Tìm hiểu và chia sẻ
đời sống Tin Mừng

Linh Mục Augustine, SJ. phụ trách

Prepared for internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan


Ngày 24 tháng 6 năm 2001
Chúa Nhật 12 Quanh Năm C

Ðọc Tin Mừng Lc 9,18-24

Gợi ý để sống và chia sẻ Tin Mừng

Là người can đảm

 Sáng sớm ngày 27 tháng 7 năm 1940, ông Lê Thu Hà (Surihara) tuổi 40, là đại sứ Nhật Bản tại cộng hòa Li-tu-a-nia, giật mình thức giấc bởi tiếng ồn ào của đám đông tới tấp đến trước tòa đại sứ. Nhìn qua cửa sổ, ông thấy dân chúng gồm cả mấy ngàn người ùn ùn kéo tới như trong một cảnh tị nạn.

Quả thật, người giúp việc đến thưa: "Ðó là những người tị nạn Do Thái. Họ đến xin đại sứ cứu sống họ."

Kể từ tháng 9 năm 1939, đoàn quân của Ðức Quốc Xã đã xâm chiếm lãnh thổ Ba Lan và nhà độc tài Hít-le (Adolf Hitler 1889-1945) đã ra lệnh khủng bố và tiêu diệt toàn bộ người Do Thái.

Ðại sứ Hà lên tiếng hỏi dân chúng muốn gì. Một luật sư tên là Ðỗ Như Ðắc (Giorac) thay mặt đám đông trình bày với Ðại sứ về số phận thảm thương của người Do Thái. Riêng gia đình luật sư Ðắc đã bị quân Ðức Quốc Xã giết chết hoàn toàn, chỉ còn một mình ông sống sót!

Ðể tránh nạn diệt chủng, người Do Thái chạy từ Balan sang tị nạn tại cộng hòa Li-tu-a-nia. Nhưng giờ đây chiến tranh đã lan tràn tới cộng hòa nhỏ bé này, nên đoàn người Do Thái lại phải lên đường chạy trốn. Lộ trình duy nhất để cứu sống họ là lộ trình xuyên qua lãnh thổ Liên Xô. Nhưng người Nga sẽ không cho phép người Do Thái nhập cảnh nếu họ không đưọc một nước thứ ba tiếp nhận. Tất cả đại sứ quán tại Li-tu-a-nia đều đóng cửa, không muốn giúp đỡ người Do Thái tị nạn.

Ðại sứ Hà nói với đoàn người tị nạn Do Thái rằng: "Tôi sẵn sàng cứu giúp quí vị, nhưng tôi phải hỏi ý kiến của Tôkyô trước đã."

Nghe Ðại sứ Hà trả lời, ông Ðỗ Như Ðắc thực sự lo lắng. Vào giai đoạn hiện tại, tức là vào năm 1940, nhiều quốc gia không mấy thiện cảm với dân tộc Do Thái; riêng Nhật Bản còn tỏ ý đồ muốn liên kết với Ðức Quốc Xã.

Ðại sứ Hà liền đánh điện về Bộ Ngoại Giao Tôkyô. Ông xin phép ký các chiếu khán chuyển tiếp ngay tức khắc cho lớp người Do Thái chạy tị nạn. Tôkyô trả lời rằng "Ông không được ký chiếu khán chuyển tiếp cho những người không được một quốc gia thứ ba tiếp nhận."

Hay là bậc anh hùng?

 Ðêm hôm đó, Ðại sứ Hà không thể nào ngủ được. Ông nói với vợ: "Anh phải làm một cái gì đó để cứu giúp những người tị nạn Do Thái đáng thương này." Vợ ông là bà Lưu Thị Cơ (Lujico) cũng là người công giáo tốt, hoàn toàn hiệp nhất với chồng: "Vâng chúng ta có bổn phận cứu giúp người Do Thái."

Ðại sứ Hà còn liên lạc với Tôkyô thêm hai lần nữa, nhưng lần nào cũng bị Bộ Ngoại Giao từ chối lời ông yêu cầu. Ông nói với vợ: "Nếu anh bất tuân lệnh chính phủ thì có nghĩa là con đường sự nghiệp của anh tiêu tan. Nhưng anh quyết định bất tuân. Nếu anh vâng lệnh chính phủ thì điều đó có nghĩa là anh không vâng lệnh Thiên Chúa. Anh đã chọn theo tiếng nói lương tâm để vâng phục Thiên Chúa hơn là vâng phục loài người." Bà Lưu Thị Cơ vợ ông trả lời: "Vâng, chúng ta phải cứu sống càng nhiều người Do Thái càng tốt."

Quyết định rồi, Ðại sứ Hà đứng trước cửa đại sứ quán tuyên bố với đám đông người Do Thái: "Tôi sẽ ký chiếu khán chuyển tiếp cho tất cả những ai xin."

Ðoàn người Do Thái tị nạn từ yên lặng ngỡ ngàng chuyển sang cử chỉ hò reo vui sướng. Nhiều người không cầm được nước mắt vì cảm động trước lời tuyên bố của Ðại sứ Hà.

Sáng hôm đó ngày 1 tháng 8, 1940, Ðại sứ Hà bắt đầu ký chiếu khán cho đoàn người tị nạn Do Thái chuyển tiếp sang Nhật. Ông làm việc bất kể ngày đêm. Trong vòng một tháng ông đã ký 3500 chiếu khán. Nhiều người nhận được chiếu khán Nhật Bản nói "Chúng tôi sẽ không bao giờ quên ơn Ðại sứ Lê Thu Hà."

Quả thật năm 1967, chính quyền Israel đã tổ chức lễ tưởng thưởng vị anh hùng Nhật Bản đã cứu sống nhiều người Do Thái thời thế chiến thứ hai. Vào dịp đó, ông Lê Ðình Ngô (Igo) nhà vật lý học, nói về Ðại sứ Hà rằng: "Người can đảm là người làm điều khó làm trong khi vị anh hùng làm điều xem ra không thể nào làm được. Vị anh hùng hành động ngay cả khi ông biết mình không được bất cứ một lợi lộc nào."

Còn ông Ðỗ Như Ðắc (Giorac) khi ấy là Bộ trưởng bộ tôn giáo, thì nói: "Ðại sứ Lê Thu Hà quả thực là vị Ðại sứ của Thiên Chúa."

Ðại Sứ của Thiên Chúa theo nghĩa tuyệt đối

 Với bài Tin Mừng hôm nay thánh Luca cũng hé mở cho thấy Ðức Giêsu ý thức mình là ai, vượt trên tất cả những điều người ta có thể nghĩ về Người. Người không chỉ là một con người can đảm. Người cũng không phải chỉ là một bậc anh hùng. Nhưng Người là Ðại Sứ của Thiên Chúa theo nghĩa tuyệt đối. Tức là Người Con của Thiên Chúa (Lc 1,35), được cưu mang do quyền năng Chúa Thánh Thần (Lc 1,35), sinh ra là Ðấng Cứu Ðộ (Lc 2,11). Do đó Người mới có quyền đòi hỏi mọi người phải từ bỏ chính mình vác thập giá mình hằng ngày mà theo Người (Lc 9,32). Người được Thiên Chúa phái đến không chỉ để cứu sống một số người nhưng là để cứu sống toàn thể nhân loại một cách vĩnh viễn.

Thánh Luca đã khéo đặt màn tuyên tín của tông đồ Phêrô đại diện nhóm Mười Hai ở đỉnh cao của sách Tin Mừng Luca về Ðức Giêsu. Chính Ðức Giêsu đặt bối cảnh cho màn tuyên tín này bằng việc Người cầu nguyện một mình (c.18) cho thấy tầm quan trọng của nó.

c.20: Với lời tuyên xưng của Phêrô nhìn nhận Thầy Giêsu là "Ðức Kitô của Thiên Chúa" như ngôn sứ Simêon đã tuyên xưng (Lc 2,26), cho thấy Ðức Giêsu chính là Ðấng mà Thiên Chúa phái đến để thực hiện kế hoạch cứu độ.

c.21: Cho thấy Ðức Giêsu dứt khoát không muốn người ta lầm tưởng Người được Thiên Chúa sai đến để giải phóng Israel theo hướng chính trị.

Cứu nhân độ thế qua sự chết và sống lại

 c.22: Ngược lại, Người thực hiện công trình cứu nhân độ thế bằng chính con đường đau khổ, chết và sống lại của Người. Người kết hợp nơi bản thân cả hai hình ảnh: hình ảnh của Con Người đến giữa mây trời theo lời ngôn sứ Ða-ni-en 7,13-14 và hình ảnh Người Tôi Tớ chịu đau khổ để đền tội cho dân, theo như ngôn sứ Isaia 40-45.

cc.23-24: Ðiều được Luca nhấn mạnh là mọi người. Mọi người đều được kêu gọi bước theo Ðức Giêsu và việc đó có nghĩa là CHỌN con đường khổ nạn chính Người đã chọn (c.22). Nhưng con đường ấy lại chính là con đường đưa tới vinh quang khi Người bước vào trong vinh quang của Người, của Chúa CHA cùng với các thánh thiên thần (c.26).

Một cách đơn giản mọi người đều có thể dự phần vào cuộc khổ nạn của Ðức Giêsu bằng cách từ bỏ mình hàng ngày. Bình thường việc từ bỏ đó không phải là một hy sinh lớn lao, tuy vẫn là con đường đưa nhiều người Kitô tới cái chết tử đạo như bài Tin Mừng hôm nay có thể đã ám chỉ (c.24).

Người môn đệ nào chấp nhận con đường đau khổ và gian nan thử thách hầu phục vụ Danh Chúa (1C 15, 31; 2C 4,10-11), người đó xem ra mất tất cả mọi sự (c.24). Nhưng dưới cái nhìn đức tin, người đó sẽ cứu chính mạng sống mình vì mạng sống của người ấy sẽ được đưa vào vinh quang Thiên Chúa trong ngày chung thẩm (c.26).

Ai là người môn đệ Ðức Giêsu cũng đều phải sống mầu nhiệm Vượt Qua của Thầy Chí Thánh, như lời thánh Phaolô nói: "Anh em không biết rằng: Khi chúng ta được dìm vào nước thanh tẩy, để thuộc về Ðức Kitô Giêsu, là chúng ta được dìm vào trong sự chết của Người sao?" (1C 6,3).

Một số câu hỏi gợi ý

1. Theo ý bạn, khi cấp chiếu khán cho 3500 người Do Thái tị nạn nhập cảnh Nhật Bản, Ðại sứ Lê Thu Hà đã tỏ ra là một người can đảm? Ðã tỏ ra là một bậc anh hùng? Ðã thực sự hành động với tư cách là vị Ðại sứ của Thiên Chúa? Ðã thực sự sống Tin Mừng hôm nay bằng cách vác thập giá mình hàng ngày để bước theo Chúa Giêsu? Hay bạn có ý kiến nào khác?

2. Bạn nghĩ việc bạn từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hàng ngày mà theo Chúa Giêsu, việc đó khi nào là chuyện bình thường và khi nào trở nên gay cấn như một cuộc tử đạo?
 
 


Back to Vietnamese Missionaries in Taiwan Home Page