Tìm hiểu và chia sẻ
đời sống Tin Mừng

Linh Mục Augustine, SJ. phụ trách

Prepared for internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan


 

Ngày 30 tháng 9 năm 2001

Chúa Nhật 26 Thường Niên Năm C

 

Ðọc Tin Mừng Lc. 16, 19-31

(19) "Có một ông nhà giàu kia, mặc toàn lụa là gấm vóc, ngày ngày yến tiệc linh đình. (20) Lại có một người nghèo khó tên là Ladarô, mụn nhọt đầy mình, nằm trước cổng ông nhà giàu, (21) thèm được những thứ trên bàn ăn của ông ấy rớt xuống mà ăn cho no. Lại thêm mấy con chó cứ đến liếm ghẻ chốc anh ta.  (22) Thế rồi người nghèo này chết, và được thiên thần đem vào lòng ông Ápraham. Ông nhà giàu cũng chết, và người ta đem chôn.

(23) "Dưới âm phủ, đang khi chịu cực hình, ông ta ngước mắt lên, thấy tổ phụ Ápraham ở tận đàng xa, và thấy anh Ladarô trong lòng tổ phụ. (24) Bấy giờ ông ta kêu lên: "Lạy tổ phụ Ápraham, xin thương xót con, và sai anh Ladarô nhúng đầu ngón tay vào nước, nhỏ trên lưỡi con cho mát; vì ở đây con bị lửa thiêu đốt khổ lắm !" (25) Ông Ápraham đáp: "Con ơi, hãy nhớ lại: suốt đời con, con đã nhận phần phước của con rồi; còn Ladarô suốt một đời chịu toàn những bất hạnh. Bấy giờ, Ladarô được an ủi nơi đây, còn con thì phải chịu khốn khổ. (26) Hơn nữa, giữa chúng ta đây và các con đã có một vực thẳm lớn, đến nỗi bên này muốn qua bên các con cũng không được, mà bên đó có qua bên chúng ta đây cũng không được".  (27) "Ông nhà giàu nói: "Lạy tổ phụ, vậy thì con xin tổ phụ sai anh Ladarô đến nhà cha con, (28) vì con hiện còn năm người anh em nữa. Xin sai anh đến cảnh cáo họ, kẻo họ lại cũng sa vào chốn cực hình này !" (29) Ông Ápraham đáp: "Chúng đã có ông Môsê và các Ngôn Sứ, thì chúng cứ nghe lời các vị đó". (30) Ông nhà giàu nói: "Thưa tổ phụ Ápraham, họ không chịu nghe đâu, nhưng nếu có người từ cõi chết đến với họ, thì họ sẽ ăn năn sám hối". (31) Ông Ápraham đáp: "Ông Môsê và các Ngôn Sứ mà họ còn chẳng chịu nghe, thì người chết có sống lại, họ cũng chẳng chịu tin đâu".

 

Gợi ý để sống và chia sẻ Tin Mừng

Không thể mến Thiên Chúa nếu không yêu đồng loại

Bài Tin Mừng hôm nay nói về cuộc phán xét cuối cùng như trong Mt 25,31-45.  Mục đích là vạch cho thấy con đường cứu độ.  Ta được cứu nhờ kết hợp với Thiên Chúa.  Nội dung của Tin Mừng hôm nay dạy ta về điều kết hợp ta với Thiên Chúa ngược lại với điều tách rời ta ra khỏi vòng tay của Người.  Ðiều kết hợp ta với Thiên Chúa chính là tình yêu:  Bài học cơ bản cần được lãnh hội là: Không thể kết hợp với Thiên Chúa nếu tách rời khỏi anh chị em đồng loại.  Không thể yêu mến Thiên Chúa nếu không yêu thương đồng loại.   Hai điều quan trọng mà Lời Chúa muốn ta ghi lòng tạc dạ là:  1) Mối tương quan liên hệ giữa ơn cứu độ và tình yêu đối với đồng loại.   2) Vai trò của Lời Chúa trong việc hoán cải ta.

Phẩm chất của tương quan với người lân cận

1. - Bài đọc thứ nhất nói rằng "Chúa không muốn một ai phải hư mất bởi vì Chúa yêu thương mọi điều Chúa dựng nên."  Thế mà bài Tin Mừng hôm nay lại cho thấy người giàu có sa hoả ngục!  Ðiều đó có nghĩa là mặc dầu ý muốn của Thiên Chúa là mọi người đều được cứu nhưng vẫn có những người hư đi.  Tại sao vậy?  Lý do vì nhiều người không để ý tới sự kiện là ơn cứu độ của ta hệ ở phẩm chất của mối tương quan giữa ta và người lân cận.  Về điều này Tin Mừng nói rõ.  Bài dụ ngôn hôm nay trình bày cho ta thấy hai hoàn cảnh xem ra trái ngược nhau nhưng trong thực tế không như vậy.  Những hoàn cảnh đó chỉ trái ngược nhau theo địa vị xã hội của hai nhân vật chủ yếu:  ở đời này người giàu có không thiếu sự gì, còn chàng La-da-rô thiếu thốn mọi sự; ngược lại, trong thế giới bên kia La-da-rô lại là người không thiếu sự gì, còn người giàu có thiếu thốn mọi sự!  Nhưng xét về điều thiết yếu hoàn cảnh thực sự của hai nhân vật hoàn toàn trước sau như một: ở đời này người giàu có không thiếu sự gì nhưng lại thiếu điều thiết yếu là tình yêu; nơi thế giới bên kia, người đó cũng sẽ xa cách Thiên Chúa là Thiên Chúa cứu.  Còn La-da-rô đã từng thiếu thốn mọi sự nhưng anh vẫn có Thiên Chúa nên trong thế giới bên kia anh tiếp tục ở với Thiên Chúa.  Tại sao khi ở đời này La-da-rô thiếu thốn cả những điều cần thiết?  Lý do vì người giàu có thiếu tình thương!  Do đó anh nghèo La-da-rô bị đối xử như một con chó.  Chính vì thiếu công bằng và tình yêu nên người giàu có gây nên đau khổ và sỉ nhục cho La-da-rô.  Phẩm chất của mối tương quan giữa người giàu và anh La-da-rô hết sức tiêu cực, hầu như không có tương quan gì cả:  Người giàu không xử đối với La-da-rô như người anh em theo luật đạo mà chỉ xử đối với La-da-rô như một con vật.

Người giàu hư mất vì thiếu tình yêu

Chính tình yêu thiếu vắng nơi người giàu có đã là nguyên nhân khiến người đó hư mất.  Ðiều làm phát sinh ra những khổ đau cho anh em cũng làm phát sinh ra sự hư mất đời đời! (x. Mt 5.22).  Ai đã từng sở hữu mọi sự ở đời này thì sẽ chẳng sở hữu được gì ở đời sau bởi lẽ người đó ở đời này đã chẳng có tình yêu  nên cũng chẳng có Thiên Chúa!  Giữa người đó và Thiên Chúa là cả một vực thẳm (c.26) vì vực thẳm xã hội ấy chính người giàu có đã đào thành hố sâu giữa bản thân mình và người nghèo La-da-rô.  Sự kiện tình yêu thiếu vắng đã chôn vùi người giàu có trong sự hư mất, điều đó ta thấy rõ khi so sánh bài Tin Mừng hôm nay với Mt 25,31-46:

+ "Ta đói mà các ngươi không cho ta ăn" (Mt 25,42).  La-da-rô "thèm được những mảnh vụn trên bàn ăn của ông ấy rơi xuống mà ăn cho no" (Lc 16,21).  La-da-rô đói khổ trong khi người giào có "ngày ngày yến tiệc linh đình" (c.17).

+ "Ta là khách lạ mà các ngươi không tiếp rước" (Mt 25,43).  "Lại có một người nghèo… nằm trước cổng ông nhà giàu" (Lc 16,20).  La-da-rô không được tiếp đón nơi nhà người giàu có nên phải nằm ngoài cổng, chỉ có bầy chó đến liếm láp.

+ "Ta trần truồng mà các ngươi không cho mặc" (Mt 25,43).  Người giàu có, ngược lại "mặc toàn lụa là gấm vóc" (Lc 16,19).  La-da-rô bị loại ra ngoài cổng ăn mặc rách rưới.

+ "Ta đau yếu… mà các ngươi đã không thăm viếng" (Mt 25,43).  La-da-rô với "mụn nhọt đầy mình", thế mà người giàu có chẳng quan tâm.  Chỉ có lũ "chó đến liếm ghẻ chốc anh ta."  Vì vậy các người đó "sẽ phải vào cực hình đời đời" (Mt 25,46):  Thiên Chúa không thể chấp nhận để loài người chúng ta đối xử với nhau một cách phi nhân.  Ðể hiểu điều đó ta cần hiểu kế hoạch mà Chúa Cha đã ấn định từ ban đầu.  Ngài có ý cho loài người nên như một gia đình được mời gọi kết hợp với Ba Ngôi Thiên Chúa.  Do đó Ngài đã sai Con Một Ngài là Ðức Giêsu đến qui tụ mọi người lại thành một thân thể duy nhất với Ðức Giêsu là đầu, và với mọi người là chi thể của Ðức Giêsu.  Chúng ta chỉ là một trong Ðức Giêsu Kitô.  Ta được nhận chìm trong Ba Ngôi với tư cách là thân thể của Ðức Giêsu.  Ðó là hình ảnh nói lên được chút nào đó về sự thật được mạc khải là: chúng ta đều là anh chị em với nhau trong Ðức Giêsu Kitô tới mức có thể nói như  thánh tông đồ Phaolô rằng anh chị em "tuy nhiều nhưng chỉ là một thân thể trong Ðức Kitô, ai nấy liên đới với nhau như những bộ phận của một thân thể" (Rm 12,5).  Ðó là lý do sâu thẳm thúc đẩy ta xử đối với nhau như anh chị em và yêu thương nhau tới mức có thể hy sinh tính mạng vì nhau (Ga 15,13).

Phẩm chất của tương quan dựa trên tình yêu

2. - Ðừng tưởng tới sự sống đời đời như là một cuộc sống chỉ bắt đầu sau khi ta chết vì sự sống ấy phải bắt đầu trong xã hội trần thế này.  Chính cái thế giới ta đang sống này cần được cứu.  Ta được mời gọi để bắt đầu sống sự sống trên trời ngay ở dưới đất này.  Bằng cách nào?  Thưa bằng cách liên lỉ đổi mới phẩm chất của những mối tương quan ta có đối với tha nhân.  Phẩm chất ấy phải dựa trên tình yêu.

Ðiều vừa nói xem ra dễ nhưng lại rất khó thực hiện!  Làm thế nào thực hiện được?  Chính Ðức Giêsu trả lời câu hỏi đó khi người giàu có xin cho anh La-da-rô đã chết hiện về để cải hoá những người anh em còn sống.  Ðức Giêsu trả lời qua tổ phụ Áp-ra-ham rằng "Chúng đã có ông Môsê và các ngôn sứ thì chúng cứ nghe lời các vị ấy" (Lc 16,29).  Ðức Giêsu cũng nói điều đó với chúng ta hôm nay là: Ðừng chờ xảy ra những phép lạ để bắt đầu mến Chúa và yêu người!  Hãy mở sách Phúc Âm ra sẽ thấy ở đó bài học về yêu thương.  Ðức Giêsu thường khuyến cáo người ta đưa lời Người dạy ra thực thi: "Hãy làm như vậy thì sẽ được sống" (Lc 10,28-37).

Biến đổi ghen tị thành yêu thương

"Tịnh và tôi lấy nhau được một năm.  Theo tục lệ thôn quê, tôi phải ở chung với cha mẹ chồng sau ngày cưới.  Vì ở chung nên chúng tôi không phải mua sắm gì cả."

"Ðến lượt em chồng lập gia đình thì nhà đã chật và vợ chồng chú phải dọn sang làng bên cạnh.  Họ phải sắm sửa đủ thứ.  Tôi cảm thấy ghen tức khi thấy họ được mua sắm tất cả vật dụng họ muốn."

"Tôi chợt nhớ tới Lời Chúa Giêsu dạy là "Ngươi phải yêu mến người lân cận như chính mình ngươi." (Mc 12,31).  Tôi hiểu ngay rằng nhu cầu của gia đình chú em là nhu cầu của tôi và tôi nên tỏ ra vui mừng khi thấy họ có đủ tiện nghi vật chất.  Lẽ ra tôi phải đặt mình vào hoàn cảnh của họ và vui mừng như chính họ.  Tôi bắt đầu yêu mến họ và cố gắng làm bất cứ điều gì để giúp đỡ họ.  Vì có chút kinh nghiệm về những thứ cần dùng trong nhà, nên tôi đề nghị họ nên mua những đồ cần thiết và thích hợp cho họ nhất."

"Tôi thực sự cảm nghiệm được rằng chính Lời Chúa đã biến đổi lòng ghen tị của tôi thành tình thương."

Lời Chúa đóng vai thiết yếu

Mẫu chuyện vừa kể do chị Tịnh cho thấy Lời Chúa đóng vai trò thiết yếu trong việc hoán cải lòng người:  Lời Chúa mang lại sức mạnh và ánh sáng giúp ta ra khỏi tính ích kỷ để có thể yêu thương.  Có những Kitô hữu chọn một câu Phúc Âm mỗi tuần để đưa ra thực thi.  Thực ra mọi Kitô hữu đều nên làm như vậy hầu mang lại phẩm chất cho đời sống hàng ngày của mình.

Một số câu hỏi gợi ý

1.  a) Có những người chăm lo đọc kinh, xem lễ nhưng chẳng quan tâm gì đến tình yêu đối với tha nhân:  Họ không buồn nói chuyện với người này và hay chỉ trích người kia, lại còn cãi cọ với người khác nữa.

b) Ngược lại, có những người chăm lo việc thiện nhưng chẳng để ý đến mối tương quan với Thiên Chúa trong cầu nguyện.  Bạn thử xét mình xem bạn thuộc loại người nào?  Loại a?  Loại b?  Hay là loại nào khác?

2.  Lời Chúa có vai trò nào đối với đời sống đức tin của bạn?  Bạn có kinh nghiệm nào về Lời Chúa ảnh hưởng sâu đối với bạn hay đối với một người như  chị Tịnh nói trên chăng?

 


Back to Home Page