Tìm hiểu và chia sẻ
đời sống Tin Mừng

Linh Mục Augustine, SJ. phụ trách

Prepared for internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan


Ngày 28 tháng 1 năm 2001
Chúa Nhật 4 Quanh Năm C

Ðọc Tin Mừng Lc 4,21-30

Gợi ý để sống và chia sẻ Tin Mừng

Vở Kịch Tu-ran-đô

 Nhà soạn kịch nổi tiếng nước Italia mang quí danh rất dài là Giacomo Antonio Domenico Michele Secondo Maria Puccini (1858-1924) mà ta có thể gọi tắt là nhạc sĩ Pu-xi-ni cho dễ. Ông sáng tác rất nhiều nhạc kịch được thế giới hâm mộ, nhưng vở kịch Tu-ran-đô (Turando) mà nhiều người kể là hay nhất, lại được hoàn tất 2 năm sau khi ông qua đời!

Số là vào năm 1922, nhạc sĩ Puxini mắc bệnh ung thư nhưng vần cố công hoàn thành vở kịch nói trên mà ông cho là quan trọng. Khi căn bệnh trở nên tồi tệ, ông buộc lòng phải trối trăn cho các đệ tử. Ông nói: "Nếu thày không hoàn tất xong vở kịch Tu-ran-đo, thì các trò hãy hoàn tất nó cho thày."

Thế rồi năm 1924, bệnh tình của nhạc sĩ trầm trọng đến nỗi người ta phải đưa ông sang nước Bỉ để được giải phẫu. Hai ngày sau cuộc giải phẫu ông đã tắt thở. Thế là đến lượt các đệ tử của ông cặm cụi hoàn tất vở kịch Tu-ran-đô.

Năm 1926, vở kịch đó ra mắt thế giới tại nhà hát lớn của thành phố Milanô của Italia. Người điều khiển là chàng Tốt-ca-ni-ni (Arturo Toscanini 1867-1957), học trò ưu tú của nhạc sĩ Puxini. Bản nhạc kịch diễn ra trôi chảy tốt đẹp cho đến khi người điều khiển ràn rụa nước mắt trên hai gò má. Chàng đặt cây gậy điều khiển xuống, quay về phía thính giả và nói: "Thưa quí vị, sư phụ chúng tôi đã viết được đến đây, rồi người qua đời."

Toàn thể thính giả như ngừng thở. Mọi người đều ở lặng

 Sau vài phút, người điều khiển cúi xuống cầm chiếc gậy lên, hướng về phía cử toạ và nói với giọng tươi vui mới mẻ: "Nhưng nhóm đệ tử chúng tôi đã hoàn tất công trình của thày chúng tôi như sau."

Thế là bản kịch Tu-ran-đô lại tiếp tục vang lên trong nhà hát. Rồi khi vở kịch vừa chấm dứt, toàn thể khán thính giả đứng lên vỗ tay ầm ầm như sấm vang. Những người có mặt quả thật, không bao giờ có thể quên được giây phút sôi nổi lịch sử lúc đó.

Có thể nói bài Tin Mừng hôm nay cách nào đó ví được như vở nhạc kịch Tu-ran-đô. Một đàng chính Ðức Giêsu sẽ đứng ra hoàn tất công trình mà bài Tin Mừng hôm nay chỉ là một phần của lời loan báo. Ðàng khác, cũng chính các môn đệ của sư phụ Giêsu sẽ nối tiếp nhau góp phần hoàn thành công trình bằng chính cuộc sống của mình.

Bụng Mẹ, Dạ Con, Tử Cung

 Dĩ nhiên vở nhạc kịch Tu-ran-đô chỉ là một tác phẩm hết sức giới hạn so với công trình vô cùng lớn lao được thể hiện do sư phụ Giêsu và các môn đệ của Thày. Một cách đơn giản, nhạc kịch Tu-ran-đô chẳng qua chỉ là tác phẩm được gợi hứng do vở kịch có tên tương tự là Tu-ran-đót-te (Turandotte), là tác phẩm của Carlo Gozzi (1720-1806). Còn công trình của sư phụ Giêsu chính là công trình cứu nhân độ thế liên quan tới cả loài người, mà nguồn khởi hứng là chính tình yêu Thiên Chúa. Trong Cựu Ước, các ngôn sứ không ngừng tán tụng nguồn tình yêu bất tận này. Nhưng điều đặc biệt là Cựu Ước dùng từ Hipri Ta-ra-ham (Taraham) để chỉ về lòng "nhân hậu từ bi" của Gia-vê Thiên Chúa, mà gốc của từ Ta-ra-ham là ra-ham (raham) có nghĩa là "bụng mẹ, dạ con, tử cung. Thiên Chúa đã muốn mang tên là "lòng dạ của người mẹ", là nơi ban sự sống. Lòng nhân hậu từ bi của Giavê Thiên Chúa, chính là bản thể của Người (x. Xh 34,6). Người vừa là cha sinh thành, vừa là mẹ cưu mang trong âu yếm và tình thương. Việc tha thứ tội lỗi nằm trong dạ của Thiên Chúa, Ðấng không ngừng ước ao ban sự sống cho loài người. Và Người còn ban lại ơn tha thứ khi con người thực tình hoán cải. Từ bi nhân hậu có nghĩa là quá đỗi yêu thương và ban phát sự sống dồi dào phong phú đến nỗi tội lỗi và ác tính cũng bị nhận chìm trong lòng dạ ban sự sống ấy của Thiên Chúa.

Ðức Giêsu Kitô chính là hiện thân của lòng từ bi nhân hậu đó của Thiên Chúa. Nói theo cuốn "Bước Qua Ngưỡng Cửa của Hy Vọng" của Ðức Gioan Phaolo II, đã chính thức được phổ biến tại các nước trên thế giới bằng 38 thứ tiếng khác nhau với khoảng 20 triệu cuốn, thì "Ðấng Thiên Chúa Toàn Năng cũng là Thiên Chúa Thượng Trí và Tình Yêu? Người không phải là Ðấng Tuyệt Ðối ở bên kia thế giới, dửng dưng với nỗi khổ đau của con người. Người là Emmanuen "Thiên Chúa ở cùng chúng ta", Thiên Chúa chia sẻ số phận của con người và thông hiệp vào định mạng của loài người? Ðức Kitô chịu đóng đinh trên thập tự là một bằng chứng của tình liên đới của Thiên Chúa với con người chịu khổ đau. Thiên Chúa đặt mình về phía con người. Và Người thể hiện điều đó một cách tận căn bằng cách "hạ mình vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự." (Paris, Plon/Mame, 1994, p.106-107).

Riêng bài Tin Mừng hôm nay cho thấy Ðức Giêsu mạc khải lòng từ bi nhân hậu đó của Thiên Chúa như thế nào và một cách tiêu biểu, được đáp ứng ra sao do dân làng Nadarét.

Những điều Thiên Chúa hứa được hoàn tất nơi Ðức Giêsu (Lc 4,16-30). Những điều ấy (Is 61,1-2; 58,6) nay trở thành chương trình cụ thể là: "Việc loan Tin Mừng cho người nghèo", việc công bố cho "kẻ bị giam giữ là họ được tha"; "kẻ bị mù biết họ được sáng mắt"; "kẻ bị áp bức được trả lại tự do" (c.18). Nói tóm lại, cả một năm hồng ân trọng đại theo sách Lv 25,10-13, nay được khai mở. Ðó là thời gian, cả ruộng đất được cầy cũng không được trồng trọt, hầu phục hồi lại mầu mỡ. Phương chi là việc phục hồi lại giá trị nguyên thủy của con người lại càng được nhấn mạnh. Người nô lệ, chẳng hạn, phải được tụ do; Kẻ lưu đày được trở về mái ấm gia đình; Mọi nợ nần đều được xóa bỏ với niềm thâm tín rằng mọi cơ cấu xã hội và kinh tế phải phản ảnh vương quyền của chính Thiên Chúa thì mới có công bằng xã hội.

Gần Chùa Gọi Bụt Bằng Anh

 Ðáp lại chương trình cụ thể lớn lao đó của Ðức Giêsu, thái độ của dân làng Nadarét có thể tóm tắt lại bằng điều mà người ta thường nói là "gần Chùa gọi Bụt bằng anh" (cc.22-24). Họ muốn thách thức con bác thợ mộc Giuse, là Ðức Giêsu, hãy làm những phép lạ như ở Caphácnaum xem nào! Dĩ nhiên, đó là một lời mang nặng tính chất địa phương, nhưng cũng có thể nhắm tới danh giá cho bà con xóm ngõ, đồng thời còn có thể mang lại cơ hội tốt để buôn bán làm ăn! Bởi lẽ hình ảnh một "chàng Giêsu" có sức hút dân chúng từ khắp nơi kéo đến với mình (Mc 1,45) hứa hẹn mối lợi không nhỏ về cả danh giá lẫn tiền bạc!

Phần Ðức Giêsu, Người chấp nhận số phận một ngôn sứ bị dân Chúa khước từ. Việc Người hiện bị dân làng từ khước chỉ là một điềm báo về những biến cố chẳng lành đang chờ đợi Người. Người càng cắt nghĩa về tính phổ quát của sứ mạng cứu thế dựa theo Kinh Thánh, tức theo truyền thống của các ngôn sứ, như Êlia (c.25), hay như Êlisê (c.27) thì "mọi người trong hội đường" lại càng phẫn nộ (c.28). Việc "họ kéo Người lên tận đỉnh núi, để xô Người xuống vực" (c.29) rõ ràng là một hình ảnh gợi ý về cuộc mưu sát đang chờ đợi Người không phải ở lãnh thổ Nadarét bằng phẳng nhưng, như sau này Luca cho biết, ở tận Gongotha, tức là Ðồi Sọ (Lc 23,33).

"Nhưng Người băng qua giữa họ mà đi" (c.30) là câu nói cho thấy một Ðức Giêsu hoàn toàn tự do để thực hiện kế hoạch cứu độ phổ quát của Thiên Chúa. Kế hoạch ấy không gì có thể ngăn chặn được, kể cả thành kiến, tính ích kỷ và tội ác của những kẻ muốn giết Ðức Giêsu ngay ở bước đầu của kế hoạch. Ðàng khác, câu nói ấy còn báo trước cuộc chiến thắng bất ngờ của Ðức Giêsu trên sự chết vào ngày Chúa Nhật Phục Sinh.

Từng Tín Hữu Trở Nên Môn Ðệ Ðích Thực Của Chúa Giêsu

 Còn về việc các môn đệ của "Sư phụ Giêsu" nối tiếp nhau góp phần hoàn thành công trình cứu nhân độ thế bằng chính cuộc sống của mình, đó chính là lịch sử của Kitô giáo từ hai mươi thế kỷ nay. Ðiều mà Tin Mừng Mátthêu tóm gọn lại trong lệnh truyền giáo là "Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ những điều Thày đã truyền cho anh em. Và đây thày ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế." (28,20). Ðiều ấy được Luca viết thành cuốn sử đầu tiên của Giáo Hội là sách Công Vụ Tông Ðồ. Sách này còn được nối tiếp bằng những trang sử Giáo Hội của từng địa phương, của từng tín hữu trong công trình hoán cải để trở nên môn đệ đích thực của Thày Giêsu.

Một số câu hỏi gợi ý

1. Bạn hãy so sánh phần đóng góp của nhóm học trò của nhạc sĩ Pu-xi-ni vào vở kịch Tu-ran-đô với phần đóng góp của các môn đệ của Chúa Giêsu vào công trình cứu nhân độ thế của Người.

2. Trong những điều Thiên Chúa hứa được hoàn tất nơi ÐứcGiêsu như nói trên (c.21 và Lc 4,18-19), bạn nghĩ điều nào ý nghĩa nhất đối với bạn?

3. Bạn nghĩ vì lý do nào dân làng Nadarét từ khước Ðức Giêsu?


Back to Vietnamese Missionaries in Taiwan Home Page