Tìm hiểu và chia sẻ
đời sống Tin Mừng

Linh Mục Augustine, SJ. phụ trách

Prepared for internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan


Ngày 25 tháng 2 năm 2001
Chúa Nhật 8 Quanh Năm C

Ðọc Tin Mừng Lc 6,39-45

Gợi ý để sống và chia sẻ Tin Mừng

Từ Tự Vẫn Ðến Tự Lực Cánh Sinh

 Cha Phêrô (tức Abbé Pierre Grouès sinh ngày 5.8.1912 tại thành phố Lyon, Pháp) là người sáng lập nên cộng đoàn E-mau lo giúp người nghèo, người vô gia cư theo chương trình tự lực cánh sinh, có kể câu chuyện về một người trở nên cộng sự viên đắc lực của cha như sau:

Ðó là một người khi ra khỏi tù phải đi lang thang không nơi nương náu. Người đàn ông này thất vọng đến độ lấy dao cắt mạch máu ra! Có người phát hiện ra sự việc chẳng lành đó, liền gọi điện thoại cho cha Phêrô. Cha lập tức tới hiện trường. Nhìn người đàn ông cánh tay máu me chảy đầm đìa, cha Phêrô đã không lên tiếng an ủi mà còn ra lệnh cho anh: "Anh đừng tự vẫn! Có quá nhiều người kém may mắn đang cần tôi giúp đỡ. Tôi cũng đang bệnh và tôi cần anh giúp một tay!"

Những lời cha Phêrô nói vừa tới tai anh liền khiến cặp mắt lờ đờ của anh bỗng sáng lên! Anh để cho người ta băng bó vết thương. Rồi từ đó anh trở nên một trong những cộng sự viên đắc lực nhất của cha Phẽrô.

Hình ảnh của cha Phêrô gợi cho thấy hình ảnh của chính Ðức Kitô. Còn hình ảnh của người đàn ông lấy dao cắt mạch máu mình ra chỉ vì thất vọng, là hình ảnh của thế giới hôm nay mà Ðức Giêsu đến để cứu thoát. Người muốn cứu thế giới loài người bằng cách huy động nơi con người, nguồn ơn chính Người ban cho họ. Họ không những cần cứu lấy bản thân mà còn phải nỗ lực cứu giúp nhiều người theo chương trình cứu nhân độ thế chính Ðức Giêsu đứng ra thực hiện.

Băng Bó Những Tấm Lòng Tan Nát

 Toàn bộ sách Tin Mừng của Luca là để cho thấy Ðức Kitô thực hiện chương trình đó như thế nào. Ngay tại hội đưòng Nadarét, Người đã trích dẫn sách ngôn sứ I-sa-i-a cho thấy Người được sai đến với thế giới là để "Công bố một năm hồng ân của Chúa và băng bó những tấm lòng tan nát" (Is 61,1-2; Lc 4,18). Rồi khi Người đã qui tụ được một số môn đệ và chọn trong số họ mười hai Tông Ðồ, tượng trưng mười hai chi tộc của Dân Mới của Thiên Chúa, thì Người giảng bài giảng quan trọng về các mối phúc thật. Ðó là lúc Người xuống núi cùng với các môn đệ trong đó có mười hai người mới được chọn làm Tông Ðồ. Người dừng lại ở một chỗ đất bằng và đoàn lũ dân chúng từ khắp nơi tuốn đến, kể cả vùng duyên hải Tia và Xiđon ngoại đạo. Thế mà Luca cho thấy Ðức Giêsu ngước mắt lên "nhìn các môn đệ và nói với họ" (Lc 6,20) về các mối phúc! Ðiều đó cho thấy điều kiện tiên quyết để được hạnh phúc thật là phải sống gắn bó với bản thân Ðức Kitô trong tư cách là môn đệ của Người. Ai đã được gọi làm môn đệ thì phải duy trì và tăng triển trong ơn đó. Những người hãy còn "chân ướt chân ráo" lần đầu tiên tiếp cận với lời rao giảng của Ðức Kitô, họ cũng cần phải có thái độ sẵn sàng bước theo Người, thì mới lãnh hội được điều Ngưòi giảng dạy.

Vậy trong bài giảng quan trọng "nơi đồng bằng" Ðức Giêsu lần lượt công bố cho thấy

- Những mối phúc thật và những bất hạnh (Lc 6,20-26)

- Phải yêu kẻ thù để trở nên con Ðấng Tối Cao (cc.27-35)

- Ðề tài của bài Tin Mừng hôm nay (cc.39-45)

- Phần kết là phải thực hành lời Ðức Giêsu dạy (cc.46-49)

Quả thật mối giây liên lạc giữa các câu 39-45 của bài Tin Mừng hôm nay xem ra không được rõ theo ý kiến của nhiều nhà bình giải Kinh Thánh.

Mù Lại Dắt Mù Sao Ðược

 C.39: "Ðức Giêsu còn kể cho môn đệ dụ ngôn này?" Thực ra Người kể 5 dụ ngôn liên tiếp. Mỗi dụ ngôn chỉ là một so sánh ngắn đòi người ta phải suy nghĩ về ẩn ý ở trong đó

Mù lại dắt mù sao được? Mt 15,14 cũng dùng hình ảnh này để áp dụng với người Pharisêu là người dẫn dắt dân chúng đi lạc đường. Ở đây Luca áp dụng hình ảnh "người mù" với các môn đệ và đòi hỏi họ phải sáng suốt trong vai trò lãnh đạo cộng đoàn.

C.40: Ðồ đệ không hơn Thầy: câu này có thể được nối kết với câu trước bằng mối giây được hiểu ngầm. Thử hỏi khi nào người môn đệ Ðức Kitô được kể là sáng suốt, tức không bị mù quáng? Thưa: đó là lúc người ấy chấp nhận giáo huấn của Thày Giêsu một cách đầy đủ, với niềm thâm tín rằng mình luôn phải cố gắng hơn nữa, không bao giờ được dừng lại trên đường theo sát gót bước Thày.

Tại Sao Chỉ Thấy Rác Nơi Mắt Người Khác?

 CC.41-42: Tại sao anh chỉ thấy cái rác nơi con mắt người anh em?? Phải sáng suốt, đó là điều người môn đệ Ðức Kitô phải áp dụng cho chính bản thân mình trước đã. Anh phải nhận thấy chính mình cần phải được sửa chữa khi tra tay sửa chữa người khác.

Lời dạy của Ðức Kitô ở đây gây nên vấn đề là: nếu mọi người đều phải đấm ngực ăn năn về những lỗi lầm của mình, tức là còn có "rác cả đống" nơi con mắt mình, thì có được lo chuyện sửa chữa anh em mình qua việc rao giảng, huấn dụ và khuyên bảo họ chăng? Chưa sửa chữa mình xong mà cứ còn tiếp tục làm những chuyện đó thì có sợ mình trở nên "người đạo đức giả hình" theo bài Tin Mừng hôm nay chăng? Vấn đề vừa nêu càng trở nên gay cấn đối với thế hệ trẻ ngày nay là thế hệ đòi mọi người phải sống thực với mình. Cần phải thống nhất lại đời sống. Bên trong ăn khít với bên ngoài. Ðó là những điều kiện phải có để người ta tin.

Nóng Như Lửa Trở Nên Dịu Hiền!

 Vài điều suy nghĩ sau đây có thể là cần thiết:

(1) Chúng ta có gương của các thánh tông đồ, như thánh Phaolô rất ý thức về sự bất toàn của mình (Phi.3,12; 2Co 9,7) nhưng ngài vẫn tiếp tục thi hành bổn phận rao giảng. (2) Thực ra, người lo thừa tác vụ rao giảng chẳng bao giờ được quyền tự đắc cách chung hay cách riêng về đề tài mình trình bày. Ngược lại, phải nói rằng người đó giảng cho chính mình trước khi rao giảng cho người khác. (3) Ai không lo sửa mình thì sớm muộn sẽ bị anh em chỉnh. Chính thánh Phêrô đã bị tông đồ Phaolô chỉnh trong thư cho Ga-lát 2,11-14. (4) Chư thánh nêu gương cho chúng ta về việc rao giảng chống lại những tật xấu mà chính các ngài phải đối phó. Thánh Phanxicô Salêsiô trước nóng như lửa sau trở nên con người hết sức dịu hiền. Thánh Inhaxiô Lôi-ô-la mở ra cả một lối sống khiêm nhường theo bề sâu trong Linh Thao khi chính ngài phải đối phó với tính kiêu căng cả thể. Riêng thánh Âu-tinh đã giảng về khiết tịnh sau khi chính ngài đã từ bỏ con đường đam mê xác thịt.

CC.43-45: Cây tốt không sinh trái hư thối? Lời nói và việc làm phải đi đôi với nhau mới tránh được cái gọi là đạo đức giả hình, là điều mà Ðức Giêsu luôn chống đối. Nuôi dưỡng ý xấu ở trong lòng sớm muộn sẽ phát sinh ra hành động xấu cũng như cây xấu sẽ sinh ra trái hu thối vậy.

Bật Lên Tia Sáng Ở Cuối Ðường Hầm

 Trở lại câu chuyện cha Phêrô cứu sống con người thất vọng muốn tự huỷ mình. Khi cha Phêrô lên tiếng nói với người ấy "Anh đừng tự vẫn! Có quá nhiều người kém may mắn đang cần tôi giúp đỡ. Tôi cũng đang bệnh và tôi cần anh giúp một tay", lời đó bật lên như một tia sáng ở cuối đường hâm. Lời cha Phêrô thực là trong suốt cho thấy giá trị sự sống của một con người đang sa xuống vực thẳm. Anh cần bước ra khỏi đó vì có nhiều người cần đến anh. Cha Phêrô thực đã thực thi lời Chúa vì biết tránh tình trạng người mù dắt người mù thì cả hai đều sa xuống hố (c.39); ngược lại người sáng mắt là kẻ có khả năng kéo người mù bước ra khỏi vực thẳm.

Cha Phêrô là con người thao thức, luôn cố công theo sát gót bước thầy chí thánh là Chúa Giêsu. Chào đời vào ngày 5.8.1912 tại thành phố Lyon nước Pháp trong một gia đình có 8 người con, mà cha Phêrô là người con thứ 5. Ở tuổi 19, cậu Phêrô đã gia nhập dòng Anh Em Hèn Mọn Ca-pu-xi-nô của thánh Phanxicô Á-xi-di và đã chịu chức linh mục ở tuổi 26. Nhưng vì sức khỏe không cho phép, nên cha đã sống đời linh mục triều. Cha luôn đứng về phía người nghèo và người bị áp bức. Tại nhà thờ chánh toà thành phố Gơ-nốp (Grenoble) cha đã từng bao che cho người Do Thái bị lính Quốc Xã của Hít-le bắt bớ. Năm 1949 cha thiết lập nên cộng đoàn E-mau để giúp những người nghèo và người vô gia cư tự lực cánh sinh. Cha là người có thể hiểu thấu lời Chúa dạy hôm nay là "Học trò không hơn thày, có học hết chữ cũng chỉ bằng thày mà thôi" (c.40).

Lòng Có Ðầy Thì Miệng Mới Nói Ra

 Khi kêu gọi kẻ thất vọng đang tìm đường hủy diệt mạng sống mình, cha Phêrô đã tế nhị xin người đó giúp đỡ mình làm việc thiện để giúp đỡ những người khác không được may mắn trong cuộc sống. Làm như vậy là cha đã thực thi lời Chúa dạy ở cc.41-42. Quả thật, cha đã khéo léo khơi dậy lòng thương người nơi đương sự thay vì lên án đương sự. Vì chính cha luôn nuôi dưỡng lòng thương người nên miệng mới dễ dàng nói lên được điều tốt lành có sức cứu sống một người đang tìm cách tự hủy mình (c.45).

Một số câu hỏi gợi ý

1. Bạn nghĩ gì về lời cha Phêrô nói với người đang tìm cách tự hủy mình: "Anh đừng tự vẫn! Có quá nhiều người kém may mắn đang cần tôi giúp đỡ. Tôi cũng đang bệnh và tôi cần anh giúp một tay!" Ðặt mình vào bối cảnh tương tự, bạn sẽ nói gì với người đang tìm cách tự vẫn hầu cứu sống người đó?

2. Bạn nghĩ câu hỏi Chúa Giêsu nêu là "Tại sao anh chỉ thấy cái rác nơi con mắt người anh em?" Câu đó có đụng chạm tới nhiều người trong chúng ta chăng? Có phải trong câu chuyện thường ngày, người ta dễ dàng chỉ trích những lỗi lầm của người khác, trong khi bỏ qua những lỗi lầm của chính mình?
 
 


Back to Vietnamese Missionaries in Taiwan Home Page