Tìm hiểu và chia sẻ
đời sống Tin Mừng

Linh Mục Augustine, SJ. phụ trách

Prepared for internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan


Ngày 05 tháng 7 năm 1998
Chúa Nhật 14 Quanh Năm

Ðọc Tin Mừng Lc 10,1-9

Gợi ý để sống và chia sẻ Tin Mừng

Chúa sai 72 môn đệ đi đến với muôn dân

Một mình tác giả Tin Mừng Luca nói tới cuộc sai phái thứ hai gồm bảy mươi hai môn đệ (10,1-12) sau cuộc sai phái thứ nhất chỉ gồm mười hai ông (9,1-6). Con số 12 tông đồ tượng trưng 12 chi tộc của dân mới của Thiên Chúa là Hội Thánh. Còn con số 72 tượng trưng 72 quốc gia trên thế giới theo sách Sáng Thế chương 10 bản văn Hy Lạp. Có lẽ Luca có ý ám chỉ sinh hoạt truyền giáo của Giáo Hội sau khi Ðức Giêsu đã rời khỏi các môn đệ.

Quả thật, ban đầu các môn đệ được chỉ dẫn đừng đi về phía dân ngoại (Mt 10,6). Nhưng trước khi rời khỏi các ông, Ðức Giêsu đã sai các ông đi đến với muôn dân và làm cho muôn dân trở thành môn đệ (xem Mt 28,16-20).

Các môn đệ được phái đi trước vào tất cả các thành nơi mà chính Ðức Giêsu sẽ đến (Lc 10,1). Ðiều đó cho thấy các môn đệ được phái đi không phải để rao giảng về mình nhưng để chuẩn bị cho chính Ðức Giêsu đến. Họ được phái đi từng hai người một. Hai người chứng sẽ có giá trị pháp lý. Họ sẽ làm chứng về Ðức Giêsu và về Nước của Thiên Chúa.

Họ được khuyến cáo xin chủ mùa gặt sai thợ gặt lúa về (c.2). Tại sao không xin để có nhiều người xung phong ra đồng gặt lúa về? Lý do vì Nước của Thiên Chúa phải do chính Chúa làm chủ và điều khiển nhân sự.

Các môn đệ không được ảo tưởng về mình và về việc mình làm. Họ ở trong tình trạng không khác bầy chiên giữa sói rừng (c.3), họ không thể tự bảo vệ nên cần hoàn toàn lệ thuộc vào Thiên Chúa là chủ mùa gặt, về mọi điều cần thiết. Họ được khuyến cáo đừng dừng lại để chào hỏi ai dọc đường (c.4), điều đó cho thấy tính cấp bách của nhiệm vụ loan báo Tin Mừng. Bình an mà các môn đệ trao tặng xem ra là một quà tặng cụ thể có hồn như một nhân vật. Ý niệm về bình an của Kinh Thánh ở đây là ý niệm về lời Thiên Chúa không chỉ là sứ điệp nhưng cách nào đó, là hiện thân của ngôi vị và quyền năng của chính Thiên Chúa. Ngôn sứ Isaia nói: "Lời Ta cũng vậy, một khi xuất phát từ miệng Ta, sẽ không trở về với Ta nếu chưa đạt kết quả, chưa thực hiện ý muốn của Ta, chưa chu toàn sứ mạng Ta giao phó" (55,11). Vậy các môn đệ không chỉ chuyển giao sứ điệp mà còn mang lại quà tặng của Thiên Chúa. Họ là thừa tác viên được ưu đãi mang quà tặng tới những người họ được phái đến, cho nên tác viên về quà tặng thiêng liêng xứng đáng được chăm sóc về nhu cầu thể lý như lời tông đồ Phaolô nhắn nhủ dân thành Galát rằng: "Người được học Lời Chúa, hãy chia sẻ mọi của cải với Người dậy dỗ mình (6,6)".

Vì công bố Tin Mừng là công bố chính lời Thiên Chúa nên không thể coi như việc chuyển giao sứ điệp loài người mà thôi; người được công bố lời Chúa cũng không thể đón nhận hoặc không đón nhận tùy ý. Ai không đón nhận Lời Thiên Chúa kể như không đón nhận chính Thiên Chúa, với hậu quả không thể lường được. Ðức Giêsu ví những thành đã từng nghe Người giảng mà không hoán cải để đón nhận chính Thiên Chúa, thì số phận của những thành ấy có khác chi thành Xođom xưa.

Bài Tin Mừng hôm nay trở nên đề tài thời sự với Thượng Hội Ðồng Giám Mục Á Châu đang họp tại Roma (tháng 4/98). Trước thiên niên kỷ thứ ba đang tới, các Ðức Giám Mục tại phần đất này của thế giới đang muốn duyệt lại cách thức loan Tin Mừng cho các dân tộc Á Châu. Không thể đốt giai đoạn. Như dân tộc Do Thái xưa, các dân tộc Á Châu cần được chuẩn bị trước khi loan báo cho họ biết về ơn cứu độ do Ðức Giêsu mang lại.

Mọi dân tộc đều chung một nguồn gốc

Công Ðồng Vatican 2 khẳng định rằng: "mọi dân tộc đều thuộc về một cộng đoàn cùng chung một nguồn gốc, vì Thiên Chúa đã cho toàn thể nhân loại sinh sống trên khắp mặt địa cầu. Họ lại có cùng một mục đích tối hậu là Thiên Chúa, Ðấng vẫn hằng giải rộng sự quan phòng, chứng tích lòng nhân hậu, và ý muốn cứu độ cho hết mọi người... Giáo Hội Công Giáo không hề phủ nhận những gì là chân thật và thánh thiện nơi các tôn giáo đó. Với lòng kính trọng chân thành, Giáo Hội xét thấy những phương thức hành động và lối sống, những huấn giới và giáo thuyết kia, tuy rằng có nhiều điều khác với chủ trương mà Giáo Hội duy trì, nhưng cũng thường đem lại ánh sáng của Chân Lý, Chân Lý chiếu soi cho hết mọi người. Tuy nhiên, Giáo Hội rao giảng Chúa Kitô, Ðấng "là đường, sự thật và sự sống" (Ga 14,16), nơi Người, con người tìm thấy đời sống tôn giáo sung mãn và nhờ Người, Thiên Chúa giao hòa mọi sự với mình." (Thời Ðại Ta, 1-2).

Chẳng bao lâu nữa, ta sẽ được hưởng kết quả của Thượng Hội Ðồng Giám Mục Á Châu hướng dẫn ta đến với các dân tộc Á Châu vượt xa những hướng dẫn của Công Ðồng Vatican 2. Nhưng ngay với bản tuyên ngôn Thời Ðại Ta, người Công Giáo đã có thể mạnh bạo sống chan hòa với mọi người bất kể họ thuộc tôn giáo nào. Ðó xem ra là điều mà Công Ðồng Vatican 2 muốn thấy được thể hiện khi khẳng định rằng mọi dân tộc trên khắp mặt đất đều cùng chung một nguồn gốc và nhắm cùng một mục đích tối hậu là Thiên Chúa. Ðó cũng xem ra là điều mà Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II muốn giao cho Giới trẻ phong trào Hiệp Nhất Thế Giới thể hiện năm 1985 khi nói với họ: "Tương lai ở trong tay các bạn. Thiên niên kỷ thứ hai sẽ kết thúc như thế nào và thiên niên kỷ mới sẽ khởi sự ra sao cũng ở trong tay các bạn. Các bạn đừng thụ động nhưng hãy đảm nhận lấy trách nhiệm được giao. Trong mọi lãnh vực hiện đang mở ra cho các bạn ngay nơi thế giới đang cần chỗi dậy về đời sống thiêng liêng từ sâu thẳm" (Tông thư cho giới trẻ, 31 tháng 3, 1985).

Chung một mục đích tối hậu

Lạ lùng, giới trẻ tại Á Châu không phân biệt tôn giáo, văn hóa, chính trị và chính kiến, đã tỏ ra bén nhạy với lời kêu gọi hiệp nhất thế giới, mặc dầu đó là điều đòi họ phải lội ngược dòng. Người ta thấy sự bén nhạy đó được biểu lộ nơi nhiều dự viên của Ðại Hội Liên Hoan Giới Trẻ được tổ chức tại Manila ngày 4 tháng 4, 1993. Gần 5,000 người trẻ đến từ 21 quốc gia gồm Nhật Bản, Miến Ðiện, Singapore, Malaysia, Thái Lan, Hong Kong, Ðài Loan, Macao, Pháp, Italia, và dĩ nhiên Phi Luật Tân là nước chủ nhà. Họ đến và đã tích cực ủng hộ phong trào hiệp nhất thế giới. Họ vui vẻ liên hoan với những lời ca tiếng hát, với những màn kịch câm, những vũ điệu và nhất là những kinh nghiệm nói lên quyết tâm lội ngược dòng để xây dựng thế giới hiệp nhất. Công trình xây dựng này dựa trên những dự án cụ thể trên ba con đường rõ nét là: (1) đi ngược lại tính ích kỷ thường gây nên chết chóc; (2) đi ngược trào lưu duy vật chất, và (3) hội nhập văn hóa; tức là nhập vào nền văn hóa của người khác như bước đường dẫn tới thế giới hiệp nhất.

Chàng Joel và nàng Marie còn 12 ngày nữa là cưới nhau. Họ đứng trên sân khấu để chia sẻ kinh nghiệm ngược dòng của họ. Chàng nói: "Thiên Chúa ở địa vị trên hết giữa hai chúng tôi. Trước tiên chúng tôi phải vâng lời Ngài thay vì theo ý riêng..." Nàng: "Trong sạch đòi chúng tôi phải yêu nhau không vì lợi ích riêng cá nhân... Theo gương Ðức Maria, hai chúng tôi phải duy trì tình bạn suốt thời gian hứa hôn, không hành xử như đã vợ chồng".

Chàng Noel tích cực góp phần xây dựng nền văn minh tình thương bằng cách cổ võ nền kinh tế chung hiệp thay vì nền kinh tế thương mại. Noel bán đồ ăn cầm tay chạy như tôm tươi dành 1/3 lợi tức cho người nghèo, 1/3 cho việc huấn luyện người cho thế giới hiệp nhất, 1/3 cho việc phát triển kinh doanh.

Cô Aminah là tín đồ Hồi Giáo gốc miền nam Phi Luật Tân. từ ngày lên Manila học, cô và các bạn Kitô vượt mọi thành kiến đẻ kết thân với nhau trong phong trào hiệp nhất thế giới.

Bạn Kaori từ Nhật Bản nói: "Tôi không phải là tín đồ Kitô. Tôi là một Phật Tử. Tôi chưa được biết nhiều về phong trào Hiệp Nhất Thế Giới. Ðây là lần đầu tiên tôi đến Phi Luật Tân dự Liên Hoan Giới Trẻ. Tôi thấy xây dựng thế giới hiệp nhất là điều khả thi. Ðây là lần đầu tiên tôi kinh nghiệm thế nào là hiệp nhất và cảm thấy điều đó khắp nơi trong Ðại Hội này. Ðây quả là khởi đầu của đời sống hiệp nhất đối với tôi và tôi thực tình muốn sống như vậy."

Bạn Net từ Thái Lan nói: "Ngay từ ngày đầu tôi đã được đánh động. Cha mẹ tôi ngỏ ý không muốn cho tôi tới dự vì ngại thiếu tiện nghi và những khó khăn về di chuyển. Nhưng tôi muốn thấy yêu thương được diễn tả nên đã vượt khỏi những khác biệt về văn hóa. Thường cuời không phải là điều tự nhiên đối với tôi, nhưng ở đây tôi không thể không cười. Hôm qua tôi thấy ai cũng mệt lử, mặc dầu vậy, họ vẫn ráng diễn tả tình thương giữa nhau. Tôi cũng ra sức làm như vậy. Và tôi đã nhường nhà tắm cho người khác khi đến lượt tôi... Tôi còn muốn nán lại lâu hơn nữa để mang tinh thần yêu thương và hiệp nhất về chỗ các bạn và gia đình tôi ở Thái Lan".

Một số câu hỏi gợi ý

1. Bạn tâm đắc gì về lời bình luận về Liên Hoan Giới Trẻ '93 của Joel? Marie? Noel? Aminah? Kaori? Net?

2. Bạn nghĩ gì về việc Chúa Giêsu sai các môn đệ đi đến với muôn dân trong viễn tượng của THIÊN NIÊN KỶ THỨ BA?


Back to Vietnamese Missionaries in Taiwan Home Page