Tìm hiểu và chia sẻ
đời sống Tin Mừng

Linh Mục Augustine, SJ. phụ trách

Prepared for internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan


Ngày 21 tháng 02 năm 1999
Chúa Nhật 1 Mùa Chay Năm A

Ðọc Tin Mừng Mt 4,1-11

Gợi ý để sống và chia sẻ Tin Mừng

Bị cám dỗ

Chúng ta thường ít khi nói ra các cơn cám dỗ của mình, bởi lẽ thú nhận mình bị cám dỗ cũng là thú nhận mình yếu đuối mong manh. Thật ra làm người ai lại chẳng có lần bị cám dỗ gay gắt. Nếu đời người là một chuỗi những lựa chọn và quyết định, thì đời người cũng là một chuỗi những cám dỗ, thử thách, giằng co. Chúng ta còn ở trong Giáo Hội "chiến đấu" mãi cho tới ngày nhắm mắt, như thế chúng ta cần coi cám dỗ như một phần của đời mình, một phần nằm trong ý định của Thiên Chúa. Tôi bị cám dỗ vì tôi có tự do chọn lựa: chọn giữa cái tốt và cái xấu, chọn cái tốt hơn giữa những cái tốt, chọn cách tốt hơn để làm một điều tốt… Cám dỗ là hoàn cảnh để tự do của tôi khẳng định chính mình. Cám dỗ có thể đưa đến sa ngã, nhưng nếu vượt qua được cơn cám dỗ, con người lại trở nên trưởng thành, cứng cáp và triển nở trong tình yêu. Thiên Chúa muốn chúng ta cộng tác với Ngài trong việc hình thành nhân cách của chính mình, qua việc chiến thắng các cơn cám dỗ vẫn xảy ra, âm ỉ kéo dài hay bất ngờ quyết liệt.

Cám dỗ có thể do các yếu tố bên ngoài. Xatan và thế gian là hai tác nhân thường được nhắc đến. Con người thời nay ít tin vào Xatan, coi đó là một tưởng tượng ấu trĩ của những kẻ chết nhát. Thế nhưng sự dữ vẫn hoành hành khắp nơi như một mãnh lực kinh khủng. Ðây không phải là một thứ mãnh lực mù quáng, nhưng là sức mạnh của những kẻ thù của Thiên Chúa, không ngớt tìm cách thống trị thế giới và đưa con người đến chỗ chống lại Thiên Chúa. Cuộc chiến với Xatan còn tiếp diễn cho đến ngày tận thế, ngày toàn thắng của Chúa Giêsu.

Thế gian vẫn thường cám dỗ chúng ta xa Chúa. Thế gian là thế giới đã trở nên thù nghịch và từ khước Thiên Chúa. Chúng ta không thể sống ngoài thế gian và cũng không được trốn khỏi thế gian ô trọc. Chúng ta được sai đến để sống trong thế gian và biến đổi nó thành thế giới của tình huynh đệ và của Thiên Chúa. Nhưng thế gian vẫn có sức hấp dẫn của nó; nó tôn thờ những giá trị mà tự nhiên ai cũng ham thích như tiền bạc, địa vị, sắc đẹp, tài năng… "Các con không thuộc về thế gian" (Ga 15,19), nghĩa là phải thắng vượt các sức hút của nó như chính Ðức Giêsu đã thắng thế gian (Ga 16,33).

Chúng ta cũng có thể bị cám dỗ bởi chính đam mê dục vọng của bản thân (Ga 1,14). Những thèm muốn lệch lạc và mờ ám, những xây đắp cho cái tôi ích kỉ, khép kín trước Thiên Chúa và tha nhân: những điều ấy lại khiến cho cái tôi đích thực bị hư hỏng và sụp đổ. Nói cho cùng cám dỗ nào từ bên ngoài cũng cần có sự ưng thuận bên trong, mới trở thành một sa ngã thực sự. Chính vì thế ta lại không được phép coi thường kẻ nội thù là chính cái tôi ích kỷ của mình với những khát khao vô độ của nó.

Nếu hiểu cám dỗ là lôi kéo ta phạm tội, thì Thiên Chúa không bao giờ cám dỗ chúng ta. Thánh Giacôbê viết: "Khi bị cám dỗ, đừng ai nói: "Tôi bị Thiên Chúa cám dỗ", vì Thiên Chúa không thể bị cám dỗ làm điều xấu, và chính Người cũng không cám dỗ ai" (Ga 1,13). Tuy Thiên Chúa không đưa chúng ta vào cơn cám dỗ phạm tội, nhưng Ngài có thể thử thách ta. Ðộng từ peirazô trong tiếng Hy lạp vừa có nghiã là thử thách, vừa có nghĩa là cám dỗ. Chúa thử thách ta không phải để làm ta sa ngã, mà là để cho ta có cơ hội bộc lộ sức phấn đấu, lòng quảng đại, sự kiên trì và lòng tin, cậy mến của mình, trong những tình huống khó khăn, thử thách làm ngời sáng tình yêu, làm cho tình yêu trở nên đáng tin hơn.

Chúa Giêsu bị cám dỗ

Bắt đầu bước vào mùa chay, Hội Thánh cho chúng ta chiêm ngắm Ðức Giêsu chịu cám dỗ, và đã chiến thắng. Trước khi chịu cám dỗ, Ngài đã đứng sắp hàng bên cạnh những tội nhân, chờ Gioan làm phép rửa. Ðức Giêsu luôn đồng hành với con người. Mầu nhiệm Nhập Thể là mầu nhiệm của một vị Thiên Chúa mang lấy trọn vẹn cái yếu đuối của phận người. Ðức Giêsu muốn chia sẻ kinh nghiệm bị cám dỗ với chúng ta, để chúng ta thấy mình không cô đơn và bất lực trước cơn cám dỗ.

Ðức Giêsu được Thần Khí dẫn vào hoang địa để chịu cám dỗ. Hoang địa là nơi dân Ít-ra-en đã từng trải qua những cơn cám dỗ trong 40 năm (Ðn l8,2). Nhưng hoang địa cũng là nơi nảy nở mối tình giữa Thiên Chúa và dân của Người: "Này Ta sẽ quyến rũ nó, đưa nó vào hoang địa để cùng nó thổ lộ tâm tình" (Hs 2,16). Sách Tin Mừng chỉ nói Ðức Giêsu ăn chay 40 ngày 40 đêm, nhưng chúng ta có quyền nghĩ rằng Ngài đã chìm đắm trong cầu nguyện. Ðây là cuộc tĩnh tâm quan trọng trước khi Ngài bước vào cuộc đời công khai. Có thể nói trong những ngày trầm lặng một mình, Ðức Giêsu đã thấy hướng đi của cuộc sống tương lai. Khi Ngài chịu phép rửa, Cha đã giới thiệu Ngài là Con yêu dấu, rất đẹp lòng Cha (Mt 4,17). Ðức Giêsu đã gặp gỡ Cha như một người con hiếu thảo trong những ngày ăn chay cầu nguyện tại hoang địa. Chính vì thế chúng ta hiểu được tại sao Ngài có thể dễ dàng chiến thắng các đợt tấn công của quỉ dữ ngay sau đó.

Cám dỗ thứ nhất đánh trúng vào điểm yếu của Ðức Giêsu, đó là cơn đói cồn cào đang hành hạ Ngài. Cơn cám dỗ này mang dáng dấp hiền lành, vô hại, vì nó có vẻ phù hợp với ý Chúa, đó là phải bảo vệ sự sống của bản thân. Giả như Ðức Giêsu đã biến đá thành bánh để ăn cho đỡ đói, thì chúng ta thấy Ngài đâu có lỗi gì. Thế nhưng Ngài đã không nghe lời nói khích của ma quỷ, chính vì Ngài ý thức mình là Con Thiên Chúa, nghĩa là Mêsia, mà Ngài không dùng quyền năng Cha ban để lo cho mình, để tránh khỏi một nguy hiểm đang đe dọa. Sau này khi bị treo trên thập giá, Ngài sẽ còn nghe lại điệp khúc này: "Nếu ông là Con Thiên Chúa thì xuống khỏi thập giá đi." Ðức Giêsu phó thác cho Cha lo liệu. Ngài chẳng bao giờ làm phép lạ cho mình, tuy Ngài sẽ làm cho mấy ngàn người ăn no sau này. Ngài không đòi cho Ngài được hưởng chút đặc ân nào. Ngài cũng chịu đói như mọi người. Dân Ít-ra-en xưa, khi bị đói, đã phàn nàn kêu trách và mất niềm tín thác vào Thiên Chúa (Xh 16). Còn Ðức Giêsu thì chấp nhận điều nghịch thường này, đó là Con Thiên Chúa bị đói.

Trong cơn cám dỗ thứ hai, Xatan dựa vào thánh vịnh 91,11 để mời Ðức Giêsu nhảy xuống từ nóc Ðền Thờ và trông chờ Thiên Chúa làm một phép lạ gìn giữ mình. Ðức Giêsu đã nhận ra đây là sự lạm dụng lòng tốt của Thiên Chúa, bắt Thiên Chúa phải làm phép lạ, như ngày xưa ở Massa, dân Ít-ra-en đã đòi Thiên Chúa cho nước uống (Xh 17,1-7). Cũng có thể hiểu trong cơn cám dỗ này, Xatan muốn Ðức Giêsu bày tỏ chức Mêsia của Ngài qua một hành vi ngoạn mục và công khai, đó là nhảy xuống từ nóc Ðền Thờ. Ðức Giêsu đã không muốn cứu nhân loại bằng cách nhảy xuống, giữa tiếng hoan hô của bao người chứng kiến; Ngài muốn cứu con người bằng cách bị treo trên thập tự, giữa những tiếng nhục mạ cười chê. Ngài là Mêsia vâng phục Thiên Chúa cả trong cách thức cưu độ nhân loại.

Cơn cám dỗ thứ ba khá thô bạo, quỷ khoe là mình có quyền sở hữu tất cả các nước trên thế gian, và nó sẵn sàng chuyển nhượng lại cho Ðức Giêsu tất cả, miễn là Ngài chịu sấp mình bái lạy nó. Ðưa mọi dân tộc về với Cha, đó lại chẳng phải là ước mơ của Ngài sao? Nhưng vấn đề là đưa họ về bằng cách nào. Ðức Giêsu phải là Vua của cả thế giới, nhưng đâu là cách chinh phục của Ngài? Ðức Giêsu đã thẳng thắn từ khước những giải pháp dễ dãi của Xatan. Ngài không thờ lạy Xatan để xây dựng Nước Cha. Ngài không thoả hiệp với một thế lực xấu nào để mong làm vinh danh Cha. "Hãy xéo đi, Xatan": lời từ chối dứt khoát và cương quyết này cho thấy Ðức Giêsu muốn trung tín với Cha như con thảo, muốn đi con đường không mấy dễ dàng mà Ngài đã thoáng thấy. Ít-ra-en đã thờ ngẫu tượng của các nước lân bang, còn Ðức Giêsu vẫn giữ được niềm trung tín vâng phục.

Không hẳn là đã có một con quỷ đến cám dỗ Ðức Giêsu và đưa Ngài đi đây đi đó. Nhưng chắc chắn Ðức Giêsu đã phải đối diện với một sức tấn công từ bên ngoài. Ngài cảm nhận được cuộc chiến đang diễn ra trong lòng mình. Cuối cùng tình yêu đã thắng. Ðức Giêsu chẳng sa vào cạm bẫy tinh vi của Xatan, chỉ vì Ngài sống đến tận cùng tư cách làm Con, luôn làm hài lòng Cha. Khi Ðức Giêsu chỉ muốn "thờ phượng ột mình Thiên Chúa" thì các sứ thần được sai đến để phục vụ Ngài (c.11).

Cám dỗ của chúng ta

Những cơn cám dỗ Ðức Giêsu trải qua cũng là những cơn cám dỗ mà chúng ta và Hội Thánh thường gặp. "Anh em hãy sống tiết độ và tỉnh thức, vì ma quỷ, kẻ thù của anh em, như sư tử gầm thét, rảo quanh tìm mồi cắn xé (1P 5,8-9)". Mùa Chay là thời gian thuận tiện để ta nhìn lại những cơn cám dỗ bản thân mình đã và đang gặp. Mỗi người có yếu đuối riêng, nên mỗi người bị tấn công một kiểu. Hơn nữa, nơi một người, cơn cám dỗ thay đổi tuỳ hoàn cảnh, tuỳ tuổi tác. Chẳng ai không bị cám dỗ, thế nên chúng ta phải thành khẩn nài xin: Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ. Cần tập chiến đấu với cám dỗ nhờ cầu nguyện, ăn chay, hy sinh. Cũng cần tập tránh dịp tội, tập phản ứng quyết liệt như Chúa Giêsu: "Xéo đi, Xatan."

Ước gì cơn cám dỗ làm tôi biết mình yếu đuối, cần Chúa trợ lực. Ước gì tình yêu của tôi đối với Chúa được lớn lên sau mỗi lần chiến thắng.

Một số câu hỏi gợi ý

1. Cuộc sống văn minh cho chúng ta nhiều cám dỗ hấp dẫn hơn. Theo bạn, cám dỗ nào là đáng sợ nhất hiện nay ? Ðâu là tác hại của nó ? (phim ảnh, video, sách báo, karaokê, bia ôm…).

2. Bạn hãy chia sẻ một kinh nghiệm bị cám dỗ mà bạn đã vượt qua được.


Back to Vietnamese Missionaries in Taiwan Home Page