Tìm hiểu và chia sẻ
đời sống Tin Mừng

Linh Mục Augustine, SJ. phụ trách

Prepared for internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan


Ngày 7 tháng 1 năm 2001
Chúa Nhật Lễ Hiển Linh Năm C

Ðọc Tin Mừng Mt 2,1-12

Gợi ý để sống và chia sẻ Tin Mừng

Một trong những trại tù binh lớn nhất mà người Nhật thiết lập cuối thế chiến thứ hai là trại tù bên bờ sông Quế (Kwei river) thuộc tỉnh Kanchanaburi của Thái Lan. Nơi đây đã có tới 12 ngàn tù binh bị chết vì bệnh tật và bị đối xử tàn bạo trong khi họ phải xây dựng một tuyến đường xe lửa.

 Kẻ Thù Số Một

 Ðám tù nhân bị cưỡng bức lao động dưới cơn nóng có khi lên tới 490C. Ðầu trần, chân đất họ vác từng thúng đất đá trên vai, để xây dựng cho xong toàn bộ tuyến đường sắt đã được chỉ định. Ðúng là cảnh màn trời chiếu đất theo nghĩa đen, vì họ nằm ngủ trên đất không chăn chiếu. Nhưng kẻ thù số một không phải là cai tù hoặc bọn lính gác, cũng không phải là cuộc sống gian khổ, mà là chính bản thân họ. Theo lời kể lại của tác giả Ngô Văn Ðông (Ernest Gordon) trong cuốn "Ngang qua thung lũng sông Quế" thì vì quá sợ, đám tù binh nói trên mắc chứng hoang tưởng. Họ cư xử với nhau theo luật rừng, lại còn trộm cắp của nhau, ngờ vực và chỉ điểm lẫn nhau. Họ trở nên trò cười đối với bọn lính gác. Bởi lẽ trước kia họ là binh hùng tướng mạnh mà nay trở nên hèn nhát và phá hoại nhau!

 Ðiều Không Thể Xảy Ra Ðã Xảy Ra

 Thế rồi một điều xem ra không thể xảy ra đã xảy ra. Số là có hai người trong đám tù nhân đứng ra tổ chức cho các bạn tù thành những nhóm học hỏi Kinh Thánh. Ðiều lạ lùng là đám tù nhân qua đó khám phá ra Chúa Giêsu hiện đang sống động giữa họ. Người hiểu rõ hoàn cảnh của họ. Chính Người cùng chung số phận với họ để cứu họ khỏi cảnh lầm than. Người đã từng chịu đói khát, từng bị phản bội, từng nếm những lằn roi quất trên lưng và cuối cùng bị người ta giết chết. Chính vì Người luôn kết hợp với Cha trong kế hoạch cứu nhân độ thế nên Thiên Chúa đã siêu tôn và đặt Người làm Chúa của mọi người và mọi sự. Thế là tất cả những điều liên quan tới Chúa Giêsu, về con người của Người, về những gì Người nói, những việc Người làm đều tràn đầy ý nghĩa và trở nên sống động đối với chính họ. Ðám tù nhân không còn cho rằng họ là nạn nhân của một tấn bi kịch độc ác nữa. Họ không còn chỉ điểm, không còn phá hoại lẫn nhau nữa. Họ biểu lộ việc hoán cải tự thâm sâu như thấy rõ qua những lời cầu nguyện tự phát. Họ bắt đầu cầu nguyện cho nhau nhiều hơn là cho chính mình. Họ chỉ ước mong để đỡ bị gò bó hầu tự do chia sẻ cho nhau nhiều hơn trong cuộc sống. Dần dà, cả trại được biến đổi đến nỗi không chỉ đám lính Nhật canh gác phải lấy làm lạ mà chính các tù binh cũng hết sức ngạc nhiên!

 Khác Biệt Giữa Sự Chết Và Sự Sống

 Một đêm nọ, sau cuộc họp với nhóm học hỏi Kinh Thánh, tác giả Ngô Văn Ðông khập khiễng bước về căn trại của ông. Ðang lúc lần mò trong bóng đêm, ông bỗng nghe có tiếng người ca hát. Ông nhận thấy có người đang dùng một mảnh gỗ gõ vào một chiếc lon thiếc để giữ nhịp. Tiếng mảnh gỗ gõ vào lon thiếc cùng với tiếng hát khiến cho bóng đêm tự nhiên trở nên có sự sống. Ðiều khác biệt giữa tiếng hát vui tươi lúc đó và cái lặng thinh chết chóc của những tháng trước đó giống hệt điều khác biệt giữa sự sống và sự chết, giữa một đám người chia rẽ phá hoại nhau và một lớp người có Chúa Giêsu Phục Sinh linh hoạt ở giữa họ.

 Nhưng thử hỏi trong dịp lễ kính Chúa Hiển Linh sau No-en, mà đề cập tới Chúa Phục Sinh sợ có quá sớm chăng? Chúa Hiển Linh là gì? Người bày tỏ bản thân Người cho ta như thế nào ở giữa xã hội ta đang sống?

 Một Mầu Nhiệm Duy Nhất

 Thực ra, chỉ vào khoảng 375, hai lễ lớn là Sinh Nhật trong Giáo Hội Roma và Hiển Linh trong Giáo Hội Ðông Phương mới xuất hiện trong nền phụng tự Kitô giáo. Trước đó, các Kitô hữu chỉ cử hành một mầu nhiệm duy nhất là sự chết và sự sống lại của Chúa Kitô, mỗi tuần vào ngày Chúa Nhật và mỗi năm vào mùa Phục Sinh. Nhưng điểm phát xuất của cả hai lễ Giáng Sinh và Hiển Linh cũng là việc nhìn nhận Chúa Giêsu là nguồn bất diệt của một mùa xuân phong phú. Roma cử hành lễ sinh nhật của Chúa vào ngày 25 tháng 12. Ðó là ngày Xuân Phân của Tây Phương, nên được chọn để mừng biến cố sinh ra của Ðấng là Ánh Sáng thế gian. Hôm đó dân ngoại thờ thần mặt trời mà họ tin là "Mặt trời bất diệt" vượt lên từ bóng tối của mùa Ðông. Còn người Kitô chọn ngày đó để mừng Chúa giáng trần, nào chẳng phải là để nhìn nhận Người mới là Mặt Trời bất diệt duy nhất đó sao? (x Lc 1,78). Riêng ở Ai Cập, dân ngoại mừng lễ Xuân Phân vào ngày 6 tháng 1. Nhiều nghi lễ ngoại giáo được tổ chức vào ngày đó. Cho nên để tránh cho người Công Giáo khỏi vướng mắc vào dịp đó, Giáo Hội Ðông Phương ở đây chọn ngày 6 tháng 1 làm lễ mừng Chúa Hiển Linh. Ðiều đặc biệt là người Ai Cập sống lệ thuộc nhiều vào sông Nil phì nhiêu, tựa như dân Việt ta lệ thuộc nhiều vào hai con sông Hồng Hà và Cửu Long. Cho nên điều dễ hiểu là người Công Giáo Ai Cập chọn mừng Chúa tỏ thần tính của Người bên bờ sông Giođan thay vì mừng Người sinh ra trong cảnh cơ hàn của Bêlem lạnh lẽo. Họ chọn cảnh "Ðức Giêsu vừa ở dưới nước lên, thì kìa các tầng trời mở ra. Người thấy Thần Khí Thiên Chúa đáp xuống như chim bồ câu và ngự trên Người. Và kìa có tiếng từ trời phán rằng: "Ðây là Con yêu dấu của Ta. Ta hài lòng về Người." (Mt 3,16-17). Lễ Hiển Linh mà người Ai Cập mừng đã mau chóng được tất cả Giáo Hội Ðông Phương mừng theo.

 Nhưng trang Tin Mừng Mátthêu 2,1-12, kể lại việc các đạo sĩ từ phương Ðông xa xôi tới thờ lạy Hài Nhi Giêsu sinh ra tại Bêlem, không thể không lôi cuốn niềm ngưỡng mộ của người Kitô mà đa số có gốc dân ngoại. Các đạo sĩ này quả thực là tổ phụ của họ, đã trở nên hoa trái đầu mùa của dân ngoại khi Tin Mừng được loan báo. Các đạo sĩ ấy đại diện toàn thể dân ngoại trong việc tôn vinh Con bà Maria, cũng là Con của Thiên Chúa.

 Sau này khi lễ Chúa Hiển Linh được cử hành rộng rãi ở xứ Galia của Pháp Quốc sau này, người ta còn mô tả việc Chúa Hiển Linh qua việc Người khiêm nhường chịu phép rửa của Gioan, và qua việc Người tỏ mình ra tại Cana với điều nhấn mạnh là "Chúa tỏ vinh quang của Người ra, và các môn đệ tin vào Người" (Ga 2,11)

 Như vậy việc Thiên Chúa tỏ thần tính của Người ra nơi Ðức Giêsu bao gồm biết bao là biến cố và mầu nhiệm trong đời Người. Các biến cố hay đúng hơn, các mầu nhiệm của đời Người, được mừng kính dọc theo năm phụng vụ thực ra chỉ là "những phương diện khác nhau của mầu nhiệm phục sinh duy nhất của Người" (Giáo lý của Giáo Hội Công Giáo, số 1171).

 Thánh Linh Thực Hiện Mầu Nhiệm Duy Nhất của Chúa Giêsu

 "Phụng vụ Kitô giáo không chỉ nhắc nhở những biến cố cứu độ, nhưng còn hiện thực hoá những biến cố đó. Do đó mầu nhiệm vượt qua của Ðức Kitô được cử hành nhưng không lặp lại, tuy chúng ta lặp lại nhiều lần cuộc cử hành. Mỗi lần cử hành phụng vụ, Thánh Linh lại đổ ơn chan hoà. Ngài hiện thực hoá mầu nhiệm duy nhất của Ðức Kitô." (Ibid., sô 1104).

 Câu chuyện nói trên của tác giả Ngô Văn Ðông gợi ý cho ta thấy chút nào đó về việc Thiên Chúa tỏ thần tính của Người trong một hoàn cảnh hết sức bi đát. Ðó là hoàn cảnh của những tù nhân vì quá sợ hãi nên mắc bệnh hoang tưởng. Họ chỉ điểm lẫn nhau và trở nên những kẻ thù của nhau! Chính trong hoàn cảnh cùng cực đó Lời Chúa được cử hành nơi những nhóm học hỏi Kinh thánh. Và điều lạ lùng là chính Chúa Giêsu với mầu nhiệm Phụx Sinh duy nhất của Người, hiện diện một cách vô hình, nhưng tác động một cách hữu hình qua việc Người biến đổi những con người cụ thể.

 * Trước hết, Người ban cho các nhóm tù nhân học hỏi Kinh Thánh ánh sáng đức tin để trí hiểu của họ thấy được Người đang sống động ở giữa họ. Họ phần nào giống như các đạo sĩ được ban cho ơn "thấy vì sao của Ðức Vua dân Do Thái xuất hiện bên phương Ðông nên đến bái lạy Người" (c.2 và 9).

 Chúa Giêsu Tự Hiến Ðể Cứu Họ

 * Người ban cho họ chính bản thân Người tự hiến để cứu họ khỏi cảnh lầm than mà họ đang phải gánh chịu một cách vô vọng. Do đó đám tù nhân không còn cho rằng họ là nạn nhân của một tấn bi kịch độc ác nữa. Ở đây các tù nhân phần nào giống như các đạo sĩ được báo mộng (c.12) để khỏi trở về con đường cũ họ vẫn theo. Tức là các tù nhân không còn trở về với nếp sống ngờ vực và phá hoại lẫn nhau nữa.

 Nhất là các tù nhân được ban cho ơn đáp lại tình yêu Chúa ban một cách quảng đại. Họ bắt đầu cầu nguyện cho nhau nhiều hơn là cho chính mình. Họ ước mong được tự do chia sẻ cho nhau nhiều hơn trong cuộc sống. Họ phần nào noi gương các đạo sĩ đã quảng đại dâng Hài Nhi Giêsu những lễ vật quý báu họ mang theo (c.11)
 
 

Một số câu hỏi gợi ý

1. Bạn thấy qua việc học hỏi và chia sẻ Kinh Thánh, những nhóm tù nhân trong câu chuyện của tác giả Ngô Văn Ðông, được thay đổi về phương diện nào mà bạn cho là đáng kể nhất?

 2. Bạn nghĩ tại sao các tù nhân trong câu chuyện của tác giả Ngô Văn Ðông, thấy Chúa Giêsu hiểu rõ hoàn cảnh của họ? Chính bạn có kinh nghiệm nào về việc Chúa Giêsu gần guĩ trong hoàn cảnh sống của bạn?
 
 


Back to Vietnamese Missionaries in Taiwan Home Page