GOSPELNET
 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


CHÚA NHẬT 5 B THƯỜNG NIÊN

TIN MỪNG: Tin Mừng Mc 1, 29 - 39

Hôm ấy, vừa ra khỏi hội đường Ca-phác-na-um, Ðức Giê-su đi đến nhà hai ông Si-môn và An-rê. Có ông Gia-cô-bê và ông Gio-an cùng đi theo. Lúc đó, bà mẹ vợ ông Si-môn đang lên cơn sốt, nằm trên giường. Lập tức họ nói cho Người về tình trạng của bà. Người lại gần, cầm tay bà mà đỡ dậy; cơn sốt dứt ngay và bà phục vụ các ngài.

Chiều đến, khi mặt trời đã lặn, người ta đem mọi kẻ ốm đau và những ai bị quỷ ám đến cho Người. Cả thành xúm lại trước cửa. Ðức Giê-su chữa nhiều kẻ ốm đau mắc đủ thứ bệnh tật, và trừ nhiều quỷ, nhưng không cho quỷ nói, vì chúng biết Người là ai.

Sáng sớm, lúc trời còn tối mịt, Người đã dậy, đi ra một nơi hoang vắng và cầu nguyện ở đó. Ông Si-môn và các bạn kéo nhau đi tìm kiếm. Khi gặp Người, các ông thưa: "Mọi người đang tìm Thầy !" Người bảo các ông: "Chúng ta hãy đi nơi khác, đến các làng mạc chung quanh, để Thầy còn rao giảng ở đó nữa, vì Thầy ra đi cốt để làm việc đó". Rồi Người đi khắp miền Ga-li-lê, rao giảng trong các Hội Ðường của họ, và trừ quỷ.

SUY NIỆM 1:

CHÚA GIÊ-SU KI-TÔ, "TRỌN MỘT NGÀY ÐỜI" VÌ MỌI NGƯỜI VÀ CHO MỌI NGƯỜI

"Hôm ấy", ( chúng ta có thể khẳng định đó là ngày Sa-bát ), các tín đồ Do-thái giáo tập trung đến hội đường để nghe giảng Sách Luật. Ðó là dịp để Chúa Giê-su thi hành sứ vụ rao giảng Tin Mừng cho mọi người. Chúa Giê-su cũng đến hội đường để chu toàn bổn phận Do-thái giáo, và hơn thế nữa, để chính Thiên Chúa trực tiếp nói với loài người, Thiên Chúa trực tiếp giảng dạy loài người, dựa theo những gì Chúa đã nói trong Kinh Thánh. Như vậy từ sáng đến trưa, Chúa ở trong Hội Ðường để giảng dạy Kinh Thánh, để giúp mọi người hiểu biết Kinh Thánh.

Chúa Nhật, "hôm ấy" của Ki-tô giáo, mọi tín hữu đến Nhà Thờ tham dự Thánh Lễ, nghe giảng Lời Chúa. Xin cho chúng ta hiểu Lời Chúa, thực hành Lời Chúa và giúp anh chị em mình sống Lời Chúa.

Sứ vụ của Chúa Giê-su còn là cứu chuộc nhân loại: "Người lại gần, cầm tay bà mà đỡ dậy". Con người bị mất cuộc sống an nhàn, đời sống yêu thương và phục vụ ( Bà mẹ vợ ông Phê-rô lên cơn sốt, phải nằm giường ). Chúa Giê-su đến gần ngay bên, cầm tay nâng đỡ dậy: Chúa có quyền năng khôi phục lại những gì thiện hảo mà loài người đã đánh mất. Chúa Giê-su có quyền năng cứu chuộc. Bà lành bệnh và tiếp tục phục vụ anh chị em. Bà sống lại cuộc sống an nhàn, yêu thương và phục vụ.

Chúa cứu chuộc không chỉ một người, mà nhiều người và mọi người ở mọi thời. Thật vậy, "chiều đến, khi trời đã lặn", người ta mới đem mọi kẻ đau ốm, mắc đủ thứ bệnh tật, kể cả bị quỷ ám... Chúa chữa lành tất cả. Ước gì tất cả mọi người đã được Chúa Giê-su cứu chuộc, những người đến vào buổi chiều, tất cả chúng ta nữa, sau khi lành bệnh, sau khi được cứu chuộc, cũng biết sống lại cuộc sống an nhàn, yêu thương và phục vụ.

1. CHÚA GIÊ-SU ÐI ÐẾN NƠI HOANG VẮNG VÀ CẦU NGUYỆN

Chúa Giê-su rất quan tâm đến giờ cầu nguyện, ví như không thể thiếu trong đời sống của Chúa. Trước khi đi rao giảng: Chúa dùng 40 đêm ngày để cầu nguyện; trước khi chọn 12 Tông Ðồ: Chúa cầu nguyện thâu đêm; và ở đây, trước khi đi nơi khác: Chúa cũng cầu nguyện suốt đêm. Giờ cầu nguyện của Chúa, ví như việc tiếp thêm nhiều nhiên liệu cho chiếc xe khi phải đi xa, càng xa càng nhiều xăng dầu...

Xin cho chúng ta siêng năng và sốt sắng cầu nguyện: Trước sự việc càng khó, càng cầu nguyện nhiều; càng đương đầu với những tấn công của ma quỷ, chúng ta càng cầu nguyện nhiều hơn. Và trong đời thường cũng biết dành thời gian cầu nguyện: cầu nguyện như nguồn sức sống của chúng ta.

2. "MỌI NGƯỜI ÐANG TÌM THẦY !"

Các môn đệ bày tỏ cái nhu cầu của nhân loại: "Mọi người đang tìm Thầy". Nghe lời giảng dạy của Chúa, chứng kiến việc làm của Chúa, cùng sống chung với Chúa, các môn đệ nhận định: chỉ mình Chúa Giê-su, duy nhất chỉ có Thầy đây mới là Ðấng Cứu Chuộc nhân loại, không thể là ai khác. Và nếu mất Thầy, thiếu vắng Thầy, người ta không thể làm gì được. Chúng ta cũng phải khám phá ra trong đời mình: Không thể thiếu vắng Chúa Giê-su. Xin cho mọi người đi tìm gặp Chúa Cứu Thế.

3. NGƯỜI BẢO CÁC ÔNG: "CHÚNG TA HÃY ÐI NƠI KHÁC"

Chúa Giê-su ý thức sứ vụ của mình "vì mọi người và cho mọi người". Chúa Cứu Thế không phải chỉ cho những người môn đệ Chúa, ở Ca-phác-na-um, ...Chúa còn phải đi đến những nơi khác, khắp nơi trên thế giới, ở mọi thời đại nữa. Chúa đi và dẫn các môn đệ cùng đi: "Chúng ta hãy đi nơi khác".

Chúng ta là Ki-tô hữu, là môn đệ của Chúa, chính chúng ta phải là hiện thân của Chúa, phải nói những lời Chúa nói, phải làm những việc Chúa làm cho những người đang sống ở đây và trong ngày hôm nay.

Lm. Phê-rô NGUYỄN VĂN HIỀN, Họ Ðạo Hòa Long, Giáo Phận Vĩnh Long

SUY NIỆM 2:

PHỤC VỤ THA NHÂN

Chúa Giê-su vừa mới từ Hội Ðường Ca-phác-na-um, nơi Ngài đã phụng sự Chúa bằng cầu nguyện và rao gảng lời Ngài, lại phục vụ nhân loại qua việc chữa lành người bị quỷ ám. Và trên đường về nhà Phê-rô Ngài đã chữa lành người đầy tớ của thầy đội ( Mt 8, 5 - 13 ). Khi Chúa Giê-su ở Ca-phác-na-um, Ngài không có nhà riêng, trụ sở Ngài đặt là nhà của Phê-rô, nơi đây mẹ vợ của Phê-rô đang bị sốt.

Có 3 loại sốt thường thấy ở Pa-lét-tin. Một loại được gọi là Malta có đặc điểm làm suy nhược, mất máu, thường kéo dài nhiều tháng và chết. Một loại khác là sốt cách nhật giống như sốt rét định kỳ. Nhưng nặng nhất là sốt rét da vàng. Nơi gần sông Gio-đan đổ vào biển hồ có nhiều vùng sình lầy là môi trường lý tưởng cho giống muỗi sinh sôi nảy nở. Cả Ca-phác-na-um và Ti-bê-ria là địa bàn hoạt động cho giống muỗi gây bệnh sốt rét. Chúng này thường kèm theo bủng da và nóng lạnh, gây khốn khổ cho bệnh nhân, chắc chắn đây là chứng mà mẹ vợ ông Phê-rô mắc phải.

 Chúa Giê-su vừa từ nơi công cộng về, mệt mỏi vì giảng dạy và chữa bệnh, chắc cũng muốn nghỉ ngơi. Tuy vậy, vừa vào đến nhà đã lại có lời cầu xin được giúp đỡ, và Ngài lại dấn thân vì người khác.

Phép lạ này nói cho chúng ta vài điều về 3 hạng người:

1. NÓ CHO CHÚNG TA BIẾT VỀ CHÚA GIÊ-SU:

Ngài không cần phải có một cử tọa đông đảo mới thi thố quyền năng, Ngài sẵn sàng chữa bệnh giữa một số rất ít người trong một ngôi nhà tranh cũng như giữa đám đông trong Hội Ðường. Ngài chẳng bao giờ quá mệt mỏi để không cứu giúp, nhu cầu của người khác được đặt trước ý muốn nghỉ ngơi của chính Ngài. nhưng trên hết, tại đây cũng như trong Hội Ðường. Chúng ta thấy các phương pháp có một không hai của Chúa Giê-su. Vào thời của Chúa Giê-su có nhiều người thầy trừ quỷ, họ hành nghề bằng những nghi lễ cầu đảo, khấn vái công phu, những hình thức bùa chú, những tiếng kêu la, hò hét với nhiều đồ nghề ma thuật. Trong Hội Ðường, Chúa Giê-su chỉ phán một câu đầy uy quyền và chữa bệnh được hoàn tất ngay.

Ở đây cũng có một sự việc như thế xảy ra. Bà nhạc gia của Phê-rô đang đau chứng bệng mà Kinh Talmud của người Do-thái gọi là "một cơn sốt thiêu đốt". Kinh Talmud cũng chỉ ra phương pháp chữa trị chứng bệnh này. ngưới ta lấy một con dao bằng sắt đem cột vào một bụi gai bằng một lọn tóc. Suốt nhiều ngày liên tiếp, người ta đọc sách Xuất Hành 3, trước nhất là câu 2, 3 rồi đến câu 4, 5. Rồi có một công thức ma thuật được đọc lên, như thế người ta xem phần chữa trị đã xong.

Chúa Giê-su hoàn toàn bất chấp những câu thần chú ma thuật thông thường, chỉ bằng một dáng điệu và một tiếng duy nhất đầy quyền năng, Ngài đã chữa lành cho bà cụ. Bác sĩ Paul Tournier có viết: "Bệnh nhân của tôi thường bảo tôi: tôi khâm phục sự kiên nhẫn của ông khi ông lắng nghe mọi điều tôi kể. Ðó chẳng phải là sự kiên nhẫn, mà là sự quan tâm".

Với Chúa Giê-su, việc chữa bệnh không nhằm làm tăng thêm uy tín, giúp người không phải là nhiệm vụ khó nhọc, Ngài chỉ giúp người một cách tự nguyện, tự nhiên, vì Ngài luôn quan tâm đến tất cả mọi người cần đến sự cứu giúp của Ngài.

2. NÓ CHO CHÚNG TA BIẾT VỀ MÔN ÐỆ CỦA NGÀI:

Họ chưa biết nhiều về Chúa Giê-su, nhưng ngay trong giờ phút gặp gỡ ngắn ngủi này, họ đã bắt đầu đem tất cả những điều rắc rối của mình đến cho Ngài. Bà nhạc gia của Phê-rô ngã bệnh, cả nhà đang bối rối, việc các môn đệ Ngài trình mọi việc cho Chúa Giê-su nghe là điều tự nhiên nhất trên đời.

Paul Tournier kể lại một trong những khám phá quan trọng nhất trong đời ông như thế nào. Ông thường đến thăm một vị Mục Sư lão thành và ông cụ chẳng bao giờ để ông ra về mà không cùng cầu nguyện với nhau. Ông hết sức kinh ngạc vì cách cầu nguyện đơn sơ của vị Mục Sư nọ. Nó giống hệt phần tiếp tục câu chuyện thân mật mà vị tông đồ lão thành ấy luôn trò chuyện với Chúa Giê-su.

Bác sĩ Tournier viết tiếp: "Về đến nhà tôi sẽ kể cho vợ tôi nghe chuyện ấy và chúng tôi cùng cầu xin Thiên Chúa cho chúng tôi cũng được thông hiệp mật thiết với Chúa Giê-su như cụ Mục Sư nọ vậy. Từ đó, Ngài trở thành trung tâm của giờ phút tĩnh tâm và là người bạn đồng hành của tôi. Ngài vui lòng về mọi việc tôi làm và cũng quan tâm về việc đó. Ngài là người bạn thân tôi có thể đem mọi sự xảy đến cho đời tôi ra thảo luận. Ngài sẽ chia sẻ những niềm vui nỗi khổ, những hy vọng cùng mọi nỗi sợ hãi với tôi. Ngài có mặt khi một bệnh nhân tâm sự với tôi. Ngài nghe người ấy nói còn rõ hơn chính tôi được nghe nữa. Và khi bệnh nhân của tôi đi rồi, tôi vẫn còn có thể trò chuyện với Ngài về người ấy".

Mấy lời trên đây bao gồm yếu tính sinh hoạt của người Ki-tô hữu. Thế là các môn đệ nguyên thủy đã học được điều trở thành thói quen cho cả đời sống: đem hết mọi chuyện rắc rối của mình cho Chúa Giê-su và xin Ngài giúp đỡ mình.

3. NÓ CHO CHÚNG TA BIẾT VÀI ÐIỀU VỀ BÀ NHẠC GIA CỦA PHÊ-RÔ:

Ngay sau khi được chữa lành bà cụ liền bắt tay vào phục vụ. Bà cụ đã dùng phần sức khỏe hồi phục của mình để phục vụ một cách mới mẻ. Ta đã sử dụng ơn Chúa ban như thế nào ?

Nhà văn Oscar Wilde viết tuyển tập "Chuyện Hay Nhất Thế Giới" trong đó, ông kể:

"Ðấng Cứu Thế đi từ miền thôn quê tầm thường lên một thành phố muôn phân sặc sỡ. Khi đi qua một phố đầu tiên Ngài nghe có tiếng nói phía trên đầu, nhìn lên thấy một thanh niên nằm vắt ngang thành cửa sổ. Chúa hỏi: "Sao ngươi lại bỏ phí linh hồn trong say sưa ?" Hắn đáp: "Thưa Chúa, tôi là người phong đã được Chúa chữa lành, bây giờ tôi còn biết làm gì khác hơn" ? Ði xa hơi một chút nữa, Ngài thấy một thanh niên đang lẽo đẽo theo sau một cô gái mại dâm, Ngài bảo: "Tai sao ngươi bỏ phí cuộc đời của ngươi trong trác táng ?" Chàng đáp: "Thưa Chúa, tôi là người mù được Chúa chữa lành, bây giờ tôi còn biết làm gì khác hơn ?" Cuối cùng ở giữa thành phố, Ngài thấy một người già nằm co dúm trên đất khóc lóc, và khi được Chúa hỏi, ông đáp: "Lạy Chúa, tôi là người chết được Chúa cho sống lại, bây giờ tôi còn biết làm gì khác hơn là khóc ?"

Ðó là những ví dụ kinh khủng nói lên cách con người đã tàn nhẫn, vô tâm khi sử dụng ơn phúc và lòng thương xót của Chúa. Bà mẹ vợ của ông Phê-rô đã dùng sức khoẻ phục hồi của mình để phục vụ Chúa và tha nhân. Ðó là cách chúng ta sử dụng mọi Hồng Ân Chúa ban.

Không ai rõ thái độ phục vụ của bà có tác động đến chàng rể như thế nào, để sau này, với tư cách là lãnh tụ Giáo Hội, Phê-rô đã viết thư khuyên giáo dân: "Ơn riêng Thiên Chúa đã ban, mỗi người trong anh em phải dùng mà phục vụ kẻ khác. Như vậy anh em mới là người khéo quản lý ân huệ thiên hình vạn trạng của Thiên Chúa. Ai có nói thì nói lời Thiên Chúa; ai phục vụ, thì phục vụ bằng sức mạnh Thiên Chúa ban. Như thế, trong mọi việc chúng tôi tôn vinh Thiên Chúa nhờ Ðức Giê-su Ki-tô" ( 1 Pr 4, 10 - 11 ).

Lm. ÐINH TẤT QUÝ, Giáo Phận Sài-gòn

 

SUY NIỆM 3:

CHẠNH LÒNG THƯƠNG

1. ÐỨC GIÊ-SU LUÔN CỨU GIÚP MỌI NGƯỜI THEO SỰ THÚC ÐẨY CỦA TÌNH THƯƠNG

Bài Tin Mừng hôm nay kể chuyện Ðức Giê-su chữa các bệnh tật, các chứng quỷ ám. Trong cuộc đời công khai, Ngài đã từng chữa lành biết bao nhiêu con bệnh thuộc đủ mọi loại, biết bao người bị quỷ ám, và làm một số người chết sống lại, v.v... Ðiều đó khiến nhiều người có cảm tưởng rằng Ngài là một chuyên gia chữa bệnh, chữa quỷ ám. Thật ra không phải như vậy ! Ngài đến thế gian chủ yếu không phải để làm những việc ấy, mà để cứu chuộc toàn nhân loại và loan báo Tin Mừng cho họ.

Tuy nhiên, khi thực hiện sứ mạng ấy, Ngài đã phải đối diện với biết bao nhiêu cảnh đau thương của con người, về tinh thần cũng như thể chất. Tình thương chan chứa của Ngài đối với con người khiến Ngài biết bao lần "chạnh lòng thương" và ra tay cứu giúp ( x. Mt 9, 36; 14, 14; 15, 32; Mc 1, 41; Lc 7,13 ). Sách Công Vụ Tông Ðồ còn cho biết: "Ði tới đâu là Người thi ân giáng phúc tới đó, và chữa lành mọi kẻ bị ma quỷ kiềm chế, bởi vì Thiên Chúa ở với Người" ( Cv 10, 38 ).

Ðiều chúng ta cần noi gương Ngài không phải là việc chữa bệnh hay làm điều gì, mà chính là khả năng "chạnh lòng thương" trước những đau khổ của tha nhân. Khi đã biết "chạnh lòng thương", thì tình thương sẽ thúc đẩy và dần dần tạo cho ta khả năng hành động phù hợp với sự đòi hỏi của tình thương.

Thiết tưởng tất cả mọi Ki-tô hữu muốn thật sự là Ki-tô hữu đều phải biết "chạnh lòng thương", biết nhạy cảm trước những đau khổ, trước những cảnh thương tâm đang xảy ra cho những người chung quanh, đồng thời quyết tâm ra tay hành động theo sự thúc đẩy của tình thương.

Sự nhạy cảm do tình thương ấy chính là dấu hiệu chắc chắn cho biết Thiên Chúa đang thật sự ở với chúng ta, trong chúng ta. Ai không nhạy cảm như thế là dấu chứng tỏ họ không có Thiên Chúa - là Tình Thương - ở nơi mình: "Ai không yêu thương anh em mình thì không thuộc về Thiên Chúa" ( 1 Ga 3, 10; x. 3, 17; 4, 8 ).

2. VÌ YÊU THƯƠNG VÀ DẤN THÂN HẾT MÌNH MÀ NGÀI LÀM NÊN NHỮNG PHÉP LẠ

Có phải vì làm phép lạ dễ dàng, nên Ngài tỏ tình thương với mọi người cũng dễ dàng chăng ?

Nếu ít hiểu biết về Ðức Giê-su, chúng ta có thể nghĩ rằng: Ðức Giê-su là Thiên Chúa, Ngài có quyền năng làm phép lạ, có khả năng chữa bệnh, đuổi quỷ, nên Ngài tha hồ mà "thi ân giáng phúc" ở bất cứ nơi nào Ngài đến. Ðối với Ngài, việc "thi ân giáng phúc" quả là quá dễ dàng, Ngài có mất mát hay thiệt thòi gì đâu ?

Còn ta, hễ giúp đỡ ai, làm cho ai hạnh phúc hơn là ta phải mất mát, hy sinh, phải chịu thiệt thòi, phải chấp nhận đau khổ. Nếu Ngài cũng bị hạn chế như ta, làm sao Ngài có thể "thi ân giáng phúc" không cần tính toán như thế được ? Nếu ta cũng làm được phép lạ như Ngài, ta cũng sẽ "thi ân giáng phúc" cho mọi người đâu kém gì Ngài !

Hay vì Ngài yêu thương tha nhân hết mình, nên mới có nhiều khả năng cứu giúp người khác ?

Nghĩ như thế quả cũng có lý ! Nhưng theo thiển ý tôi, người viết bài này, nghĩ ngược lại có thể có lý hơn. Nghĩa là: không phải vì Ngài có khả năng làm phép lạ nên Ngài tỏ tình yêu thương một cách dễ dàng; mà ngược lại, chính vì Ngài yêu thương hết mình, và cũng hết mình muốn ra tay cứu giúp người khác, nên Ngài mới làm được những phép lạ như thế. Cách nghĩ sau có vẻ hợp với Kinh Thánh hơn.

Ðức Giê-su, Thiên Chúa Nhập Thể, có những giới hạn của Ngài

Rất nhiều người nghĩ: Ðức Giê-su chính là Thiên Chúa, mà đã là Thiên Chúa thì ắt Ngài phải biết hết, làm được hết, có đầy đủ mọi nhân đức, ở trong tình trạng hoàn hảo, chẳng cần tập tành khổ luyện gì hết. Nghĩ như thế không phải là không có lý. Nhưng rất có thể họ quên rằng Ðức Giê-su là một  "Thiên Chúa Nhập Thể", nghĩa là một "Thiên-Chúa-làm-người". Khi nhập thể thì Thiên Chúa vô hạn và tuyệt đối đã mặc lấy thân phận hữu hạn và tương đối của con người ( x. Pl 2, 6 - 9 ).

Chẳng hạn, là Thiên Chúa vô hạn, Ngài có thể hiện diện cùng một lúc ở khắp nơi, nhưng cũng chính Thiên Chúa ấy, khi nhập thể, mặc lấy thân phận hữu hạn của con người, thì Ngài không thể ở khắp nơi cùng một lúc như thế. Thiên Chúa và Ðức Giê-su chỉ là một Thiên Chúa duy nhất, nhưng Thiên Chúa ấy đã mặc lấy hai cách hiện hữu khác nhau: một đằng là thần linh, vô hạn, bất biến, tuyệt đối; một đằng là con người, hữu hạn, vô thường và tương đối... Nếu không như thế thì đâu còn là nhập thể nữa !

Kinh Thánh nói về Ðức Giê-su

Thánh Phao-lô đã nói về sự giới hạn và yếu đuối của Ðức Giê-su như sau: Ngài "mang thân phận yếu hèn" ( 2 Cr 13, 4; x. 1 Tm 3, 16 ); "Người đã phải nên giống anh em mình về mọi phương" ( Dt 2, 17 ); "Người đã chịu thử thách về mọi phương diện cũng như ta, nhưng không phạm tội" ( Dt 4, 15 ).

Thiên Chúa đã "sai chính Con mình đến mang thân xác giống như thân xác tội lỗi chúng ta để đền tội chúng ta" ( Rm 8, 3b ). Ngài phải chịu ma quỷ cám dỗ ( x. Mt 4, 1 - 11 ) và chắc chắn cũng phải chiến đấu để thắng nó.

Trong việc Ngài cảm thấy sợ hãi đến đổ mồ hôi máu khi nghĩ đến cuộc Thương Khó sắp tới, ta thấy ngay thân phận yếu hèn của một con người ở nơi Ngài, và thấy Ngài cũng phải chiến đấu rất cam go mới thắng vượt được bản thân yếu đuối mà vâng theo Thánh Ý Chúa Cha ( x. Lc 22, 41 - 44 ).

Khi Ngài còn nhỏ, rất có thể Mẹ Ma-ri-a cũng phải tập cho Ngài ăn, nói, đi đứng và dạy cho Ngài biết đọc, viết, tính toán như bao người mẹ khác tập cho con mình. Ngài cũng phải cố gắng vất vả khi phải học cho thuộc những bài học, khi làm những bài luyện tập… Ngài cũng phải học thánh Giu-se mới biết làm thợ mộc, và khi làm việc cũng cảm thấy mệt mỏi và vất vả.

Những gì Ngài có được - như sự hiểu biết, các nhân đức, sự hoàn hảo - không phải sẵn có nơi Ngài do bản tính thần linh vô hạn của Ngài, mà theo thánh Phao-lô, Ngài cũng phải học, phải luyện tập với bao gian lao cực khổ không khác gì chúng ta: "Dầu là Con Thiên Chúa, Người đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục" ( Dt 5, 8 ); "Thiên Chúa ( ... ) đã làm một việc thích đáng, là cho Ðức Giê-su trải qua gian khổ trở thành vị lãnh đạo thập toàn, dẫn đưa họ tới nguồn ơn cứu độ" ( Dt 2, 10 ).

Cũng thế, Ngài có được những giá trị cao quý ấy phần nào do quyết tâm thực hiện bằng ý chí yếu đuối của con người ở nơi Ngài.

Những phép lạ Ngài làm rất có thể là do tình thương cao độ của Ngài

Trong chiều hướng ấy, ta cũng có thể nghĩ rằng những phép lạ Ngài làm được để cứu giúp người khác một phần đến từ Thiên Chúa, nhưng một phần khác là do tình yêu cao độ và sự dấn thân hết mình của Ngài cho tha nhân.

Ðiều này phù hợp với kinh nghiệm bình thường của con người: chẳng hạn biết bao người mẹ bất tài mà chỉ vì tình thương bao la đối với con mà làm được những chuyện phi thường; những người có tình thương bao la rộng rãi thường phát triển khả năng nhiều hơn những người khác.

3. ÐỪNG SỠ MÌNH KHÔNG CÓ KHẢ NĂNG, HÃY SỠ MÌNH KHÔNG ÐỦ TÌNH THƯƠNG

Vậy thấy Ðức Giê-su cứu giúp biết bao người, chúng ta đừng vội cho rằng: nếu tôi có tài năng như Ngài, tôi cũng sẽ cứu giúp được nhiều người như Ngài. Nghĩ như thế hóa ra Ngài chẳng hơn gì chúng ta ! hóa ra nếu có ai cứu giúp ai thì do người cứu giúp ấy có khả năng cứu giúp mà thôi ! Nghĩ như thế, đời sống tâm linh và tình thương của chúng ta không bao giờ phát triển được ! Muốn làm được những việc như Ðức Giê-su, thiết tưởng điều quan trọng nhất là chúng ta phải có tình thương thật sự và cao độ như Ngài.

Khi đã có tình thương rộng lớn, bao trùm, tình thương ấy sẽ thúc đẩy chúng ta hành động, thúc đẩy chúng ta luyện tập để có nhiều khả năng cứu giúp người khác. Tại sao ta có thể làm được biết bao chuyện cho cha mẹ, vợ con, anh em ta, mà lại không thể làm như vậy cho người khác ? Chính vì ta có rất nhiều tình thương đối với người thân, nhưng lại không đủ tình thương đối với người khác. Vậy, đừng sợ mình không có khả năng cứu giúp người khác, hãy sợ rằng mình không có đủ tình thương đối với họ.

Lạy Cha, con cảm thấy con chưa hữu ích lắm cho tha nhân chung quanh con không phải vì con không có tài năng cho bằng vì con chưa đủ tình thương đối với họ. Biết bao người ít tài năng hơn con, nhưng họ lại hữu ích cho tha nhân hơn con, chính vì họ đã yêu thương nhiều hơn con. Vì tình yêu có khả năng khiến người ta làm được tất cả. Ðiều con thiếu hơn cả chính là tình yêu, xin Cha hãy ban cho con.

Gs. NGUYỄN CHÍNH KẾT

 

TRUYỆN KỂ:

NẾU TÔI BIẾT SỚM HƠN...

Có chị bạn tôi, biết tôi là giáo viên nên nhờ tôi chọn mua giúp một cuốn sách Học Vần lớp một, để về chị ấy sẽ dạy cho con bé giúp việc 15 tuổi còn mù chữ. Tôi thấy con bé ấy đã lớn, học sách ấy không hợp, tôi hứa sẽ xin cho chị một cuốn Học Vần xóa nạn mù chữ mà người ta phát không, khỏi mua...

Hứa mà không làm ngay, một tuần sau tôi mang sách đến, thì con nhỏ đã bỏ đi mất biệt từ hai hôm trước, mang theo đôi hoa tai vàng mười tám gỡ của đứa bé mà nó được giao bế ẵm.

Tôi cứ ân hận sao mình không đến sớm hơn. Ðến sớm hơn, con bé giúp việc ấy đã được làm người có học, dù chỉ một hai ngày. Và biết đâu, không phải dăm ba chữ, mà chính tấm lòng người ấy sẽ giữ nó lại để nó không bao giờ thành một đứa ăn cắp...

Trích CỬA SỔ LỚP HỌC của TRẦN QUỐC TOẢN

CHỨNG TÁ:

SỐNG CHO NGƯỜI NGHÈO

Tiến sĩ Marcello Candia là một người Ý đã dùng tất cả tài sản để xây một nhà thương dành cho người nghèo ngay giữa khu rừng già Amazone của đất nước Brasil. Hơn thế nữa, ông cũng tình nguyện ở lại đó và làm việc bên cạnh những người nghèo mà ông hết sức yêu quý. Ông tâm sự:

"Khi còn học trung học, tôi được cùng một nhóm trưởng sinh hoạt dưới sự hướng dẫn của một cha Dòng Phan-xi-cô. Chúng tôi thường đi thăm các gia đình nghèo tại ngoại ô thành phố Milano.

Rồi một hôm, một tu sĩ già trong Dòng đã nhờ tôi phân phát thức ăn cho những người thiếu đói đang tìm đến tu viện. Tôi chú ý thấy trong căn phòng có treo một tấm hình cha Daniele Samarate, một vị thừa sai của Dòng Phan-xi-cô đã chết vì bệnh cùi sau một thời gian phục vụ các thổ dân ở Brasil...

Trong suốt buổi phân phát thức ăn, hình ảnh ấy cứ luôn hiển hiện trước mắt tôi nơi những con người nghèo khốn khổ. Kể từ lần ấy, ước muốn được phục vụ những người phong cùi đã nảy sinh trong tôi..."

Sau khi tốt nghiệp Ðại Học, Marcello đã tình nguyện đi làm việc không công tại nhiều quốc gia nghèo trên thế giới. Sau một chuyến ghé thăm một vùng dân cư nghèo nàn lạc hậu ở Brasil, Marcello đã trở về và quyết định bán hết gia sản thừa kế và chuyển sang Brasil học lấy bằng tiến sĩ y khoa. Ông đã xây cất được một bệnh viện với 120 giường, được trang bị đầy đủ các dụng cụ để phục vụ riêng cho người nghèo.

Trích tập "Như Lòng Chúa khoan dung" của ANTHONY DE MELLO

TÀI LIỆU:

ƠN GỌI PHỤC VỤ

Từ một nhóm nhỏ 12 người do chính Chúa Giê-su chọn và sai đi, Nhóm Mười Hai đã biết mở to đôi mắt của tâm hồn để nhìn thấy nhu cầu của các bà góa lâu nay bị bỏ quên. Nhóm Mười Hai đã có mắt và thấy, đã có tai và nghe. Họ nghe được tiếng kêu của người cô thế cô thân, và nghe được nỗi lòng của cộng đồng Dân Chúa.

Bởi thế, Nhóm Mười Hai triệu tập toàn thể các môn đệ và nói: "Chúng tôi mà bỏ việc rao giảng Lời Thiên Chúa để lo việc ăn uống, là điều không phải. Vậy, thưa anh em, anh em hãy tìm trong cộng đoàn 7 người được tiếng tốt, đầy Thần Khí và khôn ngoan, rồi chúng tôi sẽ cắt đặt họ làm công việc đó. Còn chúng tôi sẽ chuyên lo cầu nguyện và phục vụ Lời Thiên Chúa."

Ðề nghị trên được mọi người tán thành. Họ chọn ông Tê-pha-nô, một người đầy Lòng Tin và đầy Thánh Thần, cùng với các ông Phi-líp-phê, Pơ-rô-khô-rô, Ni-ca-no, Ti-môn, Pác-mê-na và ông Ni-co-la, một người dân ngoại quê ở An-ti-ô-khi-a đã theo đạo Do-thái. Họ đưa các ông ra trước mặt các Tông Ðồ. Sau khi cầu nguyện, các Tông Ðồ đặt tay trên họ... ( x. Cv 6, 2 - 6 ).

Và từ đó Giáo Hội đã có thêm một Ơn Gọi mới, tuy không do chính Chúa Giê-su sáng lập, nhưng xuất phát từ con tim biết nghe, biết thấy của Nhóm Mười Hai. Chính cộng đoàn Dân Chúa, những người giáo dân thuần túy, đã cùng nhau chọn người và dẫn đến giới thiệu cho Nhóm Mười Hai. Các Tông Ðồ đã không đích thân chọn ra 7 người này, nhưng các ông chỉ chuẩn nhận đề nghị của cộng đoàn Dân Chúa.

Và 7 người đã trở nên các "Diaconoi" - "Deacon" - "Diacre", tiếng Hy-lạp có nghĩa là các đầy tớ, kẻ phục vụ. Tiếc rằng người Việt chúng ta trước đây lại dịch thành "Thầy Sáu", "Thầy Phó Tế", đánh mất hẳn chiều kích sâu xa của nguyên ngữ.

Vì quá yêu thương loài người, vì hằng luôn chăm sóc Dân Ngài, nên Thiên Chúa, qua bao thời đại vẫn hằng soi sáng cho một số người nghe được tiếng kêu của đồng loại, thấy được nhu cầu của xã hội, và đã đáp trả bằng cách sáng lập các Dòng Tu, các nếp sống đầy tớ, các cung cách phục vụ. Chính từ trong lòng giáo dân, trong lòng cộng đoàn Dân Chúa đã có rất nhiều người lần lượt đáp lời "mời gọi" ấy và được các người kế vị Nhóm Mười Hai chuẩn nhận. Họ được chuẩn nhận và sai đi sống Ơn Gọi của mình, Ơn Gọi họ đã nhận được vì nghe, vì thấy, vì muốn đáp trả nhu cầu của tha nhân. Họ trở thành các "Diaconoi", các Ðầy Tớ, những người "Mini" được sai đi làm "Minister" phục vụ xã hội và xây dựng Giáo Hội.

Mỗi thời đại, mỗi nhu cầu, mỗi cách đáp trả. Hơn hai phần ba các Dòng Tu đã được thành lập trước năm 1500, mà nay không còn tồn tại. Gần một nửa các Dòng Tu sáng lập sau năm 1600, cũng đã bị xóa tên. Tất cả bởi vì nhu cầu họ đáp ứng không còn nữa. Rồi đến cuối thế kỷ 20 sang đầu thế kỷ 21, chúng ta đâm ra lo ngại vì thấy Ơn Gọi Linh Mục và Tu Sĩ ngày càng giảm sút. Chúng ta lo cho một cơn "khủng hoảng Ơn Gọi" ngay trong lòng Giáo Hội.

Thế nhưng Thiên Chúa vẫn luôn thương Dân Ngài, vẫn hằng chăm lo cho Dân Ngài. Có thể các Ơn Gọi hiểu theo lối cổ điển sút giảm thật. Nhưng Ơn Gọi Phục Vụ Dân Chúa thì vẫn luôn sống, và sống mạnh trong lòng Giáo Hội. Báo L’Osservatore Romano, cơ quan ngôn luận chính thức của Tòa Thánh Vatican, trong số ra ngày 3 tháng 5 năm 2000, đã đăng bản thống kê các Ơn Gọi tính đến ngày 31.12.1998 như sau:

§     Giám Mục: ..........................................................  4.439

§     Linh Mục: .......................................................  404.626

§     Phó Tế Vĩnh Viễn: .........................................  25.345

§     Tu Huynh: .........................................................  57.813

§     Nữ Tu: ...  ........................................................  814.779

§     Thành viên các Tu Hội Ðời: ........................  30.772

§     Giáo Dân Thừa Sai: ........................................  56.421

§     Giáo Lý Viên: ............................................  2.298.387

Tất cả là 3.692.582 người phục vụ cho hơn 1 tỷ người Công Giáo và khoảng 5 tỷ khối nhân loại còn lại trên toàn thế giới. Con số Nữ Tu vẫn luôn đông hơn Linh Mục và Tu Huynh, nhưng nếu so với Giáo Lý Viên thì chỉ gần bằng một phần ba. Trong khi con số Linh Mục, Tu Huynh và Nữ Tu không thay đổi bao nhiêu trong hơn 2 thập niên, thì con số Giáo Lý Viên đã từ 400.000 tăng vọt lên đến hơn 2 triệu ! Thật vậy, Giáo Lý Viên là một Ơn Gọi mới, đang phát triển rất nhanh trong lòng Giáo Hội...

Thay cho lời kết, chúng ta hãy cùng nhớ đến lời Thánh Phao-lô: "Ðức Ki-tô đã chẳng sai tôi đi làm Phép Rửa, nhưng tôi đi rao giảng Tin Mừng, và rao giảng không phải bằng lời lẽ khôn khéo, để Thập Giá Ðức Ki-tô khỏi trở nên vô hiệu" ( 1 Cr 1, 17 ).

DAILY BREAD 25.5.2000

THÔNG TIN:

NHỮNG KHOẢN TIỀN ÂN NHÂN MỚI CHIA SẺ

- Một Linh Mục ẩn danh ( Sài-gòn ) giúp học bổng trẻ em nghèo .................................................................  100.000 VND

- Lẽ Sống giúp người nghèo: 200 CD x 3.000 VND ............................................................................................ 600.000 VND

- Giáo Lý Viên Giáo Xứ Thị Nghè ( Sài-gòn ) giúp người nghèo ..................................................................  500.000 VND

- Một ân nhân ẩn danh ( Sài-gòn ) giúp người nghèo ........................................................................................  200.000 VND

- Gia đình cụ Nguyễn Viết Tiền ( Hoa Kỳ ) giúp người nghèo ....................................................................  2.100.000 VND

- Một Nữ Tu ẩn danh ( Hoa Kỳ ) giúp người nghèo ............................................................................................  200.000 VND

- Một cụ bà ( Canada ) giúp học bổng trẻ em nghèo ............................................................................................  50.000 VND

- Các bạn Thanh Niên CG Connecticut ( Hoa Kỳ ) và MK Nguyên Hậu giúp người nghèo .............................. 400 USD

- Hai bạn MK Thông + Diễm ( Hoa Kỳ ) và gia đình ( Sài-gòn ) giúp người nghèo ............................................  150 USD

NHỮNG KHOẢN TIỀN VÀ QUÀ TRỠ GIÚP ÐỘT XUẤT

- Giúp tiền xe về Tiền Giang cho hai mẹ con một em bé bị tai nạn .................................................................  50.000 VND

- Một ân nhân qua cha Phạm Gia Thụy, DCCT, giúp trại phong Quả Cảm ( Bắc Ninh )................................................................... 100 USD

- Giúp tiền mua thuốc cho một nữ bệnh nhân HIV ( Sài-gòn )......................................................................... 100.000 VND

- Một ân nhân ở chợ Hoàng Hoa Thám, tặng Mầm Non 6 ( Sài-gòn )............................................................. 200.000 VND

- Giúp tiền một người nghèo ( Cam Ranh ) làm mướn ở Sài-gòn ......................................................................  50.000 VND

- Bà Ðức Thắng ( Gx. ÐMHCG Sài-gòn ) tặng trại phong Êana ( Ban-mê-thuật )........................................................ 100.000 VND

- Cha Lê Trung Nghĩa, DCCT, tặng trại phong Êana .......................................................................................................  100 CND

- Cha Nguyễn Tiến Lộc, DCCT, tặng trại phong Êana .........................................................................................  1.000.000 VND

- Cha Bùi Quang Diệm, DCCT, tặng trại phong Êana ............................................................................................ 1.100.000 VND

- Bác sĩ Vũ Bích Ðào ( Pháp ) tặng trại phong Êana ...............................................................................................  100 bộ quần áo

- Tu Viện DCCT Sài-gòn tặng trại phong Êana ...................................................................................................... rất nhiều bánh kẹo Tết

- Tu Viện DCCT Sài-gòn tặng Khu Kinh Tế Mới Lê Minh Xuân ........................................................  rất nhiều bánh chưng và nước ngọt

TIẾP TỤC TRỠ GIÚP MỘT GIA ÐÌNH BỊ NHIỄM CHẤT ÐỘC MÀU DA CAM

Như Gospelnet số 53 ra ngày 24.3.2002 đã thông tin, cha Phạm Văn Dũng, Nhà Thờ 128, ấp Kinh I, xã Hòa Ðiền, huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang, điện thoại số: 077.853.557, có giới thiệu trường hợp gia đình anh PHẠM VĂN BƯỞI, sinh 1963, và chị NGUYỄN THỊ NGỌC VIỄN, sinh 1967, có 4 người con đều bị nhiễm chất độc màu da cam:

1.   PHẠM THỊ BÉ BA, sinh 1985, bất toại, teo chân, cao 1m10.

2.      PHẠM THỊ BÍCH, sinh 1990, bất toại toàn thân, chỉ nằm.

3.   PHẠM VĂN CÔNG, sinh 1993, như trên.

4.   PHẠM HOÀI THƯƠNG, sinh 1995, như trên, nhưng còn đặt ngồi được.

Nay, Gospelnet số 98 xin tiếp tục trợ giúp cho 4 cháu, mỗi cháu 50.000 VND một tháng, trong ba tháng 1, 2, 3, 4 và 5.2003, tổng cộng: 1.000.000 VND, trong đó có 500.000 VND do các bạn Giáo Lý Viên Giáo Xứ Thị Nghè500.000 VND do gia đình cụ cố Nguyễn Viết Tiền ( Hoa Kỳ ) mới chia sẻ. Xin thay mặt cha Dũng và gia đình các cháu tỏ lòng biết ơn quý ân nhân.

CHƯƠNG TRÌNH "HỌC BỔNG HÀ NAM 1" CHO 25 EM TỈNH HÀ NAM

Cha Nguyễn Văn Phủ, Giáo Xứ Hạ Trang, Giáo Phận Hà Nội, và thầy Nguyễn Văn Phượng, DCCT, giới thiệu một danh sách tổng hợp 2 đợt gồm 25 em học sinh nghèo nghèo nhưng hiếu học, gia đình thuộc diện xóa đói giảm nghèo, tất cả đều ngụ tại Thượng Trang, xã Liêm Phong, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam, thuộc Giáo Xứ Hạ Trang, Giáo Phận Hà Nội. Gospelnet số 97 xin tiếp tục trợ giúp tháng 2.2003, tổng cộng: 25 em x 50.000 VND = 1.250.000 VND, được trích ra từ khoản tiền mới chia sẻ của cụ bà Nguyễn Thị Ðài ( Sài-gòn ). Xin thay mặt cha Phủ và gia đình các em tỏ lòng biết ơn đến quý ân nhân.

TRỠ GIÚP MỘT HỌC SINH CÓ HOÀN CẢNH ÐẶC BIỆT

Thầy Nguyễn Thiện Hoàng giới thiệu trường hợp em DƯƠNG TRẦN NHẬT TÂN, sinh 1991, đang học nội trú lớp 6 tại một Dòng Tu ở Thủ Ðức, cha lãnh án tử hình, mẹ chết trong tù vì ung thư máu, hiện em ở với người cô ruột tên Hồng tại số 45 đường Nguyễn Thanh Tuyền, phường 2, quận Tân Bình, điện thoại: 8.457.248. Gospelnet xin trợ giúp liên tiếp bốn tháng, từ tháng 9, 10, 11 và 12.2002, mỗi tháng 100.000 VND, và tiếp theo là tháng 1 và 2.2003, mỗi tháng 50.000 VND, tổng cộng: 500.000 VND.

TRỠ GIÚP MỘT NHÓM KHUYẾT TẬT Ở CHỠ SẶT, HỐ NAI

Cha Phan Tự Cường, Dòng Ða-minh, Bề Trên Ðền Thánh Mác-tin, Chợ Sặt, Biên Hòa, Hố Nai, giới thiệu một nhóm 13 em khuyết tật chuẩn bị ra một cửa hàng nho nhỏ bán nước mía trong dịp Tết này ngay gần Ðền Thánh Mác-tin. Gospelnet xin trợ giúp số tiền 1.000.000 VND, nhờ chị Châu Thị Hường chuyển về cho các em để có thể kịp mua sắm 2 chiếc dù lớn, 3 cái bàn, 10 chiếc ghế nhựa, 20 cái ly và tiền vốn lấy mía. Mến chúc các em đắt hàng trong dịp đầu Xuân.