Huấn Ðức của ÐTC
trong buổi tiếp kiến chung
các đoàn hành hương
ngày thứ Tư 19.05.99

Prepared for internet by Msgr. Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines

Huấn Ðức của ÐTC trong buổi tiếp kiến chung hàng tuần thứ Tư 19.05.99.

Tham dự buổi tiếp kiến chung thứ Tư 19.05.99 tại Quảng Trường Thánh Phêrô có khoảng 16 ngàn người đến từ các nước khác nhau trên thế giới, trong số các đoàn hành hương này có 4 đoàn Việt Nam đến từ Hoa Kỳ. Nước Ý vẫn chiếm đa số, sau đó đến đoàn Ba Lan gồm 2,500 người.

Nhân có sự hiện diện của 120 vị thuộc Hội Ðồng phòng thủ của tổ chức NATO và của 2,500 người đồng hương Ba Lan đến Roma để kỷ niệm 55 năm "trận đánh đáng ghi nhớ tại Montecassino" (nơi đây có rất nhiều binh sĩ Ba Lan tử trận trong đệ nhị thế chiến), ÐTC nói về hòa bình và nhấn mạnh cách riêng đến "Việc khẩn cấp đem lại hòa bình trong miền Balcan qua việc đối thoại và điều đình, cả trong trường hợp của một chiến tranh vì lý do chính đáng".

Ngỏ lời riêng với 120 vị thuộc Hội Ðồng phòng thủ của NATO, trong khi xác nhận vai trò của Tổ Chức này trong phục vụ hòa bình, ÐTC nói: Tiếc thay, ngày nay miền Balcan không có hòa bình và chúng ta hết thảy, hằng ngày, là những chứng nhân về các sự đau khổ lớn lao của biết bao anh chị em chúng ta. Tôi mời gọi anh chị em hãy luôn luôn ý thức về sự cần thiết này là mỗi một người hãy hoạt động để bảo đảm rằng cuộc đối thoại và điều đình đem lại thành công trong việc chấm dứt các bạo hành trong miền miền này".

Trong phần chào thăm 2,500 người đồng hương Ba Lan, do Ðức Hồng Y Jozef Glemp Tổng Giám Mục Warsawa, hướng dẫn, ÐTC nhắc lại việc các binh sĩ đã tham dự trận đánh tại Montecassino, "trận đánh này được ghi vào lịch sử Ba Lan và Châu Âu đến muôn đời". Lúc đó khoảng một ngàn binh sĩ Ba Lan, do tướng Anders chỉ huy, ngã gục trên trận địa. ÐTC nói: "Ðiều này đã tỏ cho thấy giá trị lòng yêu mến Quê Hương và ước muốn chiếm lại quyền tự do đã bị mất lớn lao như thế nào". ÐTC nói thêm với giọng hùng hồn: "Binh sĩ Ba Lan chiến đấu cho một lý do chính đáng: lý do này là quyền sống còn của một quốc gia, quyền độc lập, quyền sống những thành tín và những truyền thống tôn giáo riêng của mình, chủ quyền Ðất Nước... đã không bao giờ và sẽ không khi nào mất đi được". ÐTC kết thúc: "Việc nhớ đến trận đánh này nơi các thế hệ hiện tại và tương lai phải tồn tại mãi mãi. Trận đánh này đối với chúng ta là một thách đố lớn lao trên con đường của việc thiết lập đời sống xã hội trong thực tại mới".

Trong bài huấn đức, ÐTC tiếp tục khai triển đề tài "Cuộc đối thoại với các tôn giáo lớn trên thế giới". ÐTC đã nói như sau:

"Trong diễn văn đọc trước Diễn Ðàn tại Athènes, Thánh Phaolô giải thích cho các thính giả của ngài rằng: ngài đánh giá cao tâm tình tôn giáo của họ, và chính bản thân tôi đã không ngừng nhắc lại sự tôn trọng của Giáo Hội Công Giáo đối với những cái gì chân thực và thánh thiêng trong các tôn giáo khác nhau. Tình Cha Chung của Thiên Chúa được biểu lộ bởi Chúa Kitô, thúc đẩy chúng ta đối thoại với tất cả các tôn giáo, bằng cách phân biệt những gì trong mỗi một tôn giáo, tạo nên mối liên hệ với Mầu Nhiệm của Chúa Cứu Thế. Việc đối thoại này đòi hỏi rằng: con người, được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa, cũng là nơi đặc biệt của sự hiện diện cứu rỗi của Người. Lời cầu nguyện chân thành, công nhận Thiên Chúa và tôn thờ Người, là phương thế riêng của việc gặp gỡ với Người".

ÐTC nói tiếp: Việc đối thoại của các tín hữu Kitô với các tôn giáo mặc những hình thức khác nhau. Trước hết, có cuộc đối thoại của đời sống: đây là một sự cởi mở và một việc đón tiếp mọi người. Cuộc đối thoại của các việc làm được thực hiện bởi việc giáo dục về hòa bình và về tình liên đới, và cũng bởi việc cổ võ công bình xã hội và phát triển các dân tộc. Nhờ vào các nhà chuyên môn, cuộc đối thoại thần học cho chúng ta đào sâu sự hiểu biết về các gia tài tôn giáo khác nhau và cho chúng biết đánh giá các giá trị thiêng liêng. Các cuộc gặp gỡ thần học không thể chỉ là việc tìm kiếm đơn giản về một yếu tố nhỏ bé chung với nhau, nhưng phải là một phục vụ can đảm của chân lý. Cuộc đối thoại của các kinh nghiệm tôn giáo mời gọi các tín hữu tiến đến việc chiêm ngưỡng, để đi sâu mỗi ngày mỗi thêm mãi vào Mầu Nhiệm Thiên Chúa. Việc phân biệt không ngăn trở cuộc đối thoại liên tôn, nhưng nó giúp tránh khỏi sa ngã vào thuyết tương đối".

ÐTC lược tóm bài giáo lý bằng các tiếng: Pháp, Anh, Ðức, Tây Ban Nha, Bồ Ðào Nha và Ba Lan. Rồi ngài chào thăm một số nhóm đặc biệt. Hai nhóm nổi bật hơn cả: 120 thành viên của Hội Ðồng Phòng Thủ NATO và 2,500 người Ba Lan, chúng tôi đã nhắc đến trong phần mở đầu bài nói chuyện này.

Chào đoàn hành hương Lituani, ÐTC nói: Trong năm cuối cùng của việc chuẩn bị Ðại Toàn Xá tôi khuyến khích anh chị em tiếp tục cách trung thành lộ trình thiêng liêng của anh chị em, bằng việc tìm kiếm Chúa Kitô và Chân Lý của Người trong bối cảnh của cuộc sống hằng ngày.

Với đoàn hành hương Hòa Lan, ÐTC nói đến việc chuẩn bị mừng Lễ Hiện Xuống: Trong những ngày này Giáo Hội làm tuần chín ngày kính Chúa Thánh Thần để chuẩn bị lễ trọng Hiện Xuống. Tôi cầu chúc anh chị em: Ước gì Tuần chín ngày này làm cho anh chị em ý thức hơn về hành động của Chúa Thánh Thần, ơn ban của Chúa Cha, trong đời sống Giáo Hội.

Chào thăm giới trẻ, các bệnh nhân và các đôi tân hôn, ÐTC cũng nhắc đến Tuần Chín Ngày kính Chúa Thánh Thần: Chúng ta đang trong Tuần Chín Ngày kính Chúa Thánh Thần. Cha mời gọi các con, các thanh niên thân mến, hãy trở nên ngoan ngoãn với hành động của Chúa Thánh Thần, được ban cho các tín hữu trong Bí Tích Rửa Tội và Thêm Sức. Cha khuyên anh chị em, các bệnh nhân thân mến, hãy đón nhận Ðấng An Ủi, để Người giúp đỡ anh chị em trong các khó khăn và giúp anh chị em biến đổi đau khổ thành của lễ đẹp lòng Chúa, để mưu ích cho các anh chị em khác. Cha cầu chúc cho các con, các đôi tân hôn thân mến, ước gì đời sống của gia đình các con luôn luôn được nuôi dưỡng bằng lửa của Chúa Thánh Thần: lửa này là Tình Yêu của chính Thiên Chúa".

Buổi tiếp kiến kết thúc lúc 11:30 bằng hát Kinh Regina Caeli và Phép Lành của ÐTC và các Giám Mục hiện diện.


Back to Radio Veritas Asia Home Page