GOSPELNET

 

 

 

 

 

Text Box: NĂM THỨ BA, SỐ 113
CHÚA NHẬT 4.5.2003
 

 

 

 


CHÚA NHẬT 3 PHỤC SINH

TIN MỪNG: Lc 24, 35 - 48

 

Hai môn đệ về thuật lại những việc đã xảy ra dọc đường, và mình đã nhận ra Chúa thế nào khi Người bẻ bánh. Các ông còn đang nói, thì chính Ðức Giê-su đứng giữa các ông và bảo: "Bình an cho anh em !" Các ông kinh hồn bạt vía, tưởng là thấy ma. Nhưng Người nói: "Sao anh em lại hoảng hốt ? Sao còn ngờ vực trong lòng ? Nhìn chân tay Thầy coi, chính Thầy đây mà ! Cứ rờ xem, ma đâu có xương có thịt như anh em thấy Thầy có đây ?" Nói xong, Người đưa tay chân ra cho các ông xem.

Vì mừng quá, các ông vẫn chưa tin và còn đang ngỡ ngàng, thì Người hỏi: "Ở đây anh em có gì ăn không ?" Các ông đưa cho Người một khúc cá nướng. Người cầm lấy và ăn trước mặt các ông. Rồi Người bảo: "Khi còn ở với anh em, Thầy đã từng nói với anh em rằng tất cả những gì sách Luật Mô-sê, các Sách Ngôn Sứ và các Thánh Vịnh đã chép về Thầy đều phải được ứng nghiệm".

Bấy giờ Người mở trí cho các ông hiểu Kinh Thánh và bảo: "Có lời Kinh Thánh chép rằng: Ðấng Ki-tô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại, và phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giê-ru-sa-lem, kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội. Chính anh em là chứng nhân của những điều này".

SUY NIỆM 1:

"BÌNH AN CHO ANH EM !"

Ngày Con Thiên Chúa Giáng Sinh, các thiên thần hân hoan reo ca: "Vinh Danh Thiên Chúa trên Trời, Bình An dưới thế cho người thiện tâm" ( Lc 2, 14 ). Và hôm nay, Con Thiên Chúa Phục Sinh, niềm bình an đến trên nhân loại, không còn do thiên thần báo tin nữa, nhưng đã trở nên lớn lao và quan trọng: Chính Ðấng Phục Sinh trực tiếp trao ban. Trong các lần hiện ra cùng các Môn Ðệ, lời đầu tiên của Chúa Giê-su Phục Sinh luôn luôn là lời chúc bình an. Bài Tin Mừng hôm nay là một bằng chứng: Trong khi các môn đệ còn bán tín, bán nghi về những lần những người trong nhóm họ nói là đã thấy Chúa Phục Sinh, thì chính Người, Ðấng Phục Sinh ấy, bỗng dưng xuất hiện giữa họ. Lại một lần nữa, Chúa lên tiếng trớc hết: "Bình anh cho anh em".

Bình an, điều mà trong suốt cuộc đời rao giảng Tin Mừng Nước Trời, Chúa Giê-su đã từng rao giảng - Bằng chứng là trong Tám Mối Phúc Thật, thì Phúc thứ 7 nói đến hòa bình: "Phúc thay ai xây dựng hòa bình, vì họ sẽ được gọi là Con Thiên Chúa". Hay ở một chỗ khác: "Thầy ban BÌNH AN CỦA THẦY cho các con. Thầy ban KHÔNG NHƯ THẾ GIAN ban tặng" ( Ga 14, 27 ). Và còn nhiều những lần như thế.

Bình an có tầm mức quan trọng là thế. Không phải chỉ chờ đến lúc Chúa Giê-su nói, ta mới biết. Nhưng trong kinh nghiệm cuộc sống của từng người, ai mà không cảm nhận sự cần thiết vô cùng của sự bình an. Vậy mà có lần Chúa lại nói những điều xem ra rất khó nghe, rất chướng tai: "Ðừng tưởng Ta đến đem bình an cho trái đất. Ta đến không phải để đem bình an nhưng để đem gươm giáo" ( Mt 10, 34 ).

Hóa ra, Chúa Giê-su tự mình mâu thuẫn với chính mình ? Hay ở một khía cạnh khác, mang tầm mức xã hội hơn, rõ ràng Chúa Giê-su là một người hiếu chiến ? Và nếu thế thì Chúa Giê-su là tay thực dân, là tên xâm lược, giống như thời nay vẫn xảy ra ? Ðúng như thế hay ta còn phải hiểu thế nào về Lời của Chúa ?

Từ cuộc sống của chính Chúa Giê-su, ta dám khẳng định một điều: Người không hề có bất cứ một mảy may mâu thuẫn nào dù là lời nói hay hành động ! Trong đời giảng dạy - ba năm trường - Chúa Giê-su không dùng gươm giáo, không kêu gọi lật đổ chính quyền thực dân lúc đó. Người cũng không xâm chiếm lãnh thổ của ai, không cướp đất dành ranh giới của người nào. Nói cho cùng: Chúa Giê-su là người mang lại phúc cho đời, trước sau gì bản thân Người cũng vẫn là Phúc thật lớn nhất của nhân loại mà thôi.

Chẳng những không mâu thuẫn, dù lời của Chúa Giê-su có lẽ gay gắt, nhưng rất đúng: Vì chính Tin Mừng "bình an" này, chính mối Phúc Thật thứ 7 này gây nhiều xáo trộn, nhiều chia rẽ. Trước hết cho chính bản thân: có ai muốn sống Lời Chúa, muốn chu toàn lề luật mà không bị giằng co, không phải chiến đấu với bản thân. Nhất là những lần đối diện với cám dỗ, với chính con người đầy yếu đuối, bất toàn của mình. Có ai sống Lời Chúa mà không thoát khỏi những lúc phải từ bỏ chính bản thân, hay phải chết đi cho những đam mê, cho khoái lạc, dục vọng thấp hèn... Và khi vượt qua để chiến thắng những gì là chưa tốt như thế, cũng có nghĩa là ta đã sống Lời Chúa. Chính lúc ấy, hơn ai hết, hơn bao giờ hết, ta cảm nhận bình an, cảm nhận niềm vui chan chứa trong tâm hồn và trong từng ngày sống của ta.

Ðó là nơi bản thân. Trong tương quan với anh chị em, Lời Chúa có thể làm ta rơi vào sự thù oán, hay ít là ghen ghét, khi ta không cùng a dua, không "cùng hội cùng thuyền" với những người sống thiếu lương thiện, sống mà không kể gì đến Thiên Chúa. Từ ngàn xưa, Sách Ngôn Sứ Giê-rê-mi-a đã cho ta những bài học quí giá về một cuộc sống thiếu bình an khi phải sống Lời Chúa, khi phải giữ trọn lề luật của Người. Ta hãy nghe Ngôn Sứ Giê-rê-mi-a tâm sự: "Kẻ gian ác nói: Hãy đến đây, ta cùng nhau bàn mưu tính kế hại Giê-rê-mi-a. Vì thiếu tư tế, lề luật không chết, thiếu hiền nhân, không thiếu ý kiến, thiếu ngôn sứ, không thiếu lời dạy bảo. Ðến đây, ta hãy dùng lời nó mà hại nó" ( Gr 18, 18 ).

Vì phải sống và loan báo Lời Chúa, Ngôn Sứ đã bị người đời ghét bỏ, chống đối, và thù hận đến mức có những lúc ông đau khổ một cách tuyện vọng, chỉ còn biết than thân trách phận: "Thật đáng nguyền rủa ngày tôi được sinh ra. Ngày mẹ tôi sinh ra tôi không đáng được chúc lành. Tại sao tôi lại không chết ngay trong lòng mẹ, để mẹ tôi nên nấm mồ chôn tôi, và lòng bà cưu mang tôi mãi mãi ? Tôi đã lọt lòng mẹ để làm chi ? Phải chăng chỉ để thấy toàn gian khổ buồn sầu, và thấy cuộc đời qua đi trong tủi hổ" ( Gr 21, 14. 17 - 18 ).

Ðó là số phận của những người ngay lành, những người chỉ biết lấy Lời Chúa làm lẽ sống cho mình. Ðúng như Chúa đã nói: "Ta đến không phải đem bình an, nhưng đem gươm giáo". Bởi thế bình an mà Ðấng Phục Sinh trao ban chỉ có thể là bình an của những người biết phó thác cuộc đời mình cho Chúa. Chỉ có phó thác, chỉ có đặt tất cả cuộc đời, tất cả lòng tin và sự sống trong tay Chúa, ta mới có bình an thật trong tâm hồn của mình, dẫu trên thân xác ta đầy vết tích, cuộc đời ta đầy thử thách, đường đời ta đi đầy chông gai.

Chúa Ki-tô đã chẳng phải như thế sao, khi chính Người đã bị cuộc đời vùi giập ? Dẫu là đau đớn đến cùng cực, dẫu là cái chết bầm da, xé thịt, hay mọi đắng cay nhục nhã và ê chề đến đâu đi nữa, Chúa Giê-su vẫn một lòng phó thác chính bản thân Người cho thánh ý Chúa Cha, cho tình yêu của Chúa Cha. Lúc mà trên thân thể hằn lên nỗi đau bao nhiêu là chính lúc nhờ sự phó thác, Chúa Giê-su lại càng có được bình an tận tâm hồn bấy nhiêu.

Ta hãy xin Chúa ban bình an cho ta, không phải thứ bình an trên thân xác, càng không phải bình an do của cải, quyền thế, danh giá... mang lại, nhưng là bình an của tâm hồn để trong mọi lúc, mọi hoàn cảnh của đời người, ơn bình an ấy sẽ giúp ta càng thánh thiện, càng trung thành với Chúa hơn, dẫu là lúc ta vui hay buồn, sướng hay khổ, dẫu là hoàn cảnh nào đi nữa.

Lm. JB. NGUYỄN MINH HÙNG, Giáo Phận Phú Cường

SUY NIỆM 2:

NHỮNG BÓNG MA TƯỞNG TƯỠNG

Trước khi dâng mình cho Chúa, Thánh An-phong là một luật sư lỗi lạc. Người rất nổi danh vì tài hùng biện và vì lý luận đanh thép sắc bén. Nhờ tài ba, Người đã thành công trong rất nhiều vụ án hiểm hóc. Nhưng một hôm, Chúa đã để cho Người phải thất bại. Trong một vụ án mà Người thấy là đơn giản, dễ dàng, Người đã bị thua một cách thảm hại. Trước thất bại cay đắng đó, Người thấy như cả bầu trời sụp đổ. Danh tiếng phút chốc tan như mây bay. Uy tín bị cuốn đi trong làn gió thoảng. Cả một màn đen tối u ám phủ xuống cuộc đời.

Chẳng còn biết tìm an ủi ở nơi nào khác, Thánh An-phong quay về bên Chúa, chìm đắm trong lời kinh cầu nguyện. Nhờ ơn Chúa, Người tìm được niềm bình an. Hơn thế nữa, Người nghe được tiếng Chúa mời gọi đi vào con đường Chúa muốn. Từ đó, Người hiến thân trọn vẹn để phục vụ Chúa, Người đã trở thành linh mục, giám mục và lập ra Dòng Chúa Cứu Thế. Sau này, khi nhìn lại, Người hiểu rằng chính Chúa đã hiện diện trong những thất bại để đưa Người về con đường theo ý Chúa. Chính Chúa đã dùng những đau khổ để huấn luyện Người trong đức khiêm nhường phó thác. Chính bàn tay Chúa đã hạ Người xuống trong danh vọng trần thế để nâng Người lên trong vinh quang Nước Trời.

Trong sách Tin Mừng ta thấy thuật lại nhiều trường hợp tương tự. Khi thuyền của các Môn Ðệ đang vất vả vượt qua sóng gió, Ðức Giê-su đi trên mặt biển đến với các ông. Các ông tưởng là ma nên càng sợ hãi hơn. Nhưng đó chính là Ðức Giê-su. Người làm cho biển êm sóng lặng và thuyền các ông tới bến bình an... Có lần Ðức Giê-su cùng ở trên thuyền với các ông, nhưng Người ngủ say đến nỗi sóng gió dữ dội mà vẫn không hay biết gì. Các ông hoảng hốt đánh thức Người dậy. Và Người đã đe sóng gió khiến chúng phải im lặng.

Hôm nay cũng thế, Người đến bất ngờ khiến các Môn Ðệ sợ hãi. Họ đang bị cái chết đau thương của Người ám ảnh. Nên khi Người đến họ tưởng là ma hiện hình. Ðức Giê- su phải trấn an họ. Cho họ xem những vết thương ở tay chân. Cùng ăn uống với họ và giải nghĩa Thánh Kinh cho họ. Nhờ thế, họ được bình an, được vui tươi và tin tưởng.

Trong đời sống chúng ta cũng thế. Rất nhiều lần trong đời ta tưởng Chúa là bóng ma đến đe doạ đời sống ta. Có những biến cố lịch sử làm đảo lộn đời ta, tưởng chừng như đưa cuộc đời ta vào ngõ cụt. Nhưng không ngờ chính Chúa dùng biến cố lịch sử dẫn đưa ta vào một con đường mới theo thánh ý Chúa. Có những khi ta gặp thất bại ê chề tưởng chừng như không còn gượng dậy nổi. Nhưng không ngờ chính Chúa đã dùng thất bại để cảnh tỉnh ta, giúp tâm hồn ta vươn lên trong một đời sống mới cao cả tươi đẹp hơn. Có những khi ta gặp phải những nỗi đau buồn tê tái tưởng như chết đi được. Ta cứ tưởng Chúa đã bỏ rơi ta. Nhưng không ngờ chính Chúa hiện diện trong những đau buồn đó để giúp ta sống trưởng thành, sâu xa, phong phú hơn.

Khi Ðức Tin các Tông Ðồ còn yếu kém, họ tưởng Chúa là ma. Khi Ðức Tin đã được củng cố, các ngài mới thấy Ðức Giê-su là có thực. Ðức Tin của các Tông Ðồ đã được củng cố nhờ được gặp gỡ tiếp xúc thân mật với Ðức Giê-su và được nghe Người giải nghĩa Thánh Kinh. Ðức Tin của ta còn rất non yếu. Ta hãy biết bắt chước các Tông Ðồ củng cố Ðức Tin bằng cách năng gặp gỡ Ðức Giê-su. Hãy đến gặp Người trong Thánh Lễ. Hãy đến gặp Người trong giờ kinh tối trong gia đình. Nhất là hãy đến gặp Người trong những giờ cầu nguyện riêng tư, một mình đối diện tâm sự thân mật với Chúa.

Hãy củng cố Ðức Tin bằng cách học hỏi Thánh Kinh. Ðọc Thánh Kinh hằng ngày để hiểu biết Chúa hơn. Suy niệm Thánh Kinh để tìm ra Thánh Ý Chúa. Và nhất là hãy biết thực hành Lời Chúa dạy trong đời sống hằng ngày. Khi đã gặp gỡ Chúa và đã thấu hiểu Lời Chúa, ta sẽ chẳng còn bị những bóng ma ám ảnh. Ta sẽ nhìn thấy Chúa trong tất cả các biến cố vui buồn của đời sống. Cuộc sống ta sẽ tràn đầy niềm vui và niềm bình an.

Lạy Ðức Giê-su Phục Sinh, con tin Chúa đang ở bên con. Con xin phó thác cuộc đời con trong tay Chúa.

Gm. NGÔ QUANG KIỆT, Giáo Phận Lạng Sơn

SUY NIỆM 3:

NIỀM TIN PHỤC SINH

Nối tiếp ý tưởng của Chúa Nhật tuần trước, các bài Kinh Thánh hôm nay đề cập đến quá trình củng cố và phát triển niềm tin Phục Sinh.

Trong sách Tin Mừng Lu-ca, đoạn chúng ta vừa nghe tiếp vào câu chuyện Ðức Ki-tô Phục Sinh hiện ra cho hai môn đệ làng Em-mau. Hai ông đã nhận ra Ngài khi cùng vào quán với Ngài và trông thấy Ngài bẻ bánh, trao cho các ông. Ngài vừa biến mất, hai ông vội trở lại Giê-ru-sa-lem cốt báo tin vui cho các Tông Ðồ có lẽ chưa biết gì cả. Nhưng trước khi hai ông nói, các Tông Ðồ kia đã lên tiếng trước, báo cho hai ông biết Ðức Giê-su đã hiện ra cho Phê-rô, nghĩa là Ngài đã sống lại thật. Kế đó, hai ông mới thuật lại sự việc liên quan đến mình. Chính lúc đó, Ðức Giê-su hiện đến. Vậy mà thật đáng ngạc nhiên, các Tông Ðồ lại kinh hồn bạt vía, chẳng một ông nào hồ hởi vui mừng. Rõ ràng các ông vẫn chưa tin. Chúa thấy ngay hai nỗi khó của các Tông Ðồ:

Một là khó tin có chuyện người chết sống lại. Có lẽ, cũng như nhiều người Á Ðông chúng ta, người Do-thái và các Tông Ðồ chỉ có một niềm tin lờ mờ về đời sau, họ quan niệm khi chết là con người đi vào kiếp khác, thỉnh thoảng hồn một số người chết hiện về. Tuyệt nhiên không bao giờ có người đã chết còn sống lại. Do đó khi Ðức Giê-su hiện ra, các ông khiếp vía, chỉ tưởng đó là hồn của Ngài, hoặc đó là ma hiện. Ðể đánh tan nghi ngờ này của các ông, thuyết phục các ông và làm cho các ông tin, Ngài đã dùng những cách cụ thể: Ngài cho họ xem chân tay, xem thân mình bằng xương bằng thịt của Ngài và ăn thật sự trước mặt các ông.

Nhưng Ngài lại thấy nỗi khó thứ hai, các Tông Ðồ chưa hiểu vì sao Ngài phải chịu thương khó rồi mới được Phục Sinh vinh quang, Ngài giải toả bằng cách nhắc lại các sách Cựu Ước, giúp các ông hiểu rằng suốt lịch sử Ít-ra-en, Thiên Chúa đã từng dày công dạy cho Dân Người đã tuyển chọn, biết con đường hy sinh, chịu gian khó, để được sống và đạt hạnh phúc. Chẳng hạn qua việc cho dân Ít-ra-en thấy giữ luật Người và trung thành với Giao Ước thì được hưởng bình an thịnh vượng, phản bội Giao Uớc, ưa sự thong dong, chiều theo các đam mê thì gặp khốn đốn hay bị lưu đầy, nhất là qua khuôn mặt của Người Tôi Tớ Thống Khổ, bị bắt bớ, phải ô nhục nhưng sẽ đạt vinh quang và thực thi Kế Hoạch Cứu Thế.

Vậy Chúa đã cố gắng đánh tan hai nỗi hoang mang nghi ngờ của các Tông Ðồ và ân cần củng cố niềm tin Phục Sinh cho các ông.

Sở dĩ Ngài ân cần với các ông, chính vì Ngài ưu ái các ông, dành cho các ông một tình thương đặc biệt, và Ngài muốn sau khi vững tin, các ông sẽ trở nên những chứng nhân kiên cường, lên đường loan báo Tin Mừng, để tất cả nhân loại được biết Tin Mừng ấy và được cứu độ. Ðó là mục tiêu chủ chốt Ngài nhắm. Có điều là khi hành động, Chúa tỏ ra dịu hiền, tế nhị, không rùm beng, không áp đặt, mà tôn trọng sự tự do phía các Tông Ðồ cũng như phía mỗi người sau này.

Và ta thấy Chúa đã thành công: sau lúc đầu kinh hoàng nghi ngờ, các Tông Ðồ đã tin thật và ít lâu sau, các ông được đầy Thánh Thần, sẽ hoàn toàn đổi thay: thánh Phê-rô mạnh dạn làm chứng và quả quyết: "Thiên Chúa đã tôn vinh Tôi Trung của Người". Rồi cũng như Ðức Giê-su Phục Sinh, Người sẽ giải thích cho những người dồng hương Do-thái hiểu đường lối lạ lùng của Thiên Chúa, từng khiến họ sai lầm, không nhận ra Ðấng Thiên sai, còn ruồng rẫy Ngài và đòi đóng đinh Ngài vào thập giá. Nhờ tình thương của Chúa, niềm tin Phục Sinh được củng cố và được truyền đạt đến chúng ta.

Thái độ của chúng ta hôm nay trước hết là tạ ơn Chúa vì sự xác thực của Niềm Tin Phục Sinh. Nhờ Chúa hiện ra nhiều lần, mạc khải ngày càng rõ hơn và dùng nhiều cách thức chứng minh, thuyết phục, các thánh Tông Ðồ đã đạt tới một đức tin vững vàng, có nền tảng chắc chắn. Do đó ta hãy tin vững, bám chắc Mầu nhiệm Phục Sinh. Rất nhiều người thời nay cho là niềm tin của ta có tính cách mê tín hoặc hoang đường, ta không việc gì khủng hoảng và mặc cảm. ta đã nhận lời chứng rõ ràng của các thánh Tông Ðồ rồi. Phía ta cũng không lý luận theo lý sự của con người để nghi ngờ những tín điều trong Hội Thánh. đặt lại vấn đề về những điều mình đang tin. Trái lại, trước mọi chê bai, tấn công, thậm chí bách hại nếu có, ta hãy cứ vững như đồng trong niềm tin Phục Sinh.

Thái độ thứ hai là ta chấp nhận đường lối lạ lùng của Chúa đối với Hội Thánh hoặc đối với cá nhân ta. Khi hiện ra với các Tông Ðồ, Chúa đã giúp các ông hiểu một điều khó chấp nhận là Ngài phải chịu thương khó và chết nhục nhã trên thập giá rồi mới được Phục Sinh vinh quang. Cũng thế, nhiều lúc Hội Thánh bị chỉ trích, bị bắt bớ. Ta khó hiểu tại sao lại có sự kiện ấy. Hoặc trong đời ta, có khi Thiên Chúa cũng làm những điều khó hiểu, ví dụ gởi đến cho ta một cơn bệnh, một thất bại, một thua thiệt, ta khó chấp nhận rằng đó là những điều do Chúa an bài, và đó chính là những hồng ân Chúa ban. Rồi ta cũng khó chấp nhận anh chị em bên cạnh ta, những người ăn xin, những kẻ nghèo khó, lại chính là hiện thân của Chúa. Ðó là những điều khó chấp nhận. Nhưng nhìn vào Chúa Giê-su, ta hãy hiểu cách hành động của Thiên Chúa, hãy nhớ lại Kinh Thánh và lịch sử Ít-ra-en, trong đó Thiên Chúa đã dạy con người suốt hàng ngàn năm trường, đã kiên trì giúp con người hiểu về con dường hẹp, đưa đến vinh quang, hiểu về tinh thần từ bỏ, khiêm nhường, hèn hạ, để ta bình tâm chấp nhận những điều khó hiểu do Thiên Chúa gởi đến.

Và cuối cùng, trong Năm Thánh Hóa Gia Ðình, mỗi gia đình Công Giáo chúng ta hãy có chương trình và quyết tâm đọc và tìm hiểu Kinh thánh nhiều hơn, lắng nghe các bài Lời Chúa trong các Thánh Lễ một cách chú ý hơn, cũng như giúp mọi phần tử trong gia đình tập luyện tinh thần hãm mình, hy sinh, để hiểu về Chúa hiểu giá trị của đường lối và tinh thần Chúa và để nên chứng nhân cho Chúa trong thời đại ngày nay. Ðó chính là cách chứng tỏ ta tin và sống mầu nhiệm Phục Sinh, ta hiểu và thể hiện tinh thần của Ðấng Phục Sinh.

Lm. An-tôn TRẦN THẾ PHIỆT, DCCT

CHỨNG TÁ:

PHỤC SINH

Một linh mục Brazil thuật lại một kinh nghiệm Phục Sinh của mình như sau:

"Mỗi ngày, khi đi ngang qua một con đường ở Rio de Janeiro, tôi đều thấy một người đàn ông còn trẻ ngồi dựa lưng vào tường, chìa tay xin ăn. Ông ta không đi được vì đôi chân bị tật. Vì qua lại khá thường, nên sự hiện diện và số phận của người ăn xin què quặt không làm tôi bận tâm suy nghĩ: thế nào là không đi được".

Nhưng một ngày kia, số phận của ông ta bỗng đánh động tâm hồn tôi mãnh liệt. Nhất là khi dừng lại đằng xa quan sát tôi thấy có bao nhiêu người đi ngang qua mà hình như không trông thấy ông. Tôi quyết định đến nói chuyện và hỏi ông: "Ông có thể đứng dậy được không ? Ông có muốn đi không ?" Ông ta đưa cặp mắt mệt mỏi nhìn tôi dò xét và khi đọc được sự thành thật trên khuôn mặt của tôi, ông ta nói: "Tôi luôn luôn hy vọng là một ngày nào đó cuộc đời tôi sẽ đổi mới. Dĩ nhiên tôi sẽ đi được nhưng chi phí mua sắm những dụng cụ quá đắt làm sao tôi với tới. Vì thế không còn cách nào hơn là đành quên giấc mơ có thể đi được". Nghe xong tâm sự của ông, tôi xiết chặt tay ông giã từ và hứa: "Một ngày gần đây, giấc mơ của ông sẽ thành sự thật".

Trong bài giảng Thánh Lễ Chúa Nhật sau đó, tôi thuật về số phận của ông ăn mày và đề nghị côïng đoàn hãy làm một cái gì để giúp ông ta. Một cuộc lạc quyên được tổ chức và tôi vui mừng khi thấy số tiền quyên góp được vượt quá chi phí của cặp nạn và đôi chân nhân tạo. Người hành khất càng hân hoan hơn khi tôi báo tin mừng: ông được chuyên chở ngay đến một bệnh viện đặc biệt và trong những tuần lễ kế tiếp, ông cố gắng tập đi đứng một mình.

Lễ Phục Sinh đến. Tôi đi mời ông dự lễ và dành cho ông một chỗ đặc biệt gần bàn thờ. Trong bài giảng hôm ấy, tôi lại đề cập về ông đại ý như sau: "Chúa Giê-su đã Phục Sinh để sống một cuộc sống mới. Ngài sẵn sàng ban cho chúng ta thông phần vào khả năng trao tặng nhau những cuộc sống mới. Nhờ lòng hảo tâm của anh chị em, ông bạn của chúng ta đã được ban cho một cuộc sống mới". Nói đến đây, tôi mời ông đứng dậy để giới thiệu ông với cộng đoàn mà kể từ nay ông đã trở nên một phần tử. Ông đứng dậy và chống nạng đi trước mặt mọi người. Tôi cảm thấy bầu khí Nhà Thờ lúc ấy tràn đầy sức sống".

Tin mừng thuật lại như sau: sau mẻ lưới đầy cá, Chúa Giê-su mời các Môn Ðệ cùng điểm tâm với Ngài và Ngài đã cầm lấy bánh và cá trao cho các ông ăn. Phần các Môn Ðệ, tuy không giám hỏi, nhưng họ biết rõ đó là Ngài. Ðây là phương thế Chúa Giê-su tiếp tục hiện diện giữa những kẻ tin vào Ngài trải qua mọi thời đại: tự nhiên như trong một bữa ăn thân mật, nhưng muốn cảm nghiệm sự hiện diện của Ngài, chúng ta phải noi gương Ngài chia sẻ cho nhau tất cả những gì mình có.

Trích LẼ SỐNG, Ðài Chân Lý Á Châu

CHIA SẺ:

CẢM NHẬN SAU MỘT CHUYẾN ÐI

Lạy Chúa, con là một thành viên của lớp Sư Phạm Giáo Lý ở DCCT Sài-gòn. Con được đến với khoá học này, là một hồng ân mà Chúa đã ban tặng cho con. Con còn nhớ trước đây, khi con rời xa gia đình và bạn bè để lên Sài-gòn học tập, lúc đó con rất bỡ ngỡ, rất thiếu vắng tình cảm từ những người thân. Nhìn mọi người, mọi cảnh vật xung quanh con đều xa lạ. Chính vì vậy con cảm thấy buồn và cảm thấy yếu đuối trước cảnh đời đó, nhiều lúc con bị lôi cuốn vào các thói hư tật xấu.

Tuy nhiên, con xác tín một điều: nhờ có Chúa luôn ở bên cạnh mà con đã vượt qua được, con cảm nhận được Ngài đang ở trong con, đang đồng hành với con để dẫn dắt con và thật vậy, giờ đây chính Ngài đã dẫn dắt con vào một thế giới của tình yêu qua lớp học dễ thương này.

Ðến với lớp, con được trau giồi thêm kiến thức từ quý Cha, quý Thầy, các Sơ và các anh chị Giáo Lý viên. Chỉ trong 3 tuần đầu của lớp Giáo Lý mà con đã học hỏi được rất nhiều điều hay, nhiều kinh nghiệm sống và qua đó con đã nhận được rất nhiều niềm vui. Ðặc biệt là qua đợt đi giao lưu, với các anh chị Giáo Lý Viên ở Giáo Xứ Chính Tâm, xã Gia Tân, huyện Ðức Linh, tỉnh Bình Thuận, thuộc Giáo Phận Phan Thiết. Ðây là một chuyến đi mà con khó có thể quên được, bởi chuyến đi này là một kỷ niệm mà Chúa đã gởi đến cho con, nó như một món quà mà con phải trân trọng cất giữ.

Chúa gởi đến cho con những người anh em của Giáo xứ Chính Tâm, gửi đến cho con những người nông dân lao động bình thường giản dị, nhưng họ lại có được một tấm lòng bác ái yêu thương. Chính những người này họ đã chia sẻ cơm bánh cho chúng con, chia sẻ kinh nghiệm sống, kinh nghiệm giảng dạy Giáo Lý và sự hoà đồng trong sinh hoạt của họ đã giúp chúng con được tự tin trước đám đông.

Chúa đã gởi đến cho con cái nắng gay gắt của tháng ba, để gợi lên cho con một sự đồng cảm về thiên nhiên, tại đây có những con người nông dân chân lấm tay bùn đang vất vả lao động ngoài đồng để kiếm sống cho gia đình và bản thân họ. Ðể làm dịu đi những vất vả, mệt nhọc dưới cái nắng gay gắt đó, thì Chúa đã cho chúng con được tận hưởng một dòng nước trong xanh, mát lạnh để chúng con cảm nhận được đó chính là tình yêu của Chúa. Chính Chúa là Nguồn Nước làm tươi mát lại tâm hồn đang giữa mùa hạn hán của chúng con, bởi chúng con luôn cần đến Chúa.

Và giây phút cuối cùng trong ngày hôm đó là sự chia tay, chúng con chia tay trong sự lưu lquyến và thương nhớ, chúng con tạm biệt nhau trong những lời chúc chân thành và tốt đẹp nhất. Khi xe bắt đầu chuyển bánh chúng con giơ tay vẫy chào nhau. Giờ đây chúng con lại trở về với thành phố đông vui, nhộn nhịp nhưng chúng con không thể nào quên được những con người giàu tình cảm và kiên vững trong Ðức Tin nơi mảnh đất khô cằn của giáo xứ Chính Tâm.

Lạy Chúa, xin liên kết chúng con lại với nhau và giúp mỗi người trong anh chị em chúng con trong lớp Giáo Lý này biết mở rộng vòng tay yêu thương, để đón nhận những gì mà Thánh Ý Chúa gởi đến cho mỗi người chúng con. Amen.

Phê-rô TRẦN NGỌC KHỞI

THÔNG TIN:

NHỮNG KHOẢN TIỀN VÀ VẬT PHẨM ÂN NHÂN MỚI CHIA SẺ

- Một Phật Tử gốc Huế, qua đời, giúp học bổng các em nghèo gốc Miền Trung . . . . . . . . . . . . . . . . . . .  600 EUROS

- Một Linh Mục ẩn danh ( Sài-gòn ) giúp người nghèo  . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .  .  300.000 VND

- Anh Hoàng Huy Trần ( Sài-gòn ) giúp học bổng sinh viên nghèo  . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . 200.000 VND

- Một ân nhân ẩn danh ( An Giang ) giúp người nghèo  . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .  .  200.000 VND

- Bác sĩ Phan Minh Hiển ( Pháp ) giúp người nghèo  . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .  .  . . .200 EUROS

- Một ân nhân ẩn danh ( Sài-gòn ) giúp các bệnh nhân nghèo  . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . 100 USD

NHỮNG KHOẢN TIỀN VÀ QUÀ TRỠ GIÚP ÐỘT XUẤT

- Bà Ðặng Thị Mến ( Toronto, Canada ) giúp người nghèo ở làng Quèn Gianh  . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . 2.000.000 VND

- Bà Nguyễn Thị Dung ( Toronto, Canada ) giúp người nghèo ở làng Quèn Gianh  . . . . . . . . . . . . . . . . . 500.000 VND

- Bà Pan Nuoa ( Canada ) giúp người nghèo ở làng Quèn Gianh  . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . 200.000 VND

- Giúp tiền điều trị cho một bệnh nhân nghèo thoái hóa cột sống ( Sài-gòn ) . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .  100.000 VND

- Giúp cho gia đình cháu Vũ Ngọc Bích Khuyên sau khi được mổ tim  . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .  200.000 VND

- Giúp tiền điều trị cho một bệnh nhân nghèo bị tim mạch ( Sài-gòn ) . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . 200.000 VND

- Giúp tiền điều trị cho một bệnh nhân nghèo bị bướu cổ ( Sài-gòn ) . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . 200.000 VND

- Giúp một bệnh nhân nghèo ( Sài-gòn ) thiếu tiền để mổ cườm con mắt thứ hai  . . . . . . . . . . . . . . . . . .  100.000 VND

- Giúp tiền cấp cứu bệnh viện cho anh Ðoàn Văn Long ( Long Khánh ) . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . 400.000 VND

- Giáo Lý Viên Nhà Thờ Regina Mundi giúp bữa cơm Sa-bát cho anh em dân tộc ở Nha Trang  . . . . . . . .  300.000 VND

THÔNG TIN ÐẶC BIỆT VỀ VIỆC CỨU ÐÓI LÀNG QUÈN GIANH, TỈNH HÀ TÂY

Gospelnet vừa nhận được những chia sẻ hết sức sống động về làng Quèn Gianh của thầy Phó Tế Giu-se Nguyễn Văn Thật, DCCT, từ Hà Nội gửi vào. Xin tổng hợp và thông tin ngay để quý độc giả và ân nhân gần xa có thể đồng cảm và quảng đại trợ giúp.

Chếch về phía Tây Nam của Hà Nội, xuôi theo quốc lộ 6, rồi qua quốc lộ 22, tất cả phải vượt chặng đường dài khoảng 70 km, đến vùng giáp ranh giữa tỉnh Hà Tây và tỉnh Hòa Bình, nếu rẽ trái thì đến Chùa Hương, nếu rẽ phải đi thêm mấy km nữa thì đến được làng Quèn Gianh, một địa danh chưa hề được ghi nhận trên bản đồ địa chính. Cả làng chỉ gồm có 13 nóc nhà. Nói là nóc nhà nhưng kỳ thực họ làm gì có nhà. Nói cho đúng là 13 cặp vợ chồng, với khoảng 100 nhân danh già trẻ lớn bé đủ cả. Họ không có nhà để ở, phải ở trong hang núi như một "bộ lạc" người Kinh thuần tuý, có lẽ đành phải dùng thành ngữ "ăn hang ở lỗ" của người xưa để tả cho đúng nghĩa.

Lần ngược lại quá khứ 50 năm về trước, nguyên thủy vỏn vẹn chỉ có mấy gia đình người dân tỉnh Hòa Bình, tránh bom thời kháng chiến chống Pháp, không biết chạy tỵ nạn thế nào mà giạt vào vùng hang động này. Rồi cứ thế mấy đứa bé lớn lên, dựng vợ gả chồng cho nhau, lại sinh con đẻ cái mà thành cả một... bộ tộc ! Cái tên Quèn Gianh có lẽ phát xuất từ một chữ Việt cổ để nói về một vùng đất nằm kẹp giữa khe núi, có thể là nơi đây cũng mọc hoang đủ loại thứ cỏ gianh chăng ?

Ðúng vào Năm Thánh 2000, sau khi bất ngờ khám phá ra "bộ lạc" Quèn Gianh, Nhóm Ðồng Tâm của ông bà cố cha Vũ Khởi Phụng, DCCT, đã quyên góp các ân nhân ở Hà Nội và các nơi khác được một khoản tiền để làm tạm cho họ một số căn nhà, số còn lại vẫn vậy. Rồi dần dần từng chút một, các gia đình đã rời bỏ hang núi để ra lập cư bên ngoài. Ban đầu, vì đã quen với sơn lam chướng khí của hang động, nay ra ở nhà cửa đàng hoàng, họ lại lăn ra bệnh, mãi rồi mới ổn định.

Nói đến Quèn Gianh, có không ít những chuyện nghe như giai thoại mà lại có thật 100 %. Ví dụ: về áo mặc, một hôm bà cố cụ Phụng cho chị kia một bộ quần áo, thì hai chị em mặc chung nhau, cứ hôm nay chị mặc áo thì em mặc quần; ngược lại, ngày mai chị mặc quần em mặc áo. Anh lái xe cho Nhóm vào thăm, thấy cánh đàn ông trong làng, thương quá, cho họ một bộ com-lê đã cũ mèm, thế mà họ cứ treo đó chứ chẳng bao giờ dám mặc. Hỏi ra thì họ bảo đẹp quá không dám mặc, chỉ để ngắm thôi cũng vui ! Ðiện đương nhiên là không có rồi, có giúp cho họ đèn thì phải giúp thêm cho họ dầu hôi để thắp nữa...

Ðược Ðức Hồng Y khuyến khích, Nhóm Ðồng Tâm và bà con Giáo Xứ Thái Hà của DCCT ở Hà Nội thỉnh thoảng lại tự nguyện quyên góp đưa gạo cứu tế đến cho mỗi nhà 5 ki-lô. Người Quèn Gianh mừng lắm, mắt đang mờ đi vì nói, bỗng như sáng hẳn ra, nhưng khi bảo họ ký vào sổ thì họ cứ nhìn nhau, gạo thì muốn nhận lắm, nhưng ký nghĩa là gì thì không ai hiểu phải làm sao bây giờ ! Cuối cùng hỏi ra mới biết: cả làng từ già chí trẻ, không ai biết một chữ bẻ đôi !

Ấy vậy mà về chuyện đạo nghĩa thì lại thêm một bất ngờ sửng sốt: vì vốn là người Công Giáo, trong suốt 50 năm qua, người bộ lạc Quèn Gianh vẫn cứ cha truyền con nối, Giáo Lý biết được đến đâu thì cứ đem ra mà dạy cho lũ trẻ, đọc kinh đọc hạt đầy đủ một cách trung thành dù không biết đọc biết viết, dù không có lấy một cuốn sách kinh. Một ông được bầu làm trưởng làng chịu trách nhiệm cử hành Bí Tích Thánh Tẩy cho trẻ em mới sinh thật chu đáo, đúng phép, đúng nghi thức ngày xưa. Thành ra, Quèn Gianh là một... bộ lạc toàn tòng Công Giáo !

Là một vùng núi hiểm hóc, trong một thung lũng vòng quanh là núi đá vôi bao bọc. Mùa nóng thì nóng khủng khiếp, mùa lạnh thì chỉ thiếu tuyết rơi mà thôi. Xung quanh chẳng thấy có một thứ cây rau củ quả gì sống nổi với loại thời tiết khí hậu khắc nghiệt này. Mang cho họ mấy cây bắp xú thì, không biết phải kiếm từ nào diễn tả hết nỗi vui sướng của họ.

Dịp Tết Nguyên Ðán năm 2001, một vài anh chị em vào thăm tặng bánh chưng mới biết là lâu nay họ ăn Tết chỉ với mấy củ sắn ( khoai mì ) ! Lúc ra về cả làng tiễn nhóm cả một cây số đi bộ. Cả trẻ lẫn già cứ van xin nhóm cho người vào dạy cho họ biết đọc "con chữ". Sau chuyến đi này, nghe thuật lại sự tình đáng thương đó, Ðức Hồng Y đã viết ngay một lá thư đề ngày 15.5.2001 gởi cho cha Trịnh Ngọc Hiên, Bề Trên DCCT Hà Nội. Và kể từ đó, các anh em DCCT Hà Nội đã được chính thức sai đi, mỗi tuần chạy xe Honda về giúp xóa mù chữ và dạy thêm Giáo Lý căn bản cho người làng Quèn Gianh.

Ngày 15.4.2003 vừa qua, anh em DCCT đi cùng một số anh chị em Giáo Dân nhiệt thành khác vào thăm Quèn Gianh, mang theo 400 kg gạo và một ít bột ngọt để trợ giúp mới biết là họ đã hết gạo từ lâu rồi, hiện giờ đang phải vay lãi các bản làng bên cạnh. Nhanh nhất là một tháng rưỡi nữa thì mới thu gặt được trên một vài mảnh ruộng nhỏ ở chân núi.

Về văn hóa, tới nay đã có được nhiều em biết đọc, biết viết. Quần áo tương đối tạm ổn, mùa nóng thì không lo lắm, mùa rét cũng không đến nỗi co ro. Riêng về chỗ ở, năm vừa rồi đã xin được một ít tiền xây thêm được 3 căn nhà mới cho ba gia đình. Trong tương lai, hy vọng có thể làm cho Quèn Gianh một cây cầu và tu sửa lại con đường từ đê vào làng hết khoảng 10.000.000 VND. Năm nào vào mùa nước lên cũng ngập lụt, làng bị cô lập như một hòn đảo...

Số tiền 2.700.000 VND của quý ân nhân từ Canada gửi về và do Gospelnet chuyển ra, đã được dùng để mua gạo cứu trợ ngay. Rất mong quý độc giả và ân nhân gần xa tiếp tục chia sẻ giúp đỡ. Tại Sài-gòn, xin liên hệ trực tiếp với Linh Mục Lê Quang Uy, DCCT, 38 Kỳ Ðồng, phường 9, quận 3, ÐT: 08.9.319.835, E-Mail: ttmvcssr@hcm.vnn.vn Tại Hà Nội, xin liên hệ với Linh Mục Trịnh Ngọc Hiên, DCCT, 180 / 2 Nguyễn Lương Bằng, phường Quang Trung, quận Ðống Ða, ÐT: 04.8.511.239, E-Mail: josephhien@fpt.vn

TRỠ GIÚP ÐẶC BIỆT CHO MỘT EM SINH VIÊN NGHÈO Ở SÀI-GÒN

Như Gospelnet số 106 ra ngày 23.3.2003 đã thông tin, anh Hoàng Huy Trần, đã nhận trợ giúp hàng tháng số tiền 200.000 VND bắt đầu từ tháng 3.2003 cho bạn NGUYỄN THÀNH CÔNG, sinh viên đại học Bách Khoa năm thứ ba, khoa Ðịa Chất Dầu Khí, hiện ngụ tại phòng số 413 B, Ký Túc Xá Bách Khoa, số 497 đường Hòa Hảo, phường 7, quận 10. Nay, Gospelnet số 123 xin tiếp tục gửi đến bạn Công số tiền 200.000 VND của tháng 5.2003 của anh Hoàng Huy Trần. Xin thay mặt bạn Công tỏ lòng biết ơn đến quý ân nhân.

HỌC BỔNG CHO 17 EM Ở GIÁO XỨ ÐỒNG XOÀI, BUÔN MÊ THUỘT

Như Gospelnet số 101 và 108 đã thông tin, cha Lê Trấn Bảo, chính xứ Ðồng Xoài Sr. Ê-li-da-bét Vũ Thị Bài, Dòng Nữ Vương Hòa Bình, cộng đoàn phục vụ tại Giáo Xứ Ðồng Xoài, Giáo Phận Buôn Mê Thuột, thuộc phường Tân Ðồng, thị xã Ðồng Xoài, tỉnh Bình Phước, đã giới thiệu một danh sách gồm 17 em học sinh nghèo trong Giáo Xứ Ðồng Xoài. Gospelnet đã trợ giúp cho các em bắt đầu từ tháng 5.2002 cho đến hết tháng 3.2003. Nay Gospelnet số 113 xin tiếp tục trợ giúp các em cho tháng 5.2003, tổng cộng: 17 em x 50.000 VND = 850.000 VND. Sau đó xin tạm ngưng trong ba tháng hè.

HỌC BỔNG CHO 13 EM NGHÈO Ở DĂKLAK

Như Gospelnet số 108 đã thông tin, theo sự giới thiệu của Sr. Bùi Thị Huế, Dòng Nữ Vương Hòa Bình, Buôn Ma Thuột, chúng tôi đã trợ giúp cho đến tháng 4.2003 cho 13 em học sinh nghèo ở Daklak. Nay Gospelnet số 113 xin tiếp tục trợ giúp trong tháng 5.2003, tổng cộng: 13 em x 2 tháng x 50.000 VND = 650.000 VND. Sau đó xin tạm ngưng ba tháng hè.

HỌC BỔNG CHO 4 EM Ở ÐỊNH QUÁN, TỈNH ÐỒNG NAI

Như Gospelnet số 100 ra ngày 23.2.2003 đã thông tin, anh Phạm Văn Lượng, Huynh Ðoàn Ki-tô Bệnh Nhân và Người Khuyết Tật, giới thiệu trường hợp 4 người con trong gia đình anh Phao-lô HOÀNG VĂN THÚY ( 36 tuổi ) và chị TRẦN THỊ THU HƯƠNG ( 36 tuổi ), nguyên quán tại khu 9, ấp Hiệp Ðồng, thị trấn Ðịnh Quán, tỉnh Ðồng Nai, tạm trú tại 4 / 14 tổ 4, ấp 9, xã Bình Hưng Hòa, quận Bình Chánh, Sài-gòn. Anh Thúy bị mù vì thuốc trừ sâu, nay phải đi bán vé số, phụ với chị đi làm thuê để lo cho các con ăn học. Kể từ tháng 3.2003, cô Cao Hồng Phúc đã xin nhận trợ giúp đều đặn số tiền mỗi tháng 200.000 VND cho 4 cháu. Gospelnet số 113 xin tiếp tục gửi đến gia đình anh Thúy số tiền 200.000 VND do cô Hồng Phúc trợ giúp cho tháng 5.2003. Xin thay mặt gia đình các cháu tỏ lòng biết ơn quý ân nhân.

HỌC BỔNG CHO 25 EM HỌC SINH DÂN TỘC Ở ÐỒNG LÁC, TỈNH KHÁNH HÒA

Như Gospelnet số 109 ra ngày 13.4.2003 đã thông tin, Soeur Phan Thanh Tuyền, Dòng MTG Nha Trang, cộng đoàn Phú Nhơn, phục vụ tại xã Cam Phước ( Ðồng Lác ), huyện Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa, ÐT: 058.977.220, E-mail: tuyenmtg@yahoo.com giới thiệu một danh sách 25 em dân tộc nghèo đang được các soeurs nuôi dạy và chăm sóc. Gospelnet xin bắt đầu trợ giúp mỗi cháu 50.000 VND từ tháng 4.2003, nay Gospelnet số 113 tiếp tục trợ giúp tháng 5.2003, số tiền: 1.250.000 VND. Sau đó xin tạm ngưng ba tháng hè.

HỌC BỔNG CHO 28 EM GIÁO PHẬN BÙI CHU, TỈNH NAM ÐỊNH

Cha Lê Quang Uy, DCCT, giới thiệu danh sách 28 em học sinh có hoàn cảnh gia đình rất nghèo, ngụ tại xã Xuân Vinh, huyện Xuyên Trường, tỉnh Nam Ðịnh, thuộc Giáo Họ Nam Ðiền, Giáo Xứ Phú Nhai, Giáo Phận Bùi Chu. Gospelnet đã trợ giúp được đến tháng 3.2003, nay Gospelnet số 113 xin tiếp tục trợ giúp tháng 4.2003, tổng cộng: 50.000 VND x 28 = 1.400.000 VND.

HỌC BỔNG CHO 10 EM Ở ÐẤT SÉT - NHA TRANG

Cha Nguyễn Văn Có cha Lê Khắc Lâm, Dòng Phan-xi-cô, Giáo Xứ Ðất Sét, Nha Trang, giới thiệu 10 em học sinh nghèo. Gospelnet đã trợ giúp được đến tháng 2.2003, nay Gospelnet số 113 xin tiếp tục trợ giúp trong hai tháng 3 và 4.5.2003, tổng cộng: 1.000.000 VND.

HỌC BỔNG CHO 20 EM GIÁO XỨ KẺ DỪA, NGHỆ AN

Cha Ðinh Công Ðoàn, Giáo Xứ Kẻ Dừa, Giáo Phận Vinh, thuộc tỉnh Nghệ An, giới thiệu 20 em có học lực giỏi, nhưng hoàn cảnh gia đình quá túng thiếu, đặc biệt trong những tháng cuối năm học này. Gospelnet đã trợ giúp ngay tháng 4.2003, nay xin tiếp tục trợ giúp tháng 5.2003 cho các em, tổng cộng: 20 em x 50.000 VND = 1.000.000 VND. Sau đó, phải xin tạm ngưng trong 3 tháng hè. Số tiền được trích ra từ quà tặng sau khi qua đời của một Phật Tử gốc ở Huế, với ý nguyện trợ giúp học bổng cho các em học sinh nghèo miền Trung. Xin thay mặt cha Ðoàn và gia đình các em chân thành ghi ơn và dâng lời cầu nguyện cho hương hồn của quý ân nhân.

HỌC BỔNG CHO 12 EM Ở PHÚ BÀI, CỐ ÐÔ HUẾ

Gospelnet 113 xin tiếp tục trợ giúp liên tiếp trong ba tháng 3, 4 và 5.2003 cho 12 em học sinh nghèo do Sr. Hoa và Sr. Thành, Dòng Con Ðức Mẹ Ði Viếng, cộng đoàn Phú Bài, giới thiệu: 12 em x 50.000 VND = x 3 tháng = 1.800.000 VND. Sau đó, phải xin tạm ngưng trong 3 tháng hè. Số tiền được trích ra từ quà tặng sau khi qua đời của một Phật Tử gốc ở Huế, với ý nguyện trợ giúp học bổng cho các em học sinh nghèo miền Trung. Xin thay mặt cha Ðoàn và gia đình các em chân thành ghi ơn và dâng lời cầu nguyện cho hương hồn của quý ân nhân. Xin nhờ chị Lệ Thu, Giáo Xứ Ðức Mẹ Hằng Cứu Giúp Huế chuyển đến tận tay các soeurs.

HỌC BỔNG CHO 30 EM Ở CAM RANH, HUẾ, ÐỒNG NAI VÀ SÀI-GÒN

Gospelnet số 113 xin tiếp tục trợ giúp liên tiếp hai tháng 4 và 5.2003, tổng cộng: 30 em x 50.000 VND x 2 tháng = 3.000.000 VND, trong đó có 17 em học sinh ở Cam Ranh và Huế, có hoàn cảnh gia đình rất nghèo sẽ nhận được trợ giúp số tiền 1.700.000 VND trích từ quà tặng sau khi qua đời của một Phật Tử gốc ở Huế, với ý nguyện trợ giúp học bổng cho các em học sinh nghèo miền Trung. Xin thay mặt thầy Lân và gia đình các em chân thành ghi ơn và dâng lời cầu nguyện cho hương hồn của quý ân nhân. 13 em còn lại ở Ðồng Nai và Sài-gòn vẫn nhận được trợ giúp số tiền 1.300.0000 VND từ Quỹ Gospelnet. Sau đó xin ngưng 3 tháng hè. Xin kính nhờ thầy Ðinh Hữu Thoại, DCCT ( thay thầy Lân ) chuyển giúp đến gia đình các em tổng cộng: số tiền là 3.000.000 VND.

HỌC BỔNG CHO 19 EM Ở GIÁO XỨ ÐÔNG THÁP, TỈNH NGHỆ AN

Cha Lê Quang Uy, DCCT, giới thiệu một danh sách gồm 19 em học sinh của Giáo Xứ Ðông Tháp, huyện Diện Châu, tỉnh Nghệ An. Ða số cha các em là Giáo Lý Viên nhiệt thành trong Giáo Xứ, nhưng gia đình quá đông con ( từ 5 đến 9 con ) nên không trang trải nổi các chi phí việc học cho các em. Gospelnet đã trợ giúp trong hai tháng 1 và 2.2003, nay xin tiếp tục trợ giúp liên tiếp trong hai tháng 3, và 4.2003, tổng cộng: 19 em x 50.000 VND x 2 tháng = 1.900.000 VND. Số tiền được trích ra từ quà tặng sau khi qua đời của một Phật Tử gốc ở Huế, với ý nguyện trợ giúp học bổng cho các em học sinh nghèo miền Trung. Xin thay mặt gia đình các em chân thành ghi ơn và dâng lời cầu nguyện cho hương hồn của quý ân nhân. Liên hệ nhờ bạn sinh viên Phê-rô Trần Thanh Ca chuyển giúp.

HỌC BỔNG CHO 10 EM Ở HƯƠNG KHÊ, TỈNH HÀ TĨNH

Thầy Nguyễn Văn Tâm, DCCT, giới thiệu một danh sách 10 em học sinh nghèo, ngụ tại thôn 15, ấp Vĩnh Thành, xã Hà Linh, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh, Giáo Phận Vinh. Gospelnet số 102 đã trợ giúp đến hết tháng 2.2002, nay Gospelnet số 113 tiếp tục trợ giúp liên tiếp cho hai tháng 3 và 4.2003, tổng cộng: 1.000.000 VND. Số tiền được trích ra từ quà tặng sau khi qua đời của một Phật Tử gốc ở Huế, với ý nguyện trợ giúp học bổng cho các em học sinh nghèo miền Trung. Xin thay mặt thầy Tâm và gia đình các em chân thành ghi ơn và dâng lời cầu nguyện cho hương hồn của quý ân nhân.

HỌC BỔNG CHO 20 EM Ở YÊN THÀNH, TỈNH NGHỆ AN

Cha Nguyễn Quang Nam, Giáo Xứ Ðức Lân, và Sr. Nguyễn Thị Liễu, Dòng Mến Thánh Giá Vinh, giới thiệu một danh sách 20 em học sinh nghèo, ngụ tại xóm Lạc Thành, xã Hậu Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An, thuộc Giáo Xứ Ðức Lân. Ðây là miền núi, gia đình các em đều làm nghề nông nhưng lại thiếu đất canh tác, thường xuyên bị hạn hán, mùa màng thất thường, đã nghèo lại càng nghèo. Tuy nhiên, theo truyền thống, các em lại rất hiếu học và học chăm, học giỏi, dù luôn bị nguy cơ phải dở dang việc học để vào đời sớm lo sinh kế, mỗi khi chậm đóng học phí, đều có nguy cơ nhà trường cho nghỉ.

Gospelnet số 96 đã trợ giúp cho tháng 2.2003, nay Gospelnet số 113 tiếp tục trợ giúp liên tiếp hai tháng 3 và 4.2003, tổng cộng: 20 em x 50.000 VND x 2 tháng = 2.000.000 VND. Số tiền được trích ra từ quà tặng sau khi qua đời của một Phật Tử gốc ở Huế, với ý nguyện trợ giúp học bổng cho các em học sinh nghèo miền Trung. Xin thay mặt cha Nam, Sr. Liễu và gia đình các em chân thành ghi ơn và dâng lời cầu nguyện cho hương hồn của quý ân nhân. Xin thầy Phan Tuấn Hồng, DCCT, chuyển giúp.

TRỠ GIÚP 2 BỆNH NHÂN Ở TRUNG TÂM UNG BƯỚU SÀI-GÒN

Qua công tác viên vào tận bệnh viện, Gospelnet biết được các hoàn cảnh ngặt nghèo và đáng thương hiện đang điều trị tại Trung Tâm Ung Bướu Sài-gòn như sau:

1. Bà NGUYỄN THỊ PHẲNG, quê ở Phương Lâm, tỉnh Ðồng Nai, vào Sài-gòn để nuôi mẹ bị bệnh ung thư. Ðến năm 1996 thì bà mẹ qua đời, bà Phẳng cũng bị ung thư vú nên ở lại luôn tại bệnh viện để được điều trị đến đâu hay đến đấy, không có giường nằm, tối phải chui xuống gầm giường các bệnh nhân khác ờ phòng 204, khoa Nội 4.

Ngoài ra, có anh NGUYỄN HỮU ÂN cũng quê ở Phương Lâm, hoàn cảnh gia đình nghèo nhưng vẫn cố gắng học hành, theo người anh ruột lên Sài-gòn để ôn thi đại học, không có tiền thuê nhà trọ, tình nguyện vào bệnh viện chăm sóc cho bà Phẳng rất tận tình chu đáo ( xin xem hình chụp anh Ân đang đẩy xe lăn cho bà Phẳng ), tối cũng chui xuống gầm giường các bệnh nhân để ngủ qua đêm. Hội Association Compassion đã nhờ chúng tôi chuyển giúp số tiền 1.600.000 VND cho ba Phẳng800.000 VND cho anh Ân.

2. Bà LÊ THỊ XUYẾN, quê ở Ðồng Tháp, ngụ tại số 49 / 1 khóm 4, phường 2, thị xã Cao Lãnh, hoàn cảnh gia đình rất nghèo, bị mù từ năm 16 tuổi, lấy chồng có hai con, ( xin xem ảnh chụp anh con trai tên Nhỏ ngồi bên cạnh mẹ ) người chồng mới qua đời, bà lại bị ung thư vú mà không có đủ tiền để vô hóa chất điều trị ( mỗi lần hết khoảng 800.000 VND ), vì bệnh viện thiếu giường nên bà phải nằm ngoài hành lang của khoa Nội 4. Hội Association Compassion đã nhờ Gospelnet chuyển giúp số tiền 800.000 VND cho ba Xuyến.

THÔNG TIN VỀ CHƯƠNG TRÌNH

NGÀY QUỐC TẾ THIẾU NHI 1.6.2003

CHO CÁC EM THẢO ÐÀN

Gospelnet vừa nhận được Thư Ngỏ của anh TRƯƠNG VĂN HÙNG, Nhóm Thảo Ðàn, xin thông tin để quý độc giả và ân nhân gần xa có thể trợ giúp cho các em đường phố:

Nhân dịp Ngày Quốc Tế Thiếu nhi 1.6.2003, với mong muốn giúp trẻ em đường phố không có điều kiện vui chơi giải trí cũng như không được sự quan tâm chăm sóc của gia đình, bớt đi phần nào những khó khăn và thiệt thòi trong cuộc sống hàng ngày, chương trình Thảo Ðàn dự kiến tổ chức ở Ðất Trại Việt Nam Water World tại Sài-gòn, một kỳ trại mang tên Hội Trại Nhân Ái lần thứ 8, diễn ra từ ngày 27 đến ngày 30.6.2003, cho 1.000 trẻ em đường phố, các em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và 300 nhân viên xã hội đang làm công tác chăm sóc giáo dục trẻ em tại Sài-gòn và các tỉnh miền Bắc và miền Trung vào tham dự..

Mục đích tạo cơ hội cho các em có được những buổi vui chơi bổ ích, giao lưu chia sẻ tình cảm. Ngoài ra, thông qua những nội dung vui chơi sinh hoạt trại, giúp các em ý thức về cội nguồn gia đình, về truyền thống dân tộc Việt Nam. Mặt khác, cũng tạo được mối dây liên kết giữa các nhân viên xã hội có điều kiện chia sẻ học hỏi kinh nghiệm để mang đến cho các em những điều tốt đẹp hơn.

Chương trình Thảo Ðàn chúng tôi rất cần sự giúp đỡ, chia sẻ tình nhân ái của mọi người trong những ngày tổ chức Trại về các mặt như sau:

- Ðóng góp tài chính: kinh phí tổ chức dự kiến 301.149.000 VND.

- Chia sẻ quà, quần áo, tập vở...

- Chuẩn bị và phân phối thực phẩm cho các em.

- Hỗ trợ dịch vụ, thuốc men để chăm sóc y tế khi cần thiết.

- Hỗ trợ phương tiện chuyên chở vật dụng, lắp ráp thiết bị, trang trí phông và cổng trại.

- Hỗ trợ tổ chức các chương trình văn nghệ.

- Cùng sinh hoạt với trẻ theo từng nhóm nhỏ theo nội dung của Ban Tổ Chức Trại.