Tìm hiểu và chia sẻ
đời sống Tin Mừng

Linh Mục Augustine, SJ. phụ trách

Prepared for internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan


Ngày 26 tháng 7 năm 1998
Chúa Nhật 17 Quanh Năm

Ðọc Tin Mừng Lc 11,1-13

Gợi ý để sống và chia sẻ Tin Mừng

Một em bé ngoan ngoãn sách giỏ ra tiệm tạp hóa mua ít đồ cho mẹ mình. Em cẩn thận đọc từng món đồ mẹ em liệt kê trên trang giấy, khiến người bán hàng theo dõi em đọc một cách thích thú.

Sau khi xếp gọn các món hàng vào giỏ cho em, ông dẫn em đến trước một cái thùng đầy kẹo. Vừa mở nắp thùng ra, ông bảo em thò tay vào thùng lấy kẹo. Em nhìn ông với cặp mắt sáng lên, rồi thò tay vào thùng rút ra một viên kẹo. Người bán hàng còn khích lệ em lấy thêm kẹo mà rằng:

- Em hãy bốc đầy lòng bàn tay của em. Em bé tính nghịch đáp lại:

- Tay con nhỏ. Xin ông bốc dùm cho con.

Câu nói của em bé thật dễ thương. Em nhìn nhận sự bé nhỏ của mình và tin tưởng vào sự lớn lao và lòng quảng đại của người lớn.

Khi cầu nguyện ta nhận ra tình trạng nhỏ bé đầy giới hạn của ta. Do đó ta chạy đến cùng Chúa với niềm xác tín: Người là Cha nhân từ đầy tình thương với trái tim rộng như biển cả cùng với bàn tay toàn năng; chính Người tác thành mọi sự cho loài người!

Ðó là bối cảnh trong đó Ðức Giêsu dẫn các môn đệ bước vào để cầu nguyện cùng Thiên Chúa là CHA. Ðó là bối cảnh rất quen thuộc đối với Người.

Ðức Giêsu nêu gương về cầu nguyện

Tất cả các sách Tin Mừng, nhất là Tin Mừng Luca (3,21; 5,16; 6,12; 9,29; 10,21; 11,1; 23,32.41; 23,34,46), đều cho thấy Người là gương cầu nguyện tuyệt vời luôn trong tương quan thân thiết với Thiên Chúa Cha. Người năng cầu cùng Cha, như trước bữa ăn, trước những quyết định hoặc hành vi quan trọng (chẳng hạn trước phép lạ cho anh Lazarô sống lại, trước hành vi thiết lập NHÓM MƯỜI HAI). Người cầu nguyện ban đêm trong thanh vắng hoặc trước các môn đệ, trong niềm vui của Thánh Linh (Lc 10,21) hay trong sầu khổ như tại Vuờn Dầu. Người sống trong cầu nguyện liên lỷ, nghĩa là tâm hồn Người thường xuyên trong tương quan với trời cao (Ga 1,51), với Thiên Chúa Cha mà ý muốn chính là lương thực cho sự sống của Người, nên Người không thể bỏ qua (xem Ga 4,34; 8,29).

Lời cầu của Ðức Giêsu có đặc sắc độc đáo trong tương quan với Chúa Cha. Hãy coi Ga 11,41-42 để thấy mục đích của lời cầu của Ðức Giêsu không nhằm lợi ích riêng của Người nhưng là lợi ích của người xung quanh.

Nền tảng của cầu nguyện

Nền tảng của cầu nguyện chính là tương quan mới do Ðức Giêsu thiết lập giữa loài người và Thiên Chúa. Ðấng Thiên Chúa ấy nay là "Cha chúng ta ở trên trời", còn chúng ta được Ngài nhận làm con. Trên nền tảng của tương quan đó, ta đặt trọn tín nhiệm của ta nơi Thiên Chúa, ta phó thác bản thân ta cho Ngài, ta đối xử với Ngài theo tình con thảo và chạy đến cùng Ngài về mọi nhu cầu. Ðó là tinh thần cầu nguyện Ðức Giêsu muốn dậy các môn đệ. Sẽ không còn chỗ cho âu lo với tinh thần cầu nguyện như vậy, bởi lẽ Chúa Cha biết các môn đệ cần điều gì. Ðức Giêsu khuyên họ hãy xin thì chắc chắn sẽ "nhận được những điều thiện hảo cùng với Chúa Thánh Linh". (Mt 6,7; Lc 11,13,v.v.). Tin Mừng Gioan diễn tả cũng điều đó khi khuyến cáo các môn đệ gắn bó với Ðức Giêsu như nhành nho gắn liền với thân nho. Trong tình trạng ấy "anh em xin gì cùng Chúa Cha nhân danh Thầy, thì Người ban cho anh em." (Ga 15,16).

Một số điều kiện

Các sách Tân Ước nêu những điều kiện sau đây:

Một lòng tín nhiềm không lay chuyển (Mt 7,7-11; Mc 11,24; Lc 17,5tt; Gc 1,5tt, v.v.).

Ðức kiên trì (Ep 6,18; 1Th 5,17), nài xin (Mt 15,21-28; Lc 11,1-13).

Thành thật, ngược hẳn với thái độ giả mạo bên ngoài của người Pharisêu (Mt 6,5-8).

Ðức khiêm nhường được nêu rõ nhất với dụ ngôn người Pharisêu và người thu thuế (Lc 18,9-14).

Tuân giữ các giới răn và ý muốn của Thiên Chúa: "Bất cứ điều gì chúng ta xin, chúng ta được Người ban cho bởi vì chúng ta tuân giữ các giới răn của Người (1Ga 3,22; 5,14).

Vậy cầu nguyện một cách hồn nhiên, phát xuất từ ý thức rằng mình được Thiên Chúa nhận làm con, thay vì phát xuất do công thức có sẵn với những lời hoa mỹ dài dòng. Ðức Giêsu dậy các môn đệ kinh Lạy Cha theo ý nghĩa khác hẳn.

Ðối tượng

Ðối tượng mà cầu nguyện nhắm tới nhất thiết phải là điều tổng quát bao gồm cả những điều thuộc đời tạm lẫn những điều thiêng liêng như chính Ðức Giêsu dậy các môn đệ trong kinh Lạy Cha. Qui luật chung phải là ý của Thiên Chúa, phải là Nước của Ngài và Tin Mừng về Nước đó. Nhưng ưu tiên tuyệt đối dành cho Nước của Thiên Chúa (Mt 6,33) không loại bỏ nhu cầu vật chất thuộc thế giới đời tạm (Mc 13,18; Rm 1,10).

Người Kitô không những cầu nguyện cho anh chị em Kitô hữu, mà còn cầu cho tất cả mọi người. Họ cầu cho những người cầm quyền (2Tm 2,1tt), cầu cho cả kẻ thù địch và bắt bớ mình, đúng theo giáo thuyết và gương lành của Ðức Giêsu để lại (Mt 6,44; Lc 6,28; 23,24).

Ngỏ lời cùng ai

Nói chung, lời cầu chung trong phụng vụ cũng như riêng tư là để ngỏ lời cùng Thiên Chúa Cha qua vị trung gian là Ðức Giêsu. Trong Tân Ước ta thấy dấu chỉ về lời cầu hướng thẳng lên Ðức Kitô là Chúa. Trong diễn từ tiễn biệt, Ðức Giêsu nói tới lời cầu xin hướng lên Người (Ga 14,14). Các Kitô hữu tiên khởi rất sớm đã cầu xin cách đó như trong những lời cầu cá nhân. Chẳng hạn thánh Têphanô khi bị ném đá đã thưa cùng Chúa Giêsu: "Lạy Chúa Giêsu, xin nhận lấy con". Rồi ông quì xuống kêu lớn tiếng rằng: "Lạy Chúa, xin đừng chấp tội họ". (Cv 7,59-60). Thánh Phaolô tông đồ cũng cầu xin thẳng với Chúa Giêsu để được giải thoát khỏi tình trạng như bị một cái dầm đâm vào thân xác (Cv 12,7). Thư của ông Pline le jeune cho biết các Kitô hữu thời ông từng hát những bài ca chúc tụng Ðức Kitô như đối với một vị thần (Lettres 10,96). Nhưng bình thường các Kitô hữu xưa được khuyến khích dâng lời tạ ơn Thiên Chúa CHA nhờ Chúa Giêsu (Ep 5,20; Col 3,17). Ðó cũng là hình thức cầu nguyện như thấy trong các kinh phụng vụ cũ.

Vậy bài Tin Mừng hôm nay phản ánh một trong những nhu cầu mà các Kitô hữu cảm thấy, đó là làm thế nào sống được tinh thần cầu nguyện thân thiết với Thiên Chúa. Luca vạch cho ta thấy nhu cầu hướng về Thiên Chúa là Cha để mọi sự trở nên khởi sắc. Chính Ðức Giêsu khi dậy các môn đệ cầu nguyện đã đặt họ dưới cái nhìn mới mẻ của nước Thiên Chúa. Người không dậy họ một công thức để họ cứ thế mà đọc. Ðọc Tin Mừng Matthêu 6,9-13 song song với bài Tin Mừng hôm nay của Luca, sẽ thấy các tín hữu xưa diễn tả khác nhau về những điều ước ao và những mối bận tâm nơi họ. Chính Ðức Giêsu dậy họ nhận ra những ước ao và những mối bận tâm đó nhờ tiếp cận với Người. Chúa Thánh Linh sẽ đến giúp họ cầu nguyện cùng Thiên Chúa Cha, khởi đi từ cuộc tiếp cận của họ với Ðức Giêsu.

Trong phụng vụ, như trong Thánh Lễ, người Kitô hữu cùng đọc chung với nhau một mẫu kinh. Nhưng cầu nguyện riêng tư, họ nên dựa vào lời dậy của Chúa Giêsu để nói lên những khát vọng mà Chúa Thánh Linh gieo vào lòng họ. Họ sẽ ước ao biết bao để chính họ được kết hợp với Thiên Chúa Ðấng sẽ nhận họ làm con. Họ ao ước và tích cực góp phần làm cho mọi người nhận biết CHA là Thiên Chúa. Họ ước ao biết bao cho thế giới hiệp nhất như một gia đình êm ấm nhờ vâng theo ý của CHA, v.v.

Một số câu hỏi gợi ý

1. Bạn tâm đắc gì về câu chuyện gợi ý đầu bài chia sẻ: Em bé nhận thấy bàn tay nhỏ bé của mình? Em bé nhờ người bán hàng bốc kẹo giùm? Ðiều gì được gợi ý về cầu nguyện?

2. Về cầu nguyện: Ðức Giêsu nêu gương như thế nào? Nền tảng là gì? Một số điều kiện? Ðối tượng nhắm là gì? Ngỏ lời cùng ai?


Back to Vietnamese Missionaries in Taiwan Home Page