Tìm hiểu và chia sẻ
đời sống Tin Mừng

Linh Mục Augustine, SJ. phụ trách

Prepared for internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan


Ngày 14 tháng 1 năm 2001
Chúa Nhật 2 Quanh Năm C

Ðọc Tin Mừng Ga 2,1-12

Gợi ý để sống và chia sẻ Tin Mừng

Tiệc Cưới Cana

 Cho đến nay, người ta không biết đích xác Cana nằm ở đâu trong vùng Galilê, nhưng hẳn Cana không xa Nadarét lắm. Có lẽ đây là đám cưới của một người bà con. Ðức Maria được mời, Ðức Giêsu và các môn đệ đầu tiên của Ngài cũng được mời, nhưng có thể Ðức Maria đã đến trước. Theo tập tục thời đó, đám cưới kéo dài một tuần lễ với nhiều khách khứa tiệc tùng. Chúng ta không rõ nhờ đâu mà Ðức Maria biết được rượu đã hết. Phải chăng Mẹ đã nghe được những tiếng xì xào từ dưới bếp, hay Mẹ đã đọc được sự lúng túng trên nét mặt của những người dọn bàn? Dù sao đi nữa hết rượu thật là điều đáng xấu hổ, làm bẽ mặt gia đình và làm bữa tiệc mất vui. Ðức Maria cũng chẳng biết làm sao trước chuyện rủi ro này. Mẹ chỉ nói với Ðức Giêsu: "Họ hết rượu rồi." Trong câu nói của Mẹ ẩn dấu một lời yêu cầu kín đáo, đầy tin tưởng. Tuy nhiên, chúng ta không nên khẳng định là Mẹ có ý xin Ðức Giêsu làm phép lạ. Theo Tin Mừng Luca, hẳn Mẹ biết sứ mạng Thiên Sai của Con, nhưng trong những năm dài ở Nadarét, Ðức Giêsu đã sống rất mực bình thường. Ngài chưa bao giờ làm phép lạ nào cả. "Họ hết rượu rồi." Qua câu nói này, Mẹ chờ đợi Ðức Giêsu làm một điều gì đó mà chính Mẹ cũng không rõ. Mẹ hy vọng Ngài sẽ can thiệp theo cách của Ngài.

 Nhưng câu trả lời của Ðức Giêsu thật là khó hiểu. Ngài gọi Mẹ Ngài là "Bà". Người Do Thái không có thói quen gọi như vậy. Trong các sách Tin Mừng, Ngài cũng gọi một số phụ nữ khác là Bà (Mt 15,28; Lc 13,12; Ga 4,21;20,13). Lối xưng hô này là lối xưng hô bình thường và lịch sự. "Chuyện đó can gì đến Bà và Con?" câu này phải được hiểu như một lời từ chối của Ðức Giêsu, không muốn đáp ứng lời yêu cầu của Mẹ (x. 2S 19,23). Ðức Giêsu không trách móc Ðức Mẹ, Ngài chỉ khẳng định siêu việt tính của mình, và ám chỉ đến sự lệ thuộc trọn vẹn của mình vào Chúa Cha. "Giờ của con chưa đến" Giờ ở đây là Giờ Ðức Giêsu chịu khổ nạn, được phục sinh và tôn vinh. Toàn bộ sứ vụ của Ðức Giêsu, bắt đầu từ dấu lạ ở Cana, đều hướng đến Giờ đó. Trong 11 chương đầu, thánh Gioan thường dùng lối nói: "Giờ chưa đến" (2,4; 7,30; 8,20), nhưng "nó đang đến" (4,21.23; 5,25-28). Từ chương 12 trở đi, ta gặp lối nói: "Giờ đã đến" (12,23; 13,1; 17,1). Lúc đầu Ðức Giêsu có vẻ từ chối lời Mẹ Ngài yêu cầu. Ngài biết rằng vinh quang của Ngài chỉ được tỏ bày và Giờ sau hết, nên Ngài có vẻ chưa muốn hé lộ vinh quang ra trong lúc này, qua phép lạ đầu tiên.

 Trước câu trả lời của Ðức Giêsu, Mẹ Ngài không vội nản lòng. Mẹ để cho con mình đươc tự do. Nhưng Mẹ lại muốn gia nhân ở trong tư thế sẵn sàng hành động: "Người bảo gì các anh cứ việc làm theo." Quả thực, Ðức Giêsu sau đó đã bảo gia nhân đổ nước đầy 6 chum đá dùng vào việc thanh tẩy theo thói tục của người Do Thái. Nước đã biến thành rượu, mà lại là rượu ngon. Một lượng rượu khổng lồ, quá dư thừa cho một đám cưới ở vùng quê.

 Một Phép Lạ Mang Nhiều Ý Nghĩa

 Trong cả Tin Mừng theo thánh Gioan, chỉ có bảy phép lạ được kể lại. Phép lạ ở Cana có một vị trí nổi bật, vì đó là dấu lạ đầu tiên Ðức Giêsu làm trong cuộc đời công khai. Các phép lạ trong Tin Mừng thứ tư đều không phải chỉ là những hành vi biểu lộ quyền năng của Ðức Giêsu, nhưng hơn nữa, chúng mạc khải cho chúng ta về mầu nhiệm Giêsu. Nói cách khác, phép lạ trong Tin Mừng Gioan có tính biểu tượng cao. Chúng là những dấu chỉ (sémeion) cho ta biết về con người Ðức Giêsu. Sau phép lạ, đôi khi có một bài giảng dài của Ðức Giêsu nhằm vén mở ý nghĩa sâu xa của phép lạ vừa kể. Thí dụ sau khi làm phép lạ bánh hoá nhiều, Ðức Giêsu tự giới thiệu: "Tôi là bánh ban sự sống" (Ga 6,1-58). Khi làm cho người mù được thấy ánh sáng, Ðức Giêsu nói: "Tôi là ánh sáng thế gian" (Ga 9,1-41). Khi hoàn sinh cho Ladarô, Ðức Giêsu tự nhận: "Tôi là sự sống lại và là sự sống" (Ga 11,1-44). Chúng ta tự hỏi phép lạ ở Cana có mang một ý nghĩa sâu xa không, có cho chúng ta biết về căn tính mầu nhiệm của Ðức Giêsu không?

 Bối cảnh của phép lạ ở Cana là bối cảnh một đám cưới. Trong Cựu Ước, để diễn tả tình yêu thắm thiết của Thiên Chúa đối với dân Ít-ra-en, thường dùng hình ảnh hôn lễ. Thiên Chúa làm đám cưới với dân của mình. Người tự nhận mình là Chú Rể (x. Ed 16,1-4; Hs 2,16-25; Is 62,1-5). Bối cảnh phép lạ Cana cũng là bối cảnh của một bữa tiệc. Bữa tiệc là hình ảnh được dùng để mô tả niềm vui vào ngày Ðấng Mêsia đến. Dĩ nhiên bữa tiệc này có dồi dào rượu ngon. "Ngày ấy, trên núi này, Ðức Chúa các đạo binh sẽ đãi muôn dân một bữa tiệc: tiệc thịt béo, tiệc rượu ngon." (Is 25,6). Chúng ta thấy Ðức Giêsu nhiều lần dùng hình ảnh bữa tiệc để nói về Nước Trời. Ngài tự ví mình như Chú Rể (Mc 2,19; Mt 9,15; Lc 5,34). Ngài coi giáo huấn của Ngài là thứ rượu mới không thể chứa trong bầu da cũ (Mc 2,22).

 Ðọc lại đoạn Tin Mừng trên đây, ta bắt gặp một chú rể lúng túng và bất lực vì hết rượu đãi khách. Anh ta chỉ có nước dùng để thanh tẩy theo luật Môsê. Ðức Giêsu xuất hiện như Chú Rể thực sự của nhân loại. Ngài biến nước thành rượu, biến nước của Cựu Ước thành rượu của Tân Ước. Rượu của Ngài vừa ngon, vừa nhiều; có cả phẩm lẫn lượng. Hình ảnh này cho thấy ơn cứu độ do Ðức Giêsu đem lại thật là một nguồn ơn quý giá và dư dật. Trong bàn tiệc Thánh Thể, Ðức Giêsu biến rượu thành Máu Ngài. Mỗi lần dự Thánh Lễ là một lần dự tiệc. Bữa tiệc hôm nay chuẩn bị cho Bữa Tiệc Thiên Quốc.

 Hãy Làm Ðiều Ngài Bảo

 Các sách Tin Mừng có ghi lại một vài câu nói ngắn của Ðức Mẹ với thiên thần Gáp-ri-en hay với Ðức Giêsu. Còn đây là câu nói duy nhất của Ðức Mẹ cho các gia nhân, có thể hiểu cho chúng ta, "Hãy làm điều Ngài bảo". Ðức Maria đưa chúng ta đến với Ðức Giêsu và mời gọi chúng ta thực hiện ý muốn của Ngài. Như vậy trong Ðức Giêsu Kitô, chúng ta đã gặp Ðức Maria (bước 1); để rồi, từ Ðức Maria, chúng ta gặp lại Ðức Kitô, để đào sâu hơn mối liên hệ đã có với Ngài và bám rễ sâu trong Ngài (bước 2). Tin Mừng thánh Gioan chỉ nhắc đến Ðức Mẹ hai lần: lần đầu ở Cana; lần cuối ở Núi Sọ. Ðức Mẹ chứng kiến cái chết của Con, và từ đây Mẹ trở nên Mẹ của các tín hữu (Ga 19,25-27). Cả hai lần đều có sự hiện diện của Ðức Giêsu và sự hiện diện của con người. Mẹ đã đưa con người đến với Ðức Giêsu ở Cana, và Ðức Giêsu cũng đã đưa thánh Gioan, đại diện cho các tín hữu, đến với Ðức Mẹ: "Này là Mẹ con". Mẹ đã hiện diện ở tiệc vui Cana, Mẹ cũng hiện diện ở Núi Sọ. Mẹ đã đi từ bước đầu cho đến cao điểm của sứ vụ Ðức Giêsu.

 Hôm nay, Mẹ vẫn ở với loài người, vẫn chia sẻ niềm vui và nỗi lo lắng của con người. Ngay trong tiệc cưới cũng có chuyện không vui. Mẹ không ép Chúa làm phép lạ và Mẹ cũng chẳng có quyền đó. Phép lạ Cana do quyết định cuối cùng của Ðức Giêsu, Ngài làm theo ý Cha. Nhưng chúng ta vẫn không quên sự đóng góp, can thiệp của Mẹ, một người mẹ nhạy cảm và từ ái. Hôm nay, Mẹ cần hiện diện trong mọi cộng đoàn Kitô hữu, trong gia đình, trong giáo xứ, tu hội, nhóm tông đồ và trong cả Hội Thánh. Cuộc sống chúng ta thường có những khó khăn trắc trở. Mẹ vẫn thường nói với Chúa: "Họ hết rượu rồi" và Mẹ cũng hay nói với từng người chúng ta: "Hãy làm mọi điều Ngài bảo".
 
 

Một số câu hỏi gợi ý

1. Sự hiện diện và hành động của Ðức Giêsu và Ðức Mẹ tại tiệc cưới Cana đã làm cho niềm vui được trọn vẹn. Bạn nghĩ gì về sự hiện diện của hai Ðấng trong gia đình Kitô hữu, cũng như trong mọi cộng đoàn?

 2. Bạn nghỉ gì về vai trò của người phụ nữ trong gia đình cũng như ngoài xã hội? Người phụ nữ hôm nay có học được điều gì nơi khuôn mặt của Ðức Maria không?
 
 


Back to Vietnamese Missionaries in Taiwan Home Page