Mỗi Ngày Một Tin Vui

Những Bài Suy Niệm Lời Chúa Hằng Ngày

của Ðài Phát Thanh Chân Lý Á Châu

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


Chúa Nhật 3 Phục Sinh Năm B

Có Chúa Trong Cuộc Ðời Là Có Bình An

(Lc 24:35-48)

 

Phúc Âm: Lc 24, 35-48

"Họ nhận ra được Người khi họ nhận bánh do Người bẻ trao cho".

Khi ấy, hai môn đệ thuật lại các việc đã xảy ra dọc đường và hai ông đã nhận ra Người lúc bẻ bánh như thế nào.

Mọi người còn đang bàn chuyện thì Chúa Giêsu hiện ra đứng giữa họ và phán: "Bình an cho các con! Thầy đây, đừng sợ". Nhưng mọi người bối rối tưởng mình thấy ma. Chúa lại phán: "Sao các con bối rối và lòng các con lo nghĩ như vậy? Hãy xem tay chân Thầy: chính Thầy đây! Hãy sờ mà xem: ma đâu có xương thịt như các con thấy Thầy có đây". Nói xong, Người đưa tay chân cho họ xem. Thấy họ còn chưa tin, và vì vui mừng mà bỡ ngỡ, Chúa hỏi: "Ở đây các con có gì ăn không?" Họ dâng cho Người một mẩu cá nướng và một tảng mật ong. Người ăn trước mặt các ông và đưa phần còn lại cho họ. Ðoạn Người phán: "Ðúng như lời Thầy đã nói với các con, khi Thầy còn ở với các con, là cần phải ứng nghiệm hết mọi lời đã ghi chép về Thầy trong luật Môsê, trong sách tiên tri và thánh vịnh". Rồi Người mở trí cho các ông am hiểu Kinh Thánh.

Người lại nói: "Có lời chép rằng: Ðấng Kitô sẽ phải chịu thương khó, và ngày thứ ba Người sẽ từ cõi chết sống lại. Rồi phải nhân danh Người rao giảng sự thống hối và sự ăn năn để lãnh ơn tha tội cho muôn dân, bắt đầu từ thành Giêrusalem. Còn các con, các con sẽ làm chứng nhân về những điều ấy".

 

Suy Niệm:

Có Chúa Trong Ðời Là Có Bình An

Chúa Nhật 3 Phục Sinh, Năm B

Cv 3: 11-26; 2Ga 2:1-5a; Lc 24:35-48

Mặc dầu Ðức Giêsu đã tiên báo về cuộc tử nạn và phục sinh của Người ba lần, các môn đệ vẫn chưa hiểu đường lối của Ðấng Cứu thế. Biến cố của ngày Thứ Sáu Chịu nạn đã làm tiêu tan những mối hi vọng của các ông, như hi vọng Thầy mình sẽ thiết lập một vương quốc trần gian, hi vọng được một chỗ đứng trong vương quốc của nước Người. Thảm cảnh thập giá vẫn còn làm các ông hoang mang và sợ hãi. Hai môn đệ đi làng Emmau quyết định bỏ cuộc về quê. Rồi Ðức Giêsu hiện ra giải thích cho các ông hiểu lời Thánh kinh liên quan đến Người. Khi họ mời Nguời khách lạ vào nhà và lúc Người cầm lấy bánh, tạ ơn, bẻ ra và trao cho họ, họ mới nhận ra Người (Lc 24:30-31). Bình an đã được phục hồi cho họ.

Rồi hai môn đệ vội vã trở về Giêrusalem gặp Nhóm Mười Một và hai ông được bảo là Chúa đã sống lại và hiện ra với ông Simon (Lc 24:33-34). Hai môn đệ Emmau cũng thuật lại cho Nhóm Mười Một và các bạn hữu đang tụ họp về việc Chúa hiện ra với hai ông và các ông đã nhận ra Người lúc Người bẻ bánh. Lúc này Chúa lại hiện ra đứng giữa các ông và chúc: Bình an an cho các con (Lc 24:36). Tuy nhiên các tông đồ vẫn: Kinh hồn bạt vía, tưởng mình thấy ma (Lc 24:37). Ðức Giêsu liền trấn an các ông bằng cách chứng minh căn tính của Người, chỉ cho họ tay chân của Người có xương thịt, chứ không phải là ma. Tuy nhiên các ông vẫn chưa tin vì mừng rỡ mà lại ngỡ ngàng (Lc 24:41), Chúa mới hỏi xem các ông có gì ăn không? Rồi Chúa giải thích lời Thánh kinh cho các ông hiểu về cuộc khổ hình và phục sinh của Ðấng Cứu thế để đem lại bình an cho các ông.

Trước đó Ðức Giêsu cũng đã hiện ra với bà Maria Mácđala và mấy bà khác để trấn an các bà (Mt 28:1-10; Lc 24:1-11; Mc 16:1-11; Ga 20:1-18). Ðức Giêsu còn hiện ra với các tông đồ để củng cố đức tin của các ông và ban bình an cho các ông và trao sứ mệnh cho các ông (Mt 28:16-20; Mc 16:12-15; Ga 20:19-23). Ðặc biệt Chúa còn hiện ra với ông Tôma để phục hồi đức tin của ông đã bị dập tắt và đem lại bình an cho ông (Ga 20:24-29).

Lời chúc bình an của Chúa mang ý nghĩa đặc biệt cho người môn đệ của Chúa. Và để duy trì sự bình an, Chúa truyền cho họ rao giảng sự sám hối để được ơn tha tội (Lc 24:47) vì không thể có bình an nội tâm nếu người ta sống trong tình trạng tội lỗi. Do đó mà thánh Phêrô rao giảng sự sám hối và trở lại cùng Chúa để được ơn tha tội (Cv 3:19) và được bình an. Cũng do đó mà thánh Gioan bảo tín hữu phải xa tránh tội lỗi (1Ga 2:1) để duy trì sự bình an.

Ða số người tín hữu cũng có những lần mang những tâm trạng hoang mang, bối rối, lo lắng và sợ hãi khác nhau. Người thì lo sợ mất công ăn, việc làm, sợ phải mang bệnh tật, sợ mất sức khoẻ. Người thì lo sợ phải sống cảnh chia ly xa cách vì gia đình đổ vỡ. Người khác lo sợ những ngày giờ khủng hoảng, đen tối đè nặng trên tâm hồn. Nếu vậy thì Chúa muốn ta trút tất cả những nỗi lo âu, sợ hãi vào lòng từ ái của Chúa. Chúa muốn ta đặt trọn niềm tin cậy, phó thác vào chương trình quan phòng của Chúa. Việc tín thác vào Chúa là điều mà ta có thể học được bằng kinh nghiệm. Sau khi người ta đã thử đặt tin tưởng vào tiền của, thế lực, địa vị, và rồi cuối cùng người ta thấy không đi đến đâu, có khi còn khổ hơn nữa. Từ đó họ mới tìm đến Chúa.

Qua các môn đệ, Chúa cũng gửi đến ta lời chào bình an. Ngày nay người ta nghe nhiều về những khao khát, ước vọng hoà bình. Nếu đi du lịch bên Do thái vào thập niên 80 của thế kỉ 20 mà gọi điện thoại, người ta sẽ nghe thấy người ở đường giây nói bên kia trả lời shalom, có nghĩa là bình an. Sự kiện đó nói lên người Do thái khao khát hoà bình như thế nào. Trên bình diện quốc gia và quốc tế, hoà bình theo nghĩa từ điển Webster có nghĩa là tình trạng, hay thời kỳ hoà hoãn, thời kỳ đình chiến giữa các quốc gia, hoặc phe nhóm. Tuy nhiên hoà bình có nghĩa gì đối với cá nhân mỗi người? Cũng theo từ điển Webster, hoà bình có nghĩa là trạng thái tĩnh, không bị tư tưởng xung khắc đè nén, nhưng là một sự hoà hợp trong mối tương quan và liên hệ của mỗi người.

Hoà bình theo nghĩa Thánh kinh là một ân huệ Chúa ban. Do đó hoà bình phải phát xuất từ tâm hồn mỗi người, phải được ăn rễ và phát triển trong tâm hồn. Hoà bình sẽ ngự trị trong tâm hồn ta, và xung quanh ta, nếu ta có được bình an trong tâm hồn. Ðể có được sự bình an nội tâm, người ta cần làm hoà với Chúa qua Bí tích Cáo giải. Ðể có được sự bình an trong tâm hồn người ta cần sống theo đường lối của Chúa và tuân giữ giới răn Chúa.

 

Lời cầu nguyện xin cho được sự bình an nhờ lòng tin vào Chúa phục sinh:

Lậy Ðức Kitô phục sinh!

Sao có những điều trong đạo, con còn hoài nghi?

Con đã được chịu Phép Thánh tẩy:

cũng học đạo, đọc kinh và dự thánh lễ,

nhưng lòng thì không mấy xác tín.

Xin Chúa đánh động tâm tồn con, uốn mềm lòng trí con,

ban cho con một dấu chỉ nào đó,

như xưa Chúa đã ban cho các tông đồ,

để tâm hồn con được nghỉ an trong Chúa. Amen.

 

Lm Trần Bình Trọng

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page