GOSPELNET

 

 

 

 

 

Text Box: NĂM THỨ BA, SỐ 115
CHÚA NHẬT 18.5.2003
 

 

 

 


CHÚA NHẬT 5 PHỤC SINH

TIN MỪNG: Ga 15, 1 - 8

"Thầy là cây nho thật, và Cha Thầy là người trồng nho. Cành nào gắn liền với Thầy mà không sinh hoa trái, thì Người chặt đi; còn cành nào sinh hoa trái, thì Người cắt tỉa cho nó sinh nhiều hoa trái hơn. Anh em được thanh sạch rồi nhờ lời Thầy đã nói với anh em. Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em. Cũng như cành nho không thể tự mình sinh hoa trái, nếu không gắn liền với cây nho, anh em cũng thế, nếu không ở lại trong Thầy.

Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được. Ai không ở lại trong Thầy, thì bị quăng ra ngoài như cành nho và sẽ khô héo. Người ta nhặt lấy, quăng vào lửa cho nó cháy đi. Nếu anh em ở lại trong Thầy và lời Thầy ở lại trong anh em, thì muốn gì, anh em cứ xin, anh em sẽ được như ý. Ðiều làm Chúa Cha được tôn vinh là: Anh em sinh nhiều hoa trái và trở thành môn đệ của Thầy".

 

SUY NIỆM 1:

ÐỂ CÀNH NHO SINH HOA TRÁI

Những hình ảnh cành nho, vườn nho, cây nho được cắt tỉa là những hình ảnh rất quen thuộc đối với người Do-thái. Vì trên quê hương Chúa Gê-su, nơi đâu, hầu như người ta cũng trồng nho. Mặc khải của Thánh Kinh lại luôn luôn mang tính biểu tượng và hình ảnh rất cao và không bao giờ thích dùng những gì xa lạ, khó hiểu đối với đời sống dân chúng. Vì thế, cành nho, cây nho, vườn nho... đã gắn liền với mặc khải, cho đến mức, dẫu trong số chúng ta, hình như có người còn chưa một lần nhìn thấy cây nho, nhưng do suy niệm Lời Chúa, chúng ta cũng quên đi cả thắc mắc: nho là như thế nào ?  Nghĩa là cách nào đó, chúng ta cũng đã quen nhiều với hình ảnh cây nho...

Ngay từ rất xa xưa, Cựu Ước đã mô tả dân Ít-ra-en như một gốc nho hay vườn nho của Thiên Chúa: "Vườn nho của Ðức Chúa Gia-vê, ấy là nhà Ít-ra-en. Cây nho Chúa mến yêu quý chuộng, ấy là người xứ Giu-đa" ( Is 5, 7 ). Nhưng hầu hết những hình ảnh cây nho biểu trưng cho Ít-ra-en luôn luôn đi liền với lời khiển trách, cảnh cáo hay đe dọa. Chẳng hạn bài ca về cây nho trong sách Ngôn Sứ I-sai-a: "Có gì làm hơn được cho vườn nho của Ta, mà Ta đã chẳng làm ? Ta những mong trái tốt, sao nó sinh nho dại ?... Ta chỉ mong họ sống công bình, mà chỉ thấy  toàn đổ máu; đợi chờ họ làm điều chính trực mà chỉ nghe vẳng tiếng khóc than" ( Is 5, 4.7 ). Hoặc như Ngôn Sứ Giê-rê-mi-a: "Ta trồng ngươi như cây nho sai trái, được tuyển chọn giống tốt. Sao ngươi lại trở thành cây nho dại" ( Gr 2, 21 ).

Hay trong sách tiên tri Ê-dê-ki-en, vì sự kiêu ngạo của Ít-ra-en, bằng hình thức ẩn dụ của cành nho, Thiên Chúa trách cứ dân Người nặng như một lời đe dọa: "Cũng như gỗ cây nho trong đám cây trên rừng đã bị Ta quăng làm mồi cho lửa, thì dân cư Giê-ru-sa-lem cũng bị Ta thiêu như thế" ( Ed 15, 6 ). Và còn rất nhiều những hình ảnh về cây nho mà mặc khải của Cựu ước dùng như một thông điệp để nói với dân của Chúa.

Và hôm nay trong Tin Mừng, Chúa Gê-su tự nhận là "Cây nho thật", "Chúa Cha là người trồng nho", tất cả chúng ta, những Ki-tô hữu là "cành nho" gắn vào thân nho là Chúa Gê-su. Có một điều đáng lưu tâm đó là: Nếu trong Cựu Ước, hình ảnh của cây nho như một lời cảnh cáo, đe dọa Ít-ra-en vì tội lỗi của họ thì lời của Chúa Gê-su hôm nay cũng gióng lên một tiếng chuông cảnh báo như thế: "Cành nào gắn liền với Thầy mà không sinh hoa trái, thì Người chặt đi; còn cành nào sinh hoa trái, thì Người cắt tỉa để nó sinh trái nhiều hơn".

Như vậy, thế nào là sinh hoa trái ?

Ngay trong bài Thánh Thư, Thánh Gio-an đã cho ta câu trả lời rất súc tích nhưng rất đầy đủ. Ðó là sống giới răn của Thiên Chúa. Mà "giới răn của Chúa là: ta hãy TIN vào thánh danh Con của Người là Chúa Gê-su Ki-tô, và phải YÊU THƯƠNG nhau như Người đã dạy". Và chỉ khi sống giới răn của Người, nghĩa là lãnh nhận ÐỨC TIN và thể hiện đức tin ấy bằng TÌNH YÊU, ta mới được một điều quý giá là: "Ta ở trong Thiên Chúa và Người ở trong ta".

Nhưng nói cho cùng, đức tin và tình yêu chỉ là hai cách diễn tả của một khuôn mặt là chính đời sống của người tín hữu mà thôi. Ðức tin thôi thúc ta sống đời sống yêu thương với mọi anh em xung quanh ta. Còn đời sống yêu thương chính là sự biểu lộ ra bên ngoài của một đức tin mạnh mẽ, một tâm hồn phó thác lớn lao. Không chỉ đề cập đến tình yêu của ta đối với anh em, đối với Thánh Gio-an, tình yêu ấy phải rõ ràng và cụ thể: "Chúng ta đừng yêu bằng lời nói và miệng lưỡi, nhưng bằng việc làm và sự chân thật".

Bởi thế bạn và tôi chỉ có thể là những cành nho biết sinh hoa trái khi cả bạn lẫn tôi biết sống hữu hiệu, để nhờ chính cuộc sống ấy, có thể làm biến đổi môi trường chung quanh, tạo dựng hạnh phúc cho người khác. Ðiều mà ta có thể làm ngay tức khắc đó là hãy trung thành, hãy tận tụy, hãy yêu quí, hãy ra sức sống hết mình với giây phút hiện tại Chúa ban, để bằng tất cả nỗ lực và chú tâm vào việc làm lương thiện hiện tại này, bạn và tôi đã tạo cho đời, và cho chính mình nữa, biết bao nhiêu hạnh phúc, biết bao nhiêu nụ cười bình an. Bằng cách ấy, bạn và tôi trở thành những cành nho tốt biết sinh hoa trái, biết làm sáng danh chính Cây Nho Thật là Chúa Gê-su Ki-tô, Chúa chúng ta.

Ước mong tất cả chúng ta luôn là những cành nho tốt tươi biết gắn chặt đời mình với thân nho là chính Chúa Ki-tô, nhờ đó, dù chỉ là một cành nho mang thân phận con người mong manh, ta sẽ làm cho đời mình sinh nhiều hoa trái, nhiều kết quả tốt đẹp cho Giáo Hội và cho mọi người quanh ta.

Lm. JB. NGUYỄN MINH HÙNG, Giáo Phận Phú Cường

SUY NIỆM 2:
CÂY NHO VÀ CÀNH NHO

Chúa Nhật 4 Phục Sinh đã dạy về mối tương quan giữa Chúa Giê-su và chúng ta: Chúa Giê-su là Mục Tử Nhân Lành vì Người đã hy sinh mạng sống cho chúng ta. Ðó là tương quan của Mục Tử với con chiên, của Cứu Chúa với người được cứu. Chúa Nhật 5 Phục Sinh tiếp tục dạy về mối tương quan giữa Chúa Giê-su và chúng ta, nhưng dưới một góc độ và qua một hình ảnh quen thuộc khác: Chúa Giê-su là Thân Nho còn chúng ta là Cành Nho của Thân Nho ấy. Giữa Thân và Cành chỉ có một Sự Sống duy nhất. Cành chỉ có thể sống và sinh hoa kết trái khi gắn chặt với Thân Nho. Ðây là mối tương quan Sự Sống, thần linh và ở sâu tận bên trong tâm hồn.

I. LẮNG NGHE VÀ TÌM HIỂU LỜI CHÚA

1. Bài đọc 1: Cv 9, 26 - 31:

Khi Phao-lô đến Giê-ru-sa-lem để tìm cách nhập đoàn với các môn đệ Chúa Giê-su thì Phao-lô gặp phải nỗi e ngại nơi các ông, vì họ còn sợ ông và chưa tin ông là một môn đệ. Trước tình cảnh tế nghị ấy, Bác-na-ba đã đứng ra bảo lãnh và đưa Phao-lô đến gặp các Tông Ðồ và tường thuật chuyện Phao-lô được Chúa hiện ra trên đường cũng như việc Phao-lô mạnh dạn rao giảng nhân danh Ðức Giê-su tại Ða-mát. Nhờ đó mà Phao-lô được các Tồng Ðồ đón nhận và được tự do hoạt động tại Giê-ru-sa-lem. Nhưng vì có nhiều người Do-thái theo văn hóa Hy-lạp tìm cách giết ông, nên Phao-lô được anh em dẫn xuống Xê-da-rê và tiễn về Tác-xô. Còn ở các miền Giu-đê, Ga-li-lê và Sa-ma-ri Hội Thánh được bình an, sống trong kính sợ Chúa và ngày càng thêm đông, nhờ Thánh Thần.

2. Bài đọc 2: 1 Ga 3, 18 - 24:

Thánh Gio-an khuyên nhủ con cái mình hãy yêu thương cách chân thật và bằng việc làm ( không yêu thương đầu môi chót lưỡi ). Ai yêu thương cách chân thật và bằng việc làm thì được an lòng trước mặt Chúa, vì như thế là tuân giữ các điều răn của Chúa. Mà ai tuân giữ điều răn của Chúa thì ở lại trong Thiên Chúa và Thiên Chúa ở lại trong người ấy.

3. Bài Tin Mừng: Ga 15, 1 - 8:

Là những lời khẳng định hết sức ngọt ngào của Ðức Giê-su: "Thầy là cây nho thật và Cha Thầy là người trồng nho. Cành nào gắn liền với Thầy mà không sinh hoa trái, thì Người chặt đi; còn cành nào sinh hoa trái, thì Người cắt tỉa cho nó sinh nhiều hoa trái hơn. Cũng như cành nho không thể tự mình sinh hoa trái, nếu không gắn liền với cây nho, anh em cũng thế, nếu không ở lại trong Thầy.

Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy anh em chẳng làm gì được. Nếu anh em ở lại trong Thầy và lời Thầy ở lại trong anh em, thì muốn gì, anh em cứ xin, anh em sẽ được như ý. Ðiều làm Chúa Cha được tôn vinh là: Anh em sih nhiều hoa trái và trở thành môn đệ của Thầy"

II. ÐÓN NHẬN VÀ SỐNG SỨ ÐIỆÂP CỦA LỜI CHÚA

1. Mối tương quan Sự Sống:
Trước hết mối tương quan giữa Ðức Giê-su Ki-tô và chúng ta là mối tương quan Sự Sống. Không chỉ là sự sống thể lý hoặc tinh thần mà còn là sự sống siêu nhiên, sự sống thần linh. Bởi vì Ðức Giê-su Ki-tô là Thiên Chúa làm người. Nơi Người là Sự Sống của Thiên Chúa. Nên ai kết hợp với Người qua hình ảnh cành nho gắn vào thân nho, thì tiếp nhận được Sự Sống thần linh của Người. Chính vì thế mà chúng ta có thể khẳng định rằng: Thiên Chúa làm người để con người trở thành Chúa.
2. Mối tương quan Tình Yêu:
Kế đến mối tương quan giữa Ðức Giê-su Ki-tô và chúng ta là mối tương quan Tình Yêu. Thật ra vì Thiên Chúa là Tình Yêu nên mọi mối tương quan với Người phải là tương quan Tình yêu và chỉ có thể là tương quan Tình yêu mà thôi. Ðức Giê-su đã hy sinh mạng sống cho những kẻ người yêu, thì những người ấy chỉ có thể đáp trả lại tấm lòng của Người bằng Yêu thương. Yêu Chúa thì muốn nên giống Chúa. Yêu Chúa thì thực thi những điều Chúa dạy. Yêu Chúa thì muốn làm Chúa vui lòng. Yêu Chúa thì cũng yêu những người Chúa yêu. Yêu Chúa thì nên một với Chúa ! Một Tình Yêu trong sáng, rộng mở, đón nhận, làm thăng hoa chính bản thân và mọi thực tại có liên quan.
3. Mối tương quan sinh hoa kết trái:
Sau cùng mối tương quan giữa Ðức Giê-su Ki-tô và chúng ta là mối tương quan sinh hoa kết trái, đem lại ơn ích không chỉ cho chúng ta mà còn cho nhiều người và cho chính Vườn Nho là Vương Quốc của Thiên Chúa. Không chỉ là ơn ích phần xác mà còn là ơn ích phần hồn. Không chỉ là ơn ích ở đời này mà còn là ơn ích cho cuộc sống đời đời của kẻ tin.
Chúng ta tin rằng Thiên Chúa là Ðấng toàn trí, toàn ái và toàn năng, thì chúng ta cũng tin rằng đối với Người không có việc gì là "bất khả thi" ( Pour Lui rien n’est imposible ). Nếu có cản trở hay tình trạng "vô sinh" thì là thuộc phần chúng ta và chúng ta sẽ bị ném vào lửa như cành nho khô vô dụng.
Còn nếu chúng ta sinh hoa kết trái thì Chúa Cha - là người trồng nho vĩ đại - sẽ cắt tỉa, tưới tắm, bón phân, chăm sóc để chúng ta sinh hoa kết trái nhiều hơn nữa, ngon ngọt hơn nữa. Nếu Ðức Giê-su là Ðấng "đi đến đâu thì Người thi ân giáng phúc tới đó" thì chúng ta cũng phải nói được như vậy về mọi Ki-tô hữu. Cách sống hữu dụng của người tín hữu là thước đo, là tiêu chuẩn cho một đời sống gắn bó mật thiết với Chúa. Có nghĩa là càng sống kết hợp với Chúa, người tín hữu càng trở nên hữu ích cho tha nhân, xã hội và thế giới. Ki-tô giáo là Ðạo nhập thể và nhập thế là như vậy.
4. Cách vun trồng các mối tương quan nói trên:

Không có gì tự nhiên mà có, trái lại bất cứ một cái gì cũng là kết quả của tìm kiếm và lao động. Nói cách khác muốn có một cái gì thì chúng ta phải vất vả đầu tư mới có được. Trong lãnh vực tâm linh cũng thế. Nếu chúng ta muốn có được mối tương quan Sự Sống, Tình Yêu và sinh hoa kết trái với Thiên Chúa, với Chúa Giê-su Ki-tô Phục Sinh thì trước hết chúng ta phải biết đón nhận những hồng ân của Người và kế đến là biết cách làm cho các hồng ân ấy sinh lời gấp ba gấp năm trong đời sống hằng ngày của chúng ta.

Về phía Thiên Chúa thì chỉ có một cách hành động: ban phát và ban phát. Về phía chúng ta, thì chúng ta có thể thờ ơ hay nhiệt tình, đón nhận hoặc từ chối hồng ân bao la của Thiên Chúa. Nhiều lần trong Phúc Âm, Ðức Giê-su đã khẳng định là Người đến để cho con người được sống, sống cách dồi dào, phong phú, cao đẹp.

Cũng nhiều lần trong Phúc Âm, Ðức Giê-su thể hiện Người Yêu thương con người cách đại lượng, cao cả, thậm chí điên khùng như thế nào. Và để cho mối tương quan của chúng ta với Ðức Giê-su Ki-tô sinh hoa kết trái xum xuê, Người đã ban tất cả cho chúng ta, giao phó tất cả cho chúng ta. Công việc của chúng ta là chạy đến với Người, sống với Người, ở lại bên và trong Người.

Nói cách khác là chúng ta có biết trân trọng việc tìm kiếm Chúa và sống với Người hay không ? Chúng ta thử hỏi: mỗi ngày tôi tìm kiếm Chúa và sống với Người như thế nào ? bằng những phương thế nào ? trong những khoảng không gian và thời gian nào ? Chúa chiếm tỷ lệ bao nhiêu phầm trăm trong tư tưởng, lời nói và hành động của tôi ?

III. CẦU NGUYỆN

Lạy Thiên Chúa Cha là Nhà Trồng Nho Vĩ Ðại, xin Chúa hãy cắt tỉa, chăm sóc, bón phân cho chúng con để chúng con sinh hoa kết trái thơm ngon cho bản thân, gia đình và xã hội chúng con, cho Vườn Nho của Cha. Biết mình còn rất nhiều trở ngại: yếu đuối, hèn nhát, ham hố, khuyết điểm làm cho Sự Sống và Tình Yêu của Cha bị cản trở trong chúng con, chúng con nài xin Cha dùng sức mạnh của Thánh Thần mà uốn nắn, cắt tỉa chúng con để chúng con nên hoàn hảo hơn, sai trái hơn dưới Bàn Tay chăm sóc của Cha.

Lạy Chúa Giê-su Ki-tô Phục Sinh là Thân Nho mà chúng con là cành. Chúng con chúc tụng ngợi khen cảm tạ Chúa vì Chúa đã cho chúng con được diễm phúc trở thành cành nho của thân nho là chính Chúa. Chúng con chúc tụng ngợi khen cảm tạ Chúa vì Chúa đã ban Sự Sống Thần Linh, dồi dào và mãnh liệt của Chúa cho chúng con, để chúng con sống bằng chính Sự Sống Thần Linh của Chúa.

Lạy Chúa Giê-su Ki-tô Phục Sinh là Thân Nho mà chúng con là cành. Chúng con chúc tụng ngợi khen cảm tạ Chúa vì Chúa đã cho chúng con được diễm phúc trở thành cành nho của thân nho là chính Chúa. Chúng con chúc tụng ngợi khen cảm tạ Chúa vì Chúa đã trao ban Tình Yêu bao la và mãnh liệt của Chúa cho chúng con để chúng con sống bằng chính Tình Yêu thần linh của Chúa.

Lạy Chúa Giê-su Ki-tô Phục Sinh là Thân Nho mà chúng con là cành. Chúng con chúc tụng ngợi khen cảm tạ Chúa vì Chúa đã cho chúng con được diễm phúc trở thành cành nho của thân nho là chính Chúa. Chúng con chúc tụng ngợi khen cảm tạ Chúa vì Chúa đã trao ban Sự Sống và Tình Yêu thần linh của Chúa cho chúng con để chúng con sinh hoa trái Sự Sống, hoa trái Tình Yêu cho chính mình và cho mọi người chung quanh. Xin Chúa làm cho chúng con trở nên người "hữu dụng" cho anh em, cho thế giới và cho Vương Quốc của Chúa.

Gs. Giê-rô-ni-mô NGUYỄN VĂN NỘI

SUY NIỆM 3:

GẮN BÓ MẬT THIẾT VỚI THIÊN CHÚA

1. "Cành nào gắn liền với Thầy mà không sinh hoa trái, thì Người chặt đi"

Ðức Giê-su tự ví mình là cây nho, và những người theo Ngài là những cành nho. Cành nho sống được là nhờ thân nho. Rời thân nho, cành nho sẽ khô héo và bị quăng vào lửa. Tuy nhiên, Ðức Giê-su đưa ra trường hợp này: có những cành nho, tuy gắn liền với cây nho, nhưng lại không sinh hoa trái. Trường hợp này, cành nho sẽ bị chặt khỏi cây nho.

Nói đến trường hợp này, người Ki-tô hữu không khỏi nghĩ về bản thân mình, liệu đó có phải là trường hợp của mình không ? Vì người Ki-tô hữu là người gắn liền với Ðức Giê-su, nhưng quả thật có rất nhiều Ki-tô hữu suốt bao năm trường đã chẳng sinh ra hoa trái nào ! Biết bao Ki-tô hữu theo Ðức Giê-su từ nhỏ tới lớn, thậm chí tới già, nhưng xét cho kỹ và nói cho khách quan, thì họ chẳng tốt hơn người ngoại loại trung bình chút nào ! Nhiều người còn tệ hơn cả những người ngoại loại ấy nữa ! Họ sẵn sàng ăn gian nói dối, đối xử bất công, sống không tình nghĩa, v.v... Tương tự, có biết bao Linh Mục, Tu Sĩ, mang danh theo Chúa hàng chục hay mấy chục năm, nhưng chẳng tốt hơn những giáo dân bình thường bao nhiêu, đôi khi còn tệ hơn !

Sách Khải Huyền nói về hạng người này: "Ta biết các việc ngươi làm: ngươi chẳng lạnh mà cũng chẳng nóng. Phải chi ngươi lạnh hẳn hay nóng hẳn đi! Nhưng vì ngươi hâm hẩm chẳng nóng chẳng lạnh, nên Ta sắp mửa ngươi ra khỏi miệng Ta" ( Kh 3, 15 - 16 ).

Trường hợp này rất có thể đúng cho tôi, cho bạn. Vì thế, mỗi người chúng ta cần phải tự vấn mình trước mặt Chúa, để sửa đổi trước khi quá muộn. Chúa vẫn luôn chờ đợi chúng ta sửa đổi, để Ngài khỏi phải ra tay! "Ta không muốn kẻ gian ác phải chết, nhưng muốn nó ăn năn sám hối và được sống" ( Ed 18, 23; 33, 11; x. 33, 19 ).

2. "Cành nào sinh hoa trái, thì Người cắt tỉa cho nó sinh nhiều hoa trái hơn"

Người làm vườn giỏi biết chăm sóc cây thì biết cắt tỉa cành để nó sinh nhiều hoa trái hơn. Nếu người Ki-tô hữu là cành nho, Ðức Giê-su là cây nho, Thiên Chúa Cha là người trồng nho, thì ắt nhiên Chúa Cha sẽ phải "tỉa cành" để người Ki-tô hữu "sinh nhiều hoa trái" hơn. Người Ki-tô hữu "sinh nhiều hoa trái» là người có nhiều tiến bộ về mặt tâm linh ( mến Chúa yêu người ngày càng nhiều hơn ). Và Chúa Cha "tỉa cành" là giúp người Ki-tô hữu bỏ bớt những bận tâm vô ích để có thể tập trung năng lực vào việc tiến bộ tâm linh. Ngài có thể làm điều ấy bằng cách làm cho người Ki-tô hữu ấy bị thiệt thòi mất mát về vật chất, thể chất, cũng như tinh thần, hoặc cho người ấy trải qua những đau khổ thử thách. Vì những đau khổ thử thách có khả năng thánh hóa rất hữu hiệu.

Chính Ðức Giê-su, thánh thiện như vậy mà cũng được Chúa Cha "tỉa cành" cho Ngài. Thánh Phao-lô nói về điều ấy: "Thiên Chúa ( ... ) đã làm một việc thích đáng, là cho Ðức Giê-su trải qua gian khổ mà trở thành vị lãnh đạo thập toàn dẫn đưa mọi người tới nguồn ơn cứu độ" ( Dt 2, 10 ). Như vậy, theo Thánh Phao-lô, nhờ chịu gian khổ mà Ðức Giê-su trở nên một người lãnh đạo hoàn hảo. Tin Mừng cũng nói: "Nào Ðấng Ki-tô lại chẳng phải chịu khổ hình như thế, rồi mới vào trong vinh quang của Người sao ?" ( Lc 24, 26 ).

Còn chúng ta, Thiên Chúa cũng mời gọi chúng ta chia sẻ đau khổ với Ðức Giê-su, để cùng tham dự vào vinh quang và hạnh phúc của Ngài: "Một khi cùng chịu đau khổ với Người, chúng ta sẽ cùng được hưởng vinh quang với Người" ( Rm 8, 17 ). "Ðược chia sẻ những đau khổ của Ðức Ki-tô bao nhiêu, anh em hãy vui mừng bấy nhiêu, để khi vinh quang Người tỏ hiện, anh em cùng được vui mừng hoan hỷ" ( 1 Pr 4, 13 ). "Phần anh em là những kẻ phải chịu khổ ít lâu, chính Thiên Chúa sẽ cho anh em được nên hoàn thiện, vững vàng, mạnh mẽ và kiên cường" ( 1 Pr 5, 10 ).

Ðọc hạnh các thánh ta thấy hầu như vị thánh nào  cũng đều có kinh nghiệm được Thiên Chúa thánh hóa bằng đau khổ. Chẳng hạn, Thánh Tê-rê-xa Avila đã bị Thiên Chúa thử thách bằng biết bao đau khổ, đến độ thánh nhân phải kêu lên: "Chúa đối xử với bạn bè Chúa như vậy, hèn chi Chúa ít bạn là phải !"  "Chúa ít bạn là phải !" vì nhiều người dù biết rằng đau khổ có tác dụng thánh hóa bản thân, nhưng vẫn sợ và tránh né đau khổ: nếu phải đau khổ mới nên thánh thì thôi, thà đừng nên thánh! Nghĩ  như thế thật là nông cạn, vì nên thánh, nên hoàn hảo là điều rất quí giá: những đau khổ ta phải chịu chẳng là gì cả so với vinh quang và hạnh phúc ta được nhờ sự hoàn hảo thánh thiện, và sự thánh thiện hoàn hảo này ta đạt được là nhờ đau khổ.

Thánh Phao-lô viết: "Những đau khổ chúng ta chịu bây giờ sánh sao được với vinh quang mà Thiên Chúa sẽ mặc khải nơi chúng ta !" ( Rm 8,18 ). Thánh Phê-rô cũng khuyên ta đừng sợ hãi đau khổ: "Nếu anh em chịu khổ vì sống công chính, thì anh em  thật có phúc! Ðừng sợ những kẻ làm hại anh em và đừng xao xuyến" ( 1 Pr 3, 14 ). Vua Ða-vít cũng nhận ra ích lợi của đau khổ đối với sự thánh thiện: "Ðau khổ quả là điều hữu ích, để giúp con học biết thánh chỉ Ngài" ( Tv 119, 71 ).

Người tốt chấp nhận đau khổ vì đau khổ Chúa gửi đến cho mình chẳng những làm cho mình nên công chính, mà còn làm cho những người khác nên thánh thiện nữa: "Vì đã nếm mùi đau khổ, người công chính, tôi trung của Ta, sẽ làm cho muôn người nên công chính và sẽ gánh được tội lỗi của họ" ( Is 53, 11 ). Như vậy, tự nguyện chấp nhận đau khổ ( chịu đau đớn, cực hình, chịu thiệt thòi, mất tiền, mất thì giờ, mất sức khỏe, bị nghi ngờ, hàm oan... ) vì tha nhân là một hành vi bác ái, là một phương tiện thực hiện yêu thương. Vì nhờ ta chấp nhận đau khổ mà nhiều người nên công chính và được hạnh phúc. Vì thế, người có lòng yêu thương thật sự sẽ sẵn sàng lợi dụng đau khổ của mình để làm lợi cho người khác.

3. "Gắn liền với" hay "ở lại trong" Ðức Giê-su là gì ?

Trong bài Tin Mừng, Ðức Giê-su dùng nhiều lần hai từ ngữ "ở lại trong""gắn liền với» Ngài, và coi đó như điều kiện cần thiết để "sinh hoa trái" hay "sinh nhiều hoa trái". Chẳng hạn câu: "Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em. Cũng như cành nho không thể tự mình sinh hoa trái, nếu không gắn liền với cây nho, anh em cũng thế, nếu không ở lại trong Thầy". Hai từ ngữ ấy có nghĩa gì ? Chúng ta đã thật sự "ở lại trong""gắn liền với" Ðức Giê-su chưa ? - Thực ra, ai là người Ki-tô hữu thì cũng, một cách nào đó, "ở lại trong""gắn liền với" Ðức Giê-su. Nhưng phải nói rằng tình trạng ấy có nhiều mức độ khác nhau, từ hời hợt bên ngoài đến thâm sâu bên trong.

Thật vậy, nhiều người mang danh Ki-tô hữu, nhưng chẳng có tinh thần Ki-tô hữu bao nhiêu. Họ là những người Ki-tô hữu "hữu danh vô thực". Thánh Phao-lô có nói về một tình trạng tương tự như vậy trong Do-thái Giáo ( x. Rm 2, 17 - 23 ). Có nhiều Ki-tô hữu có vẻ rất ngoan đạo, đi lễ và rước lễ hằng ngày, có vẻ rất hăng hái trong những việc liên quan đến nhà thờ, hội đoàn, công tác tông đồ. Nhưng đời sống của họ lại chẳng toát lên được tinh thần Ki-tô Giáo, là chân thật, công bằng, yêu thương, thông cảm, tha thứ.

Tình trạng "ở lại trong""gắn liền với" Ðức Giê-su phải được thể hiện trong ba phạm vi:

·               ý thức: luôn luôn ý thức Ðức Giê-su ở với mình, ở trong mình. Ngài là tình yêu và sức mạnh của mình. Ngài vô cùng quyền năng, nên với Ngài ta có thể làm được mọi sự. Luôn luôn ý thức Ngài yêu thương mình, nên hoàn toàn tin tưởng và phó thác mọi sự cho tình yêu của Ngài. Nhờ đó, ta luôn luôn bình an, không phải lo lắng gì cho bản thân mình: "Chúa khoan nhân là mục tử tôi, tôi không còn thiếu gì, tôi không còn e sợ nỗi gì..." ( Tv 23 ). Ý thức này phải trở thành một tâm trạng thường hằng của ta.

·  tình cảm: luôn luôn yêu mến Ngài, hướng về Ngài, lấy Ngài là lẽ sống cho cuộc đời mình. Vì thế, dấn thân hết mình cho Ngài, cho Nước Ngài, cho kế hoạch cứu độ của Ngài, một cách quảng đại, không so đo tính toán. Ngoài ra, tình yêu của ta đối với Ngài phải được thể hiện cụ thể nơi những hiện thân của Ngài, là tha nhân chung quanh ta, đặc biệt những người gần gũi ta nhất ( cha mẹ, vợ con, anh chị em, bạn bè...)

·  hành động: luôn luôn làm theo ý muốn của Ngài, theo sự đòi hỏi của tình yêu trong lòng mình. Ý muốn của Ngài được thể hiện qua lời Ngài, qua luật yêu thương của Ngài, qua tiếng lương tâm, qua những biến cố hay hoàn cảnh xảy ra trong đời, đặc biệt những nghịch cảnh.

Khi luôn luôn "gắn liền với" hay "ở lại trong" Ngài, ta sẽ nhận được sức sống, sức mạnh của Ngài, và đời ta sẽ trở thành một cuộc đời tươi đẹp, ý nghĩa, chẳng những đầy sức mạnh, an vui, hạnh phúc mà còn là nguồn sức mạnh, nguồn an vui hạnh phúc cho mọi người nữa.

Lạy Cha, Cha là nguồn sống, nguồn sức mạnh, nguồn tình yêu của muôn loài vạn vật. Con muốn kết hiệp với Cha để nhận được sự sống, sức mạnh và tình yêu hầu sống một cuộc sống tươi đẹp, ích lợi, đồng thời để những ai tiếp xúc với con cũng nhận được sự sống, sức mạnh và tình yêu của Cha từ nơi con. Xin hãy giúp con gắn bó mật thiết với Cha.

Gs. NGUYỄN CHÍNH KẾT

CHỨNG TÁ:

CHÂN PHƯỚC DAMIEN

-   Tên khai sinh: JOSEP DE VEUSTER

-   Sinh: ở Tremelo, Belgique, ngày 3.1.1840

-   1859: gia nhập Dòng Sacrés-Coeurs ( gọi là Picpus )

-   1863: được sai đi Hawai. 1864: thụ phong Linh Mục ở Honolulu

-   10.05.1873: đến trại phong Molokai, và ở đó cho tới khoảng cuối năm 1884 thì ngài phát hiện mình bị lây bệnh khi chăm sóc các bệnh nhân cùi.

-   Về với Chúa: 15.4.1889 ở Molokai ( Hawai )

-   Ðược Ðức Gio-an Phao-lô 2 phong CHÂN PHƯỚC ngày 4.6.1995 tại Bruxelles, Bỉ

-   Lễ kính: ngày 10 tháng 5 hàng năm.

JOSEPH DE VEUSTER sinh trong một gia đình người Bỉ nói tiếng Flamand, tại làng Tremelo, năm 1840. Song thân ngài vừa là nông dân, vừa làm nghề buôn bán. Ngài là con thứ bảy trong 8 người con, mà sau này có bốn người đi tu. Ngài theo chân một trong các anh của ngài vào Dòng Thánh Tâm Chúa Giê-su và Mẹ Ma-ri-a ( Les Sacrés Coeurs de Jésus et de Marie ) và lấy tên là DAMIEN.

Ngài có lòng yêu mến tôn thờ Thánh Thể và tôn sùng Ðức Trinh Nữ Ma-ri-a. Với ngài, truyền giáo chính là làm cho mọi người biết và yêu mến Chúa Giê-su Tình Yêu. Từ nhiệt tâm truyền giáo, vị Tu Sĩ trẻ đã gửi thỉnh nguyện trực tiếp tới Bề Trên Tổng Quyền và nhận được phép đi đến một Ðiểm Truyền Giáo mới lập ở Hawai, thay cho anh ngài bị bệnh. Ngài không chờ thụ phong Linh Mục, mà lên đường ngay.

Ở Honolulu, chính quyền tập trung tất cả những bệnh nhân phong ở đảo Molokai và Cha Damien ( thụ phong Linh Mục năm 1864 ) được chọn giữa những người tình nguyện khác để bảo đảm sự hiện diện của Linh Mục trong hoả ngục tuyệt vọng và khốn khổ ấy, như "một nhà tù lộ thiên" ( Thời đó, người ta vẫn nghĩ bệnh cùi dễ lây và phải cách ly các bệnh nhân ). Ngài không chịu nổi cảnh đau khổ của các bệnh nhân. Ngài tổ chức đời sống đạo đức, xã hội và huynh đệ trong hòn đảo bị xã hội khai trừ này. Ngài xây dựng một bệnh viện phong, một trường học và một Nhà Thờ. Dần dần, khắp nơi biết đến và gửi cho ngài nhiều hỗ trợ vật chất. Một mình ở giữa các bệnh nhân phong, ngài đau khổ vì không thể xưng tội. Ngài liên đới với các bệnh nhân phong ( mà ngài thích xưng là: "NHỮNG NGƯỜI CÙI CHÚNG TÔI" ) và mặc dầu đã cẩn thận phòng ngừa, đến lượt ngài cũng bị lây bệnh phong.

Ngài mất vào ngày thứ 2 Tuần Thánh, 15.4.1889, trong khi ngài những ước ao có thể chết vào ngày mừng Chúa Sống Lại. Ngài rất nổi tiếng ở Châu Âu và ở Mỹ. Ngay Mahatma Gandhi cũng rất ngạc nhiên và thán phục tinh thần yêu mến và xả thân của ngài cho người phong cùi. Ngài được Ðức Thánh Cha Gio-an Phao-lô 2 tuyên phong Chân Phước ngày 4 tháng 6 tại Bruxelles, Bỉ và thi hài của ngài được mai táng ở Cung Thánh Thánh Ðường Les Sacrés Coeurs ở Louvain, Bỉ. Ngài xứng đáng được gọi là "TÔNG ÐỒ CỦA NGƯỜI CÙI".

Trích TRANG LIÊN LẠC CVK số 33, Gs. NGUYỄN THẾ BÀI

CÂU TRUYỆN:
LOÀI CỪU KHÔNG THỂ SỐNG NẾU KHÔNG CÓ CHÚA

Trong một cuộc mít-tinh tại Nga, một diễn giả theo chủ nghĩa duy vật vô thần đã thao thao diễn thuyết cho rằng không có Thiên Chúa, sự sống tự nhiên mà có và phát triển bằng cách "tuyển chọn" và "đào thải" tự nhiên. Trong cuộc chiến đấu sinh tồn này, sinh vật nào mau và mạnh thì thắng, còn những sinh vật nào chậm và yếu thì sẽ bị tiêu diệt.

Thình lình một tín hữu Công Giáo nêu lên câu hỏi: "Nếu vậy, thì tại sao con cừu không bị tuyệt diệt mà vẫn sống còn cho đến bây giờ ? Tại sao chó sói không diệt hết được chúng ? Chó sói có thể sinh một lúc năm sáu sói con, trong khi cừu chỉ có thể sinh từng con một. Sói lại có răng nhọn, móng vuốt, có sức mạnh và nhanh nhẹn, còn cừu thì không có gì hết để tự vệ. Vậy tại sao cừu vẫn sống còn ?"

Diễn giả bị hỏi bất ngờ, lúng túng không biết phải trả lời làm sao, thì người kia vừa hỏi vừa giải thích: "Vậy xin hỏi: Ai đã bảo vệ những con cừu yếu ớt này ? Con người có thể giải thích nhiều sự kiện mà không cần gì đến Thượng Ðế, nhưng loài cừu không thể sống, nếu không có Thượng Ðế. Và nếu không có Thượng Ðế, thì những con chiên đáng thương của Chúa Giê-su càng khó sống hơn nữa kể từ khi Hội Thánh của Ngài được thiết lập trên thế giới này và luôn bị ngược đãi tàn bạo..."

Trích NỐI LỬA CHO ÐỜI số 8

THÔNG TIN:
NHỮNG KHOẢN TIỀN VÀ VẬT PHẨM ÂN NHÂN MỚI CHIA SẺ

- Một Linh Mục ẩn danh ( Sài-gòn ) giúp người nghèo . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . 1.500.000 VND

- Ca đoàn Việt Linh ( Hoa Kỳ ) qua bạn MK Bích Sơn, giúp bệnh nhân phong . . . . . . . . . . . . . . . . 200 USD

- Nhóm xe lăn Berlin ( Ðức ) giúp người nghèo . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . 100 EUROS

- Nhóm Association Compassion ( Pháp ) giúp người nghèo . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .  50 EUROS

- Cô Thu Hiền ( Hoa Kỳ ) giúp bệnh nhân phong . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . 500 USD

NHỮNG KHOẢN TRỠ GIÚP ÐỘT XUẤT HOẶC GỬI TẶNG ÐÍCH DANH

- Giúp tiền chữa bệnh cho một cụ già nghèo ( Phan Thiết ) . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . 300.000 VND

- Giúp tiền chữa bệnh bao tử và cột sống cho một bệnh nhân nghèo ( Sài-gòn ) . . . . . . . . . . . . . . . 170.000 VND

- Giúp tiền chữa bệnh xung huyết hoành tá tràng cho cô Mai Kim Hà khuyết tật ( Sài-gòn ) . . . . .  400.000 VND

- Bà Tố Hà ( Giáo Xứ Bàn Cờ, Sài-gòn ) giúp cô Nguyễn Ngọc Diễm khuyết tật ( Sài-gòn ) . . . . .  1 máy thêu

- Giúp người khiếm thị ở Bàu Sen, Cà Mau ( qua cha Nam ) . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . 5 cây gậy người khiếm thị

HỌC BỔNG CHO GIÁO XỨ NAM THIÊN, BUÔN MA THUỘT

Gospelnet số 115 xin tiếp tục trợ giúp tháng 4.2003 cho 26 em học sinh nghèo, trong đó có 20 người dân tộc Ê-đê và 6 em người Kinh cũng có hoàn cảnh hết sức khó khăn tại Giáo Xứ Nam Thiên, Giáo Phận Buôn Mê Thuột, do Sr. Nguyễn Thị Ðức, Dòng Nữ Vương Hòa Bình, đang phục vụ. Tổng cộng: 26 em x 50.000 VND = 1.300.000 VND.

HỌC BỔNG CÁC EM CON CÁI BỆNH NHÂN PHONG Ở GIÁO PHẬN BẮC NINH

Gospelnet 115 tiếp tục trợ giúp học bổng cho 20 em con cái các bệnh nhân phong ở Phú Bình các tháng 5 và 6.2003, tổng cộng: 2.000.000 VND, và học bổng cho 26 em con cái các bệnh nhân phong ở Sóc Sơn các tháng 4, 5 và 6.2003, tổng cộng: 3.900.000 VND, tất cả hai khoản là 5.900.000 VND, số tiền do cô Thu Hiền ( Hoa Kỳ ) chia sẻ qua cha Bùi Thông Giao, DCCT Sài-gòn. Xin nhờ cô Nguyễn Thị Tình, Tu Hội Con Ðức Mẹ Hiệp Nhất, Giáo Phận Bắc Ninh, phân phối đến tận tay các em.

HỌC BỔNG CHO 23 EM GIÁO XỨ TRẠI LÊ, TỈNH HÀ TĨNH

Cha Nguyễn Văn Vinh, Giáo Xứ Trại Lê, thuộc Giáo Phận Vinh, và thầy Ðậu Xuân Toàn, DCCT, giới thiệu danh sách 23 em học sinh, một số bị mồ côi cha hoặc mẹ, gia đình có hoàn cảnh rất nghèo, nhưng lại có chí học hành. Các em đã được cha xứ cùng với Ban Tình Thương của Giáo Xứ họp tuyển chọn để giới thiệu. Gospelnet số 107 xin trợ giúp cho các em bắt đầu từ tháng 4.2003, nay, Gospelnet số 115 tiếp tục trợ giúp tháng 5.2003, tổng cộng: 23 em x 50.000 VND = 1.150.000 VND ( không có cho 3 tháng hè ).

HỌC BỔNG CHO 20 EM NGHÈO HỌC GIỎI GIÁO XỨ KẺ DỪA, NGHỆ AN

Cha Ðinh Công Ðoàn, Giáo Xứ Kẻ Dừa, Giáo Phận Vinh, thuộc tỉnh Nghệ An, giới thiệu 20 em có học lực giỏi, nhưng hoàn cảnh gia đình quá túng thiếu, đặc biệt trong những tháng cuối năm học này. Gospelnet đã trợ giúp được tháng 4.2003, nay Gospelnet số 115 xin tiếp tục trợ giúp tháng 5.2003 cho các em, tổng cộng: 20 em x 50.000 VND = 1.000.000 VND ( không có cho 3 tháng hè ). Xin kinh nhờ Sr. Hải Ðường, Dòng Mến Thánh Giá Vinh chuyển đến cha Ðoàn để phân phối đến gia đình của các em.

HỌC BỔNG CHO 4 EM KHUYẾT TẬT NGHÈO Ở XUÂN LỘC

Cha FX. Ðinh Huỳnh Phùng, quản nhiệm Giáo Họ Kim Long, Giáo Hạt Bình Giả, huyện Châu Ðức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, thuộc Giáo Phận Xuân Lộc, giới thiệu trường hợp 4 em học sinh nghèo và khuyết tật. Gospelnet đã trợ giúp mỗi em 50.000 VND một tháng, từ tháng 9.2002 đến tháng 4.2003, nay Gospelnet số 115 xin tiếp tục trợ giúp ba tháng 5, 6 và 7.2003, tổng cộng: 600.000 VND ( vì các em là trẻ khuyết tật nghèo nên vẫn tiếp tục giúp trong các tháng hè ). Xin nhờ bạn Hoàng Văn Thọ chuyển tiền giúp về cho cha Phùng.

                1. TRẦN THỊ TRANG, sinh 1991, lớp 1, suy dinh dưỡng và gù lưng, gia đình rất nghèo.

                2. TRẦN VĂN SƠN, sinh 1991, lớp 5, teo cơ hai chân, gia đình rất nghèo, đi làm mướn.

                3. LÊ THỊ THU SƯƠNG, sinh 1988, lớp 7, bại liệt một chân từ lúc 9 tháng tuổi, gia đình rất nghèo.

                4. PHẠM THỊ MINH THẢO, sinh 1984, lớp 7, bại liệt từ lúc 5 tuổi, gia đình rất nghèo.

TRỠ GIÚP XE LĂN CHO MỘT NGƯỜI KHUYẾT TẬT Ở SÀI-GÒN

Cha Lê Quang Uy DCCT, giới thiệu trường hợp chị ÐINH NGỌC LAN, sinh ngày 8.2.1966, ngụ tại số 9 / 13 / 3 đường Khai Trí, phường 6, quận Tân Bình, thuộc Giáo Xứ Vinh-sơn, hạt Chí Hòa, Tổng Giáo Phận Sài-gòn. Hoàn cảnh gia đình chị rất nghèo. Chị Lan bị sốt bại liệt thoái vị màng tủy từ bé. Chị rất mong ước có được một chiếc xe lăn để không phải nằm một chỗ, có thể đi lại phụ giúp trong nhà, đỡ gánh nặng chăm sóc cho cha mẹ, và có thể mưu sinh tăng thêm một chút thu nhập cho gia đình. Gospelnet xin trợ giúp chị Lan một chiếc xe lăn mới nguyên của Nhật-bản, trị giá 900.000 VND.

TRỠ GIÚP XE LẮC CHO MỘT EM DÂN TỘC BỊ KHUYẾT TẬT Ở LÂM ÐỒNG

Cha Lê Quang Uy DCCT, giới thiệu trường hợp em KA LÊVI, sinh 1987, người dân tộc KơHo, mẹ là bà Ka Ðôn, ngụ tại khu 5, buôn Xê-Xàng, thị trấn Lộc Thắng, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Ðồng. Em Lêvi bị sốt bại liệt từ năm lên 2 tuổi, hai chân đều teo cơ, gần đây em lại bị nhiễm trùng đến nỗi phải tháo khớp bàn chân phải, không thể đi lại được. Trong gia đình em còn người anh là Ka Macos cũng bị khuyết tật, Gospelnet đã giúp một chiếc xe lắc để em Macos có thể đi học, nay cũng xin trợ giúp cho em Lêvi một chiếc xe lắc mới nguyên, trị giá 1.500.000 VND, để em có phương tiện đi làm thuê phụ với mẹ lo cho người anh được đi học.

HỌC BỔNG CHO 30 EM GIÁO XỨ PHÙ MỸ, QUY NHƠN

Cha Ðinh Duy Toàn, Giáo Xứ Phù Mỹ, Giáo Phận Quy Nhơn, giới thiệu danh sách 30 em học sinh có hoàn cảnh gia đình hết sức nghèo, hiện cư ngụ trong địa bàn của Giáo Xứ. Gospelnet số 116 xin tiếp tục trợ giúp tháng 5.2003, tổng cộng: 1.500.000 VND ( không có cho 3 tháng hè ).

HỌC BỔNG CHO 20 EM NGHÈO HỌC GIỎI Ở QUỲNH LƯU, NGHỆ AN

Cha Phao-lô Nguyễn Minh Trí, Quản Hạt Thuận Nghĩa, Giáo Phận Vinh, giới thiệu một danh sách 20 em học sinh ngụ tại huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, có học lực giỏi nhưng hoàn cảnh gia đình lại quá nghèo. Gospelnet số 107 đã bắt đầu từ tháng 4, nay Gospelnet số 116 xin tiếp tục cho tháng 5.2003, tổng cộng: 1.000.000 VND ( không có cho 3 tháng hè ). Xin kinh nhờ Sr. Hải Ðường, Dòng Mến Thánh Giá Vinh chuyển đến cha Trí để phân phối đến gia đình của các em.