Tìm hiểu và chia sẻ
đời sống Tin Mừng

Linh Mục Augustine, SJ. phụ trách

Prepared for internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan


Ngày 4 tháng 3 năm 2001
Chúa Nhật 1 Mùa Chay C

Ðọc Tin Mừng Lc 4,1-13

Gợi ý để sống và chia sẻ Tin Mừng

Vào đúng sáng Chúa Nhật Phục Sinh ngày 14 tháng 4, 1841, quan Tổng đốc Trịnh Quang Khanh nổi tiếng là Hùm Xám Tỉnh Nam, tức Nam Ðịnh, đích thân chỉ huy 500 lính đột xuất bao vây làng Phúc Nhạc. Quan ra lệnh tập trung mọi người trong làng lại để lính lục soát từng nhà. Mục tiêu chính yếu mà họ nhắm là bốn đạo trưởng. Hai cha Thành và Ngân trốn thoát kịp thời. Cha Nhân vừa dâng thánh lễ xong, được các dì Mến Thánh Giá mời lên trú ẩn nơi gác bếp của các dì, bị bắt đầu tiên. Lính phát hiện ra cha trên gác vì thấy gấu áo cha chuyển động giữa hai kẽ ván. Cha Lý được ông trùm Cơ dẫn sang vườn nhà bà Ðê ở sát bên. Bà Ðê đưa cha xuống ẩn ở đường mương khô ráo phía sau vườn, cạnh một bụi tre. Bà nói: "Xin cha ẩn dưới rãnh này. Ðức Chúa Trời gìn giữ thì cha thoát, bằng không, cha và con đều bị bắt."

 Vừa nói bà Ðê cùng với người con gái Lu-xi-a Nụ, lấy rơm và cành khô che nơi trú ẩn của cha Lý. Nhưng lính đã thấy cha chạy sang vườn nhà bà Ðê, nên họ tới bắt cha và bà Ðê là chủ nhà. Họ cũng bắt ông trùm Cơ và bốn hương chức làng Phúc Nhạc, cùng với hai nữ tu Mến Thánh Giá là Anna Kiêm và Anê Thanh. Lính lục soát nhà bà Ðê. Họ lấy hết thóc lúa, đồ dùng, tiền bạc mà họ tìm thấy. Người ta nhận thấy bà Ðê rất sợ hãi khi mới bị bắt, nhưng khi bị giong ra đình làng, bà tỏ ra vui tươi không sợ sệt gì nữa!

 Ðó là bối cảnh của cuộc bắt bớ vị thánh nữ tiên khởi Việt Nam được Ðức Gioan Phaolô II tôn phong hiển thánh tại Rôma ngày 19.6.1988 cùng với 116 vị đã hy sinh chịu chết trên quê hương đất nước Việt Nam.

 Bà Ðê chào đời vào khoảng năm 1781 tại làng Bái Ðiền, huyện Yên Ðịnh, tỉnh Thanh Hoá, lấy tên là Anê Lê Thị Thành khi chịu phép rửa tội. Từ nhỏ, bé Thành đã theo mẹ về sống ở quê ngoại Phúc Nhạc là một giáo xứ lớn nay thuộc giáo phận Phát Diệm, tỉnh Ninh Bình. Chính ở đây khi lên 17 tuổi, cô Thành đã kết hôn với anh Nguyễn Văn Nhất, và sinh được hai trai là Ðê và Trân và bốn gái là Thu, Năm, Nhiên và Nụ. Theo tục lệ địa phương, người ta thường gọi cha mẹ bằng tên người con đầu lòng, nên mới có tên ông Ðê, bà Ðê.

 Ở trên đã nói khi mới bị bắt, bà Ðê tỏ ra rất sợ hãi, nhưng sau bà tỏ thái độ vui tươi khác hẳn. Quả thật, người mẹ gương mẫu Công Giáo này nhờ ơn Chúa đã chịu biết bao cực hình nhưng đã kiên trung với Chúa đến cùng.

 - Sáu ngày sau khi bị giải về Nam Ðịnh, bà Ðê bị quan toà bắt phải chối đạo. Ðứng trước công đường bà đã thưa: Tôi chỉ tôn thờ Thiên Chúa, không bao giờ tôi bỏ đạo.

 - Lập tức quan truyền đánh đòn bà. Lúc đầu, lính đánh bằng roi, sau dùng củi lớn quật vào chân bà. Chính bà đã nói với chồng khi ông đến thăm: "Họ đánh đập tôi vô cùng hung dữ, đến mức đàn ông không chịu nổi, nhưng tôi đã được Ðức Mẹ giúp sức, nên tôi không cảm thấy đau đớn!"

 - Ðến lần thẩm vấn thứ hai, rồi thứ ba, mà thấy bà Ðê vẫn trước sau như một, không chịu bỏ đạo, quan liền ra lệnh cho lính vừa đánh vừa lôi bà bước qua Thánh Giá. Nhưng bà Ðê sấp mình xuống đất và kêu lớn tiếng rằng: Lạy Chúa, xin thương giúp con, con không bao giờ muốn chối bỏ lòng tin Chúa, nhưng vì con là đàn bà yếu đuối, nên họ dùng sức mạnh để cưỡng bách con đạp lên Thánh Giá.

 - Kế đến là lần ra trước toà với cái màn rắn độc khủng khiếp. Quan cho lính túm hai tay áo bà Ðê lại, rồi thả rắn độc vào trong áo bà. Nhưng bà Ðê tỏ ra bình tĩnh lạ thường. Bà không hề nhúc nhích nên rắn không cắn mà chỉ lượn vài vòng rồi bò ra khỏi người bà. Quan tức giận cho lính đánh bà một cách tàn nhẫn đến nỗi phải có người dìu bà trở về nhà giam. Thế mà một nhân chứng cho biết: Bà Ðê vẫn vui vẻ, và còn muốn chịu khó hơn nữa vì lòng yêu mến Chúa.

 - Tất cả những lời bà Ðê nói vào những ngày cuối đời bà đều cho thấy thử thách đã tôi luyện con người bà như thế nào.

 Bà vững vàng an ủi con là Lu-xi-a Nụ. Cô này khóc sướt mướt vì khi đến thăm mẹ, cô thấy y phục mẹ thấm đầy máu me. Bà nói: "Con đừng khóc, mẹ mặc áo hoa hồng đấy, mẹ vui lòng chịu khổ vì Chúa Giêsu thì sao con lại khóc?" Bà con dạy các con ở nhà hãy "cầu nguyện cho mẹ vác Thánh Giá Chúa đến cùng. Chẳng bao lâu mẹ con ta sẽ đoàn tụ trên nước Thiên Ðàng."

 Vào lúc hấp hối, bà Ðê thường cầu xin cùng Chúa: "Lạy Chúa, Chúa đã chịu chết vì con, con hết lòng theo thánh ý Chúa. Xin Chúa tha mọi tội lỗi cho con." Lời cuối cùng trước khi bà Ðê tắt thở là: "Giêsu Maria Giuse! Con xin phó linh hồn và thân xác con trong tay Chúa, xin ban ơn cho con được tuân theo ý Chúa trong mọi sự."

 Lời chót từ miệng thánh Anê Lê Thị Thành vang vọng lời chót của chính Chúa Giêsu khi Người thưa cùng Cha: "Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha." (Lc 23,46). Quả thật, trọn đời sống Kitô hữu là để theo sát gót bước Chúa Giêsu, tức là trở nên môn đệ của Người từ trong ý nghĩ cho tới hành động. Bài Tin Mừng hôm nay cho thấy Chúa Giêsu đã đối đầu với tên ác quỉ cách quyết liệt như thế nào để duy trì đời sống riêng tư của Người với Cha. Tất cả các chương sách Tin Mừng tiếp theo của Luca là để cho thấy trọn đời sống công khai của Chúa Giêsu là để duy trì cũng một lòng gắn bó đó của Người với Cha như con đường để mọi người trong dân mới của Thiên Chúa bước theo.

 Bốn mươi ngày mà Chúa Giêsu trải qua nơi hoang địa gợi ý về bốn mươi năm dân Ít-ra-en đã trải qua nơi sa mạc. Qua những năm tháng ấy dân Ít-ra-en đã chịu thử thách và đã sa ngã. Riêng Chúa Giêsu, Người đã chịu thử thách nơi hoang địa và đã thắng kẻ cám dỗ.

 Sách Tin Mừng của Mác-cô chỉ nói vắn tắt rằng: "Ðức Giêsu ở trong hoang địa bốn mươi ngày, chịu Xa-tan cám dỗ" (Mc 1,13), trong khi Tin Mừng của Luca cũng như của Mátthêu đều mô tả về ba cơn cám dỗ. Ðó là những chước cám dỗ mà Chúa Giêsu đã trải qua dọc theo cuộc sống của Người. Ðó cũng là những chước cám dỗ mà các môn đệ theo Chúa Giêsu cũng phải trải qua. Ngang qua cơn cám dỗ thứ nhất và thứ ba, quỉ ngỏ lời với Ðức Giêsu trong tư cách là Con Thiên Chúa. Ðiều hắn nhắm là làm cho Ðức Giêsu hết còn vâng lời Cha mình theo tình con thảo. Quỉ cám dỗ Chúa Giêsu làm phù phép để biến đá thành những ổ bánh mì mà ăn cho đỡ đói, tức là hắn muốn lôi kéo Chúa sử dụng quyền năng mình nhằm mục đích riêng tư thay vì nhằm mục đích Thiên Sai theo kế hoạch yêu thương của Cha. Hắn còn gieo ngờ vực đối với những điều Thiên Chúa cam kết để Chúa Giêsu không hoàn toàn tin tưởng thể hiện sứ vụ mà Cha giao phó. Qua chước cám dỗ thứ hai, quỉ muốn Chúa Giêsu hết còn lệ thuộc vào Thiên Chúa. Hắn dám khẳng định cho mình quyền làm chủ quyền lực cũng như danh vọng trên toàn thế giới. Quả thật, hắn là tên lừa bịp. Chính Chúa Giêsu đã không bị hắn lừa. Nhưng xưa nay biết bao nhiêu người từng bị hắn lừa đảo qua chước cám dỗ này.

 Ðể đối phó với cả ba chước cám dỗ, Chúa Giêsu đều dùng Lời Kinh Thánh để đánh bại tên ác quỉ (Ðnl 8,3; 6,13-16). Chính hắn cũng dùng Lời Kinh Thánh để cám dỗ Chúa Giêsu (cc.10-11), nhưng Chúa duy trì lòng trung kiên của mình với Cha mà không bị hắn lừa. Quỉ bỏ đi nhưng vẫn chờ thời cơ (c.13). Ðiều đó cho thấy ý nghĩa lời Chúa Giêsu khuyên các môn đệ là phải tỉnh thức và cầu nguyện để khỏi sa chước cám dỗ (Lc 22,40).

 Trở lại với cuộc tử đạo của thánh nữ Anê Lê Thị Thành, ta cũng phần nào đọc được bước đường mà thánh nữ đã trải qua để sống gắn bó với Thiên Chúa. Bí quyết của chiến thắng mà thánh nữ đã đạt được xem ra thánh nữ đã tiết lộ cho người chồng đến thăm. Thánh nữ Anê Thành nói: "Họ đánh đập tôi vô cùng hung dữ, đến mức đàn ông không chịu nổi, nhưng tôi đã được Ðức Mẹ giúp sức, nên tôi không cảm thấy đau đớn." Chính nhờ lời Ðức Mẹ chuyển cầu mà thánh Anê Ðê không những vui vẻ chịu mọi cực hình mà còn muốn chịu khó hơn nữa vì lòng yêu mến Chúa, như lời một chứng nhân đã cho biết. Thánh nữ luôn khiêm nhường. Ngay trước công đường bà Ðê không ngại sấp mình xuống đất mà kêu lớn tiếng rằng: "Lạy Chúa, xin thương giúp con!?" Chính bà dạy các con "cầu nguyện cho mẹ vác thánh giá Chúa đến cùng."

 Người ta đã nhận thấy bà Ðê rất sợ hãi khi mới bị bắt nhưng khi bị giong ra đình làng, bà tỏ ra vui tươi không còn sợ sệt nữa. Rồi khi chịu cực hình, bà còn muốn chịu khó hơn vì lòng mến Chúa. Ðó quả là ơn trợ giúp từ trên ban xuống mà bà nhận được qua cầu nguyện. Quả thật bà đã thực thi điều Chúa Giêsu dạy là phải tỉnh thức và cầu nguyện để khỏi sa chước cám dỗ (Lc 22,40). Chính nhờ đó phần thưởng dành cho bà thật lớn lao bởi lẽ "vì Con Người mà bà bị người ta oán ghét, khai trừ, sỉ vả và bị xoá tên như đồ xấu xa." (Lc 6,22).
 
 

Một số câu hỏi gợi ý

1. Suy nghĩ cho kỹ, bạn thấy trong ba chước cám dỗ mà Chúa Giêsu đã trải qua, chước cám dỗ nào níu kéo người thời nay nhiều nhất? Hay bạn nghĩ tới một số chước cám dỗ khác hiện đại và mạnh mẽ hơn đối với xã hội ta đang sống?

 2. Trong số các cực hình hoặc thử thách mà bà thánh Anê Ðê phải chịu, thứ nào xem ra là cực hình hay thử thách lớn nhất đối với người thời nay? Hay bạn nhận ra những thách đố đặc biệt nào khác đối với đời sống đức tin của con em mà bạn muốn quan tâm đề phòng?
 
 


Back to Vietnamese Missionaries in Taiwan Home Page