Tìm hiểu và chia sẻ
đời sống Tin Mừng

Linh Mục Augustine, SJ. phụ trách

Prepared for internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan


Ngày 23 tháng 8 năm 1998
Chúa Nhật 21 Quanh Năm

Ðọc Tin Mừng Lc 13,22-30

Gợi ý để sống và chia sẻ Tin Mừng

Có những kẻ đứng chót sẽ lên hàng đầu

Một thiếu nữ ở làng bên cạnh, cô Ngọc Mai, mới từ thành phố Paris trở về, thân xác và tâm hồn bị hao mòn tột độ. Cha mẹ cô cảm thấy ghê sợ trước những lời nói phạm thượng và thô tục thường xuyên phát ra từ miệng một đứa con hư hỏng.

Minh Nguyệt lui tới gia đình này vì lý do tông đồ hơn là làm ăn. Ngày kia khi đến gần căn nhà bi thảm ấy, chị nghe Ngọc Mai đang gào thét một bản nhạc thô tục và chán đời với những điệp khúc gợi cảm nhớp nhúa và khiêu khích. Chị muốn rút lui ngay nên thưa với Chúa: "Lạy Chúa, con không muốn..."

Bất ngờ, chị nghe bà mẹ của Ngọc Mai thét lên:

- Mày, gái điếm nhục nhã, khổ sở, trơ trẽn... có im cái mồn đi không?

Ngọc Mai giận dữ hét lên:

- Bà đừng la lối gì nữa mất công: Tôi tự tử ngày bây giờ đây. Như thế cho tiện. Chẳng phiền hà đến ai cả, cả bà lẫn tôi.

Minh Nguyệt sững sờ, Nghe những tiếng hét cuối cùng ấy, chị không thể vô tâm bỏ đi. Chị nghĩ rằng Chúa muốn chị chịu đựng những điều nhục nhã ấy. Trước khi gõ cửa, chị hắng giọng báo hiệu. Rồi chị bước qua cánh cửa đã bị mọt ăn rỗng.

Ngọc Mai ngồi gần lò sưởi và quay về phía Minh Nguyệt với vẻ giận dữ đáng sợ. Cô ta sẵn sàng tuôn ra những lời thô tục, nhưng ánh sáng từ cặp mắt Minh Nguyệt bao trùm ngăn chặn cô ta. Minh Nguyệt lại gần. Ngọc Mai bỗng nhận ra mình đang chờ đợi Minh Nguyệt với tâm tình một trẻ thơ. Minh Nguyệt nhẹ nhàng lên tiếng:

- Chị ngang qua đây..., em có thể cho chị một ly nước được không?

Cô ta đứng lên đi lấy nước. Minh Nguyệt lặng lẽ uống thứ nước táo rữa ấy rồi nói:

- Em làm ơn nhiều cho chị nếu em bằng lòng đan cho chị mấy búp len đó. Chắc đó là công việc chẳng thích thú gì đối với em, nhưng em sẽ làm cho chị được vui.

Minh Nguyệt đến ngồi trên một chiếc ghế thấp cạnh Ngọc Mai, nhìn Ngọc Mai với ánh mắt hết sức dịu dàng. Ðột nhiên chị ấp ủ đôi tay cô ta trong bàn tay chị và nói:

- Ngọc Mai à, em đã đau khổ quá nhiều. Nếu em muốn, em có thể coi chị như một người bạn.

Một sức mạnh tỏa ra từ Minh Nguyệt tới mức Ngọc Mai chấp nhận để yên đôi bàn tay trở nên ngoan ngoãn của cô trong bàn tay chị. Ngọc Mai chỉ còn biết khóc. Những giọt nước mắt lặng lẽ nhỏ dài trên đôi má cằn cỗi của cô. Cô bắt đầu thổn thức:

- Ðã hai năm rồi em không thể khóc được!

Bà mẹ của Ngọc Mai cũng nấc nở. Bà biết rằng đứa con của bà không phải là "đã hết thuốc cứu". Vẫn còn hy vọng để có thể được cứu thoát.

Như vậy người mẹ đau khổ phần nào nói lên niềm an ủi được thấy con bà quay gót trở về với bà. Ðúng là đứa con hư như đã chết nay sống lại, đã mất nay lại tìm thấy (xem Lc 15,24).

Quả thật bài Tin Mừng hôm nay có ý đặt ta trong bối cảnh của cuộc hành trình lên Giêrusalem của Ðức Giêsu khi nói: "Trên đường đi Giêrusalem, Ðức Giêsu đi ngang qua các thành thị và làng mạc và giảng dạy" (c.22). Và ta biết đó là cuộc hành trình nhằm biểu lộ lòng thương xót của Thiên Chúa đối với tội nhân. Ngay ở điểm khởi xuất khi hai môn đệ đề nghị cho lửa từ trời xuống thiêu đốt một làng người Samari không chịu tiếp đón Ðức Giêsu, thì Người đã quay lại quở mắng các ông (x. Lc 9,55). Rồi cuối cùng vào cuối cuộc hành trình, chính Người đã cho anh trộm lành, tức tội nhân sám hối, được lên Thiên Ðàng khi nói: "Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Ðàng." (Lc 23,43).

Còn ở giữa cuộc hành trình là một loạt những dụ ngôn cho thấy Ðức Giêsu thiết tha tới mức nào đối với việc tìm kiếm tội nhân và đưa họ trở về đường ngay nẻo chính. Ðó là lúc chính Người bị nhóm Pharisêu và kinh sư chỉ trích vì Người tiếp đón phường tội lỗi và ngồi ăn với chúng. Lập tức, Người cho họ thấy mỗi một con người đều có giá trị vô song ở trước mặt Thiên Chúa. Người lặp đi lặp lại điều khẳng định là lên trời, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối (x. Lc 15,7 và 10). Cuối cùng chính tình yêu không bờ bến của Thiên Chúa là Cha nhân hậu, có sức lôi kéo mọi người con trở về cùng cha, dù là đứa con thứ bụi đời hay con cả biến chất khi hắn trở nên tha hóa ngay nơi nhà cha mình. (x Lc 15,31-32).

Ðích nhắm là để được rước về trời

Vậy bài Tin Mừng hôm nay phải được hiểu theo bối cảnh của lòng thương xót của Thiên Chúa như chính Chúa Giêsu nhấn mạnh trong cuộc hành trình lên Giêrusalem. Vì đích nhắm của cuộc hành trình là để được "rước về trời" (x. Lc 9,51), nên vấn đề được nêu về ơn cứu độ trong bài Tin Mừng là để thúc dục người ta hoán cải như điều kiện không thể thiếu để theo Ðức Giêsu về trời.

Thực sự bài Tin Mừng này đòi người ta phải có một lựa chọn nghiêm chỉnh đáp lại lời mời của Nước Thiên Chúa. Cần hình thành một quyết định chín chắn để bảo đảm lấy bước đường theo chân Ðức Giêsu, bước đường này có bao gồm đau khổ và cái chết thập tự (9,22-23). Luca nhắc nhở độc giả sách Tin Mừng thứ ba rằng Ðức Giêsu vẫn còn trên đường lên Giêrusalem theo kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa. Câu hỏi được nêu "Những người được cứu thoát thì ít, có phải không?" cung cấp cơ hội để tác giả nhắc lại những khó khăn mà những người bước theo Ðức Giêsu vẫn gặp phải. Người không trả lời câu hỏi được nêu là nhiều hay ít người được cứu nhưng người nói "nhiều người sẽ tìm cách vào mà không thể được" (c.24). Một lý do được nêu rõ về tình trạng đáng buồn là có những người ảo tưởng rằng mình theo Chúa dựa vào mối tương quan hời hợt bên ngoài mà thôi. Họ từng ngồi dùng bữa với Người mà lòng họ chẳng có chút gắn bó với ý muốn của Thiên Chúa. Họ đã nghe Ðức Giêsu giảng dạy nhưng thâm tâm chẳng có sự thâm tín đó là lời Thiên Chúa mà họ cần đưa ra thực thi (8,21). Cho nên lời nghiêm khắc "Cút đi cho khuất mắt ta hỡi tất cả những quân làm điều bất chính!" (c.27) chính là điều thách đố đòi độc giả của Tin Mừng Luca duyệt lại cuộc hành trình đời mình. Ðời họ cần ăn khít với cuộc hành trình lên Giêrusalem của Ðức Giêsu hầu đón nhận ơn cứu độ Người ban.

Các đấng tổ phụ và ngôn sứ của Israel hiện đang chờ đợi kết quả của cuộc hành trình lên Giêrusalem nói trên. Nhiều người từng ngồi ăn đồng bàn với Ðức Giêsu sẽ không được dự bữa tiệc sau hết với các bậc tổ tiên của họ. Ngược lại, rất nhiều người chưa hề có tương quan với Ðức Giêsu lại được dự bữa tiệc đó với Vương Quốc của Thiên Chúa. Tin Mừng của Ðức Giêsu sẽ được loan đi tới tận cùng trái đất và dân ngoại sẽ tuôn đến với Ðức Giêsu để được Người lãnh đạo về Trời với Người (x. Lc. 9,51).

Trở nên người như thế nào nhờ được biết Ðức Giêsu

Những lời vừa nói, quả thật, là Tin Mừng mang lại niềm hứng khởi biết bao cho phần đông các Kitô hữu của Hội Thánh sơ khai. Chính tác giả Luca cũng là người dân ngoại trở lại. Nhưng cả họ nữa cũng vẫn bị thách đố để đào sâu mối tương quan thiết thân giữa họ với Ðức Giêsu. Bởi lẽ họ chẳng bao giờ đảm bảo được ơn cứu độ dựa vào tương quan hời hợt với Người. Vấn đề chẳng phải họ là người đạo gốc hay đạo theo cho bằng họ đã trở nên con người như thế nào nhờ được biết Ðức Giêsu, được yêu mến Người và sống gắn bó với Người.

Một số câu hỏi gợi ý

1. Bạn tâm đắc gì về: lời người mẹ thét lên khi chửi con "mày gái điếm nhục nhã..."? Lời đáp của con khi nói "Bà đừng la lối gì mất công, tôi tự tử ngay bây giờ đây"? Lời chị Minh Nguyệt: "Ngọc Mai à, em đã đau khổ quá nhiều. Nếu em muốn, em có thể coi chị như một người bạn"?

2. Trong Tin Mừng hôm nay, bạn hiểu thế nào về câu hỏi: "Những người được cứu thoát thì ít, có phải không?"? (c.23) và "Cút đi cho khuất mắt ta, hỡi những quân làm điều bất chính" (c.27).

3. Bạn tâm đắc được điều gì về ý nghĩa cuộc hành trình lên Giêrusalem của Ðức Giêsu?


Back to Vietnamese Missionaries in Taiwan Home Page