GOSPELNET

Flowchart: Alternate Process: NĂM THỨ BA - SỐ 106
CHÚA NHẬT 23.3.2003

 

 

 

 

 

CN 3 b MÙA CHAY - KỶ NIỆM TRÒN 2 NĂM PHỤC VỤ

TIN MỪNG: Ga 2, 13 - 25

ÐỨC GIÊ-SU TẨY UẾ ÐỀN THỜ

Gần đến Lễ Vượt Qua của người Do-thái, Ðức Giê-su lên thành Giê-ru-sa-lem. Người thấy trong Ðền Thờ có những kẻ bán chiên, bò, bồ câu, và những người đang ngồi đổi tiền. Người liền lấy dây làm roi mà xua đuổi tất cả bọn họ cùng với chiên bò ra khỏi Ðền Thờ; còn tiền của những người đổi bạc, Người đổ tung ra, và lật nhào bàn ghế của họ. Người nói với những kẻ bán bồ câu: "Ðem tất cả những thứ này ra khỏi đây, đừng biến nhà Cha tôi thành nơi buôn bán".

Các môn đệ của Người nhớ lại lời đã chép trong Kinh Thánh: Vì nhiệt tâm lo việc nhà Chúa, mà tôi đây sẽ phải thiệt thân. Người Do-thái hỏi Ðức Giê-su: "Ông lấy dấu lạ nào chứng tỏ cho chúng tôi thấy là ông có quyền làm như thế ?" Ðức Giê-su đáp: "Các ông cứ phá hủy Ðền Thờ này đi; nội ba ngày, tôi sẽ xây dựng lại". Người Do-thái nói: "Ðền Thờ này phải mất bốn mươi sáu năm mới xây xong, thế mà nội trong ba ngày ông xây lại được sao ?" Nhưng Ðền Thờ Ðức Giê-su muốn nói ở đây là chính thân thể Người. Vậy, khi Người từ cõi chết chỗi dậy, các môn đệ nhớ lại Người đã nói điều đó, Họ tin vào Kinh Thánh và lời Ðức Giê-su đã nói.

Trong lúc Ðức Giê-su ở Giê-ru-sa-lem vào dịp Lễ Vượt Qua, có nhiều kẻ tin vào danh Người bởi đã chứng kiến các dấu lạ Người làm. Nhưng chính Ðức Giê-su không tin họ, vì Người biết họ hết thảy, và không cần ai làm chứng về con người. Quả thật, chính Người biết có gì trong lòng con người.

SUY NIỆM 1:

ÐỀN THỜ TÂM HỒN

Ðây không phải là lần duy nhất Ðức Giê-su tỏ ra cương quyết trước những người Do-thái. Ðền Thờ đối với họ dĩ nhiên vẫn là nơi dành cho việc thờ phượng Thiên Chúa, nhưng kèm theo đó là phục vụ cả những nhu cầu ít nhiều liên quan đến việc thờ phượng. Ðức Giê-su có lẽ không chấp chiếm gì chuyện này. Ðiều làm cho Ngài nổi giận thực sự, đó là biến Ðền Thờ thành nơi buôn bán. Việc chính là thờ phượng thì đã bị họ coi là phụ. Việc phụ là buôn bán thì được xem là chính đáng. "Nhà Cha Ta là nơi cầu nguyện mà các ngươi đã biến nó thành hang trộm cướp".

Thành nơi buôn bán đã là một tội, mà biến thành hang trộm cướp còn là một sự xúc phạm lớn lao hơn. Xúc phạm không chỉ đối với việc thờ phượng, nhưng còn biến lương tâm mình trở thành gian tham, trục lợi. Người ta tận dụng mọi khả năng, mọi phương tiện, từ lời nói đến việc làm, cốt sao có lợi cho mình. Cái mặt bằng là Ðền Thờ giờ đây cũng trở thành môi trường giúp người ta phạm đủ thứ tội. Lương tâm được đem ra để đấu giá. Người ta ngang nhiên xúc phạm đến Thiên Chúa là Cha của mình.

"Người chắp dây thừng làm roi và đánh đuổi tất cả bọn cùng với chiên bò ra khỏi Ðền Thờ". Thánh Gio-an đã tường thuật lại như vậy. Nhưng không chỉ có vậy. Chính tội lỗi của con người mới là điều làm cho Ngài phải quan tâm hơn. Sứ vụ của Ðức Giê-su là Cứu Ðộ con người. Ngài mong muốn người ta quay về làm hoà với thiên Chúa trong ơn gọi làm con cái. Ngày hôm nay Chúa muốn đuổi những người Do-thái ra khỏi Ðền Thờ. Nhưng suốt đời Chúa những mong muốn quét sạch tội lỗi ra khỏi tâm hồn nhân loại chúng ta.

"Hãy phá Ðền Thờ này đi, trong ba ngày Ta sẽ xây lại". Ðức Giê-su chắc chắn sẽ làm được việc này. Với quyền phép của mình, xây dựng lại một Ðền Thờ như thế không phải là khó. Nhưng ở đây, thánh sử Gio-an muốn nói đến sự phục sinh của Ðức Giê-su sau khi chịu chết. Chịu chết để phục sinh. Chịu chết để chuộc tội. Chịu chết để con người được sống. Ðiều đó cho ta thấy rõ sứ vụ lớn lao của Ðức Giê-su. Không phải là việc xây Ðền Thờ, mà là xây dựng tâm hồn con người trở thành Ðền Thờ. Nơi ấy phải xứng đáng là công trình lớn lao của Thiên Chúa. Nơi ấy, chỉ được sử dụng vào việc thờ phượng.

Chúng ta đang sống trong những ngày của Mùa Chay, mùa ăn chay, mùa cầu nguyện, mùa thực hiện những việc bác ái. Tất cả đều có thể gọi là mùa xây dựng nơi mình một Ðền Thờ đích thực. Xây dựng bằng cách cương quyết xua đuổi tội lỗi trong ta. Chính ta phải làm những việc đó. Ðức Giê-su mong muốn xây dựng lại trong ta một thứ Ðền Thờ của tình thương, của lòng vị tha. Hãy cộng tác với Ngài.

Lạy Chúa là chủ của tâm hồn con, xin đừng nổi giận vì tội lỗi con. Xin hãy đuổi xa con những tội lỗi con đã phạm. Và hãy thương thanh tẩy để con trở thành người con dấu ái trong chương trình cứu độ của Ngài.

Lm. ÐINH VIẾT HÙNG, Giáo Phận Long Xuyên

SUY NIỆM 2:

CHĂM LO NHÀ THỜ GIÁO XỨ - TU BỔ ÐỀN THỜ TÂM HỒN

Ðối với Do-thái giáo, Lễ Vượt Qua là một đại lễ, tưởng niệm cuộc vượt qua Biển Ðỏ tiến về Ðất Hứa. Lễ Vượt Qua được tổ chức vào ngày 15 tháng Nissan, tức là tháng 4 dương lịch. Mọi người trong đất nước Pa-lét-tin đều về Giê-ru-sa-lem dự lễ. Cả những người tản mác khắp thế giới không bao giờ quên tôn giáo, tổ tiên cũng về dự đại lễ quan trọng nhất này. Dầu sống ở xứ nào, người Do-thái vẫn ước mơ và hy vọng được dự Lễ Vượt Qua tại Giê-ru-sa-lem ít nhất là một lần trong đời. Trong dịp này Chúa Giê-su cùng đi dự Lễ Vượt Qua với các môn đệ.

Thuế Ðền Thờ là một sắc thuế mà mỗi người Do-thái từ 9 tuổi trở lên đều phải đóng. Tiền thuế là ½ siếc-lơ, tương đương với 2 ngày công nhật. Trong việc giao dịch thương mại, mọi loại tiền đều có giá trị tại Pa-lét-tin. Nhưng tiền thuế Ðền Thờ phải nộp bằng đồng siếc-lơ Ga-li-lê hoặc siếc-lơ của Ðền Thờ. Khách hành hương đến Ðền Thờ phải đổi tiền siếc-lơ. Vì vậy trong sân Ðền Thờ có nhiều người làm nghề đổi tiền. Tiền huê hồng khi đổi là ¼ ngày công cho 1 đồng. 4 đồng siếc-lơ thì người đổi được lợi một ngày công. Do đó sô tiền thuế Ðền Thờ và lợi tức đổi tiền thật là lớn.

Ðiều khiến Chúa Giê-su nổi giận là khách hành hương phải chịu những tệ nạn của bọn đổi tiền bóc lột với giá cắt cổ. Thật là bất công và càng tệ hơn nữa khi người ta nhân danh tôn giáo để trục lợi. Bên cạnh bọn đổi tiền còn có một số người bán bò, chiên, bồ câu để khách hành hương mua làm lễ vật toàn thiêu. Ðiều hết sức tự nhiên và tiện lợi là có thể mua đựơc các con vật ở sân Ðền Thờ. Luật quy định các con vật làm của lễ phải lành lặn không tỳ vết. Có những chức sắc kiểm tra khám xét con vật. Mỗi lần khám xét phải trả 1/12 siếc-lơ, không được mua vật ở ngoài Ðền Thờ. Khốn nổi, mỗi con vật mua trong Ðền Thờ đắt gấp 15 lần ở bên ngoài. Khách hành hương nghèo bị bốc lột trắng trợn khi muốn dâng lễ vật. Sự bất công này lại càng tệ hại thêm vì nó làm dưới danh nghĩa tôn giáo.

Chính những điều ấy đã làm Chúa Giê-su bừng bừng nổi giận. "Chúa lấy dây thừng bện thành roi đánh đuổi tất cả bọn họ cùng với chiên bò ra khỏi Ðền Thờ; còn tiền của những người đổi bạc, Người đổ tung ra, và lật nhào bàn ghế của họ..."

Trong Tin Mừng hiếm khi ta thấy Chúa Giê-su nổi giận. Người bình thản đón lấy nụ hôn phản bội của Giu-đa; lặng lẽ trước những lời cáo gian buộc tội; xin Chúa Cha tha thứ cho những kẻ đóng đinh mình vì họ không biết việc họ làm. Chính Chúa Giê-su đã mời gọi chúng ta học lấy nơi Người bài học hiền lành và khiêm nhường. Vậy mà ở đây, Chúa đã nỗi giận đùng đùng, lật tung bàn ghế, lấy dây thừng làm roi xua đuổi tất cả.

Khung cành Ðền Thờ phải là nơi yên tĩnh, thánh thiêng. Thế mà nay lại ồn ào huyên náo, mua bán đổi chác, tranh giành, cãi cọ, đôi co như là một cái chợ buôn bán sầm uất. "Ðem tất cả những thứ này ra khỏi đây, đừng biến nhà Cha Ta thành nơi buôn bán" ( Ga 2, 16 ). "Nhà của Ta là nhà cầu nguyện, còn các ngươi làm thành hang trộm cướp" ( Mt 21, 12 - 13 ). Chúa Giê-su thất vọng biết bao trong tiếng than thở ấy. "Nơi buôn bán", "Hang trộm cướp", Ðền Thờ, nơi tôn nghiêm thờ phượng Ðức Chúa, nay lại quá bất kính, quá bát nháo khiến Chúa Giê-su phải đau lòng. Lời ngôn sứ Giê-rê-mi-a quở trách dân Do-thái xưa đã nên ứng nghiệm ( x. Gr 7, 11 ). Thế là Chúa Giê-su thực hiện một cuộc thanh tẩy Ðền Thờ vì Người yêu mến Ðền Thờ. "Vì nhiệt tâm lo việc Nhà Chúa, mà tôi đây sẽ phải thiệt thân" ( Tv 69, 10 ). Lòng nhiệt thành với Ðền Thờ sẽ dẫn Ðức Giê-su đến chỗ bị người đời bách hại ( x. Ga 15, 5 ).

Tại sao Chúa Giê-su lại hành động như vậy ? Chúa Giê-su làm như vậy vì Nhà Thiên Chúa đã bị xúc phạm. Trong sân Ðền Thờ có thờ phượng mà không có lòng tôn kính. Thờ phượng mà không có lòng tôn kính là việc bất xứng. Ðó là việc thờ phượng hình thức chiếu lệ. Trong sân Ðền Thờ, người ta cãi vã cò kè về giá cả các món hàng, tiếng ồn ào huyên náo tạo thành một cái chợ chứ không phải là Ðền Thờ.

Chúa Giê-su hành động như vậy để chứng minh rằng việc dâng thú vật làm lễ tế không còn thích đáng nữa. Các ngôn sứ đã loan báo: "Ðức Chúa phán, ngần ấy hy lễ của các ngươi đối với Ta nào có nghĩa lý gì ? Lễ toàn thiêu chiên cừu, mỡ bê mập, Ta chán ngấy. Máu chiên dê Ta chẳng thèm". ( Is 1, 11 ). "Chúa chẳng ưa thích gì tế phẩm, con có thượng tiến lễ toàn thiêu Người cũng không chấp nhận" ( Tv 50, 16 ). Thái độ thanh tẩy Ðền Thờ của Chúa Giê-su chứng tỏ Chúa đòi hỏi lòng thành kính. Lễ vật đẹp lòng Thiên Chúa là tấm lòng chân thành.

Lý do thứ ba chính là "Nhà Cha Ta là nhà cầu nguyện". Ðền Thờ là nơi Thánh, là chốn Thiên Chúa hiện diện tiếp nhận phụng tự của người dâng lễ và thông ban cho họ sự sống và các ân huệ của Người. Các chức sắc Ðền Thờ, các con buôn người Do-thái đã biến Ðền Thờ thành nơi huyên náo, nổi loạn. Tiếng bò rống, tiếng chiên kêu, tiếng rao hàng, lời qua tiếng lại mặc cả, cãi cọ mua bán làm cho khàch hành hương không thể cầu nguyện được.

Chúa Giê-su đã thanh tẩy Ðền Thờ Giê-ru-sa-lem. Ngày nay Chúa cũng muốn người tín hữu chúng ta thanh tẩy nhà xứ giáo xứ mình, thanh tẩy Ðền Thờ tâm hồn mình.

Chúa Giê-su đã quan tâm đến Ðền Thờ, đã thanh tẩy Ðền Thờ và coi đó là nhà của Cha Người. Chúng ta cần quan tâm đến Nhà Thờ giáo xứ. Bảo vệ nơi thánh thiêng, tôn nghiêm. Loại trừ những thái độ bất kính. Giữ giữ Nhà Thờ, khuôn viên được sạch đẹp. Cùng nhau góp phần xây dựng Nhà Chúa.

Chúa Giê-su có lòng nhiệt thành đối với Nhà Cha. Người Ki-tô hữu cũng phải nhiệt thành đối với Nhà Thờ giáo xứ bằng cách giữ gìn trật tự ngăn nắp trong ngoài. Nhà Thờ không phải của Cha Xứ mà là của mỗi người góp công góp sức xây dựng nên. Nhà Thờ là nơi người Ki-tô hữu họp nhau mỗi ngày để cử hành các Mầu Nhiệm Thánh nên luôn cần lòng tôn kính chân thành, yêu mến thiết tha.

Thiên Chúa không cần Nhà Thờ. Chỉ có con người mới cần Nhà Thờ. Không có Ðền Thờ nào đẹp bằng Ðền Thờ Giê-ru-sa-lem. Một công trình nguy nga tráng lệ xây cất ròng rã 46 năm. Khi đi qua, các môn đệ tự hào chỉ cho Chúa thấy sự huy hoàng của Ðền Thờ, nhưng Chúa Giê-su lại nói rằng: "...sẽ có ngày không còn hòn đá nào trên hòn đá nào !"

Khi người Do-thái chất vấn: "Ông lấy quyền nào mà làm như vậy ?" Chúa Giê-su bảo: "Cứ phá Ðền Thờ này đi, trong 3 ngày Ta sẽ xây dựng lại". Chúa ám chỉ đến cái chết và sự Phục Sinh của Người. Ðền Thờ ở đây chính là thân thể Ðức Giê-su mà mỗi người Ki-tô hữu là một viên đá sống động xây dựng nên Ðền Thờ ấy. Thân thể phục sinh của Người là Ðền Thờ mới, nơi con người thờ phượng Thiên Chúa cách đích thực, trong tinh thần và trong chân lý.

Sự thờ phượng thiêng liêng và hoàn hảo nhất chính là sự thờ phượng trong Bí Tích Thánh Thể. Chúa Giê-su vừa hiện diện vừa tự hiến. Một sự tự hiến để thờ phượng liên tục khắp mặt đất và chung của giáo hội toàn cầu. Một hiến tế vừa cảm tạ, vừa ban phát ân sủng. Người tín hữu họp nhau trong Nhà Thờ cử hành thánh lễ chính là đỉnh cao của việc thờ phượng và đón nhận ân sủng Thiên Chúa ban.

Chăm lo giữ gìn, xây dựng Nhà Thờ Giáo Xứ, người tín hữu còn phải lưu tâm xây dựng con người mình vì đó là Ðền Thờ của Cha và Con ( x. Ga 14, 23 ) và chính thân xác ta cũng là Ðền Thờ của Chúa Thánh Thần ( x. 1 Cr 6, 19 ). Mùa Chay là mùa tu sửa Ðền Thờ tâm hồn bằng việc siêng năng đến với Nhà Thờ Giáo Xứ hàng ngày với tất cả lòng nhiệt thành yêu mến.

Lm. Giu-se NGUYỄN HỮU AN, Giáo Phận Phan Thiết

SUY NIỆM 3:

ÐỨC GIÊ-SU KI-TÔ LÀ ÐỀN THỜ MỚI

 Phụng Vụ Chúa Nhật 3 Mùa Chay Năm B mời gọi chúng ta chuyển từ Giao Ước cũ, Giao ước Xinai, sang Giao ước mới nơi Ðức Giê-su Ki-tô, Ðấng đã thay thế Ðền Thờ Giê-ru-sa-lem và trở thành nơi phượng tự mới thánh thiện, đẹp lòng Chúa Cha. Hơn nữa, Ðức Giê-su chẳng những là Ðền Thờ mà còn là của lễ hy tế toàn thiêu đẹp lòng Cha và sinh ơn cứu độ cho muôn người. Từ nay mọi lễ dâng phải được kết hợp với hy tế thập giá và phải được dâng lên từ Ðền Thờ mới là Ðức Giê-su Ki-tô mới được Chúa Cha chấp nhận. Nhờ ơn Người thanh tẩy và biến đổi, mỗi con người - nhất là Ki-tô hữu - cũng đã trở thành Ðền Thờ của Thánh Thần, của Thiên Chúa. Kể từ nay mọi lễ vật muốn được đẹp lòng Thiên Chúa phải là lễ dâng của tâm hồn, của Tình Yêu, mọi lời nói, cử chỉ và hành động xâm phạm đến việc và nơi phương tự hay đến con người đều là những tội phạm thánh.

I. TÌM HIỂU LỜI CHÚA

1. Bài đọc 1: Xh 20, 1 - 17

Là nội dung Lề Luật tức mười giới luật mà Thiên Chúa ban cho dân Ít-ra-en trên núi Si-nai qua ông Mô-sê: 1. Không tôn thờ một thần nào khác mà chỉ tôn thờ một mình Thiên Chúa mà thôi, 2. Không được dùng Danh Ðức Chúa một cách bất xứng, 3. Giữ ngày sa-bát vì là ngày thánh trong thời gian biểu của Thiên Chúa, 4. Thờ cha kính mẹ, 5. Không giết người, 6. Không ngoại tình, 7. Không trộm cắp, 9. Không làm chứng gian hại người. 10. Không ham muốn nhà cửa, vợ con, tôi tớ, của cải của người khác. Lề luật trên có giá trị đối với Ít-ra-en vì Ðấng ban Lề Luật ấy chính "là Ðức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, Người đã đưa ngươi ra khỏi đất Ai-cập, khỏi cảnh nô lệ."

2. Bài đọc 2: 1 Cr 1, 22 - 25

Thánh Phao-lô khẳng định: Trong khi người Do-thái đòi hỏi những điềm thiêng dấu lạ, còn người Hy lạp tìm kiếm lẽ khôn ngoan thì Ngài rao giảng Ðấng Ki-tô bị đóng đinh, điều mà người Do-thái coi là ô nhục không thể chấp nhận, và dân ngoại coi là điên rồ. Nhưng đối với những ai được Thiên Chúa kêu gọi, thì Ðấng ấy chính là Ðức Ki-tô, sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa.

3. Bài Tin Mừng: Ga 2, 13 - 25

Là câu chuyện Ðức Giê-su xua đuổi những người buôn bán và đổi tiền ra khỏi Ðền Thờ Giê-ru-sa-lem. Ðể làm việc đó, Ðức Giê-su đã phải dùng đến vũ lực, - một sự kiện chỉ xảy ra một lần duy nhất trong Phúc Âm - và lời lẽ cương quyết: "Ðem tất cả những thứ này ra khỏi đây, đừng biến nhà Cha tôi thành nơi buôn bán."

Hành động và lời nói của Ðức Giê-su như "tấn công trực diện" giới chức quyền tôn giáo và Ðền Thờ. Vì thế mà họ hạch hỏi Người: "Ông lấy dấu lạ nào chứng tỏ cho chúng tôi thấy là ông có quyền làm như thế ?" Ðáp lại, Ðức Giê-su thách thức họ: "Các ông cứ phá hủy Ðền Thờ này đi, nội ba ngày tôi sẽ xây dựng lại". Ðức Giê-su ám chỉ đến con người của mình sẽ bị bầm dập và bị giết trên thập giá trong Cuộc Thương Khó và Khổ Nạn. Còn người Do-thái thì thắc mắc về việc làm sao mà trong ba ngày anh chàng Giê-su này có thể xây dựng lại một cơ sở nguy nga, hùng tráng, vĩ đại như Ðền Thờ Giê-ru-sa-lem của họ. Hai bên không hiểu nhau, vì nói bằng hai ngôn ngữ khác nhau, theo hai tinh thần khác nhau ! Lời tuyên bố của Ðức Giê-su ( Ðền Thờ Giê-ru-sa-lem là Nhà của Cha Người ) càng làm cho tình hình thêm trầm trọng, vì giới lãnh đạo Ðền Thờ đã bị Người tước quyền sở hữu !

4. Sứ điệp của Lời Chúa: "Ðừng biến nhà Cha tôi thành nơi buôn bán."

a. Sứ điệp cho giới lãnh đạo Ðền Thờ Giê-ru-sa-lem và tín hữu Do-thái xưa

Như chúng ta đã biết Do-thái giáo đang ở vào thời suy tàn. Người có đạo, nhất là những kẻ đứng đầu, đã lợi dụng vị thế, chức danh, quyền hạn tôn giáo để trục lợi. Cảnh buôn bán, đổi tiền ồn ào náo nhiệt trong hành lang Ðền Thờ Giê-ru-sa-lem là một minh chứng. Ðáng lẽ đây là chốn tôn nghiêm thì mọi người phải giữ thinh lặng và sạch sẽ. Ðáng lẽ việc hiến tế những con vật ( bò, chiên, bồ câu ) cho Thiên Chúa phải được thực hiện trong tinh thần vô vị lợi và cao thượng của tôn giáo thì các chức sắc của Ðền Thờ đã lợi dụng cơ hội và chức quyền để bán buôn trục lợi. Sứ điệp Ðức Giê-su gửi cho họ là hãy tôn kính Ðền Thờ Giê-ru-sa-lem là nơi thờ phượng Thiên Chúa là Cha của Người và hãy giữ cho nơi ấy sự tôn nghiêm và trầm lắng thánh thiện.

b. Sứ điệp cho các Ki-tô hữu ngày nay

Chúng ta có thể áp dụng sứ điệp của Ðức Giê-su vào hai lãnh vực: lãnh vực tôn giáo và lãnh vực con người. Lãnh vực tôn giáo được hiểu là các việc có tính tôn giáo và các cơ sở dành cho việc phượng tự tôn giáo. Cả trong các việc tôn giáo như việc cử hành các Bí Tích nhất là Thánh Lễ, cầu nguyện, cả trong các cơ sở tôn giáo như Thánh Ðường, Nhà Nguyện, Trung Tâm Hành Hương, Ðài Ðức Mẹ, Ðài các Thánh...

Ðức Giê-su muốn chúng ta phải tôn trọng tính linh thiêng và thánh thiện của tôn giáo, và tuyệt đối không được để xảy ra cảnh "buôn thần bán thánh" trong những việc ấy và ở những nơi ấy. Ðã có không ít người lợi dụng danh nghĩa tôn giáo hay việc phượng tự để trục lợi cá nhân. Ðã có nhiều Giáo Dân làm việc lành phúc đức - như dâng cúng vào Nhà Thờ, chia sẻ với người túng thiếu - chỉ cốt để lập công hay trao đổi với Thiên Chúa. Họ hy sinh bỏ tiền ra để Thiên Chúa ban ơn cho họ. Họ làm như họ mua được Nước Thiên Ðàng bằng đồng tiền của họ. Họ cho rằng việc ăn chay kiêng thịt hy sinh bố thí của họ đổi được tất cả các ơn huệ của Thiên Chúa.

Không biết cách suy nghĩ và cách hành đạo như thế có phải là chuyện "buôn thần bán thánh" mà Ðức Giê-su đã lên án không ? Nhưng có điều chắc chắn là mọi người được cứu độ là do Tình Yêu vô biên của Thiên Chúa, và mọi người được cứu độ bằng Máu Cực Thánh của Con Thiên Chúa làm người là Ðức Giê-su đã đổ ra trên Thập Giá ! Thánh Phao-lô đã khẳng định: Chỉ có một Ðấng Trung Gian duy nhất làm hòa chúng ta với Thiên Chúa. Ðó là Ðức Giê-su Ki-tô !

Tất cả những hy sinh, hãm mình, việc lành phúc đức, chia sẻ và dâng cúng của chúng ta chỉ có ý nghĩa và giá trị khi chúng là những hành động tạ ơn của chúng ta đối với Thiên Chúa Tình Yêu. Vì chúng ta được Thiên Chúa yêu thương vô cùng và cứu khỏi tội lỗi và sự chết đời đời, nên để tỏ lòng biết ơn Người, chúng ta hy sinh tiền của, thời gian, công sức cho Nhà Thờ và phục vụ tha nhân, hay chúng ta đọc kinh, lần hạt, tham dự Bí Tích, hành hương cầu nguyện...

Trong lãnh vực con người thì sự sống là thánh thiêng, bất khả xâm phạm và tâm hồn con người, nhất là của người đã được ghi khắc ấn tín Bí Tích Thánh Tẩy, đã trở thành Ðền Thờ của Thánh Thần, của Thiên Chúa. Không một ai có quyền xâm phạm sự sống và sự thánh thiêng của con người. Những bất công, đàn áp, bóc lột, kỳ thị, loại trừ, buôn bán, lạm dụng con người đều là những xúc phạm đến Ðền Thờ của Thiên Chúa. Những thờ ơ không quan tâm, không cứu giúp những người yếu kém, nghèo đói, hoạn nạn cũng là những xúc phạm đến Ðền Thờ của Thiên Chúa. Cả những thờ ơ với đời sống tâm linh, không quan tâm làm cho đời sống nội tâm thăng tiến cũng là những xúc phạm đến Ðền Thờ của Thiên Chúa.

Nếu nói theo cách tích cực thì chúng ta có thể khẳng định thế này: vì sự sống là thánh thiêng, nên chúng ta có nhiệm vụ phải yêu thương, kính trọng, bảo vệ và che chở sự sống. Tương tự như thế, vì con người là Ðền Thờ của Thiên Chúa nên chúng ta phải tôn trọng, giữ gìn và làm cho mọi con người được phát triển về mọi mặt: nhân bản cũng như tâm linh, vật chất cũng như tinh thần, kinh tế cũng như xã hội, văn hóa cũng như chính trị. Ðiều ấy rất phù hợp với những tuyên bố của Ðức Giê-su trong Ngày Phán Xét Chung trong Mt 25.

III. SỐNG LỜI CHÚA

Mỗi ngày tôi sẽ làm một việc cụ thể ( giúp đỡ vật chất, hỗ trợ tinh thần, khai sáng tâm linh) hoặc cho một người nào đó vì người ấy là Ðền Thờ của Thiên Chúa, hoặc cho đời sống tâm linh của tôi nên sâu sắc thánh thiện hơn cho xứng là Ðền Thờ của Thiên Chúa hơn.

IV. CẦU NGUYỆN VỚI LỜI CHÚA

Lạy Thiên Chúa là Cha, chúng con cảm tạ Cha đã ban cho chúng con Ðức Giê-su Ki-tô Con Yêu Dấu của Cha là Ðền Thờ và là Lễ Tế hy sinh đẹp lòng Cha. Cùng với Người và trong Người chúng dâng cả cuộc sống của chúng con cho Cha. Xin Cha vui lòng chấp nhận.

Lạy Thiên Chúa là Cha, chúng con cũng tạ ơn Cha đã biến mọi tâm hồn con người thành Ðền Thờ của Thiên Chúa. Xin Cha ban cho chúng con ơn biết nhận ra Cha trong tâm hồn của chúng con và trong tâm hồn của mọi người. Xin Cha ban cho chúng con ơn biết yêu thương phục vụ mọi người là Ðền Thờ của Thiên Chúa. Chúng con cầu xin, nhờ công nghiệp của Chúa Giê-su Ki-tô, Con Cha, Chúa chúng con. Amen.

Gs. Giê-rô-ni-mô NGUYỄN VĂN NỘI

SUY NIỆM 4:

THANH TẨY ÐỀN THỜ

Một trong những vấn đề lớn của thế giới hiện nay là nạn ô nhiễm môi sinh. Các giòng sông đang bị ô nhiễm vì biết bao chất thải dơ bẩn, độc hại. Không khí ta hít thở đang bị đe dọạ vì bụi bặm, vì khói xe, khói nhà máy. Nước biển bị ô nhiễm vì nạn dầu nhớt rò rỉ, vì chất thải của những lò phản ứng nguyên tử. Tầng khí quyển bị những chất khí độc chọc thủng đang làm thay đổi khí hậu và gây ra những căn bệnh nguy hiểm. Ðể con người có thể sống và phát triển được, thế giới cần phải được thanh tẩy khỏi các nguồn ô nhiễm.

Sự ô nhiễm không chỉ trong môi trường vật lý. Nhiều môi trường khác như môi trường văn hoá, môi trường đạo đức cũng đang bị ô nhiễm trầm trọng. Tôn giáo không tránh khỏi nạn ô nhiễm. Muốn cho bầu khí đạo đức được trong sạch, muốn cho đời sống tâm linh tồn tại và phát triển, tôn giáo cũng cần được thanh tẩy. Hôm nay Ðức Giê-su vào Ðền Thờ Giê-ru-sa-lem và đã thanh tẩy nơi tôn nghiêm này. Người đã làm 3 cuộc thanh tẩy:

1. Ðức Giê-su đã thanh tẩy Ðền Thờ khỏi ô nhiễm vì súc vật. Trong nghi lễ của đạo Do-thái, cần có súc vật để dâng cho Thiên Chúa. Khi dâng lễ hy sinh, người ta mổ một con thú, đặt trên bàn thờ rồi đốt lửa thiêu con vật. Mùi mỡ cháy quyện khói xông lên nghi ngút. Người giàu thì dâng một con bò hay một con chiên. Người nghèo có thể dâng một cặp chim bồ câu hoặc một đôi chim gáy. Ðể đáp ứng nhu cầu của tín đồ, dịch vụ cung cấp lễ vật mau chóng thành hình ngay trong khuôn viên Ðền Thờ. Ta hãy tưởng tượng một chợ trâu bò ngay trong Ðền Thờ. Thật là dơ bẩn, ồn ào và chướng tai gai mắt. Nhưng nhu cầu đã biện minh cho sự ô nhiễm. Và dân Do-thái mặc nhiên chấp nhận để cho súc vật nghễu nghện ngự trị ngay trong khuôn viên Ðền Thờ rất nguy nga, rất lộng lẫy, rất cao sang mà họ từng ca tụng là "đền vàng", là "nơi thánh". Thấy nhà Chúa bị xúc phạm, Ðức Giê-su không kiềm chế được cơn giận, đã lấy roi xua đuổi hết súc vật và cả đám con buôn ra khỏi Ðền Thờ.

2. Khi xua đuổi các con buôn ra khỏi Ðền Thờ, Ðức Giê-su đã thanh tẩy thói tôn thờ ngẫu tượng. Theo Ðức Giê-su, ngẫu tượng nguy hiểm nhất là tiền bạc, tức là thần "Mammon". Ðã có lần Người lên tiếng cảnh báo: "Anh em không thể làm tôi Thiên Chúa lẫn tiền của", "Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu có vào Nước Trời". Những con buôn đưa súc vật vào Ðền Thờ không do lòng yêu mến Chúa, nhưng vì lợi nhuận. Ðưa súc vật vào nơi tôn nghiêm, họ đã coi trọng tiền bạc hơn Chúa. Ðể cho súc vật làm ô uế Ðền Thờ cao trọng, họ đã dùng Ðền Thờ làm phương tiện phục vụ túi tiền của họ. Các tư tế coi sóc Ðền Thờ có lẽ cũng được chia phần nên đã cho phép con buôn được tự do họp chợ trong Ðền Thờ. Họ cũng như con buôn, coi tiền bạc trọng hơn Thiên Chúa. Họ đã rơi vào thói tôn thờ ngẫu tượng: thờ tiền bạc, dùng Chúa và Ðền Thờ để phục vụ tư lợi.

3. Khi đuổi súc vật ra khỏi Ðền Thờ, Ðức Giê su muốn thanh tẩy cung cách thờ phượng của ta. Trước kia người ta dâng súc vật làm của lễ. Lòng đạo đức được đo lường bằng sức nặng của con vật. Dâng con vật to sẽ được nhiều ơn phúc. Nay, Ðức Giê-su cho thấy Chúa đã chán thịt bò, mỡ dê. Chúa đã ghê sợ mùi khói mùi khét lẹt, mùi máu tanh tưởi ( x. Is 1, 11 ). Thánh vương Ða-vít đã hiểu: "Chúa chẳng ưa thích gì tế phẩm, con có thượng tiến lễ toàn thiêu, Ngài cũng không chấp nhận" ( Tv 50, 16 ).

Chúa muốn ta đến với Người bằng chính bản thân ta. Lễ dâng đẹp lòng Chúa là thái độ khiêm nhường thống hối như lơi Thánh vịnh: "Lễ dâng Chúa là tâm hồn thống hối. Một tấm lòng tan nát dày vò, Chúa sẽ chẳng khinh chê" ( Tv 50 ). Lễ dâng đẹp lòng Chúa là phó thác trót cả tâm hồn thân xác trong tay Chúa như Ðức Giê-su đã làm trên thánh giá: "Lạy Cha, con dâng phó hồn con trong tay Cha". Lễ dâng được Chúa vui lòng chấp nhận là sát tế chính bản thân mình để làm theo ý Chúa: "Máu chiên bò Chúa không ưng. Của lễ toàn thiêu Chúa không nhận. Thì này con đến để làm theo ý Chúa". Ta sát tế chính bản thân mỗi khi ta từ bỏ ý riêng, chiến đấu chống lại những cơn cám dỗ của dục vọng, tiền bạc, thói gian tham, tính tự ái kiêu căng, sự chia rẽ bất hoà.

Ðức Giê-su đã thanh tẩy Ðền Thờ. Người muốn ta hãy tiếp tục công việc của Người. Giữ gìn cho Nhà Thờ luôn sạch đẹp, có bầu khí tôn nghiêm là điều cần thiết. Nhưng cần hơn vẫn là giữ gìn ngôi Ðền Thờ thiêng liêng là chính bản thân ta. Tâm hồn chính là cung thánh nơi Chúa ngự. Ta phải luôn luôn thanh tẩy tâm hồn để xứng đáng với Chúa. Hãy thanh tẩy tâm hồn khỏi thói tôn thờ tiền bạc, coi trọng tiền bạc hơn Chúa. Hãy thanh tẩy tâm hồn khỏi những dục vọng đam mê làm ô uế cung thánh của Chúa. Hãy thanh tẩy tâm hồn khỏi thói gian tham, bất công. Hãy thanh tẩy tâm hồn ta khỏi những kiêu căng đố kỵ. Thân xác ta là Ðền Thờ của Chúa. Hãy kính trọng thân xác của mình và của người khác. Hãy tu bổ những Ðền Thờ thân xác đã xuống cấp, suy tàn, bị xúc phạm, bị bán rẻ. Hãy sửa chữa những Ðền Thờ thân xác đang bị bào mòn vì bệnh tật, vì đói khát, vì thương tích. Hãy kính trọng thân xác của người khác vì đó là Ðền Thờ của Chúa.

Trong Mùa Chay này, ta hãy cố gắng thanh tẩy bản thân, để tâm hồn và thân xác ta trở thành một Ðền Thờ xứng đáng cho Chúa ngự.

Gm. Giu-se NGÔ QUANG KIỆT, Giáo Phận Lạng Sơn

SUY TƯ:

PHONG TRÀO XÂY CẤT

Vua Ða-vít đã mong xây được Ðền Thờ cho Thiên Chúa, nhưng lực bất tòng tâm. Ðến đời con trai kế vị là vua Sa-lô-môn thì ông quyết tâm thực hiện cho bằng được ước nguyện của cha. Trong khi đến đốc thúc cánh thợ xây cất Ðền Thờ, vua Sa-lô-môn đã gặp vị kỹ sư trưởng và tỏ ý khuyến khích ông ta hãy hăng say nhiệt thành lo xây dựng Nhà cho Chúa. Không ngờ ông này bèn hỏi nguyện cầu lại: "Bẩm hoàng thượng, không lẽ Thiên Chúa mà cũng cần phải có nhà hay sao ?" Và vua Sa-lô-môn, nổi tiếng là một vị vua khôn ngoan, đã đứng lặng người !

Hiện nay, khắp nơi đang rộ lên phong trào xây cất. Người người nhà nhà đều xây cất. Các Dòng Tu, các Giáo Xứ, các cơ sở tôn giáo cũng tích cực quyên góp, giốc tiền vào việc xây cất những Nguyện Ðường, những Tu Viện, những ngôi Nhà Thờ, những văn phòng Giáo Xứ mới hơn, đẹp hơn, to hơn... Và lỡ có một ai đó lập lại câu hỏi của viên kỹ sư trưởng thời vua Sa-lô-môn: "Không lẽ Thiên Chúa mà cũng cần phải có nhà hay sao ?" thì chúng ta có đứng lặng người không nhỉ ?

Trong khi đó, ngược lại, vẫn đang có khá nhiều người, nhiều Linh Mục tu sĩ đang âm thầm dấn thân nhiệt thành vào việc xây cất, cũng là xây cất Ðền Thờ cho Thiên Chúa, nhưng là nhiều, thật nhiều những Ðền Thờ biết đi, biết sống, biết ca hát, những Ðền Thờ trong trái tim bằng thịt, những Ðền Thờ không bao giờ sụp đổ ( x. 1 Cr 6, 19 ). Những công trình xây cất này không hề cần đến giấy phép của chính phủ, nhưng đòi hỏi chúng ta phải góp công góp của, góp thời giờ, và nếu cần phải góp của con người chúng ta. Ðó là công việc xây dựng chính Nước Trời trong lòng người. Ðó là công việc "viết sứ điệp của Chúa, không phải bằng mực, nhưng bằng Thần Khí của Thiên Chúa Hằng Sống, không phải là khắc trên những tấm bia bằng đá, nhưng là ghi sâu trên những tấm bia bằng thịt xương là chính tâm hồn con người" ( x. 2 Cr 3, 3 ).

Ðền Thờ do vua Sa-lô-môn xây cất đã bị tàn phá. Ðền Thờ thứ hai được tái thiết sau thời Dân Do-thái bị Lưu Ðày ở Ba-bi-lon trở về, cũng đã bị hủy diệt. Ðền Thờ vua Hê-rô-đê xây cất thời Chúa Giê-su cũng chẳng còn viên đá nào trên viên đá nào. Thế nhưng, những Ðền Thờ con tim, Ðền Thờ tâm hồn con người thì vẫn cứ còn mãi qua bao giòng lịch sử thăng trầm.

Lạy Chúa, xin cho lòng nhiệt thành cho Nhà Chúa luôn thiêu đốt con" ( Thánh Vịnh 69, 10 ).

Theo DAILY BREAD 4.5.2000

CẦU NGUYỆN:

NGÔI THÁNH ÐƯỜNG ÐỜI CON


Lạy Chúa, cuộc đời con là một ngôi Thánh Ðường,

Từ tro bụi, bao năm trường xây đắp,

Con tự hào với tất cả niềm tin,

Bằng đôi tay, bằng mối tình nghệ sĩ,

Ðể vươn lên thật cao quý tôn nghiêm...

Con cố gắng, con miệt mài tìm kiếm,

Từ khắp nơi, mọi góc biển chân trời,

Trên quê hương những loại đá tuyệt vời.

Con làm việc không một lời than vãn:

Xẻ, đục, cưa và chạm trổ say mê.

Tay xây xát, con không hề bỏ cuộc,

Búa đẽo hư, con một mực kiên trì...

Con mải mê làm, cho đến khi ẩn hiện

Những phù điêu cảnh thánh điện, thiên thần

Ðang tấu nhạc thật hòa vang tôn kính,

Nét vui tươi và thanh tĩnh nụ cười...

Ôi lạy Chúa, con chẳng dám che giấu Ngài,

Ðôi lúc... từ tay con khi miệt mài chăm chú,

Lại nổi lên hình bọn quỷ sứ đười ươi,

Mặt gớm ghê, lại khóc cười nham nhở !

Nhưng lạy Chúa, cuộc đời con có lắm khi là... như vậy !

Con lại cố gắng, lại say mê làm lại,

Ðể xóa đi những kỳ quái ngu si.

Con giốc sức để một khi hoàn tất,

Ngôi Thánh Ðường sẽ được thật nguy nga,

Tháp vút cao, vươn lên qua tàn lá,

Xuyên mây mù, vượt quá tầm chim bay,

Ðể muôn người khi đến đây chiêm ngưỡng,

Ngửng lên nhìn theo mãi hướng thiên cung...

Lạy Chúa, ngôi Thánh Ðường của đời con

Không thể xong trong một sớm một chiều,

Nhưng vun đắp trải qua nhiều năm tháng,

Cùng với nhiều biến dạng của thời gian.

Có thể, con sẽ vui mừng hay than van khóc lóc,

Con sẽ đổ giọt mồ hôi khó nhọc,

Thậm chí, đổ máu đào khi học biết thương đau...

Thế nhưng, con mãi vững tin vào sức mạnh

Chẳng phải từ nơi con để vượt thắng giòng đời,

Mà tâm nguyện: chỉ nơi Ngài, Thiên Chúa,

Ngôi Thánh Ðường con sẽ tựa trung kiên,

Ðể trụ vững giữa đảo điên nhân thế,

Ðể hiên ngang đứng giữa bể dâu đời...

Lạy Chúa, con chỉ là người thợ cả,

Chính Ngài, con không quá lời đâu:

Là Thiên Chúa, là Khởi-Ðầu, là Chung-Cuộc,

Chính Ngài, Nhà-Kiến-Trúc của đời con...


 "La Cathédrale de ma vie" của CHARLES SINGER, chuyển thơ: Lm. LÊ QUANG UY

CHIA SẺ:

LẠI BẮT ÐẦU

Thời gian cứ trôi mãi trôi mãi, nó chẳng chờ đợi một ai cả. Và rồi Mùa Chay năm nay lại về sau những ngày Tết Nguyên Ðán. Ðang miên man suy nghĩ về bản thân, về cuộc đời, về những ngày chay tịnh... Ngố giật mình sau khi kiểm điểm bản thân chẳng thấy tiến bộ là bao nhiêu. Sao mà lạ thế nhỉ ? Cuộc đời của Ngố trải qua hơn 30 Mùa Chay rồi mà, sao mà kỳ quá vậy ?

Ðang miên man suy nghĩ thì Ngố nhớ lại bài hát mà Ngố vẫn hay thường nghe và chính Ngố cũng hay hát: "...Nguyện xin Chúa giúp con bắt đầu và lại bắt đầu..." Lời bài hát ấy như nhắc nhớ là Ngố phải bắt đầu và luôn luôn bắ đầu sau mỗi lần té ngã. Suốt Lịch Sử Cứu Ðộ, nếu không lầm thì cái kinh nghiệm "lại bắt đầu" ấy được diễn tả qua nhiều hình ảnh. Mỗi một người đều mang một vẻ, thế nhưng sự bắt đầu đã làm biến đổi cuộc đời của họ. Và rồi họ đã được hưởng hạnh phúc trong tay Chúa khi cuộc đời của họ luôn "bắt đầu".

Còn đó một vua Ða-vít đã làm không biết bao nhiêu chuyện tày đình, thế nhưng nhìn lại bản thân ông đã nói lên tự đáy lòng mình: "Lạy Chúa xin ngoảnh mặt đừng nhìn bao tội lỗi... Xin lấy lòng nhân hậu xót thương con..." ( Tv 50 ). Với tâm tình thống hối ăn năn như thế, ông đã bắt đầu làm lại từ đầu, làm lại một cuộc đời mới và chắc hẳn Chúa không hề bỏ ông.

Còn đó một Ma-ri-a Ma-đa-lê-na, được hiểu như một cô gái giang hồ. Vậy mà bà đã "lại bắt đầu", bắt đầu với hành động cụ thể là đã theo Chúa và thậm chí dám bỏ ra 300 đồng mua đầu thơm để xức cho Chúa ( 300 đồng vào thời đó gần bằng lương một năm của một người công nhân bây giờ ).

Không còn gì để chúng ta hình dung được một môn đệ mà được người ta gọi là "lừa thầy phản bạn" như Phê-rô ngày xưa. Thế nhưng sau khi nhìn ra việc mình làm Phê-rô đã hối hận và đáp trả lại bằng ba lần tuyên xưng và đặc biệt là đã theo Thầy cho đến hơi thở cuối cùng và ông xin cho chết như Thầy nhưng xin treo ngược vì không xứng đáng. Một người không bị về không, không bị tay trắng lại vẫn trắng tay ngay sau khi vừa "lại bắt đầu", đó là anh trộm lành. Biết rằng mình đã phạm tội và tha thiết nài xin với Ðức Giê-su đặc ân là cho hưởng Nhan Thánh khi Người về Nước của Người. Ngố trộm nghĩ cho chính mình: "lại bắt đầu" sẽ không bao giờ là muộn màng, chỉ trừ khi nào ta cứ ù lì và không chịu bắt đầu mà thôi.

Mùa Chay năm nay, Ngố cũng muốn "lại bắt đầu". Thế nhưng còn đó một con người đầy dẫy những cái thâm sân si của cuộc đời, còn đó lòng dạ của một con người đầy bất nhất, bất trung, bất tín, làm sao mà lại bất đầu được ? Mùa Chay năm nay, Ngố tự nhủ: thôi thì ngày mỗi ngày, Ngố cứ cố gắng bắt đầu chút chút vậy. Có còn hơn không, muộn còn hơn là chẳng bao giờ !

Ts. AN MAI, DCCT

THÔNG TIN:

NHỮNG KHOẢN TIỀN VÀ QUÀ ÂN NHÂN MỚI CHIA SẺ

- Một Linh Mục ( Sài-gòn ) giúp người nghèo . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . 200.000 VND

- Dòng Nữ Tỳ Chúa Giê-su Linh Mục ( Sài-gòn ) giúp học bổng trẻ em nghèo . . . . . . . . . . . . . . . . . . . 200.000 VND

- Anh Hoa Xuân Vinh ( Công ty Thiên Nga - Sài-gòn ) giúp học bổng trẻ em nghèo . . . . . . . . . . . . . . 100 USD

- Cô Lại Thu Thủy ( tân tòng - Sài-gòn ) giúp người nghèo . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .  300.000 VND

NHỮNG KHOẢN TIỀN VÀ QUÀ TRỠ GIÚP ÐÍCH DANH

- Công-ty Sữa Cô Gái Hà Lan tặng con cái người bệnh phong ở Ðồng Lác, Cam Ranh . . . . . . . . . . . .  192 hộp sữa đặc

- Công-ty Sữa Cô Gái Hà Lan tặng người bệnh phong ở làng Cam Tân, Nha Trang . . . . . . . . . . . . . . . .288 hộp sữa đặc

- Trợ giúp tiền thuốc bệnh tim và tiểu đường cho chị Trương Thị Bích Thủy, khuyết tật ( Sài-gòn ) . . . . . . . . . . 500.000 VN

TRỠ GIÚP XE LĂN CHO 12 NGƯỜI KHUYẾT TẬT Ở CẦN THƠ

Qua sự giới thiệu của giáo sư Hoàng Thị Diễm Trang từ đầu năm 2003, Gospelnet cùng với bà Bùi Thị Hồng Nga, đại diện Nhóm Khuyết Tật Cần Thơ đã liên hệ được với ông Nguyễn Văn Kha tại Berlin, Ðức, để xin các ân nhân nhận trợ giúp xe lăn. Và vào ngày Chúa Nhật 16.3.2003, Gospelnet cùng các đại diện tại Việt Nam của Nhóm Từ Thiện Berlin, đã tổ chức được một chuyến đi về Cần Thơ để trực tiếp trao tặng 12 chiếc xe lăn mới của Ðài Loan, loại xếp được, trị giá tổng cộng 12.000.000 VND cho 12 anh chị em khuyết tật tại Cần Thơ có tên trong danh sách dưới đây:

01. Ông PHẠM PHÚ QUỐC, Munchen, Germany tặng xe lăn số 353 cho chị HUỲNH NGỌC HỒNG NHUNG, sinh 1977, địa chỉ 172 B Lê Bình, phường Hưng Lợi, thành phố Cần Thơ.

02. Bà NGUYỄN THỊ HIẾU, Florida, Hoa Kỳ tặng xe số 354 cho chị NGUYỄN THỊ HOÀNG YẾN, sinh 1977, ấp Long Hoà A, xã Long Thạnh, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Cần Thơ.

03. Bà PHẠM TỐ ANH, California, Hoa Kỳ tặng xe lăn số 355 cho chị PHAN THỊ BÉ CHÍNH, sinh 1972, địa chỉ 223 / 5 ấp 6, xã Long Mỹ, tỉnh Cần Thơ.

04. Ông LIU I LI, California, Hoa Kỳ tặng xe lăn số 356 cho chị ÐẶNG PHƯƠNG NGA, sinh 1958, địa chỉ 264 Thới Long, xã Ðông Thạnh, huyện Châu Thành, tỉnh Cần Thơ.

05. Ông LÝ HUỲNH BÁ, Geschenk zum 50. Geburtstag von An:, Ðức, tặng xe lăn số 357 cho anh NGUYỄN VĂN DŨ, sinh 1977, địa chỉ 332 khóm 7, xã Cái Vồn, huyện Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long.

06. Bà NGUYỄN THỊ CHÂU LIÊN, Ðức, tặng xe lăn số 358 cho anh NGUYỄN MINH TÍNH, sinh 1983, địa chỉ 128 ấp Lái Hiếu, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Cần Thơ.

07. Gia đình ông bà MÙI và YÊN, Berlin, Ðức, tặng xe lăn số 359 cho chị QUÁCH THỊ KIM YẾN, sinh 1975, địa chỉ ấp 5, xã Long Mỹ, tỉnh Cần Thơ.

08. Ông FELIX POPPENBERG, Schermbeck, Ðức, tặng xe lăn số 360 cho anh NGUYỄN THANH HẢI, sinh 1983, địa chỉ 9 / 7 hẻm 2, đường 30 tháng 4, phường Hưng Lợi, thành phố Cần Thơ.

09.  Bà KIM LINDA POPPENBERG, Schermbeck, Ðức, tặng xe lăn số 361 cho chị LÊ THỊ THÙY DƯƠNG, sinh 1981, ấp Bình Phong, xã Vĩnh Tường, huyện Vị Thủy, tỉnh Cần Thơ.

10.  Một người ẩn danh, New Jersey, Hoa Kỳ, tặng xe lăn số 362 cho anh TRẦN THANH TÚ, sinh 1972, địa chỉ 132 / 22 đường Nguyễn Thị Minh Khai, thành phố Cần Thơ.

11. Ông MICHELE TRẦN, Ðức, tặng xe lăn số 363 cho chị NGUYỄN HỒNG MINH, sinh 1978, địa chỉ 310 / 9 / 19 đường 30 tháng 4, phường Hưng Lợi, Cần Thơ.

12. Ông MICHELE TRẦN, Ðức, tặng xe lăn số 364 cho anh NGUYỄN PHƯỚC TRÍ, sinh 1970, địa chỉ 162 C đường 3 tháng 2, thành phố Cần Thơ.

Ngoài ra, Nhóm Xe Lăn Từ Thiện Berlin cũng chi thêm 900.000 VND cùng với 1.600.000 VND trích từ Quỹ Gospelnet, tổng cộng: 2.500.000 VND để trang trải chi phí các mặt sau đây:

- Xe tải vận chuyển 12 thùng xe lăn từ Sài-gòn về Cần Thơ: 700.000 VND.

- Xe chở đoàn gồm: 3 người đại diện Nhóm Xe Lăn Từ Thiện Berlin, 2 người của Gospelnet, 2 người của Nhóm Khuyết Tật Cần Thơ từ Sài-gòn về Cần Thơ: 700.000 VND.

- Làm 12 bảng tên gắn lên thành xe lăn, bảng tên cầm tay và rửa hình: 100.000 VND.

- Phục vụ bữa ăn sáng, nước giải khát và bữa ăn trưa cho các anh chị em khuyết tật về nhận xe và các anh chị em tình nguyện viên của Cần Thơ: 500.000 VND.

- Tiền xe cho anh chị em tập trung về Cần Thơ và mang xe lăn trở lại quê: 500.000 VND.

Gospelnet cũng xin biết ơn Trường Mầm Non của các soeurs Dòng Chúa Quan Phòng Cần Thơ, đã rất ân cần và chu đáo trong việc cho mượn địa điểm tổ chức trao tặng xe lăn. Cũng xin nói thêm là đa số các anh chị em nhận xe lăn lần này đều là những người đã từng đoạt huy chương vàng và bạc trong Hội Diễn Văn Nghệ và Hội Thao Người Khuyết Tật Toàn Quốc tại Huế năm 2002 vừa qua. Cuối cùng, chúng tôi xin ghi lại ở đây một bài vọng cổ tự biên tự diễn hết sức cảm động của chị Phan Thị Bé Chính ( Trong hình là người thứ hai, ngồi hàng đầu, từ trái sang ), một trong 12 anh chị em vừa nhận xe lăn: LỜI CON CHIM XANH.

Nói lối:               Em lặng nhìn các bạn tung tăng.

                             Ðôi mắt mở to như khát khao cháy bỏng

                             Cánh chim bay, chuồn chuồn quanh quẩn.

                             Em lặng thầm trong nỗi xót xa....

Vọng cổ:            Nhìn cánh chim bay giữa khoảng trời cao rộng mà nước mắt em rơi thắm đượm... khăn... hồng... Ôi tuổi thơ em sao bất hạnh chất chồng. Em muốn bay cao lên khoảng trời mơ ước, những lúc vui đùa rượt đuổi tắm sông, hay mùa mưa cùng các bạn ra đồng, bắt ốc mò cua thả diều phơi phới, mà giờ đây sao trống vắng quạnh hiu, sớm sớm chiêu chiều trong căn nhà quạnh quẽ...

                             Mẹ cõng em đến trường với nỗi niềm hy vọng xóa tan đi bao mặc cảm tật nguyền... Học tập đùa vui cùng các bạn hiền... những lúc ra chơi hay đến giờ lao động em chỉ ngồi buôn chớ chẳng biết làm chi, bởi đôi chân mình đã bất nằm im, chôn chặt đời em trong bức tường ngăn cách em khao khát được như chim xanh đó và thèm được hoà đồng cùng bè bạn gần xa...

Ngâm thơ:          Ðời khuyết tật nhưng không tàn phế.

                             Dạt dào yêu cuộc sống tự vươn lên

                             Bạn bè hỡi chúng ta vượt khó.

                             Với sức người sỏi đá cũng thành cơm.

Vọng cổ:           Ðôi cánh chim xanh đã được những tấm lòng nhân góp lại, trên chiếc xe lăn trên con đường rộng mở hớn hở niềm vui chan chứa biết bao lời... Mơ ước từ lâu nay em tìm thấy được rồi... Xe là người bạn thủy chung trên con đường mưa nắng, là đôi chân gắn liền bao cay đắng buồn vui, ơn nghĩa này vời vợi không phai đối với người con gái tật nguyền và bất hạnh, ước mong sao những bạn em tìm được nguồn sống, trên chiến xe lăn trong cuộc sống đời thường...

Lý Mỹ Hưng:    Ðời em như là cánh lan tím buồn. Nở giữa mùa xuân cho lòng vấn vương thâm tình, vì em đã thấy đời đẹp hơn nhân nghĩa bao la, người ơi sẽ sống vì nhau, xin hãy góp phần, giữ cho niềm tin trong sáng, ta chớ ưu phiền, vững tâm vượt ngàn gian nan...

Về vọng cổ:       Biết nói gì hơn khi niềm vui đã đến,

                             Em được tham gia Hội Khuyết Tật của tỉnh nhà...

                             Cảm ơn tình yêu cuộc sống, cảm ơn bạn đồng hành luôn kề cận bên em,

                             Lời ca thay kẻ tri ân, tạ tình nghĩa cả mặn mà không phai...

TRỠ GIÚP ÐẶC BIỆT CHO MỘT EM SINH VIÊN NGHÈO Ở SÀI-GÒN

Ông Hoàng Huy Trần, sau một thời gian dài trợ giúp cho em Võ Hoài Phương, một người khuyết tật Củ Chi, cần tiền để học nghề, nay quyết định ủy thác cho Gospelnet trợ giúp hàng tháng số tiền 200.000 VND cho bạn sinh viên NGUYỄN THÀNH CÔNG, đại học Bách Khoa năm thứ ba, khoa Ðịa Chất Dầu Khí, hiện ngụ tại phòng số 413 B, Ký Túc Xá Bách Khoa, số 497 đường Hòa Hảo, phường 7, quận 10.

HỌC BỔNG CHO 20 EM DÂN TỘC Ở BUÔN MA THUỘT

Sr. Phạm Thị Tuyết Mai, Dòng Nữ Vương Hòa Bình, giới thiệu một danh sách 20 em học sinh người dân tộc, đa số là di dân từ Yên Bái vào, hiện ở rải rác trong các xã Tam Giang, huyện Krông Năng, xã Ðức Minh, huyện Ðăkmil, Buôn U, huyện Cư Jút, tỉnh Ðăklak, thuộc Giáo Phận Buôn Mê Thuột. Gospelnet số 101 xin bắt đầu trợ giúp cho mỗi em 50.000 VND kể từ tháng 3.2003, tổng cộng: 1.000.000 VND ( không có cho 3 tháng hè ).


01. SÙNG A CHANH, sinh 1988, lớp 3.

02. SÙNG A MÀNG, sinh 1990, lớp 1.

03. VÀNG A SÊNH, sinh 1991, lớp 1.

04. HỜ A THÔNG, sinh 1992, lớp 1.

05. HỜ A LỪ, sinh 1994,l ớp 1.

06. SÙNG THỊ ÐỦ, sinh 1994, lớp 1.

07. SÙNG MAI CHI, sinh 1996, mẫu giáo.

08. VỪ A THÁI, sinh 1991, lớp 2.

09. VỪ A DUNG, sinh 1990, lớp 1.

10. SÙNG A SUA, sinh 1992, lớp 1.

11. SÙNG THỊ TỐNG, sinh 1995, lớp 1.

12. HỜ THỊ SÚA, sinh 1990, lớp 3.

13. SÙNG A Ư, sinh 1990, lớp 1.

14. SÙNG A TÙNG, sinh 1995, lớp 1.

15. BÙI VĂN TRƯỜNG, sinh 1992, lớp 1.

16. PHẠM HOÀNG QUÝ, sinh 1992, lớp 5.

17. Y NGHIÊM-KNUL, sinh 1986, lớp 12.

18. Y THOP-YA, sinh 1986, lớp 10.

19. Y UÊ-YA, sinh 1986, lớp 10.

20. H' POK KNUL, sinh 1986, lớp 10.


Gospelnet số 106 xin tiếp tục trợ giúp tháng 4.2003 số tiền tổng cộng 1.000.000 VND. Số tiền lần này do cháu bé Trần Thanh Duy, 9 tuổi, cháu gọi cha Chân Tín, DCCT, bằng "ông cậu", đã tự nguyện gom tất cả tiền lì xì dịp Tết vừa qua để chia sẻ với các học sinh nghèo người dân tộc.

HỌC BỔNG CHO 3 EM MỘT GIA ÐÌNH NGHÈO GIÁO XỨ TÂN HÀ, BẢO LỘC

Cha Phao-lô Lê Ðức Huân, Giáo Xứ Tân Hà, Giáo Phận Ðà Lạt giới thiệu trường hợp gia đình anh Chu Quang Kiều và chị Lại Thị Xuân Lan, cư ngụ tại phường Lộc Tiến, thị xã Bảo Lộc, có 5 người con. Gia đình sống đạo đức gương mẫu, rất tích cực giúp việc ca đoàn của Giáo Xứ. Anh Kiều thể trạng gầy gò ốm yếu, thường xuyên bệnh, không lao động chân tay được, dạy thêm ở nhà để lo phần nào sinh kế. Chị Lan sức khỏe cũng rất kém, đã từng bị bệnh thập tử nhất sinh nhưng nhờ Ơn Chúa, đã được cha Nguyễn Ðức Mừng, DCCT, chữa lành, nay chị cùng chồng lo 1 sáo cà-phê và 2 sào chè để nuôi 5 người con ăn học, trong đó có hai người con lớn đã vào được đại học, đều có ý xin đi tu. Hiện tại gia đình đang rơi vào hoàn cảnh hết sức thiếu thốn, mùa nắng cháy, không thu hoạch được gì. Gospelnet số 106 xin trợ giúp 3 người con nhỏ còn đang học phổ thông, mỗi tháng mỗi cháu 50.000 VND, bắt đầu từ tháng 3 đến hết tháng 5.2003 ( cuối năm học ), 3 cháu x 50.000 VND x 3 tháng, tổng cộng: 450.000 VND.

01. CHU BÁ CƯƠNG, sinh năm 1986, đang học lớp 11.

02. CHU VĂN TRÌNH, sinh năm 1989, đang học lớp 8.

03. CHU NGỌC ÐÍNH, sinh năm 1992, đang học lớp 5.

 

TỔNG KẾT CÁC CHƯƠNG TRÌNH GOSPELNET

ÐÃ PHỤC VỤ TRONG 2 NĂM

Kể từ Gospelnet số 1 "chào đời" ngày 25.3.2001, đúng vào dịp Lễ Ðức Mẹ được sứ thần truyền tin Tin Mừng Chúa Giê-su Nhập Thể, tính cho đến hôm nay, ngày 25.3.2003, Gospelnet số 106 đánh dấu hai tuổi đời phục vụ các chương trình trợ giúp người nghèo không phân biệt tôn giáo ở mọi miền quê hương. Gospelnet xin được tổng kết công việc Truyền Thông Tin Mừng đã làm được trong suốt 2 năm vừa qua, không hề nhắm tới chuyện phô trương, nhưng là để tất cả quý độc giả và ân nhân cùng Gospelnet vui mừng thấy được hiệu quả tốt đẹp đến mức không ngờ. Dẫu sao, đây cũng chỉ là những con số diễn đạt về mặt vật chất, còn giá trị về mặt tinh thần thì quả thật không thể cân đong đo đếm được.

Gospelnet xin khiêm tốn ngỏ lời tạ ơn Thiên Chúa đã giữ gìn nâng đỡ, biết ơn Ðức Mẹ đã bảo trợ yêu thương và cám ơn tất cả mọi người đã quảng đại chia sẻ.

Gospelnet cũng không thể nào quên không nhắc đến các Linh Mục, các Tu Sĩ Nam Nữ các Dòng, các bạn sinh viên, các bạn trẻ, những anh chị em Giáo Dân cộng tác viên ở trong và ngoài nước, đã nối những nhịp cầu yêu thương đến với mọi hoàn cảnh.

Gospelnet ước mong các tập thể như: La Vang Foundation, Hội Chữ Thập Ðỏ, Hội Help The Poor, Hội Assorv Paris, Học Bổng Miyasaki Nhật-bản, Nhóm Lửa Việt, Nhóm Tình Thương, Nhóm Xe Lăn Từ Thiện Berlin, Gia Ðình CVK, các lớp Giáo Lý Dự Tòng, các anh chị em Tân Tòng, các cộng đoàn Giáo Xứ, và cả các anh chị em Phật Tử... tiếp tục rộng lượng hy sinh nhiệt thành quyên góp gửi về chia sẻ với đồng bào quê nhà.

Sau hết, Gospelnet cũng không thể quên bày tỏ một tâm tình đặc biệt: Xin cám ơn những anh chị em nghèo mà đầy lòng tự trọng, những anh chị em tàn mà không phế, những em học sinh bé nhỏ và hồn nhiên ngay trong cảnh thiếu thốn, những bệnh nhân nguy tử mà vẫn không tuyệt vọng, những anh chị em dân tộc vẫn luôn giữ vững Niềm Tin... Nếu không có tất cả những người như anh chị em, nếu anh chị em không được chính Ðức Giê-su gửi đến cho chúng tôi, Gospelnet sẽ không có lý do và đối tượng để thực hành Lòng Mến Ki-tô giáo một cách sống động và cụ thể.

Xin nêu lên những con số tổng kết có lẽ còn nhiều sai sót:

Với 659 học bổng dành cho các em học sinh nghèo, Gospelnet đã trợ giúp trải ra trong nhiều tháng liền được 20 chiếc xe đạp và 370.300.000 VND.

Với các trường hợp ngặt nghèo, già cả neo đơn và bệnh tật, các đồng bào dân tộc vùng sâu vùng xa, di dân Kinh Tế Mới, bệnh nhân phong, bệnh nhân HIV / AIDS, người cai nghiện Ma Túy, các phụ nữ chấp nhận không phá thai, trẻ mồ côi, trẻ đường phố, trẻ mù chữ ở các lớp học tình thương, người khiếm thị, các Giáo Phu vùng cao, giúp đào giếng, lợp mái, sửa nhà, tổ chức chăn nuôi trồng trọt..., tặng sách Kinh Thánh, sách Giáo Lý..., Gospelnet đã chia sẻ được nhiều tấn quà bánh, đường sữa, mì gói, quần áo, tập vở, cặp xách, đồng phục, gậy chuyên dụng của người khiếm thị..., và 607.915.000 VND.

Với 6 trường hợp mổ tim và 3 trường hợp mổ mắt, Gospelnet đã quyên góp được 53.100.000 VND.

Với anh chị em khuyết tật vận động, Gospelnet đã trao tặng được 29 chiếc xe lắc và 100 chiếc xe lăn, trị giá tổng cộng: 124.095.000 VND.

Với các đợt khắc phục hậu quả lũ lụt và lũ quét, tổ chức các phòng khám bệnh và phát thuốc, nhổ răng miễn phí, Gospelnet đã huy động được các Giáo Xứ, các nhóm, các đoàn thể Công Giáo và Phật Giáo, các công ty, các tổ chức từ thiện cứu trợ được 135.920.000 VND.

Tổng cộng: 1.291.330.000 VND ( Một tỷ hai trăm chín mươi mốt triệu ba trăm ba mươi ngàn đồng ).

Thánh Ba-si-li-ô Cả ( + 379 ) có bảo: "Những của ăn rơi vãi trong nhà anh em là thuộc về những người nghèo đói. Những đôi giày chất đống dưới gầm giường của anh em là thuộc về những người không có giày dép. Những người trần trụi có quyền sử dụng những quần áo tích trữ trong rương của anh em. Những tiền của mất giá trong két của anh em là của những người lầm than khổ sở". ( Cité par Van den Bussche, Le Notre Père, Paris, 1960 ).

Gospelnet cũng xin ghi lại một lời nói của Mẹ Tê-rê-xa thành Calcutta, người sẽ được Giáo Hội tôn phong vào ngày 19 tháng 10 năm 2003: "Nếu những người nghèo của chúng ta chết vì đói, không phải vì Thiên Chúa không săn sóc họ, nhưng là vì bạn và tôi đã không cho họ, bạn và tôi đã không trở thành một dụng cụ tình thương trong tay Chúa, để những người nghèo đó được của ăn áo mặc, đó chính là vì bạn và tôi đã không nhận ra Chúa Ki-tô khi Người đến trần gian này dưới hình hài một người chịu đói khát, dưới hình hài một đứa trẻ lang thang, không có gia đình và nhà cửa..."

Gospelnet cũng xin trích một câu chuyện như một chứng tá dễ thương của thời đại đăng trên báo Dân Chúa Âu Châu như sau: 

Mẹ Tê-rê-xa đã rất cảm động khi nhận được thư của một bé gái từ Hoa Kỳ gửi tới. Em bé 6 tuổi được người cha giúp cho viết lá thư gửi đến Mẹ. Em sắp được Rước Lễ lần đầu và đã quyết định nói với cha mẹ: "Xin ba má đừng may áo đắt tiền cho con nhân dịp con được Rước Lễ lần đầu, cũng đừng tổ chức tiệc tùng. Thay vào đó, xin cho con số tiền ấy để con gửi giúp Mẹ Tê-rê-xa chuyển cho các trẻ em nghèo. Con có thể mặc quần áo đồng phục ở trường trong dịp Rước Lễ lần đầu cũng được..." Thế là trong khi các bạn đều có áo mới và đẹp thì em chỉ mặc bộ đồng phục đơn sơ và tầm thường. Cha mẹ em cảm động khi thấy bé gái duy nhất của mình làm tất cả những điều đó để giúp các trẻ em nghèo của Mẹ Tê-rê-xa, vì thế, bà mẹ cũng quyết định ngừng hút thuốc, còn ông bố thì cai rượu để chung góp với con ( Chiamati alla Santità, Ed. Rogate, Roma, 1987 ).

Lại thêm một câu chuyện cảm động khác do Mẹ Tê-rê-xa ghi lại:

Tại Nhật, một phụ nữ viết cho Mẹ Tê-rê-xa: "Sau khi đọc một phóng sự về tình trạng các trẻ em ở Ấn-độ, tôi có nói chuyện với hai đứa con trai, một đứa 8 tuổi và đứa kia 5 tuổi. Chúng tôi không giàu có gì, và đời sống ngày một khó khăn do nạn lạm phát và khủng hoảng kinh tế. Dù vậy, chúng tôi cũng được 3 bữa một ngày. Tôi đọc trong bài phóng sự rằng, nếu tất cả mọi người là anh chị em với nhau, thì tại sao lại không chia cơm sẻ bánh với những người anh em nghèo khổ hơn mình ? Ðứa con 8 tuổi của tôi đã đưa ra một đề nghị được mọi người chấp thuận: nhường bữa cơm thứ 3 mỗi tuần 3 lần để giúp đỡ những người nghèo khổ ở Ấn-độ..."

Gospelnet cũng tìm được một lời chia sẻ mà rất tiếc không biết được tác giả là ai:

"Chúng ta biết những việc nhỏ bé đó chỉ là một giọt nước trong biển cả. Nhưng nếu giọt nước ấy không có, thì biển cả cũng vơi đi một chút gì đó. Tôi không muốn chúng ta dùng những phương tiện lớn lao. Ðiều quan trọng đối với chúng ta là chính công việc chúng ta làm. Ðể bắt đầu yêu thương ai, chúng ta cần phải liên lạc chặt chẽ với người ấy. Nếu chúng ta cứ đợi cho đủ số lượng, thì số lượng này sẽ nuốt chửng chúng ta. Và chúng ta sẽ không bao giờ có thể biểu lộ tình thương và sự kính trọng của chúng ta đối với người ấy nữa. Mỗi người đều là Ðức Giê-su đối với tôi, và bởi vì chỉ có một Ðức Giê-su duy nhất, nên chính người ấy cũng đồng thời là người duy nhất trên đời này đối với tôi".

Chúng ta đang ở trong Mùa Chay 2003, xin cùng nhau đọc lại Sứ Ðiệp Mùa Chay 1989 của Ðức Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô 2:

"Nạn đói trên thế giới đang đè nặng trên bao nhiêu triệu người tại nhiều quốc gia, nhưng người ta càng làm cho nạn đói đó thêm tàn ác tại một số lục địa và quốc gia, làm tổn hại người dân và cản trở cuộc phát triển đất nước. Trong thế kỷ 20, chúng ta có lý mà hãnh diện vì những tiến bộ khoa học và kỹ thuật, nhưng chúng ta còn phải tiến bước nhiều trong tình nhân đạo. Chúng ta không thể thụ động và lãnh đạm thờ ơ ngồi đó nhìn thảm kịch của bao nhiêu dân tộc, vì thiếu ăn nên đang phải sống trong tình trạng ngắc ngoải".

Nhưng trên hết, chúng ta lắng nghe chính Lời Ðức Giê-su trong dụ ngôn Mt 25:

"Xưa Ta đói, các ngươi các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm nom; Ta ngồi tù, các ngươi đã đến thăm". Bấy giờ những người công chính sẽ thưa rằng: "Lạy Chúa, có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đói mà cho ăn, khát mà cho uống; có bao giờ đã thấy Chúa là khách lạ mà tiếp rước; hoặc trần truồng mà cho mặc ? Có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đau yếu hoặc ngồi tù, mà đến thăm đâu ?" Ðể đáp lại, Ðức Vua sẽ bảo họ rằng: "Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy".