GOSPELNET
 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


CHÚA NHẬT 1 MÙA VỌNG NĂM B

TIN MỪNG: Mc 13, 33 - 37

PHẢI TỈNH THỨC VÀ SẴN SÀNG

Khi ấy, Ðức Giê-su nói với các môn đệ: "Anh em phải coi chừng, phải tỉnh thức, vì anh em không biết khi nào thời ấy đến. Cũng như người kia trẩy phương xa, để nhà lại, trao quyền cho các đầy tớ của mình, chỉ định cho mỗi người một việc, và ra lệnh cho người giữ cửa phải canh thức. Vậy anh em phải canh thức, vì anh em không biết khi nào chủ nhà đến: Lúc chập tối hay nửa đêm, lúc gà gáy hay tảng sáng. Anh em phải canh thức, kẻo lỡ ra ông chủ đến bất thần, bắt gặp anh em đang ngủ. Ðiều Thầy nói với anh em đây, Thầy cũng nói với hết thảy mọi người là: phải canh thức !"

SUY NIỆM 1:

LUÔN TỈNH THỨC

Từ thuở tiểu học chúng ta đã thuộc lòng 2 câu ca dao:

"Ðồng Ðăng có phố Kỳ Lừa

Có nàng Tô Thị có chùa Tam Thanh".

Nàng Tô Thị ôm con chờ chồng, mỏi mòn đợi chờ, mịt mù xa thẳm để rồi hóa đá. Hòn vọng phu là một di tích văn hóa của dân tộc. Hòn Vọng Phu như là một biểu tượng lòng thủy chung của người vợ đợi chờ chồng. Linh Mục Thiện Cẩm, Dòng Ða-minh, đã ví von: "Ðối với tôi, Hòn Vọng Phu có một ý nghĩa biểu tượng khác. Nó như là biểu tượng Giáo Hội đang ôm ấp cả nhân loại trong lòng và đứng thẳng trên cao, nhìn vào chân trời xa thẳm, đợi chờ Ðức Giê-su - vị Hôn Phu của mình đang ngự đến, như lời sách Khải Huyền đã viết: Thần Khí và Tân nương nói: "Xin Ngài ngự đến... Lạy Chúa Giê-su, xin Ngài ngự đến" ( Kh 22, 17 - 20 ).

Toàn bộ cuốn Thánh Kinh kết thúc như vậy. Hình ảnh Hôn Thê chờ Hôn Phu. Kinh Thánh là một câu chuyện tình giữa Thiên Chúa và nhân loại mà phần lớn được diễn tả bằng ngôn ngữ tình yêu nam nữ, vợ chồng. Xin nhắc lại vài câu Thánh Kinh cũng đủ nói lên điều ấy:

"Ngươi sẽ được Thiên Chúa đem lòng sủng ái

Và Chúa lập hôn ước cùng xứ sở ngươi

Như trai tài sánh duyên cùng thục nữ

Ðấng tác tạo ngươi sẽ cưới ngươi về

Như cô dâu là niềm vui cho chú rể

Ngươi cũng là niềm vui cho thiên Chúa ngươi thờ". ( Is 66, 4 - 5 )

Thánh Phao-lô trong 2 Cr 11, 2; Ep 5, 26 - 27 đã diễn tả Giáo Hội là Hiền thê, là bạn trăm năm của Ðức Ki-tô. Hình ảnh Hôn Thê chờ Hôn Phu là một hình ảnh đẹp biểu trưng lòng tín trung của Giáo Hội đối với Chúa Ki-tô.

Phụng Vụ Giáo Hội đã bước vào năm mới với khởi đầu là Mùa Vọng. Mẹ Giáo Hội đang ôm ấp tất cả con cái nhân loại đợi chờ Ðức Ki-tô đến trong hai lần Người ngự đến. Ngự đến trong thời gian là Nhập Thể và kết thúc thời gian là Quang Lâm.

Từ Chúa Nhật I Mùa Vọng đến ngày 16.12, Phụng Vụ nói lên sự mong đợi ngày Chúa đến khi kết thúc thời gian; tám ngày cuối cùng trực tiếp nói đến Sinh Nhật của Ðức Giê-su.

Theo tinh thần canh tân Phụng Vụ, Mùa Vọng không còn là mùa thống hối nữa mà là mùa hân hoan mong đợi. Các Chúa Nhật trong Mùa Vọng không đọc Kinh Vinh Danh không phải vì đặc tính đền tội của Mùa Chay, nhưng là để bài ca của các Thiên Thần được xem như là một tiếng hát mới mẻ trong đêm Giáng Sinh.

Mùa Vọng cũng là mùa của những lời loan báo. Loan báo việc Chúa Giê-su sinh ra, loan báo thời gian cứu độ, loan báo ngày trở lại của Chúa Ki-tô. Những lời loan báo này được công bố rõ ràng trong các bài đọc Chúa Nhật.

-    Bài đọc 1 trích trong sách I-sai-a, đó là những lời tiên tri về Ðấng Cứu Thế mà đỉnh cao là Chúa nhật IV, loan báo một trinh nữ sẽ sinh hạ tại Bê-lem một Hài Nhi thuộc chi tộc Ða-vít và sẽ được gọi là Em-ma-nu-en.

-    Bài Tin Mừng Chúa Nhật I Mùa Vọng nói lên niềm mong đợi ngày Chúa Ki-tô trở lại với lời nhắn nhủ: Hãy tỉnh thức. Chúa nhật II, III dành cho Gio-an tiền Hô với lời mời gọi: Dọn đường cho Chúa. Chúa nhật IV là Chúa Nhật Truyền Tin cho Ðức Mẹ và Thánh Giu-se.

-    Các bài đọc 2 là các bài Thánh Thư của các Thánh Phao-lô, Gia-cô-bê, Phê-rô, đặc biệt làm cho Mùa Vọng trở thành một mùa loan báo việc Chúa Ki-tô trở lại lần thứ hai.

Lời Chúa Chúa Nhật I Mùa Vọng dặn dò mỗi người Ki-tô hữu là hãy tỉnh thức, tỉnh thức để để đón chờ ngày tái ngộ với Chúa Ki-tô. Cuộc tái ngộ có thể xảy đến bất ngờ đối với mỗi người và đối với cả nhân loại. Tỉnh thức là thái độ của một gia nhân trung thành. Tỉnh thức vì đó là ý muốn, là mệnh lệnh của Chúa. Tỉnh thức và đợi chờ là lời mời gọi của Chúa đối với mỗi ngày sống của mỗi người.

Ki-tô giáo là tôn giáo của hy vọng vì dựa trên lời hứa của Thiên Chúa. Thiên Chúa hứa và Ngài sẽ thành tín thực hiện lời hứa. Thiên Chúa thực hiện từng giai đoạn và ngày càng trọn vẹn hơn. Vì thế người Ki-tô hữu luôn hướng về tương lai chờ đợi Lời Hứa Cứu Ðộ đã được thực hiện trong lịch sử và sẽ hoàn tất sau lịch sử.

Chờ đợi hướng về tương lai tức là hy vọng. Hy vọng luôn gắn liền với lòng tin. Không có đức tin hy vọng chỉ là ảo tưởng. Không có hy vọng đức tin sẽ chết khô. Nhờ đức tin chúng ta chọn đúng hướng. Nhưng chỉ có hy vọng mới làm cho ta đi tới cùng đường. Niềm hy vọng cánh chung không cản trở công cuộc xây dựng trần thế và mưu tìm hạnh phúc hiện tại. Trái lại, đó là một động lực thúc đẩy mỗi người góp phần kiến tạo gia đình, làng xóm, xã hội sống công bình, huynh đệ và hạnh phúc hơn. Ai thấy rõ đường đi thì càng vững tâm mà đi.

Chỉ có một Ðức Ki-tô, chỉ có một Giáo Hội là bạn trăm năm của Người. Giáo Hội không chỉ là Trinh Nữ, là Hiền Thê mà còn phải là Mẹ. Do đó hình ảnh người Mẹ bồng con là hình ảnh thích hợp để biểu tượng cho Giáo Hội. Hình ảnh Hòn Vọng Phu tượng trưng cho Mẹ Giáo Hội đứng trên đỉnh núi giữa trời mây sông nước, ẵm chặt vào lòng đứa con của sự sống là tương lai và hạnh phúc của mình hướng về trời cao với niềm hy vọng là Ðức Ki-tô. Mẹ Giáo Hội cưu mang các thực tại của mọi dân tộc là sự sống, là tương lai, là hạnh phúc để nuôi dưỡng và ấp ủ cho đến ngày hoàn toàn viên mãn, ngày Ðức Ki-tô ngự đến.

Mùa Vọng được khai mở với lời mời gọi của Ðức Giê-su: Hãy tỉnh thức.

Bước đầu là bước quyết định cho cả một cuộc đời, một chương trình kế tiếp như sách Nho có câu: nhất nhật chi kế tại ư thần, nhất niên chi kế tại ư xuân ( Kế hoạch một ngày hệ tại giờ ban mai, kế hoạch một năm hệ tại mùa xuân ).

Tỉnh thức là thái độ sống của người tín hữu suốt Năm Phụng Vụ.

Xin Chúa cho chúng con như ngọn đèn chầu trong Nhà Thờ, thức luôn và sáng luôn trước nhan Chúa.

Lm. NGUYỄN HỮU AN, Giáo Phận Phan Thiết

SUY NIỆM 2:

TỈNH THỨC HAY MÊ NGỦ

1. NẾU TÔI BIẾT TUẦN NÀY KẺ TRỘM SẼ ÐẾN NHÀ TÔI, THÌ...

Chúng ta thử xét một cách thật nghiêm túc xem: phản ứng, tư tưởng và thái độ của ta sẽ thế nào khi được báo tin chắc chắn một bọn trộm cướp đã dự định đến "thăm" nhà ta tuần này. Ðược tin ấy, thử hỏi ban đêm ta còn ngủ yên như mọi khi không ? Nếu ta đoán kẻ trộm cũng có thể đến cả vào ban ngày nữa, thì ta có đề phòng cả ban ngày không ? Ta có dám bỏ nhà đi đâu xa những ngày này, và giao phó nhà cửa cho đám con cái còn bé nhỏ chưa kinh nghiệm không ? - Nếu đoán biết kẻ trộm sẽ đến, chắc chắn ta sẽ gia tăng đề phòng, không để cho chúng lấy đi của ta bất kỳ đồ vật gì. Muốn đề phòng hữu hiệu, ta phải canh thức liên tục, không ngừng nghỉ. Ngừng đề phòng lúc nào là kẻ trộm có thể đến lúc ấy, nhất là vào những lúc chúng biết ta mệt mỏi, lơ là. Nếu đề phòng liên tục, chắc chắn kẻ trộm sẽ thất bại.

Chỉ vì sợ mất của cải vật chất chóng qua mà ta lo canh phòng như vậy, lẽ nào mạng sống tâm linh của ta, của cải tâm linh của ta là cái quí hơn hàng trăm ngàn lần, ta lại không lo lắng canh giữ ?

2. CÁCH SỐNG HIỆN TẠI QUYẾT ÐỊNH SỐ PHẬN VĨNH CỬU

Số phận vĩnh cửu của ta tùy thuộc cách sống hiện tại của ta. Cuộc sống hiện tại trong thời gian là mầm cho cuộc sống vĩnh cửu mai sau. Mầm tốt sẽ trở thành cây tốt, mầm xấu sẽ trở thành cây xấu. Cuộc sống vĩnh cửu đã bắt đầu ngay trong cuộc sống hiện tại, và định hình vĩnh viễn ngay khi ta chấm dứt cuộc sống này, nghĩa là ngay khi ta chết. Nhưng ta chết lúc nào ? Không ai biết được ! Những người chết trong hai tòa nhà cao tầng ở New York ngày 11.9.2001, hay trong tòa nhà 6 tầng các Trung Tâm Thương Mại tại Sàigòn ngày 29.10.2002 không ai ngờ được trước khi vào đó rằng hôm ấy là ngày tận số cuộc đời mình. Không ngờ được vì thấy rằng còn gì bảo đảm an toàn hơn khi ở trong những tòa nhà kiên cố ấy ? Thế mới biết tai họa hay cái chết có thể đến bất kỳ lúc nào, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, ở bất kỳ nơi nào.

Ðối với cái chết, chẳng lúc nào, chẳng nơi nào, chẳng tình trạng sức khỏe nào là an toàn cả ! Thật đúng như Thánh Phao-lô nói: "Khi người ta nói: "Bình an biết bao, yên ổn biết bao !" thì lúc ấy tai họa sẽ thình lình ập xuống" ( 1 Tx 5, 3 ). Cái chết đến quả thật như kẻ trộm ! không thể biết trước hay đoán trước được lúc nào, cách nào, và thế nào ! Tuy nhiên, chết lúc nào, cách nào không phải là chuyện quan trọng. Vấn đề hết sức quan trọng chính là: số phận đời sau của mình thế nào ?

Số phận của chúng ta đời sau chính là kết quả của cách sống đời này. Nếu đời này chúng ta sống vị tha, yêu thương mọi người đúng theo bản chất của mình là "hình ảnh của Thiên Chúa" cũng là "con cái Thiên Chúa", thì đời sau chúng ta sẽ được sống trong một môi trường đầy yêu thương, được gần gũi với chính Thiên Chúa của Tình Thương. Trái lại, nếu đời này ta sống ích kỷ, ít tình thương, không tình nghĩa, thường lãnh đạm, nhạt nhẽo, ganh ghét, hận thù... với tha nhân, thì đời sau chúng ta sẽ phải sống trong một môi trường không có tình thương, đầy hận thù và xa cách Thiên Chúa. Ðiều đó xảy ra không khác gì một quy luật, luật nhân quả: "Cây tốt thì sinh quả tốt, cây xấu thì sinh quả xấu" ( Mt 7, 17 ).

Tương tự như một người luôn yêu thương và vui vẻ với mọi người, dễ dàng hy sinh, sẵn sàng chịu thiệt thòi cho người khác, thì tự nhiên người ấy tạo ra chung quanh mình một bầu khí vui tươi, thoải mái, yêu thương, và những ai ở gần người ấy đều tự nhiên cảm thấy hạnh phúc và quí mến người ấy. Trái lại, một người ích kỷ chỉ nghĩ tới mình, chẳng biết yêu thương hay hy sinh cho ai, chỉ mong người khác hy sinh, chịu thiệt cho mình, tự nhiên người ấy sẽ tạo ra chung quanh mình một bầu khí ảm đạm, căng thẳng, buồn tẻ, và chẳng mấy ai cảm thấy hứng thú gì khi ở với người ấy.

3. NGÀY CỦA CHÚA

Ðối với mỗi cá nhân, Ngày của Chúa - hay Ngày Chúa đến - chính là ngày ta chấm dứt cuộc đời trần thế để đến trình diện trước mặt Chúa hầu được quyết định về số phận vĩnh cửu của mình. Ðối với toàn thế giới, Ngày của Chúa chính là ngày tận thế, ngày mà tất cả mọi người đã từng sống trên trần gian đều phải trình diện trước mặt Chúa. Ngài sẽ phán xét Giáo Hội cũng như tất cả mọi thể chế trần gian, mọi tôn giáo, mọi chủ nghĩa, mọi ý thức hệ, mọi nền văn hóa, mọi chế độ, mọi quốc gia, mọi tầng lớp, mọi giai cấp, mọi tập thể... Lúc đó mọi dân mọi nước, mọi tôn giáo, mọi nền văn hóa sẽ biết rõ ràng và dứt khoát đâu là đúng đâu là sai. Lúc đó, tất cả mọi bí mật trên thế giới trong tất cả mọi lãnh vực đều được tỏ lộ, phanh phui cho tất cả mọi người thấy, không một che dấu nào mà không bị hiển lộ... Trước mọi sự được tỏ bày, ai nấy đều tự mình biết mình là công chính hay tội lỗi, và công chính hay tội lỗi ở mức độ nào. Mọi người sẽ tâm phục khẩu phục khi thấy số phận của mình, của mọi người và từng người được ấn định một cách hết sức công bằng, hợp lý và quang minh.

Ngày ấy sẽ là ngày vui mừng, vinh quang cho những người thật sự công chính, vì họ sẽ được giải oan, được mọi người nhìn nhận sự trong sạch, ngay thẳng, và tất cả những gì tốt đẹp của mình, đồng thời được hưởng hạnh phúc vĩnh cửu. Nhưng ngày ấy sẽ là ngày u buồn, nhục nhã, xấu hổ cho những người giả công chính, giả đạo đức, những kẻ gian ác, vì mọi giả dối, xấu xa, gian ác của họ, dù được giấu diếm kỹ càng đến đâu cũng đều bị lột trần, phanh phui trước mọi người, và số phận của họ sẽ là đau khổ muôn đời.

4. THÁI ÐỘ TỈNH THỨC VÀ SẴN SÀNG

Ngày của Chúa đến như kẻ trộm, không ai biết trước được, và là ngày qui định dứt khoát số phận đời đời của ta. Vì thế, thái độ khôn ngoan nhất của ta là luôn luôn tỉnh thức, lúc nào cũng ở trong tư thế sẵn sàng, để ngày ấy dù có bất ngờ tới đâu, cũng là ngày đem lại vinh quang và hạnh phúc vĩnh cửu cho ta. Như vậy, thái độ tỉnh thức là thái độ nào ?

Tỉnh thức trái với ngủ quên, trái với tình trạng mê mải, bị thu hút bởi một sự việc gì, khiến ta quên mất điều ta phải nhớ, phải canh chừng. Một minh họa cụ thể: Nhiều khi người nhà tôi bận việc, yêu cầu tôi canh chừng ấm nước sôi. Tôi nhận lời với tất cả ý thức. Nhưng chờ lâu quá, để tiết kiệm thì giờ, tôi lại tiếp tục viết bài. Tới lúc chợt nhớ tới ấm nước thì đã quá muộn, ấm đã cạn sạch nước. Chậm một chút nữa là ấm sẽ bị cháy ! Công việc đã thu hút tôi đến mức làm tôi quên canh chừng !

Tỉnh thức theo nghĩa của bài Tin Mừng hôm nay là luôn luôn ý thức được mục đích cuộc đời mình là sống xứng với phẩm giá cao cả của mình là hình ảnh và là con cái Thiên Chúa, nhờ đó đạt hạnh phúc vĩnh cửu. Ðiều đó đòi hỏi tôi phải sống phù hợp với tinh thần Tin Mừng là tinh thần yêu thương, cụ thể nhất là yêu thương những người gần mình nhất. Ðiều tôi cần quan tâm không chỉ là tránh gây nên những bất lợi cho tha nhân, mà còn là làm những gì họ cần tôi làm cho họ.

Trong đoạn Tin Mừng về Ngày Phán Xét Cuối Cùng ( Mt 25, 31 - 46 ), ta thấy Thiên Chúa đặc biệt phán xét về những thiếu sót, những điều mà ta không làm cho tha nhân khi họ cần ta làm. Ta thường tưởng rằng mình không làm điều gì bất lợi cho tha nhân thì có nghĩa là mình vô tội, mình công chính. Nhưng thực ra khi mình không làm những việc mình phải làm hoặc có thể làm cho tha nhân, thì mình đã trở thành kẻ có tội và đáng bị kết án rồi. Cụ thể như khi đứng trước một bất công, giả như tôi lên tiếng thì bất công ấy đã không xảy ra, hoặc sự công bằng đã được trả lại cho người bị bất công, nhưng tôi đã không lên tiếng chỉ vì một sợ hãi mơ hồ nào đó. Ðiều đó chứng tỏ rằng tôi không có đủ tình thương. Chính những tội về thiếu sót ấy làm tôi không xứng đáng với hạnh phúc vĩnh cửu.

Chúng ta có thể trở nên "mê ngủ", mất tỉnh thức khi ta bị thu hút bởi danh, lợi, quyền, thú vui trần tục. Nhiều người mê mải tìm kiếm tiền bạc, quyền lực... đến nỗi chẳng những quên đi bổn phận mình phải làm cho tha nhân ( đói cho ăn, khát cho uống, lên tiếng trước bất công... ), mà còn sẵn sàng làm những điều bất lợi cho tha nhân nữa ( vu khống, gây bất công, thù oán, giết người... ). Bất kỳ điều gì có thể làm chúng ta say mê trong cuộc đời, thậm chí là những điều tốt ( công việc, chuyện làm ăn, sở thích... ), cũng có thể làm ta mất tỉnh thức. Ngay cả việc thờ phượng Chúa ( dâng Lễ, đọc kinh, cầu nguyện... ) cũng có thể ru ngủ ta, làm ta quên cả bổn phận mình phải làm cho tha nhân.

Thờ phượng Chúa kiểu như thế chắc chắn không phải là kiểu đẹp lòng Thiên Chúa, Ngài rất nhờm tởm kiểu thờ phượng này ( x. Is 1, 11 - 19 ). Ðáng lẽ việc thờ phượng Thiên Chúa đích thực phải giúp ta ý thức đến bổn phận của ta đối với tha nhân một cách hữu hiệu. Vậy, một cách cụ thể, tỉnh thức chính là luôn luôn ý thức, quan tâm làm những việc mình phải làm hoặc có thể làm cho tha nhân.

Lạy Cha, thì ra có rất nhiều điều có thể làm con mê ngủ, không tỉnh thức. Ðiều làm con rất ngạc nhiên là ngay cả những đam mê tốt lành như đam mê đi Lễ, đam mê cầu nguyện, đam mê làm tông đồ, đam mê làm ăn... có thể làm con quên đi bổn phận mà con phải làm đối với những người chung quanh con: cha mẹ, anh chị em, vợ con, bạn bè, hàng xóm... Con có bổn phận rất quan trọng là phải làm cho họ nên tốt lành và được hạnh phúc. Xin Cha đừng để những đam mê tốt lành ấy làm con mất tỉnh thức.

Gs. NGUYỄN CHÍNH KẾT

SUY NIỆM 3:

NGÀI MỚI LÀ CHA, LÀ ÐẤNG CỨU CHUỘC CHÚNG CON

Hôm nay cùng với toàn thể Hội Thánh Công Giáo, chúng ta bước vào Mùa Vọng năm B. Trọng tâm của Mùa Vọng là chờ đợi, là dọn đường đón mừng Thiên Chúa xuống thế làm người cứu độ và giải thoát con người. Các bài đọc Thánh Kinh Giáo Hội cho đọc hôm nay là những kinh nghiệm quí báu về Thiên Chúa của ngôn sứ I-sai-a và Thánh Phao-lô Tông Ðồ và là lời mời gọi tỉnh thức của Chúa Giê-su. Chúng ta hãy đi tìm sứ điệp của Lời Chúa để đón nhận và sống cho đẹp lòng Chúa.

1. NHỮNG KINH NGHIỆM QUÍ BÁU VỀ THIÊN CHÚA CỦA NGƯỜI XƯA:

Kinh nghiệm về Thiên Chúa của ngôn sứ I-sai-a:

Ngôn sứ I-sai-a sống ở xứ Giu-đa vào thế kỷ thứ VIII trước Công Nguyên tức thời dân Chúa bị phân chia thành hai nước: Bắc Nam. Sứ mạng của I-sai-a cũng như của các ngôn sứ khác là vạch cho dân Ít-ra-en thấy lỗi lầm của họ, kêu gọi họ quay về với Thiên Chúa, sống trung thành với Người vì Người là Ðức Chúa, là Cha, là Ðấng Cứu Ðộ, là Ðấng không bao giờ bỏ dân, cho dù dân có bất tín bất trung với Người.

  Ðoạn sách I-sai-a mà Giáo Hội đọc trong Phụng Vụ hôm nay là kinh nghiệm thiêng liêng của ngôn sứ, sống và giao tiếp thân mật gần gũi với Thiên Chúa. Có lúc I-sai-a như tỉ tê tâm sự với Thiên Chúa: "Lạy ÐỨC CHÚA, Ngài mới là Cha, là Ðấng Cứu chuộc chúng con". Có lúc I-sai-a trách móc, giận hờn và qui trách cho Chúa: "Tại sao Ngài lại để chúng con lạc xa đường lối Ngài ? Tại sao Ngài làm cho lòng chúng con ra chai đá, chẳng biết kính sợ Ngài ?". Nhưng tâm tình nổi bật nhất của I-sai-a là tâm tình hoàn toàn tin cậy, phó thác và ngóng đợi ngày Chúa hành động: "Chưa hề thấy có vị thần nào, ngoài Chúa ra, đã hành động như thế đối với ai tin cậy nơi mình" - "Chúng con là đất sét, còn thợ gốm là Ngài, chính tay Ngài đã làm ra tất cả chúng con"

Kinh nghiệm về Thiên Chúa của Phao-lô:

Thánh Phao-lô chia sẻ với tín hữu Cô-rin-tô và với chúng ta kinh nghiệm tâm linh của riêng ngài. Ðó cũng là kinh nghiệm gặp gỡ, khám phá và sống với Thiên Chúa là Cha giầu lòng từ bi lân ái, là Thiên Chúa hằng sẵn sàng nâng đỡ ủi an. Thánh Phao-lô đã cảm nghiệm được Thiên Chúa là như thế xuyên qua cuộc đời đầy gian nan thử thách, bị bắt bớ tra tấn và ngục tù của ngài. Hơn nữa Thánh Phao-lô còn giúp chúng ta hiểu tại sao Thiên Chúa lại nâng đỡ ủi an chúng ta trong mọi cơn gian nan thử thách. Ðó là để đến lượt chúng ta, chúng ta biết ủi an những kẻ lâm cảnh gian nan khốn khó, tức chúng ta "tiếp nối" công việc của Chúa và "kéo dài" hành vi nâng đỡ ủi an của Thiên Chúa.

2. KINH NGHIỆM VỀ THIÊN CHÚA CỦA CHÚNG TA NGÀY NAY ?

"Phải coi chừng, phải tỉnh thức !"

Tin Mừng theo Thánh Mác-cô nhắc lại lời mời gọi ân cần của Ðức Giê-su: "Anh em phải coi chừng, phải tỉnh thức, vì anh em không biết khi nào thời ấy đến". Thời ấy là thời Cánh Chung mà Ðức Giê-su đã nói đến rất nhiều vào giai đoạn cuối đời Người. Thời ấy là thời Cứu độ mà Thiên Chúa dành cho mỗi người chúng ta. Thời ấy còn có nghĩa là những lần gặp gỡ giữa Thiên Chúa và mỗi người hay đúng hơn là kinh nghiệm sống với Thiên Chúa của chúng ta. Và để sống với Chúa mỗi ngày, thậm chí mỗi giờ, mỗi khoảnh khắc thời gian cũng như để gặp được Chúa trong ngày Chúa Quang Lâm hoàn tất công trình Sáng Tạo và Cứu Ðộ thì điều kiện trước tiên là chúng ta phải tỉnh táo, phải cảnh giác, phải biết đầu tư cho kinh nghiệm sống với Chúa trong giây phút hiện tại.

Tại sao chúng ta phải tỉnh thức ?

Chúng ta phải tỉnh thức vì chúng ta đang bị cuốn hút và bao vây bởi nhiều mối bận tâm, tính toán và lo toan giả trá khiến chúng ta không còn tâm trí tự do, thong thả. Chúng con phải tỉnh thức còn vì chúng ta đang bị mê hoặc bởi những mưu chước thâm độc của Xa-tan. Hắn dụ dỗ chúng ta một cách ngon ngọt dưới những "chiêu bài" đẹp đẽ hấp dẫn ( tự do, tự quyết định, sáng tạo, trưởng thành ) khiến chúng ta không còn phân biệt được thật hư, xấu tốt. Chủ yếu là chúng ta đang bị Xa-tan cám dỗ như A-đam và E-và trong vườn địa đàng: gạt bỏ Thiên Chúa và sự chỉ bảo của Người ra khỏi tâm hồn và cuộc sống của chúng ta. Nếu chúng ta nghe theo hắn, chúng ta sẽ chỉ thấy toàn hỗn độn, bế tắc và vô vọng.

Vậy, sống Lời Chúa chính là:

-      Tập sống tình con thảo với Thiên Chúa là Cha, là Chúa Cứu.
-      Tuyệt đối tin tưởng, phó thác và trông cậy nơi Người.
-      Luôn thức tỉnh để nhận ra Cha và đón nhận sự chỉ bảo của Người.

Lạy Thiên Chúa, chỉ có Chúa mới là Cha, là Ðấng Cứu độ chúng con. Cha đã yêu thương chúng con và muốn đem hạnh phúc cho chúng con. Chúng con cảm tạ Cha đã ban Con Một Cha cho chúng con. Người là Quà Tặng lớn lao nhất mà Cha có thể ban và đã ban cho chúng con. Xin Cha giúp chúng con đón nhận Người, sống với Người và sống theo Người. Có Người trong tâm hồn và trong cuộc đời, chúng con sẽ vượt qua được mọi khó khăn, trở ngại trong cuộc sống; chúng con sẽ tuân giữ và thực hành được các giới luật, nhất là luật yêu thương, của Cha.

 Lạy Chúa Giê-su Ki-tô, xin dạy chúng con biết sống với Cha như Người đã sống với Cha: khám phá ra Tình Thương và sự Thánh Thiện của Cha, sống trọn tình trọn nghĩa, phó thác cậy trông như người con thảo với Cha.

Gs. NGUYỄN VĂN NỘI

CÂU TRUYỆN:

ÐÔI MẮT CỦA TÂM HỒN

Trong một chuyến đến thăm ngôi trường khiếm thị duy nhất của thành phố, tôi chạnh lòng nhìn cảnh một số em quờ quạng với chiếc gậy trên tay, có em lại bám vào vai bạn và cả hai cùng lần bước... Còn đến khi vào lớp, các em lại cần mẫn dùng những ngón tay nhỏ bé gầy guộc để đọc từng giòng chữ Braille trên trang giấy nổi... Bất chợt, ánh mắt tôi dừng lại ở một em bé có đeo một mẫu ảnh Thánh Giá nho nhỏ trên ngực áo. Tiến lại gần, tôi làm quen với em và được biết... Em kể rằng: "Trước khi vào trường này, mẹ em đã đeo cây Thánh Giá này cho em và bảo: Ðèn của thân thể người ta là đôi mắt, còn với con, thì Thánh Giá sẽ là cây đèn cho con đấy !"

Tôi ân cần hỏi em: Thế em có thấy vui không ?" Em bé ngước nhìn lên với đôi mắt đục mờ, trả lời ngay: "Có chứ anh, em đã mất đôi mắt của thân thể, nhưng thật sự thì đôi mắt của tâm hồn em vẫn sáng !" Nghe câu trả lời quả quyết ấy, tôi giật mình tự nhủ: Con mắt của tâm hồn mình có còn sáng hay đã tắt ngúm rồi nhỉ ? "Lạy Chúa, xin Chúa hãy là đèn sáng cho cuộc đời con, Chúa ơi !"

Trích Ðặc San CON ÐỨC MẸ, Xuân 2000. NỐI LỬA CHO ÐỜI số 4

THÔNG TIN:

CÁC KHOẢN TIỀN TRỠ GIÚP NHỎ

- Giúp bệnh nhân Nguyễn Văn Ðược, sống ở vỉa hè số 359 Bến Chương Dương, bị lao ................................  100.000 VND

- Giúp một gia đình người dân tộc tại Lâm Ðồng có tiền mua gạo ......................................................................  120.000 VND

- Giúp một bệnh nhân ở Xuân Lộc tiền mua thuốc chữa vết loét ở chân ..........................................................  100.000 VND

TRỠ GIÚP MỘT EM HỌC SINH NGHÈO Ở TỈNH BÌNH PHƯỚC

Cha Lê quang Uy, DCCT, giới thiệu trường hợp em NGUYỄN THỊ HUYỀN, sinh năm 1986, con bà Nguyễn Thị Hòa, còn cha thì đã qua đời, gia đình có đến 7 người con, hiện ngụ tại ấp Tân Lợi, xã Tân Tiến, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước, đang học lớp 9 A trường THCS Lộc Ninh. Gospelnet xin trợ giúp cho em mỗi tháng 50.000 VND, trong hai tháng 11 và 12.2002, tổng cộng: 100.000 VND.
HỌC BỔNG CHO 10 EM Ở ÐẤT SÉT - GIÁO PHẬN NHA TRANG

Như Gospelnet số 80 ra ngày 13.10.2002 đã thông tin, chúng tôi đã trợ giúp cho 10 em học sinh nghèo tại Giáo Xứ Ðất Sét ( cách thành phố khoảng 30 km ) do cha Nguyễn Văn Có và cha Lê Khắc Lâm, Dòng Phan-xi-cô phụ trách, thuộc Giáo Phận Nha Trang ( danh sách đã đăng trên Gospelnet số 76 ), từ tháng 9 đến hết tháng 11.2002, nay Gospelnet số 86 xin tiếp tục trợ giúp tháng 12.2002, số tiền là 500.000 VND.

TRỠ GIÚP MỘT SINH VIÊN NGHÈO ÐÓNG HỌC PHÍ

Thầy Phan Tuấn Hồng, DCCT, giới thiệu trường hợp em Gio-an Bao-ti-xi-ta TRẦN VUI, sinh ngày 13.4.1979, quê quán tại đội 5, xã Quỳnh Thanh, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, có ý muốn đi tu, là con út trong một gia đình có đến 8 anh chị em, cha đã 72 tuổi, mẹ đã 68 tuổi, canh tác 2 sào ruộng ( 900 m2 ) trên vùng đất thường xuyên bị thiên tai. Em Vui hiện là sinh viên năm thứ 2 khoa Anh Văn trường Ðại Học Huế. Học phí hằng năm phải đóng là 1.600.000 VND, cộng thêm tiền ăn là 150.000 VND một tháng, nhưng gia cảnh quá nghèo, năm nay, đến tháng 12 là thời hạn đóng học phí mà chưa biết tìm đâu ra tiền cho đủ. Gospelnet xin trợ giúp số tiền 500.000 VND. Rất mong quý độc giả gần xa rộng lòng chia sẻ thêm.

TRỠ GIÚP MỘT CHÁU BÉ BẠI LIỆT Ở CẦN THƠ

Cháu Giu-se LẠI HỮU NGỌC, con anh Phê-rô Lại Phú Cường và chị Ma-ri-a Lại Thị Kiều Diễm, ngụ tại ấp Hoài, xã Thạnh An, huyện Thốt Nốt, tỉnh Cần Thơ, thuộc Họ Hiếu Sơn, Giáo Xứ Hiếu Thuận, Giáo Phận Cần Thơ. Cháu Ngọc bị bệnh bại não từ bé, liệt cả tứ chi. Gospelnet đã liên hệ với cha Phan Khắc Từ để gửi được cháu vào Trường Khuyết Tật Thiên Phước, Củ Chi, với mức trợ cấp miễn giảm đặc biệt cho hoàn cảnh gia đình nghèo ở vùng thường xuyên chịu lũ lụt. Gospelnet đã trợ giúp cho cháu mỗi tháng được 200.000 VND cho đến tháng 5.2002, nay xin tiếp tục trợ giúp 150.000 VND một tháng trong 7 tháng, kể từ tháng 6 đến hết tháng 12.2002, tổng cộng: 1.050.000 VND.