Tìm hiểu và chia sẻ
đời sống Tin Mừng

Linh Mục Augustine, SJ. phụ trách

Prepared for internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan


 

Ngày 24 tháng 11 năm 2001

Lễ Kính Các Thánh Tử Ðạo Việt Nam

 

Ðọc Tin Mừng Ga. 17, 11b-19

(11) Khi ấy Ðức Giêsu ngước mắt lên trời và nói rằng: "Con không còn ở trong thế gian nữa, nhưng họ, họ ở trong thế gian;  phần con, con đến cùng Cha.  Lạy Cha chí thánh, xin gìn giữ các môn đệ trong danh Cha mà Cha đã ban cho con, để họ nên một như chúng ta.  (12) Khi còn ở với họ, con đã gìn giữ họ trong danh Cha mà Cha đã ban cho con.  Con đã canh giữ, và không một ai trong họ phải hư mất, trừ đứa con hư hỏng, để ứng nghiệm lời Kinh Thánh.  (13) Bây giờ, con đến cùng Cha, và con nói những điều này lúc còn ở thế gian, để họ được hưởng trọn vẹn niềm vui của con.  (14) Con đã truyền lại cho họ lời của Cha, và thế gian đã ghét họ, vì họ không thuộc về thế gian, cũng như con đây không thuộc về thế gian.  (15) Con không xin Cha cất họ khỏi thế gian, nhưng xin Cha gìn giữ họ khỏi ác thần.  (16) Họ không thuộc về thế gian cũng như con đây không thuộc về thế gian.  (17) Xin Cha lấy sự thật mà thánh hiến họ.  Lời Cha là sự thật.  (18) Như Cha đã sai con đến thế gian, thì con cũng sai họ đến thế gian.  (19) Con xin thánh hiến chính mình con cho họ, để nhờ sự thật, họ cũng được thánh hiến.

 

Gợi ý để sống và chia sẻ Tin Mừng

Hôm nay mừng kính các Thánh Tử Ðạo Việt Nam, Giáo Hội cũng mừng kỷ niệm việc thiết lập hàng Giáo Phẩm Việt Nam.

Kỷ niệm 41 năm thành lập hàng Giáo Phẩm

Từ khi vị thừa sai Phan-xi-cô Bu-do-mi (Francesco Buzomi, SJ.) có công thiết lập cơ cấu giáo xứ đầu tiên ở Việt Nam bước chân lên nước này năm 1615 cho tới khi hàng Giáo Phẩm Việt Nam được thiết lập năm 1960, thời gian kéo dài xấp xỉ 3 thế kỷ rưỡi.  Giai đoạn lịch sử ấy lần lượt được đánh dấu bằng việc thiết lập thành phần nhân sự quan trọng cho việc xây dựng Giáo Hội địa phương.

Khởi sự cha Ðắc Lộ (Alexandre de Rhodes, SJ.) đã khai sinh ra hội Thầy Giảng năm 1630.  Nhưng quan trọng hơn gấp bội là năm 1659 Toà Thánh thiết lập hai giáo phận Ðàng Ngoài và Ðàng Trong và đặt dưới quyền quản trị của hai vị tân giám mục Phan Lữ (Francois Pallu) và Lâm Bích (Pierre Lambert de la Motte).  Ðó là hai vị đồng sáng lập hội Thừa Sai Hải Ngoại Paris (M.E.P.).  Chính Ðức Cha Lâm Bích trong 3 năm 1668-1670, đã ban chức linh mục cho 9 người Việt Nam đầu tiên, hầu hết xuất xứ từ hội Thầy Giảng.  Chín linh mục này làm nên hàng giáo sĩ Việt Nam đầu tiên.

Từ cuộc phong chức linh mục do Ðức Cha Lâm Bích cho người Việt Nam đầu tiên là thầy Giuse Trang 28 tuổi năm 1668, tới cuộc phong chức giám mục cho Cha Gioan B. Nguyễn Bá Tòng do Ðức Thánh Cha Piô XI năm 1933 tại Roma, giai đoạn ấy kéo dài 2 thế kỷ rưỡi.  Từ khi có giám mục Việt Nam cho tới khi có hàng giáo phẩm Việt Nam, giai đoạn lịch sử  ấy chỉ kéo dài 33 năm.

Về nhân sự của giáo hội địa phương, kế tiếp việc thiết lập hàng giáo sĩ Việt Nam là việc thành lập dòng Nữ Mến Thánh Giá tại Kiên Lao (Nam Ðịnh) và Bái Vàng (Hà Nam) do Ðức Cha Lâm Bích năm 1670.  Khi ấy Ðức Cha Lâm Bích cảm thấy như đã đạt được điều ngài mơ ước từ dịp viếng mộ hai thánh Phanxicô Salêsi và thánh nữ Giaoanna Chantal tại Pháp năm 1657.  Ơn soi sáng đã đến trên ngài với hình ảnh một Giáo Hội có linh mục và nữ tu là hai con kinh tuôn đổ đức Tin và đức Ái tràn lan trên một đất nước:  Linh mục là hiện thân của lòng nhiệt thành, liều mạng như người chiến sĩ xông pha nơi trận tuyến hiểm nguy;  còn nữ tu là biểu tượng cho sự trong trắng và kết hợp đời sống cầu nguyện với công việc bác ái phục vụ.

Ðiều Ðức Cha Lâm Bích mơ ước quả là hình ảnh lý tưởng về Giáo Hội không phải lúc nào cũng đạt được.  Nhưng ơn đức Tin và đức Ái luôn phải có để làm nên Giáo Hội, đặc biệt trong thời cấm đạo.  Cũng chính ơn đức Tin và đức Ái làm nên các thánh Tử Ðạo.

Mừng kính Chư Thánh Tử Ðạo Việt Nam

Lịch sử 117 Thánh Tử Ðạo Việt Nam ăn khít với quãng thời gian 117 năm giữa 1745, khi hai vị thánh Phanxicô Frederich Tế và Matthêu Liciniana Ðậu hy sinh mạng sống cho tới năm 1862, khi thánh Phêrô Ða vừa bị thiêu vừa bị trảm quyết.  Tất cả 117 vị đã chịu chết vì đức tin dưới các triều đại vú Lê Chúa Trịnh, Tây Sơn và triều Nguyễn (Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Ðức).

Trong số 117 vị Tử Ðạo có 8 vị Giám Mục, 50 linh mục, 59 giáo dân, trong số này có một phụ nữ là thánh Anê Lê Thị Thành, người mẹ của sáu người con.

Các vị ấy chỉ là tượng trưng cho hàng mấy trăm ngàn người đã chịu chết vì đạo trong ba thế kỷ 17, 18 và 19.  Ðầu tiên phải kể trong tổng số ấy, thầy giảng Anrê Phú Yên bị trảm quyết vì đạo ngày 26.7.1644 trước sự có mặt của cha Ðắc Lộ.  Thi hài thầy Anrê được chôn táng trong nhà thờ dòng Tên tại Macao.  Cuối năm 1645 khi về Âu Châu, cha Ðắc Lộ đã đem đầu thầy sang Rôma, còn thân vẫn còn ở Macao.

Cũng phải kể tới những vụ sát hại tập thể ở Biên Hoà và Bà Rịa 1861-1862.  Riêng ở Bà Rịa khi ấy có khoảng 2.300 giáo dân từ lâu sống khá yên ổn cho tới tháng 8, 1861.  Chính những cuộc hành quân của binh đội Pháp tại Biên Hoà cuối năm 1861 sang năm 1862 đã làm cớ cho nhiều vụ giáo dân bị sát hại tập thể.  Hồi tháng 9 năm 1861 nhà cầm quyền tại Bà Rịa nhốt những người Công Giáo bị bắt vào bốn ngục: ngục Dinh là ngục chính ở ngay Bà Rịa, nhốt 300 đàn ông; ngục Thơm ở Long Kiên khoảng 4 cây số về phía Bắc Bà Rịa, giam 135 đàn bà con nít;  ngục Thành ở Long Ðiền giam 140 đàn bà con nít;  ngục thứ bốn tại họ đạo Ðất Ðỏ, nhốt 125 đàn bà trẻ con.  Bốn ngục chứa tổng số là 700 tín hữu ngày đêm có lính canh gác cẩn mật.  Nhưng với ba ngục giam phụ nữ và trẻ em, lính gác có phần dễ dãi hơn.  Vì thế một linh mục Việt Nam có thể tới thăm viếng và ban Bí Tích cho nhiều người bị giam ở ba ngục này.  Ðó là cha Trí giả dạng đi buôn, gánh hai tĩnh nước mắm vào bán trong ngục.  Chính cha Trí ngày 8.1.1862 tới tận ngục Dinh nơi bao giáo hữu từng bị giam thì chỉ còn thấy một đống tro tàn với xác chết nằm ngổn ngang mà chính ngài cùng với một linh mục nữa đã lo chôn cất.

Nhìn về phía trước: Sứ mạng giới thiệu Chúa Giêsu

Từ ngày cha Trí lo chôn xác 288 tín hữu chết vì đạo tại Bà Rịa tới nay, 139 năm đã trôi qua.  Ðiều không thể tưởng tượng được là phần một tập thể của gần 300 chứng nhân anh dũng tại Bà Rịa nay nằm trong lãnh thổ của giáo phận Xuân Lộc với dân số tín hữu đông đảo nhất.  Từ Bà Rịa nhìn ra vùng biển Vũng Tàu ngoài tượng Chúa ở Ô Quắn đang dang tay ôm ấp thế giới, nay còn có bức tượng Ðức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa cao 30 mét trên núi Bãi Dâu, đang giới thiệu Chúa Giêsu cho thế giới.

Bối cảnh cởi mở và lạc quan ấy xem ra không thích hợp lắm với bài Tin Mừng Ga 17,11b-19 được chọn cho thánh lễ Kính Các Thánh Tử Ðạo Việt Nam hôm nay.  Xem ra có sự đối kháng không thể nào hoà giải được giữa thế gian và các môn đệ của Chúa Giêsu.

Nhưng ở đây Chúa Giêsu trong bữa tiệc ly đang cầu nguyện cùng Cha cho các môn đệ.  Người ngỏ lời cùng Cha là Ðấng Thánh (c.11).  Sự kiện các môn đệ thuộc về Thiên Chúa (c.9) là lý do tại sao các môn đệ phải tách rời khỏi thế gian vì trong Cựu Ước sự thánh thiện của Thiên Chúa đối kháng với các thế tục.

Một cách đặc thù, các môn đệ cần được thánh hiến trong sự thật tức là trong chính lời của Thiên Chúa.  Các môn đệ đã lãnh nhận và đã giữ lời mà Chúa Giêsu mang lại cho họ từ Thiên Chúa (17,6.14); chính lời đó đã làm cho họ nên sạch (15,3); bây giờ lời đó đặt họ riêng ra nhằm sứ mạng là truyền lại lời đó cho người khác (17,20).

Vậy bài Tin Mừng Ga 17,11b-19 nhắc nhở chúng ta là con cháu các thánh Tử Ðạo Việt Nam 3 điều sau đây.

+ Người Kitô hữu chúng ta thuộc về Thiên Chúa theo gương các thánh Tử Ðạo Việt Nam.  Ðiều đó có nghĩa là chúng ta phải sống rõ nét đức tin mà Thiên Chúa ban cho ta.  Giữa một thế giới xem ra dễ dàng hơn nếu ta chấp nhận điều kém hơn đức tin và kém hơn sự công chính của Thiên Chúa, ta biết ta phải về phe với ai.  Rõ ràng các thánh Tử Ðạo đã về phe với Chúa Giêsu và đã phải trả giá bằng chính mạng sống của các ngài.

+ Người Kitô hữu cần nhìn mọi sự và mọi người với cặp mắt yêu thương của Thiên Chúa.  Thiếu đức tin là thiếu cặp mắt yêu thương của Thiên Chúa, thế giới loài người xem ra sẽ là một thế giới quá xấu để Thiên Chúa có thể sai Con của Người đến cứu chuộc.  Không một vị thánh Tử Ðạo nào lại bi quan như vậy.  Các ngài chết là để đón nhận ơn cứu chuộc do Con Thiên Chúa xuống thế làm người.

+ Dấu chỉ thời đại cho thấy phải đối thoại thay vì đối kháng.  Sẽ chẳng có đối thoại nếu không chia sẻ đức tin với người khác, nếu không đánh giá các nền văn hoá theo giá trị tương đối của mỗi nền văn hoá, nếu không quan tâm tới công bằng.

Con cháu các thánh Tử Ðạo Viêt Nam cần nhìn về phía trước.  Cuộc đối thoại liên quan tới điều gì đó là cơ bản nơi con tim nhân loại:  Ðó là lòng ước ao tìm kiếm Thiên Chúa giữa một thế giới mang đầy vết thương do tội gây nên.  Các thánh Tử Ðạo đã gánh lấy gánh nặng do hậu quả của tội chất lên vai các ngài.  Về phần ta, để có sự khả tín trong đối thoại, ta đã có trong con tim của ta sự sẵn sàng đó chưa?

 

Một số câu hỏi gợi ý

1.  Trên đường đi Vũng Tàu bạn có dịp dừng lại ở Bà Rịa, để viếng mộ tập thể của 288 vị tử đạo chôn gần nhà thờ Bà Rịa chưa?  Trong số 117 Thánh Tử Ðạo Việt Nam, vị nào khiến bạn thán phục nhất?  Bạn ưa thích kể lại cho con em tiểu sử của vị Thánh Tử Ðạo nào?

2.  Bạn hiểu thế nào là đối kháng?  Thế nào là đối thoại?  Thế naò là chống đối cách bất bạo động?  Thế nào là đấu tranh cho quyền con người?  Bạn nghĩ các thánh Tử Ðạo Việt Nam đã tỏ ra lập trường như thế nào về những điều vừa nói?

3.  Bạn nghĩ các thánh Tử Ðạo Việt Nam đã làm chứng về điều gì với cái chết của các ngài?

 


Back to Home Page