Tìm hiểu và chia sẻ
đời sống Tin Mừng

Linh Mục Augustine, SJ. phụ trách

Prepared for internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan


Ngày 29 tháng 11 năm 1998
Chúa Nhật 1 Mùa Vọng Năm A

Ðọc Tin Mừng Mt 24,37-44

Gợi ý để sống và chia sẻ Tin Mừng

Mong đợi Trời mới Ðất mới.

Hôm nay ngưới Công Giáo chúng ta bước vào Mùa Vọng là thời kỳ chuẩn bị đặc biệt để mừng Ðức Kitô sinh ra. Mùa Vọng đòi hỏi chúng ta một thái độ canh thức, đợi chờ, ngóng trông. Chúng ta chờ Ðức Kitô đến trong ngày sau hết giống như dân Do Thái thời Cựu Ứơc xưa từng chờ đợi Ðấng Cứu Tinh mà họ gọi là Mêxia; nhưng chúng ta cũng hy vọng điều gì đó xảy ra cho đời sống chúng ta. Bài đọc 1 cho thấy Thiên Chúa có kế hoạch "qui tụ các dân tộc lại trong Nước Người để hưởng bình an đời đời." Niềm tin mà dân Ít-ra-en đặt nơi kế hoạch đó của Thiên Chúa khiến họ sống trong niềm hy vọng lớn lao, một cuộc chờ đợi to lớn nhắm tới một kỷ nguyên mới khi mà họ sẽ lấy gươm rèn lưỡi cày, lấy giáo rèn lưỡi liềm. Nước này không còn tuốt gươm ra đánh nước kia nữa..." Theo ngôn sứ I-sai, Thiên Chúa đang chuẩn bị một thế giới mới: "Theo lời Chúa hứa, chúng ta mong đợi trời mới, đất mới, nơi công lý ngự trị" (2Pt 3,13). Hy vọng hướng tới một tương lai vĩ đại, đó qủa là một nét đặc sắc của người tín hữu.

Bận lo kiếm sống hoặc làm giàu.

Nhưng bài Tin Mừng hôm nay nhận xét rằng phần lớn dân chúng lo ăn uống, cưới vợ, lấy chồng, nên chẳng để ý kế hoạch của Thiên Chúa. Ðó xem ra là trường hợp của thế giới chúng ta đang sống, ít là trong thế giới công nghiệp: người nam cũng như người nữ tập trung vào đời sống thường ngày của họ. Họ bận lo kiếm sống hoặc lo làm giàu đến nỗi chẳng màng gì đến cái thế giới từ Thiên Chúa. Họ chẳng chờ mong gì về cuộc sống mới vì chỉ biết có đời sống thịnh vượng chính họ có thể đạt được trong hiện tại.

Tại sao xảy ra như vậy?

Hình ảnh không mấy tốt về chính mình.

Ðó có thể vì những người nam nữ của thời đại chúng ta có một hình ảnh không mấy tốt đẹp về chính mình, theo một cái nhìn thấu suốt của tâm lý học. Tất cả chúng ta đều hoạt động theo những hình ảnh ta có về mình và về thế giới. Chính những hình ảnh của ta định đoạt cho những hành vi của ta phải như thế nào. Nhưng hình ảnh của ta có thể được thay đổi do những hình ảnh mới được tái diễn và tạo nên những hình ảnh mới là những hình ảnh mang lại cho ta ý nghĩa mới. Khi những hình ảnh của ta thay đổi, hành vi của ta cũng thay đổi luôn. Những hình ảnh ta có về ta và về thế giới qủa thực tạo nên một thật tại vừa riêng lại vừa chung. Chúng tạo nên một văn hóa, tức một cái nhìn về thật tại. Câu chuyện sau đây có thể minh họa điều vừa nói.

Ngày kia có người thấy qủa trứng của một chim phượng hoàng, liền đặt nó vào một ổ gà đang ấp ở sân sau. Từ qủa trứng đó nở ra một con phượng hoàng con và nó lớn lên giữa đàn gà con. Những tháng đầu của cuộc đời của phượng hoàng nhỏ này hành động như các con gà con vì nó tưởng mình là một con gà như các con gà khác. Nó cũng bới đất tìm sâu, cũng kêu chiêm chiếp như gà con và cũng giương cánh bay lên như một chú gà con vậy. Nó vẫn nghĩ mình là gà con mà!

Tưởng mình chỉ như đàn gà ở sân sau.

Quả vậy, có qúa nhiều người thường bị lừa, tưởng mình như đàn gà ở sân sau! "Trong bụng họ vẫn nghĩ mình có thể vươn lên khỏi tình trạng như đàn gà", nhưng trong thực tế "chẳng bao giờ họ có kinh nghiệm bay cao mà chỉ quen bới đất tìm sâu ở sân sau!" Họ không biết phải làm sao thay đổi được cách hành xử đó tuy đã chán ngán và thất vọng về cách hành xử đó. Quả thật họ đã bán rẻ bản thân cho huyền thoại từ bên Mỹ là: "nếu bạn nai lưng làm việc, bạn muốn gì được nấy và muốn trở nên người như thế nào tuỳ ý." Huyền thoại ấy ngày nay tràn ngập khắp nơi trên thế giới công nghiệp, không còn thuộc riêng người Mỹ nữa!

Nhưng có cách nào giúp người ta vùng dậy khỏi "tình trạng gà bới đất ở sân sau" chăng? Làm thế nào mang lại cho người ta niềm tin và niềm hy vọng vào thế giới mới như Thiên Chúa hứa ban cho họ? Hãy trở lại câu chuyện chim phượng hoàng. Là phượng hoàng mà nó cứ tưởng mình là gà con ở sân sau, cho tới khi xảy ra một ngày đẹp trời, nó bỗng thấy một chú chim bay lượn hết sức nhẹ nhàng trên bầu trời quang đãng. Nó chiêm ngưỡng chim đó trong một màn biểu diễn tuyệt vời. Giữa cảnh trời gió lộng mà chim đó không hề phải đập cánh! Nó tò mò hỏi đàn gà chung quanh: "Ô kià! Gà gì mà bay lượn ngoạn mục thế nhỉ?" Và được cho biết rằng "đó là Phượng Hoàng, ông vua của các loài chim chứ đâu phải là gà!" Thế rồi bỗng chính chim phượng hoàng đó từ trời cao nhào xuống bên cạnh nó và hỏi "Anh làm gì ở đây vậy?" Nó thưa: "Tôi đang bới tìm đồ ăn với bọn gà." Phượng hoàng sửng sốt nói: "Nhưng anh là phượng hoàng như tôi đây, anh có phải là gà đâu! Hãy coi đôi cánh dũng mãnh mà anh được trang bị để bay lên cao. Chúng ta được sinh ra để làm vua các loài chim, chứ đâu phải được sinh ra để làm mồi cho dã thú! Nào, ta hãy cùng nhau bay theo hướng mặt trời!"

Vậy là lần đầu tiên bỏ đàn gà đang bới đất lại đàng sau, chim phượng hoàng tung cánh bay lượn một cách hạnh phúc giữa trời cao.

Là phượng hoàng thay vì là loài gà bới đất.

Vấn đề được đặt ra là làm thế nào để dân chúng thâm tín họ là phượng hoàng thay vì là loài gà bới đất? Chính Ðức Kitô đã xuống thế làm người để nói cho ta biết ta là con cái Thiên Chúa và được sinh ra để nhắm trời cao. Ðức Giêsu không những đã thay đổi hình ảnh mà chim phượng hoàng, tức loài người có về mình, Người còn dìu nó lên cao giúp nó trải qua kinh nghiệm đầu tiên về bay lượn gần mặt trời.

Nền văn hoá của yêu thương.

Vậy các Kitô hữu chúng ta phải sống một lối sống khiến các cộng đoàn của chúng ta vạch cho người ta thấy trước thế nào là Thiên đàng. Tất cả các Kitô hữu chúng ta đều phải đưa Phúc Âm ra thực thi hầu tạo nên một thách đố có tính đối kháng về văn hoá đối với xã hội ta hiện đang sống.

Xã hội hiện đang đặt cơ sở trên ích kỷ, trên cá nhân chủ nghĩa và tham lam. Các Kitô hữu chúng ta tạo nên một nền văn hoá của yêu thương, một nền văn hoá của thương mến như Ðức Phaolô VI từng nhắc đi nhắc lại nhiều lần. Và đó chính là một nền văn hoá có tính đối kháng! Một nền văn hoá mới! Ðể đạt được điều đó chỉ cần đưa ra thực hành điều cốt lõi của sứ điệp của Ðức Kitô, đó là yêu thương. Chẳng hạn ta cần thực thi Lời Chúa dậy ta rằng: "Ai muốn theo tôi, người đó phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo... vì ai liều mạng sống vì tôi thì sẽ cứu được mạng sống ấy." (Mc 8,34-35). Thập giá mà Chúa Giêsu yêu cầu các Kitô hữu chúng ta vác trên vai, là điều đòi hỏi tận căn. Ðó là một dấu chỉ của mâu thuẫn. Dấu chỉ ấy chỉ đường cho thấy việc thể hiện điều nằm ở tâm điểm của tất cả kinh nghiệm nhân loại, đó là: sự sống vùng lên từ sự chết và niềm vui phát sinh do khổ đau. Chính Tin Mừng triệt để bày tỏ cho ta thập giá loại đó là thứ thập giá làm nên những đặc tính đi ngược lại bản chất: Phúc thay ai sầu khổ (Mt 5,5). Hãy làm ơn cho kẻ ghét anh em (Lc 6,27). Nếu phần đông các Kitô hữu tin vào những lời Tin Mừng loại đó và đưa ra thực thi, họ sẽ là những con người tự do, có khả năng yêu thương một cách đích thực và họ sẽ thay dổi được thế giới.

Thay vì chọn lợi tức hoặc giận hờn và ghen tương.

Hãy lấy một ví dụ khác với lời Chúa Giêsu dạy "Ðiều Thầy truyền dạy anh em là hãy thương yêu nhau (Ga 15,17). Nếu mọi Kitô hữu đều chọn yêu thương (thay vì chọn lợi tức hoặc giận dữ, ghen tuông, tham lam) như tiêu chuẩn cho tương quan giữa người và người, họ sẽ thay đổi đường lối làm chính trị, làm kinh tế hoặc săn sóc sức khoẻ,v.v. Ðó chính là đường lối theo đó các Kitô hữu chúng ta có thể góp phần chuyển đổi từ nền kinh tế lợi tức thả cửa sang một nền kinh tế có tính chung hiệp và chia sẻ.

"Ðêm đó dưới nhà hầm một nhóm ít phụ nữ từng ao ước sống Tin Mừng đang chào nhau ra về. Ðó là lúc có tiếng chuông reo. Chưa rõ ai đến bấm chuông vào giờ khuya này! Thì ra đó là một người đàn ông hốt hoảng và tuyệt vọng bởi lẽ ngày hôm sau ông ta và gia đình sẽ bị trục xuất khỏi căn nhà đang ở thuê mà chưa thanh toán trả tiền đúng hẹn. Mấy người phụ nữ ấy nhìn nhau rồi đồng ý mở ngăn kéo rút ra số tiền họ đã tiết kiệm từ số tiền lương họ nhận được. Họ đã giao hết số tiền đó cho người đang cần đến mà không tính toán điều chi cả. Họ đặt mình để chính Thiên Chúa chăm sóc mà thôi. Thế rồi sáng sớm ngày hôm sau chưa hừng đông đã có tiếng điện thoại réo. Người ở đầu giây lại chính là người đàn ông hốt hoảng tối hôm qua. Ông nói: "Tôi sẽ đến bằng tắc xi trong chốc lát để gặp quý chị." Ðang lúc mấy chị vẫn chưa hiểu lý do tại sao người đàn ông đó lại có tiền thuê tắc xi thì ông ấy xuất hiện. Bộ mặt tươi vui của ông cho thấy cơ may nào đó đã xảy ra. Quả thật ông cho biết: "Tối hôm qua vừa về tới nhà, tôi đã nhận được một món tiền do cha mẹ tôi để lại một cách hoàn toàn bất ngờ. Lương tâm tôi bảo tôi nên giao lại một nửa món tiền đó cho quý chị." Tổng số tiền được giao thực ra gấp đôi món tiền mà nhóm phụ nữ đã quảng đại giúp đỡ ông. Quả thật, một nền kinh tế hoàn toàn mới có tính cách chia sẻ đã diễn ra qua lại giữa những con người tốt bụng. Ðó là nền kinh tế chính chúng ta ước ao biết bao để nó được hình thành, dĩ nhiên, giữa càng nhiều người càng tốt vì đó là khởi sự Nước của Thiên Chúa nơi tình yêu ngự trị.

Phong trào Focolare ở Burundi.

Hãy yêu kẻ thù (Mt 5,44). Ðiều này mà được thực thi, nó sẽ giúp ta vượt khỏi hằn thù và thoát khỏi biết bao khác biệt và chia rẽ chính trị. Hãy coi nước Burundi đã từng bị chiến tranh tàn phá nay còn bị nạn chủng tộc kình chống nhau. Thật khó mà sống đức tin giữa hoàn cảnh éo le như ở Burundi. Nhung hãy nghe bạn trẻ của phong trào Focolare ở Burundi gọi là GEN, mô tả chính họ đang đối phó với những hoàn cảnh ngược chiều đó như thế nào: "Mọi sự quanh chúng tôi đều cho biết chúng đang đi qua. Chỉ có tình yêu Thiên Chúa là tồn tại. Với chúng tôi điều đó thực biết bao! Nhiều người trong chúng tôi đã mất những người bà con gần gũi nhất với nhà cửa bị cướp bóc và phá hoại. Nhưng tiếng nói được ghi khắc trong con tim của chúng tôi cứ còn mãi là "Hãy yêu thương" và "Hãy tha thứ." Vâng, yêu thương và tha thứ như Ðức Giêsu khi Người bị bỏ rơi trên thập giá. Hãy coi trường hợp cha mẹ của một người trong chúng tôi là Maria đã bị người ta giết chết. Người chị của Maria và nhiều bà con của Maria muốn trả thù nhũng kẻ sát nhân. Riêng Maria lại nói tới việc tha thứ cho họ! Ðó là điều chẳng dễ dàng chút nào. Nhưng Maria cuối cùng đã thành công khiến cho người chị và họ hàng tham gia việc cứu trợ dành cho đối phương trong cuộc chiến. Và bầu khí hằn thù đã được biến đổi để trở nên bầu khí của yêu thương và tha thứ. Bọn trẻ Focolare chúng tôi hứa với nhau sẽ vượt mọi trở ngại để duy trì sự hiệp nhất. Chính tình hiệp nhất đưa chúng tôi vượt ngoài vòng chia rẽ chính trị cũng như chia rẽ chủng tộc hiện là điều xem ra không thể vượt qua được đối với người khác."

Ðó quả là những lời nóng bỏng của người trẻ Focolare đang tỉnh thức ngóng chờ Ðức Kitô đến tại Burundi đầy khói lửa!

Một số câu hỏi gợi ý

1. Bạn nghĩ những người chung quanh bạn hiện có hình ảnh nào về chính họ, hình ảnh của đàn gà hay của phượng hoàng? Riêng bạn thường hay đeo đuổi thứ hình ảnh nào về bạn ngang qua những điều bạn ước ao, những điều bạn đặt làm ưu tiên trong cuộc sống cũng như những điều bạn vẫn ngóng chờ? Trong thực tế hình ảnh về gà bới đất tìm sâu gợi lên những gì trong cuộc sống chung quanh bạn và trong đời bạn?

2. "Luật căn bản để kiện toàn con người và do đó để cải biến thế giới là điều răn mới về tình yêu" (Vui mừng và Hy vọng số 38). Luật đó nói gì với bạn về đời sống làm con cái Chúa theo gót bước Ðức Kitô? Bạn có kinh nghiệm nào để chia sẻ về luật căn bản này giữa thế giới bạn hiện đang sống?


Back to Vietnamese Missionaries in Taiwan Home Page