Tìm hiểu và chia sẻ
đời sống Tin Mừng

Linh Mục Augustine, SJ. phụ trách

Prepared for internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan


Ngày 04 tháng 04 năm 1999
Chúa Nhật Phục Sinh Năm A, B, C

Ðọc Tin Mừng Ga 20,1-9

Gợi ý để sống và chia sẻ Tin Mừng

Hơn 18 thế kỷ sau biến cố Chết và Phục Sinh của Chúa Giêsu, Cha Ðỗ Ðình Bộ (Dourisboure), một vị thừa sai Ba Lê kể về cuộc hành trình để rửa tội cho ba người dân tộc Bana ở vùng Cao Nguyên Việt Nam như sau:

Những Cuộc Chạy Maratông Vì Ơn Tái Sinh

"Một năm trước cuộc xâm lăng của bệnh dịch đậu mùa, một gia đình ở Kôn Kơ Xâm có chuyện xích mích nặng với láng giềng và do đó, đã bỏ làng đến lưu cư tại Tơ Leh, một làng ở cách xa độ mười cây số về phía Ðông Nam. Gia đình này gồm bảy người, người anh trai và cô em gái đã có Ðạo; ba người khác đã theo học giáo lý được ít lâu và đã thuộc một phần kinh nguyện. Tôi cố sức cầm giữ gia đình ở lại nhưng không được. Ấy vậy, bệnh dịch cũng đã không kiêng nể gì Tơ Leh hơn các làng khác, và cả ba dự tòng nói trên, tức là người anh cả của hai tân tòng, vợ và con trai của anh chừng mười lăm tuổi, đều mắc bệnh cùng lúc. Khi ba người khốn khổ này thấy mình lâm nguy liền nói: "Ôi chớ chi chúng tôi được chịu Phép Rửa!" Người em trai có Ðạo trả lời: "Anh chị muốn tôi đi mời Cha đến không ?" -"Thật chúng tao muốn lắm, nhưng không biết Cha có chịu đến trong tình trạng chúng tao như thế này hay không ?" -"Ô ! Cha sẽ vui mừng đến ngay, chớ thì ở Kôn Kơ Xâm không phải suốt ngày Cha ở với người bệnh hay sao?" -"Vậy thì mày hãy chạy cho mau, và nói với Cha rằng chúng tao sợ chết mà không được chịu Phép Rửa, nghe chưa ?"

Một giờ sau, anh thanh niên này đến nhà tôi ướt đẫm mồ hôi và thở hổn hển gần đứt hơi. Lúc đó vào khoảng đúng ngọ. Suốt đêm qua, tôi đã bị cơn sốt hành hạ và cơn mỏi mệt tiếp theo còn giữ chặt tôi trên chiếu nằm. Chúng tôi đang ở vào giữa mùa mưa. Nước sông dâng cao khiến việc di chuyển thành ngại ngùng. Hơn nữa chiều nay lúc mặt trời lặn cơn sốt bình thường sẽ trở lại với tôi. Nhưng nghe nói ba bệnh nhân này gọi tôi cứu giúp thì ý nghĩ mang ơn cứu độ đến cho những linh hồn yêu quý này, đã làm tôi mừng rỡ khôn cùng. Tôi đã chỗi dậy lập tức. Ðể đi từ Kôn Kơ Xâm đến Tơ Leh, trước hết phải đi dọc theo giòng sông Dak Bla chừng nửa tiếng đồng hồ. Còn nửa đường phải đi sông, vì không có lối đi bộ. Hai anh em người kinh tháp tùng tôi và chèo sông cho tôi đến nơi. Khi lên bờ, tôi đã căn dặn hai anh em này là chiều sẽ chèo sông đến nơi này để đón tôi, làm sao để tôi về nhà kịp trước cữ sốt rét của tôi. Thế rồi tôi cuốc bộ theo anh thanh niên Công Giáo Tơ leh của tôi.

Khi tôi vào trong nhà các bệnh nhân, một mùi hôi thối khủng khiếp xông lên từ những thân người đã biến dạng, làm tôi suýt ngất xỉu, mặc dầu tôi đã quen với nhiều trường hợp như vậy rồi. Nhưng niềm vui của các người bệnh này khi trông thấy tôi, đã khiến tôi hồi sức lại phần nào. Tôi đã ở lại đó hơn hai giờ với họ. Tôi đã giảng dạy cho họ, đã giúp họ minh chứng đức tin, cậy, mến, lòng sám hối và tuân phục theo Thánh Ý Chúa một cách sốt sắng. Cuối cùng tôi đã làm cho họ trở nên con cái Thiên Chúa bằng cách dội nước tái sinh trên đầu họ. Nhất là người mẹ và đứa con trai, đã biểu lộ lòng sùng mến lạ lùng: "Bây giờ - người mẹ nói với tôi - con xin chết bình an. Con không còn ước muốn gì ở trần gian này nữa." Hạnh phúc thay chị tân tòng! Chị đã tắt hơi vào đêm sau, và nếu vài giờ sau xác của chị chỉ còn là một đống thịt thối thì linh hồn tốt đẹp của chị đã vào Nước Trời với tất cả vinh quang của sự trong trắng mà phép Thánh Tẩy đã đem lại cho chị. Người chồng thì sống sót và sau khi lành mạnh hẳn, đã không quên ân huệ của Thiên Chúa, anh đã bỏ gia đình đến ở với tôi. Hiện anh là một giáo dân tốt." (P. Dourisboure, Dân làng Hồ, Sàigòn 1972, trg 184-186)

Hình ảnh người em trai đi tìm Linh Mục rửa tội cho anh mình thật dễ thương ! Không những người anh nhưng cả người vợ và đứa con trai của họ cũng đã được chịu Phép Rửa. Quả thật cuộc chạy maratông của người em trai này đã đạt kết quả mỹ mãn, anh đã không chết vì kiệt sức như nhân vật chạy maratông xưa. Ðó là vào năm 490 trước công nguyên, khi tướng Hy Lạp Minh Thế Ðính (Miltiade) thắng quân Ba Tư tại làng Maratông. Ông đã phái người chạy 40 cây số để loan tin chiến thắng cho thủ đô Hy Lạp. Người này vừa tới nơi đã tắt thở vì kiệt sức nhưng đã trở nên biểu tượng cho mọi cuộc chay đua đường trường trong các cuộc thi đua thể dục thể thao trên thế giới.

Những Cuộc Chạy Maratông Vì Chúa Phục Sinh

Bài Tin Mừng hôm nay cũng cho thấy những cuộc chạy Maratông: Trước hết là cô Mai đệ Liên, kế đến là hai môn đệ của Ðức Giêsu, tức hai ông Gioan và Phêrô. Thử hỏi động lực nào khiến họ chạy tới tấp? Họ có tin chiến thắng nào để loan đi cho thế giới chăng?

Quả thật, với tác giả của sách Tin Mừng thứ tư, chính cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá là một cuộc chiến thắng vĩ đại. Một đàng, Người trở nên như con rắn bằng đồng mà Môsê cho treo lên cây cột nơi sa mạc, để ai bị rắn cắn mà nhìn lên rắn đồng đó liền được chữa lành (Ds 21,4-9). Ðàng khác, chính Chúa Giêsu khi tự nguyện chịu chết trên thập giá, lại trở nên dấu chỉ cho cuộc chiến thắng do chính tình yêu của Thiên Chúa Cha: "Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời." (Ga 3,16).

Nhưng Chúa Giêsu không cứu ta rồi để ta ở yên tại chỗ. Người cứu ta bằng cách lôi kéo ta về với Người. Chính Người cũng được Chúa Cha lôi kéo về với Cha. Cho nên cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá là một cuộc giương lên cao khỏi mặt đất và là cuộc vinh thăng ảnh hưởng tới định mạng của toàn nhân loại: "Một khi được giương lên cao khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi." (Ga 12, 32).

Vậy Chúa Giêsu phục sinh là Người dùng cái chết thập giá của Người mà lôi kéo mọi người lên cùng Cha. Không ai được thu hút lên cùng Cha mà không kinh qua cái chết thập giá của Chúa Giêsu. Không ai được tháp vào sự chết của Chúa Giêsu mà lại không ảnh hưởng tới người bên cạnh. Trọn cuộc vinh thăng của Chúa Giêsu Phục Sinh với trọn nhân loại được Người cứu, đều liên đới với nhau trong cuộc vinh thăng đó, mà đích điểm là chính Thiên Ðàng nơi lòng Chúa Cha.

Tin Mừng của Gioan cho thấy những người được Chúa Giêsu cứu liên đới với nhau thế nào ở điểm khởi xuất của niềm tin, kể cả trường hợp cứng tin của Tôma. Vậy Tin Mừng của Gioan, chương 20 gồm bốn hồi: "Cuộc chạy đi tìm dấu chỉ về Ðấng Phục Sinh" (Ga 20,1-10); "Chúa hiện ra với Mai Ðệ Liên" (cc 11-18); "Chúa hiện ra với các môn đệ" (cc 19-23); "Chúa hiện ra với Tôma" (cc24-29).

Các Nhóm Chia Sẻ Lời Chúa Thấy Hình Ảnh Của Mình

Vậy ở đây ta thấy hình ảnh của Giáo Hội sơ khai đi tìm dấu chỉ về Chúa Phục Sinh. Giáo Hội ấy gồm những người như Mai đệ Liên, Phêrô và Gioan. Ðó là những con người khác nhau không ít về tính khí cũng như về não trạng, không ai như ai, nhưng mọi người đều bổ túc cho nhau trong cuộc hành trình đi tìm Chúa Phục Sinh. Nếu như Mai đệ Liên đã không tới mộ sáng sớm để thấy mộ trống, rồi về loan tin ấy cho các tông đồ, Giáo Hội sẽ im lìm. Giáo Hội ấy chưa có sự sống. Nhưng giữa những cuộc chạy Maratông mà chưa có phản ứng đức tin của Gioan (c.8), Giáo Hội vẫn chưa thực sự là Giáo Hội vì chưa sống bằng đức tin, một đức tin thấm nhuần Lời Chúa dậy dỗ và huấn luyện con người.

Vậy bài Tin Mừng hôm nay cho các nhóm chia sẻ Lời Chúa thấy rõ hình ảnh của chính mình là Giáo Hội đi tìm dấu chỉ về Chúa Phục Sinh. Mọi người cần bổ túc cho nhau. Nhưng điều cần thiết hơn cả là chính Lời Thiên Chúa hướng dẫn từng người và mọi người trên đường tìm những dấu chỉ về Chúa Phục Sinh.

Một số câu hỏi gợi ý

1. Sự sống của Giáo Hội được tác động do đức tin và đức ái. Bạn nhận xét như thế nào về đức tin và đức ái nơi những nhân vật sau đây. Cô Mai đệ Liên nói "Người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ; và chúng tôi chẳng biết họ để Người ở đâu ?" (c.2): cô đã tin vào Chúa Giêsu Phục Sinh chưa? Môn đệ Gioan "đã thấy và đã tin" (c.8): ông đã thấy gì và đã tin như thế nào?

2. Hãy so sánh đức tin và đức ái nơi những nhân vật sau đây trong câu chuyện gợi ý nói trên: Cha Ðỗ Ðình Bộ; Chàng thanh niên Bana nói "Anh chị muốn tôi đi mời Cha đến không?"; Người mẹ biểu lộ lòng sùng mến lạ lùng khi nói "Bây giờ con không còn ước muốn gì ở trần gian này nữa"; Và người chồng sống sót bỏ gia đình đến ở với Cha Bộ?


Back to Vietnamese Missionaries in Taiwan Home Page