Tìm hiểu và chia sẻ
đời sống Tin Mừng

Linh Mục Augustine, SJ. phụ trách

Prepared for internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan


Ngày 12 tháng 7 năm 1998
Chúa Nhật 15 Quanh Năm

Ðọc Tin Mừng Lc 10,25-37

Gợi ý để sống và chia sẻ Tin Mừng

Liên Hiệp Quốc hoạt động ở mức độ cao

Hơn bảy trăm nhân vật thuộc tổ chức Liên Hiệp Quốc cùng với nhiều đại diện tôn giáo thế giới, như Phật Giáo, Ấn Ðộ Giáo, Hồi Giáo, Do Thái Giáo và Kitô Giáo, đứng lên vỗ tay chào mừng thuyết trình viên. Người giáo dân từng là giáo viên tiểu học, luôn nói tiếng mẹ đẻ với giọng nói miền Bắc Italia, xuất hiện. Bà Chiara Lubich có điều gì đáng kể để truyền thông cho nhóm thính giả cao cấp này? Ta hãy đặt mình vào bối cảnh của buổi thuyết trình để theo dõi nội dung như được trình bày ở căn phòng số 3 của tòa nhà Liên Hiệp Quốc tại thành phố Nữu Ước. Cha Teilhard de Chardin có một nhận xét sâu sắc về tiến bộ. Cha nói: "Mọi điều thăng tiến đều hội tụ lại" (Tout ce qui monte se converge). Ở đây thuyết trình viên như muốn gợi ý về cuộc hội tụ giữa sứ mạng của tổ chức Liên Hiệp Quốc và sứ điệp tình yêu của phong trào Tổ Ấm (Focolore) Bà Chiara Lubich nói: "Ý niệm "hòa bình và an ninh" như được giao cho tổ chức Liên Hiệp Quốc thực hiện không được hiểu là tình trạng không có chiến tranh. Thực ra, đó là kết quả của những điều kiện làm nảy sinh nền hòa bình (...) Phong trào Focolare cũng nhằm hòa bình trên thế giới, nên cố công xây dựng tình hiệp nhất giữa các cá nhân, các nhóm và các dân tộc. Phong trào đề xuất, cổ võ và xây dựng hòa bình không phải ở cấp độ cao như Liên Hiệp Quốc, nhưng ở cấp độ giữa những con người, trong lòng một dân tộc, giữa những cá nhân cùng một ngôn ngữ, một sắc tộc, một quốc gia, với những thâm tín khác nhau.

Focolare ở mức độ con tim

Thử hỏi đâu là mối giây làm nên hiệp nhất là nguồn phát sinh ra hòa bình? Thưa là tình yêu, thứ tình yêu theo nhịp đập sâu thẳm nơi con tim của mỗi một con người. Với các môn đệ của Ðức Kitô, tình yêu ấy hệ ở điều mà người ta gọi bằng từ agape trong tiếng Hy Lạp, đó là việc tham dự vào tình yêu của chính Thiên Chúa. Tình yêu ấy mạnh đến nỗi có khả năng yêu cả những người không đáp lại tình yêu, cả những kẻ tấn công chúng tôi thậm chí cả kẻ địch. Ðó là tình yêu có khả năng tha thứ.

Với những ai không có thứ thâm tín tôn giáo loại đó, tình yêu ấy được hiểu là sự khoan dung. Tình yêu ấy từng được diễn tả bằng "Khuôn vàng thước ngọc" như báu vật của nhiều tôn giáo với câu nói: "Hãy làm cho người điều bạn muốn người ta làm cho bạn. Ðừng làm cho người khác điều chính bạn không muốn ai làm cho mình." Với những ai không có niềm tin tôn giáo, tình yêu nói đây được hiểu là lòng từ tâm, là tình liên đới, là bất bạo động. (...) Nền linh đạo của chúng tôi như hiện nay chúng tôi thực hiện, được gọi là linh đạo hiệp nhất (...) là linh đạo giả thiết nhìn nhận Thiên Chúa là Tình Yêu và là Cha. Quả thật, làm sao có thể quan niệm hòa bình và hiệp nhất của thế giới mà lại không nhắm tới toàn thể nhân loại như một gia đình duy nhất? (...)

Nghệ thuật yêu thương

Nhưng tin vào tình yêu Thiên Chúa dĩ nhiên chưa đủ. Chọn Thiên Chúa là lý tưởng cũng chưa đủ (...) Nào ý muốn của người cha chẳng phải là các con của mình đối xử với nhau như anh em và thương yêu nhau như anh em sao? (...) nghệ thuật của yêu thương là ta yêu thương trước chứ không chờ người khác yêu rồi ta mới đáp lại. Tình yêu đòi ta phải yêu mến mỗi cá nhân như chính mình. Tình yêu cần phải hiểu là ta "nên một" (se faire un) với người khác. Ðiều đó có nghĩa là ta cùng chia sẻ với họ những gánh nặng của họ, những ý nghĩ của họ, những niềm vui và nỗi buồn của họ (...) Giữa nhiều người yêu thương nhau, tự nhiên ta có tác động yêu thương qua lại. Ðức Kitô, người con chí ái tuyệt vời của Thiên Chúa CHA, chính là anh em với mọi người. Người đã để lại cho loài người mẫu mực về yêu thương nhau. Người biết mẫu mực đó cần thiết để hòa bình và hiệp nhất có thể ngự trị trên thế giới và một gia đình duy nhất được thiết lập trên đó. Gia đình nhân loại phổ quát đó vượt ngoài ý niệm giới hạn về một tổ chức xã hội quốc tế, bởi lẽ trong lòng gia đình nhân loại đó các mối tương quan giữa những con người, những nhóm và những dân tộc đều nhằm phá đổ những chia rẽ và những rào cản đủ loại ở mọi thời đại.

Chắc chắn ai lãnh lấy việc chuyển rời hằn thù và bạo động cả đống trên thế giới hiện nay, cũng phải đối diện với nhiệm vụ không nhỏ và không nhẹ chút nào. Nhưng điều chẳng thể thực hiện được khi hàng triệu người sống lẻ loi hoặc chia rẽ, thì lại là điều khả thi với những ai thể hiện một tình yêu qua lại giữa những người này với người kia và cố công làm cho tình hiệp nhất trở thành năng động thiết yếu cho đời sống mình đang sống.

Tại sao như vậy? Có lý do cho điều đó. Tôi xin nêu một khía cạnh khác nữa của thứ linh đạo mới mẻ, gắn liền với tình yêu qua lại giữa người này với người kia, một khía cạnh rất quí báu. Thực ra, khía cạnh ấy còn khiến ta bất ngờ và lấy làm lạ. Tin Mừng của Ðức Giêsu có loan báo khía cạnh đó khi nói: "Nếu hai hoặc nhiều người hiệp lại trong tình yêu đích thực thì chính Ðức Kitô là hiện thân của sự bình an sẽ hiện diện ở giữa họ, cho nên cũng hiện diện nơi mỗi người trong nhóm họ. Thử hỏi còn có điều gì bảo đảm hơn thế chăng? Hoặc còn có một khả hữu nào lớn hơn chăng đối với những ai thực sự muốn trở nên dụng cụ làm phát sinh tình huynh đệ và hòa bình?

Thứ tình yêu qua lại giữa người này với người kia, thứ tình hiệp nhất mang lại nhiều niềm vui cho những ai thể hiện nó, dù sao cũng đòi phải có quyết tâm, có rèn luyện hằng ngày và phải có hy sinh. Chính ở đây xuất hiện đối với các Kitô hữu, một từ mà người ta không muốn nghe vì kể đó là điên rồ, là vô lý và vô nghĩa. Từ đó là Thập Giá. Người ta sẽ chẳng thực hiện được gì tốt lành, bổ ích và dồi dào trên thế giới nếu không chấp nhận khó khăn, nếu không chấp nhận khổ đau, tắt một lời nếu không chấp nhận thập giá. Dấn thân sống để mang lại hòa bình cho thế giới đâu phải chuyện đùa vui! Cần phải can đảm, tức cần phải chấp nhận khổ đau (...).

Yêu mến dân tộc người khác như dân tộc mình

Nền linh đạo cộng đoàn nói trên không nhất thiết là nền linh đạo gắn liền với một Giáo Hội hoặc một tôn giáo. Ðó là nền linh đạo phổ cập nên có thể được thể hiện trong cuộc sống cách này hay cách khác bởi tất cả mọi người. (...) Loại bỏ chiến tranh, quả thật chưa đủ, mà còn phải tạo nên những điều kiện để mỗi dân tộc có thể yêu mến dân tộc của người khác như dân tộc mình ngang qua những quà tặng dành cho nhau cách vô vị lợi. (...)"

Như vậy, một cách đơn giản, người giáo dân Chiara Lubich cắt nghĩa giới răn yêu thương ngay ở trụ sở Liên Hiệp Quốc khởi đi từ mục đích mà tổ chức Liên Hiệp Quốc nhắm tới là "hòa bình và an ninh". Thuyết trình viên vạch cho thấy trong khi tổ chức Liên Hiệp Quốc nhắm đạt được hòa bình và an ninh ở cấp độ cao, thì phong trào Focolare mà bà sáng lập và đang lãnh đạo, nhằm đạt điều đó ở mức độ con tim nơi mỗi cá nhân với nhau.

Khi thính giả Gorejeb của Libang nêu câu hỏi xem có thể thực hiện được gì về hiệp nhất và yêu thương ngay tại Libang khói lửa, thuyết trình viên đã trả lời dựa vào việc làm của Focolare tại Libang: "Chúng tôi đã khởi đi với lòng yêu mến. Chúng tôi đã bắt đầu thể hiện tình thương đối với người thân cận, hết người này đến người khác. Người thân cận đó có thể là một phụ nữ cùng đi mua đồ với chúng tôi. Người đó khi khác có thể là một giáo sư hay một em bé; Khi khác nữa, có thể là một linh mục, hay một giám mục nữa. Chúng tôi đã lần lượt yêu quí mỗi người và ai nấy đến lượt được đưa vào cuộc cách mạng tình yêu là một cuộc cách mạng hoàn toàn mới."

Quả thật, đó là cách không những hiểu nhưng còn đưa Lời Chúa ra thực thi, và đó là cách chính Ðức Giêsu đã ví "như người khôn xây nhà trên đá" (Mt 7,24).

Một số câu hỏi gợi ý

1. Bạn nghĩ người giáo dân Chiara Lubich đã gợi lên được gì tại trụ sở Liên Hiệp Quốc, về dụ ngôn người Samari tốt lành?

2. Bạn tâm đắc gì về trả lời do bà Chiara Lubich đáp lại câu hỏi do ông Gorejeb?


Back to Vietnamese Missionaries in Taiwan Home Page