Tìm hiểu và chia sẻ
đời sống Tin Mừng

Linh Mục Augustine, SJ. phụ trách

Prepared for internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan


Ngày 13 tháng 9 năm 1998
Chúa Nhật 24 Quanh Năm

Ðọc Tin Mừng Lc 15,1-32

Gợi ý để sống và chia sẻ Tin Mừng

Phúc Âm thánh Luca nhấn mạnh về tính không thể thiếu nổi của ân sủng và lòng thương xót của Thiên Chúa.

Ba dụ ngôn về lòng thương xót của Thiên Chúa

Ở đầu Tin Mừng của Luca chương 15, ta được đặt đối diện với nhóm biệt phái và thông luật đang lẩm bẩm kêu trách Ðức Giêsu vì Người "tiếp đón những kẻ tội lỗi và đồng bàn ăn uống với chúng" (c.2). Ðức Giêsu chẳng những không biện minh mà còn làm nổi bật lòng thương xót của Thiên Chúa bằng một loạt dụ ngôn.

Dụ ngôn thứ nhất nói về chiên lạc đàn tìm lại được (c.4-7). Kế đến là dụ ngôn về đồng tiền bị rớt mà tìm thấy (c.8-10). Dụ ngôn thứ ba về đứa con bụi đời trở về (c.11-32) thường được gọi là dụ ngôn người con phung phá.

Cả ba dụ ngôn đều cho thấy điều gì đó bị mất (một người, một con vật hoặc một sự vật) khiến sở hữu chủ miệt mài đi tìm. Thiên Chúa muốn mọi người nhận được ơn cứu độ. Dù chỉ một người bước, Người cũng miệt mài tìm kiếm.

Thiên Chúa xót thương và chạnh lòng trước số phận của từng người, bất kể họ thuộc hạng người nào. Càng là người yếu kém, người càng thương. Thiên Chúa như muốn nói với bất cứ ai lạc bước rằng: "Ta thương con, vì thế con trở nên quan trọng đối với Ta. Có một sự thiếu vắng xảy ra vì con đi lạc. Ta sẵn sàng hy sinh tính mạng để tìm kiếm con."

Cả ba dụ ngôn đều nhấn mạnh niềm vui của người tìm lại được của bị mất. Trường hợp người chăn chiên, niềm vui được diễn tả bằng cử chỉ vác chiên tìm được lên vai. Người đó còn tổ chức mừng biến cố tìm lại được chiên lạc. Nhưng quan trọng hơn cả là lời Ðức Giêsu tuyên bố thẳng với những kẻ chỉ trích Người khi nói: "Trên trời ai nấy sẽ vui mừng vì một người ăn năn hối cải hơn là chín mươi chín người không cần sám hối" (c.4-7).

Trường hợp người đàn bà đánh rớt một quan tiền mà tìm được, bà ta cũng tổ chức ăn mừng và mời bạn bè xóm ngõ tới cùng chia vui, và Ðức Giêsu, một lần nữa, tái khẳng định về niềm vui trên trời rằng: "Tôi nói cho các ông hay: giữa triều thần Thiên Chúa, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối" (c.10), điều được hiểu ngầm là Thiên Chúa vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối hơn là chín mươi chín người không cần sám hối (xem c.7).

Riêng dụ ngôn đứa con bụi đời

Riêng với dụ ngôn "Ðứa con bụi đời trở về" (Lc 15,11-32) Ðức Giêsu có ý dậy ta điều gì và ai thuộc đối tượng của lời dậy đó? Xem ra khá rõ dụ ngôn này nhắm thẳng những kẻ chỉ vì ghen tuông nên lẩm bẩm trách móc Thiên Chúa. Họ không thể chấp nhận tình thương vô bờ Thiên Chúa dành cho những kẻ tội lỗi.

Những kẻ ghen tuông ấy trước tiên là những người con vẫn ở nhà cha, không bao giờ đi bụi đời cả. Trong cụ thể, dụ ngôn thứ ba này nhắm thẳng nhóm Pharisêu và thông luật là những người lên tiếng trách móc Ðức Giêsu. Họ là những người vững vàng trong địa vị lãnh đạo Do Thái Giáo. Sự ghen tuông của họ được diễn tả cách đầy tích cực qua phản ứng giận dữ của người con cả. Thấy người cha tổ chức mừng con thứ đi bụi đời trở về, con cả liền nổi nóng nhất định không bước vào nhà (c.27-28). Anh tìm đủ cách để bêu xấu người con thứ: Nó không những phá hoại tài sản của cha mà còn làm ô danh cha giữa bọn đàng điếm (xem c.30).

Loại người ghen tuông thứ hai là đối tượng được nhắm tới qua dụ ngôn này là những người không những vẫn ở nhà cha mà không đi bụi đời, mà còn tin rằng mình thực sự biết cha, tâm trạng của loại người này được diễn tả rất rõ qua phản ứng của người con cả. Anh nói: "Cha coi, đã bao nhiêu năm trời con hầu hạ cha và chẳng bao giờ trái lệnh, thế mà chưa bao giờ cha cho con lấy một con dê con để ăn mừng với bạn bè" (c.29). Quả thật, không thiếu những người kể mình là người siêng năng giữ đạo, dựa vào đấy để nói với Thiên Chúa, như: "Tại sao Thiên Chúa lại xử tốt với những người chỉ nhập đạo vào giờ chót. Họ sống bê bối cả một đời thế mà khi chết họ được chịu mọi bí tích và các nghi lễ như người giữ đạo từ nhỏ! Thật là một cách đối xử thiếu công bằng."

Loại người thứ ba có thể là đối tượng nhắm tới qua dụ ngôn người con phung phá, đó là những người tự hào cho mình là người công chính mà khinh chê người khác. Chính Ðức Giêsu cho thấy sự vô hiệu của lời cầu nguyện của loại người này trước mặt Thiên Chúa trong dụ ngôn người Pharisêu và người thu thuế (Lc 18,9-14).

Cả ba loại người nói trên đều cần được hoán cải để đón nhận tình thương vô hạn của Thiên Chúa. Tình thưong ấy vượt ngoài cái nhìn so đo, ích kỷ và ghen tuông của họ. Hãy coi tình thương không bờ bến của người cha trong dụ ngôn thứ ba đối với người con cả. Mặc dầu người cha đã chia gia tài cho cả hai con (c.12), thế mà người con cả vẫn được đối xử như anh chưa nhận được gì làm của riêng anh. Anh được đoan chắc rằng "Con à, lúc nào con cũng ở với cha, tất cả những gì của cha đều là của con" (c.31).

Ðiều phi lý của ghen tuông

Có lẽ điều tiên quyết là họ phải giải toả tính ghen tuông của họ. Có thể dụ ngôn thợ làm vườn nho (Mt 20,1-16) sẽ giúp họ nhận ra điều phi lý của ghen tuông. Trong dụ ngôn thợ làm vườn nho, kẻ cằn nhằn gia chủ là người tới làm việc từ sáng sớm. Anh không chấp nhận tiền công nhật là một quan tiền như chủ đã hứa với anh, chỉ vì anh thấy thợ đến làm vào giờ chót cũng đưọc chủ trả một quan tiền như anh. Vậy chủ nhà đã nêu rõ lập trường của ông là ông có quyền tùy ý định đoạt những gì là của ông. Ông nói "Cầm lấy phần của bạn mà đi đi. Còn tôi, tôi muốn cho người vào sau chót này cũng được bằng bạn đó. Chẳng lẽ tôi lại không có quyền tùy ý định đoạt về những gì là của tôi sao? Hay vì tôi tốt bụng, mà bạn đâm ra ghen tức?" (Mt 20,14-15).

Một số câu hỏi gợi ý

1. Trong ba dụ ngôn về lòng thương xót của Thiên Chúa trong Tin Mừng Luca chương 15, bạn thích dụ ngôn nào hơn cả? Ðiều gì bạn thấy đặc sắc trong dụ ngôn mà bạn ưa thích?

2. Bạn nghĩ gì về ba người ghen tuông được nêu ở trên? Họ có thể là đối tượng mà dụ ngôn người con phung phá (Lc 15,11-32) nhắm tới chăng?

3. Dụ ngôn thợ làm vườn nho có thể giúp giải toả tính ghen tuông nói trên như thế nào?


Back to Vietnamese Missionaries in Taiwan Home Page