GOSPELNET
 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


CHÚA NHẬT 3 MÙA VỌNG B

TIN MỪNG: Ga 1, 6.8.19 - 28

Có một người được Thiên Chúa sai đến, tên là Gio-an. Ông đến để làm chứng, và làm chứng về ánh sáng, để mọi người nhờ ông mà tin. Ông không phải là ánh sáng, nhưng ông đến để làm chứng về ánh sáng.

Và đây là lời chứng của ông Gio-an, khi người Do-thái từ Giê-ru-sa-lem cử một số tư tế và mấy thầy Lê-vi đến hỏi ông: "Ông là ai ?" Ông tuyên bố thẳng thắn rằng: "Tôi không phải là Ðấng Ki-tô". Họ lại hỏi ông: "Vậy ông có phải là ông Ê-li-a không ?" Ông nói: "Không phải". "Ông có phải là vị ngôn sứ chăng ?" Ông đáp: "Không". Họ liền nói với ông: "Thế ông là ai để chúng tôi còn trả lời cho những người đã cử chúng tôi đến ? Ông nói gì về chính ông ?" Ông nói: "Tôi là tiếng người hô trong hoang địa: Hãy sửa đường cho thẳng để Ðức Chúa đi, như ngôn sứ I-sai-a đã nói".

Trong nhóm được cử đi, có mấy người thuộc phái Pha-ri-siêu. Họ hỏi ông: "Vậy tại sao ông làm phép rửa, nếu ông không phải là Ðấng Ki-tô, cũng không phải là ông Ê-li-a hay vị ngôn sứ ?" Ông Gio-an trả lời: "Tôi đây làm phép rửa trong nước. Nhưng có một vị đang ở giữa các ông mà các ông không biết. Người sẽ đến sau tôi và tôi không đáng cởi quai dép cho Người". Các việc đó đã xảy ra tại Bê-ta-ni-a, bên kia sông Gio-đan, nơi ông Gio-an làm phép rửa.

SUY NIỆM 1:

CHỨNG NHÂN CỦA ÁNH SÁNG

Trên đời có nhiều thứ ánh sáng: ánh sáng vật lý, ánh sáng văn hoá, ánh sáng khoa học, ánh sáng tâm linh. Ðể nhìn ra ánh sáng, cần có một khả năng nào đó. Ðể thấy ánh sáng vật lý, chỉ cần có đôi mắt bình thường. Nhưng để nhìn thấy ánh sáng khoa học, phải có một số vốn kiến thức cần thiết. Ðể thấy ánh sáng văn hoá, cần được khai tâm mở trí. Và để thấy được ánh sáng tâm linh, cần có các chứng nhân chiếu dọi. Thánh Gio-an Bao-ti-xi-ta là chứng nhân của Ðức Ki-tô ánh sáng. Ngài làm chứng cho Ðức Ki-tô bằng chính cuộc đời trong sáng của ngài. Nhìn vào cuộc đời ngài, ta thấy toả ra các làn ánh sáng sau đây:

Làn ánh sáng thứ nhất mà ta thấy nơi cuộc đời thánh nhân là làn ánh sáng của sự khiêm nhường. Ngài khước từ mọi vinh quang người ta phủ quanh ngài. Ngài thành thực nhận mình không phải là Ðấng Cứu Thế toàn dân mong chờ, không phải là Ê-li-a vĩ đại, cũng không phải là một tiên tri cao cả. Ngài tự nhận mình chỉ là một "tiếng kêu trong sa mạc". Ngài khiêm nhường nói rằng ngài không xứng đáng xách giày cho Ðẫng Cứu Thế. Thật là khiêm nhường tự hạ. Ðức khiêm nhường ấy chiếu lên dung mạo ngài một làn ánh sáng. ánh sáng ấy khiến cho lời chứng của ngài càng có sức thuyết phục. ánh sáng ấy phản chiếu dung mạo đích thực của Ðấng Cứu Thế, Ðấng tuyệt đối khiêm nhường.

 Làn ánh sáng thứ hai ta thấy nơi cuộc đời của thánh nhân là làn ánh sáng của sự khổ hạnh. Phần lớn đời ngài ẩn dật trong sa mạc. Sống trong sa mạc đồng nghĩa với sống khổ hạnh. Ngoài sự khắc nghiệt của thời tiết, sự hoang vu cô tịch, sự đe doạ của thú dữ, thánh Gio-an Bao-ti-xi-ta còn tự nguyện sống khó nghèo, đơn sơ, đạm bạc. Y phục của ngài chỉ là mảnh da thú quấn quanh thân thể. Thức ăn của ngài là châu chấu và mật ong rừng. Sự khổ hạnh không chỉ loé sáng lên một ý chí mạnh mẽ biết vượt thắng chính bản thân mình, mà còn chiếu ánh sáng hy vọng vào tương lai. Người lệ thuộc vào vật chất là người bị trói buộc trong hiện tại. Người khổ hạnh là người đặt niểm hy vọng ở tương lai. Niềm hy vọng ấy chiếu sáng vào cuộc đời hiện tại vì làm cho cuộc sống có một ý nghĩa cao đẹp và sâu xa. Tương lai tươi sáng mà thánh Gio-an Bao-ti-xi-ta chờ đón chính là Ðức Giê-su Ki-tô mà ngài loan báo.

Làn ánh sáng thứ ba nơi cuộc đời thánh nhân là làn ánh sáng của sự trung thực. Trung thực trong những lời nói về chính mình, nên ngài không dám nhận những vinh quang người đời tưởng lầm Ngài có. Ngài chỉ nhận những sự thực rất khiêm nhường, rất bé nhỏ của mình. Trung thực với lòng mình, nên ngài sống một cuộc sống khổ hạnh, không phô trương, không giả dối. Trung thực trong những phán đoán về người khác, nên ngài đã thẳng thắn khuyên vua Hê-rô-đê không đựơc phép lấy chị dâu. Chính sự trung thực này đã phải trả giá bằng cái chết chẳng toàn thây. Nhưng sự trung thực ấy đã làm sáng lên cuộc đời chứng nhân. Làn ánh sáng ấy cho ta thoáng thấy ánh sáng đích thực của Ðấng là Sự Thật, là chính Ðức Giê-su Ki-tô.

Làn ánh sáng thứ tư nơi cuộc đời thánh nhân là làn ánh sáng của sự quên mình. Biết mình chỉ là người đưa tin, thánh nhân luôn xoá mình đi, để cho Ðấng là chính Tin Mừng được nổi bật. Biết mình chỉ là người mở đường, thánh nhân luôn tự hạ để cho Ðấng là Ðường được mọi người nhận biết. Làm chứng cho sự thật, thánh nhân đã tự nguyện hy sinh để cho Ðấng là Sự Thật được trân trọng. Khi mọi người tuốn đến với Ngài, Ngài đã không giữ lại cho mình, nhưng đã giới thiệu họ đến với Ðức Giê-su, nên ngài nói: "Người đến sau tôi, nhưng tôi không đáng cởi dây giầy cho Người" ( Ga 1, 27 ). Nhiều môn đệ đã theo Ngài, nhưng Ngài giới thiệu để họ theo làm môn đệ Ðức Giê-su. Khi thấy đám đông đã bỏ ngài để đi theo Ðức Giê-su, ngài hài lòng vì thấy nhiệm vụ đã hoàn tất, nên ngài nói: "Chúa phải nổi bật lên, còn tôi phải lu mờ đi" ( Ga 3, 30 ).

Thánh Gio-an Bao-ti-xi-ta thật là một chứng nhân tuyệt hảo. Ngài đã biết tự hạ mình xuống để Chúa được nổi bật lên. Ngài đã biết ẩn mình trong bóng tối để Chúa được xuất hiện trong ánh sáng. Ngài đã biết tự huỷ mình đi để Chúa được nhận biết. Ngài đúng là người đi mở đường cho Chúa. Ngài thực là chứng nhân của ánh sáng.

Mùa Vọng này, mọi người đang chờ đón Chúa đến. Chúa muốn tôi hãy đi mở đường cho Chúa. Chúa muốn tôi làm chứng cho Chúa. Chúa muốn tôi giới thiệu Chúa cho anh em. Nhưng rất nhiều khi, thay vì mở đường cho Chúa, tôi chỉ lo mở đường cho tôi. Rất nhiều khi thay vì làm chứng cho Chúa, tôi chỉ lo làm chứng cho tôi. Rất nhiều khi thay vì giới thiệu Chúa, tôi chỉ giới thiệu bản thân mình.

Hôm nay, Chúa mời gọi tôi hãy soi mình vào tấm gương của thánh Gio-an Bao-ti-xi-ta để biết cách dọn đường cho Chúa ngự đến.

Xin thánh Gio-an Bao-ti-xi-ta giúp chúng con sống trong sáng để trở nên chứng nhân của ánh sáng.

Gm. NGÔ QUANG KIỆT, Giáo Phận Lạng Sơn

SUY NIỆM 2:

"THẦN KHÍ CHÚA NGỰ TRÊN TÔI VÀ SAI TÔI ÐI LOAN BÁO TIN MỪNG"

1. ƠN GỌI VÀ TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC NGÔN SỨ

a. Ơn gọi và trách nhiệm của ngôn sứ Isaia:

Ðoạn sách I-sai-a chương 61 thuộc I-sai-a đệ tam tức của giai đoạn 515 - 445 trước Công Nguyên. Tình hình kinh tế, chính trị, xã hội và tôn giáo của giai đoạn sau lưu đầy này không hề khởi sắc như nhiều người mong đợi, nên vai trò của I-sai-a là nhắc nhở toàn dân hãy vững tin vào Thiên Chúa. Ơn gọi của I-sai-a là được Thiên Chúa giao cho một sứ mệnh rõ rệt là thay đổi cảnh sống của người nghèo. Ðó là một bằng chứng hùng hồn chứng tỏ Thiên Chúa luôn yêu thương và thủy chung với dân.

b. Ơn gọi và trách nhiệm của ngôn sứ Gio-an Tẩy Giả:

Từ cách sinh sống, ăn mặc, tập họp môn đệ, giảng dạy và làm phép rửa bên giòng sông Gio-đan, Gio-an xuất hiện với dáng dấp của một vị ngôn sứ, nên đã nhanh chóng lôi cuốn sự chú ý của toàn dân Ít-ra-en. Mặc dù không khẳng định mình là ngôn sứ với những người Pha-ri-sêu, nhưng Gio-an quả thực là một ngôn sứ, một ngôn sứ vĩ đại và cuối cùng của Cựu Ước. Sứ mệnh của Gio-an là làm chứng cho một Ðấng sẽ đến sau ngài, nhưng cao trọng, vượt xa ngài. Ðấng ấy chính là ánh sáng soi cho nhân loại. Ðấng ấy sẽ loan báo Tin Mừng giải thoát cho người nghèo và làm phép rửa trong Thánh Thần để biến đổi lòng người cũng như mặt địa cầu này.

c. Ơn gọi và trách nhiệm VỊ NGÔN SỨ GIÊ-SU ( viết chữ in hoa ):

Trong hội đường Na-da-rét, Ðức Giê-su đã long trọng tuyên bố: "Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quí vị vừa nghe." ( Lc 4, 21 ). Ðó là câu 1 và 2, chương 61 của sách ngôn sứ I-sai-a. Thế có nghĩa là Ðức Giê-su đã xác định ơn gọi và sứ mạng ngôn sứ của Người. Sứ mạng của Người là đến với người nghèo, người tù tội, người tật nguyền, người bị áp bức và bênh vực họ và loan báo Tin Mừng giải thoát cho họ để họ được hạnh phúc. Ðức Giê-su đã sống hết mình và đã chết cực hình trên thập giá để thực hiện ơn gọi ngôn sứ và chu toàn trách nhiệm ngôn sứ của mình.

d. Ơn gọi và trách nhiệm của các ngôn sứ ngày nay:

Nhờ Phép Rửa, mọi Ki-tô hữu giáo dân cũng như giáo sĩ đều đã được tháp nhập vào Chúa Giê-su Ki-tô, trở nên chi thể của Người, tham gia vào chức vụ tư tế, ngôn sứ và phục vụ của Người. Vậy chúng ta là các ngôn sứ ngày nay phải sống ơn gọi và thi hành trách nhiệm như thế nào ?

2. CÁCH SỐNG ƠN GỌI VÀ THI HÀNH TRÁCH NHIỆM NGÔN SỨ CỦA CHÚNG TA

Nói vắn gọn và đầy đủ nhất là: ngày này chúng ta phải sống ơn gọi và trách nhiệm ngôn sứ giống như Thánh Gio-an và như Ðức Giê-su.

a. Sống như Thánh Gio-an:

Cả cuộc đời Gio-an chỉ có một mục tiêu là làm cho dân Ít-ra-en tin và đón nhận Ðức Giê-su là Cứu Chúa được Thiên Chúa sai đến. Ðó là sứ mạng làm chứng cho Chúa hay sứ mạng dọn đường cho Chúa. Gio-an đã sống một cuộc đời khắc khổ, chay tịnh, hy sinh, hãm mình, siêu thoát và kết hiệp với Thiên Chúa, để lời chứng của mình được dân chúng tin theo. Gio-an đã chấp nhận phải "nhỏ" đi để Ðức Giê-su nổi bật lên.

Người ngôn sứ ngày nay cũng phải có một nếp sống giống như Gio-an: khắc khổ, chay tịnh và khiêm nhu, để chu toàn cùng một trọng trách: làm chứng cho Chúa và dọn đường cho Ngài đến.

b. Sống như Ðức Giê-su:

Ở trên chúng ta đã thấy Ðức Giê-su đã sống ơn gọi và thi hành trách nhiệm ngôn sứ của Người như thế nào. Theo chân Người, chúng ta cũng phải nhận người nghèo khổ, người bị thiệt thòi - cách này cách khác - trong xã hội, làm đối tượng ưu tiên để chúng ta yêu thương và phục vụ. Khi chọn lựa như thế chúng ta sẽ lội ngược dòng, vì ngày nay, trong đạo cũng như ngoài đời, người ta chỉ trọng người giầu sang, quyền chức. Người nghèo, người bị gạt ra ngoài lề xã hội do bất kỳ lý do gì: sắc tộc, văn hóa, tôn giáo, chính trị hay nghề nghiệp, rất khó tin có Thiên Chúa là Ðấng cầm cân nẩy mực Công Lý và yêu thương săn sóc họ. Vì thế các ngôn sứ ngày nay là mọi Ki-tô hữu, có sứ mạng và trọng trách "cụ thể hóa" lòng yêu thương người nghèo và sự quí chuộng Công Lý của Thiên Chúa, bằng những hành động thiết thực.

Con luôn tự nhủ rằng: Trong gia đình, giáo xứ và xã hội, con cũng là ngôn sứ của Thiên Chúa, với trách nhiệm làm chứng cho Tin Mừng và dọn đường cho Chúa đến.

Mỗi ngày con thực hiện một số việc hy sinh, bỏ mình, phục vụ, yêu thương, bác ái để làm chứng cho Tin Mừng và dọn đường cho Chúa đến.

Lạy Thiên Chúa là Cha, chúng con cảm tạ Cha đã cho con được Ơn làm Ki-tô hữu, nhờ đó con được tham gia vào ơn gọi và sứ mạng ngôn sứ của Ðức Giê-su, Con Cha, Chúa của con.

Lạy Chúa Giê-su, là NGÔN SỨ VĨ ÐẠI của Cha ! Xin Chúa giúp con biết yêu thương và phục vụ mọi người, nhất là những người nghèo và những người bị thiệt thòi trong xã hội Việt Nam hôm nay.

Lạy Chúa Thánh Thần là Thần Khí của Thiên Chúa, xin Chúa sai con như đã sai các ngôn sứ, vào trong các môi trường xã hội và Giáo hội, để con làm chứng cho Tin Mừng giải thoát và dọn đường cho Chúa Giê-su Ki-tô đến với mọi người, mọi nhà. Amen.

Gs. Giê-rô-ni-mô NGUYỄN VĂN NỘI

SUY NIỆM 3:

HÃY SỬA ÐƯỜNG...

"Tôi là tiếng kêu trong hoang địa: Hãy sửa cho ngay đường Chúa đi". Thánh Gio-an Tẩy giả tự trả lời về mình như thế cho những người Do-thái chất vấn ông. "Tiếng kêu trong hoang địa". Nói đến hoang địa là nói đến một môi trường chưa được sử dụng, chưa được khai phá. Môi trường đó còn âm u, đầy dẫy nguy hiểm. "Tiếng kêu trong hoang địa" là tiếng kêu giữa mênh mông, giữa những âm u nguy hiểm đó.

Nhưng dù nói là kêu trong hoang địa, và bản thân thánh Gio-an đã từng sống trong hoang địa, nhưng ngài đã không hô to một lời nào trong suốt những năm tháng sống một mình ở nơi ấy. Ngược lại, bây giờ, để thi hành sứ mạng ngôn sứ của mình, thánh Gio-an đã rời hoang địa, đi vào làng mạc và cất tiếng rao giảng kêu gọi lòng sám hối ăn năn. Hóa ra hoang địa nhưng không là hoang địa thiên nhiên, không là một môi trường nào đó mà thánh Gio-an đã từng sống. Bởi thế, khi áp dụng hình ảnh tiếng kêu trong hoang địa của Ngôn Sứ I-sai-a đã loan báo trong Cựu Ước để nói về chính mình, điều mà thánh Gio-an nhắm đến chính là tâm hồn con người. Nếu hoang địa là mênh mông, là âm u, nguy hiểm, thì hoang địa tâm hồn còn đáng sợ, và nguy hiểm hơn.

Cách đây vài năm, một lần kênh truyền hình HTV7 chiếu bộ phim Hòn Ðá Lăn Tròn do Mê-hi-cô sản xuất. Có thể nói nhân vật chính trong phim, luật sư Prado, là đại diện của một thứ hoang địa tâm hồn. Ðúng là hòn đá lăn tròn. Ðịa vị, tiền bạc đã làm cho luật sư lăn theo nó quay tít như một hòn đá tuột dốc. Ông là kẻ kiêu căng, ích kỷ, tính toán và đầy tham vọng. Tất cả những tính xấu đó lớn trong ông đến nỗi biến ông thành một kẻ thủ đoạn không thể tả. Ông bất chấp tất cả dù người đó là vợ ông, con ông, quảng gia của ông, hoặc những người cùng làm việc với ông, miễn sao đạt được quyền cao chức trọn, đem lại danh vọng cho ông. Có những lần ông nhắc tới Chúa. Nhưng Chúa không còn ở trong tâm hồn ông nữa. Có nhắc tới Chúa chẳng qua chỉ là để ông gây lòng tin cho ai đó, để rồi biến Chúa trở thành phương tiện phục vụ chính ông, phục vụ con người đầy thủ đoạn của ông...

Cám dỗ của địa vị, tiền bạc đã làm cho mảnh đất tâm hồn trở thành hoang địa. Một thứ hoang địa mà ở phần cuối bộ phim, đã biến một luật sư như luật sư Prado uy quyền là thế, tiếng tăm là thế, đã từng được mọi người nể phục, vậy mà cuối cùng ông đã phải cô đơn đến mức tuyệt vọng. Ông đã muốn lấp đầy cho nỗi cô đơn, cho sự tuyệt vọng của mình bằng những tiếng hét, tiếng rú kinh hồn. Càng cố rú lên bao nhiêu, thì không chỉ tiếng rú, mà là cả con người ông, cả mạng sống của ông càng rơi vào mênh mông bao la bấy nhiêu.

Bạn có thấy, hoang địa tâm hồn thật nguy hiểm bởi nó chỉ toàn là hận thù, là thủ đoạn. Ðã là hoang địa cho nên rất cần những "tiếng kêu trong hoang địa" giúp ta "sửa lại cho ngay đường Chúa đi", nghĩa là chỉnh đốn tâm hồn mình. Sửa lại tâm hồn mình để ta trở thành người ngay chính, đừng như nhân vật Prado trong phim Hòn Ðá Lăn Tròn, cứ mải miết chạy theo "cơm áo gạo tiền". Tệ hại hơn, mãi chạy theo thủ đoạn để tìm danh vọng, tìm của cải, để thăng quan tiến chức, để làm giàu... mà quyên đi hay cố tình quên đi các bổn phận đạo đức, bổn phận Xưng Tội, Rước Lễ, nghe Lời Chúa...

Trên tất cả, bạn và tôi hãy khắc ghi lời thánh Gio-an Tẩy Giả: "Tôi là tiếng kêu trong hoang địa: Hãy sửa cho ngay đường Chúa đi". Ðó là lời kêu gọi của một thời đã xa. Nhưng cũng là lời mà hôm nay thánh Gio-an mời gọi "Hãy sửa cho ngay đường Chúa đi", sửa cho ngay tâm hồn của bạn và cả tôi.

Lm. JB. NGUYỄN MINH HÙNG

SUY NIỆM 4:

LỜI CHỨNG CỦA ÔNG GIO-AN

1. THIÊN CHÚA CẦN NGƯỜI LÀM CHỨNG CHO NGÀI

Qua bài Tin Mừng, ta thấy khi Ðức Giê-su đến trần gian, Thiên Chúa cần một người làm chứng cho Con của Ngài, và người ấy là Gio-an Tẩy Giả. Ông này được kêu gọi để làm công việc ấy. Suốt lịch sử Giáo Hội, thời nào ta cũng thấy Thiên Chúa cần những người làm chứng cho Ngài, cho sự thật, cho công lý, và cho tình thương của Ngài. Có thể nói lịch sử của Giáo Hội là một lịch sử của "làm chứng""rao giảng". Rao giảng là để giúp người ta hiểu, nắm vững, còn làm chứng là để giúp người ta tin.

Hiểu và tin là hai chuyện rất khác nhau. Nhiều người hiểu rất rõ mà vẫn không tin, chẳng hạn: nhiều người tìm hiểu Ki-tô giáo không phải để tin theo, mà để bài bác một cách "nói có sách, mách có chứng". Ngay trong số những người rao giảng Tin Mừng, nhiều người có đời sống thực tế chứng tỏ rằng họ không tin, thậm chí không tin một chút nào điều họ vẫn rao giảng một cách thật hùng hồn, mạnh mẽ. Trường hợp đánh động nhất là trường hợp của Mahatma Gandhi, người giải phóng dân tộc Ấn-độ.

Gandhi rất hiểu, rất yêu mến, rất đồng cảm với Ðức Giê-su, thậm chí ông còn sống tinh thần quên mình, từ bỏ và yêu thương của Ðức Giê-su một cách gương mẫu ( có thể hơn rất nhiều Ki-tô hữu ), nhưng ông hoàn toàn không tin Ngài là Con Thiên Chúa, là Ðấng Cứu Thế. Ông đã lên tiếng có vẻ như thách thức người Ki-tô hữu, cụ thể là những người Anh đô hộ dân tộc ông: "Nếu những người Ki-tô hữu tại Ấn-độ thật sự sống đúng tinh thần của Ðức Ki-tô, thì chẳng cần phải mất công rao giảng, toàn Ấn-độ sẽ trở thành Ki-tô hữu hết".

Trước mắt ông, người Ki-tô hữu - cụ thể là người Anh - cũng tham lam, bất công và tàn bạo không kém gì những kẻ xâm lăng khác. Chắc hẳn ông đã từng tự hỏi: sự siêu việt của Ki-tô giáo - như các Ki-tô hữu thường tự hào - nằm ở đâu ? Sự siêu việt đó chẳng lẽ chỉ có thể tin chứ không thể chứng tỏ cụ thể bằng thực tế hay bằng hành động được sao ?

2. NGÀY NAY, NHIỀU GIÁO HỘI RAO GIẢNG NHIỀU HƠN LÀ LÀM CHỨNG

Ðể được cứu rỗi, Ðức Tin là một yếu tố tối cần thiết: "Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ; còn ai không tin, thì sẽ bị kết án" ( Mc 16, 16; x. Cv 16, 31; Rm 10, 9 ). Nhưng làm sao tin được một chuyện mình không biết, không thấy, nếu không có ai nói cho biết. Nhưng làm sao tin được người nói cho biết ấy, nếu người ấy không có bằng chứng hay không có đủ uy tín để bảo đảm ? Làm sao tin được người nói hay rao giảng thật là hay, nhưng đời sống hay việc làm của họ thì lại hoàn toàn đi ngược lại điều họ rao giảng ?

Ngày xưa, thời Giáo Hội sơ khai, Ki-tô giáo lan truyền rất nhanh, vì thời ấy, các tông đồ làm chứng nhiều hơn là rao giảng. Còn ngày nay, Ki-tô giáo lan truyền rất chậm, rất nhiều nơi bị giảm sút, tại sao ? Vì những người làm tông đồ ngày nay quá chú trọng tới rao giảng, mà coi rất nhẹ việc làm chứng ! Ðó là một sự thật mà người Ki-tô hữu cần nhận chân một lần cho sâu sắc, để chỉnh trang lại cách truyền giáo hay làm tông đồ của mình, đặc biệt nhân dịp kỷ niệm Lễ Giáng Sinh lần thứ 2,002, ngày Ðức Giê-su đến trần gian.

3. TẠI SAO PHẢI LÀM CHỨNG ? ÐỂ NGƯỜI TA TIN

Ngày nay, để tìm hiểu Ki-tô giáo, người ta chỉ có cách là tìm hiểu trong sách vở, hoặc nghe một người Ki-tô hữu nào đó trình bày. Nhưng từ hiểu đến tin theo là cả một quá trình khó vượt qua nếu không có một động lực mạnh thúc đầy ! Ngày nay, không còn có những nhân chứng đã tận mắt nhìn thấy Ðức Giê-su sống, nói, hành xử, làm phép lạ, chết và sống lại như thời Giáo Hội sơ khai nữa. Những chuyện kể về Ðức Giê-su phần nào cũng tương tự như bao chuyện kể khác, về Lạc Long Quân, Thánh Gióng, Ðức Phật, Ðức Khổng, v.v... Làm sao người ta có thể tin vào Ðức Giê-su nhiều hơn là tin vào các vị giáo chủ khác ? Người thời nay chịu ảnh hưởng tinh thần khoa học thực nghiệm, lời nói suông không còn dễ dàng được nhận là đúng. Muốn họ tin hay chấp nhận phải có bằng chứng. Vì thế, làm tông đồ thời nay cần làm chứng hơn là rao giảng.

Rao giảng thì chỉ cần một mớ kiến thức, một chút suy luận; còn làm chứng đòi hỏi một sự dấn thân thật sự, nó huy động cả một cuộc đời, cuộc đời toàn diện. Rao giảng mà không làm chứng chỉ là nói lên những lời nói rẻ tiền, đương nhiên ít tác dụng. Còn làm chứng là nói lên những lời nói có giá trị sống động vì người nói dám lấy cả cuộc đời, cả mạng sống để bảo chứng cho lời nói ấy. Nhờ thế mà người nghe mới dám đặt niềm tin.

Những người ngoài Ki-tô giáo phải dựa vào đâu để biết Ki-tô giáo là chính đạo ? để tin Ðức Ki-tô là Ðấng cứu độ, thậm chí là Ðấng cứu độ duy nhất ? Làm sao họ tin được, khi mà đời sống của người Ki-tô hữu chẳng khác gì và chẳng hơn gì của họ ? khi mà người Ki-tô hữu chẳng chứng tỏ được một cách cụ thể mình đã được cứu độ ở chỗ nào ? Nếu được cứu độ, ít ra người Ki-tô hữu chúng ta phải tự nhiên có một lối sống nào đó chứng tỏ mình được cứu độ, chẳng hạn người khác có thể thấy nơi chúng ta nét vui tươi, hạnh phúc và tình yêu thương nhau được biểu lộ hồn nhiên trong đời sống, bất chấp thuận cảnh hay nghịch cảnh. Sống như thế chính là làm chứng !

4. HÃY XEM GIO-AN TẨY GIẢ LÀM CHỨNG THẾ NÀO

Chính vì nói thế nào sống như vậy, nên Gio-an Tẩy Giả đã thu hút được quần chúng đến với ông và làm theo những gì ông yêu cầu: "Mọi người từ khắp miền Giu-đê và thành Giê-ru-sa-lem kéo đến với ông. Họ thú tội, và ông làm phép rửa cho họ trong sông Gio-đan" ( Mc 1,5 ). Gio-an là một khuôn mẫu điển hình cho hạng người làm chứng hơn rao giảng: "Ông đến để làm chứng, và làm chứng về ánh sáng, để mọi người nhờ ông mà tin" ( Ga 1, 7 ). Còn giới lãnh đạo tôn giáo Do-thái là điển hình cho hạng rao giảng hơn làm chứng: "Các kinh sư và các người Pha-ri-sêu ngồi trên toà ông Mô-sê mà giảng dạy. Vậy, tất cả những gì họ nói, anh em hãy làm, hãy giữ, còn những việc họ làm, thì đừng có làm theo, vì họ nói mà không làm" ( Mt 23, 2 - 3 ).

Ðiều đó được thể hiện qua một số chi tiết: Gio-an ăn mặc đơn giản: "mặc áo lông lạc đà, thắt lưng bằng dây da" ( Mc 1, 6 ), khác hẳn với cách ăn mặc của các kinh sư: "đeo những hộp kinh thật lớn, mang những tua áo thật dài" ( Mt 23, 5 ); "ưa dạo quanh, xúng xính trong bộ áo thụng" ( Mc 12, 38 ). Gio-an sống khó nghèo, thanh đạm, "ăn châu chấu và mật ong rừng", còn các kinh sư thì giàu sang phần nào nhờ "nuốt hết tài sản của các bà goá, lại còn làm bộ đọc kinh cầu nguyện lâu giờ" ( Mt 23, 14 ). Gio-an thì khiêm nhường tự hạ: "Người sẽ đến sau tôi và tôi không đáng cởi quai dép cho Người" ( Ga 1, 27 ), còn các kinh sư thì thích tự đưa mình lên: "Họ thích được người ta chào hỏi ở những nơi công cộng, ưa chiếm ghế danh dự trong hội đường, thích ngồi cỗ nhất trong đám tiệc" ( Mc 12, 38 - 39 ).

Ta thấy khi làm chứng, Gio-an không màng tiếng khen, không tìm vinh quang cho mình, đang khi nhiều người mang danh làm chứng cho Thiên Chúa, nhưng thực tế là đang tự làm chứng cho mình, để mình được khen ngợi, vinh danh, hầu có quyền lực, tiền bạc địa vị... Nhưng điều quan trọng nhất của người làm chứng là phải dám nói sự thật.

5.    NGƯỜI LÀM CHỨNG PHẢI DÁM NÓI SỰ THẬT

Nói sự thật có thể bất lợi cho mình hoặc cho người khác. Gio-an đã dám nói sự thật, dù phải chết. Ông không sợ quyền lực, không hùa theo kẻ có quyền lực. Trước điều sai trái, ông không im lặng để được an toàn bản thân, để được xã hội ưu đãi, nhưng ông lên tiếng làm chứng cho lẽ phải, ông không thể nói ngược lại lương tâm mình. Không thể nói điều sai trái là đúng, hay nói điều đúng là sai trái.

Không thể lấy cớ bảo vệ tôn giáo để nói sai sự thật, để hùa theo những kẻ sai trái. Tôn giáo mà cần dối trá hay hùa theo quyền lực để tồn tại là thứ tôn giáo bỏ đi, không giá trị. Ðức Giê-su không hề bảo vệ uy tín cho giới lãnh đạo tôn giáo khi họ vẫn ngoan cố với những điều sai trái ( x. Mt 23 ). Gio-an Tẩy Giả cũng không bảo vệ uy tín của nhà vua khi nhà vua cố tình làm điều sai trái ( x. Mt 14, 3 - 12 ). Chính vì thế, Gio-an đã bị trảm quyết, còn Ðức Giê-su đã bị coi là kẻ phá hoại tôn giáo ! Ngài đã coi sự thật cao trọng hơn chính tôn giáo ! Theo Ngài, bảo vệ sự thật mới chính là bảo vệ tôn giáo. Còn bảo vệ tôn giáo bằng cách nói sai sự thật, hay hùa theo quyền lực sai trái chính là phá hoại tôn giáo từ bản chất !

Khi ta làm chứng cho chân lý, chắc chắn sẽ có những người bạn khuyên ta: "Anh thật là dại dột, can gì phải làm cho người ta ghét mình như vậy ?" Nói như thế, họ mặc nhiên cho rằng những người như Ðức Giê-su hay Gio-an Tẩy Giả chính là phường dại dột ! Thế mà họ vẫn tuyên xưng Ðức Giê-su là Thầy của họ. Thật mâu thuẫn !

Tôi nghe Chúa nói với tôi: "Thời nào cũng có vô số người sẵn sàng rao giảng sự thật, nhưng rất hiếm người sẵn sàng làm chứng cho sự thật. Nhưng sự thật chỉ có thể tin khi có người dám làm chứng. Làm chứng thì phải trả giá, đôi khi rất mắc. Con có sẵn sàng làm chứng không ?"

Gs. NGUYỄN CHÍNH KẾT

CHIA SẺ:

NGƯỜI PHÓNG VIÊN CỦA CHÚA

Ðã có một thời khắp nơi trên thế giới xôn xao náo động chỉ vì vụ án cô Monica Lewinsky bị phanh phui là đã từng làm người tình của tổng thống Mỹ, ông Bill Clinton ! Bật ti-vi lên, có thể thấy cảnh các phóng viên tranh nhau dành lấy cuộn băng cassette thu lại những lời tường trình của cô gái cho tòa án. Rồi những lời này, câu chuyện tai tiếng này nhanh chóng được in thành sách, chạy trên các cột báo hàng ngày, rồi tung lên tràn ngập mạng Internet ! Tới phiên đám đông quần chúng hiếu kỳ thích những chuyện giật gân, bản thân họ cũng tranh nhau trở thành những "phóng viên tài tử" để góp công sức "phát thanh" những tin tức sốt dẻo hấp dẫn này cho những người khác nữa !

Tự nhiên tôi thấy xấu hổ với chính mình thế nào ấy. Ðã bao nhiêu năm kể từ ngày tôi lãnh nhận Bí Tích Thánh Tẩy và Thêm Sức, tôi đã được mời gọi làm "phóng viên" cho Chúa bằng cách chia sẻ, công bố, rao truyền một Tin Mừng chứ không phải một Tin Buồn, một Tin Xấu, một Tin Giật Gân tai tiếng. Ðây là tin liên quan đến Ðức Ki-tô, Vua Vũ Trụ chứ không phải là chuyện dính líu đến một vị tổng thống phàm tục.

Tôi thấy xấu hổ vì đã không có được cái hăng say trong việc trở nên một "bài báo" đầy chứng tá sống động về Tin Mừng bằng cách chính tôi đổi đời, chính tôi "sống lại" từ trong những cõi chết đấy tội lỗi của thân phận con người tôi. Thật vậy, Tin Mừng của Ðức Ki-tô, tuy đã được chép thành 4 cuốn sách rất phổ biến, nhưng Tin Mừng ấy vẫn cần được các Ki-tô hữu tuyên xưng thành lời, phát thành âm, sống thành một cuộc Tình, để rồi Tin Mừng ấy có khả năng đánh động và cảm hóa trái tim người nghe, nhất là giới trẻ.

Tôi thấy xấu hổ vì mình đã săn tin ( search for news ), đã hành nghề phóng viên ( reporter ) một cách đáng trách theo kiểu mà Thiên Chúa đã cảnh cáo sau đây: "Ta biết các việc ngươi làm: ngươi chẳng lạnh mà cũng chẳng nóng. Phải chi ngươi lạnh hẳn hay nóng hẳn đi ! Nhưng vì ngươi hâm hẩm, chẳng nóng chẳng lạnh, nên Ta sắp mửa ngươi ra khỏi miệng Ta." ( Kh 3, 15 - 16 ).

Lạy Chúa, xin ban cho con lòng nhiệt thành loan báo và rao truyền Tin Mừng. Xin Tin Mừng của Chúa đốt cháy trái tim con, và thôi thúc con vội vã lên đường đem Tin Mừng ấy đến cho những người khác, như Ðức Mẹ đã làm ngày xưa ( x. Lc 1, 39 ), Amen.

Theo DAILY BREAD 17.10.1998

THÔNG TIN:

CÁC KHOẢN TIỀN ÂN NHÂN MỚI CHIA SẺ

- Hội HELP THE POOR cứu trợ đồng bào lương giáo tại 2 Giáo Xứ bị lũ quét ở tỉnh Hà Tĩnh ..........................  3.600 USD

- Hội HELP THE POOR cứu trợ đồng bào lương giáo bị lũ lụt tại tỉnh An Giang ....................................................... 500 USD

- Hội HELP THE POOR giúp Quỹ Gospelnet lo cho người nghèo ................................................................................. 500 USD

- Các bạn Nhóm Mai Khôi ( Hoa Kỳ ) gửi về qua bạn MK Huỳnh Cúc, giúp người nghèo ....................................  300 USD

- Các bạn Mai Linh, Trâm, Huyền Trân, Quang và Huỳnh Cúc ( Hoa Kỳ ) giúp người nghèo ...............................  300 USD

- Ca Ðoàn Việt Linh ( Hoa Kỳ ) gửi về qua bạn MK Bích Sơn, giúp người nghèo ..................................................... 600 USD

- Giới Trẻ Giáo Xứ Tân Việt tặng quà Noel cho các Giáo Lý Viên dân tộc tại Kontum .............................. 2.600.000 VND

- Một Linh Mục ẩn danh tặng quà Noel cho các Giáo Lý Viên dân tộc ở Kontum ........................................... 300.000 VND

- Một ân nhân muốn ẩn danh giúp em Võ Hoài Phương bị khuyết tật ................................................................  200.000 VND

- Chị Nguyễn Thị Thanh Hương ( Ba Làng - Nha Trang ) giúp người nghèo ....................................................... 500.000 VND

- Tiền giúp người nghèo từ việc giới thiệu bộ 4 CD Lẽ Sống: 3.000 VND x 200 CD ..................................... 600.000 VND

CÁC KHOẢN TIỀN TRỠ GIÚP ÐỘT XUẤT

- Giúp một gia đình 2 vợ chồng già yếu neo đơn ở Giáo Xứ Giu-se ( Quân Trấn ) Nha Trang ......................  200.000 VND

- Giúp một người khuyết tật mua thuốc chữa bệnh .................................................................................................  150.000 VND

- Giúp mua 200 chai nước tương cho người dân tộc ở điểm truyền giáo Fyan, Lâm Ðồng ............................  500.000 VND

- Giúp một người bệnh có tiền xe về Cần Thơ ............................................................................................................ 50.000 VND

TRỠ GIÚP GIA ÐÌNH HAI CHÁU BÉ SONG SINH DÍNH LIỀN Ở NGHỆ AN

Sr. Ma-ri-a Lê Thị Ðức Hạnh, Dòng Mến Thánh Giá Xã Ðoài, Giáo Phận Vinh, giới thiệu trường hợp hai cháu song sinh dính liền là NGÔ BÁ NGHĨA và NGÔ BÁ ÐÀN, con của chị Cao Thị Phương, gia đình là nông dân nghèo ở xóm 7, xã Nghĩa Thuận, huyện Nghĩa Ðàn, tỉnh Nghệ An. Hai cháu chào đời tại bệnh viện Nghĩa Ðàn vào tháng 1.2002, phần ngực bị dính liền xuống tới rốn, cùng chung một đường tiêu hóa và chung một lá gan chung ( trường hợp chưa từng xảy ra ở Việt Nam ). Sau đó hai cháu được chuyển về Viện Nhi Trung Ương tại Hà Nội để được chăm sóc đặc biệt và chờ đợi tìm giải pháp giải phẫu tách rời. Tuy gia đình cháu đã được nhiều người bà con lối xóm và nhiều người hảo tâm qua báo Sức Khỏe và Ðời Sống giúp đỡ nhưng vẫn không đủ trang trải mọi chi phí quá tốn kém.

Gospelnet xin trợ giúp số tiền 500.000 VND để gia đình cháu có thể tạm lo liệu. Rất mong quý độc giả và ân nhân gần xa chia sẻ thêm cho hai cháu về địa chỉ Linh Mục Lê Quang Uy, Trung Tâm Mục Vụ DCCT, 38 Kỳ Ðồng, Quận 3, Sài-gòn, hoặc qua địa chỉ Sr. Lê Thị Ðức Hạnh, Dòng Mến Thánh Giá Xã Ðoài, xã Nghi Diên, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An, ÐT: 038.861.238.

TRỠ GIÚP GIA ÐÌNH HAI CHỊ EM BẠI LIỆT Ở SÓC TRĂNG

Như trong Gospelnet số 14 ra ngày 24.6.2001 đã thông tin, tại ấp Vĩnh Kiên, xã Vĩnh Quới, huyện Thạnh Trị, tỉnh Sóc Trăng, Giáo Xứ Cái Trầu do cha Ðặng Xuân Ðồng phụ trách, thuộc Hạt Trà Lồng, Giáo Phận Cần Thơ, có 2 em: Tê-rê-xa Trần Thị Thúy Tràng, 21 tuổi Ða-minh Trần Minh Nhựt, 11 tuổi, cả hai là nạn nhân của chất độc màu da cam, hậu quả để lại từ thời chiến tranh. Hai em là con ông Phê-rô Trần Văn Ðủ, 43 tuổi và bà Ma-ri-a Lâm Lệ Thủy, 40 tuổi. Gia đình có tất cả 7 người, cư ngụ trong một căn chòi nghèo nàn, thu nhập không đủ sống, lại phải nuôi hai em nằm một chỗ suốt bao nhiêu năm. Gospelnet đã trợ giúp một lần số tiền 1.000.000 VND từ tháng 6.2001. Sau đó, Gospelnet đã giúp một lần nữa số tiền 500.000 VND cho 5 tháng, kể từ tháng 4 đến hết tháng 8.2002. Nay cha Ðồng lại mới gửi thư về cầu cứu, xin tiếp tục trợ giúp hai em vì gia đình lại đang thiếu ăn.

Gospelnet xin chia sẻ thêm số tiền 500.000 VND gửi về bằng đường Bưu Ðiện. Rất mong quý độc giả và ân nhân gần xa chia sẻ thêm cho hai em về địa chỉ Linh Mục Lê Quang Uy, Trung Tâm Mục Vụ DCCT, 38 Kỳ Ðồng, Quận 3, Sài-gòn, hoặc qua địa chỉ Linh Mục Ðặng Xuân Ðồng, Hộp Thư 9, Bưu Ðiện ngã 5, huyện Thạnh Trị, tỉnh Sóc Trăng, ÐT: 079.869.160.

HỌC BỔNG CHO 14 EM NGHÈO Ở MIỀN BẮC

Sr. Nguyễn Thị Hoa Sr. Nguyễn Thị Ánh, Dòng Ða-minh Bắc Ninh, giới thiệu 14 em học sinh ở rải rác tại vùng nông thôn các tỉnh miền Bắc có hoàn cảnh rất nghèo. Gospelnet đã nhận trợ giúp mỗi em 50.000 VND một tháng, suốt từ tháng 1 năm 2001 cho đến tháng 9.2002, nay Gospelnet xin tiếp tục trợ giúp trong 3 tháng 10, 11 và 12.2002, tổng cộng: 2.100.000 VND. Số tiền này được trích ra từ khoản chia sẻ của các bạn Nhóm Mai Khôi tại Hoa Kỳ. Xin thay mặt các em tỏ lòng biết ơn đến các anh chị Nhóm MK.

HỌC BỔNG TRỠ GIÚP 28 EM NGHÈO Ở TỈNH NAM ÐỊNH

Cha Lê Quang Uy, DCCT, giới thiệu một danh sách 28 em học sinh có hoàn cảnh gia đình rất nghèo, hiện cư ngụ tại xã Xuân Vinh, huyện Xuyên Trường, tỉnh Nam Ðịnh, thuộc về Giáo Họ Nam Ðiền, Giáo Xứ Phú Nhai, Giáo Phận Bùi Chu. Gospelnet xin trợ giúp mỗi em 50.000 VND cho tháng 1.2003, tổng cộng: 50.000 VND x 28 = 1.400.000 VND. Số tiền này được trích ra từ khoản chia sẻ của các bạn Nhóm Mai Khôi tại Hoa Kỳ. Xin thay mặt các em tỏ lòng biết ơn đến các anh chị Nhóm MK.


01. Ma-ri-a PHẠM THỊ QUẾ, học lớp 2.

02. Giu-se PHẠM VĂN ÐỨC, học lớp 2.

03. Giu-se TRẦN VĂN THẾ, học lớp 3.

04. Giu-se PHAN VĂN THẮNG, học lớp 3.

05. Ma-ri-a PHAN THỊ GẤM, học lớp 5.

06. Giu-se PHAN VĂN HIẾU, học lớp 3.

07. Giu-se PHAN VĂN HOÁN, học lớp 6.

08. Giu-se PHAN VĂN HÂN, học lớp 3.

09. Giu-se TRẦN VĂN NHIỆM, học lớp 2.

10. Giu-se TRẦN VĂN TUẤN, học lớp 2.

11. Ma-ri-a TRẦN THỊ TRANG, học lớp 3.

12. Ma-ri-a TRẦN THỊ HƯỜNG, học lớp 5.

13. Ma-ri-a TRẦN THỊ THẮM, học lớp 2.

14. Ma-ri-a TRẦN THỊ HƯƠNG, học lớp 2.

15. Phê-rô TRẦN VĂN ÐIỆN, học lớp 3.

16. Giu-se PHAN VĂN YÊN, học lớp 5.

17. Giu-se PHAN VĂN ÐIỂN, học lớp 2.

18. Ma-ri-a TRẦN THỊ NHUNG, học lớp 3.

19. Giu-se TRẦN VĂN ÐẠO, học lớp 3.

20. Giu-se TRỊNH VĂN TUẤN, học lớp 3.

21. Giu-se TRỊNH VĂN SAN, học lớp 3.

22. Giu-se PHẠM VĂN BÌNH, học lớp 1.

23. An-tôn PHẠM VĂN THẾ, học lớp 5.

24. Vinh-sơn TRẦN VĂN NHẬT, học lớp 3.

25. Ma-ri-a TRẦN THỊ NGỌ, học lớp 2.

26. Ma-ri-a PHAN THỊ MIẾN, học Cao Ðẳng.

27. Giu-se PHAN TRUNG KÍNH, học Ðại Học.

28. Ma-ri-a PHAN THỊ NGÁT, học Ðại Học.


TRỠ GIÚP HỌC BỔNG CHO 14 EM DÂN TỘC TẠI KONTUM

Cha Mi-ca-e Võ Văn Sự, Nhà Thờ Plei Rơhai, Giáo Phận Kontum, giới thiệu một danh sách 14 em học sinh dân tộc có hoàn cảnh gia đình hết sức nghèo, ở rải rác tại các buôn làng xa, như xã Ðoàn Kết, Ya Lu, Plei Jơdrăp, Plei Hdroch, Plei Gôh, Plei Mrông, Plei Dôch i, Plei Jơdrăp, Plei Druân, Kon Jơdri, Măng La, Plei Chor, được cha giúp tập trung về ở nội trú tại Giáo Xứ Plei Rơhai để các em có thể theo học tại thị xã Kontum. Gospelnet xin trợ giúp mỗi em 50.000 VND trong ba tháng 12.2002, 1 và 2.2003, tổng cộng: 50.000 VND x 3 x 14 = 2.100.000 VND. Số tiền này được trích ra từ khoản chia sẻ của các bạn Nhóm Mai Khôi tại Hoa Kỳ. Xin thay mặt các em tỏ lòng biết ơn đến các anh chị Nhóm MK.

01. Ma-ri-a Y LACH, học lớp 10 A8, trường PTTH Lê Lợi.

02. Ma-ri-a Y ƯCH, học lớp 9 A, trường THCS Lê Lợi.

03. Ma-ri-a Y BANH, học lớp 8 C, trường THCS Lê Lợi.

04. Ca-ta-ri-na Y LAN, học lớp 9 B, trường THCS Lê Lợi.

05. Tê-rê-xa SOR PHUYNH, học lớp 11 B, trường PTTH Dạy Nghề.

06. Lu-xi-a CHĂM THOĂIH, học lớp 9 A, trường THCS Lê Lợi.

07. Ma-ri-a Y KHÁ, học lớp 7 C Trường THCS Lê Lợi.

08. Ma-ri-a Y HMIR, học lớp 10 A, Trung Tâm Giáo Dục Thường Xuyên.

09. Tê-rê-xa Y THEN, học lớp 10 A, Trung Tâm Giáo Dục Thường Xuyên.

10. Tê-rê-xa Y TANH, học lớp 10 A, trường PTTH Dạy Nghề.

11. Ma-ri-a Y BÔNG, học lớp 10 A8, trường PTTH Lê Lợi.

12. An-na Y HOA, học lớp 10 A8, trường PTTH Lê Lợi.

13. Ma-ri-a LA, học lớp 11 B, trường PTTH Kontum.

14. Phan-xi-cô Xa-vi-ê GIANG PHONG, học lớp 6 G, trường THCS Lý Tự Trọng.