Tìm hiểu và chia sẻ
đời sống Tin Mừng

Linh Mục Augustine, SJ. phụ trách

Prepared for internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan


Ngày 02 tháng 8 năm 1998
Chúa Nhật 18 Quanh Năm

Ðọc Tin Mừng Lc 12,13-21

Gợi ý để sống và chia sẻ Tin Mừng

Nedo Pozzi là nhà báo chuyên giải đáp thắc mắc cho độc giả báo Thành Phố Mới ở Pháp. Có người trong số báo tháng 2 năm 1998, hỏi ông: "Nơi tôi hành nghề chỉ có 2 giá trị được đề cao: đó là tay nghề và sự giàu có đạt được. Trong gia đình, chúng tôi thâm tín về những giá trị khác nữa nhưng điều đáng tiếc là tôi không có can đảm làm chứng về những điều tôi thâm tín trước mặt người khác. Tôi thực băn khoăn không biết làm sao thực hiện được điều đó."

Nhờ bạn nên tìm lại được lý tưởng

Theo nhà báo Nedo Pozzi, không gì hữu hiệu cho bằng chính chúng ta hăng hái sống những giá trị ta thâm tín là những giá trị mà ta muốn truyền đạt cho người khác. Tác giả nêu giai thoại sau đây để minh họa điều vừa nói.

"Một hôm tôi nhận được một "cú " điện thoại từ Hoa Kỳ. Người gọi tôi là anh bạn 36 năm qua xa vắng. Bằng mọi giá anh muốn gặp tôi trong chuyến đi Âu Châu sắp tới. Chúng tôi đã nhận ra nhau ngay khi xuất hiện. Anh bạn tôi tỏ ra sinh động y hệt xưa. Ngồi vào bàn ăn, anh liền nói về cuộc sống của anh. Anh nói:

- "Tôi muốn hưởng thụ. Hiện tôi có một gia sản kếch xù gồm một công ty Hoa Kỳ, một công ty Á Châu và một công ty Âu Châu nữa, tất cả tính ra dollars khá nhiều... Nhưng vợ tôi không muốn tháp tùng tôi trong nghề nghiệp, cho nên tôi sống một cuộc sống riêng lẻ... với những người khác. Còn bạn thì sao đối với đàn bà, có xuôi chảy lắm không?"

Nhà báo Nedo Pozzi nhận ra ngay điều anh bạn muốn dò hỏi, nên trả lời:

- "Tôi đây chỉ có một vợ, người mà tôi đã cưới cách đây ba mươi năm. Tôi vẫn một lòng trung thành với nàng, bởi lẽ tôi yêu nàng. Hai chúng tôi rất hạnh phúc với nhau trong gia đình." "Anh bạn tôi bị đụng chạm do điều tôi vừa nói. Lập tức anh đổi thái độ, trở nên nghiêm chỉnh. Anh nói:

- "Mình thật thèm muốn được như bạn... Hãy coi, có ai thương mình đâu. Mình thật cô đơn một cách đáng sợ. Khi soi gương mình thấy rõ đời mình bị uổng phí đi cách bi thảm. Các cố vấn tâm lý đâu có thể chất chứa được gì vào cái trống rỗng ở nơi mình! Cuối cùng mình chẳng còn tin vào bất cứ ai mặc dầu trong thâm tâm mình vẫn tin mọi người đều là anh em với nhau."

Nhà báo Nedo Pozzi kể tiếp: "Anh bạn nhìn tôi với cặp mắt sửng sốt và xúc động. Vậy là tôi có thể nói cho anh nhe về đời sống gia đình tôi và về những giá trị chính tôi gắn bó. Tối hôm đó chúng tôi chào biệt nhau thực sự trong tình anh em. Anh nói với tôi:

- "Câu chuyện của chúng ta chiều nay đã khiến tôi tìm lại được lý tưởng tôi từng theo đuổi thời niên thiếu. Tôi hy vọng chúng ta sẽ năng gặp nhau."

Trong câu chuyện vừa kể ta thấy thấp thoáng hình ảnh nhân vật phú hộ của Luca nơi bạn của nhà báo Nedo Pozzi. Người bạn này cũng phải đối diện với cơn khủng hoảng giống cơn khủng hoảng nhà phú hộ sẽ phải đối diện ở cuối cuộc đời như Luca cho thấy. Ở tột đỉnh của giàu có, nhà phú hộ của Luca đã có thể tự nhủ mình: "Hồn tôi hỡi, mình bây giờ ê hề của cải, dư xài nhiều năm. Thôi cứ nghỉ ngơi cứ ăn uống vui chơi cho đã" (c. 19). Nhưng đó lại là lúc nhà phú hộ bị chính Thiên Chúa cật vấn về ý nghĩa đời y. Của cải mà y đã thu lượm sẽ thuộc về tay ai? Mạng sống y đâu phải chỉ là của cải. Chính Thiên Chúa mới là Ðấng nắm giữ ý nghĩa đời y. Nhà phú hộ nghe văng vẳng tiếng lương tâm cắn rứt: "Ðồ ngốc, nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi..." (c. 20). Thiên Chúa mới là Ðấng nhà phú hộ phải trả lẽ về đời mình. Bấy lâu nay y lo làm giàu và hưởng thụ để rồi ra trước mặt Thiên Chúa với hai bàn tay trắng thì thật là cả một cuộc đời phí uổng!

Dĩ nhiên anh bạn của nhà báo Nedo Pozzi làm giầu một cách hiện đại nên không phải lo xây dựng kho lẫm mới lớn hơn cái cũ. Tài sản của anh được đầu tư vào những công ty khác nhau ở cả ba đại lục Âu Á Mỹ, nên anh đâu có bị đe dọa bởi cơn khủng hoảng tiền tệ đang xảy ra do một số nước Á Châu.

Thoạt đầu xem ra chỉ là chuyện vợ anh không tháp tùng anh trong nghề nghiệp khiến anh phải tìm tương quan với những người khác. Và rồi những tương quan ấy chẳng xuôi chảy khiến anh rơi vào cảnh cô đơn mỗi ngày một thêm trầm trọng. Chưa nói gì đến đời sau, ngay bây giờ lương tri anh đã cắn rứt anh, cho anh thấy cả một đời uổng phí và trống rỗng mà không một cố vấn tâm lý nào có thể giúp lấp đầy được.

Ðiều mang lại hy vọng là nhà phú hộ thời mới nói đây đã tìm thấy ánh sáng từ đời sống chứng ta Phúc Âm của nhà báo Nedo Pozzi. Anh cũng được thấy khơi dậy nơi lòng anh lý tưởng đạo đức anh từng theo đuổi thời niên thiếu. Thiết tưởng cơ hội đã đến để anh được gặp gỡ chính Ðức Giêsu Ðấng đích thân mời anh gia nhập Nước Thiên Chúa. Theo hướng đó, bộ sách giáo lý do Hội Ðồng Giám Mục dành cho người trưởng thành có thể giúp anh chút nào đó, khởi sự với những dòng sau đây:

Dựa theo một thứ não trạng, con người là chủ duy nhất xây dựng nên lịch sử, là trọng tài cho định mệnh đời mình. Nhưng con người đã liên tục cảm nghiệm sự thất cơ của mình, bởi họ bất lực tự giải thoát mình khỏi muôn vàn hình thức nô lệ, và cũng chẳng thể tự cứu lấy mình một cách toàn diện.

Khi loan báo Nước Thiên Chúa, Chúa Giêsu có những lời lẽ rất mới: Thiên Chúa đến cùng chúng ta và trao ban cho ta kế hoạch sống tự do và hiệp thông của Ngài. Thiên Chúa đang hoạt động, Ngài mời gọi con người hôm nay hãy cùng Ngài đóng vai chính và đồng thời là cộng sự viên quyết tâm của Ngài.

Quả thật, Chúa Giêsu gây bối rối cho những kẻ lắng nghe Ngài và kêu gọi hãy "thay đổi cuộc sống", nghĩa là, hãy thay đổi cách nhìn cuộc sống và sự vật, để tất cả theo cách thức riêng của chính Thiên Chúa, dù phải trả giá là thấy tất cả những gì xem ra là trọng tâm của cuộc sống mình khi xưa giờ đây trở thành vô nghĩa.

Hôm nay ơn cứu độ sẽ đến trong nhà này

Ngài khẩn trương kêu gọi con người như Ngài đã kêu gọi Giakêu: "Hãy xuống mau vì hôm nay ta phải lưu lại nhà ngươi" (Lc 19,5). Một khi Chúa Giêsu đã quyết định tỏ tình thân cùng ông, thì con người đó, một thủ lãnh những người thu thuế tại Giêricô, kẻ đã leo lên cây để thấy được Ngài, đã cảm thấy ngay lập tức bổn phận phải tiếp đón Ngài vào nhà và thay đổi đời sống: "Lạy Chúa, con sẽ cho phân nửa của cải con cho người nghèo, và nếu con lừa gạt ai, con sẽ đền gấp bốn." Một quyết tâm khiến Chúa Giêsu phải thốt lên: "hôm nay ơn cứu độ sẽ đến trong nhà này" (Lc 19,8-9).

Giakêu đã vào trong Nước Thiên Chúa, bởi vì khi tiếp nhận Chúa Giêsu, ông đã dành chỗ cho Thiên Chúa. Mọi sự an ổn về phía trần gian phải gạt sang một bên: đứng trước ơn cứu độ của Thiên Chúa, ta phải từ bỏ tất cả, từ bỏ cả cái thế giới bé nhỏ của mình, và hoàn toàn phó thác bản thân mình cho hành động yêu thương của Ngài.

Thay đổi cuộc sống và tin vào Tin Mừng có ý nghĩa là quyết định không dè dặt để sống cho Thiên Chúa và trong Thiên Chúa, cho tha nhân. Như thế, vào chính giây phút xảy ra một mối tương quan mới giữa Thiên Chúa và chúng ta, thì những mối tương quan của chúng ta với những người khác được canh tân tận gốc rễ.

Chính Chúa Giêsu đã ra lệnh truyền yêu mến Thiên Chúa và đồng loại làm nền tảng cho loại tương quan mới mẻ này (Mc 12,29-31). Hai tình yêu này được liên kết bằng một sợi dây thâm sâu và không thể tách biệt: "Ai nói: tôi yêu mến Thiên Chúa mà ghét anh em mình ấy là dối trá. Vì kẻ đã không yêu anh em mình xem thấy được, không thể yêu mến Thiên Chúa mà mình không xem thấy. Ðây là lệnh truyền duy nhất ta lãnh nhận bởi Ngài: là kẻ nào yêu mến Thiên Chúa, thì cũng phải yêu thương cả anh em mình (Ga 4,20-21).

Một số câu hỏi gợi ý

1. Bạn nghĩ gì về lời Chúa Giêsu nói với ông Giakêu: "Hãy xuống mau, vì hôm nay ta phải lưu lại nhà người" và ông Giakêu đã thay đổi đời sống của ông như thế nào?

2. Chính bạn ước ao điều gì được thay đổi nơi người bạn của nhà báo Nedo Pozzi để người bạn ấy gia nhập Nước Thiên Chúa do Chúa Giêsu thiết lập?


Back to Vietnamese Missionaries in Taiwan Home Page