Tìm hiểu và chia sẻ
đời sống Tin Mừng

Linh Mục Augustine, SJ. phụ trách

Prepared for internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan


 

Ngày 7 tháng 10 năm 2001

Chúa Nhật 27 Thường Niên Năm C

 

Ðọc Tin Mừng Lc. 17, 5-10

(5) Khi ấy các Tông Ðồ thưa với Chúa Giêsu rằng: "Thưa Thầy, xin thêm lòng tin cho chúng con". (6) Chúa đáp:  "Nếu anh em có lòng tin lớn bằng hạt cải, thì dù anh em có bảo cây dâu này: "Hãy bật rễ lên, xuống dưới biển kia mà mọc", nó cũng sẽ vâng lời anh em."

(7) "Ai trong anh em có người đầy tớ đi cày hay đi chăn chiên, mà khi nó ở ngoài đồng về, lại bảo nó: "Mau vào ăn cơm đi", chứ không bảo: "Hãy dọn cơm cho ta ăn, thắt lưng hầu bàn cho ta ăn uống xong đã, rồi anh hãy ăn uống sau !"? (9) Chẳng lẽ ông chủ lại biết ơn đầy tớ vì nó đã làm theo lệnh truyền sao? (10) Ðối với anh em cũng vậy: khi đã làm tất cả những gì theo lệnh phải làm, thì hãy nói: chúng tôi là những đầy tớ vô dụng, chúng tôi đã chỉ làm việc bổn phận đấy thôi".

 

Gợi ý để sống và chia sẻ Tin Mừng

Máy bay rớt vỡ tan tành

Trưa ngày 12.10.1972 một chiếc máy bay cất cánh bỏ phi trường Monte Video của nước Uruguay để đi Santiago nước Chilê.  Khi băng qua dãy núi An-dê, chiếc máy bay ấy bị trục trặc.  Nó bất ngờ mất thăng bằng và lao mình trên đỉnh cao phủ đầy tuyết.  Toàn thể chiếc máy bay bị vỡ tan tành.

Thật rất khó tin là trong số 45 hành khách 28 người vẫn còn sống!  Tất cả đều thuộc đội banh bầu dục nước Uruguay.  Không một ai trong đội banh được trang bị để đối phó với thời tiết dưới Zêrô độ cả.  Cũng may họ tìm thấy một số vali đựng quần áo mà họ có thể mặc tạm.

28 người sống sót

Khi màn đêm buông xuống, 28 hành khách chụm lại với nhau trong một mảnh máy bay vỡ.  Vào ngày thứ 8, các đoàn tìm kiếm từ 3 nước Chilê, Uruguay và Argentina tuyên bố họ không tìm ra nơi máy bay bị rớt.  Tin đó đến qua máy thu thanh trên máy bay mà một cậu thanh niên phục hồi lại được.  Thế là cả nhóm thấy rõ họ phải tự cứu lấy mình vì không ai đi tìm cứu họ nữa.

Còn lại 16 người chụm lại cầu nguyện

Những ngày kế tiếp con số những người sống sót giảm xuống, từ 28 còn 16 người.  Trong cảnh cùng cực họ quyết định sẽ cùng nhau cầu nguyện mỗi buổi tối trong mảnh vỡ của máy bay.  Ðó là lúc mọi người đều ở lặng nhường lời cho một người trong nhóm đứng lên hướng dẫn cả nhóm cầu nguyện với chuỗi Mân Côi.  Cầu nguyện là nguồn lực duy nhất cho họ.  Cả những cậu thanh niên khô đạo nhất nay cũng bắt đầu cảm nghiệm được sâu sắc rằng Chúa luôn hiện diện.  Trong số những thanh niên khô đạo nhất trong nhóm phải kể đến chàng An-Ðô (Arturô).  Buổi tối hôm đó cả nhóm đều sửng sốt khi thấy An-Ðô yêu cầu nhóm cho chàng đứng lên hướng dẫn nhóm cầu nguyện.  An-Ðô đã thốt lên niềm cảm nghiệm thâm sâu từ đáy lòng mình khiến mọi người nghe đều xúc động.  An-Ðô từng là một con người khép kín, xa cách cả đối với những người thân yêu trong gia đình.  Nay An-Ðô khác hẳn, được mọi người trong nhóm trìu mến.  An-Ðô cầu nguyện xong, mọi người đều yên lặng nghe tiếng nức nở của chính An-Ðô.  Một bạn trẻ hỏi An-Ðô: "Tại sao bồ lại khóc?"  An-Ðô đáp: "Tại vì mình thấy được gần gụi Chúa quá sức!"

Ngày qua ngày, vào tuần lễ thứ tám, thời tiết bắt đầu bớt băng giá.  Hai thanh niên khoẻ nhất trong nhóm đồng ý thử leo xuống núi tìm người đến cứu.  Cuộc hành trình vô cùng khó khăn.  Hai bạn này được cột vào nhau bằng một sợi dây ni-lông.  Chỉ cần xẩy chân một chút cả hai sẽ nhào xuống vực thẳm.  Một trong hai người thấy cần phải củng cố nhau bằng lời cầu nguyện.  Anh này thưa với Chúa rằng: "Lạy Chúa, Chúa có thể làm cho cuộc hành trình này trở nên gai góc nhưng xin đừng để cho nó trở nên vô vọng."

Quả thật sau 9 ngày trèo xuống núi đầy thử thách, hai người đã tiếp xúc được với những người có thể cứu cả nhóm.  Chỉ trong vòng hai giờ đồng hồ những chiếc trực thăng quân đội đã bay lên đỉnh núi để cứu vớt 14 thanh niên sống sót còn lại.

Bốn điều về Nước Thiên Chúa

Bài Tin Mừng hôm nay cũng đặt chúng ta vào một cuộc hành trình.  Luca cho biết đây là cuộc xuất hành mới do Ðức Giêsu là Môsê Mới lãnh đạo (Lc 9,51).  Ngay từ bước khởi hành, Ðức Giêsu đã đòi hỏi môn đệ phải bỏ mọi sự (Lc 9,57-62).  Người tiếp tục huấn luyện các môn đệ trong suốt cuộc hành trình lên Giêrusalem bằng lời nói, việc làm và gương sáng của Người.  Bài Tin Mừng hôm nay nằm giữa dụ ngôn người giàu có và La-da-rô (Lc 16,19-31) và biến cố Chúa chữa lành mười người bệnh phong (Lc 17,11-19).  Ðức Giêsu lần lượt dạy các môn đệ bốn điều sau đây thuộc về Nước Thiên Chúa:

+ "Không thể không có những cớ làm cho người ta vấp ngã; nhưng khốn cho kẻ làm cớ cho người ta vấp ngã" (Lc 17,1).  Do đó phải quyết tâm thà chết còn hơn trở nên cớ khiến cho người khác vấp ngã.  Ðó là điều Ðức Giêsu có ý nói khi dạy các môn đệ rằng "Thà buộc cối đá lớn vào cổ nó và xô xuống biển còn lợi cho nó hơn là để nó làm cớ cho một trong kẻ bé nhỏ này vấp ngã" (Lc 17,2).

+ Ðàng khác, Ðức Giêsu còn dạy các môn đệ cách đối xử với những người gây cớ vấp ngã theo con đường sửa chữa và tha thứ tới bảy lần (Lc 17,3-4).  Con số tượng trưng bảy lần chỉ về mọi lần.

+ Nghe vậy, mười hai môn đệ đã được Thầy Giêsu chọn làm tông đồ (Lc 6,13) bị dội liền thưa: "Thưa Thầy, xin thêm lòng tin cho chúng con" (Lc 17,5).  Với câu nói "Nếu anh em có lòng tin lớn bằng hạt cải thì dù anh em có bảo cây dâu này: "Hãy bật rễ lên, xuống dưới biển kia mà mọc", nó cũng sẽ vâng lời anh em" (c.6).  Ðức Giêsu dùng một hình ảnh có vẻ phóng đại nhưng sống động giúp các tông đồ đặt nghi vấn là chưa hẳn các ông đã có niềm tin dù chỉ bằng hạt cải mà thôi! (c.6).  Có khi các ông quá tự tin về việc các ông đang tháp tùng Thầy Giêsu lên Giêrusalem.

+ Chính để giúp các môn đệ tránh ảo tưởng về mình, Ðức Giêsu đã dạy các ông phải ý thức mình là ai đối với Thiên Chúa trong Nước của Người (Lc 17,7-10).  Các ông cũng giống như  những người tôi tớ trong xã hội các ông đang sống.  Với họ, việc cày bừa hay chăn chiên ở ngoài đồng cũng như việc dọn cơm và hầu bàn ở trong nhà, đó là những chuyện hết sức bình thường.  Không người tôi tớ nào vào thời Ðức Giêsu lại dám nghĩ tới việc chủ phải cám ơn mình về những việc bổn phận đó.  Phương chi là các môn đệ của Ðức Giêsu trong tương quan với Thiên Chúa trong Nước của Người.  Họ càng phải tỏ ra khiêm tốn hơn biết chừng nào đối với những việc bổn phận họ đã làm.  Dù là bổn phận đề phòng để tránh không nên cớ vấp phạm cho người khác (Lc 17,3-4; 11,4).

Vấn đề vô dụng và hữu ích

Nhưng tại sao Ðức Giêsu lại khuyến cáo các môn đệ thưa với Chúa:  "Chúng tôi là những đầy tớ vô dụng, chúng tôi đã chỉ làm việc bổn phận đấy thôi" (Lc 17,10)?  Tại sao nói là những đầy tớ vô dụng khi những đầy tớ ấy chu toàn bổn phận khiến cho công việc xuôi chảy?

Có lẽ câu chuyện tai nạn máy bay nói trên có thể phần nào giúp ta trả lời câu hỏi vừa nêu.

Trước hết về tự nhiên, câu chuyện gợi ý cho thấy sự bất lực hoàn toàn của những hành khách sống sót không thể tự cứu lấy mình trong hoàn cảnh bị nạn.  Trong thực tế, rõ ràng 14 người được cứu là do sự can thiệp từ bên ngoài, không từ bên trong nhóm.  Chỉ có 2 người đã can đảm trèo xuống chân núi và kể như đã tự cứu sống.  Nhưng lòng can đảm đó họ có được là do biết bao nhiêu buổi cầu nguyện và bao nhiêu lời khích lệ của cả nhóm.

Nhưng quan trọng hơn là ý nghĩa siêu nhiên áp dụng với Nước của Thiên Chúa như Ðức Giêsu có ý dạy các môn đệ trong cuộc hành trình lên Giêrusalem.

Trong cuộc hành trình ấy Ðức Giêsu đòi các môn đệ phải gắn bó với một mình Người mà thôi.  Người đòi họ không những phải dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em nhưng "cả mạng sống mình nữa" (Lc 14,26).  Không những phải dứt bỏ cả mạng sống mình, mà còn phải đảm nhận lấy hiện hữu như được trao ban cho mình hầu theo sát gót bước Ðức Giêsu.  Nghĩa là: "Ai không vác thập giá mình mà theo tôi, thì không thể làm môn đệ tôi được." (Lc 14,27).

Như vậy tình trạng hoàn toàn bất lực của các môn đệ không thể tự cứu (không thể tự mình đạt được ơn cứu độ, tức là vô dụng đối với ơn cứu độ) được hiểu ngầm rồi trong cuộc hành trình lên Giêrusalem.

Còn về cuối cuộc hành trình, khi đã tới đích là Giêrusalem, chính Ðức Giêsu đã tự hiến để thế cho tất cả những điều các môn đệ được yêu cầu từ bỏ.  Ðó là lúc Ðức Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, bẻ ra, trao cho các ông và nói: "Ðây là mình Thầy, hiến tế vì anh em." (Lc 22,19).  Tới tuần rượu cuối bữa ăn, Người cũng làm như vậy và nói: "Chén này là Giao Ước mới, lập bằng máu Thầy, máu đổ ra vì anh em." (Lc 22,20).

Cuộc hành trình lên Giêrusalem thực ra không chỉ kết thúc ở cuộc hiến tế vừa nói.  Chính ở Giêrusalem, Ðức Giêsu sẽ chết và ngày thứ ba sẽ sống lại (Lc 18,33).  Hơn nữa, Người còn lên trời để mang mọi sự mà các môn đệ đã từ bỏ về cùng đích (x. Cv 1,11).

Chính nhằm mục đích ấy các môn đệ sẽ nhận được "sức mạnh của Thánh Thần khi Người ngự xuống trên anh em.  Bấy giờ anh em sẽ là chứng nhân của Thầy tại Giêrusalem, trong khắp các miền Giuđê, Samari và cho đến tận cùng trái đất." (Cv 1,8).  Quả thật, chính nhờ gắn bó với Ðức Giêsu trong cuộc hành trình lên Giêrusalem, các môn đệ cuối cùng đã trở nên những con người rất hữu ích trong Nước của Thiên Chúa.

 

Một số câu hỏi gợi ý

1.  So sánh những người sống sót trong tai nạn máy bay bị rớt với các môn đệ của Ðức Giêsu trong bài Tin Mừng hôm nay, bạn nhận thấy vấn đề "vô dụng" và "hữu ích" được đặt ra như thế nào?  Bạn có thể cắt nghĩa bài Tin Mừng hôm nay cho con em trong gia đình bạn không?

2.  Trong 4 điều Chúa Giêsu dạy các môn đệ về Nước Thiên Chúa (Lc 17,1-10), bạn tâm đắc điều gì hơn cả:  phải quyết tâm thà chết còn hơn trở nên cớ vấp phạm cho người khác vấp ngã (Lc 17,1-3)?  Với những ai gây cớ vấp phạm, ta có bổn phận sửa chữa họ tuy  phải luôn tha thứ cho họ (Lc 17,3-4)?  Cần phải theo gương các tông đồ xin Chúa thêm lòng tin cho ta (Lc 17,5-6)?  Vì không thể tự mình đạt được ơn cứu độ, ta đúng là những đầy tớ "vô dụng" (c.10) nhưng một khi nhận được sức mạnh của Thánh Thần, ta sẽ là những con người rất hữu ích trong Nước Thiên Chúa (Cv 1,8)?

 


Back to Home Page