, ma tuý."

Ngược lại chúng cũng được thấy những đứa trẻ mà ông Ðỗ An giúp đỡ nay trở thành luật sư, bác sĩ hay ít ra cũng là những người bình thường, có công ăn việc làm và một mái ấm. Trong số này có cả nhạc sĩ Rock nổi tiếng Hà Linh Ðễ (Johnny Halliday). Cả nước Pháp ngưỡng mộ việc làm của ông Ðỗ An trong vụ cứu cậu Thiên Ân (Thierry) - một cậu bé 14 tuổi bị mất tích. Suốt 6 tháng tìm kiếm, cảnh sát vẫn không thấy tăm hơi cậu bé này. Ông Ðỗ An đã tìm thấy Thiên Ân khi em đang làm nghề mại dâm để đổi lấy ma túy. Suốt tuần lễ đó hơn 100 nhà báo đã bám sát ông. Riêng ông cũng đã từng viết 18 cuốn sách, trong đó có cuốn Những Ðứa Trẻ Ðược Cứu bán khá chạy.

Ở tuổi 62, ông vẫn không ngừng việc thiện đã bắt đầu từ 40 năm về trước. Cứ sau 9 giờ tối, ông Ðỗ An lại lên đường với chiếc xe lăn bởi ông mắc một căn bệnh về xương khiến ông không thể đi bộ xa hơn 200 m. Ông nói hằng năm có khoảng 100,000 trẻ em Pháp dưới 18 tuổi bỏ nhà ra đi. Mỗi ngày ông nhận được những lá thư cầu cứu của các bậc phụ huynh. Tay xốc chồng hồ sơ kèm theo những tấm ảnh, ông Ðỗ An nói: "Một thế giới đầy cặm bẫy đang chực chờ bọn trẻ không mái ấm gia đình."

Câu chuyện ông Ðỗ An có giúp ta mừng Lễ Chúa Ba Ngôi chăng? Câu Tin Mừng của Gioan "Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi ban Con Một để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời" (c.16), câu ấy nói với người thời nay điều gì khi họ thán phục những con người như ông Ðỗ An?

Ai ở trong Ðức Kitô cũng đều là những tạo vật mới

Ta biết sách Tin Mừng của Gioan được chép nhằm giúp độc giả tin rằng Ðức Giêsu là Ðấng Kitô, Con Thiên Chúa, và để tin mà được sống nhờ Danh Người (Ga 20,31). Riêng bài Tin Mừng hôm nay nằm trong những chương 2,1-4,42 bàn về cái mới mà Ðức Giêsu mang đến cho thế giới. Sứ điệp cơ bản mà những chương sách này muốn nói là "Phàm ai ở trong Ðức Kitô đều là thọ tạo mới. Cái cũ đã qua, và cái mới đã có đây rồi" (2C 5,17). Tại tiệc cưới Cana, rượu cũ của Cựu Ước đã được thay thế bằng rượu mới là Tin Mừng của Ðức Giêsu. Trong biến cố thanh lọc Ðền Thờ, Ðức Giêsu cho biết chính Người sẽ trở nên Ðền Thờ khi Người chỗi dậy từ cõi chết (2,19). Trong thực tế Ðền Thờ Giêrusalem đã bị quân đội tướng Titô của Roma phá hủy năm 70 sau Công nguyên. Thật là điều an ủi cho người Do Thái chịu phép Rửa được biết Ðức Giêsu Phục Sinh đã thay thế Ðền Thánh Giêrusalem. Ðền Thờ mới này sẽ không còn bao giờ bị quân đội nào phá hủy nữa. Trong trình thuật người phụ nữ Samari (4,1-42), Ðức Giêsu còn cho thấy chính Người là suối vọt tới sự sống đời đời (c.14). Nơi Người, các tín hữu có thể thờ phượng Thiên Chúa trong Thần Khí và trong Sự Thật (c.24)

Cái mới do Ba Ngôi Thiên Chúa

Riêng cái mới Chúa Giêsu mang lại liên quan tới bài Tin Mừng hôm nay là cái mới từ cuộc sinh lại Chúa Giêsu khẳng định với ông Nicôđêmô rằng "Thật tôi bảo thật ông: không ai có thể thấy Nước Thiên Chúa, nếu không được sinh lại bởi ơn trên." (Ga 3,3). Ông Nicôđêmô đã hiểu cuộc sinh lại Ðức Giêsu đề cập như một cuộc trở lại vào lòng mẹ lần thứ hai để sinh ra một lần nữa (c.4). Nhưng Ðức Giêsu nói rõ ý của Người rằng "điều gì mà bởi Thần Khí sinh ra thì là Thần Khí" (c.6); ý ấy cũng tương đương với điều được loan báo cho ông Giuse là "Ðiều được sinh ra nơi bà Maria là do Chúa Thánh Thần" (Mt 1,20). Vậy cuộc sinh ra như vậy phải do ơn trên, không thể do xác thịt được (c.6). Cái mới do Chúa Giêsu mang lại là Người cho các tín hữu được sinh lại do ơn trên, tức do Chúa Thánh Thần, qua bí tích Thánh Tẩy.

Tín hữu lãnh Phép Thánh Tẩy "nhân danh" Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Không nhân danh nhiều Thiên Chúa vì chỉ có một Thiên Chúa, Chúa Cha toàn năng, Chúa Con duy nhất và Chúa Thánh Thần: Ðó là Ba Ngôi rất thánh.

Bài Tin Mừng hôm nay nói lên một tình yêu vô cùng lớn lao do Ba Ngôi Thiên Chúa dành cho loài người: Ngôi Cha và Ngôi Con được nói rõ ở đây. Ngôi Ba là Chúa Thánh Thần được hiểu ngầm là Ðấng áp dụng công trình cứu nhân độ thế do Chúa Cha lên kế hoạch và Chúa Con thực hiện.

Kế hoạch nào? Kế hoạch của tình yêu: Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một (c.16). Và Chúa Con thực hiện kế hoạch đó như thế nào? "Như ông Môsê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy để ai tin vào Người thì được sống muôn đời." (cc.14-15) Ðức Giêsu có ý nói về cách Người sẽ thực hiện tình yêu cứu độ đối với loài người. Xưa trong cuộc hành trình qua sa mạc, dân Ít-ra-en mất kiên nhẫn nên đã than trách Thiên Chúa và vị đại diện Chúa là ông Môsê. Họ đã bị rắn độc cắn khiến nhiều người phải chết. Ông Môsê đã đứng ra khẩn cầu cho dân nên Thiên Chúa đã dạy ông làm một con rắn bằng đồng và treo lên một cây cột. "Hễ ai bị rắn cắn mà nhìn lên con rắn đồng, thì được sống" (Ds 21,9).

Ðức Giêsu là Môsê mới của dân mới của Thiên Chúa. Người không những khẩn cầu cho dân; chính Người tự nguyện nộp mình cho người ta bắt đem đi đóng đinh trên thập giá (Ga 18,5-8; 19,18). Lời chót của Ðức Giêsu khi tắt thở là: "Mọi sự đã hoàn tất" (Ga 19,30). Ðó là lúc Người gục đầu xuống để trao Thần Khí (c.30).

Con đường Ðức Giêsu đã đi

Ðiều rất có ý nghĩa trong Tin Mừng Gioan là màn Ðức Giêsu bị lưỡi đòng đâm thâu trên thập giá: một người lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn Người; tức thì máu cùng nước chảy ra (Ga 19,34). Và tác giả Gioan trưng Kinh Thánh cho thấy "Họ sẽ nhìn lên Ðấng họ đã đâm thâu qua" (Ga 19,37). Như xưa trong sa mạc tội nhân cần nhìn lên rắn đồng để khỏi chết thì nay loài ngưới cũng cần nhìn lên Ðấng chịu đóng đinh trên thập gía để được cứu. Chính trên thập giá kế hoạch tình yêu do Chúa Cha phác họa và Chúa Con thực hiện, thì Thánh Thần sẽ là Ðấng chuyển động lòng người cho họ được hoán cải, hầu bước đi trên con đường Ðức Giêsu đã đi, đó là con đường tình yêu.

Tình người đối chiếu với tình Chúa

Nhưng ta có thể nói gì về mối tình của ông Ðỗ An ngồi xe lăn đi tìm những đứa trẻ đường phố như tìm những đứa con của mình? Mối tình ấy có xa lạ với tình yêu mà Ba Ngôi Thiên Chúa dành cho loài người chăng? Hãy nghe Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo nói về vấn đề này.

"Khi trình bày Thiên Chúa với danh hiệu CHA, ngôn từ đức tin chính yếu đề cập hai khía cạnh: Thiên Chúa là nguồn gốc đệ nhất của muôn vật và là quyền bính siêu việt, đồng thời Ngài cũng tốt lành, ân cần yêu thương mọi con cái. Tình phụ tử dịu ngọt của Thiên Chúa cũng được diễn tả bằng hình ảnh tình mẹ. Hình ảnh này còn làm nổi bật Thiên Chúa nội tại và tình thân ái của Thiên Chúa đối với thụ tạo. Như thế, ngôn từ đức tin thấm nhuần trong kinh nghiệm về tình phụ mẫu tử. Cách nào đó cả cha và mẹ đều là đại diện trước tiên của Thiên Chúa đối với con người. Kinh nghiệm cũng cho thấy cha mẹ trần gian có thể lầm lẫn và bóp méo khuôn mặt cha mẹ. Chúng ta nên nhắc lại: Thiên Chúa vượt trên phân biệt phái tính người. Ngài không là nam, không là nữ; Ngài là Thiên Chúa. Ngài là luôn siêu việt trên tình phụ mẫu của con người. Ngài đúng là nguồn gốc và là thước đo về tình phụ mẫu: không ai là cha như Thiên Chúa là Cha" (số 239).

Một số câu hỏi gợi ý

1. Bạn nghĩ mối tình ông Ðỗ An dành cho những đứa trẻ đường phố suốt 40 năm qua có xa lạ với mối tình Ba Ngôi Thiên Chúa dành cho loài người chăng? Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo nói gì khi so sánh tình yêu Thiên Chúa và tình phụ mẫu tử?

2. Bạn hãy so sánh sự việc người Do Thái xưa bị rắn cắn nhìn lên rắn đồng thì được khỏi, với việc loài người ngày nay bị tội lỗi đả thương nhìn lên Ðức Giêsu chịu chết trên thập gía thì được cứu. Bạn có nhận ra điều gì khác biệt giữa hai sự việc đó chăng? Chính bạn nghiệm thấy điều gì nơi nội tâm mỗi khi làm việc sám hối để lãnh nhận bí tích hòa giải?


Back to Vietnamese Missionaries in Taiwan Home Page