GOSPELNET

 

 

 

 

 

Text Box: NĂM THỨ BA, SỐ 114
CHÚA NHẬT 11.5.2003
 

 

 

 


CHÚA NHẬT 4 PHỤC SINH - CHÚA CHIÊN LÀNH

TIN MỪNG: Ga 10, 11 - 18

 

"Tôi chính là Mục Tử Nhân Lành. Mục Tử Nhân Lành hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên. Người làm thuê, vì không phải là mục tử, và vì chiên không thuộc về anh, nên khi thấy sói đến, anh bỏ chiên mà chạy. Sói vồ lấy chiên và làm cho chiên tán loạn, vì anh ta là kẻ làm thuê và không thiết gì đến chiên. Tôi chính là Mục Tử Nhân Lành. Tôi biết chiên của tôi và chiên của tôi biết tôi, như Chúa Cha biết tôi và tôi biết Chúa Cha, và tôi hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên. Tôi còn có những chiên khác không thuộc ràn này. Tôi cũng phải đưa chúng về. Chúng sẽ nghe tiếng tôi. Và sẽ chỉ có một đoàn chiên và một mục tử. Sở dĩ Chúa Cha Yêu mến tôi, là vì tôi hy sinh mạng sống mình để rồi lấy lại. Mạng sống của tôi, không ai lấy đi được, nhưng chính tôi tự ý hy sinh mạng sống mình. Tôi có quyền hy sinh và có quyền lấy lại mạng sống ấy. Ðó là mệnh lệnh của Cha tôi mà tôi đã nhận được".

 

SUY NIỆM 1:

NGƯỜI MỤC TỬ NHÂN LÀNH HÔM NAY

1.    Mục tử tốt và xấu trong xã hội và Giáo Hội

Xã hội nào cũng đều có tổ chức, cơ cấu, trong đó luôn luôn có những người lãnh đạo, điều khiển. Trong các tôn giáo cũng thế. Trong lịch sử Do-thái, những người lãnh đạo dân chúng được gọi là mục tử ( x. Gr 10, 21; Ed 37, 23 - 24 ): chẳng hạn như vua Sa-un, vua Ða-vít. Ki-tô Giáo, vốn tiếp nối truyền thống Do-thái, cũng gọi những người lãnh đạo trong Giáo Hội ( như Linh Mục, Mục Sư, Giám Mục, Hồng Y, Giáo Hoàng ) là Mục Tử. Những Mục Tử hay những người lãnh đạo ấy thường được xã hội hay tôn giáo tạo cho những điều kiện thuận lợi và trao cho những phương tiện hữu hiệu để có thể thi hành hữu hiệu công việc lãnh đạo đó: chẳng hạn địa vị, chức vụ, quyền bính, tiền bạc, tiếng nói... Những điều kiện và phương tiện này là một thứ dao hai lưỡi. Nó có thể giúp các mục tử hay các nhà lãnh đạo phục vụ dân chúng hay các tín hữu hữu hiệu hơn. Nhưng nó có thể làm tha hóa, biến chất các mục tử khi sử dụng nó. Và nó cũng có thể bị những kẻ lắm tham vọng tìm cách đạt tới để lợi dụng nó, để phục vụ cho những tham vọng hay lợi ích cá nhân của mình, của gia đình hay phe nhóm mình.

Như vậy, chiếu theo thái độ đối với những điều kiện và phương tiện mà xã hội hay tôn giáo dành cho những người lãnh đạo hay mục tử, ta có thể có 2 loại mục tử tương ứng:

Mục tử tốt: là những người lãnh đạo thật sự có ý hướng phục vụ dân chúng hay các tín hữu, chứ không nhằm lợi ích cho riêng mình. Họ sử dụng những điều kiện hay phương tiện xã hội hay Giáo Hội trao cho hoàn toàn để phục vụ tha nhân và công ích.

Mục tử xấu: là những người lãnh đạo không nhắm phục vụ dân chúng, mà nhắm đạt được những điều kiện và phương tiện thuận lợi kia để hưởng thụ hoặc chỉ để thăng tiến bản thân, thỏa mãn những tham vọng riêng tư.

Loại sau này còn bao gồm những mục tử bị tha hóa, là những người lãnh đạo khởi đầu có ý hướng tốt, nhưng khi tiếp xúc hay sử dụng những điều kiện hay phương tiện xã hội trao cho, thì bị chúng hấp dẫn, mê hoặc và làm cho biến chất, để cuối cùng trở thành những mục tử xấu.

2.             Mục tử tốt và xấu trong bài Tin Mừng và trong Thánh Kinh

Trong bài Tin Mừng hôm nay ( Ga 10, 11 - 18 ), Ðức Giê-su mô tả và đối chiếu hai loại mục tử ấy: một loại được gọi là Mục Tử Nhân Lành, còn loại kia là kẻ chăn chiên thuê.

Mục Tử Nhân Lành thì: "hy sinh mạng sống mình cho đàn chiên", "tôi biết chiên của tôi, và chiên của tôi biết tôi... chúng sẽ nghe tiếng tôi". Ngài tự nhận mình chính là mục tử loại này. Trong Thánh Kinh có rất nhiều câu mô tả những đức tính tốt của những Mục Tử Nhân Lành, mà chính Thiên Chúa là mô hình gương mẫu nhất:

- Yêu thương, trìu mến chiên với tất cả tâm hồn: "Chúa tập trung cả đàn chiên dưới cánh tay: lũ chiên con, Người ấp ủ vào lòng, bầy chiên mẹ, cũng tận tình dẫn dắt" ( Is 40, 11 ).

- Yêu quý từng con chiên, một con cũng như cả trăm con: "Ai có một trăm con chiên mà có một con đi lạc, lại không để chín mươi chín con kia trên núi mà đi tìm con chiên lạc sao ? Và nếu may mà tìm được, người ấy vui mừng vì con chiên đó, hơn là vì chín mươi chín con không bị lạc" ( Mt 18, 12-13 ).

- Lo cho chiên, tạo những điều kiện tốt đẹp cho chiên: "Ta sẽ chăn dắt chúng trong đồng cỏ tốt tươi và chuồng của chúng sẽ ở trên các núi cao. Tại đó chúng sẽ nằm nghỉ trong chuồng êm ái, sẽ đi ăn trong những đồng cỏ mầu mỡ" ( Ed 34, 14 ).

- Làm cho chiên được sống no ấm, hạnh phúc: "Chúa chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì" ( Tv 23, 1 ); làm chiên luôn vững dạ vì được bảo vệ: "Dầu qua lũng âm u con sợ gì nguy khốn, vì có Chúa ở cùng. Côn trượng Ngài bảo vệ, con vững dạ an tâm" ( 23, 4 ).

- Tinh thần trách nhiệm đối với đàn chiên rất cao: "Con nào bị mất, Ta sẽ đi tìm; con nào đi lạc, Ta sẽ đưa về; con nào bị thương, Ta sẽ băng bó; con nào bệnh tật, Ta sẽ làm cho mạnh; con nào béo mập, con nào khoẻ mạnh, Ta sẽ canh chừng" ( Ed 34, 16 ).

- Cứu thoát, giải phóng đàn chiên: "Thiên Chúa sẽ cứu thoát dân Người, như mục tử cứu thoát đàn chiên" ( Dc 9, 16 ).

Tóm lại, người Mục Tử tốt thật sự yêu thương đàn chiên, sẵn sàng hy sinh cho sự an nguy và hạnh phúc của đàn chiên. Thậm chí như Ðức Giê-su, người Mục Tử tuyệt vời nhất, sẵn sàng hy sinh cả mạng sống mình: coi sự sống còn của đàn chiên quý hơn cả sự sống mình.

Kẻ chăn chiên thueâ hay mục tử xấu thì: "không thiết gì đến chiên", "khi thấy sói đến liền bỏ chiên mà chạy: sói vồ lấy chiên và làm cho chiên tán loạn". Thánh Kinh cũng có nhiều câu mô tả hạng mục tử này với những đặc tính:

- Vô trách nhiệm: "Con chiên nào mất, nó chẳng quan tâm; con thất lạc, nó chẳng đi tìm; con bị thương, nó không chạy chữa; con mạnh khoẻ, nó chẳng dưỡng nuôi" ( Dc 11, 16a ); "Chiên đau yếu, các ngươi không làm cho mạnh; chiên bệnh tật, các ngươi không chữa cho lành; chiên bị thương, các ngươi không băng bó; chiên đi lạc, các ngươi không đưa về; chiên bị mất, các ngươi không chịu đi tìm" ( Ed 34, 4 )

- Chỉ nghĩ tới hưởng thụ, sẵn sàng bóc lột: "Sữa các ngươi uống, len các ngươi mặc, chiên béo tốt thì các ngươi giết, mà đàn chiên lại không lo chăn dắt" ( Ed 34, 3 ). Thậm chí bóc lột đến tận xương tủy: «Con nào béo thì chúng ăn thịt, rồi lóc luôn cả móng" ( Dc 11, 16b )

- Ích kỷ, vụ lợi, đầy tham vọng: "Chúng là lũ chó đói, ăn chẳng biết no. Thế mà chúng lại là mục tử ! Cả bọn, chẳng trừ ai, chỉ mưu tìm lợi lộc cho riêng mình" ( Is 56, 11 ).

- Tàn bạo, độc ác: "Các ngươi thống trị chúng một cách tàn bạo và hà khắc" ( Ed 34, 3 ); "Các ngươi đã xua đuổi và chẳng lưu tâm gì đến chúng" ( Gr 23, 2b ).

- Tác hại vô cùng đến đàn chiên: "Các ngươi đã làm cho đàn chiên của Ta phải tan tác" ( Gr 23, 2 ).

Tóm lại, mục tử xấu coi đàn chiên chỉ là phương tiện, bắt chúng phải hy sinh phục vụ cho lợi ích riêng tư của mình, không một chút tình thương đối với chúng. Nhưng kết cục của hạng mục tử này rất bi thảm: "Khốn cho mục tử vô tích sự đã bỏ mặc đàn chiên. Gươm sẽ chặt đứt tay nó, sẽ chọc mắt phải của nó. Cánh tay của nó sẽ khô đét, và mắt phải của nó sẽ mù loà" ( Dc 11, 17 ); "Khốn thay những mục tử làm cho đàn chiên Ta chăn dắt phải thất lạc và tan tác (...) các ngươi đã xua đuổi và chẳng lưu tâm gì đến chúng. Này Ta sẽ để ý đến các hành vi gian ác của các ngươi mà trừng phạt các ngươi. Ðó là sấm ngôn của Ðức Chúa" ( Gr 23, 1 - 2 ).

3.   Hãy trở nên những Mục Tử Nhân Lành

Trong bài Tin Mừng, Ðức Giê-su tự xưng mình là Mục Tử Nhân Lành, luôn yêu thương đàn chiên và sẵn sàng hy sinh mạng sống mình vì đàn chiên. Khi tự xưng như thế không phải để chúng ta nể phục cho bằng để chúng ta bắt chước, noi gương Ngài trong công việc "mục tử" của chúng ta. Chúng ta thường giới hạn ý nghĩa của từ "mục tử" này, đến nỗi chỉ áp dụng nó cho những người lãnh đạo tôn giáo. Thật ra, tất cả những ai đảm trách việc lãnh đạo, từ một gia đình đến một phường, một tỉnh, hay một quốc gia, từ một hội đoàn, một Xứ Ðạo, đến một Giáo Phận, một Giáo Hội địa phương hay Giáo Hội toàn cầu, một cách nào đó, đều có thể gọi là mục tử. Ước chi mọi mục tử đều biết thật sự yêu thương đàn chiên của mình và lãnh đạo chúng một cách sáng suốt ! Ước chi mọi cha mẹ đều yêu thương con cái, mọi Cha Xứ đều sẵn sàng hy sinh phục vụ Giáo Dân, mọi Giám Mục đều hết lòng chăm sóc các Linh Mục và Giáo Dân dưới quyền mình ! Ước chi mọi vị lãnh đạo xã hội và đất nước biết quên những quyền lợi riêng tư để nghĩ đến lợi ích chung của dân chúng !

Mọi quốc gia, mọi Giáo Hội, đều rất cần những vị Minh Quân, những Mục Tử Nhân Lành. Cần hơn cả việc có thật đông những cá nhân tài giỏi, xuất sắc. Câu chuyện sau đây minh họa điều đó.

Có hai người thuộc hai quốc gia nói chuyện với nhau:

- Tôi rất khâm phục đất nước anh, vì nước anh có rất nhiều anh hùng.

- Thế đất nước anh có nhiều anh hùng không ?

- Rất tiếc, đất nước tôi ít anh hùng lắm !

- Lạ nhỉ, đất nước tôi nhiều anh hùng thế mà sao vẫn cứ nghèo nàn và lạc hậu, còn đất nước anh không có anh hùng mà sao lại phát triển và giàu có như vậy ?

- À, đất nước tôi thì bù lại, được khá nhiều vị minh quân !

Thì ra chỉ một vị Minh Quân - hay Mục Tử Nhân Lành - cũng đủ quý giá và ích lợi cho đất nước và Giáo Hội hơn nhiều anh hùng hay cá nhân xuất sắc hợp lại ! Cầu mong cho đất nước và Giáo Hội Việt Nam có được những minh quân !

Lạy Cha, xin Cha hãy ban cho Giáo Hội và đất nước con nhiều vị Mục Tử Nhân Lành hơn ! Xin cho các nhà lãnh đạo đất nước và Giáo Hội con biết thật sự yêu thương người dân cũng như các tín đồ của mình hết lòng và sẵn sàng hy sinh phục vụ họ. Có như thế, đất nước và Giáo Hội con mới tiến bộ lên được. Amen.

Gs. NGUYỄN CHÍNH KẾT

SUY NIỆM 2:

CHA MẸ LÀ MỤC TỬ THEO GƯƠNG CHÚA KI-TÔ MỤC TỬ

Nếu anh bạn để ý, sẽ nhận ra rằng: các Chúa Nhật đầu mùa Phục Sinh, Hội Thánh muốn chúng ta suy niệm các trình thuật Tin Mừng liên quan đến biến cố Phục Sinh. Nhưng Chúa Nhật này, cũng trong bối cảnh Mùa Phục Sinh, Hội Thánh lại cho ta biết, Chúa Ki-tô là Ðấng Chăn Chiên Lành. Bạn thử nghĩ xem, Hội Thánh muốn dạy điều gì khi làm như thế ? Hội Thánh muốn dạy rằng: Chúa Ki-tô vẫn là Mục Tử Nhân Lành cho đến đời đời. Chúa đã là Mục Tử Tốt Lành hiến dâng mạng sống để cứu lấy đoàn chiên. Chính khuôn mặt đau thương của Thập Giá đã biểu lộ mạnh mẽ tình yêu không giới hạn của vị Mục Tử Tốt Lành tối cao ấy.

Chúa Ki-tô đã nói như thế về mình trong bài Tin Mừng: "Ta thí mạng sống vì đàn chiên... Vì lẽ này mà Cha yêu mến Ta là Ta thí mạng sống, để rồi sẽ lấy lại. Không ai cất mạng sống của Ta, nhưng tự Ta, Ta thí mạng sống. Ta có quyền thí mạng sống và cũng có quyền lấy lại".

Và hôm nay khi đã phục sinh, Chúa vẫn tiếp tục chăn dắt đoàn chiên là từng người chúng ta, là chính bạn và tôi, bằng chính Thánh Thần của Người. Bởi qua sự hiện diện mới mẽ, hiện diện nhờ Thánh Thần, trong Thánh Thần, với Thánh Thần, sự hiện diện ấy trở nên hiện diện tròn đầy nhất: sự hiện diện thần linh, một sự hiện diện vượt trên tất cả mọi cách thế hiện diện. Chính nhờ được chăn dắt bằng Thánh Thần, đoàn chiên lãnh nhận một Tình Yêu Phục Sinh, một sức sống mới tràn đầy. Và vì thế, mãi mãi Chúa Ki-tô vẫn hiện diện giữa đoàn chiên, không ngừng hiện diện, Người vẫn là Mục Tử không ngừng là Mục Tử. Vị Mục Tử nhân từ và yêu thương vẫn không ngừng nhân từ, không ngừng yêu thương.

Như Chúa Ki-tô, tất cả mọi người đều có thể trở thành mục tử, chia sẻ chức vị Mục Tử của Chúa Ki-tô. Nhưng cách riêng, trong Lễ Chúa Chăn Chiên Lành hôm nay, tôi muốn hướng về những ai mang trọng trách làm cha, làm mẹ.

Còn nhớ có một lần, tôi đến thăm một đôi vợ chồng trẻ. Cuộc thăm viếng này để lại trong tôi lòng cảm phục, vì đối với tôi, đôi vợ chồng này đã phải chịu đựng và vượt qua những khắc nghiệt quá sức con người. Họ là một đôi vợ chồng nghèo, có ba đứa con. Cả ba đều không hiểu biết gì, không nói được. Ðứa con trai đầu có khuôn mặt dị dạng trông rất sợ. Lúc tôi đến, anh đã đi ra rẫy, còn chị đang ngồi đan từng chiếc nan tre để kiếm thêm tiền chợ, vừa phải trông con. Chị nói về ba đứa con của chị trong nước mắt: "Nhiều lúc con muốn chết cho rồi, nhưng nghĩ lại ba đứa con, con phải gượng sống. Cha nhớ cầu nguyện cho vợ chồng con can đảm".

Bạn cứ nghĩ mà xem, trong tình cảnh đó, ta sẽ làm gì ? An ủi ư ? Tôi nghĩ rằng, lời an ủi lúc đó sẽ vô nghĩa, sẽ lạc điệu vô cùng. Tôi đã im lặng nghe chị kể, để người mẹ đau khổ ấy vơi bớt nỗi lòng, cũng là để sự thông cảm trong tôi lắng sâu hơn, mạnh hơn đối với những người cha, người mẹ đáng trân trọng ấy.

Người mục tử yêu mến đàn chiên thật, sẽ là người chấp nhận hao mòn sức lực, một mực bảo vệ sự sống đàn chiên. Cũng thế, ba đứa bé tật nguyền kia, nếu chúng không được sống hạnh phúc hơn do những khiếm khuyết trên cơ thể, thì trong tình yêu của cha mẹ, chúng đang sống hết sức dồi dào. Ta cứ tưởng tượng, nếu một ngày nào đó, chúng suy nghĩ được, và ai đó bảo chúng chết cho người cha, người mẹ ấy, chắc chúng sẽ không dám chối. Còn chính trong tình yêu dành cho con mình, anh chị đã trở thành mục tử giống như Chúa Giê-su mà anh chị tôn thờ. Tình yêu ấy đã làm tăng nghị lực, tăng sức mạnh, tăng sức chịu đựng. Bởi anh chị đã từng nghĩ đến cái chết để có thể tự giải thoát mình, nhưng vì những đứa con, anh chị đã vượt qua nó.

Tôi và bạn, ai cũng từng là những đứa con, và vẫn là những đứa con. Tôi cứ tin rằng, cha mẹ chúng ta là những mục tử tốt lành. Hãy sống thảo hiếu, hãy cầu nguyện và làm tất cả những gì có thể làm để cha mẹ vui lòng. Không bao giờ được phép coi khinh, hay ít là coi thường cha mẹ. Hãy yêu mến cha mẹ chúng ta. Tình yêu sẽ chỉ cho biết phải làm gì, phải sống thế nào để gọi là hiếu thảo !

Còn các bậc cha mẹ, ta vui mừng nhận thấy những người cha, người mẹ Công Giáo đều yêu thương con mình và chăm lo cho con tận tình tận lực. Họ yêu con, nhưng không có nghĩa là chìu chuộng con, nhưng biết giáo dục con, cho con ăn học, lo cho con từng chén cơm khi con đói, từng viên thuốc khi con ốm đau...

Chúa Ki-tô đã làm trọn vai trò Mục Tử Nhân Lành của Người khi nhập thể làm người để cùng sống kiếp người với chúng ta. Người đã chịu chết, đã phục sinh để chứng minh rằng Người yêu ta bằng cả cuộc đời, bằng cả cuộc sống của Người. Ngoài hình ảnh Chúa Ki-tô Mục Tử, tôi đã kể câu chuyện về đôi vợ chồng trẻ kia để chứng minh rằng, đã từng có những bậc làm cha, làm mẹ phản chiếu hình ảnh mục tử của vị Mục Tử Nhân Lành tối cao kia. Bạn và tôi hãy xem đó, và hãy bắt chước. Lòng yêu thương mang một trái tim mục tử của những bậc cha mẹ như thế, chắc chắn sẽ không có đứa con nào có thể đang tâm phủ nhận được.

Như Chúa Ki-tô Mục Tử, xin kính chúc những người cha, người mẹ cũng là những mục tử tốt lành. Như chúng ta yêu mến Chúa Ki-tô, xin chúc những người làm con cũng biết yêu thương cha mẹ mình.

Lm. JB. NGUYỄN MINH HÙNG, Giáo Phận Phú Cường

SUY NIỆM 3:

ƠN GỌI PHỤC VỤ

Chúa Nhật 4 Phục Sinh, Lễ Chúa Chăn Chiên Lành, Ngày Thế Giới Cầu Nguyện Cho Ơn Thiên Triệu. Chúa Giê-su Mục Tử Nhân Lành chính là mẫu gương tuyệt hảo cho mọi Ơn Gọi Phục Vụ.

1. Chúa Giê-su là Mục tử nhân lành:

Từ Áp-ra-ham cho đến Mô-sê, Ða-vít, biết bao Tổ Phụ Do-thái đã từng là những người chăn chiên. Từ kinh nghiệm của nghề chăn chiên, họ đứng ra lãnh đạo dân tộc. Quan niệm của họ về Thiên Chúa cũng dựa trên kinh nghiệm đó nên họ gọi Thiên Chúa là Mục Tử và coi mình là đoàn chiên của Ngài.

Các Ngôn Sứ thường dùng hình ảnh này để nói về tương quan thân tình giữa Thiên Chúa và dân của Người. Nhất là trong Sách Ngôn Sứ E-dê-ki-en chương 34, Sách Giô-na chương cuối và Thánh Vịnh 23. Ðặc biệt chương 10 Phúc Âm Thánh Gio-an: Chúa Giê-su là Mục Tử Nhân Lành, là Cửa chuồng chiên. Mục tử và đàn chiên là một hình ảnh rất đẹp gắn liền với dân du mục. Khác với hình ảnh những đứa trẻ chăn trâu, chăn bò ở làng quê Việt Nam, chúng đi sau đàn vật. Người mục tử đi trước đàn chiên, dẫn chiên đến đồng cỏ xanh tươi, tìm suối mát cho chiên, dẫn về đàn những con chiên lạc, bảo vệ chiên khỏi thú dữ, biết từng con chiên một.

Chúa Giê-su là Mục Tử Nhân Lành, mọi Ki-tô hữu là đàn chiên của Chúa. Chúa ban cho đàn chiên sự sống cách dồi dào, đó là sự sống đời đời. Mỗi con chiên đều quý giá vô ngần đối với Chúa. Người hy sinh mạng sống vì chiên. Mối tương giao này giống như tương giao Chúa Cha và Chúa Con, dựa trên sự hiểu biết riêng tư về nhau tức là trên tình yêu.

Không những là mục tử, Chúa Giê-su còn là Cửa: "Tôi là cửa cho chiên ra vào.Ai qua tôi mà vào thì sẽ được cứu.Người ấy sẽ ra vào và gặp được đồng cỏ". Câu trả lời đó khẳng định Chúa Giê-su chình là Cửa Cứu Ðộ.

Cánh cửa mở ra một chân trời mới: Cánh cửa tương lai; Cánh cửa đại học; Thời mở cửa; Bước qua ngưỡng cửa Hy Vọng; Cửa Nước Trời. Tại sao Chúa Giê-su là Cửa Cứu Ðộ ? Bởi vì Ngài là trung gian duy nhất và trọn hảo giữa Thiên Chúa và nhân loại. Ngài có vai trò thủ lãnh trong sự thánh hoá. Ngài thông truyền giáo huấn Thiên Chúa. Ngài đền tội và cầu khẩn cho nhân loại trước mặt Thiên Chúa. Ngài thâu hợp toàn thể nhân loại và vũ trụ cho Thiên Chúa. Khi nhập thể, Ngài thông truyền ân sủng Thiên Chúa cho mọi chi thể. Bằng hy lễ Cứu Ðộ Thập Giá trong tâm tình vâng phục yêu mến Chúa Cha, Ngài lập nên công phúc cứu độ loài người. Ðức Giê-su Phục Sinh vinh quang mở đầu cho sự giao hoà giữa Thiên Chúa và nhân loại đưa nhân loại về với Thiên Chúa để dự phần đời sống Thần Linh cách dồi dào phong phú. Như thế Ðức Giê-su là Cửa Cứu Ðộ duy nhất, là người mở đầu, là Ðấng hướng dẫn, thông truyền ân sủng nên Người là Mục Tử Tốt Lành vì đem lại sự sống phong phú và dư đầy cho đàn chiên.

Ki-tô Giáo là đạo đi từ con người tới Thiên Chúa. Ðây quả thật là "Ðạo bất viễn nhân", không xa nhưng rất gần gũi với con người. Bởi lẽ đạo ấy đi vào chính giữa lòng đời, đã nhập thể vào chính cuộc đời, làm men, làm muối, làm ánh sáng để biến đổi lòng người, biến đổi trần thế.

Thánh Grệ-gô-ri-ô Cả nói rằng: Chúng ta đi theo Chúa Giê-su là đi theo con đường cứu độ, được nuôi dưỡng nơi đồng cỏ xanh tươi muôn đời. Quả thế, đồng cỏ của những người được chọn là chính thánh nhan Thiên Chúa luôn hiện diện. Khi con người không ngừng chiêm ngưỡng thánh nhan, lòng trí họ được thoã thuê mãi mãi nhờ lương thực ban sự sống. Vậy hãy tìm kiếm đồng cỏ này, hãy làm cho lòng bừng cháy niềm khát khao những kho tàng trên Trời.

2. Ðức Giê-su vị Mục Tử hết mình phục vụ đoàn chiên

Cả cuộc đời Ðức Giê-su từ khi nhập thể làm người đến chết và phục sinh có thể tóm tắt cách đơn giản là phục vụ đoàn chiên vì yêu thương. Ðỉnh cao phục vụ là thí mạng vì đoàn chiên. Việc gặp gỡ Người, kết hợp với Người sẽ dần dần biến đổi chúng ta trở nên những người phục vụ. Mỗi người Ki-tô hữu đều có trách nhiệm phục vụ anh chị em mình trong tư cách tham dự vào trách nhiệm Mục Tử của Ðức Giê-su.

Trong sứ điệp Ngày Thế Giới Cầu Nguyện Cho Ơn Thiên Triệu năm nay,Ðức Thánh Cha Gio-an Phao-lô 2 đã chọn chủ đề Ơn Gọi Phục Vụ. Khởi đi từ Ðức Ki-tô: Người không đến để phục vụ,"nhưng để phục vụ và trao ban mạng sống để cứu chuộc nhiều người" ( Mt 20, 28 ). Người đã rửa chân cho các môn đệ và tuân phục chương trình của Chúa Cha cho đến chết, chết trên Thánh Giá ( x. Pl 2, 8 ). Vì thế, Chúa Cha đã tôn vinh Người, ban cho Người một danh hiệu mới và đặt Người làm Chúa trên trời dưới đất ( x. Pl 2, 9 - 11 ). Ðức Thánh Cha xác định: Một cách huyền nhiệm, ơn gọi phục vụ luôn là một ơn gọi thông phần một cách rất riêng tư vào trong sứ vụ cứu độ" ( số 2 ). "Ơn Gọi Linh Mục hoặc Ơn Gọi Tu Trì, bởi chính bản chất của nó,luôn là những ơn gọi để quãng đại phục vụ Thiên Chúa và người lân cận" ( số 3 ).

Ðức Thánh Cha đã từng nói rằng: "Trong thời đại chúng ta, một thời đại tuy đã bị tục hoá, giải thiêng nhưng vẫn được thúc đẩy đi tìm sự thánh thiện; một thời đại rất cần có những vị thánh làm sáng tỏ sự hiện diện đầy yêu thương và quan phòng của Thiên Chúa. Nhân loại đang cần có những linh mục thánh thiện và những tâm hồn được thánh hiến, họ là những người ngày ngày sống hết mình cho Thiên Chúa, cho tha nhân, họ là những bậc cha mẹ sống chứng nhân ngay trong bầu khí gia đình nhờ ân sủng của bí tích hôn nhân, họ là những người trẻ có kinh nghiệm gặp gỡ Ðức Ki-tô và được Người thu hút để hướng dẫn anh chị em đồng loại tới cội nguồn tin mừng" ( Sứ Ðiệp Ngày Thế Giới Cầu cho Ơn Thiên Triệu lần thứ 36 ).

Ngài gởi lời mời gọi thiết tha đến các bạn trẻ: "Cha hy vọng các con có thể biết cách lắng nghe tiếng Thiên Chúa mời gọi các con phục vụ. Ðó là con đường mở ra biết bao hình thức của sứ vụ vì lợi ích của cộng đoàn: từ các tác vụ được phong cho đến các tác vụ khác nhau được thiết lập và được nhìn nhận là những thừa tác vụ, như dạy Giáo Lý, linh hoạt Phụng Vụ, giáo dục giới trẻ và những diễn tả khác nhau về đức ái" ( Số 4 ).

3. Ai phục vụ Thầy, người ấy phải theo Thầy

Một xã hội thiếu bóng dáng những người sống đời tận hiến là một xã hội thiếu lòng quãng đại, một xã hội bị khủng hoảng về ý nghĩa cuộc sống. Chính sự có mặt của những người sống đời tận hiến phục vụ như là một nhắc nhở rằng, con người có khả năng sống yêu thương, phục vụ như Ðức Ki-tô và sống quãng đại hy sinh dấn thân cho người khác.

Những người trẻ lớn lên thường lập gia đình, điều đó thật tốt đẹp. Nhưng Chúa Giê-su vẫn muốn một số người trẻ dâng hiến đời mình cho Chúa, ở bên Chúa cách đặc biệt để được sai đi. Vì thế Ðức Thánh Cha nhắn nhủ những người trẻ "Lời mời gọi của Chúa Giê-su vẫn còn vang vọng ngày hôm nay "Nếu ai phục vụ Thầy, người ấy phải theo Thầy" ( Ga 12, 26 ). Ðừng e ngại đón nhận lời mời gọi này. Chắc chắn các con sẽ gặp phải những khó khăn hy sinh, nhưng các con sẽ hạnh phúc khi phục vụ, các con sẽ là chứng nhân của niềm vui mà thế gian không thể ban tặng. Các con sẽ là những ngọn lửa sống động của một tình yêu vô biên và vĩnh cửu. Các con sẽ nhận biết những phong phú thiêng liêng của chức vụ Linh Mục, quà tặng và mầu nhiệm thần linh" ( Số 5 ).

Người sống đời tận hiến chấp nhận hy sinh quyền được lập một tổ ấm. Họ dâng tình yêu lứa đôi cho một tình yêu cao hơn trong Ơn Gọi Tu Trì để có thể yêu mãnh liệt và bao la hơn.Ðức Thánh Cha khẳng định: "Họ không tìm kiếm những lợi lộc vị kỷ, nhưng hiến mình cho kẻ khác, khi cảm nghiệm niềm vui của tính nhưng không qua việc hiến tặng bản thân" ( số 4 ).

Người đi tu là người muốn nên trọn lành, muốn đạt đến đỉnh cao của sự toàn thiện. Cũng tựa như người leo núi, muốn có ánh sáng thì phải lên cao. Ðể lên cao phải vất vả, nhiều khi phải leo lên những sườn dốc cheo leo. Leo núi là một cuộc mạo hiểm. Ðó không phải là một cuộc dạo chơi nhàn hạ. Nó đòi hỏi sức khoẻ, sức chịu đựng dẻo dai, tài khéo léo và nhất là sự can đảm. Ðời sống tu trì cũng vậy. Nó đòi hỏi một sức khoẻ tinh thần, thể xác, sự khôn ngoan, nhẫn nại, lòng can đảm, sức chịu đựng bền bỉ. Nếu không người ta sẽ sợ hãi chóng mặt, dừng lại và rút lui. Ðổi lại, người leo núi được hưởng những niềm vui mà người khác không biết đến. Ðó là, được ở trong ánh sáng không bao giờ tắt, được chiêm ngưỡng cảnh trời đất bao la hùng vĩ, cảnh mây bay lững lờ tận dưới xa chân mình, càng leo những núi cao càng khám phá ra muôn vàn những đỉnh núi khác.

4. Cầu nguyện cho những người Mẹ

Ơn Gọi Tu Trì là ân huệ đến từ Thiên Chúa. Gia đình là Chủng Viện đầu tiên, Dòng Tu đầu tiên ươm mầm ơn gọi phát triển. Các bậc cha mẹ là những người phát hiện và vun trồng cho Ơn Gọi lớn lên, trổ sinh hoa trái.

Bài Tin Mừng hôm nay đặc biệt thích hợp cho các người Mẹ. Giống như người mục tử, giống như Chúa Giê-su, một bà mẹ luôn có mối tương giao gần gũi sâu sắc với đàn con cái. Người Mẹ yêu thương chăm sóc từng đứa con, tuỳ tính tình mỗi đứa để có cách giáo dục thích hợp. Không gì mà người Mẹ không làm để bảo vệ con khỏi nguy hiểm. Bà sẵn sàng chấp nhận mọi gian khổ để tìm kiếm đứa con lầm đường lạc lối trở về.

Ơn Gọi Tu Trì thường do người Mẹ phát hiện và dìu dắt từng bước. Hầu như Linh Mục nào cũng giống Mẹ và rất kính yêu Mẹ của mình. Tấm lòng người Mẹ bao la như biển cả. Trái tim người Mẹ nhân hậu bao dung như đất trời. Bởi vậy Ngày Thế Giới Cầu Cho Ơn Thiên Triệu cũng cần dành lời cầu nguyện đặc biệt cho mọi ngườiø Mẹ trên thế giới. Xin cho mọi người Mẹ luôn sống vai trò Mục Tử Nhân Lành với con cái và luôn biết quãng đại dâng con mình cho Chúa, cho Giáo Hội trong Ơn Gọi Phục Vụ.

                                                              Lm. Giu-se NGUYỄN HỮU AN, Giáo Phận Phan Thiết

CHIA SẺ:

Chủ chăn đích thực

Chúa Nhật 11 tháng 5 năm 2003 là Chúa Nhật Chúa Chiên Lành. Hôm nay là ngày nhắc nhớ cho các Linh Mục, Tu Sĩ về Ơn Gọi cao cả mà Thiên Chúa đã mời gọi mình. Trong bài Tin Mừng, Chúa Giê-su tự giới thiệu mình là Chủ Chăn đích thực. Chúa nói Chúa chăm sóc cho đoàn chiên, đặc biệt là những con nào bị đau yếu và bị bỏ rơi. Còn những người chăn thuê thì khác, họ chỉ lo làm sao cho qua ngày qua bữa để nhận tiền công của mình. Vì thế họ cũng chẳng cần bận tâm đến sức khoẻ và sinh mạng của từng con chiên làm gì cho mệt !

Tháng 8 năm 2002, tôi theo anh bạn tu đến thăm một Linh Mục ở Giáo Phận Buôn Mê Thuột, là cha phó của Giáo Xứ Vinh An, Ðức Minh. Ngoài công việc mà ngài cộng tác với cha xứ, ngài còn lo thêm 6.000 anh chị em dân tộc Ê-đê nữa. Vào thăm ngài, ngài đơn sơ khoe một chuyện thật vui: Có mấy đôi dân tộc chuẩn bị làm lễ cưới nhưng lại không có quần áo giầy dép cho đàng hoàng để mang. Ngài bèn ra phố thăm mấy gia đình quen biết. Ðến một gia đình nọ, cha ngỏ lời xin một bộ quần áo phụ nữ. Cô con gái đang đi vắng nên bà mẹ quyết định luôn, bà bảo cha cứ vào tủ quần áo của con mình để chọn, thích bộ nào xin cứ lấy. Sau khi đi chơi về, cô gái ấy điện thoại cằn nhằn cha là đã lấy quần áo của cô đem cho anh chị em dân tộc mặc trong ngày Lễ Hôn Phối. Thế nhưng chuyện lạ xảy đến là sau lễ cưới. Ngài đem hình ra cho gia đình này xem, cả nhà xem xong, cô gái buột miệng bảo là từ nay trở đi cha có cần gì thì xin cha cứ ra đây, gia đình sẽ cộng tác hết mình với cha lo cho anh chị em dân tộc !

Ðến Tết vừa rồi, tôi có dịp được theo một cha DCCT đến thăm cha xứ Kim Sơn, Giáo Phận Buôn Ma Thuột . Thoạt đầu nhìn ngài, tôi hơi ngờ ngợ vì thấy ngài ăn mặc rất chỉn chu, đầu tóc mượt mà, giày tây bóng loáng. Nhưng sau trọn một ngày ở gần ngài thì tôi lại đâm ra khẩu phục tâm phục. Chuyện là gần đến giờ cơm trưa, có một giáo dân ở xứ bên cạnh chạy vội đến nhờ cha đi xức dầu trong khi cha xứ bên cạnh đang đi vắng. Ngài lưỡng lự một thoáng rồi xin kiếu đoàn chúng tôi để ngài đi xức dầu xong rồi về ăn sau. Thế là trưa hôm ấy chúng tôi dùng cơm muộn hơn mọi ngày vì chờ ngài thi hành sứ vụ của người Chủ Chăn. Tìm hiểu thêm thì được biết ngoài số Giáo Dân mà ngài đang phục vụ thì ngài còn chịu khó học cho thông thạo tiếng dân tộc để lo phần hồn phần xác cho gần 8.000 anh em dân tộc ở rải rác đến tận vùng hồ Lak, giáp ranh Nha Trang...

Ðấy là hình ảnh của hai Chủ Chăn đích thực mà tôi có duyên được gặp gỡ. Tôi tin chắc rằng ngoài hai vị ấy còn biết bao những vị khác ngày ngày hết mình lo cho đoàn chiên và thậm chí hy có thể hy sinh mạng sống mình vì đoàn chiên.

Chúng ta cũng không thể nào phủ nhận được hình tượng người Chủ Chăn cả nơi các soeurs và các anh chị làm công tác Tông Ðồ. Hàng ngàn Nữ Tu đang âm thầm dạy học, lo cho bệnh nhân, lo cho các cô gái lỡ lầm, lo cho các bệnh nhân SIDA, các trại phong, trại mồ côi, trại khuyết tật... Rồi các nhóm, các anh chị cũng ngày ngày tận tụy lo cho trẻ em đường phố, cho những người bất hạnh.

Ðáng tiếc thay, tôi cũng được biết có một số ít trong hàng Chủ chăn đã làm đau lòng Giáo Dân. Một vị  nọ ở vùng kinh tế mới ven đô, không hiểu tại sao ngài lại có những phản ứng kỳ lạ: trước lúc ngài về nhận Xứ thì có một nhóm công tác Tông Ðồ xuống giúp dạy Giáo Lý và đã rửa tội được một số người. Nay vài người già nghèo khổ neo đơn ở đây được Chúa gọi về, Giáo Dân đến trình với ngài thì ngài bảo là người nào đã lo chuyện rửa tội thì người đó phải lo luôn nghi thức an táng. Thế là phủi tay, xong chuyện ! Ðến cái hòm gỗ tạp ngài cũng chẳng thèm giúp !

Một Chủ Chăn khác nữa cũng ở một vùng ngoại thành Sài-gòn, ngài phụ trách dạy Giáo lý Hôn Nhân. Các đôi hôn nhân phải thót tim khi nghe ngài báo là nếu thứ tư này anh chị vào làm bài kiểm tra mà "qua được cửa ải" thì Chúa Nhật tới mới được cử hành Thánh Lễ Hôn Phối. Tôi cảm thấy đau khi nghe như vậy, đau vì lẽ Chủ Chăn không cảm được cái băn khoăn, lo lắng của con người. Nếu tổ chức đám cưới, phải in thiệp cưới trước cả tháng, mời trước cả tuần ( nếu ở nước ngoài thì phải gửi thiệp đi trước cả hai ba tuần ). Vậy mà Chủ Chăn nỡ lòng nào để con chiên của mình làm bài vào một ngày cận kề đám cưới như thế, trong một tình trạng căng thẳng và thấp thỏm như thế. Giả như có một Thầy sắp tiến chức nhưng vì một lý do nào đó bên Giáo Quyền hoặc chính quyền lại bảo là thứ tư này xin mời đến gấp, nếu qua được cuộc sát hạch thì Chúa Nhật tới mới mong lãnh sứ vụ Linh Mục, thì vị ấy sẽ nghĩ sao ? Trước khi  lãnh sứ vụ thì Thầy tiến chức ấy chắc chắn đã phải lo in thiệp với ngày giờ rõ ràng, may áo lễ, đặt chén Thánh, mời tiệc có khi cả trăm mâm, vậy mà phải đợi tới thứ tư mới biết quyết định được hay không thì làm sao trở tay cho kịp ?

Tôi thầm mong rằng đây chỉ là một vài trường hợp hiếm hoi, gây ra những nếp nhăn nheo xấu xí trên khuôn mặt chung của hàng Giáo Phẩm là các vị kế tục Chúa Giê-su, Ðấng Chăn Chiên Lành Tối Cao mà thôi.

Nhân dịp mừng Lễ Chúa Chiên Lành hôm nay, tôi nhớ lại những hình ảnh đẹp cũng như chưa đẹp về các Chủ Chăn. Ước gì hình ảnh tuyệt đẹp mà tôi được gặp cũng sẽ là ngàn ngàn, vạn vạn hình ảnh đẹp trên Giáo Hội Việt Nam thân yêu chúng ta cũng như của Giáo Hội Toàn Cầu. Chúng ta cầu nguyện nhiều cho các Linh mục, Tu Sĩ nam nữ, các thầy cô giáo ngoài đời, các Giáo Lý Viên, các ông bố bà mẹ các gia đình và tất cả các anh chị làm công tác Tông Ðồ lo cho đoàn chiên. Chúng ta cũng không quên cầu nguyện cho tất cả những người đã hy sinh, chia sẻ, đóng góp sức lực, tinh thần và cả vật chất để chăm lo cho đoàn chiên.

Lạy Chúa Giê-su là Chủ Chăn đích thực, xin Chúa ở lại trên từng vị Chủ Chăn mà Chúa đã mời gọi vào hàng ngũ các Chủ Chăn. Xin Chúa biến các vị thành những Chủ Chăn đích thực như lòng Chúa mong muốn và Giáo Hội chờ đợi. Amen.

TƯ VÔ   ( Sài-gòn )

CẦU NGUYỆN:

NỖI NIỀM CỦA MỘT VỊ LINH MỤC

( HAY LỜI KINH CỦA LINH MỤC VÀO BUỔI CHIỀU CHÚA NHẬT )

Nhà thờ vắng lặng. Bổn đạo đã về. Và lạy Chúa, con cũng đã trở về nhà một mình. Con đã gặp những người đi dạo phố. Con đã đi ngang qua rạp hát khi một đám đông đổ ào ra. Con đã đi dọc thềm các tiệm giải khát, ở đó nhiều kẻ đang ngồi chơi để kéo dài cuộc vui của một ngày Chúa Nhật... Con đã chạm phải những em bé đang chơi trên lề đường, những em bé của người khác, những em bé sẽ không bao giờ là của con.

Lạy Chúa, này đây, con một mình. Im lặng làm con khó chịu, cô độc đang đè nặng trên con. Ôi lạy Chúa, này con đây, con mang một thân xác như kẻ khác. Con có hai bàn tay sẵn sàng đề làm việc, con có một quả tim được dành riêng để yêu thương.

Nhưng lạy Chúa, con đã dâng tất cả cho Chúa. Con đã dâng tất cả cho Chúa vì Chúa cần đến con.

Nhưng lạy Chúa, điều đó thật là khó ! Thật là khó khi con đã hiến dâng thân xác cho Chúa, nhưng thân xác đó cũng muốn dành cho mọi người...

Thật là khó khi con phải yêu một người mà không dám giữ lại một ai cả !

Thật là khó khi con bắt tay một người mà không thể cầm họ lại.

Thật là khó khi con đã khơi được một tình thương những rồi phải dâng nó lên Chúa !

Thật là khó khi con không được dành gì cho riêng mình, để được trở nên tất cả cho mọi người !

Thật là khó khi con phải sống như kẻ khác, phải sống giữa kẻ khác và phải là một kẻ khác !

Thật là khó khi con phải luôn luôn ban phát, mà không được tìm cách lãnh nhận !

Thật là khó khi con phải hướng dẫn kẻ khác mà không bao giờ được hướng dẫn.

Thật là khó khi con phải cực lòng vì những tội lỗi của kẻ khác, nhưng lại không thể lãnh nhận chúng và không thể không mang lấy chúng !

Thật là khó khi con phải đón lấy những kín nhiệm mà miệng không bao giờ được hé mở !

Thật là khó khi con phải luôn luôn lôi kéo kẻ khác, nhưng lại không được để cho ai lôi kéo mình !

Thật là khó khi con phải chống đỡ với những kẻ yếu đuối, mà bản thân mình thì lại không thể nương tựa vào một người nào khác.

Thật là khó khi con phải sống một mình, một mình trước mặt mọi người, một mình trong toàn thế giới, một mình với đau khổ, một mình giữa tội lỗi, và một mình trước cái chết.

"Con ơi ! Con không ở một mình. Ta ở với con. Ta là chính con. Ta cần con, cần chính bản tính nhân loại của con để tiếp tục Nhập Thể và Cứu Rỗi. Và Ta đã chọn con, từ thuở đời đời. Ta cần con, cần đôi tay của con để tiếp tục chúc lành, cần đôi môi của con để tiếp tục nói lên, cần thân xác của con để tiếp tục đau khổ, cần quả tim của con để tiếp tục yêu thương, cần con để tiếp tục cứu chuộc. Con ơi ! Con hãy ở cùng Ta".

Lạy Chúa, này con đây ! Thân xác con đây ! Trái tim con đây ! Linh hồn con đây ! Xin Chúa cho con đủ lớn để đạt tới thế giới. Xin Chúa cho con đủ mạnh để mang nó trên vai. Xin Chúa cho con trong sạch đủ để ôm nó vào lòng mà không muốn giữ lại. Xin Chúa cho con được trở nên nơi gặp gỡ, một trạm dừng chân, một con dường không bao giờ dừng lại vì  nó có tiếp nhận ai thì cũng là để đưa họ về với Chúa.

Lạy Chúa, giờ đây, khi mọi người tìm cách nghiền ngấu con mà con lại bất lực để làm thoả mãn họ, khi mà toàn thế giới đầy đau khổ và tội lỗi đang đè nặng trên vai con, thì con xin nói lại với Chúa rằng:

Lạy Chúa, con xin dâng tất cả cho Chúa ! Con không cười được khi thốt ra lời đó, nhưng con đã nói lên với tất cả lòng bình tĩnh sáng suốt và khiêm nhường.

Lạy Chúa, này con đây ! Con đang một mình trước nhan Chúa, trong cảnh yên lặng của chiều tà...

MICHEL QUOIST

CHỨNG TÁ:

HY SINH PHỤC VỤ ÐẾN HƠI THỞ CUỐI CÙNG

Ngày 10 tháng giêng năm 1938, một chuyến xe lửa chạy từ miền Bắc xuống miền Nam đất nước Colombia thuộc Nam Mỹ, bất ngờ nó bị trật đường rầy làm rất nhiều hành khách bị thương và tử vong. Trong số những người quằn quại bò ra được khỏi con tầu thảm họa ấy có cha Phénice, một Tu Sĩ Dòng Thánh Gio-an. Ngài bị thương nặng, một phần ruột bị tuột ra bên ngoài ổ bụng.

Nhận ra cha, các bác sĩ y tá của đoàn cứu hộ đã vội chạy đến ân cần chăm sóc. Nhưng cha ra hiệu bảo họ cứ đi lo cứu giúp những nạn nhân khác. Phần mình, cha gắng hết sức để tự nhét mớ ruột lòng thòng vào ổ bụng, dùng băng vải buộc chặt bên ngoài, rồi gượng đau để lết đi, tìm những hành khách bị thương nặng để giải tội cho họ.

Ðược một lúc khá lâu sau đó, cha kiệt sức ngã quỵ. Các y tá chạy lại và kịp nghe được tiếng thều thào của ngài trong cơn đau đớn đến tột cùng: "Tạ ơn Chúa đã cho con có thì giờ để kịp làm những điều cần thiết nhất cho anh em con..."

Chiếc xe cấp cứu vội đưa cha Phénice tới bệnh viện, nhưng chỉ vài giờ sau, ngài đã trút hơi thở cuối cùng. Năm ấy, cha mới có 36 tuổi.

Trích "Như Lòng Chúa khoan dung" của ANTHONY DE MELLO


CÂU TRUYỆN:

AI GẶP ÐƯỠC CHÚA THÌ SẼ THEO CHÚA

Ðức Hồng Y Martini thường hay kể một truyện ngụ ngôn trong các bài giảng của mình cho giới trẻ: Có một bạn trẻ tìm đến hỏi một vị Aån Tu trong sa mạc rằng: Tại sao có rất nhiều người trẻ xin vào tu trong sa mạc, nhưng rồi sau đó cũng lại có lắm kẻ bỏ về, chỉ còn lại rất ít người bền đỗ đến cùng ? Vị Aån Tu mới nhẹ nhàng bảo: "Câu hỏi của anh giống như chuyện một con chó săn đuổi theo một con thỏ rừng, nó vừa đuổi vừa sủa vang cả lên. Thế là chẳng mấy chốc, có cả một đàn chó cũng háo hức đuổi theo vì tò mò. Nhưng rồi không lâu sau đó, những con chó theo đuôi đã bắt đầu thấm mệt và dần dần bỏ cuộc. Chỉ còn lại có mỗi con chó đầu tiên vẫn cố đuổi, bởi tận mắt nó đã thấy con thỏ, còn những con chó kia thì không !"

Sưu tầm của Lm. TIẾN LỘC, DCCT

THÔNG TIN:

NHỮNG KHOẢN TIỀN VÀ VẬT PHẨM ÂN NHÂN MỚI CHIA SẺ

- Chị Minh Hương ( Sài-gòn ) giúp bệnh nhân nghèo . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .  2.300.000 VND

- Chị Quỳnh Như ( Ca Ðoàn Trùng Dương, Sài-gòn ) giúp người nghèo . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . 200.000 VND

- Bác sĩ Bích Ðào ( Pháp ) giúp bệnh nhân nghèo ở Nghệ An . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . 3.000.000 VND

- Bạn MK Quốc Duy ( Sài-gòn ) giúp học bổng trẻ em nghèo . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . 300.000 VND

- Bạn Ðức Linh ( Sài-gòn ) giúp học bổng trẻ em nghèo . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .  200.000 VND

- Công ty Manulife ( qua cô Thu Hằng ) tặng người nghèo . . . . . . . . . . . . . . . . . . 20 túi xách, 55 cặp và 75 tập kẹp hồ sơ

NHỮNG KHOẢN TRỠ GIÚP ÐỘT XUẤT HOẶC GỬI TẶNG ÐÍCH DANH

- Giúp tiền xe về quê cho một người khiếm thị ( Giá Rai, Bạc Liêu ) . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . 50.000 VND

- Tiền thuốc chữa bệnh cột sống cho một bệnh nhân ( Sài-gòn ) . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . 173.000 VND

- Trợ giúp đặc biệt cho một trường hợp "Bảo Vệ Sự Sống" không phá thai . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .  200.000 VND

- Trợ giúp cho một em sinh viên nghèo đang tìm hiểu Ơn Gọi ( Quảng Ngãi ) . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . 300.000 VND

- Trợ giúp cháu Tường Vy con anh Phạm Văn Danh bị khuyết tật ( Sài-gòn ) . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . 100.000 VND

- Quà tặng cho Giáo Phu ( Kontum ) ghi ký hiệu MCS 39 . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .  Một thùng quà

- Bạn Ðức Linh gửi tặng anh chị em dân tộc Tây Nguyên . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .  2 bọc quần áo cũ

- Một số ân nhân ( Sài-gòn ) gửi tặng anh chị em dân tộc Tây Nguyên  . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .  4 bao quần áo cũ

- Tặng các em khuyết tật Nhóm Màu Xanh Hy Vọng . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .  22 túi xách và ba-lô

HỌC BỔNG CHO 20 EM HỌC SINH NGHÈO Ở YÊN THÀNH, TỈNH NGHỆ AN

Như Gospelnet số 96 đã thông tin, cha Nguyễn Quang Nam, Giáo Xứ Ðức Lân, và Sr. Nguyễn Thị Liễu, Dòng Mến Thánh Giá Vinh, giới thiệu một danh sách 20 em học sinh nghèo, ngụ tại xóm Lạc Thành, xã Hậu Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An, thuộc Giáo Xứ Ðức Lân. Ðây là miền núi, gia đình các em đều làm nghề nông nhưng lại thiếu đất canh tác, thường xuyên bị hạn hán, mùa màng thất thường, đã nghèo lại càng nghèo. Tuy nhiên, theo truyền thống, các em lại rất hiếu học và học chăm, học giỏi, dù luôn bị nguy cơ phải dở dang việc học để vào đời sớm lo sinh kế, mỗi khi chậm đóng học phí, nhà trường đều dọa sẽ cho nghỉ. Gospelnet đã bắt đầu trợ giúp từ tháng 2.2003, nay Gospelnet số 114 xin trợ giúp liên tiếp ba tháng 3, 4 và 5.2003, tổng cộng: 20 em x 50.000 VND x 3 tháng = 3.000.000 VND ( không có cho ba tháng hè tiếp theo ).

TRỠ GIÚP ÐÀO GIẾNG DÙNG CHUNG CHO 11 GIA ÐÌNH Ở TÂY NINH

Cha Nguyễn Ðình Khang, Giáo Xứ Hảo Ðước, Giáo Phận Phú Cường, thuộc huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh, và Sr. Nguyễn Thị Bích Thủy, Dòng Ða-minh Rosa Lima, đang phụ trách một điểm truyền giáo tại đây, có trình bày một Dự Aùn xin đào giếng cho 11 gia đình sử dụng chung. Bà con hầu hết là người nghèo, làm thuê làm mướn quanh năm rất vất vả mà vẫn không đủ sống. Riêng về việc nước sạch dùng trong sinh hoạt, bà con phải đi rất xa để gánh nước từ giếng của Nhà Dòng Ða-minh. Gospelnet đã giới thiệu với bác sĩ Phan Minh Hiển ( Pháp ) để được hai ân nhân tại Hoa Kỳ là T.T. Long va P.T. Hồng Khánh ( Association Compassion ) trợ giúp số tiền 3.200.000 VND chi phí đào một giếng ở khu vực gần các gia đình hơn. Theo thăm dò, giếng phải đào sâu 30m mới gặp được nguồn nước sạch, sau đó đặt mô-tơ bơm nước lên một bồn chứa. Dưới đây là danh sách 11 người đại diện cho 11 gia đình:


01. Ông NGUYỄN VĂN TỨ

02. Bà TRẦN THỊ NHƯỜNG

03. Bà LÊ THỊ TUYẾT

04. Bà PHẠM THỊ NÃ

05. Ông Bà TRẦN VĂN ÐÀI

06. Bà LÊ VĂN SANH

07. Ông NGUYỄN VĂN PHƯỚC

08. Ông TRẦN VĂN QUẬN

09. Bà HAI VÂN

10. Ông SÁU RÁO

11. Ông NGUYỄN VĂN KỲ.

 


HỌC BỔNG CHO 6 EM HỌC SINH NGHÈO Ở HẢI DƯƠNG

Như Gospelnet số 80 ra ngày 13.10.2002 đã thông tin, cha Nguyễn Hữu Trung, DCCT, giới thiệu 6 em học sinh có hoàn cảnh gia đình rất nghèo, hiện đang học tại Trường Tiểu Học Hoàng Hanh, và đều cư ngụ tại vùng nông thôn miền Bắc, thuộc xã Hoàng Hanh, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương ( Danh sách có đăng trên Gospelnet số 76 ngày 15.9.2002 ). Sau một thời gian bị gián đoạn vì cạn tiền quỹ, nay Gospelnet số 114 xin tiếp tục trợ giúp bốn tháng: 12.2002 và 1, 2 và 3.2003, tổng cộng: 6 em x 50.000 VND x 4 tháng = 1.200.000 VND.

 

TRỠ GIÚP CHO HAI NGƯỜI KHUYẾT TẬT VÀ MỘT BỆNH NHÂN NGHÈO Ở NGHỆ AN

Cha Nguyễn Phương Hướng, Giáo Xứ Bố Sơn, xã Nghi Vạn, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An, thuộc Giáo Phận Vinh, ÐT: 038.618.070, giới thiệu 3 trường hợp ngặt nghèo cần được trợ giúp sau đây:

 

01. Anh NGUYỄN VĂN HOÀN, sinh 1978, ngụ tại xóm 10, xã Nghi Kim, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Hoàn cảnh gia đình ở nông thôn rất nghèo, khi mẹ anh đang có thai bị bệnh đã uống quá nhiều trụ sinh đã ảnh hưởng nặng đến bào thai, đến khi anh Hoàn được 2 tuổi lại mắc bệnh sởi. Hiện nay anh Hoàn chỉ cử động được hai tay, trí óc rất minh mẫn. Gospelnet xin trợ giúp một xe lăn của Trung Quốc còn mới nguyên, loại xếp được, trị giá 900.000 VND.

 

 

 

 

02. Em NGUYỄN THƯƠNG TÍN, sinh 1986, ngụ tại xóm 9, xã Nghi Kim, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Hoàn cảnh gia đình ở nông thôn rất nghèo. Em được thụ thai trong tình trạng cha mẹ đang bị nhiễm chất độc, khi sinh ra cho tới nay, em bị chậm phát triển tâm thần, không tập đi được, chỉ cử động hai tay rất yếu. Gospelnet xin trợ giúp một xe lăn của Trung Quốc còn mới nguyên, loại xếp được, trị giá 900.000 VND.

 

 

 

03. Ông NGUYỄN TRỌNG HUỆ, sinh 1956, ngụ tại ấp Hòa Yên, xã Thạch Thắng, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Ông bị viêm màng giác mạc, nhiễm trùng và bị vi nấm, gây thủng mắt bên phải, đã phải múc bỏ, nay lại có nguy cơ bị nhiễm trùng, có thể mất nốt con mắt còn lại bên trái, cần phải được giải phẫu ngay. Gospelnet xin trợ giúp số tiền 1.200.000 VND để lo liệu.

Tổng cộng cả 3 trường hợp là 3.000.000 VND đều do gia đình bác sĩ Vũ Bích Ðào và bà Diệu Lan ( Paris, Pháp ) vốn là người gốc Nghệ An, gửi tiền về trợ giúp. Xin thay mặt cha Hướng và gia đình các bệnh nhân tỏ lòng biết ơn quý ân nhân.

TRỠ GIÚP ÐẶC BIỆT CHO GIA ÐÌNH MỘT EM BÉ MỚI MỔ TIM

Như Gospelnet đã thông tin, cháu VŨ NGỌC BÍCH KHUYÊN, sinh 1994, con anh Vũ Ðức Hạnh và chị Nguyễn Thị Tuyết Hồng, bị bẩm sinh hẹp van tim phổi. Ngày 5.3 vừa qua, cháu đã được mổ, chi phí hết 50.000.000 VND, chưa kể các chi phí khác. Cha mẹ cháu vốn là gia đình nghèo, đã phải cầm cố và vay mượn mọi cách, may là đã được các soeurs Dòng Ða-minh Tam Hiệp và một ân nhân khác giúp đỡ, đến nay số nợ còn lại là 20.000.000 VND chưa biết phải xoay xở cách nào. Qua lời kêu gọi của Sr. Hồng Quế, trong Thánh Lễ hàng tháng của Nhóm Trí Tâm ( Sài-gòn ) vào chiều thứ sáu 2.5.2003, Linh Mục chủ sự đã mở lời kêu gọi trợ giúp. Ðến cuối Lễ, số tiền quyên góp được công bố là 2.000.000 VND. Xin nhờ Sr. Hồng Quế chuyển đến cho gia đình cháu Khuyên như một sự chia sẻ nho nhỏ với gánh nặng quá lớn hiện nay. Xin thay mặt gia đình cháu bé tỏ lòng biết ơn Nhóm Trí Tâm.