Tìm hiểu và chia sẻ
đời sống Tin Mừng

Linh Mục Augustine, SJ. phụ trách

Prepared for internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan


Ngày 21 tháng 1 năm 2001
Chúa Nhật 3 Quanh Năm C

Ðọc Tin Mừng Lc 1,1-4; 4,14-21

Gợi ý để sống và chia sẻ Tin Mừng

No-en Tại Một Nơi Truyền Giáo

 Tại một nhà thờ bé nhỏ thuộc địa điểm truyền giáo ở đảo Sơn-mã-tha (Sumatha) của Indonesia, cha sở Lê Ðăng Linh (Lorenso Lini) đang cặm cụi điều chỉnh lại vài chi tiết chuẩn bị cuối cùng trước khi bắt đầu thánh lễ nửa đêm giáng sinh cho tín hữu.

 Bàn thờ được trang hoàng bằng đủ thứ hoa sặc sỡ của miền nhiệt đới. Phía dưới là những chậu cảnh với những nhành lá xanh tươi vươn lên để làm nổi bật chiếc bàn thờ ở giữa cung thánh. Ở phía trái gần cung thánh là hang đá sinh nhật với tượng Chúa Hài Ðồng xinh tươi dưới ánh sao lấp lánh. Tín hữu đã tập trung đầy đủ đang im lặng chờ đợi thánh lễ bắt đầu.

 Người Bệnh Phong Xuất Hiện

 Bỗng trong nhà thờ mọi người như rú lên một tiếng kinh hoàng. Ai nấy đẩy nhau lùi về bốn góc nhà thờ. Cha sở ngẩng đầu nhìn ra phía cửa liền thấy một người bệnh phong mặt mũi xần xùi vì bị vi khuẩn Han-sen (Hansen) tàn phá. Người bệnh lết về phía linh mục, giơ hai cánh tay cụt lên quờ quạng, miệng kêu ú ớ những tiếng nấc nghẹn tuyệt vọng. Ở phía chân người bệnh máu chảy ra từ những vết thương làm thành một vệt dài trên nền nhà thờ. Không một ai trong đám tín hữu dám mở miệng. Niềm xót thương như bị ngăn chặn bởi nỗi kinh hoàng.

 Người bệnh phong dừng lại trước bàn thờ và nhìn cha Linh với thái độ van lơn. Cha bối rối không biết phải xử trí như thế nào cho hợp với bối cảnh của cuộc lễ. Làm sao có thể sắp xếp để người bệnh phong này ở lại dự lễ trong cộng đoàn tín hữu? Ngược lại, không ai có quyền mời người bệnh ra khỏi cuộc lễ. Nào đây chẳng phải là nhà của Thiên Chúa, Ðấng là Cha chung của mọi người sao? Nào Chúa Giêsu đã chẳng mời những ai vất vả và mang gánh nặng hãy đến để chính Người nâng đỡ và bồi dưỡng cho đó sao? Chẳng lẽ bấy lâu nay gia đình người bệnh phong này đã hất hủi anh, nay chính Giáo Hội cũng muốn khước từ anh sao?

 Cuộc Chiến Nội Tâm

 Cuộc chiến nội tâm cuối cùng đưa cha Linh tới lời mời người bệnh phong ở lại dự lễ. Cha nói: "Vâng, bạn hãy ở lại đây với chúng tôi. Chúng ta sẽ là một gia đình duy nhất. Các vết lở của tâm hồn còn thối tha hơn các vết thương của thân xác gấp bội! Chúng ta tất cả đều là anh em với nhau. Một cách nào đó, chúng ta tất cả đều là những người mắc bệnh phong về đời sống thiêng liêng ở trước mặt Thiên Chúa."

 Nói tới đó, cha Linh khựng lại như bị cứng họng. Một đàng không thể bắt đầu Thánh Lễ khi người bệnh phong còn đứng đó. Ðàng khác, cha cũng không thể mời anh ta đi. Bởi lẽ nhà thờ là nhà của Thiên Chúa, Ðấng là Cha của tất cả mọi người, không trừ một ai. Hiện người bệnh phong này là người bất hạnh nhất nên càng đáng được ở lại để dự lễ nửa đêm mừng Chúa Giêsu giáng trần.

 Người bệnh phong như linh cảm thấy nỗi khó khăn mà cha Linh gặp phải khi đối phó với những người đến dự lễ. Chàng phủ phục sát đất nhiều lần. Khuôn mặt chàng mếu xệch như muốn nói lên lời cám ơn rồi thất thểu bước ra khỏi nhà thờ.

 Hình Ảnh Người Bệnh Phong Ðứng Xa Ðâu Ðó

 Ca đoàn thiếu nhi đã cất tiếng hát bài ca giáng sinh tươi vui mừng Chúa Giáng Sinh xuống thế làm người. Nhưng cha Linh như nghe văng vẳng có tiếng than vãn của chàng bệnh phong đang đứng xa xa đâu đó. Có lẽ anh đang muốn lãnh bí tích hoà giải để được chịu lễ đêm nay với mọi người. Chỉ có Chúa biết rõ lòng anh và ban cho anh dồi dào hồng ân Người dành cho anh.

 Dù sao lễ Giáng Sinh năm đó, cha Linh đã được ơn Chúa thúc đẩy để thiết lập trại phong. Việc cha chăm sóc những người bệnh phong kết qủa đến nỗi vào năm 1952 chính quyền Italia đã tặng cha giải thưởng Giáng Sinh năm đó.

 Quả thật, câu chuyện có thực nói trên do cha Linh kể lại cho thấy hình ảnh của người bệnh phong thật là bi đát. Thử hỏi bài Tin Mừng hôm nay do Chúa Giêsu công bố (cc.18-19) có thực sự là Tin Mừng cho những con người nghèo khổ, cơ cực và túng quẫn như anh chăng?

 Ở đây có lẽ là cơ hội rất thích hợp để nêu câu hỏi đã được nêu lên với Ðức Gioan Phaolô II là "Nếu Thiên Chúa là Tình Yêu thì tại sao lại xảy ra biết bao sự dữ trên thế giới?? Làm sao có thể tiếp tục tin vào Thiên Chúa là tình yêu khi phải đối đầu với những khổ đau, những bất công, những bệnh tật và chết chóc, là những điều xem ra bá chủ lịch sử lớn lao của thế giới cũng như trang sử nhỏ bé hàng ngày của mỗi người chúng ta?" (Jean Paul II, Entrez dans l'Espérance, Paris, Plon-Mame, 1994, p.103).

 Thánh Giá Ðứng Vững Giữa Thế Giới Xoay Vần

 Ðức Gioan Phaolô II khẳng định rằng "Thánh Giá luôn đứng vững giữa lúc thế giới xoay vần". Người đồng ý cho rằng "không ai có thể tránh nêu lên những câu hỏi ở ngay cội nguồn của những nghi ngờ không những về lòng nhân hậu của Thiên Chúa nhưng cả về hiện hữu của Người nữa; Tại sao Thiên Chúa mà có thể cho phép xảy ra những cuộc chiến tranh, những trại tập trung?? Nếu Thiên Chúa mà cho phép tất cả những thứ đó xảy ra thì Người còn thực sự là tình yêu nữa chăng?? Và nữa, Người có thực sự là Thiên Chúa công bằng với thụ tạo của Người chăng? Nào Người đã chẳng đặt trên đôi vai chúng ta cái gánh quá nặng đối với mỗi người chúng ta đó sao? Nào Người đã chẳng bỏ rơi con người trong cảnh cô đơn bi đát? Lý do vì con người bị đè bẹp dưới sức nặng của cuộc sống và kể như đã bị kết án để sống một cuộc sống vô vọng rồi.

 Tất cả những thứ bệnh vô phương chữa trị trong các bệnh viện, tất cả những trẻ em tàn tật, tất cả những cuộc sống con người mà không hề nhận được chút hạnh phúc trần thế nào, tức thứ hạnh phúc đơn giản do tình yêu, hôn nhân hoặc gia đình? Quả thật bức tranh về cuộc sống con người có thể như là đen tối!?

 Cuộc Phán Xét Của Con Người Về Thiên Chúa

 Thiên Chúa đã dựng nên con người có trí thông minh và tự do, cho nên chính Người đã chấp nhận đặt mình dưới sự phê phán của thụ tạo do chính Người dựng nên. Lịch sử cứu độ cũng là lịch sử của cuộc phán xét liên lỉ của con người đối với Thiên Chúa. Bởi lẽ điều được đặt ra không chỉ là những vấn đề đơn giản hoặc những nghi ngờ, nhưng thực sự là một cuộc phán xét. Một phần của sách ông Gióp trong Cựu Ước bao gồm nguyên mẫu của cuộc phán xét loại đó. Ðó là việc sách ông Gióp tự đặt vào giữa những cuộc can thiệp của tên Aùc Thần. Hắn luôn mau miệng phê phán với một sự thông suốt chưa từng nghe thấy, không những về con người nhưng cả về hành động của Thiên Chúa trong lịch sử loài người. Ta thấy về điều đó một minh họa đột xuất trong sách ông Gióp.

 Người ta nói tới xì căng đan của Thánh Giá? Hỏi rằng để cứu độ loài người, Thiên Chúa có cần phải phó nộp Con của mình vào cuộc hy sinh trên Thánh Giá chăng? Ở đây chúng tôi chỉ có thể tự hỏi liệu có thể xảy ra cách khác được chăng?? Ta có thể nói rằng Thiên Chúa có thể biện minh về lịch sử con người với gánh nặng chất chứa khổ đau bằng cách khác, chứ không bằng cách đặt cây thánh giá của Ðức Kitô vào giữa lịch sử đó chăng? Dĩ nhiên, người ta có thể trả lời rằng Thiên Chúa không phải biện minh trước loài người. Người chỉ cần là Ðấng Toàn Năng. Tất cả những gì Người làm và cho phép làm đều phải được chấp nhận trong viễn tượng đó. Ðó là lập trường của sách ông Gióp trong Kinh Thánh. Nhưng Ðấng Toàn Năng cũng là Ðấng Thượng Trí và Tình Yêu? Người không phải là một Ðấng Tuyệt Ðối ở vị trí bên kia thế giới nên dửng dưng với khổ đau của con người. Người là Emmanuen, tức là "Thiên Chúa ở cùng chúng ta", là Ðấng Thiên Chúa chia sẻ số phận của con người và thông hiệp vào định mạng của loài người?

Thiên Chúa Ðặt Mình Về Phía Con Người

 Cả những người thời nay chỉ trích Kitô giáo cũng đều đồng ý về điều đó. Chính họ cũng nhìn nhận rằng Ðức Kitô chịu đóng đinh là một bằng chứng về tình liên đới của Thiên Chúa đối với con người đang chịu đau khổ. Thiên Chúa đặt mình về phía con người. Và Người thực hiện điều đó một cách tận căn là "Chính Người đã hạ mình bằng cách vâng lời cho đến chết và chết trên cây thập giá". Ðiều đó bao gồm được mọi sự: nó bao gồm được mọi khổ đau, dầu là khổ đau của cá nhân hay tập thể, mọi khổ đau gây nên do những sức mạnh mù quáng của thiên nhiên cũng như những khổ đau gây nên do con người một cách có cân nhắc, chẳng hạn, những cuộc chiến tranh, những trại cải tạo và những cuộc diệt chủng." (Ibid, pp.105-108).

 Bài Tin Mừng hôm nay gồm lời mở đầu (cc.1-4) và bài giảng khai trương của Ðức Giêsu tại Nadarét. Câu chuyện cảm động của cha Linh về người bệnh phong và những lời của Ðức Gioan Phaolo II nói về ý nghĩa của Thánh Giá Chúa Giêsu trong lịch sử loài người ít nhất giúp ta tìm hiểu và sống sứ mạng loan Tin Mừng cho người nghèo hèn như Chúa Giêsu công bố (c.18).
 
 

Một số câu hỏi gợi ý

1. Bạn thấy điều gì cảm động nhất về người bệnh phong xuất hiện nơi nhà thờ dịp lễ Sinh Nhật như cha Linh kể lại?

 2. Bạn thấy những điều gì dễ hiểu nhất và những điều khó hiểu nhất trong lời cắt nghĩa của Ðức Gioan Phaolo II về cây Thánh Giá của Ðức Kitô đối với những khổ đau của con người?
 
 


Back to Vietnamese Missionaries in Taiwan Home Page