Tìm hiểu và chia sẻ
đời sống Tin Mừng

Linh Mục Augustine, SJ. phụ trách

Prepared for internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan


Ngày 19 tháng 7 năm 1998
Chúa Nhật 16 Quanh Năm

Ðọc Tin Mừng Lc 10,38-42

Gợi ý để sống và chia sẻ Tin Mừng

Bình giải về bài Tin Mừng hôm nay, Tác giả Richard Rohr, The Good News According to Luke) nêu thẳng vấn đề như Luca muốn trình bày, đó là làm thế nào để trở nên người môn đệ của Ðức Giêsu.

Chúng con biết đến với ai

Vậy câu chuyện hai chị em Mácta và Maria được kể không nhằm đối chiếu đời cầu nguyện với đời hoạt động để rồi đặt cầu nguyện lên hàng đầu. Cũng không nên đọc ra ở đây điều Ðức Giêsu muốn nói với chủ nhà là "Nên dọn cho Chúa một món ăn thôi là đủ!" Thực ra, điều Chúa Giêsu muốn nói là: Phải biết nghe lời Thiên Chúa, đó là điều tiên quyết để trở nên môn đệ của Ðức Giêsu. Nam hay nữ đều phải kể việc lắng nghe Lời Chúa là điều kiện thiện hảo hơn.

Nhưng sách Tin Mừng của Luca còn phản ảnh vai trò người phụ nữ trong Hội Thánh sơ khởi. Luca kể lại: "Khi Ðức Giêsu vào làng kia. Có một người phụ nữ tên là Mácta đón Người vào nhà mình" (c.38). Vào thời sách Tin Mừng Luca được viết, Hội Thánh còn được tụ họp nơi nhà riêng của các Kitô hữu. Ðúng là hình ảnh về Giáo Hội tại gia (household Christianity) khi mà các tín hữu phụ nữ cùng với gia đình đón tiếp Hội Thánh Chúa nơi mái ấm gia đình mình. Ta thấy hình ảnh của Giáo Hội tại gia ấy nơi gia đình bà Maria mẹ của ông Máccô là tác giả Tin Mừng thứ hai. Khi ấy tông đồ Phêrô được thiên sứ của Chúa cứu khỏi ngục tù. Ra khỏi đó, ông còn được tháp tùng đến hết một đường phố, rồi bỗng thiên sứ rời khỏi ông. Ông đi đâu bây giờ? Vị Giáo Hoàng tiên khởi làm gì đã có nhà thờ hoặc nhà xứ để dừng chân. Luca kể lại: "Ông đi đến nhà bà Maria, mẹ của ông Gioan, cũng gọi là Máccô; ở đó có khá đông người đang tụ họp và cầu nguyện. Ông đập cổng thì có một người tớ gái tên là Rôđê ra nghe ngóng. Nhận ra tiếng ông Phêrô, cô mừng quýnh, không mở cổng, mà lại chạy vào báo tin ông Phêrô đang đứng ngoài cổng. Người ta bảo cô: "Ðồ khùng!" Nhưng cô ấy cứ quả quyết là đúng như vậy. Họ nói: "Thiên sứ của ông ấy đấy!" Mở cổng ra thấy ông, họ kinh ngạc. Ông giơ tay làm hiệu bảo họ im lặng, rồi kể cho họ nghe Chúa đã đưa ông ra khỏi ngục như thế nào. Ông nói: "Xin báo tin này cho ông Giacôbê và cho anh em". Rồi ông ra đi đến một nơi khác". (Cv 12,12-17).

Vậy ông Phêrô đã đến loan tin cho Giáo Hội tại gia nhà bà Maria biết ông đã được giải thoát khỏi ngục tù, nhưng ông còn phải tiếp tục lắng nghe Lời Chúa và đi tiếp để thực thi ý Ngài. Ðó là cách làm cho lời Thiên Chúa được lớn lên và phát triển như tác giả Luca muốn gợi ý cho thấy (x. Cv 12,24).

Quả thật, lời Thiên Chúa là thật tại cơ bản của mạc khải qua Kinh Thánh. Theo Kinh Thánh, Giavê là Ðấng Thiên Chúa lên tiếng nói trong khi các tượng thần đều câm lặng (Tv 115,5; Ba 6,7; 1V 18,29); Cuối cùng Thiên Chúa đã nói trong Con của Người (Dt 1,2).

Trong Cựu Ước, những kiểu nói "lời Giavê", "các lời Giavê", hoặc "các lời", đều chỉ về những điều Thiên Chúa muốn hoặc tư tưởng của Thiên Chúa được mặc khải cho một số người chọn lọc để đại diện cho toàn dân. Ngôn sứ, cách tuyệt hảo, chính là Người của lời Thiên Chúa (Gr 18,18). Ðó là người nghiệm thấy lời Thiên Chúa là điều không thể cưỡng lại được (Am 3,8; Gr 20,7-9): nín lặng chính là phạm tội đối với Thiên Chúa (Am 2,12; 7,10-17).

Với Môisen, Thiên Chúa đã nói trực tiếp (Ds 12,6-8) cho Môsen biết ý của Ngài được diễn tả qua các giới răn: đó là "mười lời" (Xh 20,1-7; 34,28; Ni 5,1-22). Sách Ðaniel là sách của lời mà Thiên Chúa ngỏ cùng Môsen. Sách ấy cho thấy điều được nhấn mạnh là tính cách hiện tại và gần gụi của lời Thiên Chúa (Nnl 26,16;30,14).

Lời Thiên Chúa tạo dựng nên thế giới và lịch sử, lời đó luôn hoạt động nên mới có mọi sự (St 1; Tv 33,6) và mọi sự mới được duy trì trong hiện hữu (Tv 147,15-19; G 37,5-13). Giavê luôn can thiệp vào lịch sử của Ngài qua lời: mọi biến cố đều cho thấy lời được nên trọn. Các sách sử (Gs; Tl; 1Sm; 1-2V) cho thấy nổi bật lời Thiên Chúa thường xuyên điều khiển lịch sử Israel, nhất là qua các ngôn sứ. Sách ngôn sứ Isaia đệ nhị cho thấy lời Thiên Chúa hữu hiệu như thế nào (Is 40,8; 55,10-11). Lời đó luôn bền vững và không bào giờ vô hiệu. Nơi mà sự chết toàn thắng, lời Thiên Chúa phát sinh ra sự sống (Ez 37,1-15). Lời Thiên Chúa là của ăn, phát sinh niềm vui cho người được ăn no (Dnl 8,3; Gr 15,16; Ez 3,1-3; Kn 16,20). Lời Thiên Chúa chữa lành tội nhân (Tv 107,20).

Lời Thiên Chúa đã từng được mô tả với những nét hùng dũng: Ðó là lời vĩnh hằng (Is 40,8), lời bất biến (Is 31,2; Gr 4,28; Tv 89,35), lời chân thực (Is 245,23), lời hữu hiệu để thể hiện những điều Thiên Chúa muốn (Hs 6,5; Is 55,10, Kn 18,14-19; Tv 105,31-35); lời không gì có thể kháng cự lại được (Gs 21,45; 23,14; Ðnl 18,21; Gđt 16,14).

Thầy mới có những lời ban sự sống đời đời (Ga 6,68)

Trong Tân Ước - Trong mặc khải Kitô giáo, lời Thiên Chúa có âm vang khác, mặc dầu các khía cạnh Cựu Ước xưa vẫn còn đó. Ðức Giêsu Kitô là Lời trở nên người phàm (Ga 1,14). Lời của Người và sự sống của Người chính là lời dứt khoát của Thiên Chúa (Dt 1,1-14), là hiện thân của tất cả các lời hứa được thực hiện (2Co 1,20), đó là Ngôi Lời của Thiên Chúa. Như xưa Lời được phái đến như thế nào, nay Ðức Giêsu Kitô là Ðấng được phái đến như vậy. Ðức Kitô là chứng nhân trung thành và chân thực, là khởi điểm khởi xuất hoặc là nguyên lý của tạo thành (Kh 1,5; 3,14; Col 1,15-18), là Lời của sự sống (1Ga 1,1, tức Logos).

Lời vẫn lần lượt chỉ về lời ngỏ cùng một ngôn sứ (Lc 3,2; Kh 19,9) chỉ về các giới răn của Thiên Chúa (Mc 7,13), hoặc chỉ về Kinh Thánh (Mt 15,4; Mc 12,26; Rm 15,10; 2Co 6,2). Nhưng Lời của Thiên Chúa nhiều hơn cả, chỉ về Tin Mừng được công bố và được thể hiện do Ðức Giêsu (Lc 5,1; 8,4-15.21; Cv 4,31; 13,5.46; 1Co 14,36; 2Co 2,17). Lời được công bố chính là "lời của sự thật, là Tin Mừng của ơn Cứu Ðộ" (Ep 1,13), một cách đích thực, đó là Lời của Thiên Chúa (1Th 2,13) đang tác động và sống động (Dt 4,12; 1Th 2,13), là lời sắc bén (Ep 6,17; Dt 4,12-13), đó là sức mạnh của Thiên Chúa (1Co 1,18) không thể trói buộc lại (2Tm 2,9). Ðó là luật hoàn thiện của tự do, chính là lời mang lại ơn cứu độ cho linh hồn (Gc 1,21-25). Các tông đồ năng gợi lại một lời nào đó của Ðức Giêsu như thẩm quyền tối thượng (1Co 7,10; Gc 1,6-22; 2,5; 3,18,4,4v.v.)

Quả vậy, Ðức Giêsu từng dạy dỗ với đầy quyền uy (Mt 7,29), khác hẳn các Thầy thông luật. Người không dựa vào sách vở hoặc truyền thống của cha ông (Mt 15,2; Mc 7,3) nhưng dựa vào thẩm quyền của chính Người để dậy người ta (Mt 5,22.28.32.34-39). Lời Người dậy cũng là lời của Chúa Cha đã nói với Người (Mt 11,27; Ga 14,10.24; 17,8). Ai muốn được sống cách vĩnh viễn, đều phải sống gắn bó với lời dậy đó (Ga 5,24). Ai muốn thoát khỏi sự chết (Ga 8,51), tức là muốn được cứu (Mt 7,24-27), đều phải nghe lời Người dậy và đưa ra thực hành (Lc 8,21). Lời Ðức Giêsu dậy là thần trí và là sự sống (Ga 6,63); Cv 5,20; Ph 2,16). Ðó là những lời ban sự sống đời đời (Ga 6,68).

Những tôi trung của Lời

Lời Thiên Chúa vang dội ngang qua lời của con người, trước hết qua miệng những người chứng về Ðấng Phục Sinh, đó là những người mà công cuộc rao giảng làm nền tảng cho đức tin của toàn thể Giáo Hội (Lc 1,1-4). Ðó là những tôi trung của Lời. Họ không chỉ lập lại lời dậy làm họ nhận được nhưng còn công bố ơn cứu độ với sự đảm bảo (Cv 28,31) nhờ quyền lực của Thánh Thần (Cv 1,8; 4,31; 10,44) Lời của Thiên Chúa mà họ rao giảng chính là mầu nhiệm giấu ẩn xưa kia, nay được mặc khải nơi Ðức Kitô, đó là chính Ðức Kitô nay ở giữa chúng ta (Col 1,25-27; Ep 3,1-13).

Vậy bài Tin Mừng hôm nay cho thấy ý nghĩa nổi bật về cuộc tiếp đón Ðức Giêsu do hai chị em Mácta và Maria. Ðây không phải chỉ là việc thương người như được thể hiện do người Samari nhân hậu (Lc 10,29-37). Ðúng ra, đây là việc yêu mến Thiên Chúa (c.27) vì Ðấng mà hai chị em đón tiếp là chính Ðấng Thiên Chúa làm người. Người chính là Ðấng các ngôn sứ đã từng loan báo trong Cựu Ước. Trong mọi lo toan của con người, một điều quan trọng hơn cả, đó là việc lắng nghe Lời Chúa. "Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra" (Mt 4,4; xem Lc 4,4). Chúa quan phòng sẽ chăm lo cho những ai trước tiên lo cho Nước của Người" (Lc 12,22-32). Ðó là điều ưu tiên Ðức Giêsu muốn nhắc nhở các môn đệ qua bài Tin Mừng này.

Một số câu hỏi gợi ý

1. Bạn tâm đắc được gì về lời Thiên Chúa như được mặc khải trong Cựu Ước? rồi trong Tân Ước?

2. Bạn hiểu gì về lời Ðức Giêsu trong Luca 10,42?


Back to Vietnamese Missionaries in Taiwan Home Page