Tìm hiểu và chia sẻ
đời sống Tin Mừng

Linh Mục Augustine, SJ. phụ trách

Prepared for internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan


Ngày 20 tháng 12 năm 1998
Chúa Nhật 4 Mùa Vọng Năm A

Ðọc Tin Mừng Mt 1,18-24

Gợi ý để sống và chia sẻ Tin Mừng

Mù 90% nhưng là quà Chúa ban

Một bà mẹ đã xúc động kể về đứa con của bà như sau:

Con trai tôi nay 13 tuổi và bị mù 90%. Cháu là món quà quí báu Chúa đã ban cho tôi.

Cháu đảm nhận căn bệnh nan y ấy một cách can đảm, đến nỗi tôi phải ngạc nhiên. Cháu chẳng kể chi những khó khăn khi phải học tập hoặc những lời chế nhạo của bạn bè. Cháu nói với tôi: "Mẹ ơi, được rồi. Không sao đâu, đừng lo cho con. Con mù bên ngoài nhưng nhiều người khác lại mù bên trong. Mù bên trong mới là điều tệ hại hơn gấp nhiều lần."

Tôi yêu cháu thắm thiết, tôi cố tìm những thời giờ rảnh trong thời khoá biểu dày đặc của tôi để ở bên cạnh cháu. Tôi đối xử với cháu như một người lớn và không giấu giếm cháu điều gì cả.

Có lần tôi mua cho cháu một món quà đắt tiền, cháu liền la rầy tôi: " Mẹ ơi! Con phải nói với mẹ điều này: đôi khi mẹ cư xử như một cô gái chưa trưởng thành. Mẹ không biết cách tiêu xài tiền bạc!"

Cháu còn khuyên tôi về những vấn đề thiêng liêng, chẳng hạn: "Mẹ ơi! Mẹ cầu nguyện dài dòng như một bà già. Lời cầu xin với Chúa phải thật gọn gàng, đúng trọng tâm, tế nhị và chân thành. Mẹ hãy xác định vấn đề cho rõ trước khi cầu nguyện."

Lần khác tôi bảo cháu: "Minh à, con là món quà giáng sinh mọi ngày trong đời mẹ. Ðược ở bên con ngày nào là được hưởng lễ giáng sinh ngày ấy."

Rồi một ngày kia tôi đã khóc vì sung sướng khi nghe cháu bảo tôi: "Mẹ ơi! Mẹ là người bạn tốt nhất của con."

Hình ảnh bé Minh thật dễ thương. Có biết bao bà mẹ ước ao có được bé Minh làm con để cưng chiều! Nhưng bé Minh là người con có bản lãnh. Chỉ mới 13 tuổi Minh đã trưởng thành đến nỗi mẹ em đối xử với em như người lớn. Bà còn học được nơi con mình cả bài học về cầu nguyện cũng như về xài tiền!

Nổi bật là cây thập giá

Nhưng nổi bật nhất là cây thập giá, tức tình trạng em Minh mù tới 90%. Em đã bình thản lãnh lấy thập giá ấy với lòng quả cảm một cách đáng thán phục! Chính cây thập giá mà bé Minh vui vẻ lãnh lấy khiến em phần nào trở nên giống Ðức Kitô.

Bài Tin Mừng hôm nay cho thấy ngay khi còn trong lòng mẹ, Ðức Kitô đã bắt đầu "vác thập giá" do việc ông Giuse định tâm lià bỏ hai mẹ con là Ðức Maria với thai nhi Giêsu còn trong lòng bà (c.19).

Ðức Kitô không vác thập giá như gánh nặng Người không sao tránh nổi. Người cũng không đảm nhận lấy gánh nặng ấy đơn thuần một mình. Ðiều mà sách Tin Mừng của Gioan nói "Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ," (Ga 3,16-17), thì sách Tin Mừng Matthêu nói cách khác. Có một điệp khúc cứ trở đi trở lại hoài trong Tin Mừng này là "Tất cả sự việc này đã xảy ra là để ứng nghiệm lời xưa kia Chúa phán qua miệng ngôn sứ" (1,22; 2,5.15.17.23).

Tác giả Matthêu dùng điệp khúc ấy như chià khoá giúp độc giả đọc được cuốn sách ông viết. Họ sẽ nhận ra mối liên hệ mật thiết giữa việc Ðức Giêsu xuất hiện và lịch sử của dân Do Thái. Ðức Giêsu đến là để hoàn thành lịch sử của Dân Chúa. Ngay ba danh xưng của Người được giới thiệu trong bài Tin Mừng hôm nay là "Con Vua Ðavit" (c.20), Giêsu (c.21) và "Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta" (c.23), cũng hé mở cho thấy Người sẽ hoàn thành lịch sử ấy như thế nào.

Con Vua Ðavit

1. CON VUA ÐAVÍT: Ðó là danh xưng gợi cho người Do Thái nhớ lại thời vàng son của lịch sử dân Ít-ra-en, khởi đi từ vị quân vương tổ phụ Ðavít. Vị vua này xuất xứ từ ngôi làng nhỏ bé Bêlem chừng 8 cây số về phía nam thành Giêrusalem, ngôi làng nơi Ðavít đã được xức dầu tấn phong làm vua (Rt 1,2.9; 4.11; 1S 16,4.18). Ðó cũng là ngôi làng từng được tiên báo là sinh quán của vị Cứu Tinh Mêsia sẽ đến theo các sách Tin Mừng (Mt 5,1; Mc 2,5.8.16; Lc 2,15; Ga7,42).

Nhưng điều quan trọng như bài Tin Mừng hôm nay vạch cho thấy là Ðức Giêsu vượt lên trên mối quan hệ là con cháu của vua Ðavít. Qua bản gia phả của Matthêu, Ðức Giêsu được chứng minh là con người có gốc rễ trong lịch sử dân tộc mình vì là con cháu Ðavít, tông giống Ap-ra-ham (c.1), nhưng trong thực tế Ðức Giêsu không có liên hệ máu mủ gì với ông Giuse con vua Ðavít, bởi lẽ Người được cưu mang bởi quyền năng của Chúa Thánh Thần (C.18). Ông Giuse chỉ có nhiệm vụ đặt tên cho Ðức Giêsu để trở nên cha nuôi Người mà thôi (c.21). Chính Ðức Giêsu sau này cũng nêu vấn đề liên hệ phụ tử này ra trước nhóm người Pharisêu: "Nếu vua Ðavít gọi Ðức Kitô là Chúa Thượng, thì làm sao Ðấng Kitô lại là con vua ấy được?" (Mt 22,45) nhưng nhóm Pharisêu không trả lời được. Lý do đã được Ðức Giêsu cắt nghĩa: "Không ai biết rõ người Con, trừ Chúa Cha; cũng như không ai biết rõ Chúa Cha, trừ người Con và kẻ mà người Con muốn mạc khải cho" (Mt 11,27). Sau này sách Tin Mừng của Luca sẽ xác định rõ Ðấng được cưu mang trong dạ Ðức Maria sẽ "được gọi là Con Thiên Chúa" (Lc 1,35). Người chỉ là con ông Giuse theo luật.

Mãi mãi Người vẫn là Con Một của Thiên Chúa (Ga 3,16). Nhưng vì khi xuống thế làm người, Con Một của Thiên Chúa được cưu mang và được sinh ra do Ðức Maria nên Ðức Maria đã trở nên mẹ của Thiên Chúa một cách đích thực.

Thiên Chúa cứu

2. THIÊN CHÚA CỨU: Kinh Thánh có đến năm nhân vật với danh xưng Giêsu, gồm tác giả sách Huấn Ca (Sl, tựa, 7); con ông Eâli-e-de trong sách gia phả theo Luca (Lc 3,28-29); Baraba người được dân chúng yêu cầu tha bổng (Mt 27,16); người cộng tác với tông đồ Phaolô, cũng được gọi là Giút-tô (Col4,11) và cuối cùng là con Ðức Maria làng Nadarét. Người con này khi sinh ra được tám ngày đã chịu phép cắt bì như mọi con trẻ Do Thái. Khi ấy ông Giuse đặt tên cho con trẻ là Giêsu. Ðiều quan trọng đi đôi với danh xưng này là sứ mạng được giao phó cho Người "vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ" (c.21). Khác với việc Giavê Thiên Chúa cứu Môsê khỏi người con gái của Pharaông (Xh 2,1-10). Ở đây chính Người cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ. Người thân hành đến cứu họ chứ Người không nhờ một trung gian nào khác. Người không cứu họ từ bên ngoài nhưng cứu họ từ bên trong bản tính loài người mà Người nhận lấy làm của mình. Người cứu họ khỏi tội lỗi của họ, tức là đưa họ trở về với tình yêu Thiên Chúa mà Người là hiện thân. Trọn con người của Ðức Giêsu bao gồm trọn hiện hữu của Người, từ khi được cưu mang và sinh ra, cho tới khi chết và sống lại: tất cả đều được ban cho loài người để họ được sống trong Thiên Chúa và thoát khỏi tội lỗi của họ.

Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta

3. THIÊN-CHÚA-Ở-CÙNG-CHÚNG-TA: Bài Tin Mừng hôm nay trích dẫn sách ngôn sứ I-sai (7,14) để nói rằng biến cố xưa ấy nay đã tới lúc hoàn thành. Như xưa sự kiện con của vua A-khát sinh ra được coi như một dấu chỉ về sự hiện diện của Giavê Thiên Chúa ở giữa dân Người, thì nay việc Ðức Giêsu sinh ra chính là dấu hiệu hoàn toàn mới về sự hiện diện đó của Thiên Chúa. Dấu hiệu này có tính tận căn về sự hiện diện của Thiên Chúa ở với dân Người. Chính nơi con trẻ Giêsu là hiện thân của việc Thiên Chúa ở cùng chúng ta (c.23) việc đó hoàn thành điều Thiên Chúa từng hứa qua các ngôn sứ. Hãy đọc lời ngôn sứ Isai: "Ðừng sợ, có Ta ở với ngươi! Từ phương đông, Ta sẽ đưa con cái ngươi về; và từ phương tây, Ta sẽ cho con cháu ngươi đoàn tụ. Ta sẽ nói với phương bắc: Ðưa cho Ta! Và với phương nam: Ðừng giữ lại! Hãy đưa con trai Ta từ góc biển chân trời. Ðó là tất cả những người mang danh Ta, đã được Ta tạo dựng, nắn thành hình và làm nên, cho danh Ta rạng ngời vinh hiển" (Is43,5-7).

Có thể nói toàn bộ sách Tin Mừng của Matthêu đều nhắm cho thấy Thiên Chúa ở cùng chúng ta như thế nào. Thoạt tiên Người ở nơi thai nhi trong lòng Ðức Maria do quyền năng Chúa Thánh Thần (Mt 1,18). Kế đến Người ở với thánh gia thất khi ông Giuse đón bà Maria vợ ông về (c.20) sau cuộc truyền tin cho ông Giuse. Rồi đến biến cố chạy tị nạn với Hài Nhi Giêsu và mẹ Người trốn sang Ai Cập dưới sự săn sóc của ông Giuse (Mt 2,14). Lần đầu tiên Ðấng Em-ma-nu-el xuất hiện công khai, đó là lúc Người xin ông Gioan Tẩy Giả làm phép rửa cho Người. Người nói: "Làm như vậy để giữ trọn đức công chính" (Mt 3,15).

Cứ như vậy xuyên qua công cuộc rao giảng Tin Mừng và chữa lành bệnh nhân, xuyên qua cuộc khổ nạn và phục sinh cho tới ngày Ðức Giêsu hiện ra tại Galilê và sai môn đệ đi đến với muôn dân hầu qui tụ họ lại nhờ lời của Người. Và lời chót của sách Tin Mừng Matthêu chính là "Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đếân tận thế" (Mt 28,20). Ðó quả là lời làm nên các Kitô hữu và cũng là lời làm nên Giáo Hội với tư cách là dấu chỉ của ơn cứu độ dành cho mọi người không trừ một ai. Ơn cứu độ ấy do chính "Thiên Chúa ở cùng chúng ta" là Ðức Giêsu con cháu nhà Ðavít nhưng trước tiên là Con Thiên Chúa làm người để mãi mãi là người anh em với mọi người.

Một số câu hỏi gợi ý

1. Bạn ưa thích danh xưng nào hơn cả trong 3 danh xưng mà bài Tin Mừng hôm nay dành cho Chúa Giêsu: "Con Vua Ðavít" (c20)? "Giêsu" (c21)? "Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta" (c23)? Vì sao?

2. Bạn hiểu thế nào về câu nói của Chúa trong sách ngôn sứ Isai là "Ðừng sợ, có Ta ở với ngươi!" (Is43,5). Ðã bao giờ bạn nghiệm được ơn bình an Chúa ban do lời nói đó của Chúa chưa? Nhưng điều quan trọng hơn là lời nói đó có giúp bạn nghiệm được Chúa ở cùng bạn chăng?

3. Bạn có nghiệm được Chúa Giêsu cứu bạn khỏi các tội của bạn chăng? Hay ít ra bạn có nghiệm được Chúa Giêsu cứu bạn khỏi những chước cám dỗ đưa bạn đến tình trạng tội lỗi chăng?


Back to Vietnamese Missionaries in Taiwan Home Page